Nạn cướp biển trên vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng dưới triều Nguyễn (1802- 1884)

SEA-ROBBERY ON SEA AREAS OF QUANG NAM DA NANG
UNDER NGUYEN DYNASTY

Tác giả bài viết: NGUYỄN DUY PHƯƠNG
(Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT

     Từ bao đời, cướp biển luôn là nỗi kinh hoàng của ngư dân khi ra khơi. Chúng không chỉ cướp bóc, giết người, gây ra bao thiệt hại về kinh tế mà còn là mối đe dọa đến an ninh chủ quyền quốc gia trên biển. Dưới triều Nguyễn, cướp biển xuất hiện trên vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng nhiều hơn, mức độ cướp phá trắng trợn và thường xuyên hơn. Để đối phó với lực lượng này, vương triều Nguyễn cùng với quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã có những biện pháp hữu hiệu phòng chống nạn cướp biển, bảo vệ ngư dân cũng như an ninh, chủ quyền biển đảo. Hiện nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, vùng biển và hải đảo được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.Nghiên cứu truyền thống quốc phòng, an ninh nói chung, bảo vệ biển nói riêng của triều Nguyễn sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề lịch sử và từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tácphòng chống cướp biển hiện nay.

Từ khóa: cướp biển; triều Nguyễn; Quảng Nam Đà Nẵng; ngư dân; biển.

ABSTRACT

    For many years, sea-robbery has always been horrors of fishermen while at sea. Robbers plunder, murder, cause not only many economic losses but also a threat to national security and sovereignty at sea. Under Nguyễn dynasty, sea-robbers appeared on the sea areas of Quang Nam Da Nang more, plundering and looting more blatantly and more frequently. To cope with this force, Nguyen dynasty and Quang Nam Da Nang residents had effective measures to prevent sea-robbers and protect the fishermen as well as security and maritime sovereignty. At present, in the context of international integration, seas and islands are the big concern of the Party and the State. Research on traditional defense and security in general, sea protection in particular of the Nguyen Dynasty Sea will contribute to further elucidating the historical issues and hence we can draw out lessons for the prevention of pirates today.

Key words: sea-robbery; Nguyen dynasty; Quang Nam Da Nang; fishermen; sea.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Biển đảo giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc, là nơi ẩn chứa nhiều tiềm năng phát triển đất nước, nhưng những nguy cơ, thách thức đến từ biển cũng không ít, mà nạn cướp biển là một trong số đó. Vùng biển đảo Quảng Nam – Đà Nẵng với nhiều thuận lợi về giao thông, giàu có về nguồn lợi thủy hải sản, tài nguyên khoáng sản… đã trở thành điểm đến hấp dẫn của cướp biển. Chúng không chỉ là nỗi kinh hoàng của ngư dân và cư dân ven bờ, gây ra bao thiệt hại về kinh tế cho địa phương mà nó còn đe dọa đến an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.

2. Giải quyết vấn đề

    2.1. Vài nét về nguồn gốc cướp biển trên vùng biển Việt Nam

    Trong các nguồn thư tịch của Việt Nam, cướp biển được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như: giặc biển, hải tặc, giặc Tề Ngôi, Thanh phỉ, giặc Tàu Ô, giặc Bồ Đà, giặc Chà Và… Dựa trên các cách gọi này, có thể nhận thấy cướp biển hoạt động trên hải phận Việt Nam khá đa dạng gồm cả cướp biển có nguồn gốc từ trong nước (cướp biển trong nước) và cướp biển có nguồn gốc từ nước ngoài (cướp biển nước ngoài), cướp biển chính trị và cướp biển đơn thuần.

    Cướp biển mang mục đích chính trị chủ yếu là cướp biển trong nước như tàn quân Tây Sơn hay các lực lượng muốn khôi phục quyền lực của vua Lê, chúa Trịnh. Còn các nhóm cướp biển người Việt khác chỉ là một vài nhóm lẻ tẻ, vặt vãnh nổi lên mặt biển, hoạt động cướp bóc cũng chỉ để kiếm chút mưu sinh. Trong loại cướp biển chính trị, đáng kể nhất là cướp biển Tề Ngôi với một số lượng khá lớn và hoạt động khá mạnh. Cướp biển Tề Ngôi vốn được quân Tây Sơn thu nạp và trở thành một bộ phận quan trọng trong lực lượng hải quân Tây Sơn, từng giao chiến quyết liệt với quân thủy Nguyễn Ánh và đã giúp thủy quân Tây Sơn trở nên hùng mạnh. Sau khi Tây Sơn sụp đổ, dưới con mắt của triều Nguyễn, Tề Ngôi trở về thân phận cướp biển chính trị chống đối triều đình để khôi phục nhà Tây Sơn. Vì vậy, đây là mối đe dọa lớn đối với ngôi vị vương triều và cần phải bị tập trung tiêu diệt. Dưới triều Gia Long và Minh Mạng, nhà nước đã tốn rất nhiều công sức trong việc truy quét nhóm cướp biển này. Sau một thời gian dài, dù thu được những kết quả nhất định song triều đình vẫn không thể tiêu diệt hoàn toàn, Tề Ngôi vẫn hoạt động dai dẳng trong suốt 4 triều vua đầu nhà Nguyễn.

    Cướp biển nước ngoài hoạt động trên vùng biển nước ta có quốc tịch cũng khá đa dạng như cướp biển người Thanh (Trung Quốc), cướp biển Chà Và (Malaixia), cướp biển Gia Va (Inđônêxia). Trong các nhóm đó, cướp biển Trung Quốc có quy mô, tổ chức lớn nhất, địa bàn hoạt động rộng nhất, tung hoành từ Bắc đến Nam Đại Nam, song vẫn tập trung nhiều hơn ở phận biển miền Bắc và miền Trung, nhất là phận biển Quảng Yên. Thành phần xuất thân ban đầu của cướp biển Trung Quốc có một bộ phận quan trọng là những người bất hợp tác với chính quyền Mãn Thanh hoặc những người từ các tổ chức chống đối Mãn Thanh bị thất bại, tan rã do hoàn cảnh đã mưu sinh bằng nghề ăn cướp trên biển. Về sau, tình hình Trung Quốc ngày càng loạn lạc, kinh tế xã hội suy thoái và bất ổn, số dân nghèo ly tán ở các vùng ven biển gia nhập cướp biển ngày càng đông. Trong số đó có cả số giang hồ lưu manh và bọn tay chân của các bang đảng, hội kín… mang màu sắc chính trị, tôn giáo đã thoái chí, bỏ ra biển ăn cướp. Vì vậy mà hoạt động của cướp biển Trung Quốc trên vùng biển Đông ngày càng táo tợn về tính chất và lớn về quy mô, cường độ.

     Còn giặc biển Chà Và và Gia Va chỉ đến mùa gió nước thuận tiện mới kéo đến phận biển nước ta, đi lại cướp bóc trên mặt biển hoặc lẩn trốn tạm trên các đảo phía Nam như Phú Quốc, Côn Lôn mà không dám trú ẩn lâu dài. Nhưng địa bàn hoạt động của chúng cũng khá rộng trải dài dọc duyên hải Nam bộ và Nam Trung bộ, nhiều khi kéo lên tận duyên hải Bắc Trung bộ và thậm chí đôi lúc còn hiện diện cả ở vịnh Bắc Bộ. Sử triều Nguyễn chép: “Giặc biển Chà Và thường nương tựa các cù lao thuộc Hà Tiên để đón cướp thuyền buôn. Trấn thần phát binh tuần xét, bắt được rất nhiều. Sai đóng gông tướng giặc đưa về Kinh để giết”(tháng 7 năm 1817) [8: tr 958].

    2.2. Cướp biển trên vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng dưới triều Nguyễn

    Vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵnggiáp với biển Đông, có chiều dài bờ biển gần 200 km, trong đó có một số đảo, quần đảo lớn như quần đảo Hoàng Sa, bán đảo Sơn Trà, cụm đảo ven bờ Cù lao Chàm… Nằm ngay vị trí trung điểm của đất nước, trên đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, vùng biển này có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Từ đây có thể giao thông dễ dàng với các vùng khác trong nước cũng như các nước trong khu vực. Đồng thời, đây cũng là nơi rất giàu tiềm năng về khoáng sản và nguồn hải sản. Với vị trí chiến lược cũng như nhiều giá trị về mặt giao thương, kinh tế và quân sự, vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng từ sớm đã phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó thường trực nhất vẫn là nạn cướp biển.

    Dưới thời Nguyễn, hoạt động trên vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng chủ yếu là cướp biển Trung Quốc. Chúng thường xuất hiện trên các hải phận Đại Chiêm (biển Cửa Đại, Hội An ngày nay), Hải Vân (Đà Nẵng), Hoàng Sa (Đà Nẵng) quấy phá vùng biển, cướp bóc của cải thuyền buôn, và cả thuyền công, thậm chí lên bờ đốt phá nhà dân. Sử triều Nguyễn cho biết: “Năm Minh Mạng 19 (1838), thuyền giặc nước Thanh ngầm nổi lên ở phận biển cửa Hải Vân, cướp lấy của cải đồ vật trong thuyền ở bến đò Thanh Khê rồi đi” [10: tr 289]; năm 1834: “Có 2 thuyền giặc Thanh lén lút nổi lên ở hải phận Đại Chiêm, đón cướp của cải những người đi buôn, lại lên bờ đốt phá nhà dân” [9: tr 435]. Ngày 8/5/1851, tiễu trừ thuyền của bọn Thanh phỉ xâm nhập hải phận thuộc cửa biển Hoàng Sa, Quảng Ngãi, cướp thuyền buôn và đổ bộ lên bờ” [5: tr 40]. Châu bản triều Nguyễn cũng nhiều lần phản ảnh vấn nạn này. Châu bản ngày 24/4/1838 cho biết tỉnh Quảng Nam đã tâu về việc “ghe buôn Nguyễn Văn Triêm bị cướp tại hải phận Quảng Nam” [2: tr 114].

    Trong thời gian triều Nguyễn phải đối phó với các cuộc tấn công xâm lược của thực dân Pháp, cướp biển lại càng hoành hành dữ tợn hơn, tần suất xuất hiện thường xuyên hơn. Chỉ trong mấy năm đã ghi nhận nhiều trường hợp thuyền buôn bị chúng cướp phá. Tháng 3.1864, giặc biển cướp thuyền buôn ở cửa biển Đại Chiêm, Quảng Nam; tháng 4.1864, giặc đốt cướp các thuyền tải, thuyền buôn ở địa phận các cửa biển Quảng Nam, trong 8 ngày đến 5 lần; tháng 3.1865, giặc biển cướp bóc ấp An Cư ở cửa biển Hải Vân; tháng 4.1872, bọn giặc quấy nhiễu hải phận tỉnh Quảng Nam [12], [15].

    Thời gian hoạt động của cướp biển cũng như các hoạt động của thuyền bè trên biển phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên. Nếu điều kiện gió nước thuận lợi, người lái thuyền có thể lợi dụng xuôi theo hướng gió, thuận theo dòng nước để giảm hao phí về sức người. Nếu ngược gió nước, không những thuyền không thể đi nhanh mà việc chèo chống cũng khó khăn không như ý muốn.Vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng vào tháng 3, tháng 4 cho đến tháng 8 tháng 9 thường khá tĩnh lặng, có gió Tây Nam thuận lợi cho tàu thuyền di chuyển nên đây cũng là lúc hoạt động buôn bán, tàu thuyền qua lại diễn ra nhiều và nạn cướp biển cũng theo đó gia tăng hoạt động. Sử triều Nguyễn cho biết: “Gần đây giặc biển quấy rối, phần nhiều là từ cuối xuân đến đầu thu, quãng ấy chúng dựa vào các đảo ngoài biển làm sào huyệt…” [10; tr 125].

     Cướp biển ở vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, nếu so sánh về tần suất, quy mô cũng như mức độ cướp phá, hung tợn của chúng thì vẫn không bằng cướp biển ở các vùng biển phía Bắc, đặc biệt là vùng Quảng Yên. Thống kê từ Đại Nam thực lực, có 57 lần tài liệu này nhắc đến việc cướp biển ở các vùng biển trong cả nước, trong đó cướp biển vùng Quảng Nam – Đà Nẵng được nhắc đến 8 lần, nhưng vùng Quảng Yên có đến 26 lần. Trong những lần xuất hiện ở phần biển Quảng Nam – Đà Nẵng, cướp biển thường đi với lực lượng nhỏ, khoảng vài ba chiếc thuyền và cũng chưa thấy sử sách ghi chép về sự đụng độ căng thẳng nào giữa bọn cướp biển với quan quân triều đình. Lí do có lẽ do vùng biển này gần với Kinh đô Huế, nơi tập trung toàn bộ quân đội chính quy của nhà Nguyễn nên bọn giặc cướp cũng phải e dè. Trong khi đó, khu vực phía Bắc, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Yên, cướp biển Trung Quốc lại thường tụ tập đông đảo để cướp phá, có khi cướp biển và thổ phỉ còn phối hợp với nhau làm cho quan quân nhiều phen vất vả mới dẹp yên. Năm Tự Đức thứ 25 (1872), “thuyền giặc ở Quảng Yên lọt lưới chạy thoát (hơn 60 chiếc), không thể đuổi bắt được…”. Những chiếc thuyền chạy thoát này “cả thủy và bộ họp lại với nhau thành một toán (thuyền giặc hơn 60 chiếc, giặc trên bộ hơn 1000 đứa), đường thủy đi từ huyện Nghiêu Phong, đường bộ đi từ huyện Hoành Bồ, đi đến đâu đốt nhà cướp của đến đấy, rồi kéo đến tỉnh thành quấy rối” [7: tr 1337]. “giặc biển ở Quảng Yên là Ba Công Dụng họp hơn 50 chiếc thuyền ăn cướp châu Tiên Yên. Trấn thủ Nguyễn Đăng Khánh và Tham hiệp Lê Đạo Quảng thân đem binh thuyền đến đánh bắt…” [7: tr 587].

     Tuy có khác nhau về tần suất, quy mô, nhưng phương thức hoạt động của cướp biển trên các vùng biển ở Việt Nam là khá giống nhau. Một trong các thủ đoạn chúng thường sử dụng là giả dạng các thuyền đánh cá của dân thường hoặc thuyền đi buôn hợp pháp để khi có cơ hội là chúng ra tay cướp bóc và chém giết, chúng đã gây nhiều khó khăn cho quan quân trong việc tiểu trừ. Một viên Lãnh sự Pháp trong một lá thư gửi Thống đốc Nam Kỳ đề ngày 4 tháng 4 năm 1879 đã mô tả phương thức tấn công cướp bóc của bọn cướp biển: “…Bởi vì người Việt Nam bị cấm mang vũ khí, nếu vi phạm sẽ bị trừng trị rất khắc nghiệt, nên chỉ cần vài khẩu súng cũng có thể dễ dàng khuất phục những người trên ghe và chiếm ghe. Bọn hải tặc có một thuyền buồm, y hệt như những thuyền buồm bình thường của người Hoa. Thuyền này dùng làm kho chứa hàng, nó ngược xuôi ven bờ biển và phóng những chiếc ghe nhỏ kiểu Việt Nam đi khắp mọi hướng, mỗi chiếc có vài người mang vũ khí. Nhìn từ xa, những chiếc ghe này không có gì đáng nghi ngờ. Khi thấy một chiếc ghe có thể bị đánh cướp, chúng tới gần, yêu cầu ghe kia dừng lại, và nếu chủ ghe không lập tức vâng lời, bọn cướp nổ súng, dẫu có người bị thương hay không, người trên ghe bị tấn công kinh hoàng, cảm thấy bị uy hiếp, đành phải từ bỏ mọi ý đồ kháng cự. Chiếc ghe bị chiếm cùng những người trên ghe lập tức được đưa đến chiếc thuyền buồm. Nghe súng nổ, thuyền buồm cũng xáp lại gần nơi giao chiến. Hàng hóa có giá trị bị bọn cướp đem lên thuyền, sau đó chiếc ghe và người trên ghe được thả tự do…”[16: tr 171].

     Trong lá thư đề ngày 30 tháng 5 năm 1877, viên Lãnh sự Pháp ở Hà Nội là Kergaradec cũng đã cho thấy sự ma mãnh của bọn cướp biển cũng như những khó khăn trong việc đối phó lực lượng này: “…Theo kinh nghiệm chúng tôi biết, việc truy kích hải tặc ở vùng biển này, than ôi, đối với tàu tuần tiểu của ta là công việc tế nhị biết dường nào, trừ khi bắt chúng được quả tang. Thật vậy, phần lớn thuyền buồm của hải tặc đều có vũ trang, tất cả đều hợp lệ: nếu chỉ nhìn vào giấy tờ càng khó phân biệt, bởi vì nhiều chiếc chỉ thỉnh thoảng gặp dịp mới cướp bóc…” [16: tr 185].

     2.3. Chính sách phòng chống cướp biển của triều Nguyễn

     Trước những hoạt động ngày càng mạnh mẽ và tinh vi của các nhóm cướp biển, vua quan triều Nguyễn đã có nhiều biện pháp thiết thực nhằm trấn áp và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại mà cướp biển gây ra cho tàu thuyền và cuộc sống của ngư dân sống vùng ven biển.

     Ngay khi cướp biển xuất hiện trên vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng, các vua Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng đã tỏ rõ quyết tâm loại triệt lũ giặc cướp này. Vua Minh Mạng đã dụ bộ Binh: “trước kia vùng Thanh Hóa và Nam Định bọn giặc bể thường có vài ba chiếc thuyền đón các thuyền buôn mà cướp bóc, sau đều bị quan quân vây bắt, địa phương được yên bình, nay tỉnh Quảng Nam lại có tin báo này, liệu những hồn ma lũ chuột không thể để lâu, cần bắt giết ngay, tức thì sai quan vệ úy là Nguyễn Đức Trường quản lĩnh binh thuyền ra bể dò thám, vây bắt; lại khiến các quan từ Quảng Trị trở ra bắc, từ Quảng Nam trở vào nam, đều theo địa phận thuộc hạt, sai quân đi tuần tiễu, nếu gặp thuyền buôn người tàu có hình dạng khác thường, mà trong thuyền chứa đồ binh khí, súng đạn, tình bính nghi ngờ, bắt mà trị tội [7: tr 121].

     * Tuần tra, kiểm soát vùng biển

     Công tác tuần tra trên biển nhằm đảm bảo an ninh vùng biển, phát hiện, ngăn chặn sự quấy phá, cước bóc của bọn cướp biển cũng như hạn chế những thiệt hại do lực lượng này gây ra được triều Nguyễn hết sức quan tâm. Ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã lưu tâm đến việc phòng ngừa nạn cướp biển. Năm 1803, nhà vua đã ra chỉ dụ: “từ nay về sau, hễ thấy đích thực có giặc biển qua lại ngoài biển, thì một mặt chạy báo tin hỏa tốc báo cho quan công đường chuyển, tâu, một mặt chạy báo tin hỏa tốc cho các đồn vân thủ ở ven biển vào miền trong, phía Nam đến Bình Định. Lại một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ven biển ra miền ngoài, phía Bắc, đến sứ Bắc thành, để tiện sức cho tàu thuyền công, tự phòng bị” [6, tr. 424]. Về sau, những quy định cụ thể về tuần phòng cướp biển được mở rộng phạm vi hơn trước. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua giao Bộ Binh bàn định thể lệ binh thuyền các tấn phận đi tuần biển từ tấn Thuận An vào đến Đà Nẵng thuộc Quảng Nam, phía Bắc đến Việt Yên thuộc Quảng Trị. Hàng năm, tháng 2 mùa xuân, tháng 8 mùa thu, khi có thuyền công vận tải và thuyền buôn đi lại, thì cứ theo số lính, dân, phu và thuyền ở tấn phận, chia ra hai lần, thay đổi lẫn nhau. Mỗi lần đi tuần thì “một chiếc thuyền ô, 15 lính và phu đem theo súng, khí giới và hỏa khí, theo tấn phận mình đi lại tuần tiễu, đủ 1 ngày đêm thì về… Nếu tấn phận nào gặp có giặc biển hoặc thuyền có dáng lạ, ngày thì bắn 3 phát đại bác, đêm thì phóng 5 chiếc pháo thăng thiên làm hiệu… Còn không ở vào những tháng ấy, chuẩn cho viên giữ tấn phân vát lấy 1-2 chiếc thuyền đánh cá, dăm ba người phu ra biển tuần tra các giới phận tiếp giáp: gặp có dịp quan trọng khẩn cấp, lập tức phi báo” [8, tr. 192-193].

     Nhờ sớm chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển nên việc trấn áp cướp biển, cứu hộ thuyền dân của triều Nguyễn cũng đã có nhiều kết quả tích cực. Điển hình như năm năm 1838 “… ghe buôn Nguyễn Văn Nhơn bị hải tặc người Thanh cướp tại hải phận Quảng Ngãi, ghe buôn Nguyễn Nguyễn Văn Triêm bị cướp tại hải phận Hải Vân. May có ghe tuần dương nên khỏi bị mất tất cả” [2: tr 114].Năm 1839, “giặc lại ở cửa Đại Chiêm, đón cướp thuyền công giải của kho Quảng Ngãi, Suất đội Nguyễn Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết 4 tên giặc, cứu được 2 chiếc thuyền buôn. Vua nghe tin, ngợi khen, thưởng cho quan quân ở chuyến đi ấy được kỷ lục và tiền có từng bậc. Lại phái một Quản vệ bộ binh hai Suất đội Thủy sư ở Kinh và trên 90 biền binh, chia ngồi thuyền phòng dương, thuyền hiệu Tuần hải, đi ngay đuổi bắt, định cứ bắt được một chiếc thuyền giặc, thưởng cho 500 quan tiền” [11: tr 1327]. Tháng 4.1872, “bọn giặc quấy nhiễu hải phận tỉnh Quảng Nam. Thuyền binh đi tuần tiễu cứu hộ được một chiếc thuyền buôn, thuyền của đồn cửa biển Đại Chiêm cứu hộ được 2 chiếc thuyền buôn chở hàng và 1 chiếc thuyền chở dầu, than đều vào được cửa biển, giặc không thể đuổi được. Các thuyền đi cứu ấy đều được thưởng” [11: tr 228].

     * Ban hành chính sách thưởng, phạt trong việc chống cướp biển

     Để việc phòng chống cướp biển và bảo vệ an ninh biển đảo được hiệu quả, triều Nguyễn đã có những chính sách thưởng, phạt rõ ràng. Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ có chép quy định: “hải phận nào giặc nổi lên một lần, mà viên tấn thủ và bộ biền hoặc sơ suất không nghe biết, hoặc là xét bắt không nhanh, để đến nỗi bọn giặc chạy thoát được, thì đem viên thủ ngự ở hải phận sở tại giáng 4 cấp; quản vệ, quản cơ do tỉnh phái điều giáng 2 cấp, suất đội đều giáng 1 cấp… Còn như thuyền binh Kinh phái qua hạt ấy mà không biết đánh dẹp, thì quản vệ cũng đều giáng 2 cấp, suất đội đều giáng 1 cấp” [6, tr. 433].

     Đối với những trường hợp bắt được cướp biển, nhà vua đều tán dương và thưởng lớn. Chẳng hạn: “Tháng 7 năm 1823, giặc biển Chà Và cướp đảo Lại Dữ (Hòn Rái) ở Hà Tiên. Binh hai đội An hả, Thanh châu đánh, bắt sống và chém được mấy tên. Giặc chạy về phía Đông. Việc đến tai vua. Thưởng cho 100 quan tiền. Tháng 9 năm 1828, giặc biển Chà Và nổi lên ở hải phận Hà Tiên. Cai đội cai quản các đội Phú cường sở Phú Quốc là Nguyễn Văn Xương đem binh dân đuổi bắt, giết hết cả bọn. Việc tâu lên, vua rất khen thưởng – Dẫn theo Đại nam thực lục [7, tr. 780]

     Nhưng những trường hợp để cho giặc biển hoạt động lén lút trong hải phận thì cả viên tấn thủ và quan đầu tỉnh cũng sẽ bị hỏi tội. Năm 1843, cướp biển người Thanh đến quấy phá vùng biển Cù Lao Chàm. Phó Quản cơ Lê Văn Hưu chỉ huy đội tuần thám địch không nổi. Phó lãnh binh Nguyễn Nghĩa được tin báo liền đem quân ra chặn đánh. Nhận được tin khẩn cấp, vua Thiệu Trị liền chỉ dụ lấy thuyền đậu ở cửa biển Đà Nẵng và thủy sư pháo thủ cùng với biền binh của tỉnh đóng giữ ở các đồn điển ra tiếp ứng, đồng thời chỉ lệnh cho các thuyền Kinh đang đi tuần ở phía Nam quay ngược trở ra để ngăn đường rút chạy của giặc. Cũng trong năm này, chúng còn quay lại vùng biển này một lần nữa, nhưng cũng bị lực lượng thủy quân triều Nguyễn cùng với lực lượng thủy binh Quảng Nam do Lê Văn Pháp vây đánh tại Cù Lao Chàm [5: tr 19].

     * Phối hợp giữa quân đội triều đình với nhân dân vùng duyên hải

     Cùng với sự chủ động trong công tác tuần phòng do lực lượng thủy quân đảm trách, triều đình còn có sự phối hợp với nhân dân các địa phương để phòng bị. Để huy động ngư dân vào việc tuần thám biển đảo, vua Minh Mạng đã dụ cho quan đầu tỉnh phải sức dân sữa chữa nâng cấp một vài thuyền đánh cá, đảm bảo chèo nhanh, chở được nhiều người để dùng vào việc vây bắt hải tặc khi cần điều động. Chi phí sửa chữa và trang bị vũ khí giáo mác, súng trường, thuốc đạn cho các thuyền này sẽ do nhà nước cấp. Những người canh giữ và tuần phòng trên biển được miễn thuế. Châu bản ngày 8/2 năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cho biết điều này: “Bọn Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tuân, Ngô Văn Tính, Nguyễn Văn Thoái ở phường Cù lao Tân Hiệp (Quảng Nam) tâu xin miễn binh đao và thuế lệ để canh giữ đài Hỏa Phong và tuần phòng ngoài bể”. Vua phê: “Chuẩn y lời tâu xin” [3: tr 369 – 370].

     * Phát triển thủy quân, trang bị phương tiện và vũ khí cho quân đội

     Nhằm tạo ra một lực lượng thủy quân tinh nhuệ đủ sức đối phó với sự chống phá quyết liệt của cướp biển. Các vua Nguyễn đều rất chú trọng đến vấn đề xây dựng, phát triển thủy quân. Do đặc thù của lực lượng này là hoạt động thường xuyên trên vùng sông nước nên ngoài số lính được tuyển theo quy định chung, thì thủy quân phần lớn là sử dụng những người thành thạo địa hình sông nước hoặc sống ở các vùng ven sông, biển. Thủy quân ở kinh kỳ chủ yếu được tuyển từ dân đinh tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tại các tỉnh ven biển thì thủy quân tỉnh nào tuyển lính tại tỉnh đó, nếu chưa đủ thì mộ dân ngoại tịch. Về vấn đề này, sử triều Nguyễn có chép: “Năm Gia Long thứ 8, đã ra lệnh tuyển lính thủy ở các địa phương: sai bốn dinh trực lệ trấn Quảng Ngãi kén dân phụ giữ các cửa biển, người nào khỏe mạnh, giỏi lội nước, cứ 5 đinh lấy 1 người, cho lệ vào thủy quân” [7, tr. 722].

     Việc huấn luyện và thao diễn thủy binh cũng được tiến hành thường xuyên tại kinh kỳ và các địa phương. Trong các lần tổng duyệt binh và thao diễn thủy quân, đích thân các vua tham dự và kiểm tra. Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đều là những vị vua am hiểu binh pháp, mỗi thời vua lại có thêm những quy định về phép thao diễn, nhằm phát huy tối đa kĩ thuật của thủy binh.

     Triều Nguyễn cũng ý thức được vai trò quan trọng của thuyền chiến đối với vấn đề xây dựng thủy quân. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, thời đầu triều Nguyễn có 3 loại thuyền được sử dụng cho thủy quân là thuyền bọc đồng, thuyền máy hơi nước và thuyền công cấp phát. Hầu hết, các tàu thuyền đảm nhận việc tuần tra, kiểm soát trên vùng biển phải hoạt động thường xuyên nên luôn được trang bị đầy đủ các phương tiện, vũ khí như: súng ống, đại bác, pháo thăng thiên, thuốc nổ…. Theo tài liệu của một tác giả nước ngoài, các thuyền chiếc dưới thời vua Gia Long được trang bị như sau: “200 chiếc thuyền mang 16, 18, 20, 22 đại bác; 500 tiểu chiến thuyền có đến 40 đến 44 tay chèo, vũ trang bằng nhiều tiểu bác và đại bác; 200 đại chiến thuyền với 50 đến 70 tay chèo, vũ trang bằng các đại bác và tiểu bác; 3 tàu chiến kiểu Châu Âu là Phụng Phi, Ưng Phi, Long Phi… mỗi thuyền có đến 30 đại bác” [7, l14].

     Những chính sách trên đã cho thấy nỗ lực của triều Nguyễn trong công tác phòng chống cướp biển. Tuy nhiên, đến hết triều Nguyễn và thậm chí cho đến hôm nay cướp biển vẫn là mối đe doạ thường trực đối với an ninh vùng biển.

3. Kết luận

     Như vậy, dưới triều Nguyễn, vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng luôn phải thường xuyên đối mặt với nạn cướp biển nhưng về quy mô, mức độ cướp phá của chúng thì không bằng cướp biển ở các vùng phía Bắc. Nguồn gốc của cướp biển ở đây cũng chỉ chủ yếu là cướp biển đến từ Trung Quốc với mục đích kinh tế là chính. Tại vùng biển này, chúng ta cũng đã thấy quyết tâm của triều Nguyễn trong việc tiễu trừ cướp biển, bảo vệ an ninh biển đảo.

     Cho đến hôm nay, cướp biển vẫn là nỗi ám ảnh đối với các ngư dân ngoài biển khơi, là mối đe dọa thường trực đối với chủ quyền biển đảo của đất nước nên những nỗ lực của triều Nguyễn trong đối phó với loại giặc cướp này cũng sẽ làbài học kinh nghiệm quý cho hậu thế trong công cuộc bảo vệ vùng biển đảo, phát triển đất nước. Đó là bài học phải luôn quan tâm đến công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển, chú trọng phát triển hải quân, luôn phải phối hợp chặt chẽ với nhân dân và có chính sách thưởng, phạt đúng đắn trong phòng chống cướp biển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Đỗ Bang (Chủ biên) (2014), Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ Quốc thế kỷ XIX, Nxb Đà Nẵng.

     [2] Lê Tiến Công (2015), “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885”, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

     [3] Cục Lưu trữ nhà nước – Đại học Huế – Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và giao lưu văn hóa: Mục lục châu bản Triều Nguyễn, tập 2, Nxb Văn hóa, 1998, tr 369-370.

     [4] Huỳnh Ngọc Đáng (2014), “Hải tặc Trung Hoa thời vương triều Nguyễn”, Tạp chí Sử học, Hội khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương.

     [5] Ngô Văn Minh (2016), “Thành tích công vụ tuần phòng mặt biển, đánh đuổi hải tặc của người Quảng Nam (Qua châu bản và sắc, bằng ban cấp của triều Nguyễn)”, Kỉ yếu HTKH Một số vấn đề lịch sử, chính trị – xã hội trong phát triển kinh tế biển: nhìn từ Quảng Nam – Đà Nẵng, Đà Nẵng.

     [6] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 5, (viện sử học dịch), Nxb Thuận Hóa, Huế.

     [7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 4, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [10] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 5, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [11] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 6, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [12] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 7, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [13] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 8, Nxb Giáo dục Hà Nội.

     [14] Trần Đức Anh Sơn (2010), Ngành đóng tàu thuyền ở Việt Nam thời Chúa Nguyễn và thời Nguyễn, http://www.vinabook.com/nganh-dong-thuyen-va-tau-thuyeno-viet-nam-thoi-nguyen-p59995.html

     [15] Nguyễn Quang Trung Tiến (2013), “Hải tặc trên vùng biển Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (99).

     [16] Yoshiharu Tsuboi (2011), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Nguyễn Đình Đầu dịch, NXB Tri Thức.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Đà Nẵng,
ISSN 1859-1531, số 2(111).2017-quyển 1

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nạn cướp biển trên vùng biển Quảng Nam – Đà Nẵng dưới triều Nguyễn (1802- 1884) – Tác giả: Nguyễn Duy Phương