Một số vấn đề về văn học dịch ở nước ta hiện nay

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  NGUYỄN HUY PHÒNG
(Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

     Văn học dịch là một bộ phận trọng yếu của đời sống văn học, đóng vai trò là cây cầu kết nối, giao lưu giữa văn hóa, văn học Việt Nam với các nước trên thế giới. Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, mảng văn học dịch đã đạt được nhiều thành tựu trong việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại, góp phần làm cho đời sống văn học thêm phong phú, đa dạng. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác dịch thuật cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trước những yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Vì thế việc nhìn nhận, đánh giá lại những mặt tích cực và cả những hạn chế của văn học dịch trong những năm qua là việc làm cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

x
x x

1. Vai trò, vị thế của văn học dịch

     Sự ra đời, phát triển văn học dịch là một yêu cầu tất yếu, khách quan của thời đại. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), C. Mác và Ph.Ăngghen (1995, tr. 602) đã dự báo về tương lai của một nền văn học toàn thế giới mà ở đó khoảng cách địa lý giữa các quốc gia được thu hẹp, nền văn hóa của các dân tộc có cơ hội, điều kiện thâm nhập, giao thoa. Các ông viết: “Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc. Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc. Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới”. Như vậy, trước xu thế hội nhập, giao lưu toàn cầu đòi hỏi sự xuất hiện của một tầng lớp các dịch giả, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình có trình độ ngoại ngữ, có phông kiến thức sâu rộng về văn hóa, văn học trong và ngoài nước để chuyển ngữ thành công những thông điệp nhân sinh mà các nhà văn lớn trên thế giới muốn gửi tới bạn đọc ở khắp muôn phương qua những sáng tác của mình.

     Ý thức rõ về tầm quan trọng của văn học dịch trong đời sống văn học cũng như đời sống chính trị – xã hội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, trong công cuộc xây dựng kiến thiết đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác tư tưởng, chăm lo, phát triển văn học nghệ thuật, đẩy mạnh việc sáng tác và quảng bá văn học dân tộc ra thế giới, tổ chức dịch các tác phẩm kinh điển của các nhà văn lớn để bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về văn hóa, con người Việt Nam, cũng như giúp cho các thế hệ độc giả Việt Nam có cơ hội tìm hiểu, khám phá những điều thú vị về cuộc sống, con người ở khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều văn kiện Đại hội, trong các nghị quyết, chuyên đề về văn học nghệ thuật, mặc dù chưa cụ thể hóa về vấn đề văn học dịch nhưng việc quảng bá, mở rộng giao lưu quốc tế về văn học luôn được Đảng chú trọng. Gần đây nhất, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng, vị thế của văn học nghệ thuật trong việc quảng bá, giới thiệu những nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có vai trò to lớn của văn học dịch. “Phát huy tài năng, tâm huyết của trí thức, văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia phát triển văn hóa của đất nước, trở thành cầu nối quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2014, tr. 5).

     Như vậy trong suốt quá trình lãnh đạo, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật dân tộc, coi đó là bộ phận tinh túy, đặc biệt nhạy cảm, kết tinh truyền thống văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, trước những tác động của quá trình giao lưu, hội nhập nền văn hóa, văn học Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như những thách thức, trong đó có công tác dịch thuật, giới thiệu văn hóa, văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại để “kích cầu” cho sự phát triển của đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

2. Tình hình văn học dịch ở nước ta trong những năm qua

     Ở nước ta do những điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt về lịch sử, trong một thời gian dài đất nước phải đương đầu, chống lại dã tâm xâm lược của các thế lực phương Bắc và thực dân, đế quốc. Những điều kiện ngặt nghèo của chiến tranh đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc hình thành, phát triển tư duy học thuật, gây ra những rào cản trong việc tiếp cận, giao lưu với các nước trên thế giới. Nhưng bên cạnh đó, theo bước chân xâm lược, những dấu vết và sức lan tỏa của văn hóa phương Đông và phương Tây đã hiện diện trên đất nước ta với những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Nhìn lại quá trình giao lưu văn hóa Đông – Tây trên phương diện văn học nghệ thuật ta thấy rõ có hai cuộc tiếp xúc lớn.

     Cuộc tiếp xúc thứ nhất là giữa văn hóa Việt với văn hóa Trung Hoa mà những ảnh hưởng trong việc xử lý đề tài, nội dung, hình thức nghệ thuật được thể hiện khá rõ trong sáng tác của các nhà thơ, nhà văn thời kỳ trung đại. Do những tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, văn tự nên việc tiếp thu, tiếp biến những thành tựu, tinh hoa của văn hóa, văn học Trung Hoa đã được các thế hệ văn sĩ, trí thức phong kiến thực hiện ra một cách thuận lợi, có chọn lọc, sáng tạo. Tiêu biểu phải kể tới những sáng tác của Nguyễn Du (Truyện Kiều), Nguyễn Dữ (Truyền kỳ mạn lục)… Không cần trải qua quá trình chuyển ngữ, dịch thuật nhưng nhiều tác phẩm văn học Trung Hoa như Kim Vân Kiều (Thanh Tâm Tài Nhân), Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu)… đã chi phối và có ảnh hưởng lớn đến cảm hứng, chất liệu sáng tác nghệ thuật của Nguyễn Du, Nguyễn Dữ và các tác giả nhà Nho khác.

     Cuộc tiếp xúc thứ hai diễn ra vào những năm đầu thế kỷ XX với văn hóa, văn học phương Tây, đặc biệt là Pháp. Cuộc tiếp xúc này đã mang đến cho văn học Việt Nam những cơ hội, điều kiện thuận lợi để chuyển mình, đi vào quỹ đạo hiện đại hóa và từng bước hội nhập với văn học thế giới. Đó là sự xuất hiện của tầng lớp trí thức Tây học được đào tạo bài bản trong các trường học Pháp, được tiếp cận với các luồng tư tưởng mới thông qua các sách báo tân thư. Sự ra đời và phát triển của báo chí quốc ngữ và các nhà xuất bản đã giới thiệu và truyền bá nhiều tác phẩm văn học dịch của các tác giả nổi tiếng trên các nhật báo, tuần san, nguyệt san như: Gia Định báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh Tân văn, Đông Pháp thời báo, Nam Kỳ địa phận… gây được tiếng vang, tạo ấn tượng sâu đậm trong đời sống văn học. Những đóng góp của các nhà văn, nhà báo, dịch giả, như Nguyễn Văn Vĩnh với các tác phẩm dịch: Ba người ngự lâm pháo thủ (Alexandre Dumas), Những người khốn khổ (Victor Hugo), Miếng da lừa (Honoré de Balzac)…; Nguyễn Háo Vĩnh dịch các tác phẩm kịch của Shakespeare: Thái tử Hamlet, Chú lái buôn thành Venise, Roméo – Julie, Vậy thì vậy; Phan Khôi dịch các tác phẩm: Quan về vườn (Racan), phần đầu tiểu thuyếtBá tước Monté Cristo (A. Dumas)… đã đem đến cho công chúng và đời sống văn học những món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn. Và cũng từ những tác phẩm dịch từ các nền văn học lớn như Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc… đã đem đến cho các văn nghệ sĩ Việt Nam những kinh nghiệm bổ ích trong sáng tác để tạo ra những tác phẩm xuất sắc, vừa mang đậm dấu ấn của truyền thống, vừa mang hơi thở thời đại với kỹ thuật, lối viết hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công chúng bạn đọc. Thực tiễn đời sống văn học giai đoạn 1930 – 1945, với sự xuất hiện của phong trào Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, Xuân Thu nhã tập, nhóm thơ Bình Định… là những minh chứng cho quá trình tiếp thu những thành tựu, tinh hoa của văn học thế giới để đổi mới, hiện đại hóa văn chương nước nhà.

     So với đời sống sáng tác, phê bình, mảng văn học dịch có phần âm thầm, lặng lẽ vì số lượng dịch giả chuyên nghiệp thường khiêm tốn, nhiều người vừa là nhà văn, nhà phê bình kiêm dịch giả. Còn vì, công tác dịch thuật văn chương đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về năng lực ngoại ngữ, trình độ văn hóa, tâm thế và sở trường của người dịch. Bên cạnh đó là những ảnh hưởng, tác động của tình hình văn học thế giới; thị hiếu công chúng; việc tìm kiếm thị trường phát hành của các nhà xuất bản, yêu cầu đặt hàng của Nhà nước và tổ chức xã hội… Dịch thuật không đơn giản là câu chuyện chuyển ngữ mà đó là quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của những dịch giả – những người đồng sáng tạo với tác giả. Họ là những người am hiểu sâu sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc, có quá trình nghiên cứu kỹ về văn hóa, văn học, đất nước, con người nơi có tác phẩm được chọn dịch. Dịch giả không những phải hiểu nguyên bản tác phẩm, mà còn phải giải được các mã văn hóa, lựa chọn câu từ dịch sao cho truyền tải được đúng nội dung tư tưởng, linh hồn của tác phẩm.

     Sau một thời gian dài đất nước trải qua chiến tranh, giành lại độc lập, tiến hành công cuộc đổi mới, từ năm 1986 đến nay, đời sống văn chương nghệ thuật có nhiều khởi sắc với những chuyển biến mạnh mẽ, trong đó bộ phận văn học dịch cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào, thực hiện tốt sứ mệnh giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, cũng như tiến hành tổ chức biên dịch những tác phẩm tiêu biểu của các tác giả nổi tiếng ở nhiều quốc gia, đem đến cho đời sống văn học nghệ thuật sự phong phú, đa dạng. Trên các kệ sách của các trung tâm phát hành sách, những bộ tiểu thuyết đồ sộ của các tác giả nước ngoài chiếm số lượng áp đảo so với sách thuộc các lĩnh vực khác. Trên các tạp chí văn học nước ngoài, các trang báo văn nghệ trung ương, địa phương đều dành những số trang nhất định để giới thiệu các sáng tác mới của các tác giả nước ngoài.

     Nhìn chung trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, văn học dịch có nhiều chuyển biến tích cực nhưng số lượng tác phẩm, tác giả được biên dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các quốc gia có nền văn học phát triển như Nga, Pháp, Trung Quốc, Mỹ, và thời gian gần đây có thêm những tác phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc được quan tâm giới thiệu.

     Đánh giá về tình hình văn học dịch trong những năm qua người đọc dễ dàng nhận ra sự gia tăng, lớn mạnh của đội ngũ các dịch giả chuyên và không chuyên. Về mảng dịch những tác phẩm của văn học Nga, ngoài các tên tuổi quen thuộc như: Thúy Toàn, Cao Xuân Hạo, Thái Bá Tân, Thụy Anh, Tạ Phương, Phạm Quốc Ca, Đỗ Hồng Chung, Phạm Vĩnh Cư, Nguyễn Hải Hà, Huy Liên, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Kim Đính, Đỗ Xuân Hà, Đào Tuấn Ảnh, Hà Thị Hòa, Nguyễn Trường Lịch, Phạm Gia Lâm… lớp thế hệ trẻ cũng đã có nhiều đóng góp vào công tác dịch thuật, giới thiệu những tác phẩm mới của văn học Nga, như các dịch giả Phạm Thị Phương, Đỗ Hải Phong, Trần Thị Phương Phương, Thành Đức Hồng Hà, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Như Trang… Các dịch giả nhiều thời kỳ đã giới thiệu hàng loạt các tác phẩm nổi tiếng của Lev Tolstoy (Chiến tranh và hòa bình, Anna Karêrina, Phục sinh), Dostoyevsky (Tội ác và trừng phạt, Gã khờ, Lũ người quỷ ám, Anh em nhà Kamarov), truyện ngắn Sekhov, truyện ngắn Pautovsky, Thời thơ ấu, Kiếm sống của Gorky, Sông Đông êm đềm của Solokhov… đến những sáng tác của các nhà văn Nga hiện đại như: Tiếng cười trong bóng tối, Lolita (Nabokov), Trái tim chó, Những quả trứng định mệnh (Bulgakov), Vương quốc thời gian ngừng trôi (Dmitri Suslin)… Mặc dù đạt được nhiều thành tựu với những giai đoạn nở rộ như những năm 1980 – 1990, nhưng trong những năm gần đây, số lượng các bản dịch văn học Nga ngày càng có xu hướng giảm do những tác động của tình hình chính trị – xã hội. Từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ (1991) mối quan tâm của các dịch giả, nhà nghiên cứu, phê bình với văn học Nga có phần thưa dần khi tiếng Nga không có cơ hội phát triển so với các ngôn ngữ khác. Theo thống kê của Thư viện Việt Nam năm 2000 con số các ấn phẩm văn học Nga (sách dịch, nghiên cứu) là 89, các năm sau luôn duy trì con số trên 60 đầu sách, nhưng đến năm 2008 chỉ còn 28 và thấp nhất là năm 2011 với 14 ấn phẩm (Đỗ Thị Hường, 2012, tr. 73).

     Ở mảng dịch các tác phẩm văn học Pháp, đội ngũ các dịch giả từ thời thuộc Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phạm Quỳnh, Phan Khôi… đến các nhà nghiên cứu, dịch giả thế hệ sau như Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Trần Hinh, Đào Duy Hiệp, La Khắc Hòa, Cao Trần Việt Dũng, Đoàn Cầm Thi, Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên, Lê Nguyên Cẩn… đã có nhiều đóng góp vào việc giới thiệu văn học Pháp ở Việt Nam, đồng thời cũng tổ chức biên dịch, giới thiệu đưa văn học Việt Nam đến với công chúng bạn đọc Pháp. Hiện nay trong các thư viện lớn, các trung tâm phát hành sách của Pháp đã có mặt nhiều tác phẩm văn học Việt Nam với các tên tuổi như Nguyễn Du, Nam Cao, Phan Thị Vàng Anh, Phong Điệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Thuận, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương…

     Bên cạnh việc dịch, giới thiệu các tác phẩm của các nền văn học lớn, các dịch giả Việt Nam cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu các tác phẩm nổi tiếng của các nền văn học khu vực châu Mỹ la tinh, Đông Âu, Đông Á và các nước trong khu vực ASEAN. Nhưng tiêu biểu và đạt được nhiều thành tựu hơn cả là việc chuyển thể, biên dịch các tác phẩm của văn học Nhật Bản. Trong việc nghiên cứu, dịch văn học Nhật Bản ở Việt Nam, ban đầu các dịch giả cũng phải tiếp cận qua các bản dịch tiếng Hán, tiếng Pháp, sau đó mới dần tiếp cận nguyên bản tiếng Nhật. Do những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, việc giới thiệu văn học Nhật ở nước ta được diễn ra song song với phong trào Đông Du của các chí sĩ cách mạng đầu thế kỷ XX. Và người có công đầu trong việc giới thiệu văn học Nhật ở Việt Nam phải kể tới nhà chí sĩ cách mạng Phan Châu Trinh với tác phẩm dịch Giai nhân kỳ ngộ (của Tôkai Sanshi). Và phải sau một thời gian dài gián đoạn do những hoàn cảnh bất lợi của chiến tranh, văn học Nhật mới được giới thiệu trở lại ở nước ta vào những năm 1960, 1970 với hàng loạt các tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại của các tác giả nổi tiếng như: Khu phố không có mặt trời của Sunao Tokunaga (Nxb. Lao Động – 1961), Núi đồi yên lặng (2 tập, Nxb. Văn học, 1962), Mây gió Hakênê của Tabakura Têrơ (Nxb. Văn học, 1963), Cánh đồng Busu của Miyamôto Yurike (Nxb. Văn học, 1964), Tập truyện Sợi xích trắng của nhiều tác giả (Nxb. Lao động, 1966), Khuôn mặt người khác của A. Kobe (Nxb. Văn học, 1969)… Bên cạnh đó là hàng loạt các tác phẩm của các tác giả như: R. Akutagawa (Tuyển tập truyện ngắn, Truyện một người đãng trí…), Y. Kawabata (Tiếng rền của núi, Ngàn cánh hạc, Cố đô, Người đẹp ngủ say, Thủy nguyệt, Xứ tuyết, Cô đào miền Izu…), Y. Mishima (Trả thù, Tã lót, Ngôi đền vàng, Chiều hôm lỡ bước, Sóng tình, Người thủy thủ bị biển khước từ, Khát vọng yêu đương…), D. Watanabe (Đèn không hắt bóng), N. Soseki (Tình yêu không quên, Nỗi lòng), H. Murakami (Rừng Na Uy). Gần đây một số tiểu thuyết và tuyển tập văn học Nhật đã được dịch và xuất bản với số lượng lớn, như: Đường đến nguồn nước (Nxb. Lao động, 1984), Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ (Nxb. Lao động, 1984), Hạnh phúc và bất hạnh (Nxb. Phụ nữ, 1985), Kẻ lừa đảo (Nxb. Văn học, 1991), Ngôi đền vàng (Nxb. Thanh niên, 1990), Dòng sông sao (Nxb. Lao động, 1993), Xứ tuyết (Nxb. Hội Nhà văn, 1995), Giấc mộng đàn bà (Nxb. Văn học, 1997), Những người Nhật bị lãng quên (Nxb. Giáo dục, 2002)…

     Có thể nói thành công của việc biên dịch thể loại truyện tranh Doraemon – một hiện tượng văn học thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi, và các cuốn tiểu thuyết như Rừng Na Uy, Đèn không hắt bóng, Trăng soi đáy nước… đã giúp bạn đọc Việt Nam có cái nhìn đa dạng, nhiều chiều về văn hóa, con người đất nước mặt trời mọc.

     Được quan tâm thông qua những chính sách, dự án hỗ trợ quảng bá, giới thiệu văn học của Chính phủ hai nước, đội ngũ những chuyên gia nghiên cứu và các dịch giả tiếng Nhật không ngừng gia tăng, như: Nguyễn Tuấn Khanh, Nhật Chiêu, Hữu Ngọc, Lưu Đức Trung, Lê Trường Sa, Trần Thị Hải Yến, Lê Thị Hường, Đoàn Lê Giang, Hà Văn Lưỡng, Đỗ Thái Luận, Mai Chương Đức, Nguyễn Văn Sỹ…

     Nhìn chung trong thời gian qua nhất là từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện (1986) cùng với quá trình hội nhập, giao lưu toàn cầu, bộ phận văn học dịch đã có nhiều khởi sắc, đạt dược nhiều thành tựu với sự gia tăng, lớn mạnh của đội ngũ dịch giả và số lượng các tác phẩm dịch. Nhiều cuốn sách dịch đã trở thành hiện tượng văn học, sách bán chạy nhất (best-seller) trong năm như: Chạng vạng, Lolita, Thiên thần và ác quỷ, Báu vật của đời, Rừng Na Uy… đã làm khuấy đảo đời sống văn học vốn lặng lẽ, kích thích đời sống sáng tác phát triển, đem đến những món ăn tinh thần mới lạ cho công chúng bạn đọc. Vì thế trong thời gian qua, trong số các thể loại được trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam đều có mặt thể loại văn học dịch. Trong 10 năm qua, Hội Nhà văn đã liên tiếp trao giải cho nhiều tác phẩm như: Faust, kịch thơ của đại văn hào Đức Goethe, Quang Chiến dịch (2002); Đàn hương hình, tiểu thuyết của Mạc Ngôn (Trung Quốc), Trần Đình Hiến dịch (2003); Quỷ thành, tiểu thuyết của Giả Bình Ao (Trung Quốc), Lê Bầu dịch (2004); Cuộc đời của Pi, tiểu thuyết của nhà văn Canada Yann Martel, Trịnh Lữ dịch, (2005); Khúc hát trái tim của nhà thơ thần đồng Mỹ Mattie Stepanek, Hữu Việt dịch (2007); Tên tôi là đỏ, tiểu thuyết của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, giải thưởng Nobel 2006, Phạm Viêm Phương và Huỳnh Kim Anh dịch (2008); Triệu phú khu ổ chuột, tiểu thuyết của nhà văn Ấn Độ Vikas Swarup, Nguyễn Bích Lan dịch (2010)… Điều đó cho thấy sự quan tâm của các cấp, các ngành, của Hội Nhà văn đối với đời sống văn học dịch và tính hấp dẫn do các tác phẩm dịch tạo ra, đáp ứng được nhu cầu thông tin, giao lưu, chia sẻ, hội nhập của con người Việt Nam, muốn vươn ra thế giới để tiếp cận các nền văn hóa, văn minh mới của nhân loại qua con đường ngắn mà hiệu quả là các tác phẩm văn học dịch.

3. Một số vấn đề đặt ra đối với văn học dịch hiện nay

     Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong việc đưa văn học Việt Nam tiến gần và tiếp cận kịp với trình độ phát triển của văn học thế giới cũng như đưa văn học thế giới trở nên gần gũi với độc giả Việt Nam. Trong những năm qua, văn học dịch cũng còn bộc lộ những hạn chế bất cập cả về đội ngũ dịch giả lẫn chất lượng các công trình dịch thuật.

     Về đội ngũ dịch giả: Cũng giống như những người làm công tác lý luận phê bình, đội ngũ dịch giả thường không chuyên nghiệp, chủ yếu là các nhà nghiên cứu, nhà văn kiêm dịch giả. Ở nước ta không có nghề dịch thuật văn chương và những người dịch văn học không thể sống được bằng nghề vì nhuận bút trả cho một tác phẩm dịch đăng báo, tạp chí quá thấp, tiền thù lao cho một cuốn sách dịch không tương xứng với thời gian, công sức mà dịch giả bỏ ra. Những bất cập ấy đang tạo ra những rào cản, thu hẹp đội ngũ dịch giả, vì phần lớn họ không quyết tâm gắn trọn đời mình cho công việc dịch thuật văn chương.

     Mặc dù đất nước đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dịch thuật văn chương chưa được quan tâm đúng mức, việc dịch thuật thường được làm một cách tự phát, phụ thuộc vào sở trường, niềm đam mê của người dịch. Một số trường đại học Ngoại ngữ có đào tạo sinh viên dịch thuật. Tuy nhiên những sinh viên này (kể cả sau khi ra trường) có khả năng ngoại ngữ nhưng lại không có khả năng chuyển thể thành công tác phẩm văn học vì dịch văn học đòi hỏi những yêu cầu cao, ngoài vốn ngoại ngữ còn phải có phông kiến thức văn hóa sâu rộng, khả năng cảm nhận vẻ đẹp và hiệu ứng thẩm mỹ của hình tượng văn học nghệ thuật… Vì vậy, nếu việc xây dựng đội ngũ dịch giả không được kịp thời giải quyết sẽ gây ra sự thiếu hụt, trống vắng những dịch giả chuyên nghiệp, đặt ra những thách thức trong việc quảng bá, giới thiệu văn hóa, văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Điều đó đòi hỏi những người có trách nhiệm cần phải có tầm nhìn xa, có chiến lược cụ thể để đào tạo, đầu tư xứng đáng, hình thành những thế hệ dịch giả chuyên nghiệp, có trình độ, kiến thức, niềm đam mê để có thể thực hiện tốt sứ mệnh bắc những cây cầu văn hóa đa dạng và có giá trị cao.

     Về chất lượng của các tác phẩm dịch: Thời gian gần đây do những biến động, xáo trộn của thị trường sách, xuất bản phẩm và các công ty liên kết phát hành, thị trường sách dịch chủ yếu hướng vào các tác phẩm sách bán chạy, đánh vào tâm lý ưa chuộng thời thượng của bạn đọc nên công việc dịch diễn ra trong thời gian ngắn dẫn đến những sai sót trong việc chuyển ngữ, hiểu chưa đúng nội dung nguyên bản, rồi hàng loạt các lỗi trong khâu in ấn. Nhiều trang truyện thuần túy là những trang chuyển ngữ, chưa đảm bảo được tính thẩm mỹ, lôgic, tính văn học của hình tượng nghệ thuật, tạo ra những độ vênh nhất định giữa nguyên tác với tác phẩm dịch. Điển hình như trường hợp tác phẩm Những thứ họ mang (The Thing They Carried của tác giả Tim O’Brien) do Trần Tiễn Cao Đăng dịch, cuốn Hạt cơ bản, Bản đồ và vùng đất (của tác giả Michel Houellebecq), do Cao Việt Dũng dịch, đã gây xôn xao dư luận vì những câu dịch chưa thoát nghĩa, chưa sát với nguyên bản, thậm chí đôi câu dịch có phần tục tĩu, gây phản cảm cho người đọc.

     Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tính thiếu chuyên nghiệp của một số dịch giả; sự buông lỏng, dễ dãi trong khâu kiểm duyệt, thẩm định, xuất bản, phát hành; người dịch chạy theo tâm lý đám đông và thị hiếu nhất thời mà vô tình lãng quên nội dung, chất lượng của tác phẩm. Điều này dẫn đến một thực trạng là tỷ lệ sách dịch của thể loại truyện tranh, trinh thám, viễn tưởng, kỳ dị luôn chiếm số lượng áp đảo trên thị trường sách ngoại văn, trong khi lượng sách dịch những tác phẩm kinh điển có tính hình tượng, triết lý thì lại hạn chế, thiếu vắng.

     Văn học dịch không thể thiếu trong đời sống văn học dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vì thế những người có trách nhiệm, các cơ quan, ban ngành cần phải có những kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể để thúc đẩy văn học dịch ngày càng lớn mạnh; phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp đối với những người làm công tác dịch thuật; tạo dựng và hình thành đội ngũ các dịch giả chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, có kiến thức ngoại ngữ, am hiểu văn học, văn hóa của các nước trên thế giới; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dịch thuật trẻ, có năng lực, kế thừa thế hệ đi trước; không chỉ dịch các tác phẩm nước ngoài mà còn phải đẩy mạnh việc quảng bá, dịch, giới thiệu các sáng tác của văn học Việt Nam ra thế giới; thành lập các trung tâm dịch thuật, trao đổi văn hóa; mở rộng các chuyên san, tạp chí văn học nước ngoài; giao quyền tự chủ cho các nhà xuất bản, công ty liên kết trong việc xây dựng, lên kế hoạch dịch thuật cho từng năm để việc dịch văn học có lộ trình, khoa học, cụ thể, phát huy vai trò to lớn của văn học dịch trong đời sống văn học hiện nay.

     Có thể nói trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, việc cập nhật những tri thức, thông tin mới của nhân loại là vô cùng cần thiết, trong đó những tri thức văn học dịch đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người, giúp con người xích lại gần nhau hơn. Trong thời gian tới, với sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, sự nỗ lực, gia tăng số lượng các dịch giả chuyên nghiệp, chúng ta có thể tin tưởng, hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của bộ phận văn học dịch với các tác phẩm dịch có chất lượng, đa dạng về thể loại, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của công chúng bạn đọc Việt Nam.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     1. C. Mác và Ph. Ăngghen. 1995. Toàn tập, tập 4,. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.

     2. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2014. Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (lưu hành nội bộ). Văn phòng Trung ương Đảng.

     3. Đỗ Thị Hường. 2012. Tình hình nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học Nga tại Việt Nam những năm gần đây. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, số 10(145).

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 8 (204), 2015

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số vấn đề về văn học dịch ở nước ta hiện nay (Tác giả: TS. Nguyễn Huy Phòng)