Một số vấn đề về đổi mới giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Tác giả bài viết: PHẠM VĂN THỰC
(Học viên Cao học K18-S3, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội)

ABSTRACT

     To fundamentally and comprehensively renovate education and training in order to build a developed education, meeting the requirements of the cause of building and defending the Socialist Republic of Vietnam, it is necessary to develop educational orientation in a specific period on the basis of educational references of countries in the world. In this article, we focus on analyzing the current context and require radical and comprehensive renovation of Vietnamese education. On that basis, innovative goals, content and methods as well as organizational structure, management and some recommendations will be proposed to promote the basic and comprehensive renovation of education in Vietnam.

Keywords: Educational innovation, current context.

x
x x

1. Mở đầu

     Ở mỗi quốc gia, việc xác định, chỉ rõ quan điểm giáo dục trong một giai đoạn cụ thể, thường thông qua hai phương thức sau: tổng kết thực tiễn giáo dục và rút ra quan điểm giáo dục phù hợp với thực tiễn, hoặc là trên cơ sở một nền giáo dục khoa học trên thế giới, rút ra quan điểm giáo dục phù hợp với nước mình. Thực tiễn cho thấy, cả hai phương thức này đều đã được lựa chọn, hoặc có sự kết hợp bởi cả hai nhưng ở các mức độ khác nhau. Giáo dục Việt Nam đang trong quá trình đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế. Việc nghiên cứu các quan điểm, mô hình giáo dục của các nước trên thế giới để đưa ra những khuyến nghị cho giáo dục ở Việt Nam là cần thiết, góp phần vào sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam.

     Bài viết đề cập một số vấn đề về đổi mới giáo dục của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay dựa trên những phân tích bước đầu về bối cảnh giáo dục.

2. Nội dung nghiên cứu

     2.1. Bối cảnh hiện nay và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam

     2.1.1. Bối cảnh thế giới

     Thế giới đã chuẩn bị đi hết thập niên thứ hai của thế kỉ XXI với những diễn biến mạnh mẽ, tác động không nhỏ đến sự phát triển KT-XH của Việt Nam nói chung cũng như sự phát triển giáo dục đất nước nói riêng. Một số yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng tới giáo dục Việt Nam có thể chỉ ra ở dưới đây:

     – Trước hết, đó là quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra rất mạnh mẽ. Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa đòi hỏi các quốc gia phải thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước mình. Bởi lẽ, muốn hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia cần xây dựng nguồn nhân lực có tri thức, kĩ năng, phẩm chất cần thiết. Do đó, toàn cầu hóa trong giáo dục cũng là một thách thức đối với mỗi quốc gia, đòi hỏi cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện.

     – Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư) được dự báo sẽ làm thay đổi đến các mặt của xã hội, trong đó có giáo dục. Do vậy, cuộc cách mạng này cũng sẽ thay đổi cách thức lao động trong lĩnh vực giáo dục.

     – Thứ ba, sự hình thành của nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức; trong đó, tri thức có vai trò quyết định đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự hình thành của nền kinh tế tri thức đòi hỏi giáo dục phải vượt khỏi những khuôn khổ truyền thống và không ngừng đổi mới, thích nghi.

     2.1.2. Bối cảnh trong nước

     Sau 30 năm đổi mới, nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nhân tố con người nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chất lượng, hiệu quả GD-ĐT còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; hệ thống GD-ĐT thiếu liên thông giữa các trình độ và giữa các phương thức GD-ĐT, còn nặng lí thuyết, nhẹ thực hành; đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc; phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập còn lạc hậu; quản lí GD-ĐT còn nhiều yếu kém; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp [1].

     Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để định hướng phát triển giáo dục trong thời kì mới. Một hệ thống giải pháp toàn diện và đồng bộ được đưa ra, gồm: – Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đối với đổi mới GD-ĐT; – Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; – Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi kiểm tra, đánh giá kết quả GD-ĐT, đảm bảo trung thực, khách quan; – Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; – Đổi mới căn bản công tác quản lí GD-ĐT, đảm bảo dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT; coi trọng quản lí chất lượng; – Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; – Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD-ĐT; – Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lí; – Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD-ĐT [1]. Đây là những định hướng lớn và đang được các cấp, các ngành triển khai tích cực nhằm tạo nên những bước chuyển căn bản, toàn diện trong giáo dục Việt Nam hiện nay.

     Từ đó, Bộ GD-ĐT đã đề ra nhiều chủ trương nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu mới, khắc phục những hạn chế của giáo dục Việt Nam hiện nay.

     2.1.3. Những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay

     Từ thực tiễn giáo dục cho thấy, giáo dục Việt Nam đang có những khó khăn và thách thức sau:

     – Khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kinh phí đào tạo trong ngành giáo dục. Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cần giải quyết vấn đề đội ngũ giáo viên thừa, thiếu cục bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của môn học.

     – Công tác xã hội hóa giáo dục. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, việc thực hiện xã hội hóa giáo dục vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: một số xã, phường, cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể và phụ huynh HS chưa chú trọng đến việc học tập của con em mình; chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên một bộ phận HS phải bỏ học để đi làm. Mặt khác, việc quản lí công tác xã hội hóa giáo dục còn thiếu biện pháp phù hợp, tính khả thi chưa cao.

      – Xu thế hội nhập. Sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục của Nhà nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, đặt ra những thách thức trong quá trình đổi mới GD-ĐT; khoảng cách giàu nghèo, sự phát triển không đều giữa các địa phương là nguyên nhân dẫn đến thiếu bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục và khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các đối tượng người học và giữa các vùng miền.

     Khoảng cách phát triển về KT- XH, khoa học và công nghệ, GD-ĐT giữa nước ta và các nước tiên tiến trong khu vực, trên thế giới có xu hướng gia tăng, hội nhập quốc tế và sự phát triển của kinh tế thị trường đang làm nảy sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn như sự thâm nhập lối sống không lành mạnh, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc; sự thâm nhập của các loại dịch vụ giáo dục kém chất lượng,…

     – Nguy cơ thương mại hóa giáo dục. Đây là hậu quả của việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế thị trường một cách quá mức vào giáo dục, coi giáo dục thuần túy là một ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận. Điều này sẽ làm suy giảm chức năng xã hội của giáo dục, giảm chất lượng giáo dục; đồng thời làm mất đi sự tự do, sáng tạo trong giáo dục. Điều này cũng có thể dẫn đến gia tăng bất bình đẳng trong giáo dục, mất dân chủ trong giáo dục.

     Từ những khó khăn, thách thức này, Đảng và nhà nước ta chủ trương định hướng chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: 1) Phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường; 2) Đảm bảo định hướng chủ nghĩa xã hội trong phát triển GD-ĐT [1].

     2.2. Một số định hướng cơ bản trong quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay

     2.2.1. Định hướng chung về giáo dục và vị trí, vai trò của giáo dục hiện nay

     Theo chúng tôi, trong quá trình đổi mới giáo dục cần thống nhất một số quan niệm, định hướng về vị trí, vai trò của giáo dục:

     – Giáo dục cần hướng tới phát triển tiềm năng của người học. Không chỉ cung cấp tri thức, giáo dục còn rèn luyện người học toàn diện cả về năng lực và phẩm chất.

     – Giáo dục cần có mô hình định hướng nhân cách nhưng không giáo điều; tôn trọng sự phát triển đa dạng của cá nhân, của từng nhân cách cụ thể.

     – Phát huy tinh thần tự học, học gắn với hành, lí luận gắn với thực tiễn.

     – Giáo dục cần thể hiện tinh thần tự do, dân chủ của xã hội, đặc biệt rèn luyện và thực hành dân chủ trong giáo dục. Tinh thần tự do thể hiện trong sự sáng tạo không ngừng của người dạy và người học trên cơ sở những tri thức chung.

     – Giáo dục là một quá trình lâu dài, không chỉ giáo dục trong nhà trường mà còn ở xã hội, trong gia đình,… Do vậy, cần xây dựng xã hội tri thức, xã hội học tập với phương châm học tập suốt đời.

     – Cần kết hợp giữa dịch vụ và chính sách xã hội trong giáo dục, tránh tình trạng thương mại hóa quá mức giáo dục.

     – Ở bậc đại học, cần kết hợp giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như đảm bảo đúng chức năng của các trường đại học, học viện.

     – Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc xây dựng nền giáo dục, hệ thống giáo dục theo những tiêu chuẩn quốc tế sẽ góp phần tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách giữa nhân lực Việt Nam và nhân lực quốc tế.

     2.2.2. Mục tiêu giáo dục

     Tăng cường tiếp cận theo hướng xác định chuẩn đầu ra trong giáo dục, nghĩa là hướng tới kết quả giáo dục. Chú trọng thực học, chống bệnh thành tích trong giáo dục. Tăng cường khảo sát nhu cầu thực tiễn đối với từng ngành học để xác định chuẩn đầu ra phù hợp.

     Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, cần căn cứ vào yêu cầu xã hội để xây dựng mục tiêu đào tạo, từ đó xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo hợp lí. Điều này sẽ tạo ra sự gắn kết giữa giáo dục với thị trường, với yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước.

     2.2.3. Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, đổi mới tổ chức và quản lí đào tạo

     Trong quá trình đổi mới giáo dục, cần đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng tăng cường cả tri thức, kĩ năng và phẩm chất của người học. Về nội dung, cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, kết hợp giữa lí thuyết và ứng dụng, thực hành. Về phương pháp, cần tăng cường các phương pháp giảng dạy tích cực, kết hợp với phương tiện hiện đại nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, tăng cường tính tích cực, chủ động của người học. Dạy người học biết cách học, tự học, tự nghiên cứu. Tăng cường tính sáng tạo, tinh thần say mê, hứng thú của người học. Về quản lí quá trình đào tạo, cần chuyển đổi mạnh mẽ theo những mô hình quản lí đào tạo hiện đại trên thế giới.

      2.2.4. Đổi mới cơ chế quản lí giáo dục

Mỗi cơ sở giáo dục cần gắn với nhu cầu thị trường, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Cụ thể, cần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục. Tự chủ đại học là một hướng đi đúng và cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới nhằm tạo cơ chế thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của giáo dục đại học. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục do các có sở độc lập hoặc (kết hợp với) các cơ quan chuyên trách của nhà nước; tăng cường quản lí nhà nước song song với tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, thể hiện ở trách nhiệm giải trình, ở kiểm định chất lượng, ở kết quả đào tạo và khả năng đáp ứng yêu cầu xã hội của giáo dục.

     2.3. Đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Việt Nam

     Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện nay.

     – Nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục về thực hiện chủ trương của Đảng đối với việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Nâng cao chất lượng GD-ĐT là vai trò, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch. Đồng thời, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, của người học, gia đình và xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ và nội dung đổi mới GD-ĐT.

     – Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí, đáp ứng yêu đổi mới GD-ĐT; thực hiện chuẩn hóa, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí ở các trường học. Đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Vì vậy, cần chú trọng bồi dưỡng, tạo động lực để giáo viên hăng say với nghề, có trí tuệ, tâm huyết; tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên được tham quan học tập mô hình dạy học mới; tích cực xây dựng các mô hình dạy học điển hình tiên tiến, đổi mới phương pháp bồi dưỡng về năng lực sư phạm cho giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa mới. Đặc biệt, cần thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lí trên cả nước, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức viên chức,…

     – Đổi mới công tác quản lí: Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới quản lí giáo dục, bảo đảm tính dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, coi trọng quản lí chất lượng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong quản lí, điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao năng lực quản lí ở cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về GD-ĐT.

     – Đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục “mở”, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục để xây dựng một hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện học tập cho mọi người.

     – Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực để phát triển GD- T: Tiếp tục huy động các nguồn lực, sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trường đại học, học viện.

3. Kết luận

     Toàn cầu hóa là cơ hội, xu thế tất yếu, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện đại: kinh tế, văn hóa, giáo dục,… tác động trực tiếp đến con người. Do vậy, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đầu tư cho giáo dục con người, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm được việc khai thác sử dụng các nguồn lực khác. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, đầu tư vào giáo dục, phát triển nguồn lực con người mang lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định nhất. Mặt khác, hiệu quả đầu tư cho phát triển con người có độ lan tỏa đồng đều, mang lại sự công bằng hơn về cơ hội phát triển cũng như việc hưởng thụ các lợi ích của sự phát triển. Vì vậy, việc đầu tư cho giáo dục và phát triển con người là rất cần thiết hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Ban Chấp hành Trung ương (2013). Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

     [2] Phạm Minh Hạc (1999). Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa của thế kỉ XXI. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.

     [3] Trần Bá Hoành (2010). Vấn đề giáo viên – Những nghiên cứu lí luận và thực tiễn. NXB Đại học Sư phạm.

     [4] Bộ GD-ĐT (2015). Một số tài liệu dùng cho Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

     [5] Đỗ Minh Cương – Nguyễn Thị Doan (2001). Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đại học Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.

     [6] Chính phủ (2010). Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020. NXB Giáo dục Việt Nam.

     [7] Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông – Chương trình tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Nguồn: Tạp chí Giáo dục, Số 471 (Kì 1 – 2/2020), tr 4-11

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số vấn đề về đổi mới giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Tác giả: Phạm Văn Thực)