Một số vấn đề về nguồn nhân lực của nước ta dưới góc nhìn giáo dục và đào tạo
SOME ISSUES ABOUT HUMAN RESOURCES IN OUR COUNTRY
UNDER EDUCATION AND TRAINING VIEW
Tác giả bài viết: NGUYỄN QUANG GIẢI
(Trường Đại học Thủ Dầu Một)
TÓM TẮT
Quyết định cho sự tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc vào nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quan trọng nhất. Nghiên cứu này khai thác bộ dữ liệu liên quan nguồn nhân lực những năm gần đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam nhằm nhận diện và thảo luận về thực trạng nguồn nhân lực của các vùng kinh tế – xã hội (KT-XH) cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực của các vùng KT -XH trong cả nước ngày càng được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Vì vậy, làm thế nào để rút ngắn sự chênh lệch, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cả nước đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển là trách nhiệm thuộc về cả quốc gia, dân tộc và toàn xã hội.
Từ khóa: Nguồn nhân lực; Giáo dục và đào tạo; Vùng kinh tế – xã hội.
x
x x
ABSTRACT
Determining the survival and development of each nation, ethnicity depends on many resources, including Human force resources is the most important. This study exploits the data set on human resources in recent years of the Statistics Department General of Vietnam aims to identify and discuss the current situation human resources of socio-economic regions throughout the country. The quality of human resources of socio-economic regions in the country increasingly improved but still at a low level. So do how to shorten the difference, gradually improve the human resources quality of the whole country meet the cause of industrialization, modernizing the country, integration and development are the responsibility about the nation, the ethnicity and the whole society.
Keywords: Human resources; Education and training; Social – economic region.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Giáo dục và đào tạo giữ vai trò quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc và xã hội. Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao từ lâu đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn lực con người được xác định là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước (Ban chấp hành Trung ương Đảng, 1994). Từ góc nhìn giáo dục và đào tạo, qua kết quả điều tra lao động và việc làm, đặc biệt từ kết quả định lượng của hai cuộc Điều tra biến động dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước năm 2011 và 2016 do Tổng cục Thống kê thực hiện, nghiên cứu này thảo luận một khía cạnh nhỏ trong vấn đề lớn về nguồn nhân lực của các vùng KT-XH trong cả nước nhằm giúp nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý có thêm dữ liệu tham khảo, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
2. Tổng quan nghiên cứu
Giữ vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng và xã hội, nguồn nhân lực là chủ đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả và cơ quan chức năng. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, có thể thấy, có rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu liên quan đến nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để có thể làm rõ “bản đồ nguồn nhân lực” theo vùng KT-XH Việt Nam hiện nay, điều kiện “cần” là phải có nguồn dữ liệu lớn (big data) cụ thể qua những công trình “Điều tra dân số, kế hoạch hóa gia đình”; “Lao động việc làm”; “Niên giám thống kê” những năm gần đây của Tổng cục Thống kê mới có thể phản ánh rõ nét nguồn nhân lực theo vùng. Điều kiện “đủ” là việc tiến hành phân tích, so sánh, tổng hợp và lý giải những thông điệp đằng sau những con số định lượng nguồn nhân lực. Chính vì vậy, nghiên cứu “Một số vấn đề về nguồn nhân lực của nước ta dưới góc nhìn giáo dục và đào tạo” là cần thiết.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Dữ liệu và phương pháp phân tích dữ liệu
Nguồn dữ liệu định lượng dân số, lao động việc làm, đặc biệt từ kết quả Điều tra biến động dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước năm 2011 và 2016 của Tổng cục Thống kê được sử dụng cho việc phân tích, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực theo góc nhìn giáo dục – đào tạo trong mối so sánh vùng miền cả nước. Thông qua so sánh đối chứng, nghiên cứu phát hiện điểm tương đồng và khác biệt về nguồn nhân lực phân theo vùng KT-XH trong cả nước. Trước khi thực hiện so sánh đối chứng, tác giả bài viết sử dụng phương pháp thống kê mô tả (descriptive statistics) nhằm trình bày, mô tả và đo lường dữ liệu nhân lực. Đối với thống kê mô tả, số trung bình cộng, số tương đối cường độ (lần, %) và số tương đối kết cấu (phân phối tần số, %) cũng được sử dụng.
3.2. Cách tiếp cận và địa bàn nghiên cứu
Để nhận diện rõ nét nguồn nhân lực của nước ta hiện nay, nghiên cứu này lựa chọn cách tiếp cận vùng (vùng KT-XH). Vùng KT-XH là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các hoạt động KTXH tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước. Đây là loại vùng phục vụ việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển KT-XH theo lãnh thổ cũng như để quản lý các quá trình phát triển KT-XH trên mỗi vùng của đất nước. Như vậy, Việt Nam hiện có 6 vùng KT-XH, gồm Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng (Vùng Bắc Bộ); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên (vùng Trung Bộ); Đông Nam Bộ và ĐBSCL (vùng Nam Bộ) (Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, 2006). Nghị định số 92/2006/ NĐ-CP là văn bản pháp lý quan trọng về vùng KTXH Việt Nam hiện hành. Hầu hết, các ấn phẩm của Tổng cục Thống kê hiện nay khi phân vùng KT-XH đều dựa vào văn bản này. Trong phạm vi bài viết này, vùng KT-XH được lấy từ Niên giám Thống kê Việt Nam (Tổng cục Thống kê Việt Nam 2017). Sau đây là các vùng KT-XH trên bản đồ Việt Nam.
Bắc Bộ là vùng đất phía Bắc của Việt Nam, Bắc Bộ được phân thành hai tiểu vùng, Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Trung du và miền núi phía Bắc (TD-MNPB); gồm 26 tỉnh, thành. So với cả nước, diện tích Bắc Bộ chiếm khoảng 35,1%, dân số khoảng 33,1 triệu người, chiếm 35,7% (2016); mật độ dân số 558 người/km2. Bình quân mức tăng dân số Bắc Bộ giai đoạn 2013 – 2016 là 1,13%, đồng bằng sông Hồng 1,04%, Trung du và miền núi phía Bắc 1,22%; bình quân mức tăng dân số cả nước giai đoạn này là 1,07%. Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trung du miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh, thành: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình (Tổng cục Thống kê, 2017c).
Trung Bộ là vùng đất nằm giữa Bắc Bộ và Nam Bộ Việt Nam. Trung Bộ gồm hai tiểu vùng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (BTB-DHMT) và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành. So với cả nước, diện tích Trung Bộ chiếm khoảng 45,4%, dân số khoảng 25,4 triệu người, chiếm 27,5%; mật độ dân số 155 người/km2. Bình quân mức tăng dân số Trung Bộ giai đoạn 2013 – 2016 là 1,10%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 0,71%; Tây Nguyên 1,50%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Khu vực Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng (Tổng cục Thống kê, 2017c)
Nam Bộ là vùng đất phía Nam của Tổ quốc, Nam Bộ gồm hai tiểu vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và Tây Nam Bộ1 gồm 19 tỉnh, thành. So với cả nước, diện tích Nam Bộ chiếm khoảng 19,4%, dân số khoảng 34,1 triệu người, chiếm 36,7%, mật độ dân sô 563 người/km2. Mức tăng dân số bình quân giai đoạn 2013 – 2016 của Nam Bộ là 1,23%, Đông Nam Bộ 2,07. Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
ĐBSCL là châu thổ trù phú, là vựa lúa lớn của cả nước, gồm 13 tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, với tổng diện tích đất tự nhiên 40.576,6 km2, chiếm 12,3% diện tích cả nước; dân số 17.660.700 người, chiếm khoảng 19,1% so với dân số cả nước (2016) mật độ dân số 433 người/km2, bình quân mức tăng dân số giai đoạn 2013 – 2016 khoảng 2,07% (Tổng cục Thống kê, 2017c).
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Nguồn nhân lực cả nước từ góc nhìn giáo dục
4.1.1. Tỷ lệ đi học chung và đi học đúng tuổi
Tỷ lệ đi học là chỉ tiêu phản ánh đầu vào của giáo dục. Tỷ lệ đi học chung trong bài viết này được hiểu là số học sinh/sinh viên (không kể tuổi) đang tham gia vào một cấp giáo dục tính trên 100 người trong tuổi đến trường cấp học đó. Tỷ lệ đi học đúng tuổi là số học sinh/sinh viên trong tuổi đến trường của một cấp học đang tham gia vào cấp học đó tính trên 100 người trong tuổi đến trường của cấp học đó. Theo số liệu Bảng 1 cho thấy, trong những năm 2011 và 2016, cả nước cơ bản đã hoàn thành phổ cập giáo dục bậc tiểu học (2011, đạt khoảng 89,3%; năm 2016, đạt khoảng 94,1%). Ở bậc học này, mức phổ cập khu vực đô thị và nông thôn gần tương đồng (năm 2011: 93,3% so với 88,0%; năm 2016: 95,9% so với 93,3%). Tuy nhiên, với bậc học vấn càng cao thì chênh lệch phổ cập giáo dục giữa đô thị và nông thôn càng lớn, cụ thể bậc trung học phổ thông (THPT) mức chênh khoảng 1,3 lần (2011); 1,2 lần (2016) và cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) khoảng 4,1 lần (2011); 3,1 lần (2016).
Điểm cần quan tâm hơn, có xu hướng trái chiều về mức độ phổ cập giáo dục giữa hai vùng đồng bằng lớn của cả nước. Theo đó, ở vùng ĐBSCL, tỷ lệ đi học chung bậc trung học cơ sở (THCS) và THPT gần như thấp nhất cả nước2. Cụ thể năm 2011 tương ứng sẽ là 78,4%; 49,3%; năm 2016: 88,2%; 58,0%; trong khi đó đồng bằng sông Hồng tỷ lệ này lại cao nhất nước, năm 2011: 96,9%; 84,2%; năm 2016: 99,0% và 87,8%. Điều này cho thấy, phổ cập giáo dục THCS và THPT vẫn là vấn đề đáng quan tâm hiện nay đối với ĐBSCL và Tây Nguyên (Bảng 1).
Nguồn: Tổng hợp từ Kết quả điều tra biến động dân số
và kế hoạch hóa gia đình năm 2011 và 2016
4.1.2. Trình độ học vấn
Học vấn luôn được xem là một trong những nội dung quan trọng phản ánh chất lượng nguồn lực của mỗi quốc gia, dân tộc (Tổng cục Thống kê, 2017b). Kết quả điều tra biến động dân số 01/04/2011 và 01/04/2016 chỉ ra một số thông tin sau. Nhìn chung, trên phạm vi cả nước trình độ học vấn của người dân ngày được cải thiện. Vào thời điểm 01/04/2011 tỷ lệ dân số đạt học vấn từ trung học cơ sở trở lên cả nước là 48,1% và đến năm 2016 tỷ lệ này nâng lên 51,2% (Bảng 2). Có sự khác biệt đáng kể về trình độ học vấn giữa các vùng KT-XH trong cả nước. Theo đó, vùng có mức độ phát triển cao nhất về KT-XH đồng thời cũng là nơi tỷ lệ người dân có học vấn cao, đó là vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Năm 2011, tại hai vùng này, số người tốt nghiệp THPT trở lên chiếm tỷ lệ là 29,7% và 28,4% dân số của vùng; năm 2016 tỷ lệ này lần lượt sẽ là 36,2%; 33,0%. Ngược lại, vùng ĐBSCL và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ dân số chưa tốt nghiệp tiểu học cao nhất. Cụ thể năm 2011, ĐBSCL là 31,0%, Tây Nguyên 23,8%; năm 2016 vùng ĐBSCL là 29,9%, Tây Nguyên 21,8%. Nếu xem xét ở bậc học vấn cao nhất (tốt nghiệp THPT trở lên) thì vùng ĐBSCL và Tây Nguyên tỷ trọng dân số đạt bậc học vấn này chiếm tỷ lệ khá thấp so với các vùng KT-XH trong cả nước (năm 2011, vùng ĐBSCL 10,7%; năm 2016 là 13,7%; năm 2011, Tây Nguyên 13,9%; năm 2016 là18,1%).
So sánh tỷ lệ dân số ở bậc học vấn thấp nhất (chưa tốt nghiệp tiểu học) và cao nhất (tốt nghiệp trung học trở lên) giữa vùng ĐBSCL và cả nước sẽ chỉ ra có sự chênh lệch quá xa về trình độ học vấn của người dân vùng ĐBSCL so với cả nước. Năm 2011, tỷ lệ chưa tốt nghiệp tiểu học ở vùng ĐBSCL so với cả nước tương ứng là 31,0% so với 21,2%; tỷ lệ dân số tốt nghiệp trung học trở lên ở vùng ĐBSCL chỉ bằng một nửa mức chung so với cả nước (10,7% so với 21,1%). Tương tự, năm 2016 tỷ lệ chưa tốt nghiệp tiểu học của ĐBSCL so với cả nước 29,9% so với 20,2% và tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên tương ứng sẽ là 13,7% so với 26,4%. Do vậy, chúng ta có đủ minh chứng kết luận khu vực đồng bằng sống Cửu Long là “vùng trũng giáo dục” của cả nước (Bảng 2). Tuy nhiên, một luận điểm quan trọng cần thảo luận học vấn là một trong những trụ cột quan trọng nhất quyết định sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Nhiều nghiên cứu về xã hội học, đặc biệt là những nghiên cứu về nghèo, hoặc phân tầng xã hội, cho rằng học vấn thấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói. Phân tích sâu về nhân tố trình độ học vấn, tác giả Lê Văn Toàn (2012) kết luận trình độ học vấn tỷ lệ thuận với vị thế xã hội của con người. Theo đó, học vấn càng cao thì triển vọng chiếm lĩnh những địa vị cao trong xã hội càng dễ và ngược lại, trình độ học vấn thấp thì sự thăng tiến sẽ khó khăn hơn.
Nguồn: Tổng hợp từ Kết quả điều tra biến động dân số
và kế hoạch hóa gia đình năm 2011 và 2016
4.2. Nguồn nhân lực cả nước từ góc nhìn đào tạo
4.2.1. Lao động đang làm việc hiện nay theo vùng KT-XH
Bảng 3 cung cấp bức tranh tổng thể lực lượng lao động Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017 theo vùng KTXH. Bình quân lực lượng lao động Việt Nam giai đoạn này chiếm khoảng 57,5%; nghĩa là cứ 2 người dân thì có hơn 1 người đang làm việc; hoặc nói cách khác “hơn một người cõng một người”. Nhìn chung, tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng dân số được duy trì khá ổn định giữa các năm. Ở tại vùng ĐBSCL với các tiểu vùng cả nước thì tỷ trọng này cũng vẫn được giữ nguyên và phân bổ khá đồng đều giữa các vùng và tiểu vùng trên bản đồ Việt Nam (Bảng 3).
Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê Việt Nam 2016, 2017
4.2.2. Lao động đã qua đào tạo giai đoạn 2008-2017
Lao động đã qua đào tạo là những người đã học và tốt nghiệp ở một trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cấp học hoặc trình độ đào tạo tương đương thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 3 tháng trở lên (có văn bằng hoặc chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo) (Tổng cục Thống kê, 2017a) Lao động đã qua đào tạo là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Theo dõi lực lượng lao động đã qua đào tạo trong vòng một thập kỷ gần đây (2008 – 2017) phân theo khu vực KT-XH thì cả nước nổi lên mấy điểm sau. (1) Một là, nhân lực có chuyên môn kỹ thuật ngày mỗi tăng. Cũng giống như phổ cập giáo dục, nguồn nhân lực lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam ngày càng được cải thiện. Cụ thể, nếu như năm 2008 cả nước chỉ có khoảng 14,3% lao động đã qua đào tạo tay nghề thì đến năm 2017 tỷ lệ này sẽ là 21,4%; bình quân lao động có tay nghề cả nước gian đoạn này chiếm tỷ trọng khoảng 17,4%. (2) Hai là, bất bình đẳng lớn về nhân lực có chuyên môn kỹ thuật giữa các vùng KT-XH cả nước. Theo xu hướng phát triển, nguồn nhân lực đã qua đào tạo tay nghề ngày được cải thiện, tuy nhiên mức độ cải thiện là rất khác nhau giữa các vùng KT-XH trong cả nước. Xếp từ thấp đến cao lần lượt sẽ là, ĐBSCL, khoảng 9,8%; Tây Nguyên 12,2%; Trung du miền núi phía Bắc 15,0%; Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung 16,1%; đồng bằng sông Hồng 23,7%; Đông Nam Bộ 22,4%; nếu so với cả nước thì chênh lệch giữa ĐBSCL với cả nước là 1,77 lần (17,4% so với 9,8%) (Bảng 4).
Nguồn: Tổng hợp từ Niên giám Thống kê Việt Nam 2012, 2013, 2016, 2017
4.2.3. Lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao
Xem xét lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao (cao đẳng và đại học trở lên trong khoảng thời gian 5 năm (năm 2011 và 2016) nổi lên hai điểm dễ nhận thấy, 1/ lực lượng lao động này ngày có sự cải thiện; 2/ có sự chênh lệch đáng kể đối với lực lượng lao động này giữa các vùng và tiểu vùng trong cả nước. Năm 2011, cả nước chỉ có 15,6% lao động đã qua đào tạo, nhưng đến năm 2016 con số này đạt 20,6%. Có sự chênh lệch khá xa về lao động đang làm việc đã qua đào tạo giữa đô thị và nông thôn; năm 2011 mức chênh 3,3 lần (30,8% so với 9,2%); năm 2016 là 2,9 lần (37,2% so với 12,8%). Như vậy, giữa nam so với nữ đều chênh nhau khoảng 1,27 lần sau 5 năm (năm 2016, 23,0% so với 18,0%; và năm 2011, 17,4% so với 13,7%) (Bảng 4).
Nguồn: Báo cáo điều tra lao động việc làm Việt Nam 2011 và 2016
Khác biệt về lao động có tay nghề sẽ được phản ánh rõ hơn khi so sánh giữa vùng đồng bằng sông Hồng và vùng ĐBSCL. Cụ thể, năm 2011, tỷ trọng lao động đạt trình độ chuyên môn bậc cao tại ở vùng ĐBSCL chỉ 8,6%; năm 2016 đạt 12,0%; thêm nữa ở tất cả các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật, vùng ĐBSCL đều chiếm tỷ lệ ở mức thấp nhất (năm 2016, lần lượt 2,6%; 2,5%; 1,4%; 5,4%; và năm 2011, 1,8%; 2,4%; 1,0%; 3,4%), trong khi đó, ở vùng đồng bằng sông Hồng thì hoàn toàn ngược lại (năm 2016 có đến 28,4% lao động có chuyên môn kỹ thuật; 7,6%, 4,5%, 3,5%, 12,9%; và năm 2011 con số lần lượt là 17,1%; 6,9%; 3,7%; 2,0%; 4,6% ). Điểm lưu ý thêm, vùng ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước nhưng giáo dục mà người dân nơi đây đạt được không tương xứng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra ĐBSCL là vùng “trũng giáo dục” của cả nước (Giải, 2017; Khoa, 2015). Xét toàn diện, đồng bằng sông Hồng là vùng dẫn đầu cả nước về nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật, ngoại trừ ở bậc đại học trở lên so với vùng Đông Nam Bộ của năm 2016 (12,9% so với 13,5%). Điểm cần quan tâm hơn lao động có chuyên môn kỹ thuật tập trung chủ yếu tại hai trung tâm KT-XH lớn cả nước là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2016, tỷ lệ này tại Hà Nội cao gấp khoảng 2,1 lần so với cả nước (42,7% so với 20,6%); thành phố Hồ Chí Minh cao gấp khoảng 1,7 lần so với cả nước (34,8% so với 20,6%); tương tự như vậy, năm 2011 con số lần lượt là khoảng 1,9 lần (30,7% so với 15,6%); 1,8 lần (28,8% so với 15,6%). Tỷ lệ lao động đang làm việc đạt trình độ đại học trở lên (cao nhất) khá chênh nhau giữa các vùng. Theo đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những nơi thu hút nhiều lao động có chất xám cao (năm 2016 tương ứng 23,9% và 20,5%; năm 2011 ngang nhau, đều là 17,0%). Tuy nhiên, vấn đề quan tâm hơn đối với lao động đạt trình độ từ trung cấp trở lên, ĐBSCL vẫn thấp nhất so với các vùng trong cả nước; thấp hơn so với cả Trung du và miền núi phía Bắc (Bảng 5).
Kết quả thống kê và phân tích lao động đã qua đào tạo ở trên (Bảng 4, Bảng 5) đã cho thấy, xu hướng rõ nét người lao động ngày càng được trang bị trình độ chuyên môn kỹ thuật hơn, đặc biệt đối với tay nghề bậc cao (cao đẳng và đại học trở lên). Tuy nhiên, mất cân đối về cơ cấu đào tạo nghề thực sự là bài toán khó cần có chính sách điều chỉnh phù hợp. Trong xu hướng phát triển hiện nay, Việt Nam vẫn đang và sẽ còn có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao và lành nghề nhưng hiện nay cung chưa đáp ứng được cầu (Tổng cục Thống kê, 2012, 2017a). Một thách thức lớn không chỉ tại vùng ĐBSCL mà trên phạm vi vùng miền cả nước hiện nay là sở hữu về nguồn nhân lực “lao động giản đơn” khá lớn; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao và bậc trung chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn trong tổng số lao động đang làm việc. Thực tiễn đã chứng minh lao động có kỹ năng là tiền đề quan trọng đối với phát triển bền vững (Tổng cục Thống kê, 2017a). Lao động tay nghề bậc cao ngày mỗi đông tuy nhiên mức tăng vẫn còn chậm. Điểm quan tâm hơn, có sự cách biệt khá xa và không đồng đều về trình độ tay nghề giữa các vùng – miền; đô thị – nông thôn; đặc biệt giữa các tiểu vùng. Thực trạng này cũng là dấu hiệu cho biết sự mất cân đối nguồn nhân lực giữa các vùng miền và tất yếu kéo theo chênh lệch mức sống dân cư (Giải, 2017); về phát triển KT-XH giữa các vùng KT-XH cả nước.
5. Kết luận
Trong nghiên cứu này nổi lên một số phát hiện và thảo luận chính cần quan tâm: Nguồn nhân lực ở vùng ĐBSCL nói riêng và các tiểu vùng cả nước nói chung ngày được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nguồn nhân lực này chưa được trang bị tay nghề khá cao, đây thực sự là thách thức và rào cản lớn đối với sự phát triển KT-XH. Tại Việt Nam chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều và có độ chênh khá lớn giữa các vùng, tiểu vùng KT-XH. Theo đó, chất lượng nguồn nhân lực vùng Đông Nam Bộ tốt hơn so với khu vực Tây Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng tốt hơn Trung du miền núi phía Bắc; vùng Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung tốt hơn khu vực Tây Nguyên; vùng đồng bằng sông Hồng tốt hơn vùng ĐBSCL. Chênh lệch về giáo dục và đào tạo là một trong những nguyên nhân quan trọng làm mất cân đối về chất lượng nguồn nhân lực giữa các vùng, đồng thời kéo theo sự bất bình đẳng trong phát triển KT-XH giữa các vùng.
Làm thế nào để rút ngắn, hạn chế chênh lệch chất lượng nguồn nhân lực giữa các vùng KT-XH. Đây là cả vấn đề lớn của quốc gia, dân tộc, chính vì vậy, việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người dân thông qua giáo dục và đào tạo không chỉ là trách nhiệm của chính phủ, chính quyền địa phương, của cộng đồng, của xã hội mà mỗi gia đình, mỗi cá nhân không ngừng nỗ lực học tập, nâng cao năng lực chuyên môn để lập nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của đất nước và toàn xã hội. Điều quan trọng hơn vấn đề cấp bách hiện nay, về mặt vĩ mô Chính phủ cần nghiên cứu và tìm ra được chính sách giáo dục và đào tạo đột phá, hiệu quả hơn nhằm hóa giải cho vấn đề này.
________
1. Hoặc Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
2. Xấp xỉ khu vực Tây Nguyên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (1994). Phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Truy cập ngày 29/3/ 2018, từ Nghị quyết số 07-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII), ngày 30/07/1994;
website: http://www.dangcongsan.vn/tu-lieu-vankien/tu-lieu-ve-dang/sach-ve-cong-tacdang/doc-222320173451856.html
Giải, N. Q. (2017). Chênh lệch về mức sống dân cư qua dữ liệu các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2006 – 2014. Tạp chí Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, 9(299), 30–39.
Giải, N. Q. (2018). Tình hình kinh tế – xã hội năm 2017. Truy cập 15/5/2019, từ https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=621&idmid=&ItemID=18668
Khoa, D. Đ. (2015). Đào tạo nhân lực ở đồng bằng sông Cửu Long: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 21(31), 78–81.
Toàn, L. V. (2012). Phân tầng xã hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hà Nội: Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật.
Tổng cục Thống kê. (2012). Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2011. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
Tổng cục Thống kê. (2017a). Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2016. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
Tổng cục Thống kê. (2017b). Kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/04/2016. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
Tổng cục Thống kê. (2017c). Niên giám Thống kê Việt Nam 2016. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
Nguồn: Chiến lược và chính sách dân tộc,
Journal of ethnic minorities research, Volume 8, Issue 3
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số vấn đề về nguồn nhân lực của nước ta dưới góc nhìn giáo dục và đào tạo (Tác giả: Nguyễn Quang Giải) |