NGHỀ LÀM GIẤY của Việt Nam (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)

Ai cũng biết người Việt Nam và người Tàu dùng bút lông để viết lối chữ tượng hình của họ. Giấy họ dùng cũng đặc biệt. Giấy này thường màu vàng, hơi nhám. Có thể dùng làm giấy thẩm.

Hình 1: Tuốc vỏ làm giấy

Nó rất nhẹ và không gấp lại như giấy của người Âu. Giấy do người Việt Nam làm từ những sợi của vỏ cây (hình 1), gọi là cây dó. Đó là một thứ thụy hương. Giá trị nội tại của giấy này là nó có thể chịu đựng một trăm năm trong một xứ mà sự dữ dội của khí hậu và mối mọt không tha một thứ gì hết.Việc chế tạo giấy là điều rất thích thú để nghiên cứu. Cũng như trong nhiều công nghệ khác của người Việt Nam, người ta lại thấy cái xưởng gia đình, nơi mà các bà giữ vai trò hàng đầu, một vai trò mà các khách quả quyết chỉ thấy ở miền Viễn Đông. Trong khi người đàn ông gánh vác tất cả những công việc đòi hỏi nhiều sức lực, thì người phụ nữ giữ vai trò chuyên môn trong những công việc đòi hỏi sự mềm mại, nhẫn nại và khéo tay. Trong một nước mà các phường hội còn rất thịnh hành mặc dầu cái ảnh hưởng phá hoại của chúng ta, việc chế tạo giấy đã được đặt trong một làng lớn, chia làm nhiều ấp, ở ngay cửa ngõ Hà Nội. Đó là làng Giấy. Việc chúng ta tới xứ này, tổ chức nền giáo dục Pháp – Việt của nhà nước đã giáng một đòn mạnh vào công nghệ này. Người ta có thể nói nghề này đang suy tàn. Rất tiếc là không có một nhà công nghiệp Pháp nào đứng ra để canh tân trang cụ của nhóm này, mà chắc là không tốn kém gì nhiều. Làm thế, sẽ thấy có sẵn cả một khu công nhân đã hình thành, rồi nếu cứ tiếp tục làm giấy bản xứ; có thể, cùng với số nhân công đã sành nghề, tính chuyện làm các-tông, giấy các-tông mà thị trường tiêu thụ được bảo đảm bên châu Âu cũng như ở Viễn Đông này.

 

KỸ THUẬT LÀM GIẤY

Công việc chế tạo giấy được chia ra làm hai thời kỳ khác nhau. Trong giai đoạn một chỉ có người đàn ông làm việc. Trong giai đoạn hai, người đàn bà giữ vai trò trội hẳn. Công việc thứ nhất có thể được gọi là chuẩn bị bột giấy, công việc thứ hai là đổ khuôn thứ bột này.

Vỏ cây thụy hương  được mua ở miền thượng du. Vỏ phải qua cả một chuỗi công nghệ chế biến, mà việc chính là ngâm nó trong một cái bồn đựng nước vôi và cho mục ra trong một cái hố luôn giữ ở  độ nóng. Khi vỏ cây đã qua loạt chế hóa này rồi, thì nó được bỏ vào cối để giã nhỏ bằng chày. Hình 2 –  diễn lại người thợ đang làm việc. Công việc này rất nặng nhọc, nên cần người đàn ông.

Cái chày là một khúc cây hình  trụ. Phần trên có đường kính nhỏ hơn phần dưới. Người thợ nắm lấy phần trên bằng cả hai tay.

Hình 2: Giã vỏ cây dâu tằm

Phần này được cột chặt vào một cây tre dễ uốn thường có mang ở đầu kia một đối lực mà chỉ giản dị là một tảng đá lớn. Người thợ luôn tay nhấc chày lên không, rồi để cho nó rơi mạnh xuống.

Khi vỏ cây giấy đã được nghiền tán đến mức thích hợp, người ta bỏ nó vào trong một thùng nước, rồi các người thợ khuấy thật mạnh để cho nó hoà quyện với nước. Tóm lại chính lớp bọt của sự hòa trộn này sẽ được dùng làm ra giấy.

Và bây giờ công việc của người đàn bà bắt đầu. Tay cầm một cái phân nhỏ bằng tre, nan rất nhỏ, được đặt vào trong một cái khung hình chữ nhật, chị ta nhúng chiếc phên nhỏ một, hai, ba lần vào trong thùng, tùy theo độ dày của tờ giấy mà chị muốn có. Chị đưa cái phên nhỏ từ phải sang trái cho tới khi bột đọng lại thành một lớp liên tục, không còn một lỗ nào. Giấy được hồ do sự gặp khí trời khi nó được đưa lên khỏi nước. Sự chế biến gồm một sự phân hóa tố đặc biệt. Các tờ giấy được chồng lên nhau để rò nước. Bây giờ chỉ còn việc ép các tờ giấy. Người Việt Nam sử dụng một thứ thiết bị, nó cho thấy công nghệ này còn ở mức “cổ sơ” chừng nào. Hình số 3 diễn tả lại công việc đó. Máy móc gồm một khúc cây chôn chặt xuống đất. Một cái đà ngang được xỏ qua một lỗ lớn của khúc cây này. Dưới đà ngang, trên một thớt gỗ người ta đặt một chồng giấy để ép, trên lớp giấy có đặt một tấm ván. Người ta nhấc cây chống chiếc đà ngang ra; những tảng đá ở đầu xà ngang, và nếu cần sẽ thêm sức nặng của một hai người đàn ông nữa, sẽ là sức ép. Với thứ dụng cụ này, những cặn bã sẽ rất nhiều. Người ta có thể thấy rất dễ biến cải dụng cụ này, mà không tổn phí gì bao nhiêu.Việc phơi phóng các tờ giấy sẽ hoàn tất các công việc. Việc này do đàn bà hoặc con gái phụ trách. Bên trong nhà các người thợ làm giấy, có một căn phòng dành đặt lò sấy. Đó là một cái lò bằng gạch, có phủ xi măng rất láng. Như hình số 4 cho thấy, dưới có một miệng lò, lửa cháy lom rom, thường là rơm rạ. Người ta dán những tờ giấy ướt vào phần trên của lò. Người ta dùng một thứ chổi làm bằng những lá mềm của cây thông. Công việc này cũng để lại một số lớn những cặn bã.

Hình 3: Dụng cụ ép giấy
Hình 4: Phơi giấy

CÔNG NGHỆ BẮT NGUỒN TỪ GIẤY

Những phẩm chất của giấy bản xứ là hảo hạng, mặc dầu cái màu vàng và sự mềm mại của nó làm cho người Âu không sành nghề có ấn tượng xấu về nó. Bởi vậy giấy đó đã phát sinh cả một lô những công nghệ khá kỳ lạ. Chúng tôi chỉ xin nói đến nghề làm lọng và nghề làm quạt.

     Chiếc lọng

Lại thêm một công nghệ nữa đã bị chúng ta làm cho suy tàn. Sự xâm nhập của những chiếc dù Đức, bằng vải, giá 1 quan 25; đã làm cho công nghệ này gần như bị phá sản. Ngày nay, chính các ông quan khi họ ra ngoài với đoàn tùy tùng không trang trọng, cũng đều dùng cái đồ tầm thường này. Lọng là phù hiệu của cấp bậc. Người ta biết cấp bậc của một viên chức bản xứ qua số lọng theo hầu ông ta. Một ông tổng đốc hay thị trưởng có bốn lọng đi theo. Lọng có bộ sườn bằng tre giống bộ gọng cây dù của chúng ta. Bộ sườn tre này được phủ giấy, thứ giấy đã được chế cho khỏi ngấm nước bằng cách quét một lớp nước trái cây, gọi là cây cậy. Các cây lọng được vẽ những màu sặc sỡ, thường là màu xanh lục. Người ta có thể thấy nơi hình số 5 người thợ đang trang trí cây lọng. Các hình mà anh ta vẽ là những “vân mây” cổ điển.

Hình 5: Chiếc lọng
     Làm quạt
Hình 6: Làm quạt

Bắc Kỳ hình như người bản xứ khổ cực không kém chúng ta vì thời tiết. Về mùa hè không một người Việt Nam nào lại không có chiếc quạt. Các dân cu-li thì dắt quạt vào thắt lưng hoặc vào dưới chiếc khăn đóng. Giá một chiếc quạt quá rẽ, nên dễ thấy nó được thông dụng như thế. Bao giờ cũng chỉ hai ba xu tiền Việt Nam, nghĩa là một xu rưỡi tiền Pháp. Tre giữ vai trò quan trọng trong việc làm quạt. Nó làm nên bộ sườn.

    Hình số 6 cho thấy công việc làm quạt, đúng như thật. Bộ sườn được mở ra trước mặt người thợ. Anh ta đang trải một tờ giấy lên trên những nan. Anh ta dùng giấy học sinh, hoặc giấy gỡ ra từ các cuốn sách. Bên cạnh anh ta là cái phết sơn, hoặc cái chổi nhỏ có đầu xoè rộng, dùng để phết hồ. Chổi này được làm bằng lá thông, rất mềm.

Nguyễn Mạnh Hùng

(Trích trong sách chuyên khảo Kỹ thuật của người An Nam của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng thông qua công trình “Technique du Peuple Annamite” của Henri- Oger, Hà Nội 1908-1909).

Những hình vẽ bằng mộc bản – đen trắng – nhà nghiên cứu PGS.TS Sử học. Nguyễn Mạnh Hùng cho tô mầu theo kiểu tranh dân gian để cho vui mắt độc giả. Chúng tôi xem lại bản thảo và xin phép Thầy cho được đăng lên Website để các bạn đọc cho vui.