Một số vấn đề của các tạp chí khoa học Việt Nam tham gia phản biện khoa học và phản biện xã hội
PROBLEMS OF SCIENTIFIC AND SOCIAL CRITICISM IN VIETNAMESE SCIENTIFIC JOURNALS TODAY
Tác giả bài viết: PHAN VĂN KIỀN
(Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn)
TÓM TẮT
Hệ thống các tạp chí khoa học ở Việt Nam hiện nay khá phong phú cả về số lượng, nội dung và định kỳ. Tuy nhiên, đằng sau sự phát triển tưởng như là mạnh mẽ ấy, hệ thống này vẫn bộc lộ nhiều vấn đề đòi hỏi phải có các giải pháp tổng thể để giải quyết. Bài viết này, bằng cách nhìn nhận tổng quan về hệ thống các tạp chí khoa học tại Việt Nam tham gia phản biện khoa học và phản biện xã hội, đồng thời khảo sát cụ thể trên một số trường hợp, sẽ chỉ ra một số thực trạng phát triển của hệ thống này, cả về ưu điểm và nhược điểm. Từ đó đề xuất một số giải pháp để giải quyết vấn đề. Về mặt chuyên môn, bài viết được tiếp cận dưới góc độ và quan điểm của ngành báo chí và truyền thông.
Từ khóa: Tổ chức và xây dựng tạp chí, thực trạng tạp chí khoa học, tạp chí khoa học.
ABSTRACT
The system of science journals in Vietnam is quite abundant in terms of quantity, contents and frequency. However, behind this seemingly strong development, this system still exposes many problems which requires comprehensive solutions. Begining with a systematic and critical overview of the system, this paper studies in particular some cases to point out its actual situation, then proposes a potential solutions to change and develop of the Vietnamese scientific journals. In this paper, the problems are approached from the viewpoint of journalism studies.
Keywords: Journal publishing, magazine publishing, actual situation of the Vietnamese journals, journal of science.
x
x x
1. Thực trạng∗
1.1. Số lượng phong phú
Có thể thấy rằng, hệ thống tạp chí ở Việt Nam hiện nay rất phong phú về số lượng và phân bố trên từng lĩnh vực. Riêng tạp chí in, ở Việt Nam hiện có 528 tờ. Trong 592 tờ tạp chí này, được phân loại ra thành nhiều dòng tạp chí (tạp chí chuyên ngành, tạp chí chỉ dẫn – giải trí, tạp chí thông báo…).
Riêng dòng tạp chí khoa học, ở hầu hết cơ quan nghiên cứu của mỗi ngành đều có tạp chí của ngành mình. Trong mỗi ngành, thậm chí còn được phân ra từng chuyên ngành hẹp để xuất bản tạp chí riêng. Thí dụ: Ở tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội, dưới tên gọi là Tạp chí khoa học, mỗi chuyên ngành hẹp lại được chia ra thành các chuyên san như Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên, Khoa học trái đất, Luật – Kinh tế, Toán học…
Với số lượng tạp chí phong phú như vậy, nếu tất cả các tạp chí đều đảm bảo được yêu cầu về nội dung và hình thức của mỗi dòng tạp chí thì có thể đáp ứng rất tốt nhu cầu thông tin, thảo luận, trao đổi của công chúng ở mỗi dòng.
Không chỉ về số lượng tạp chí, số lượng bài viết trên các tạp chí cũng tăng lên theo thời gian. Kết quả khảo sát trên 4 tạp chí nghiên cứu về Kinh tế cho thấy sự tăng lên về số lượng bài viết trên các tạp chí tại Việt Nam [1-3]:
Tên tạp chí | Năm 2010 | Năm 2011 | Tỷ lệ tăng (%) |
Nghiên cứu kinh tế | 39 | 48 | 18,8 |
Kinh tế và dự báo | 135 | 177 | 23,7 |
Thông tin tài chính | 153 | 170 | 10 |
Tổng | 327 | 395 | 17,2 |
1.2. Tính liên ngành cao, tính định kỳ rõ
Điều này có thể thấy rõ trong từng dòng tạp chí, đặc biệt là ở dòng tạp chí khoa học. Tính liên ngành ở đây thể hiện dưới hai khía cạnh: Dùng các phương pháp liên ngành để giải quyết các nội dung của ngành mình và dùng phương pháp cơ bản của ngành mình để giải quyết các nội dung liên ngành.
Trong các dòng tạp chí tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là dòng tạp chí khoa học, biểu hiện tính liên ngành thứ hai (dùng các phương pháp cơ bản của ngành để nghiên cứu các nội dung liên ngành) được thể hiện khá rõ rệt.
Sự kết hợp khá chặt chẽ này, nếu được thực hiện đảm bảo tính khoa học và đúng quy trình chất lượng của nó thì giá trị của mỗi tạp chí sẽ được tăng lên rất nhiều so với việc chỉ dùng phương pháp nghiên cứu cơ bản của ngành mình cho nội dung của ngành.
Mặc dù cả báo và tạp chí đều có sự tương đồng về tính định kỳ, bởi đây là nguyên tắc cơ bản của hoạt động báo chí có từ trước đó. Nhưng ở mỗi loại hình lại có sự khác nhau. Tính định kỳ của báo thường ngắn hơn và có ở thời điểm nhất định, có khi tính bằng giờ (đối với báo in), có khi tính bằng giây, bằng phút (đối với phát thanh, truyền hình, báo điện tử).
Tính định kỳ tạp chí dài hơn báo, tạp chí không xuất hiện nhiều hơn một tuần một lần, có khi là nửa tháng, một tháng, thậm chí một quý hoặc sáu tháng. Vì vậy thời điểm xuất bản định kỳ cho mỗi số không bị ràng buộc như báo.
Ở dòng tạp chí nghiên cứu, tính định kỳ càng thưa bởi để đảm bảo tính chất nghiên cứu của nó, các tạp chí đòi hỏi phải có các bài mang tính chất nghiên cứu và có nội dung mới. Điều này không thể thực hiện theo hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Có những tạp chí có lượng gửi bài của các chuyên gia, cộng tác viên rất phong phú nhưng vẫn chỉ ra được mỗi năm 4 số bởi tính chọn lọc bài viết khá khắt khe của tòa soạn như Tạp chí Khoa học của ĐHQGHN.
Một số tạp chí nghiên cứu vì không có đủ lượng bài mang tính nghiên cứu nhưng đến định kỳ vẫn phải ra, đã dùng tin tức thông thường của báo chí và cả những bài báo thông thường đăng trên tạp chí của mình (thí dụ tạp chí Thanh Niên của Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, tạp chí Người làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam…). Vấn đề này sẽ được làm rõ ở sau. Có hai dạng định kỳ. Đó là định kỳ của bản báo, thường gọi là định kỳ chung cho cả số tạp chí đã được đăng ký cấp giấy phép. Định kỳ này không có sự thay đổi, nếu có thay đổi cần có sự đồng ý và phê duyệt của cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý. Định kỳ của từng chuyên mục, hay gọi là định kỳ của vấn đề. Định kỳ này do tòa soạn quyết định, nó có thể thây đổi nếu vấn đề, chuyên mục không còn phù hợp hoặc hấp dẫn nữa. Sự thay đổi các chuyên mục trên tạp chí không nhiều bởi các vấn đề nghiên cứu tương đối ổn định, ít thay đổi.
1.3. Tính chất thông tin, cổ vũ, tuyên truyền
Tính chất thông tin, cổ vũ, tuyên truyền đang lấn át tính chất phản biện, tranh luận Với lượng tạp chí phong phú như đã nêu ở trên, nếu đảm bảo được các yêu cầu về chất lượng và nội dung nghiên cứu thì các dòng tạp chí ở Việt Nam sẽ thực hiện rất tốt vai trò tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tuy nhiên, một thực trạng ở rất nhiều tạp chí, đặc biệt là tạp chí khoa học là tính chất thông tin, cổ vũ, tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách, văn bản… của Đảng, Nhà nước và các chính sách của từng ngành vẫn đang lấn át những bài viết mang tính phản biện thực sự hoặc thảo luận, tranh luận về một vấn đề mang tính học thuật.
Cũng dùng các phương pháp nghiên cứu, cũng đụng chạm đến các nội dung liên ngành, nhưng các tạp chí khoa học hiện nay dường như đang “tránh” hoặc “sợ” khi chạm tới các vấn đề tranh luận mang tính học thuật.
Thí dụ: Trên các tạp chí Khoa học về chính trị, các tạp chí phân tích rất sâu, rất kỹ và khá nhiều về sự đúng đắn của các chủ trương, chính sách được ban hành, các văn bản luật và dưới luật được phổ biến… nhưng những bài viết mang tính phản biện xã hội sâu sắc thì đang xuất hiện rất hạn chế. Tất nhiên, phản biện trong khoa học phải có bằng chứng và phân tích thấu đáo. Bởi vậy, nhược điểm này có thể do hai nguyên nhân: Hoặc là đội ngũ nghiên cứu ở Việt Nam chưa đủ trình độ để phản biện các vấn đề đó. Hoặc là các tạp chí còn “sợ” sự nhạy cảm khi đụng chạm đến vấn đề chính trị. Đã chọn hướng an toàn thì tốt nhất là không đăng các vấn đề nhạy cảm.
Chính điều này đã làm giảm đi tính đặc trưng rõ rệt của các tạp chí nghiên cứu, biến hệ thống tạp chí này trở thành một loại hình thông tin tuyên truyền, cổ vũ cho các chính sách hơn là phản biện lại các chính sách để hoàn thiện nó.
Một ví dụ khảo sát trên 4 tạp chí về khoa học chính trị (Tạp chí Cộng sản, tạp chí Lý luận Chính trị, tạp chí Khoa giáo và tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới) cho thấy kết quả phản biện bị các nội dung khác lấn át [1,4-7].
1.4. Tính diễn đàn và tính hệ thống yếu
Kết cấu tổng thể chung của một tạp chí nghiên cứu thường có 3 phần: Công bố các nghiên cứu mới; trao đổi, tranh luận, thẩm định về các nghiên cứu đã công bố trước đó; giới thiệu sự kiện khoa học mới.
Tính diễn đàn của tạp chí khoa học được thể hiện rất rõ trong phần thứ hai của kết cấu chung này. Các trao đổi mang tính chuyên môn, các tranh luận học thuật là động lực để giải quyết các vấn đề tới ngọn ngành của chúng. Đó cũng là một biểu hiện rất rõ của tính phản biện đặc thù mang tính chức năng trong các tạp chí nghiên cứu.
Sự tranh luận, trao đổi, thẩm định về các vấn đề nghiên cứu đã công bố trước đó cũng góp phần làm cho tính hệ thống và liên tục trong từng tạp chí nghiên cứu được thể hiện rõ. Nếu không đảm bảo được yêu cầu này, các số tạp chí sẽ rời rạc, đứt mạch. Trong khoa học, không có tính hệ thống là một trong những nguyên nhân dẫn đến phản biện lệch chiều.
Trên các tạp chí nghiên cứu của Việt Nam hiện nay, dường như phần thứ nhất (công bố các nghiên cứu mới) mới là phần chính của các tạp chí. Số trang giới thiệu các sự kiện khoa học có nhưng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Còn phần trao đổi, tranh luận học thuật thì gần như vắng bóng.
Điều này khiến cho hầu hết các số tạp chí chỉ là những nơi công bố các nghiên cứu của các nhà khoa học, thậm chí của một người bắt đầu nghiên cứu, đang cần công bố các nghiên cứu của mình theo quy định của các cơ quan quản lý. Tất nhiên, không thể xem nhẹ nội dung này, nhưng chỉ chú trọng vào nó thì khiến cho các tạp chí chỉ là nơi đăng một chiều các công bố. Quy trình phản biện, thẩm định lại các vấn đề để tạo nên tính diễn đàn và tính hệ thống theo chiều dọc của nội dung nghiên cứu bị mất.
1.5. Mất cân đối trong số lượng, chồng chéo nội dung giữa tạp chí các ngành
Đây là một thực trạng trên tạp chí các tạp chí nghiên cứu. Thực trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân: Công chúng của loại hình tạp chí và đội ngũ chuyên gia tham gia viết bài cho tạp chí.
Ở nguyên nhân thứ nhất, các tạp chí nghiên cứu là dòng tạp chí rất kén độc giả. Bởi vậy, tính phổ biến của dòng tạp chí này chắc chắn hạn chế hơn nhiều so với các dòng tạp chí khác như tạp chí chỉ dẫn – giải trí chẳng hạn. Công chúng phục vụ của các dòng tạp chí lên đến hàng tỷ nhưng công chúng của tạp chí nghiên cứu chỉ dừng lại ở đội ngũ tri thức với số lượng ngày càng tăng nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ rất khiên tốn. Trong đội ngũ trí thức là độc giả của các tạp chí khoa học, tỷ lệ giữa các ngành cũng phân bố không đồng đều, dẫn đến nhu cầu ra đời và phát triển của các tạp chí nghiên cứu ở từng chuyên ngành hẹp cũng bị lệch.
Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn là do đội ngũ tri thức ở Việt Nam không đồng đều giữa cách ngành cả về độ tuổi nghiên cứu và độ tuổi của ngành. Là đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Việt Nam đi lên từ đói nghèo lạc hậu, bởi vậy nên các ngành khoa học được chú trọng phát triển tùy vào tình hình phát triển của đất nước theo từng giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng Xã hội chủ nghĩa, chủ trương tập trung ưu tiên các khoa học cơ bản đã khiến cho sự “lên ngôi” của các ngành khoa học cơ bản. Nhưng đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ mọi mặt để tăng trưởng kinh tế, các ngành khoa học ứng dụng bắt đầu được ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, lúc này, đội ngũ các nhà khoa học đã có thâm niên nghiên cứu và được đào tạo cơ bản – lực lượng chính tham gia viết bài trên các tạp chí – lại thuộc các ngành khoa học cơ bản.
Sự chênh lệch này khiến cho nhiều tạp chí chuyên ngành ở Việt Nam ra đời nhưng không có đội ngũ chuyên gia đủ tầm để tham gia viết bài và thảo luận các nội dung nghiên cứu.
Thực trạng này có thể thấy rõ trong số lượng tạp chí giữa 1 chuyên ngành khoa học cơ bản là Sử học và một chuyên ngành ứng dụng mới được phát triển là Báo chí – truyền thông. Hiện nay, số lượng tạp chí nghiên cứu về Sử học – Chính trị lên tới hàng chục. Có thể kể sơ qua: Tạp chí Sử học, tạp chí Nghiên cứu lịch sử, tạp chí Xây dựng Đảng, tạp chí Lịch sử quân sự, tạp chí Dân tộc học, tạp chí Lịch sử Đảng, tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, tap chí Nghiên cứu Đông Nam Á… Sự phát triển của các tạp chí về Sử học – Chính trị được thể hiện rõ trong việc phân chuyên ngành hẹp nghiên cứu rất sâu.
Còn chuyên ngành Báo chí – Truyền thông thì ngoài một số tạp chí đăng chung về chuyên ngành khoa học xã hội, số lượng tạp chí nghiên cứu dành riêng cho chuyên ngành chỉ vỏn vẹn 2 tạp chí (Người làm báo của Hội nhà báo Việt Nam và tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông của Học viện Báo chí và Truyên truyền). Chưa kể, trong mỗi tạp chí này thì tính thông tin, tuyên truyền còn lấn át tính nghiên cứu.
Thực trạng chồng chéo nội dung giữa các tạp chí chuyên ngành cũng là một vấn đề cần xem xét trong hệ thống tạp chí nghiên cứu hiện nay. Thực trạng này xảy ra giữa các tạp chí nghiên cứu của các ban Đảng và tạp chí của các ngành trực thuộc các Bộ. Trên thực tế, mỗi hệ thống có một chức năng, nhiệm vụ chính trị rõ ràng: Các cơ quan Ban Đảng thực hiện việc giám sát, theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách, đường lối. Các cơ quan Nhà nước thực hiện việc điều hành, lãnh đạo trực tiếp việc thực hiện các chủ trương, chính sách, đường lối đã được thống nhất.
Trong mỗi hệ thống có các cơ quan giống nhau nhưng khác nhau hoàn toàn về công việc. Tuy nhiên, trong mỗi hệ thống của các Ban Đảng và các cơ quan quản lý Nhà nước lại lần lượt xuất hiện các tạp chí nghiên cứu tương tự nhau. Sự trùng lặp này sẽ không có vấn đề gì nếu mỗi hệ thống xác định rõ nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, hai hệ thống tạp chí này đang có sự chồng chéo nhau trong các nội dung nghiên cứu. Sự chồng chéo này khiến cho các tạp chí vốn đã yếu về tính phản biện, nay việc công bố các nghiên cứu mới lại bị trùng lặp nhau, thậm chí công bố lại các nghiên cứu tương tự nhau về các nội dung.
1.6. Quy trình thẩm định tác phẩm chưa chặt chẽ
Với hệ thống lên tới hàng trăm tạp chí nghiên cứu nhưng số lượng tạp chí thực hiện quy trình thẩm định bằng phản biện kín không nhiều.
Một thực trạng là ở hầu hết các tạp chí, việc chọn lựa bài, quyết định bài đăng nằm trong tay Ban Biên tập và người phụ trách tạp chí, phụ trách trang. Điều này khiến cho việc thẩm định nội dung nghiên cứu bị nới lỏng, thậm chí bỏ qua bởi đội ngũ trong Ban Biên tập và biên tập viên không thể nắm hết được mọi chuyên ngành trong lĩnh vực mình.
Hơn nữa, đội ngũ này ở một số tạp chí có kinh nghiệm về quản lý nhưng kiến thức chuyên môn lại không sâu. Bởi vậy, việc thẩm định chất lượng khoa học của bài viết bị thả lỏng, dẫn tới chất lượng khoa học của các tạp chí này cũng chưa được đảm bảo.
Nghiên cứu này sẽ khảo sát một số hệ thống tạp chí nghiên cứu tiêu biểu để tìm hiểu về quá trình thẩm định bài viết của các tạp chí này.
1.7. Dung lượng tạp chí quá mỏng, dung lượng bài viết ngắn và bị khống chế
Đó là một thực trạng có thể thấy rất rõ trên từng số tạp chí nghiên cứu ở Việt Nam. Một tạp chí nghiên cứu ở nước ngoài có khi lên đến hàng nghìn trang. Nhưng tạp chí nghiên cứu ở Việt Nam ít có các tạp chí quá 100 trang.
Không chỉ dừng lại ở trang tạp chí, dung lượng bài viết trên các tạp chí nghiên cứu ở Việt Nam cũng quá ngắn. Một bài nghiên cứu thuộc chuyên ngành khoa học xã hội dao động từ 10 – 20 trang, ở Việt Nam, con số này là 7 – 8 trang. Thực trạng này khiến cho các bài viết công bố trong các tạp chí giống với các tóm tắt nghiên cứu hơn là các nghiên cứu được trình bày chi tiết, cụ thể.
Nguyên nhân của thực trạng cũng xuất phát từ hai phía: Năng lực thực hiện nghiên cứu của người công bố nghiên cứu không đủ khả năng để trình bày chi tiết và cũng chưa có thói quen đi đến cùng của vấn đề nghiên cứu. Bởi vậy nên nhiều nghiên cứu chỉ vĩnh viễn dừng lại ở công bố kết quả bước đầu.
Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn là sự khống chế dung lượng chữ trong mỗi bài nghiên cứu. Thông thường, trong quy cách gửi bài do các tạp chí đặt ra đều khống chế số lượng trang. Số lượng này không giống nhau giữa các tạp chí nhưng ít có bài viết nào vượt quá số lượng 50 trang. Trong khi đó, có những công bố nghiên cứu trên tạp chí nước ngoài lên tới 100 trang.
Sự khống chế này bắt nguồn từ số lượng trang trong mỗi số tạp chí quá mỏng vì tính định kỳ trong nhiều tạp chí nghiên cứu ở Việt Nam quá dày, trong khi nhân lực thiếu, trình độ yếu, kinh phí in ấn và nhuận bút thấp, số lượng bài viết ít. Do vậy, để đảm bảo dung lượng trang và tạp chí ra được đúng định kỳ, các tạp chí khống chế số trang công bố. Sự khống chế này ở các tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam quá nghiệt ngã, khiến cho ít có công bố nào có thể có cơ hội đi đến cùng của nghiên cứu.
2. Giải pháp
2.1. Cần một chiến lược quy hoạch tổng thể về tạp chí và tạp chí khoa học
Đã đến lúc các cơ quan quản lý báo, tạp chí Việt Nam nghĩ tới một chiến lược quy hoạch lại hệ thống tạp chí khoa học. Thực trạng chồng chéo về nội dung, mập mờ giữa tính chất nghiên cứu và tính chất thông tin của các tạp chí khiến cho năng lực nghiên cứu và công bố nghiên cứu để tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện và giám sát xã hội của hệ thống tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam bị hạ thấp.
Cần có một giải pháp phân luồng các dòng tạp chí rõ hơn bằng cách xây dựng bộ quy định về tiêu chí nội dung, hình thức và dung lượng… của các dòng tạp chí. Giải pháp này sẽ khiến cho các dòng tạp chí nghiên cứu đảm bảo được tính thống nhất và đồng đều về chất lượng nghiên cứu.
Cũng cần có một giải pháp để phân luồng các dòng tạp chí có sự chồng chéo về nội dung nghiên cứu. Cần có một hệ thống tiêu chí về nội dung để phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và nội dung của các tạp chí cùng trong một hệ thống chiều ngang về nội dung.
2.2. Xây dựng hệ thống cố vấn, cộng tác viên, các nhà khoa học…
Đội ngũ các nhà khoa học, những người nghiên cứu và đang tham gia nghiên cứu, giảng dạy đai học tại Việt Nam khá đông đảo. Tuy nhiên, số lượng người viết nghiên cứu và công bố các nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành lại rất hạn chế, đặc biệt là đội ngũ nghiên cứu trẻ. Một thống kê nhỏ tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua cuốn “Danh mục các công trình khoa học xã hội và nhân văn” [8] từ năm 2006 – 2010 và kết quả là có 71/221 tác giả là cán bộ trẻ có nghiên cứu khoa học được công bố, chiếm 32% tổng số tác giả. Trong khi đó, theo số liệu thống kê từ phòng Tổ chức cán bộ, hiện tại, số cán bộ trẻ của trường ĐHKHXH&NV là 237/486 cán bộ, chiếm gần 49 %.
Trừ đi những sai số thuộc về thiếu sót của số liệu Danh mục như có những cán bộ trẻ có nghiên cứu và công bố nghiên cứu mà không có tên trong cuốn danh mục này, cũng như có những cán bộ không còn trẻ có rất nhiều nghiên cứu và công bố nghiên cứu nhưng cũng không có tên trong danh mục này (tất nhiên, chúng tôi hiểu là số lượng cán bộ trẻ có công bố nghiên cứu nhưng không có tên trong Danh mục vẫn nhiều hơn cán bộ không còn trẻ có công bố nghiên cứu nhưng không có tên trong danh mục này), chúng ta có thể thấy ngay con số chênh lệch giữa tỷ lệ cán bộ trẻ – cán bộ không trẻ và cán bộ trẻ có công bố nghiên cứu khoa học và cán bộ không trẻ có công bố nghiên cứu khoa học.
Trong Danh mục các công trình nghiên cứu khoa học Xã hội và Nhân văn này, phần lớn nghiên cứu khoa học của cán bộ trẻ được công bố vẫn là trên các tạp chí, các hội thảo khoa học trong nước. Số lượng hội thảo, tạp chí quốc tế (tính chung cho tạp chí và hội thảo nước ngoài nói chung chứ chưa tính đến tạp chí có tên trong danh bạ của Viện Thông tin Khoa học – ISI) lại nhỏ hơn nữa. Những tác giả có nghiên cứu khoa học công bố trong các hội thảo, tạp chí quốc tế lại chủ yếu là những người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ/thạc sĩ ở nước ngoài. Và trong những nghiên cứu được công bố trong Danh mục này, phần lớn vẫn là những tham luận tham gia tại các hội nghị khoa học do các trường đại học quốc tế tổ chức. Dường như, đó là yêu cầu bắt buộc phải có để họ có thể đủ điều kiện bảo vệ luận án của mình theo quy định chung. Những giảng viên trẻ có từ 3 bài báo/tham luận trở lên tại các hội nghị khoa học hay tập san quốc tế vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Khảo sát các nghiên cứu của cán bộ trẻ trường ĐHKHXH&NV, (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong cuốn Danh mục này, chúng tôi ghi nhận được chưa đầy 10 cán bộ trẻ có từ 10 nghiên cứu trở lên được công bố trong nước và quốc tế (bao gồm bài báo khoa học, tham luận khoa học, đề tài nghiên cứu, sách…). Đó là Phạm Thị Thu Giang (Đông phương học); Trần Bách Hiếu (Khoa học Chính trị); Nguyễn Văn Chiều (Khoa học Quản lý); Phạm Đức Anh, Đinh Thị Thùy Hiên, Đặng Hồng Sơn (Lịch sử); Nguyễn Thị Minh Hằng (Tâm lý học); Lương Thùy Liên (Triết học); Hoàng Thu Hương (Xã hội học) [1].
Các cán bộ trẻ còn lại có tên trong Danh mục này đều chưa có quá 10 nghiên cứu trong vòng 4 năm trở lại đây. Đó có thể coi là một con số ít ỏi trong khi các điều kiện để công bố nghiên cứu khoa học đối với cán bộ trẻ hiện nay không hề hạn chế hay khó khăn.
Thực trạng này đặt ra một yêu cầu là cần phải tiếp tục xây dựng một hệ tiêu chí rõ ràng cho yêu cầu đối với một nhà nghiên cứu trong số lượng các công bố khoa học hàng năm trên các tạp chí chuyên ngành. Hệ tiêu chí này đi vào thực tiễn sẽ góp phần xóa bỏ tình trạng có những giảng viên không nghiên cứu mà vẫn giảng dạy tại nhiều trường đại học. Đồng thời, giúp các tạp chí chuyên ngành có nguồn bài vở chất lượng hơn để chọn lọc khi đăng.
2.3. Xây dựng chiến lược nội dung tốt
Hiện tại, các tạp chí chuyên ngành vẫn hoạt động theo hình thức: Các cộng tác viên, chuyên gia gửi bài nghiên cứu để công bố tới tòa soạn, tòa soạn tập hợp và thẩm định, nếu đạt yêu cầu thì cho công bố. Chưa tính đến việc quy trình thẩm định chưa đạt yêu cầu thì việc nhận bài một cách thụ động như thế sẽ khiến cho nội dung nghiên cứu chỉ tập trung vào một mạch duy nhất là khung nội dung của ngành nghiên cứu. Như vậy, trong nội biên của mỗi chuyên ngành hẹp, các vấn đề nghiên cứu vẫn chỉ là những nghiên cứu lẻ, manh mún từ các tác giả chứ chưa có một hệ thống thực sự.
Để giải quyết thực trạng này, đòi hỏi các tạp chí phải xây dựng cho mình những chiến lược nội dung theo định kỳ để các chuyên gia nắm được giới hạn nghiên cứu cũng như tòa soạn có kế hoạch đặt bài vở cho các chuyên gia uy tín trong từng lĩnh vực.
Hiện nay, đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực tập trung chủ yếu tại các viện nghiên cứu, các trường đại học. Một thực trạng là, ngoài các tạp chí nghiên cứu hiện có tại các trường, các viện, các tạp chí nghiên cứu theo ngành dọc gần như chưa có một sự liên kết nào với các đơn vị nói trên để có những kế hoạch xây dựng các nội dung nghiên cứu hay các kết hoạch dài hạn trong nội dung nghiên cứu.
Thực trạng này khiến cho nội dung cần công bố thì vẫn thiếu, trong khi chiến lược nghiên cứu, trọng tâm nghiên cứu không được xây dựng mà tại các viện, các trường, nội dung nghiên cứu vẫn không được công bố.
Bởi vậy, cần xúc tiến ngay sự liên kết này để giải quyết nhiều vấn đề tồn tại tại các tạp chí chuyên ngành.
2.4. Xây dựng đội ngũ biên tập, tổ chức tòa soạn chuyên nghiệp
Đội ngũ tham gia biên tập, tổ chức tòa soạn tại các tạp chí nghiên cứu hiện nay chưa được đào tạo bài bản về cả nghiệp vụ chuyên môn sâu của ngành nghiên cứu lẫn nghiệp vụ tổ chức xây dựng tòa soạn tạp chí.
Hiện nay, đội ngũ này vẫn rơi vào một trong hai trường hợp: Các chuyên gia có chuyên môn về lĩnh vực chuyên ngành hẹp lại thiếu kiến thức, chuyên môn về xây dựng tạp chí và
tổ chức hoạt động tòa soạn tạp chí. Ngược lại, những người được đào tạo bài bản và có kỹ năng tổ chức hoạt động và xây dựng tòa soạn tạp chí lại không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn theo lĩnh vực hẹp.
Bởi vậy, cần có một giải pháp tổng thể về nhân lực cho các tòa soạn tạp chí nghiên cứu chuyên ngành. Phương án được đề xuất là tổ chức các khóa bồi dưỡng về tổ chức và hoạt động tòa soạn cũng như tổ chức và xây dựng tạp chí cho đội ngũ có chuyên môn sâu tại các tạp chí.
2.6. Xây dựng chuyên ngành tổ chức và xây dựng tạp chí
Việt Nam hiện có hơn 9 cơ sở đào tạo về báo chí truyền thông chính thống (Học viện Báo chí Tuyền truyền, Đại học KHXH&NV Hà Nội, Đại học KHXH&NV TPHCM, Đại học Khoa học Huế, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Văn hóa Hà Nội…). Trong 9 cơ sở đào tạo này, Học viện Báo chí tuyên truyền chọn hình thức đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ theo loại hình báo chí. Do vậy, mảng đào tạo chuyên sâu về Tổ chức xây dựng tạp chí chưa có đơn vị nào chú trọng.
Tại Khoa Báo chí và Truyền thông, trường ĐHKHXH&NV Hà Nội có tổ chức giảng dạy môn học “Tổ chức và xây dựng tạp chí” cho tất cả các hệ đào tạo đại học của khoa. Tuy nhiên, nội dung này cũng chỉ dừng lại ở mức độ một chuyên đề với 2 tín chỉ học, chưa giải quyết được những đòi hỏi về đặc thù và kỹ năng mà một người tổ chức xây dựng tạp chí cần trang bị.
Một giải pháp được nhóm nghiên cứu đề xuất là: Xây dựng một khung chương trình đào tạo chuyên ngành Tổ chức xây dựng tạp chí (có thể trên cơ sở nâng cấp từ môn học “Tổ chức và Xây dựng tạp chí” tại trường ĐHKHXH&NV Hà Nội) thành một ngành học độc lập, cung cấp nhân lực chuyên nghiệp cho các tạp chí nói chung và các tạp chí nghiên cứu nói riêng.
Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có một dự án đầu tư và xây dựng đội ngũ nhân lực giảng dạy cũng như nguồn tuyển sinh. Đầu ra của chuyên ngành này sẽ bổ sung tích cực vào những nhược điểm mà hệ thống tạp chí nói chung và hệ thống tạp chí khoa học tại Việt Nam nói riêng đang có.
3. Kết luận
Mặc dù đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ cũng như tham gia vào quá trình phản biện, giám sát xã hội bằng khoa học, nhưng dưới góc độ tiếp cận của báo chí học, các tạp chí khoa học ở Việt Nam về cơ bản vẫn đang thiếu và chưa đạt chuẩn về chất lượng. Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn đánh giá ISI và Scopus là hệ thống tiêu chuẩn phổ biến và được công nhận trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm cố gắng, năm 2014, hệ thống tạp chí khoa học ở Việt Nam mới có 2 tạp chí được cấp chỉ số Scopus là tạp chí Nghiên cứu Nano và tạp chí Toán học.
Để hướng tới một mục tiêu tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống tạp chí khoa học Việt Nam cần phải thay đổi nhiều vấn đề cả về nội dung, hình thức, chất lượng, quy mô và quy trình thực hiện. Những tham góp của bài viết này, tuy chưa hẳn là toàn diện nhưng sẽ là một góc nhìn nên được các tạp chí khoa học chú ý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế năm 2012.
[2] Tạp chí Kinh tế và dự báo năm 2014.
[3] Tạp chí Thông tin tài chính năm 2010.
[4] Tạp chí Tạp chí Cộng sản năm 2012.
[5] Tạp chí Lý luận Chính trị năm 2010.
[6] Tạp chí Khoa giáo năm 2008.
[7] Tạp chí Kinh tế và Chính trị thế giới năm 2009 và 2014.
[8] Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN (2010), Danh mục các công trình khoa học xã hội và nhân văn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ghi chú: Biểu đồ: Quý độc giả vui lòng xem tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Tập 31, Số 2 (2015) 29-38
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số vấn đề của các tạp chí khoa học Việt Nam tham gia phản biện khoa học và phản biện xã hội (Tác giả: Phan Văn Kiền) |