Một số vấn đề lý luận về biến đổi văn hóa sản xuất
SOME THEORETICAL ISSUES ABOUT PRODUCTION CULTURE CHANGE
Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐINH TRỌNG THU
TÓM TẮT
Văn hóa sản xuất là toàn bộ những tri thức, kiến thức khoa học của con người, được phản ánh trên cả hai mặt của phương thức sản xuất, thể hiện trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và tính chất phát triển của quan hệ sản xuất. Văn hóa sản xuất không ngừng biến đổi dưới tác động của các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội và hoàn cảnh địa lí. Do vậy, nghiên cứu về biến đổi văn hóa sản xuất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Bài viết cung cấp những nội dung cơ bản về biến đổi văn hóa sản xuất thông qua việc làm rõ các khái niệm, nội hàm và xây dựng khung phân tích biến đổi văn hóa sản xuất.
Từ khóa: vấn đề lý luận, văn hóa sản xuất, biến đổi văn hóa sản xuất.
ABSTRACT
Production culture is the totality of human knowledge and scientific knowledge, which is reflected on both sides of the mode of production, showing the development level of the productive forces and the development nature of the culture of production. Production culture, and cultural behaviors, are constantly changing under the influence of political, economic, social and geographical factors. The study of changes to production culture has both theoretical and practical significance as these changes contribute and affect socio-economic development. This area has been the subject of research and academic studies. This article provides basic views on production culture changes by clarifying concepts and connotations and building an analytical framework for cultural behavior change.
Keywords: theoretical issues, production culture, production culture change.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Biến đổi văn hóa nói chung đã được đề cập khá sớm bởi những nhà khoa học khởi xướng ủng hộ thuyết tiến hóa văn hóa như E. Taylor (1891) hay L. Morgan (1877), tác giả phân chia xã hội theo thứ bậc đơn tuyến và có chung một mẫu hình biến đổi xã hội và biến đổi văn hóa [17, 18]. Các tác giả G. Elliot Smiith (1911) và W. Rivers (1914) tiêu biểu của thuyết truyền bá văn hóa, cho rằng vấn đề mấu chốt của biến đổi văn hóa là sự vay mượn hoặc sự truyền bá các đặc trưng văn hóa từ xã hội này sang xã hội khác.
C.L.Wissler (1923), A.L.Kroeber (1925) với thuyết vùng văn hóa, đưa ra các khái niệm cơ bản về vùng văn hóa, loại hình văn hóa, trung tâm văn hóa, tổ hợp văn hóa. Sự biến đổi văn hóa diễn ra rất đa chiều và nhiều cấp độ tùy thuộc vào cộng đồng đó là trung tâm hay ngoại vi hay vùng chuyển tiếp. Redfield (1934), Broom (1954) với Thuyết tiếp biến văn hóa, chỉ ra sự biến đổi văn hóa trong bối cảnh xã hội phương Tây và ngoài phương Tây đã trải qua mối quan hệ lâu dài và sự ảnh hưởng của xã hội ưu thế đối với dân bản địa.
Các nhà địa lí học như Carl Ortwin Sauer (1925), Joen Bonnemaison (2005) và nhà nhân học Julian Haynes Steward (1955) nghiên cứu sự tạo thành các cảnh quan văn hóa từ các dạng thức xếp chồng lên các cảnh quan tự nhiên và sinh thái học văn hóa. Thông qua việc nghiên cứu quan hệ giữa văn hóa với môi trường, sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên, sự hình thành cảnh quan do sản xuất, các nghiên cứu này đã làm sáng tỏ vai trò của môi trường địa lí tự nhiên đối với sự hình thành, biến đổi văn hóa, đồng thời chỉ ra những tác động trở lại của văn hóa đối với môi trường sinh thái, từ đó đặt ra vấn đề trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái của con người.
Các lý thuyết địa lí học văn hóa và sinh thái học văn hóa đã làm sáng tỏ vai trò của môi trường tự nhiên đối với sự hình thành, biến đổi của văn hóa, đồng thời xác định mối quan hệ giữa văn hóa với môi trường. Thuyết tiếp biến văn hóa chỉ ra giao lưu văn hóa là tiền đề của tiếp biến văn hóa. Điều kiện địa lí tự nhiên là tiền đề hình thành không gian văn hóa và điều kiện giao lưu văn hóa là tiền đề của tiếp biến văn hóa.
Văn hóa sản xuất là một thành tố cơ bản của văn hóa. Sự biến đổi của văn hóa sản xuất chịu sự tác động mạnh mẽ của các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội và hoàn cảnh địa lí. Hiện nay, chưa có nhiều công trình chuyên biệt nghiên cứu về biến đổi văn hóa sản xuất. Do vậy, bài viết cung cấp một góc nhìn tổng thể về biến đổi văn hóa sản xuất thông qua việc làm rõ cách tiếp cận, các khái niệm, nội hàm và xây dựng khung phân tích biến đổi văn hóa sản xuất dưới tác động của một chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội.
2. Cơ sở dữ liệu và phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu thứ cấp, bao gồm các công trình nghiên cứu khoa học của các học giả trong và ngoài nước. Các tài liệu được thu thập và phân tích có liên quan đến các vấn đề lý luận và thực tiễn về văn hóa, văn hóa sản xuất và sự biến đổi của văn hóa sản xuất.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Tiếp cận nghiên cứu văn hóa sản xuất và biến đổi văn hóa sản xuất
a. Văn hóa sản xuất là thành tố cơ bản của văn hóa
Theo Makarian (Nhà dân tộc học Liên Xô cũ), văn hóa bao gồm hai hệ thống với 4 thành tố cơ bản: văn hóa sản xuất, văn hóa đảm bảo đời sống, văn hóa chuẩn mực xã hội (luật lệ, nghi lễ, phong tục) và văn hóa nhận thức. Trong đó Markarian cho rằng, văn hóa sản xuất là thành tố quan trọng bậc nhất [3].
Dưới góc độ các thành tố, văn hóa sản xuất gồm năng lực, tài sản (dự trữ, nguồn lực, yêu cầu và tiếp cận) và các hoạt động cần có để bảo đảm sinh kế. Theo R. Chambers & G. Conway, sinh kế chỉ bền vững khi nó có thể đương đầu và phục hồi sau các cú sốc, duy trì hoặc cải thiện năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội sinh kế bền vững cho các thế hệ kế tiếp [14].
Theo Caroline Ashley (1999), Leo de Haan (2012), Stephen Morse (2013), về mặt giá trị, các loại vốn của sản xuất gồm: vốn tự nhiên, vốn con người, vốn xã hội, vốn vật chất – tài chính. Trong đó những giá trị cốt lõi của văn hóa và văn hóa sinh kế như phong tục tập quán, tri thức dân gian, trình độ, kỹ năng, các quan hệ xã hội trong cộng đồng và các nghi lễ liên quan đến sinh kế. Trần Quốc Vượng [12] phân chia văn hóa thành ba thành tố: văn hóa sản xuất, văn hóa vũ trang và văn hóa sinh hoạt. Theo Trần Ngọc Thêm [11], văn hóa gồm bốn thành tố: văn hóa sản xuất, văn hóa xã hội, văn hóa tư tưởng, văn hóa nghệ thuật; hoặc hoạt động sinh tồn, hoạt động xã hội, hoạt động tinh thần, hoạt động nghệ thuật…
b. Tiếp cận nghiên cứu văn hóa sản xuất
Có nhiều góc nhìn khác nhau về văn hoá sản xuất. Theo đặc điểm và tính chất, văn hóa sản xuất là phương thức hoạt động kinh tế của con người trong xã hội. Theo Nguyễn Thị Tuyến [9], văn hóa sản xuất thể hiện đặc điểm về phân công lao động; trình độ thực hiện các mục tiêu kinh tế; trình độ phát triển lực lượng sản xuất (công cụ lao động, công nghệ); tính chất phát triển của chủ thể hoạt động sản xuất.
Xét ở góc độ rộng hơn, coi sản xuất là một hoạt động sinh kế và văn hóa sản xuất là thành tố cơ bản của văn hóa sinh kế hay văn hóa mưu sinh. Văn hóa sinh kế gồm nhiều thành tố như ăn, mặc, ở, kiếm sống, tri thức, đời sống tín ngưỡng phục vụ cho việc đảm bảo cuộc sống của con người, trong đó hoạt động mưu sinh, kiếm sống là thành tố quan trọng nhất [1].
Văn hóa sản xuất thể hiện trong các ứng xử với nguồn lực sản xuất và các hoạt động sản xuất. Trong đó, các nguồn lực sản xuất tự nhiên (như đất đai, khí hậu, sông ngòi, động thực vật…); nguồn lực vật chất (như cơ sở hạ tầng, các loại hàng hóa, các di sản vật thể…); nguồn lực xã hội (như các mối quan hệ, mạng lưới, thành viên nhóm, niềm tin, kênh xã hội, sự phụ thuộc xã hội lẫn nhau và trao đổi xã hội); nguồn lực con người (những kĩ năng, tri thức, kinh nghiệm làm việc và sức khỏe); nguồn lực tài chính (các phương thức mà con người sử dụng các nguồn lực tài chính khác nhau để đạt được các mục tiêu kinh tế). Theo Đỗ Hải Yến [13], văn hóa sản xuất thể hiện trong các hoạt động sản xuất như nghề nghiệp, việc làm, phương thức sản xuất, công cụ, trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm và tổ chức sản xuất.
Văn hóa sinh kế gồm ba thành tố cơ bản là hệ giá trị định hướng sinh kế, chuẩn mực sinh kế và hành vi sinh kế. Theo Bùi Văn Mạnh [5], văn hóa sinh kế là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần mang tính định hướng, chuẩn mực cho các hành vi, phương thức ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội nhằm đảm bảo và phát triển cuộc sống của cộng đồng và cư dân địa phương.
Hiện nay chưa có một định nghĩa đầy đủ về văn hóa sản xuất. Nhiều tác giả cho rằng văn hóa sản xuất chỉ là một thành tố của văn hóa sinh kế hay văn hóa mưu sinh, được thể hiện trong các nguồn lực và hoạt động sản xuất. Khái niệm văn hóa sản xuất cần phản ánh đầy đủ các đặc trưng chung mà một loại hình văn hóa (bao hàm tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân văn và tính lịch sử).
c. Tiếp cận nghiên cứu biến đổi văn hóa sản xuất
Celenk O. & Van de V. (2011) cho rằng, biến đổi văn hóa là quá trình thay đổi khi những cá thể từ các nền văn hóa khác nhau có sự tiếp xúc trực tiếp với nhau lâu dài và liên tục, dẫn đến sự biến đổi của bản thân cá thể (giá trị, thái độ, niềm tin và phẩm chất) cũng như sau biến đổi của nhóm cá thể (hệ thống xã hội và văn hóa). Tác giả cho rằng, biến đổi văn hóa bao gồm các yếu tố tiên quyết (điều kiện), chiến lược (xu hướng) và kết quả của biến đổi văn hóa [15].
Tại Việt Nam, biến đổi văn hóa cũng nhận được nhiều sự quan tâm về học thuật của các nhà nghiên cứu. Các nghiên cứu này chủ yếu được triển khai trên cách tiếp cận văn hóa học, xã hội học hay nhân học xã hội.
Sự biến đổi văn hóa bắt đầu từ biến đổi đời sống xã hội do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và chuyển đổi nghề nghiệp. Các phong tục tập quán có sự đan xen và giao lưu rõ rệt giữa làng và phố, hiện đại và truyền thống. Tiếp cận thông tin và đa dạng hóa các loại hình giải trí, đặc biệt là sự cố kết người dân theo mạng lưới quan hệ và lợi ích, là những biểu hiện nổi bật của sự biến đổi và hình thành những yếu tố văn hóa mới [4]. Quá trình công nghiệp hóa đã hình thành nhiều khu công nghiệp, tạo nên những luồng di cư mới từ khu vực nông thôn ra đô thị. Cùng với đó những biến đổi văn hoá của các cộng đồng nông thôn có khu công nghiệp. Một quá trình chuyển đổi cơ cấu văn hóa tinh thần đang diễn ra do những biến đổi kinh tế, xã hội. Sự thay đổi thấy rõ nhất ở khía cạnh tiêu dùng văn hóa, ở bình diện cá nhân và một phần nào đó ở bình diện gia đình [6]. Sự biến đổi văn hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay biểu hiện trên phương diện phát triển kinh tế – xã hội, phục hưng văn hóa truyền thống, hoạt động tôn giáo, phát triển truyền thông đại chúng, giao lưu văn hóa quốc tế [7].
Sự phát triển kinh tế làm biến đổi văn hóa mưu sinh. Sự biến đổi của văn hóa mưu sinh biểu hiện ở văn hóa ứng xử với các nguồn lực mưu sinh (bao gồm các nguồn lực tự nhiên, vật chất, xã hội, con người, tài chính). Biến đổi văn hóa mưu sinh thể hiện trong các hoạt động mưu sinh như nghề nghiệp (việc làm, phương thức mưu sinh), công cụ, trình độ, kĩ năng, kinh nghiệm mưu sinh. Biến đổi văn hóa mưu sinh còn thể hiện trong các nghi lễ gắn với mưu sinh như nghi lễ mưu sinh cộng đồng hoặc nghi thức mưu sinh gia đình [13].
Như vậy, văn hóa sản xuất, văn hóa sinh kế hay văn hóa mưu sinh không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Văn hóa sinh kế bao hàm văn hóa sản xuất, văn hóa sản xuất là thành tố cơ bản của văn hóa sinh kế. Văn hóa sản xuất chủ yếu thể hiện trong các nguồn lực sản xuất và trong các hoạt động sản xuất.
d. Những thành tựu và khoảng trống cần tiếp tục nghiên cứu trong biến đổi văn hóa sản xuất
Tổng hợp, nghiên cứu các tài liệu về văn hóa, văn hóa sản xuất và biến đổi văn hóa sản xuất ở trong và ngoài nước, nhận thấy một số vấn đề sau:
Một là, tuy chưa có nhiều công trình nghiên cứu riêng biệt về văn hóa sản xuất nhưng các nghiên cứu có nội dung văn hóa sản xuất, biến đổi văn hóa sản xuất đã được đề cập trong các nghiên cứu về văn hóa sinh kế, biến đổi văn hóa sinh kế. Các nghiên cứu này bước đầu đã xây dựng được cơ sở lý luận mang nội hàm về văn hóa sản xuất. Tuy nhiên, các khái niệm, các biểu hiện về văn hóa sản xuất, biến đổi văn hóa sản xuất, cần tiếp tục được làm rõ.
Hai là, việc vận dụng các lý thuyết về biến đổi văn hóa truyền thống, văn hóa địa phương, văn hóa làng nghề, văn hóa gia đình, văn hóa tộc người… khá phổ biến nhưng lý thuyết biến đổi văn hóa sản xuất còn rất hạn chế. Các tác giả trong nước chủ yếu dựa vào lý thuyết về giao lưu và tiếp biến văn hóa trong nghiên cứu về biến đổi văn hóa. Tiếp cận dưới góc độ địa lí văn hóa đối với sự biến đổi văn hóa chưa được quan tâm.
Ba là, hoạt động sản xuất tồn tại cùng với sự phát triển của con người. Do vậy, văn hóa sản xuất rất gần gũi và phổ biến trong đời sống xã hội. Nghiên cứu về văn hóa sản xuất, biến đổi văn hóa sản xuất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, các yếu tố làm biến đổi văn hóa sản xuất và vai trò của các yếu tố chưa được xác định.
3.2. Quan niệm về văn hóa sản xuất và biến đổi văn hóa sản xuất
Văn hóa sản xuất
Văn hóa sản xuất trước hết phải mang những đặc điểm chung của văn hóa, đó là tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân văn và tính lịch sử. Tính hệ thống: thể hiện trong mọi hoạt động của sản xuất. Tính giá trị: văn hóa sản xuất thực hiện chức năng điều chỉnh, giúp cho sản xuất duy trì trạng thái cân bằng động, không ngừng hoàn thiện và thích nghi với những biến đổi của xã hội, giúp định hướng các chuẩn mực và là động lực của phát triển sản xuất. Tính nhân văn: văn hóa sản xuất là sợi dây nối liền con người với con người trong quá trình sản xuất, thực hiện chức năng giao tiếp và có tác dụng liên kết họ với nhau. Tính lịch sử: tạo cho văn hóa sản xuất một bề dày, một chiều sâu và được duy trì, tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian.
Nội dung của văn hóa sản xuất thể hiện trong tất cả các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất, bao gồm sức lao động; đối tượng lao động; tư liệu lao động; quan hệ sở hữu; tổ chức sản xuất; quan hệ phân phối.
Ở sức lao động, văn hóa sản xuất thể hiện ở những năng lực thể chất, trí tuệ và tinh thần tồn tại trong mỗi con người và được vận dụng để sản xuất ra giá trị thặng dư. Sức lao động là khả năng lao động của con người, là điều kiện tiên quyết của mọi quá trình sản xuất.
Với đối tượng lao động, văn hóa sản xuất thể hiện ở trình độ khai thác các loại tài nguyên như đất đai, khoáng sản, lâm hải sản… hay hiệu quả sử dụng với các nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất (như phôi thép, bông, sợi dệt…).
Với tư liệu lao động, văn hóa sản xuất thể hiện ở tính hiện đại của máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, công nghệ… được sử dụng nhằm biến đối tượng lao động thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của con người.
Về quan hệ sở hữu, văn hóa sản xuất thể hiện ở sự phù hợp của các hình thức sở hữu với sự phát triển của lực lượng sản xuất trong mỗi thời kỳ. Nó có thể thúc đẩy, giải phóng hay hạn chế, cản trở việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Về tổ chức sản xuất, văn hóa sản xuất thể hiện ở khả năng phối hợp, kết hợp giữa sức lao động và đối tượng lao động cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, qui mô sản xuất và công nghệ sản xuất đã được xác định nhằm sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc tổ chức sản xuất hợp lí sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc sử dụng nhiên liệu, vật liệu, lao động, máy móc thiết bị, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Về quan hệ phân phối, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, phân phối thực hiện theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế và mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác.
Theo cấu trúc, các thành tố cơ bản của văn hóa sản xuất, gồm: văn hóa ứng xử với các nguồn lực sản xuất; văn hóa thể hiện trong các hoạt động sản xuất; văn hóa thể hiện trong các nghi lễ gắn với sản xuất.
Các nguồn lực sản xuất cần đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Hoạt động sản xuất ở các ngành nghề khác nhau đòi hỏi các công cụ sản xuất, khoa học công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ tổ chức sản xuất khác nhau nhằm đạt được hiệu quả cao của sản xuất.
Nghi lễ là nghi thức tâm linh của cộng đồng, nhóm người, hội, phường cùng ngành nghề sản xuất vì niềm tin, tín ngưỡng trong hoạt động nghề nghiệp để gửi gắm những mong ước về sự thuận lợi diễn ra thường niên. Nghi lễ sản xuất gia đình theo phong tục tập quán có cách thức thờ phụng sản xuất khác nhau.
Tóm lại, văn hóa sản xuất là một hệ thống các yêu cầu tương đối ổn định về chất lượng, trình độ phát triển của một phương thức sản xuất, được duy trì, tái tạo trong cộng đồng qua không gian và thời gian. Về mặt cấu trúc, văn hóa sản xuất, bao gồm các thành tố cơ bản là: văn hóa ứng xử với các nguồn lực sản xuất; văn hóa thể hiện trong các hoạt động sản xuất; văn hóa thể hiện trong các nghi lễ gắn với sản xuất.
Biến đổi văn hóa sản xuất
Biến đổi của văn hóa sản xuất bắt nguồn từ hai tác nhân then chốt: điều kiện địa lí tự nhiên và điều kiện giao lưu văn hóa qua sự tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài của sản xuất. Các điều kiện địa lí tự nhiên (phạm vi không gian, địa hình, khí hậu, thủy văn, tài nguyên, môi trường…) vừa là nguyên liệu vừa là tác nhân hình thành nền văn hóa gốc. Cách thức tận dụng, thích nghi, ứng phó, chế ngự thiên nhiên phụ thuộc vào kinh nghiệm, tri thức, kỹ thuật của con người. Con người không phản ứng giống nhau trước những tác nhân của môi trường tự nhiên. Vậy nên, trong cùng một điều kiện địa lí tự nhiên tương đối đồng nhất có các không gian văn hóa khác nhau.
Mặt khác, môi trường khác nhau, điều kiện khác nhau thì con người cũng ứng xử khác nhau; dấu ấn của môi trường để lại rõ nét trong mô thức văn hóa. Điển hình như môi trường đồng bằng, miền núi, cao nguyên, duyên hải quy định các hoạt động kinh tế khác nhau như săn bắn, hái lượm, làm nương rẫy, đánh cá, làm ruộng nước…[8]. Dựa vào lí thuyết địa lí văn hóa để tìm hiểu cách ứng xử của cộng đồng với môi trường tự nhiên thông qua các hình thức khai thác nguồn lợi của tự nhiên.
Giao lưu văn hóa là tiền đề của tiếp thu, biến đổi những yếu tố văn hóa bên ngoài thành những yếu tố của văn hóa cộng đồng, đồng thời biến đổi văn hóa cộng đồng để thích nghi với những yếu tố văn hóa mới. Nếu giao lưu văn hóa để tăng cường hiểu biết và thỏa mãn nhu cầu của con người, thì tiếp biến văn hóa sẽ biến đổi văn hóa cộng đồng. Ngày nay, qua giao lưu tiếp xúc đã học hỏi được nhiều từ nền khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt.
Biến đổi văn hóa sản xuất là sự thay đổi về chất lượng và trình độ phát triển của quá trình sản xuất (bao gồm sức lao động, đối tượng lao động, tư liệu lao động và tính chất phát triển của quan hệ sản xuất) nhằm đảm bảo và phát triển kinh tế của cộng đồng.
Biến đổi văn hóa sản xuất biểu hiện trên những sự thay đổi chủ yếu như: sự thay đổi về thể lực, trí lực của con người được sử dụng trong quá trình lao động sản xuất; sự thay đổi trong ứng xử với đối tượng lao động là các tài nguyên có sẵn trong tự nhiên (như đất đai, khoáng sản…); sự thay đổi trong ứng xử với đối tượng lao động đã qua chế biến (như các nguyên, vật liệu…); sự thay đổi trong ứng xử với tư liệu lao động (máy móc, thiết bị kỹ thuật, dây chuyền sản xuất…); sự thay đổi trong quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất, tổ chức lao động và phân phối sản phẩm); sự thay đổi thể hiện trong các nghi lễ cộng đồng, nghi lễ gia đình gắn với sản xuất.
Khung phân tích biến đổi văn hóa sản xuất
Văn hóa sản xuất chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, gồm cả từ bên ngoài và bên trong, trực tiếp và gián tiếp. Các yếu tố tác động từ bên ngoài như sự phát triển kinh tế thị trường, khoa học công nghệ, sự giao lưu hợp tác quốc tế; các yếu tố từ bên trong như cơ chế chính sách, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển.
Hình 1. Sơ đồ khung phân tích biến đổi văn hóa sản xuất
Khung phân tích (Hình 1) xem xét bối cảnh chung như là nhân tố gián tiếp tác động đến văn hóa sản xuất, và các chương trình kinh tế được xem xét như là nhân tố trực tiếp tác động làm thay đổi các nguồn lực sản xuất, dẫn tới thay đổi các hoạt động sản xuất, từ đó tìm hiểu, đánh giá sự biến đổi văn hóa sản xuất thông qua sự biến đổi các thành tố của văn hóa sản xuất.
4. Kết luận
Bài viết đã tiếp thu những giá trị đóng góp của các lý thuyết địa lí văn hóa, tiếp biến văn hóa, công trình nghiên cứu về văn hóa sản xuất, văn hóa sinh kế… Tác giả cho rằng về mặt cấu trúc, văn hóa sản xuất là một bộ phận chủ yếu của văn hóa sinh kế, thể hiện ở trình độ của các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất.
Văn hóa sản xuất chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau, gồm cả từ bên ngoài và bên trong. Biến đổi của văn hóa sản xuất bắt nguồn từ điều kiện địa lí tự nhiên và điều kiện giao lưu văn hóa.
Cùng với sự phát triển sản xuất, văn hóa sản xuất ngày càng gần gũi và phổ biến trong đời sống xã hội. Nghiên cứu về văn hóa sản xuất, biến đổi văn hóa sản xuất có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, góp phần phát triển – kinh tế xã hội.
Bài báo là sản phẩm của đề tài khoa học cấp bộ “Biến đổi văn hóa sản xuất dưới tác động của chương trình OCOP ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh” do Viện Địa lí nhân văn chủ trì, ThS. NCVC. Đinh Trọng Thu làm chủ nhiệm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Vân Anh (2018), Văn hóa đảm bảo đời sống của người Nùng Cháo (trường hợp thôn Nà Lầu xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Luận án Tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Khoa học Xã hội.
2. Huỳnh Công Bá (2015), Đặc trưng và sắc thái văn hóa vùng – tiểu vùng ở Việt Nam. Nhà xuất bản Thuận Hóa. Thanh Hóa.
3. Trần Văn Bình (2015), Biến đổi sinh kế của cộng đồng người Dao vùng lòng hồ Thủy Điện Tuyên Quang sau tái định cư. Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
4. Nguyễn Phương Châm (2011), Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay (trường hợp làng Đồng Kỵ, Trang Liệt và Đình Bảng thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Bùi Văn Mạnh (2020), Biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân tại quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch. Luận án Tiến sỹ văn hóa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
6. Nguyễn Văn Quyết (2013), Nghiên cứu sựu biến đổi văn hóa của các cộng đồng nông nghiệp – nông thôn trong quá trình phát triển các khu công nghiệp, Luận án Tiến sỹ văn hóa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
7. Đỗ Lan Phương và cộng sự (2010), Những nhân tố tác động đến biến đổi văn hóa Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI (2001-2010). Đề tài khoa học cấp bộ, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam.
8. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa. Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Nguyễn Thị Tuyến (2014), Biến đổi văn hóa sản xuất ở vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 361, năm 2014.
10. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. Nhà Xuất bản Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
11. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội.
12. Trần Quốc Vượng (2009), Cơ sở văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục. Hà Nội.
13. Đỗ Thị Hải Yến (2018), Biến đổi văn hóa mưu sinh của cư dân xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội trong bối cảnh phát triển du lịch, Luận án Tiến sỹ văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
14. Chambers, R. & Conway, G. (1992), Sustainable rural livelihoods: practical concepts for the 21st century. Institute of Development Studies (UK).
15. Celenk, O. & Van De Vijver, F. J. (2011), Assessment of acculturation: Issues and overview of measures. Online Readings in Psychology and Culture, 8, 10.
16. Krober, A.K., Untereiner, C.W. (1952), Culture: A critical review of concepts and definitions. Vintage Books New York.
17. Morgan, Lewis Henry (1877), Ancient Society. Chicago: H. Kerr.
18. Taylor, Edward b., (1891), Primitive Culture, London: J. Murray.
19. http://hdll.vn/vi/nghien-cuu—trao-doi/vi-tri-va-vai-tro-cua-van-hoa-trong-doi-moi-phat-trien-thuc-tien-va-nhung-vande-dat-ra.html. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2021.
20. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/-oi-ngoai2/-/2018/513710/van-hoa-voi-su-phat-trien-ben-vung-cua-datnuoc.aspx. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2021.
Nguồn: Tác giả gửi bài viết đến thanhdiavietnamhoc.com, 31/05/2022
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Thông tin tác giả:
Đinh Trọng Thu – Viện Địa lí nhân văn
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Địa chỉ: Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Email: dinhtrongthu2003@gmail.com; ĐT: 0973.730.896
Download file (PDF): Một số vấn đề lý luận về biến đổi văn hóa sản xuất (Tác giả: ThS. NCVC. Đinh Trọng Thu ) |