Một vài cảm nhận về VĂN HOÁ XỨ ĐOÀI trong Bối cảnh Đô thị hoá
Tác giả bài viết: PHẠM VĂN DƯƠNG
(Viện Nghiên cứu Văn hoá, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Đô thị hóa được hiểu là quá trình mở rộng của đô thị, tính theo tỷ lệ phần trăm giữa diện tích hoặc số dân đô thị trên tổng diện tích hoặc số dân của một khu vực hoặc vùng. Bên cạnh đó, đô thị hóa cũng được tính theo tỷ lệ gia tăng của hai yếu tố trên theo thời gian. Bài viết này, từ góc nhìn lý thuyết “giao lưu và tiếp biến văn hóa” phân tích hiện trạng văn hóa xứ Đoài trước tác động của đô thị hóa và quản trị môi trường đô thị Hà Nội. Trong đó quan tâm đến những thách thức đối với bảo tồn và phát huy các nền tảng, nguồn lực văn hóa của khu vực “xứ Đoài” trong bối cảnh phát triển đô thị mà không làm mất đi những di sản và giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Nội dung bài viết dựa trên phân tích những dữ liệu của các nghiên cứu đã được công bố, cùng với những quan sát thực tế, chỉ ra tầm quan trọng của chiến lược quy hoạch phát triển văn hóa đồng thời với quy hoạch phát triển đô thị ở Hà Nội hiện nay.
Từ khóa: Xứ Đoài, văn hoá xứ Đoài, bối cảnh đô thị hoá.
Phân loại ngành: Văn hóa.
ABSTRACT
Urbanization is understood as the process of urban expansion, calculated by the percentage of urban area or population to the total area or population of an area or region. Besides, urbanization is also calculated according to the increased rate of the above two factors over time. Thisarticle, from the theoretical perspective of “cultural exchange and acculturation”, analyzes the current state of Đoài culture under the impact of urbanization and urban environmental management in Hanoi. It pays attention to the challenges of preserving and promoting the cultural foundations and resources of the “Đoài region” in the context of urban development without losing good heritage and values of traditional culture. The content of the article is based on analysis of data from published studies, along with practical observations, pointing out the importance of cultural development planning strategies concurrent with urban development planning market in Hanoi today.
Keywords: Đoài region, Đoài’s culture, urbanization context.
Subject classification: Culture.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Xứ Đoài được coi là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, minh chứng là nơi đây cho đến nay vẫn dày đặc những di sản văn hóa vật thểvà phi vật thể mang sắc thái riêng, như một trong những không gian văn hóa đặc trưng của Đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Trong quá trình phát triển của Thăng Long -Hà Nội với vị thế là thủ đô, là trung tâm kinh tế và văn hóa, đã và đang tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa xứ Đoài, ở các chiều kích khác nhau đan xen tích cực và cả những bất cập, hạn chế. Đô thị hóa và tiếp biến văn hóa xứ Đoài càng diễn ra mạnh mẽ hơn kể từ khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội (29/5/2008), và sau đó Chính phủ cũng công bố dự án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, xứ Đoài chính thức thuộc về Hà Nội.
Những giá trị văn hóa đặc trưng của xứ
Đoài hiện đang lànguồn lực quan trọng đóng góp cho phát triển của Thủ đô Hà Nội. Vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay với địa bàn này là không những phải gìn giữ những tinh hoa văn hóa xứ Đoài mà còn phải làm cho nó ngày càng phát huy giá trị trong không gian đô thịHà Nội hiện đại trên nền cảnh văn hóa truyền thống được bảo tồn, để xứ Đoài hiện tại trở thành một phần không thể thiếu, trong tổng thể không gian văn hóa Thăng Long -Hà Nội mới. Văn hoá xứ Đoài trong bối cảnh đô thịhoá, tiếp cận từ những quan sát động thái tiếp biến và kiến tạo những giá trịmới của văn hoá xứ Đoài trên nền tảng giao thoa các giá trịtruyền thống và hiện đại. Từ đó đặt ra vấn đềthảo luận về những thách thức, hệ luỵ của đô thị hoá, phát triển nóng đã và đang phần nào làm sói mòn bản sắc của tiểu vùng văn hoá xứ Đoài trong không gian đô thị Hà Nội hiện tại và tương lai.
2. Nhận diện về xứ Đoài và đặc trưng văn hóa
2.1. Xứ Đoài -không gian địa lý
Xứ Đoài theo tên gọi trước ngày 01/8/2008 là vùng đất bao quanh phía Bắc, phía Tây và phía Nam Hà Nội, có ngã ba Bạch Hạc, là nơi hợp thành của ba con sông: sông Đà, sông Thao và sông Lô. Xứ Đoài bao gồm trấn Sơn Tây và trấn Sơn Nam Thượng. Trấn Sơn Tây có các huyện: Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai (nay là huyện Ba Vì) và thị xã Sơn Tây. Trấn Sơn Nam Thượng gồm huyện: Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ và thị xã Hà Đông.
Theo từng quan điểm, từng thời kỳ, xứ Đoài có thể trải từ Phú Thọ xuống ranh giới phía tây Hà Nội cũ (trước năm 2008), từ dãy Ba Vì sang dãy Tam Đảo, là vùng đất quanh sông Nhuệ, sông Hồng, sông Đáy, hoặc hẹp hơn khi chỉgồm mấy huyện phía tây Hà Nội. Ngày nay, xứ Đoài là tên gọi độc quyền để chỉ đất Sơn Tây. Đó là vùng đất bán sơn địa phía tây Hà Nội, nơi có sinh cảnh núi đồi xen kẽ với đồng bằng, bãi bồi xen lẫn với các gò đất cao, đồng chiêm ô trũng xen kẽ với những đầm hồvực lớn, đồi gò xen lẫn với khe rộc…
Xứ Đoài ngày nay không phải địa danh hành chính, không phải tên gọi chính thống, biên độ không gian mà nó quy chiếu đến được nhìn nhận khác nhau trong từng thời kỳvà tùy thuộc vào quan điểm của các nhà nghiên cứu (Nguyễn Phượng Anh, 2017c). Xứ Đoài hiện nay, lớp địa danh gọi theo vịtrí chỉquy chiếu đến một không gian nhỏ. Trên địa bàn, chỉcó một vài địa danh mà yếu tố chỉ phương hướng quy chiếu đến vị trí tổng thể là thị trấn Tây Đằng, thị xã Sơn Tây và Tây Phương cổ tự. Có thể nói, lớp địa danh có yếu tố chỉ phương vị không phải là hiện tượng thích hợp để xác định diên cách của không gian xứ Đoài (Nguyễn Phượng Anh, 2017c).
2.2. Xứ Đoài -không gian văn hóa
Không gian văn hóa là một khái niệm chỉmột phạm vi trong đó có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống với những mối quan hệvềnguồn gốc lịch sử, những tương đồng vềtrình độphát triển kinh tếhình thành nên những đặc trưng văn hóa chung thể hiện trong mọi lĩnh vực đời sống văn hóa.
Xứ Đoài là không gian văn hoá tạo nên bởi tổng thể những mối quan hệ đặc thù về vị trí, về môi trường tự nhiên, phong tục tập quán, thiết chế chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo… do chủ thể văn hoá sáng tạo ra và chịu tác động. Chính sự cộng sinh giữa các tiểu vùng văn hóa, thiên nhiên xứ Đoài đa dạng: núi cao, gò đồi đá ong, thung lũng, cánh đồng lúa nước, đường đi lên, xuống lượn quanh, hai dòng sông Hồng và sông Tích Giang bao bọc hai hướng Bắc -Nam, tắm tưới phù sa và gây nhiều lũ lụt…Vì vậy, để định vịvà làm sáng tỏ đặc trưng không gian văn hóa xứ Đoài nhất định phải dựa vào phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận văn hoá vùng và tiểu vùng văn hoá.
Địa danh xứ Đoài xuất hiện như một quẻ trong Kinh Dịch “Đoài phương tĩnh nhất khu” (Kiều Thu Hoạch, 1999: 9). Tuy không xác định được thời gian cụ thể của địa danh này, song xứ Đoài vốn đã in sâu trong tâm thức của cư dân và thường xuất hiện như một không gian văn hóa trong các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc thời Hậu Lê. “Tiếng ai như tiếng xứ Đoài/Ăn cơm thì ít ăn khoai thì nhiều” (Kiều Thu Hoạch, 1999: 15).
Xứ Đoài là một vùng đất rộng lớn bao bọc trung tâm châu thổ sông Hồng ở phía Tây, Tây Bắc và Bắc. Nơi đây được định vị bởi sông Đà ở phía trên và sông Nhị Hà ở phía dưới, tả ngạn có ngọn núi Tam Đảo và hữu ngạn có ngọn núi Tản Viên hùng vĩ. Núi Tản Viên không chỉ là ngọn núi huyền thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh -Thủy Tinh, mà còn là ngọn núi “linh thiêng” của xứ Đoài. “Thần công trăm trận tan kình ngạc/ Thánh hiển muôn đời dựng núi sông”.
Việc mở rộng Thủ đô cho đến thời điểm này chỉ mang tính chất mở rộng địa giới hành chính, còn đặc trưng của các tiểu vùng văn hóa về cơ bản không có nhiều thay đổi. Hơn nữa văn hóa xứ Đoài với những đặc trưng và giá trị của nó đã được định hình qua hàng nghìn năm, có sức mạnh nội sinh nên không dễ gì thay đổi một sớm một chiều.Vì vậy, trước mắt cũng như lâu dài, văn hóa xứ Đoài sẽ không bịmất đi bởi đô thị hoá và hiện đại hoá của Hà Nội.
2.3. Đặc trưng văn hóa xứ Đoài
Xứ Đoài qua nhiều biến đổi của lịch sửvà xã hội, đến nay vẫn hiện hữu những trầm tích của một vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt, mặc dù trước tác động mạnh mẽ của đô thị hóa xứ Đoài vẫn hiển hiện những nét riêng. Đặc trưng của văn hóa xứ Đoài biểu hiện ở những di sản vật chất là hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, nhà ở truyền thống và hệ thống các truyền thuyết và lễhội dân gian như: Đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đình Tây Đằng, những truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh -Thủy Tinh, sự tích thần Tản Viên -một trong tứ vị thần bất tử Việt Nam, Bà Man Thiện -người mẹ anh hùng của Hai Bà Trưng, Bố Cái Đại Vương -vua lớn Phùng Hưng… Cùng với đó là các thực hành nghi lễ, lễ hội với những bài văn tế thần, nghi thức cúng bái ở các lễ hội đền chùa, lễ hội về Thánh Tản… được lưu truyền từ nhiều đời mà đến ngày nay vẫn được cư dân ở đây thực hành nghiêm cẩn. Các nghi lễ rước bài vị Thánh qua sông Hồng, mở tiệc cá gỏi làm bằng cá lăng, cá quất dâng lên Sơn Tinh, rước Thánh Tản về tế Đền Hùng… tràn khí thiêng địa linh, nhân kiệt mang đậm dấu ấn văn hóa Lạc Việt, hiếm thấy còn được bảo lưu ởnơi đâu.
Xứ Đoài còn lưu giữ được những phong tục chất phác, mộc mạc, những nét tinh túy độc đáo nhất của người Việt cổ. Ví như ở xã Phù Lập huyện Bạch Hạc cũ, từ trước tới nay không hề thờ phật, hàng năm đến ngày trừ tịch không trồng nêu, tất cả về mặt phong tục, kỵ hèm thường gắn liền với các lễ thức thờ thành hoàng làng. Lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát Môn có tục làm bánh trôi dâng tiến. Lệtục này bắt nguồn từ sự tích bà lão làng Hát làm bánh trôi dâng tiến vua Trưng khi xưa. Hay như tục làm tiệc cá trong các lễ hội về Thánh Tản ở các làng ven sông Tích, vốn là một lệ tục có liên quan đến sự tích thần núi Tản Viên dạy dân đánh cá thủa xưa. Nét độc đáo của phong tục xứ Đoài còn phải kể đến những đặc sản trong văn hóa ẩm thực của cư dân nơi đây. Các món ăn truyền thống, các của ngon vật lạ được lưu truyền ở xứ Đoài từ xa xưa hay trong các ngày lễ tiết, tế tự đều không dùng giấy vàng, giấy bạc và đồ mã.Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chính những nét tín ngưỡng ấy đã làm nên tính cách đặc trưng của cư dân xứ Đoài là dung mãnh, quật cường, làm nền tảng cho tính cách anh hùng, thượng võ yêu nước, là đặc trưng truyền thống của con người xứ Đoài qua hàng ngàn năm lịch sử.
3. Văn hóa xứ Đoài trước tác động của đô thị hóa
3.1. Xứ Đoài vùng văn hóa cộng sinh
Với vị thế là vùng ven kinh đô/thủ đô, nơi giao thương, tiếp nhận, tiếp biến và lan tỏa kinh tế và văn hóa. Vì lẽ đó, từ xưa đến nay xứ Đoài luôn là vùng văn hóa biểu hiện rõ nét sự cộng sinh giữa các yếu tốvăn hóa vùng miền, địa phương, đô thị đa dạng. Biểu hiện sự cộng sinh là sự đa dạng các cộng đồng cư dân, đa dạng nghề, làng nghề từ xưa đến nay. Cộng sinh, trong trường hợp xứ Đoài, còn được hiểu là phép cộng hài hòa giữa những điều khác biệt để cùng phát triển. Trong đó có các cư dân nông nghiệp mang dấu ấn văn hóa từ thời Việt cổ, với những tín ngưỡng nông nghiệp ở đồng bằng châu thổ sông Hồng còn lưu truyền đến ngày nay. Cùng với đó là các sinh hoạt tín ngưỡng thờ thủy thần ven các con sông Hồng, sông Đáy, sông Hát… với các nghi lễ đến nay vẫn được thực hành vào các dịp lễ hội hằng năm ở các làng, xã vùng Thạch Thất, Phúc Thọ và Hoài Đức…. Hay như các tục thờ cúng của cộng đồng dân cư vùng trung du, miền núi (bán sơn địa) gắn với văn hóa, tín ngưỡng thờ sơn thần, Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng người Việt…. Thêm nữa, xứ Đoài còn là điểm kết nối giao thoa giữa văn hóa của người Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ với các tộc người thiểu số miền núi như: Mường, Nùng, Sán Dìu, Dao…. ở vùng trung du, miền núi Hòa Bình, Phú Thọ.
Bên cạnh đó, với vị thế gần Thăng Long, xứ Đoài là nơi cung cấp các nhu yếu phẩm cho cư dân đô thị, từ các loại thực phẩm, hàng thủcông, mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt… Vì vậy, từ xưa đến nay, xứ Đoài vẫn luôn tồn tại và phát triển các công xưởng, sản xuất các mặt hàng phục vụcho nhu cầu của đô thị, từ đó hình thành lên các làng nghề truyền thống như: nghề mộc Tràng Sơn, làng nghề sơn thếp Sơn Đồng, làng miến Cự Đà…
Với vị thế là một trong tứ trấn bên cạnh Kinh đô -Thủ đô của nước Việt từ xưa đến nay, xứ Đoài đã luôn là nơi tiếp xúc, trao đổi văn hoá với Thăng Long -Hà Nội. Đây chính là lợi thế của xứ Đoài so với các vùng đất khác. Vì vậy, xứ Đoài có điều kiện tiếp nhận những yếu tố mới, những nét đẹp văn hoá từ kinh đô Thăng Long -Hà Nội để làm phong phú và vững chắc hơn bản sắc của riêng mình. Cũng như tiếp nhận các dòng văn hóa từ các vùng miền, tộc người khác nhau, tạo ra sự đa dạng văn hóa riêng có của xứ Đoài.
Đặc trưng nổi trội và quan trọng nhất của văn hóa xứ Đoài là sự phong phú, đa dạng, cộng sinh vềđời sống tín ngưỡng. Cho đến nay, đời sống tín ngưỡng của xứ Đoài được nuôi dưỡng bằng những lễ hội truyền thống vẫn được thực hành trong cộng đồng, đó là tài sản văn hóa quý báu đóng góp cho kho tàng văn hóa Thăng Long -Hà Nội.
Chúng ta đều nhận rõ Văn hóa Thăng Long -Hà Nội và văn hóa xứ Đoài có cùng một gốc văn hóa tâm linh đậm tinh thần Phật giáo, với những dấu ấn từ khởi nguồn của đô thị Thăng Long bởi một triều đại lấy Đạo Phật làm quốc giáo. Và tinh thần Phật giáo đã trải qua các triều đại cho đến tận hôm nay. Minh chứng cho điều này là sự dày đặc các công trình kiến trúc Phật giáo như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc,… Cùng với Thăng Long -Hà Nội, xứ Đoài cũng là miền đất của Phật. Nơi đây có số lượng các chùa vào loại nhiều nhất trong cả nước với những di tích vang danh như chùa Đậu, chùa Thầy, chùa Mía, chùa Hương, chùa Tây Phương…
Xứ Đoài từ xưa đến nay vẫn là công xưởng sản xuất, hàng hóa để phục vụ Kinh đô, và cũng lấy Kinh đô -Thủ đô làm điểm chung chuyển sản vật của xứ Đoài đi trăm miền. Vì vậy nơi đây được mệnh danh là đất trăm nghề. Với những nghệ nhân nức danh, họ thường xuyên di chuyển ra Kinh đô –Thủ đô để làm ăn, hành nghề. Những nghệ nhân làm ra công trình văn hóa ở chùa Hương, chùa Thầy… cũng chính là người đã ra Hà Nội làm những ngôi chùa của Hà Nội… Mặt khác, những người tài năng sinh ra ở xứ Đoài như Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thì Nhậm, Tô Hoài… họ cũng ra kinh kỳ học tập và sinh sống, nghiên cứu… Tất cả việc đó có nghĩa là những người xứ Đoài cũng đã góp phần tạo lên văn hóa Thăng Long –Hà Nội ngày nay. Đây chính là những cơ sở quan trọng để thấy rằng, văn hóa xứ Đoài là sự cộng sinh của các nền văn hoá nông nghiệp và đô thị, đồng bằng và trung du, miền núi, cộng đồng người Việt và các nhóm tộc người thiểu số vùng bán sơn địa. Ngày nay, những người thợ xứ Đoài cũng vẫn hằng ngày di chuyển “con lắc” ra Hà Nội làm đủ mọi nghề để mưu sinh, làm giàu và đóng góp quan trọng cho phát triển Thủ đô. Sự cộng sinh văn hoá xứ Đoài vẫn tiếp tục được kế thừa, chọn lọc và phát triển.
3.2. Xứ Đoài, di sản truyền thống trong bối cảnh đô thị hoá
Di sản văn hoá xứ Đoài hiện diện trong đời sống đương đại là mạch nguồn chưa khi nào ngừng chảy, ngay cảkhi tốc độđô thịhoá và hiện đại hoá Thủ đô diễn ra mạnh mẽ. Nhiều làng quê xứ Đoài đã lên phố, dân nhập cư sinh sống đan xen với người địa phương. Lối sống và văn hoá đô thị cùng các tiện nghi hiện đại ngày càng thay thế lối sống cũ. Mặc dù vậy, di sản truyền thống vẫn là bệ đỡ cho phát triển của xứ Đoài hiện đại. Di sản văn hoá xứ Đoài được nhận diện ở các giá trị nổi trội như:
– Các làng nghề và ngành nghề truyền thống như: mộc, sơn, đan lát, xây dựng, dệt lụa… Hiện nay, một số nghề phát triển hơn về quy mô và cơ cấu, ứng dụng hình thành các phường hội, các hiệp thợ thủ công. Các làng Cổ Đô (KẻMộc), Hoắc Xa, Chu Quyến, Chu Chàng… tạo nên sự thịnh vượng của Hà Nội. Nghề chạm gỗ thuộc xứ Đoài: Chàng Thôn, Nhân Hiền, Chàng Sơn, Quốc Oai, (tương truyền ông tổ nghề ở Chàng Thôn -Ba Vì); nghề rối nước làng Gia; nghề gốm Phú Nhi, nghề Đá ong Đường Lâm… Bao nhiêu làng nghề là bấy nhiêu bàn tay tài hoa được truyền nối qua các thếhệ, giúp cho người dân xứ Đoài có cuộc sống no đủ, bình yên.
– Dân ca nghi lễ: hát Rô và hát Chèo Tàu, những điệu hát này đã thịnh hành cách đây nhiều thế kỷ. Di sản diễn xướng hát Rô đến này vẫn được bảo lưu và thực hành gắn với tục thờ cúng tôn vinh Đức Thánh Tản của người dân ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai. Hát rô gồm 22 bài, trong đó có 10 bài vừa hát vừa múa, gọi là hát bỏbộ. Hát Chèo Tàu hiện còn ở bốn thôn của xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, gắn với tục thờ cúng Hai Bà Trưng, Triệu Quang Phục, Lý Phật Tử.
-Di sản kiến trúc đặc sắc hiện còn được bảo tồn, tôn tạo và phục dựng. Trong đó phải kể đến các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, chùa, đền, quán như: Đền Và, chùa Mía, chùa Tây Phương, chùa Thầy, đền miếu thần kỳ, đình làng Tây Đằng…. Đây thực sự là nguồn lực văn hoá vô cùng lớn của người dân xứ Đoài. Nguồn lực di sản văn hóa này tuy đã phần nào được khai thác, phát huy nhưng vẫn chưa xứng với giá trị vốn có nó, để người dân xứ Đoài làm giàu từ đó.
– Xứ Đoài còn lưu giữđược những lối sống, phong tục chất phác, mộc mạc, những nét tinh túy độc đáo nhất của người Việt cổ. Tục thờ cúng, kiêng kỵ, tục hèm, ở xã Phù Lập (huyện Bạch Hạc cũ), từ trước tới nay không hề thờ phật, hàng năm đến ngày trừ tịch không trồng nêu… Các phong tục này gắn với các lễ thức thờ thành hoàng làng mà đến nay vẫn được thực hành. Chẳng hạn như ở Lễ hội Hai Bà Trưng ở Hát Môn có tục làm bánh trôi dâng tiến, tục làm tiệc cá trong các lễ hội về Thánh Tản ở các làng ven sông Tích. Đây vốn là một lệtục có liên quan đến sự tích thần núi Tản Viên dạy dân đánh cá thuở xưa…
Tuy nhiên, ngày nay, bên cạnh sự phát triển về kinh tế- xã hội theo hướng phát triển đô thị, hiện đại thì nhiều di sản văn hóa ở xứ Đoài đang bị mai một dần. Trong đó phải nhắc đến một số di sản bị xâm hại như di tích Hòn núi Chẹ mà Sơn Tinh dùng để chặn đường tiến của Thủy Tinh bên bờ sông Đà đã bị khai thác quá nửa. Mười sáu con rồng đá giữa đồng bãi sông Đáy hiện chỉ còn 10 con mà cũng trong nguy cơ dần biến mất (Nguyễn Phượng Anh, 2017d). Núi Ba Vì và các khu vực xung quanh đang được xẻ đất quây vùng thành các khu nghỉdưỡng manh mún, thiếu quy hoạch. Đình Đoài, những công trình kiến trúc phi vật thể được đánh giá là đẹp nhất nhì Bắc Bộ cũng đang đối diện với mối mọt, mất cổ vật hoặc được trùng tu, phục dựng tùy tiện. Diễn xướng dân gian truyền thống như: Hát chèo Tàu, hát Rô đang đối diện với thực tế về việc gìn giữ, truyền nối, bảo tồn và thực hành trong đời sống, đặc biệt trong giới trẻ.
3.3 Đô thị hoá và giao lưu tiếp biến văn hoá xứ Đoài
Giao lưu và tiếp biến văn hóa là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người (cộng đồng, dân tộc) có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cảhai nhóm. Đối với xứ Đoài giao lưu, tiếp biến văn hóa tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng. Ở đó có sự kết hợp giữa các yếu tố “nội sinh” là bản sắc, truyền thống của người xứ Đoài với yếu tố “ngoại sinh” là sự du nhập của các cộng đồng cư dân cũng như các hiện tượng văn hóa từ nơi khác đến, tạo nên sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn.
Việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội cũng có nghĩa mở rộng nền văn hóa, thông qua sự giao thoa giữa văn hóa xứ Đoài và văn hóa Thăng Long -Hà Nội. Đời sống văn hóa tinh thần của khu vực Hà Nội mở rộng, nhất là với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của xứ Đoài có bước chuyển biến rõ rệt về đời sống kinh tế và văn hoá. Tuy nhiên, hai vùng văn hóa đồng hành phát triển và bồi đắp lẫn nhau đã và đang tạo nên sự phong phú cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Đặc trưng của đô thị hoá ở Hà Nội là quá trình giao tiếp giữa các yếu tố nội sinh và yếu tốngoại sinh của văn hoá làng. Vì vậy, không gian kiến trúc xứ Đoài trong quá trình biến đổi chứa đựng cả ba nhân tố: truyền thống, sự đan xen và sự đổi mới. Như vậy, trong quá trình hiện đại hoá các làng xóm xứ Đoài không tránh khỏi “môi trường đô thị hoá”. Đây là môi trường tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi của con người, lao động, nghềnghiệp, văn hoá và lối sống đô thị tác động vào cấu trúc không gian làng. Xét về mặt kinh tế kỹ thuật, đây là môi trường thương mại, chuyển giao giữa công nghệ hiện đại với kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cổ truyền. Xét về văn hoá, đây là môi trường giao lưu giữa văn hoá truyền thống và văn minh hiện đại. Môi trường này mang tính chất là không gian chuyển tiếp giữa đô thịvà nông thôn.
– Trong quá trình đô thị hoá hội nhập Hà Nội, diện mạo làng xã cổ truyền xứ Đoài đã thay đổi rất nhiều. Nhu cầu và thực tế về không gian sinh sống và sản xuất do dân số tăng lên, đặc biệt là dân cư từ các vùng miền đổ về làm việc trong các khu công nghiệp, khu đô thị mới mới khiến cho nhịp sống và văn hoá xứ Đoài chịu nhiều áp lực mai một. Với một mục tiêu nhất quán của Hà Nội là phát triển bền vững, xứ Đoài lại nằm trong tổng thể của quy hoạch Thủ đô, hy vọng rằng vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy những vốn văn hóa của xứ Đoài sẽ được quan tâm và đầu tư thỏa đáng.
– Ở một góc nhìn khác cho thấy, những tác động tích cực của đô thị hoá ở Hà Nội đã làm cho các làng xã xứ Đoài có sự thay đổi lớn về kinh tế-xã hội và bộ mặt kiến trúc tại các tụ điểm dân cư thị-thôn mới. Nhưng xét về tổng thể chung trong thành phố, sự giao tiếp giữa cuộc sống nông thôn và cuộc sống thành thị về các mặt kinh tế, xã hội, văn hoá, lối sống cho thấy xu hướng nông thôn áp đảo thành thị. Biểu hiện rõ nét là căn tính nông dân và tư duy nông nghiệp và lối sống tình làng nghĩa xóm của người dân xứ Đoài có ảnh hưởng không nhỏ đến hình thành văn hoá và nếp sống đô thị. Ngược lại, do có sự giao lưu, tiếp xúc của cuộc sống nông thôn với văn minh kỹ thuật đô thị theo xu hướng “hướng ngoại” đã và đang có nhiều tác động vào cấu trúc làng, làm ảnh hưởng đến những giá trịvăn hoá truyền thống. Kết quả tác động theo cả hai chiều nêu trên dẫn đến sự va chạm giữa yêu cầu hiện đại, văn minh của cuộc sống đô thị và tính truyền thống, văn hoá của cuộc sống nông thôn.
– Xu hướng bê tông hóa kiến trúc nông thôn xứ Đoài đã và đang diễn ra tự phát và khó kiểm soát. Trong đó sự biến đổi phần vỏ vật chất của không gian kiến trúc nông thông chưa đồng bộ với nhận thức và nội dung bên trong là con người, xã hội, văn hoá, lối sống nông thôn. Do người dân có xu hướng muốn biến không gian kiến trúc của ngôi nhà nông thôn của họ theo mô hình đô thị một cách nóng vội. Từ đó, kiến trúc làng quê xứ Đoài đã và đang bị băm nát, tạo nên sự biến đổi lộn xộn, làm mất đi những nét đặc trưng của không gian văn hoá quần cư truyền thống. Sự biến đổi nêu trên là theo quy luật tự phát, thiếu sự cân bằng giữa các yếu tố con người, xã hội, môi trường và cân bằng giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá.
– Xứ Đoài vốn là tiểu vùng văn hoá của châu thổ sông Hồng với đặc trưng nổi bật về địa lý và khí hậu là môi trường thực vật và sông nước, với hệ thống các làng gắn liền sông, hồ, đầm và vùng bán sơn địa… Mỗi một làng quê xứ Đoài là một đơn vị cân bằng sinh thái trong hệ sinh thái nông thôn vùng châu thổ và trung du Bắc Bộ. Làng của xứ Đoài truyền thống cũng như đương đại mặc dù là ngoại thành của Hà Nội hiện đại nhưng vẫn là một cộng đồng dân cư, đơn vị kinh tế xã hội và văn hoá có tính khu biệt. Trong đó, các thiết chế làng gồm những thành tố: công trình công cộng truyền thống, nhà ở, không gian giao tiếp công cộng, không gian tâm linh… đan xen, gắn bó, tạo thành một không gian phức hợp chứa đựng những giá trị văn hoá truyền thống và hiện đại cực kỳ sinh động.
– Nghề truyền thống là một đặc trưng của văn hoá sản xuất mang giá trị vật chất và giá trị tinh thần của cư dân xứ Đoài từ xa xưa cho đến ngày nay. Đặc trưng của nghề truyền thống xứ Đoài là gắn với với sinh hoạt văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán kiến tạo lên những giá trị văn hoá mang đặc trưng của mỗi làng, như: nghề sơn thếp làng Hạ Thái, nghề tạc tượng Sơn Đồng… Đây là những yếu tố nội lực sẵn có trong không gian làng truyền thống xứ Đoài hiện từng ngày chịu tác động của đô thị hoá. Vì vậy, cần nghiên cứu phát triển gắn với bảo tồn những giá trị trên.
– Xu hướng biến đổi văn hoá xứ Đoài do ảnh hưởng của đô thị hoá bắt đầu từ các nhân tố con người -xã hội -môi trường, từ văn minh nông nghiệp (nông thôn) sang văn minh công nghiệp (đô thị). Quá trình này đã và đang diễn ra như sau: Đất nông nghiệp giảm dần và đất xây dựng đô thị tăng lên để xây dựng các khu chức năng của thành phố mở rộng. Càng vào gần trung tâm hành chính và thương mại nông nghiệp, nông thôn giảm xuống thấp, ngược lại càng xa trung tâm thì công nghiệp dịch vụ đô thị giảm; Lao động nông nghiệp giảm xuống, lao động công nghiệp tăng lên; Trình độ dân trí quan hệ xã hội và lối sống đô thị tăng lên, quan hệ cộng đồng làng xóm, lối sống nông nghiệp và giá trị truyền thống giảm dần; Nghề truyền thống có xu hướng giảm dần, các loại sản xuất khác theo hướng hiện đại hoá tăng lên; Truyền thống trao đổi hàng hoá được thay đổi sang hình thức kinh doanh dịch vụ buôn bán thị trường; Các giá trịvăn hoá sinh hoạt và sản xuất đồng thời giảm dần đến mức chỉ còn lại những cốt lõi mang tính chất đặc trưng: đền, chùa, miếu, lễ hội tín ngưỡng, thủ công mỹ nghệ tinh xảo gia truyền; Không gian, môi trường cảnh quan văn hoá làng truyền thống giảm xuống, nhường chỗ cho công trình nhà cửa kinh tế kỹ thuật và môi trường đô thị…
– Đô thị hóa tác động mạnh mẽ vào đời sống mỗi gia đình nông dân xứ Đoài. Trong đó sự thay đổi lối sống từ nông thôn sang đô thị, từ nông dân sang thành thị dân đã và đang làm thay đổi các chuẩn mực văn hóa dẫn đến sự thay đổi, hành vi và cách ứng xử của mỗi cư dân xứ Đoài, nhất là khu vực ven đô. Đô thị hóa còn làm biến đổi các mối quan hệ họ hàng, cộng đồng làng xã, đó là các quan hệ xã hội đa chiều, phức tạp do sự pha trộn nhiều tầng lớp dân cư và sựchuyển đổi các mô hình tổ chức. Các nhóm cộng đồng làng xã sẽ dần được thay thế bằng các cộng đồng mở với các quan hệ bắc cầu. Đây là một trong những xu hướng của cộng đồng nông thôn chuyển đổi sang đô thị.
3.4. Một số vấn đề đặt ra với văn hoá xứ Đoài hiện nay
1) Mặc dù vùng văn hoá xứ Đoài không lệ thuộc vào cương vực hành chính. Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết số15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội đã mở ra một vận hội mới cho Thủ đô nâng địa vực của Hà Nội không chỉ rộng lớn về mặt địa lý mà quan trọng hơn là sự rộng lớn và phong phú về không gian văn hoá.
2) Xứ Đoài chịu sự tác động mạnh mẽ của đô thị hoá Hà Nội, dần hình thành vùng văn hoá nông thôn trong lòng đô thị. Tuy hiện nay có sự thay đổi về cơ sở vật chất theo hướng đô thị nhưng những giá trị cốt lõi của văn hoá xứ Đoài vẫn như mạch nguồn âm thầm tiếp nối, tạo nên sắc thái riêng biệt của xứ Đoài trong lòng Hà Nội. Vì vậy, cần có tư duy, tầm nhìn và phương thức giữ gìn lối sống của người dân xứ Đoài như là những tiểu vùng văn hoá trong vùng văn hoá Thăng Long -Hà Nội thời hiện đại.
3) Sơn Tây -xứ Đoài luôn là cửa ngõ của Thăng Long -Hà Nội, là điểm hội đủ các yếu tố của một đặc khu văn hoá du lịch lý tưởng vào bậc nhất ở miền Bắc nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để biến nguồn lực văn hoá và sinh thái giàu có này trở thành sức mạnh vật chất để phát triển Thủ Đô, trước hết phải nhận diện được và đánh giá được giá trị của nó. Từ đó khắc phục việc quy hoạch và phát triển đô thị ồ ạt mất kiểm soát như hiện nay. Có như vậy Hà Nội mới hiện thực hoá được mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp văn hóa cơ bản thành kinh tế mũi nhọn, đóng góp từ 4 -5% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), năm 2030 đóng góp khoảng 7% GRDP. Mục tiêu năm 2045, công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp khoảng 10% GRDP (Gia Huy, 2022).
4) Nâng cao hình ảnh và bản sắc của không gian đô thị xứ Đoài, như thị xã Sơn Tây, hay các khu vực thị trấn, thị tứ vùng Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức… là điểm hội tụ, trung tâm của văn hoá, trong đó dựa vào bảo tồn các giá trị cốt lõi của văn hoá xứ Đoài và các làng nghề truyền thống cùng với quy hoạch phát triển đô thị hiện đại trên nền tảng giá trị truyền thống. Có như vậy mới khắc phục được các nhược điểm phát triển đô thị tự phát như ở các làng quê xứ Đoài hiện nay.
5) Đô thị hóa tạo ra sựthay đổi trong việc sử dụng đất ở khu vực ven đô. Việc chuyển một phần lớn diện tích đất nông nghiệp sang xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư đô thị đã làm mất đi nguồn sống chính của những người nông dân, buộc họ phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang các hoạt động phi nông nghiệp, khi chưa có đủ thời gian tích luỹ phương thức và kỹ năng sinh tồn ở đô thị. Từ đó tạo ra những thách thức đối với nông dân xứ Đoài, đặc biệt là nông dân nghèo. Vì đòi hỏi họ phải có thời gian và sự đầu tư cả về tiền bạc lẫn trí tuệ mới thích ứng được với điều kiện mới. Tốc độ đô thị hóa nhanh mà chủ yếu nhằm vào bất động sản, kéo người dân xứ Đoài nhất là vùng ven Thủ Đô như Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ…vào cuộc mưu sinh thiếu bền vững và không kiểm soát, dẫn đến những hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng như thất nghiệp, nghèo khổ và bất ổn xã hội và tha hóa về văn hóa.
4. Kết luận
Đô thị hóa là một quá trình phát triển tất yếu của đất nước, trong đó có xứ Đoài – Hà Nội. Tuy nhiên, đô thị hóa tự phát, thiếu quy hoạch khoa học hoặc phá vỡ quy hoạch sẽ làm nảy sinh và để lại rất nhiều hậu quả tiêu cực, lâu dài, gây lãng phí lớn và cản trở sự phát triển của đất nước.
Xứ Đoài là một vùng văn hóa có vị trí đặc biệt trong toàn bộ tiến trình văn hóa Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Nơi đây, có thể coi đây là không gian cô đọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời có nhiều nét đặc sắc riêng, là kho báu vô giá trong tổng thể di sản văn hóa Việt Nam. Việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa xứ Đoài trong bối cảnh Hà Nội mở rộng và tốc độ đô thịhóa mạnh mẽ là vô cùng cần thiết. Vì vậy, phải có những nghiên cứu đánh giá tổng thể để xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy văn hóa xứ Đoài trước sức ép của đô thị hóa, công nghiệp hóa như hiện nay.
Cùng với những nghiên cứu, đánh giá nguồn lực văn hóa xứ Đoài, xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa xứ Đoài trong bối cảnh phát triển vùng Thủ đô. Cũng như bối cảnh giao lưu và tiếp biến văn hóa xứ Đoài trước tác động của đô thị hóa hiện nay. Hà Nội cần dành nguồn đầu tư ngân sách tương xứng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa của xứ Đoài trong tổng thể bảo tồn và phát triển văn hóa Hà Nội, để văn hóa của Hà Nội hiện đại không làm mất đi bản sắc của vùng văn hóa xứ Đoài đã có từ nghìn năm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Văn hóa -Thông tin. (2001). Quyết định 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24/7 của Bộ Văn hóa -Thông tin về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020. Hà Nội.
Các hiến chương quốc tế về bảo tồn và trùng tu (2004), Nxb. Xây dựng.
Dương Văn Sáu. (2008). Di tích lịch sử- văn hóa và danh thắng Việt Nam. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đặng Văn Bài. (1995). Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích. Tạp chí Văn hóa thông tin. Số 2.
Gia Huy. (20/2/2022). Phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Báo Điện tử Chính phủ. https://thanglong.chinhphu.vn/phat-trien-toan-dien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-cua-thu-do-103220222152722871.htm
Kiều Thu Hoạch. (1999). XứĐoài. Nxb. Văn hoá dân tộc.
Lê Hồng Lý. (2010). Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Ngọc Dũng. (2005). Tổchức, quản lý và khai thác các di tích và danh thắng ở Việt Nam trong cơ chế thị trường. Nxb. Văn hóa Thông tin.
Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thực thi. (2003). Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
Lưu Minh Trị, Vũ Quang Du. (2006). Di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội. Nxb. Hà Nội.
Ngô Huy Huỳnh. (1998). Lịch sử kiến trúc Việt Nam. Nxb. Văn hóa Thông tin.
Nguyễn Phượng Anh. (2016a). “Biến đổi địa danh hành chính và địa danh dân cư tại huyên Thạch Thất và Ba Vì (Hà Nội), những vấn đề đặt ra trong quá trình hội nhập và phát triển”. Hội thảo khoa học Nghiên cứu phát triển ởViệt Nam: những vấn đề lý luận, phương pháp và cách tiếp cận nghiên cứu. Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển.
Nguyễn Phượng Anh. (2016b). Địa danh hành chính và địa danh dân cư huyện Thạch Thất trong quá trình hội nhập và phát triển. Tạp chí Quản lí nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia. Số 5.
Nguyễn Phượng Anh. (2017a). Không gian sống và tập quán sản xuất của người Xứ Đoài -nhìn từ cứ liệu địa danh. Tạp chí Văn hoá nghệ thuật. Số 8.
Nguyễn Phượng Anh. (2017b). Vị trí địa lý của Xứ Đoài từ hệ thống địa danh hai huyện Thạch Thất và Ba Vì. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Số 1.
Nguyễn Phượng Anh. (2017c). Văn hoá xứ Đoài (Qua địa danh hai huyện Ba Vì và Thạch Thất, Hà Nội). Luận án tiến sĩ Việt Nam học.
Nguyễn Phượng Anh. (4/10/2017d). Tinh hoa xứ Đoài trong không gian Hà Nội mới. Báo Quân đội Nhân dân điện tử. http://ct.qdnd.vn/kinh-te-xa-hoi/tinh-hoa-xu-doai-trong-khong-gian-ha-noi-moi-521675
Nguyễn Phượng Anh, Phạm Hà Nam. (2014). Không gian văn hoá trong địa danh hành chính Bắc Kinh và Hà Nội. Kỉ yếu Hội thảo quốc tế nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ văn hoá Việt Nam -Trung Quốc lần thứ 4. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nguyễn Tiến Lộc (2011). Quản lý di tích lịch sửvăn hóa trên địa bàn Đông Anh, Hà Nội hiện nay. Luận văn thạc sỹ Quản lý văn hóa. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Nhiều tác giả. (2007). Di tích Thành cổ Sơn Tây. Nxb. Văn hóa Thông tin.
Phan Khanh. (1994). Vấn đề quản lý di tích trong môi trường đô thị hiện đại. Hà Nội di tích và văn vật. Nxb. Văn hóa Thông tin.
Trương Hữu Quýnh -Nguyễn Minh Tường. (1998). Bảo tồn, tôn tạo và xây dựng di tích lịch sử-văn hóa Đường Lâm. Nxb. Văn hóa Thông tin.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số12-2023
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một vài cảm nhận về văn hóa xứ Đoài trong bối cảnh đô thị hoá (Tác giả: Phạm Văn Dương) |