Một vài nét về hiện tượng chuyển loại từ trong tiếng Việt
SOME STROKES OF WORD CONVERSION IN VIETNAMESE
Tác giả bài viết: MAI THỊ PHƯƠNG QUỲNH, HOÀNG THỊ BÌNH
(Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên)
TÓM TẮT
Từ loại tiếng Việt là phạm trù khá phức tạp. Trong việc phân chia từ loại, các tiểu loại trong mỗi từ là rất chi tiết, tỉ mỉ, dễ gây cảm giác nặng nề khi trình bày lý thuyết. Qua thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy khả năng xác định từ loại trong ngữ cảnh cụ thể của sinh viên chuyên ngữ còn nhiều hạn chế. Do vậy, chúng tôi soạn ra một số bài tập về từ loại để sinh viên có thể luyện tập thêm, nhằm giúp sinh viên nắm chắc hơn hiện tượng chuyển dịch từ loại trong tiếng Việt.
Từ khóa: Từ loại tiếng Việt, chuyển loại từ.
ABSTRACT
Part of speech is a complicated aspect in Vietnamese. In word classification, the sub-class of each part of speech is meticulous and it seems to be difficult when conveyed in theory. Through teaching experiences, it was discovered that there are limitations in identifying part of speech of students. Therefore the exercises for word classfication are written as further practice exercises to help students clearly understand the word conversion in Vietnamese.
Keywords: Vietnamese part of speech, word conversion.
x
x x
1. Lời mở đầu
Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập [1], từ không biến đổi hình thái, cho nên việc xác định tư cách từ loại của một từ, bắt buộc phải dựa vào ba tiêu chí cơ bản là ý nghĩa khát quát, khả năng kết hợp và chức vụ cú pháp của từ. Nói như vậy, có nghĩa là chỉ có thể dựa vào ngữ cảnh sử dụng, ta mới xác định chính xác tư cách của từ loại. Bởi ở ngôn ngữ tiếng Việt, hiện tượng các từ có cùng hình thức ngữ âm nhưng tư cách từ loại khác nhau là khá phổ biến [2-5]. Dựa trên hệ thống từ trong Từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê [6], trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đi sâu vào phân tích một số dạng bài tập cụ thể giúp học sinh nhận diện tư cách từ loại, và hiểu sâu hơn các đặc trưng ngữ pháp của mỗi từ loại và đặc điểm hoạt động của chúng. Phần còn lại của bài viết này được tổ chức như sau. Trong mục 2, chúng tôi trình bày về cách thức chung của việc chuyển loại từ thường gặp trong tiếng Việt. Mục 3 được thể hiện bằng một số bài tập tiêu biểu cho hiện tưởng chuyển loại từ. Dựa trên các hiện tượng tiêu biểu đó, sinh viên có thể áp dụng vào những tình huống cụ thể trong học tập và giao tiếp hàng ngày. Mục 4 chỉ ra những đóng góp của bài viết trong việc nghiên cứu từ loại tiếng Việt và ứng dụng của chúng trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày.
2. Các cách chuyển loại từ thường gặp trong tiếng Việt
Hiện tượng chuyển di từ loại (hay còn gọi là chuyển loại từ) tồn tại phổ biến ở các ngôn ngữ, đối với các ngôn ngữ đơn lập, nó được xem như là một phương thức cấu tạo từ. Tác giả Diệp Quang Ban [1] quan niệm: “Chuyển di từ loại – chuyển loại – là hiện tượng một từ khi thì dùng với một ý nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của từ loại này, khi thì dùng với ý nghĩa và đặc điểm ngữ pháp của từ loại khác.” Ngoài ra còn có một số quan niệm về hiện tượng chuyển di từ loại của các nhà Việt ngữ khác [3, 5]. Nhìn chung, những quan niệm này đều có đặc điểm giống nhau. Các từ chuyển loại đều phải thỏa mãn được ba điều kiện sau: Có hình thức đồng âm; có yếu tố nghĩa từ vựng chung và có khả năng kết hợp khác nhau. Đối với ngôn ngữ tiếng Việt, hiện tượng chuyển loại xảy ra thường xuyên và thể hiện ở tất cả các loại từ tiếng Việt, bao gồm cả thực từ và hư từ [4]. Dưới đây chúng tôi đưa ra một số trường hợp tiêu biểu cho hiện tượng chuyển loại từ:
a) Thực từ chuyển thành hư từ:
– Danh từ chuyển thành quan hệ từ:
– Động từ chuyển thanh quan hệ từ: cho, vào, để, vì, …
– Động từ chuyển thành phụ từ: ra, vào, lên, xuống, …
b) Danh từ chuyển thành tính từ
c) Danh từ chuyển thành động từ
d) Danh từ chỉ sự vật chuyển thành danh từ chỉ đơn vị
e) Danh từ thuộc tiểu nhóm này chuyển thành danh từ thuộc tiểu nhóm khác
f) Động từ chuyển thành tính từ
g) Động từ chuyển thành danh từ
h) Tính từ chuyển thành danh từ
i) Tính từ chuyển thành động từ.
3. Một số bài tập tiêu biểu cho hiện tượng chuyển loại từ
3.1. Thực từ chuyển thành hư từ
Hiện tượng chuyển loại từ xảy ra phổ biến ở các từ loại. Đối với dạng bài tập này, yêu cầu sinh viên phải có hiểu biết sâu hơn về các tiểu loại từ (thực từ, hư từ). Muốn phân tích đúng, phải phân tích kỹ đặc điểm từ loại của từ.
– Danh từ chuyển thành quan hệ từ:
+ Đầu (1) bạc răng long
+ Đầu (2) đường xó chợ
Đầu (1) là danh từ (nghĩa gốc): Phần trên nhất của thân thể người hay phần trước nhất của thân loài vật, ở đó có hệ thần kinh trung ương, phần lớn các giác quan, nối vào thân bằng cổ.
Đầu (2) là giới từ: phần trên nhất, trước nhất của một vật.
– Động từ chuyển thành quan hệ từ:
+ Tôi vì (1) anh mà làm việc hết mình
+ Vì (2) trời mưa nên chúng tôi phải nghỉ học
Vì (1) là động từ quan hệ, nó là trung tâm của vị ngữ trong câu. Khả năng nhận biết: dựa vào tiêu chí khả năng kết hợp của nó
Vì (2) Là một quan hệ từ, nằm trong cặp quan hệ từ vì… nên, có nhiệm vụ nối hai vế trong câu ghép. Vế chứa nó chỉ nguyên nhân, còn vế sau chỉ kết quả.
– Động từ chuyển thành phụ từ:
+ Hôm nay, nó xuống (1) xe ở bến Mỹ Đình.
+ Ngày mai, tôi đi xuống (2) Hải Phòng thăm bạn cũ.
Xuống (1) là động từ chỉ hành động của nó
Xuống (2) là phó từ (phụ từ) chỉ hướng.
Dấu hiệu nhận biết: đứng sau động từ “đi”.
3.2. Danh từ chuyển thành các từ loại khác
Đối với loai bài tập này, sinh viên phải phát hiện ra được danh từ nào đã bị chuyển loại, dựa vào ý nghĩa khái quát và khả năng kết hợp của nó để phân tích.
– Danh từ chuyển thành động từ: (sự vật chuyển thành hành động)
+ Anh nông dân vác cày (1) ra đồng cày (2) ruộng
Cày (1) là danh từ chỉ sự vật; cày (2) là động từ chỉ hành động
+ Mưa (1) rào -> trời đang mưa (2) rào
Mưa (1) là danh từ; mưa (2) là động từ
+ Cái quạt (1) -> Trời nóng, bà luôn ngồi quạt (2) ru em ngủ
Quạt (1) là danh từ; quạt (2) là động từ
+ Cái điện thoại (1) -> đến nơi, hãy điện thoại (2) cho mình nhé!
Điện thoại (1) là danh từ; điện thoại (2) là động từ
+ Thà chết không đầu giặc (đầu hàng) -> Dùng trong ngôn ngữ nói, khẩu ngữ
+ Đầu độc kẻ tình địch -> động từ: Làm cho ăn hoặc uống phải chất độc nhằm giết hại hoặc hủy hoại cơ thể.
– Danh từ chuyển thành tính từ:
+ Ăn cho ấm bụng (1)
+ Anh ấy thật tốt bụng (2)
Bụng (1) là danh từ.
Bụng (2) là tính từ chỉ phẩm chất với nghĩa chuyển là lòng dạ.
– Những danh từ chỉ người, động vật, thực vật, sự vật có đặc điểm về kích thước, màu sắc,… nào đó điển hình, và người ta dùng những đặc điểm điển hình đó để chỉ tính chất cho sự vật: anh hùng, hoang dã, bác học, hình thức,… Danh từ chỉ bộ phân cơ thể được dùng để chỉ tính chất: gan, gan dạ, đầu óc, miệng lưỡi, xanh mắt, bầm gan, tím ruột
– Danh từ chuyển thành số từ:
+ Vở kịch ngắn đầu tay.
“Đầu” là số từ chỉ tác phẩm sáng tác đầu tiên của người nào đó.
+ Lá cờ đầu; đứng đầu lớp về môn toán; ngồi đầu bàn, con chim đầu đàn
“Đầu” là số từ: vị trí hoặc thời điểm thứ nhất, trên hoặc trước những vị trí thời điểm khác
– Danh từ chuyển thành hư từ (giới từ)
+ Chạy nhiều bụng chân sẽ săn chắc “Bụng” là giới từ được dùng với nghĩa chuyển, chỉ phần giữa bàn chân và gối.
– Danh từ chỉ sự vật thành danh từ chỉ đơn vị và ngược lại:
+ Từ đầu hôm, tôi đi giữa đêm trăng mà không biết (Mảnh trăng cuối rừng – Nguyễn Minh Châu)
“Đầu” là danh từ chỉ đơn vị: Chỉ khoảng thời gian đầu của buối tối.
+ Ông (1) đi đâu đấy?
+ Ông anh (2) đi đâu đấy?
Ông (1) là danh từ chỉ người; ông (2) là danh từ chỉ đơn vị.
3.3. Động từ chuyển thành các từ thuộc nhóm từ loại khác
Những dạng bài tập này, chúng tôi đi vào giải thích hiện tượng cùng một hình thức ngữ âm, do có ý nghĩa khái quát khác nhau, do chức năng ngữ pháp trong cụm từ, hoặc do chức vụ cú pháp trong câu khác nhau nên từ có những tư cách từ loại khác nhau. Do những ngữ cảnh khác nhau dẫn đến hiện tượng chuyển di từ loại.
– Động từ chuyển thành danh từ chỉ đơn vị (hành động chuyển thành đơn vị)
+ Nắm cơm -> Một nắm cơm
+ Bó củi lại -> Hai bó củi
+ Vốc hai vốc gạo vào rá
+ Anh đạo diễn (1) hộ tôi vụ này nhé!
+ Đạo diễn (2) cho tốt vào cậu nhé!
Đạo diễn (1) là động từ; đạo diễn (2) là danh từ
+ Một gánh thóc nặng
Từ “gánh” là động từ chuyển loại thành danh từ chỉ loại
+ Sự lo lắng hiện ra trên khuôn mặt
“Lo lắng” là danh từ; dấu hiệu: đứng sau: “sự” (động từ chuyển thành danh từ)
+ Nỗi băn khoăn làm tôi mất ngủ
“Băn khoăn” là danh từ; dấu hiệu: đứng sau: “nỗi” (động từ chuyển thành danh từ)
– Động từ chuyển thành tính từ:
+ Hàng hôm nay bán rất chạy
Động từ biểu thị hoạt động “chạy” chuyển thành tính biểu thị tính chất, thuộc tính của sự vật là “hàng”; dấu hiệu nhận biết, đứng sau phó từ chỉ mức độ “rất”.
+ Hôm nay, nắng rất gắt
Động từ biểu thị trạng thái của nắng là “gắt”, chuyển thành tính từ biểu thị đặc điểm, tính chất của “nắng”; dấu hiệu nhận biết, đứng sau phó từ chỉ mức độ “rất”.
3.4. Tính từ chuyển thành các từ từ thuộc nhóm từ loại khác
Đối với phần tính từ, tôi soạn ra một số câu hỏi, yêu cầu sinh viên giải thích ý nghĩa khái quát, sau đó phân loại nhận diện tư cách từ loại của từ. Cuối cùng áp dụng hiện tượng chuyển loại từ để giải thích.
– Tính từ chuyển thành danh từ:
+ Dân tộc Việt Nam rất anh hùng
“Anh hùng” là tính từ; dấu hiệu: kết hợp với phó từ chỉ mức độ “rất” ở phíc trước.
+ Sự thành công của con cái là niềm vui của cha mẹ
“Sự thành công”, “niềm vui” là danh từ trừu tượng, vì nó kết hợp với “sự”, “niềm” là những danh từ trống nghĩa; dấu hiệu: kết hợp với từ “sự”, “niềm” ở phía trước.
– Tính từ chuyển thành động từ
+ Nghe gọi con bé giật mình tròn mắt nhìn (Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng)
Từ “tròn” vốn là tính từ nhưng ở đây nó được dùng như động từ, mang tính chất của động từ.
+ Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
“Dài” và “rộng” vốn là tính từ, nhưng ở đây nóa đã được động từ hóa mang tính chất của động từ để tương xứng với động từ “xuống” và “lên” ở câu thơ trên.
+ Hai cái ang nước dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp (Vợ Nhặt – Kim Lân)
“Kín” là một từ cổ, có ý nghĩa là gánh, nếu không hiểu được ý nghĩa khái quát ban đầu của nó, sinh viên sẽ xác định sai tư cách từ loại của nó.
– Tính từ chuyển thành từ loại thuộc tiểu nhóm khác
+ Cái áo này rất mới (1)
+ Cái áo này mẹ tôi vừa mới (2) mua tặng bố!
“Mới” (1) là tính từ chỉ đặc điểm, tính chất của cái áo (đối lập với nghĩa là cũ); còn “mới” (2) là phó từ chỉ thời gian, nó bổ sung ý nghĩa cho động từ mua ý nghĩa thời gian, hoạt động “mua” là hoạt động diễn ra trong quá khứ, gần sát với thời điểm nói.
3.5. Một số từ chỉ bộ phận của cây cối được chuyển nghĩa để cấu tạo từ chỉ bộ phận cơ thể con người
– Cánh hoa -> cánh tay.
– Cuống lá -> lá phổi.
– Bắp chuối -> bắp tay.
4. Kết luận
Qua hệ thống câu hỏi, bài tập thực hành, áp dụng giảng dạy cho sinh viên chuyên ngữ, bước đầu chúng tôi thấy có hiểu quả rõ rệt. Phần nhiều sinh viên rất hứng thú khi làm bài tập, từ đó hoàn thiện kiến thức lý thuyết, vận dụng tốt ngôn ngữ tiếng Việt trong nói và viết. Ở một mức độ nào đó, bài viết đã lựa chọn đưa ra được một số bài tập tiêu biểu giúp người học nhận diện hiện tượng chuyển loại từ rõ hơn. Từ đó phân biệt và sử dụng chuẩn xác từ loại tiếng việt trong văn phong nói cũng như viết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Diệp Quang Ban, 2005, “Ngữ pháp tiếng Việt”, NXB Giáo dục.
[2]. Nguyễn Tài Cẩn., 1975, “Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại”, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[3]. Lê Biên, 1996, “Từ loại tiếng Việt hiện đại”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[4]. Nguyễn Anh Quế, 2008, “Hư từ trong tiếng Việt hiện đại”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5]. Đinh Văn Đức, 2001, “Ngữ pháp tiếng Việt: Từ loại”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6]. Hoàng Phê (chủ biên), 2000, “Từ điển Tiếng Việt”, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Nguồn: Khoa học & Công nghệ – Journal of Science and Technology
Số 16/Tháng 12 – 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một vài nét về hiện tượng chuyển loại từ trong tiếng Việt (Tác giả: Mai Thị Phương Quỳnh, Hoàng Thị Bình) |