Nền kinh tế triều Lý trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1009 – 1225)

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  PHẠM THỊ KIM OANH
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

ABSTRACT

     The Lý Dynasty, also known as the House of Lý, was a prosperous dynasty in the Vietnamese monarchy. The name of the country was changed into Dai Viet and lasted for 216 years. Entering the feudal period and building the statism, the Lý Dynasty had full power to stabilize politics and develop economy. The economy of Dai Viet under the Lý Dynasty reflected issues related to economic activities during the Lý Dynasty (1009 – 1225) in Vietnamese history, including agriculture, handicrafts, trade, and monetary. With the economic development strategy based on agriculture, Dai Viet has created a secure position, prosperous people’s life, ushered in the brilliant Dai Viet era in Vietnamese history.

Keywords: Economy, agriculture, handicrafts, trade.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Nhà Lý là một triều đại thịnh trị trong nền quân chủ Việt Nam, quốc hiệu Đại Việt và tồn tại 216 năm. Bước vào thời kỳ phong kiến, với việc xây dựng chế độ trung ương tập quyền, nhà Lý đã có đủ sức mạnh để ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Nền kinh tế Đại Việt thời Lý phản ánh những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế vào thời nhà Lý (1009-1225) trong lịch sử Việt Nam, bao gồm nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại và tiền tệ. Với chiến lược phát triển kinh tế lấy nông nghiệp làm cơ bản, Đại Việt nói chung, triều Lý nói riêng đã tạo được thế đứng vững chắc, đời sống nhân dân ấm no, mở ra kỷ nguyên Đại Việt phát triển rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.

2. Nội dung nghiên cứu

     2.1. Về nông nghiệp

     Dưới triều Lý, trên danh nghĩa, toàn bộ đất đai thuộc về nhà vua, nhưng thực tế, triều đình trực tiếp quản lý một bộ phận ruộng đất, đại bộ phận còn lại là ruộng đất các làng xã, bao gồm: ruộng đất công, ruộng đất nhà chùa và ruộng tư.

     a) Ruộng đất công của làng xã

     Ruộng đất công trong làng xã là bộ phận quan trọng nhất trong trong số ruộng sở hữu của nhà nước. Chế độ phong cấp ruộng đất đã được thực hiện với các tên: thực ấp, thực phong, thang mộc ấp, thác thao điền, thái ấp. Đối tượng được phong cấp là một số người trong hàng ngũ quan lại, quí tộc, quan chức và người có công.

     Ruộng quốc khố (quan điền) là một trong hai loại ruộng công trực tiếp do Nhà nước quản lý, canh tác bằng trâu cày, nông cụ của Nhà nước, với các lực lượng sản xuất là các tù khổ sai, nô tì (gọi là cảo điền nhi, cảo điền hoành) và các tù binh (chủ yếu là tù binh Chăm) cày cấy, hoa lợi sung vào kho của vua để chi dùng cho hoàng cung. Đồn điền nhà Lý có ở Cảo Xã, phía bắc kinh thành Thăng Long (nay là vùng Xuân Đỉnh, Nhật Tân). Vì vậy, tô thuế ruộng quốc khố thường vào loại cao nhất, là bộ phận ruộng công được duy trì lâu dài.

     Đồn điền là ruộng có được từ việc tổ chức khai hoang ven sông, ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Lam. Lực lượng lao động chủ yếu là tù binh chiến tranh.

     Tịch điền là loại ruộng nghi lễ mà hoa lợi chủ yếu dùng vào việc cúng tế lớn của Nhà nước trung ương. Nghi lễ nhà Vua “cày tịch điền” phổ biến dưới triều Lý, có tác dụng khuyến khích lao động nông nghiệp trong buổi đầu xây dựng chế độ phong kiến dân tộc. Diện tích ruộng tịch điền nói chung không rộng và không nhất thiết phải cố định ở một nơi. Tịch điền thời Lý có ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình), Ứng Phong (Nam Định) và Lý Nhân (Hà Nam).

     Ruộng sơn lăng là loại ruộng dùng vào việc thờ phụng tổ tiên dòng họ nhà vua. Sơn lăng so với tịch điền thì diện tích còn nhỏ hơn, vì đây chỉ là ruộng đất lăng tẩm của các vua, chuyên lấy hoa lợi vào việc bảo vệ và sửa chữa các lăng. Thời Lý, nhà nước có một ít ruộng sơn lăng ở Đình Bảng (Hà Bắc), thời Trần có ở Thái Đường (Thái Bình)… Khác với tịch điền, ruộng sơn lăng không mất đi mà được bảo lưu dưới hình thức ruộng tế hay ruộng công, do làng xã quản lý. Ruộng sơn lăng thường được chọn đặt ở quê hương nhà vua.

      Ruộng công làng xã là ruộng giao cho các làng xã quản lý, do những người lính nhàn thời bình về cày cấy (theo chính sách “ngụ binh ư nông”). Hoa lợi thu được từ ruộng này để nuôi quân.

     Thác thao điền là đất thuộc ruộng phong, là ruộng ném dao, xuất phát từ điển tích cấp ruộng của vua LýThái Tông cho đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Đây là một loại ruộng phong cấp thuộc sở hữu của nhà nước, bởi vì vua chỉ lấy đất công ban cho. Đất này được truyền đời kế tiếp nhưng cũng chỉ trong một triều đại mà thôi, là ruộng đất thế nghiệp chứ không phải là ruộng đất tư hữu, được miễn tô thuế. Chế độ ban thực ấp, thực phong chỉ có ở thời nhà Lý.

     b) Ruộng đất tư nhân

     Chế độ sở hữu ruộng tư thời Lý khá phổ biến, Ruộng đất thuộc sở hữu của Nhà vua trong thực tế giao cho các công xã nông thôn quản lý, các thành viên chia nhau cày cấy và làm nghĩa vụ tô thuế không còn phù hợp nữa, do nhu cầu phải nâng cao hiệu suất nông nghiệp, do phương thức tổ chức quản lý canh tác, do phân hoá xã hội…dẫn đến sự giải thể của các công xã nông thôn và đi liền với nó là sự xuất hiện của sở hữu tư nhân, ghi dấu một bước phát triển của xã hội.

     Nhà nước Lý tạo điều kiện để sở hữu tư nhân về ruộng đất phát triển bằng nhiều cách: cho phép mua bán, chuộc theo luật lệ, bán ruộng công cho dân, cho phép vương hầu, quí tộc, phò mã lập điền trang… Với chính sách này, người nông dân là chủ nhân phần ruộng đất của mình (ruộng tư). Nhưng nó cũng dẫn đến những phân hoá xã hội làm một bộ phận nông dân biến thành nô tì và sự thu hẹp của ruộng đất công do làng xã quản lý, chỗ dựa của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Một trong những hình thức sở hữu trong ruộng đất tư nhân là điền trang. Người được phép lập điền trang là vương hầu hoặc tôn thất, tiến hành khai hoang bằng lực lượng nô tì, khẩn hoang ở cả miền biển lẫn miền sông. Ngoài ra, pháp luật cho phép các tầng lớp trong xã hội mua bán ruộng đất. Để ngăn chặn sự lấn chiếm của các nhà giàu có quyền thế, năm 1143 và 1015,vua Lý Anh Tông xuống chiếu nói về việc giải quyết các tranh chấp về vấn đề ruộng đất, quy định cấm các nhà quyền thế được ngăn cấm người nghèo ngoài phạm vi ruộng ao của mình, làm trái thì có tội.

     c) Ruộng đất nhà chùa hay còn gọi là ruộng tam bảo

     Thời Lý, Phật giáo là tôn giáo phát triển thịnh hành và trở thành quốc giáo, vì vậy, các nhà chùa thường có trong tay một số lượng ruộng đất để sử dụng hoa lợi phục vụ cuộc sống của các nhà sư cũng như tiến hành các nghi thức tôn giáo. Ruộng nhà chùa chiếm số lượng khá lớn, được hình thành từ nhiều nguồn: được vua ban cấp, trích từ ruộng công của làng xã góp vào, do tư nhân cúng tiến, hoặc nhà chùa tậu ruộng từ nguồn tiền bạc quyên góp được. Ruộng nhà chùa là một loại ruộng rất đa dạng, thuộc nhiều hình thái sở hữu và quan hệ sản xuất trong thiết chế kinh tế xã hội phong kiến, đánh dấu sự hưng thịnh của Phật giáo và có tác dụng duy trì các chùa ở làng xã Đại Việt.

     Nhà Lý áp dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, cho binh lính thay nhau về làm ruộng, có tác dụng phát triển sản xuất nông nghiệp, sức lao động không bị thiếu, binh sĩ được quyền thay nhau nghỉ 1 tháng 1 lần về cày ruộng tự cấp. Ngoài ra, nhà Lý còn chú trọng việc trị thủy, đắp đê, nhất là vùng châu thổ sông Hồng. Năm 1077 và 1103, Lý Nhân Tông ra lệnh đắp đê sông Như Nguyệt dài 67.380 bộ. Năm 1108, triều đình tổ chức đắp đê Cư Xá (sông Hồng) từ Yên Phụ đến Lương Yên. Ngoài Thăng Long, đê điều cũng được tu tạo. Các công trình thủy lợi tiêu biểu thời Lý là việc đào sông Đản Nãi (Thanh Hóa) năm 1029, đào kênh Lãm (Ninh Bình) năm 1051, khơi sâu sông Lãnh Kinh năm 1089 và sông Tô Lịch năm 1192. Nhờ sự quan tâm phát triển nông nghiệp và làm thủy lợi của nhà Lý, nước Đại Việt có thế đứng và phát triển khá vững chắc, đời sống nhân dân tương đối ổn định. Sử sách ghi nhận những năm được mùa lớn như: 1016, 1030, 1044, 1079, 1092, 1111, 1120, 1123, 1131, 1139, 1140.

     2.2. Về thủ công nghiệp

     Thủ công nghiệp thời Lý là bộ phận kết hợp với nông nghiệp trong nền kinh tế phong kiến, được làm trong các hộ gia đình, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của sản xuất tiểu nông. Thủ công nghiệp thời Lý gồm hai bộ phận, thủ công nghiệp Nhà nước và thủ công nghiệp nhân dân.

     a) Thủ công nghiệp Nhà nước

     Những người thợ thủ công lao động cho triều đình gọi là thợ bách tác. Sản phẩm họ làm ra để phục vụ hoàng cung. Họ thực hiện việc đúc tiền, chế tạo binh khí, chiến thuyền và các đồ tơ lụa, quần áo cho vua quan. Nguồn gốc thợ bách tác chủ yếu từ các tù binh, nhiều nhất là người Chiêm Thành, các tội nhân và các thợ thủ công được trưng tập về làm cho các quan xưởng.

     Năm 1040, vua Lý “đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc”, dùng thay cho gấm Tống. Triều đình đã trưng tập các thợ khéo tay về làm trong các quan xưởng, gọi là thợ bách tác. Bên cạnh đó, triều đình cũng đứng ra phát tiền mua nguyên vật liệu, thuê thợ trong các việc tô tượng, đúc chuông, xây dựng chùa chiền.

     b) Thủ công nghiệp nhân dân

     Người dân làm đồ thủ công nhằm phục vụ đời sống thường nhật hoặc để bán ở chợ theo nhu cầu thị trường. Họ là những người nông dân kiêm thợ thủ công hoặc thợ thủ công kiêm thương nhân. Thợ thủ công dân gian chuyên sản xuất và buôn bán trong các phường, phố ở kinh thành và các làng xã thôn quê, các ngành nghề tiêu biểu Nghề dệt: Dệt là nghề thủ công truyền thống phổ biến trong nhân dân, có nguồn thu rất lớn, nhất là dệt tơ lụa. Ở kinh thành, nghề dệt có ở các phường Nhược Công (Thành Công, với sự tích nàng La), thôn Nghi Tàm (bà tổ nghề là công chúa Quỳnh Hoa, con vua Lý Thái Tông), thôn Trích Sài (sự tích nàng Phan Thị Ngọc Đô). Do xây dựng nhiều chùa chiền, các nghề mộc, nề, khắc chạm, sơn thếp cũng được đẩy mạnh.

     Nghề đất nung và gốm sứ: Gốm là ngành nghề thủ công rất phổ biến, với nhiều loại hạng như đất nung, sành, sứ; có loại được tráng men ngọc nổi tiếng, màu xanh nhạt. Gốm đàn gồm các sản phẩm thạp, thố, chậu, bát, đĩa,… có xương rắn chắc, lớp men màu xanh mát, trong bóng như thủy tinh. Gạch, ngói được sản xuất với số lượng lớn để phục vụ cho việc xây thành quách và chùa chiền, bảo tháp. Gạch thời Lý có kích thước lớn, nhiều hình dạng phong phú. Hoa văn chủ yếu lá rồng, tượng Phật, hoa sen, hoa cúc.

     Nghề khai thác vàng và đúc đồng: Khai thác vàng cũng khá phát triển. Hình thức khai thác chủ yếu là đãi vàng lộ thiên, nhất là ở vùng biên giới với Trung Quốc. Tại đây có nhiều người Tống sang làm thuê việc đãi vàng. Nghề đúc đồng nổi tiếng với những tác phẩm lớn mang tính chất Phật giáo (An Nam tứ khí). Tương truyền có vị tổ nghề được tôn vinh là nhà sư Nguyễn Minh Không. Đồng được sử dụng khá rộng rãi, hiện vật phong phú như tượng, chuông, tiền, vũ khí và làm đồ dùng sinh hoạt. Theo ghi chép trong Việt sử lược, triều đình đã tổ chức việc khai thác mỏ đồng ở Lạng châu năm 1198. Một số ngành nghề khác, bao gồm in khắc gỗ, xây dựng, làm bia đá, nghề mộc, làm đồ mỹ nghệ, điêu khắc.

     2.3. Về thương nghiệp

     Nội thương và ngoại thương thời Lý khá phát triển, các vua Lý đều cho đúc tiền đồng để lưu thông rộng rãi, có dùng thêm cả tiền đồng Trung Quốc thời Đường – Tống. Mạng lưới chợ có mặt ở cả làng xã và phố phường. Các địa phương trong nước, kể cả các vùng biên giới, cũng có trao đổi hàng hóa với nhau. Lúc này, Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế của cả nước, với các chợ nổi tiếng như chợ Hoàng Hoa (Ngọc Hà), chợ Bạch Mã (Hàng Buồm)…Ngoại thương thời Lý khá phồn thịnh và tự do. Đại Việt buôn bán với Champa, mua đặc sản trầm hương. Các chợ biên giới Việt Trung nhộn nhịp qua các “bạc dịch trường’’ Hoành Sơn và Vĩnh Bình. Đặc biệt, buôn bán đường biển với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á (ngày nay là Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia) rất tấp nập ở đảo Vân Đồn (vùng đảo Vân Hải ngoài vịnh Bắc Bộ, lúc đó gọi là trang Vân Đồn) và vùng bờ biển Diễn Châu (Nghệ An). Các đối tác chủ yếu của Đại Việt là Trung Quốc, Chiêm Thành, Trảo Oa (đảo Java), Lộ Lạc (vương quốc Lavo, Xiêm La), quốc gia vùng Mê Nam và Tam Phật Tề (Srivijaya ở đảo Sumatra). Tại vùng biên giới, những người dân tộc thiểu số cũng qua lại buôn bán với nhau. Cảng Vân Đồn có vị trí rất quan trọng cho hoạt động ngoại thương, nằm trên trục hàng hải từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á. Ngoài Vân Đồn, vùng biển Diễn châu cũng là nơi có hoạt động ngoại thương phát triển.

     Hàng hóa xuất khẩu của Đại Việt chủ yếu là thổ sản; hàng nhập khẩu bao gồm giấy, bút, tơ, vải, gấm. Các thương nhân Đại Việt thường mua trầm hương của Chiêm Thành để bán lại cho thương nhân người Tống. Hoạt động buôn bán trong nước được tạo điều kiện khá thuận lợi. Tuy nhiên, đối với ngoại thương, để bảo vệ an ninh quốc gia, nhà Lý chỉ cho phép thương nhân nước ngoài buôn bán ở một số điểm nhất định, chịu sự kiểm soát của triều đình, chính sách này tương tự như chính sách của nhà Tống.

     Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy tiền đã được sử dụng và phát hành nhiều trong thời Lý Thái Tổ. Cả lương bổng lẫn tô thuế đều có thể trả bằng tiền. Tiền do triều đình nhà Lý đúc ra không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông hàng hóa. Nhiều đồng tiền nhà Tống và thậm chí thời Đường vẫn được lưu hành trong nước. Sách sử Việt Nam không nói rõ quan hệ giữa các đơn vị tiền vào thời kỳ này và không phản ánh quan hệ giá trị giữa tiền Việt và tiền Tống lưu hành khi đó. Như vây, sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp thời Lý góp phần ổn định đời sống nhân dân, củng cố sức mạnh của Đại Việt.

     2.4. Tiền tệ

      Do thương mại phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hóa trong nước tăng cao, nên tiền đã được sử dụng và phát hành nhiều trong thời Lý, nhất là thời Vua Lý Thái Tổ. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, cả lương bổng lẫn tô thuế đều có thể trả bằng tiền. Nhà Lý đúc tiền bằng hợp kim đồng (giống như tiền lưu hành ở vùng Đông Nam Trung Quốc khi đó). Các đồng tiền nhà Lý bao gồm: Thuận Thiên đại bảo, Minh Đạo thông bảo, Càn Phù nguyên bảo, Thiên Phù nguyên bảo, Thiên Cảm thông bảo và Thiên Tư thông bảo.

     Tuy nhiên, tiền do triều đình nhà Lý đúc ra không đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông hàng hóa. Nhiều đồng tiền nhà Tống và thậm chí thời Đường vẫn được lưu hành trong nước.

     Với quan điểm trọng nông ức thương, sách sử Việt Nam rất ít đề cập đến vấn đề tiền tệ, cũng không nói rõ quan hệ giữa các đơn vị tiền vào thời kỳ này và không phản ánh quan hệ giá trị giữa tiền Việt và tiền Tống lưu hành khi đó.

3. Kết luận

     Triều Lý là một triều đại hưng thịnh trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Với chiến lược phát triển kinh tế đất nước lấy nền tảng là nông nghiệp, nên trong suốt thời gian tồn tại, các vua Lý luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ đê điều và phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, triều đình quan tâm phát triển các ngành nghề thủ công, vì vậy, nhà Lý đã tạo được thế đứng vững chắc trong hàng trăm năm tồn tại, đời sống người dân ấm no, quốc gia hùng mạnh.

     Việc tìm hiểu nền kinh tế dưới thời Lý tương đối phức tạp, do còn có nhiều luồng quan điểm khác nhau, nhưng qua những nội dung đã trình bày ở trên, phần nào chúng ta có thể định hình được những nét cơ bản, từ đó, có thể xác định tính chất và mức độ phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam giai đoạn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Trần Bá Đệ (2002), Một số chuyên đề Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

     2. Nguyễn Quang Ngọc (2011), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

     3. Phan Huy Lê (1960, 1961), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 2,3. NXB Giáo dục, Hà Nội.

     4. Trần Quốc Vượng (1960), Lịch sử chế độ phong kiến, tập 1, NXB Giáo dục. Hà Nội.

     5. Trương Hữu Quýnh (1999), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập 2, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Quản lý và Công nghệ – số 19, quý 4/2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nền kinh tế triều Lý trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1009 – 1225)
Tác giả: Phạm Thị Kim Oanh