Nghề thổ cẩm trong đời sống của người Ê Đê ở Đắk Nông

BROACADE WEAVING CRAFT IN THE EDE EHNIC PEOPLE
IN DAK NONG PROVINCE

Tác giả bài viết:  HUỲNH NGỌC THU(1), TRẦN THỊ NGỌC LƯU(1)
((1)Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn(VNU-HCM))

TÓM TẮT

     Dệt thổ cẩm được xem là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Ê Đê nói riêng và của các tộc người thiểu số ở khu vực Đắk Nông nói chung; và là nghề phụ trong hoạt động kinh tế của các tộc người này. Đây là nghề thủ công dành cho nữ giới trong cộng đồng. Sản phẩm làm ra được sử dụng trong gia đình, hoặc làm quà tặng trong các dịp lễ hội của cá nhân, của cộng đồng. Tuy là nghề phụ, không đem đến nguồn thu nhập chính cho gia đình và cộng đồng, nhưng nghề dệt thổ cẩm đã và đang có những vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Ê Đê ở Đắk Nông. Để tìm hiểu rõ vai trò này, chúng tôi đã thực hiện điền dã dài ngày tại cộng đồng Ê Đê ở huyện Cư Jút vào năm 2018; và đã tiến hành quan sát- tham dự tại các gia đình làm nghề dệt thổ cẩm; ngoài ra còn phỏng vấn sâu đối với các nghệ nhân, người thợ và cả những người đang học nghề để biết về vai trò nghề này đối với cộng đồng như thế nào. Nhờ đó, chúng tôi hiểu được, nghề dệt thổ cẩm có những đóng góp quan trọng trong đời sống của Ê Đê ở Đắk Nông nói riêng và ở khu vực Tây Nguyên nói chung kể cả trong truyền thống cũng như hiện tại.

Từ khóa: dệt thổ cẩm, kinh tế, quà tặng, truyền nghề, văn hóa, xã hội.

ABSTRACT

     Brocade weaving is considered as one of the traditional handicrafts of the Ede people in particular and of the ethnic minorities in Dak Nong province in general. It is also identified as a secondary occupation in the economic activities of theseethnic groups and often created by craftswomen in the community. Products are used in the family, or as gifts in the rites of passage and in the community festivals. Although brocade weaving does not make the main source of income for both their households and their community, it has played an important role in the economic, cultural and social life of the Ede people in Dak Nong province. To gain comprehensively understanding of how the role of brocade weaving is in the Ede community, we conducted intensive and long-term fieldwork in Cu Jut district in 2018. Participatory-Observation tool was designed for collecting data at the households, meanwhile, in-depth interviews were made with artisans, craftswomen and even those who are apprenticeship. As a result,we have fully understanding of the important contribution of brocade weaving in the Ede community in Dak Nong in particular and in the Central Highlands region in general within the traditional and contemporary context.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Ê Đê là tộc người thiểu số ở Việt Nam, cư trú đông tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Tại tỉnh Đắk Nông, tộc người Ê Đê có dân số trên 5 ngàn người, tập trung đông tại huyện Cư Jút (Tỉnh ủy-Hội đồng Nhân dân-UBND tỉnh Đắk Nông, 2011, tr.83).Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, trồng lúa rẫy là nguồn thu nhập chính của người Ê Đê. Họ thường theo phương thức đa canh trên rẫy. Mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa; bên cạnh đó còn trồng thêm ngô, khoai, bầu, bí… Người Ê Đê còn nuôi gia súc, gia cầm để phục vụ cho nghi lễ. Nghề thủ công phổ biến nhất của người Ê Đê là đan mây tre, làm đồ gia dụng, rèn nông cụ; đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê rất đặc sắc. Nét độc đáo trong các sản phẩm thổ cẩm của người Ê Đê là các hoa văn thể hiện trên mặt vải, được bố cục chặt chẽ với nhiều mô típ mang ý nghĩa văn hóa tộc người sâu sắc. Ngoài ra, nghề dệt thổ cẩm còn thể hiện rõ vai trò về kinh tế, văn hóa, xã hội của tộc người Ê Đê ở Đắk Nông trong truyền thống cũng như hiện tại.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

     Nghiên cứu về nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê đến nay có thể kể đến một số công trình như Chu Thái Sơn (2000). Đây là một công trình nghiên cứu về hoa văn cổ truyền của hai tộc người M’nông và Ê Đê cư trú trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũ (nay thuộc địa bàn tỉnh Đắk Nông). Trong phần hai của quyển sách này, tác giả đã đi sâu nghiên cứu về hoa văn và trang trí dân gian, bao gồm trang trí trên nền vải (trang phục nam nữ, mền, địu em bé, túi…) và trang trí trên tre, gỗ (trong kiến trúc nhà cửa, trong tôn giáo tín ngưỡng, trên đồ gia dụng…). Tác giả cũng đã mô tả rất chi tiết các kỹ thuật và mỹ thuật cổ truyền được thể hiện qua văn hoá thổ cẩm của hai tộc người Ê Đê và M’nông như: Cách đan sợi trên khung dệt, ngôn ngữ hình hoạ và bố cục hoa văn trên nền vải, cách nhuộm chỉ và phối màu… Có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu bài bản và chuyên sâu nhất về hoa văn thổ cẩm của 2 tộc người Ê Đêvà M’nông từ trước đến nay. Linh Nga Niê Kdam (2014) được xem là công trình khảo tảchi tiết về hệ thống nghề thủ công của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Đặc biệt, tác giả đã dành nhiều thời lượng trang sách cho việc viết về nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở đây, trong đó có nghề dệt hổ cẩm của người Ê Đê. Qua những trang sách cho thấy, tác giả rất có tâm huyết và xem nghề dệt thổ cẩm như là “hồn văn hóa thực thụ” của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, vì chính nghề dệt thổ cẩm là cái nôi của văn hóa tộc người, là nơi giữ văn hóa truyền thống của tộc người và cũng là nơi phản ánh văn hóa truyền thống của tộc người. Lương Thanh Sơn (1997) nghiên cứu về trang phục thổ cẩm của nhóm người Ê Đê Bih và xem đó như là đặc trưng văn hóa của tộc người. Do bởi theo tác giả, mặc trang phục là một dạng ứng xử với cộng đồng xã hội, với môi trường, vì mỗi loại trang phục được quy định bởi chuẩn mực của xã hội. Mỗi tầng lớp, lứa tuổi, giới tính… có loại trang phục riêng. Do đó, trang phục thổ cẩm chính là văn hóa của cộng đồng. Ngoài ra trong những năm gần đây, có rất nhiều bài báo đề cập đến nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê được đăng trên các trang báo điện tử như bài Thùy Dương (2018) đề cập đến những nét đặc trưng của nghề dệt thổ trong cộng đồng Ê Đê ở huyện Krông Búk tỉnh Đắk Lắk hiện nay. Đạt Thành Nhân (2018) đề cập đến các giá trị mà nghề dệt thổ cẩm đã mang đến cho tộc người Ê Đê ở Phú Yên hiện nay và đề ra những giải pháp bảo tồn nghề này trong cộng đồng người Ê Đê ở khu vực này trong tương lai. Phạm Cường (2018) đề cập đến “nghề dệt thổ cẩm đang có nguy cơ “mai một” dần ở nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thế nhưng tại buôn K’bu, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, phụ nữ Ê Đê vẫn âm thầm ngày đêm miệt mài bên khung cửi nhằm giữ nghề truyền thống của đồng bào” (Phạm Cường, 2018)… Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về dệt thổ cẩm của tộc người Ê Đê hiện nay khá phong phú. Tuy nhiên, địa bàn nghiên cứu của các công trình này đa phần đều tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên, rất ít công trình đề cập đến nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê ở Đắk Nông; và đặc biệt là không có nhiều công trình đề cập đến vai trò của nghề dệt thổ cẩm đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của tộc người Ê Đê ở Đắk Nông trong truyền thống cũng như hiện tại. Do đó, có thểxem đây là vấn đề còn “bỏ ngỏ” cần được nghiên cứu để góp thêm nguồn tư liệu khoa học liên quan đến nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đênói chung và của người Ê Đê ở Đắk Nông nói riêng.

3. Phương pháp nghiên cứu

     Để có thể tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm trong đời sống của người Ê Đê ở Đắk Nông mà cụ thể là tìm hiểu về vai trò của nghề này đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của Ê Đê, chúng tôi đã thực hiện điền dã dài ngày tại cộng đồng Ê Đê ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút vào năm 2018. Đây là cộng đồng có đông hộ Ê Đê dệt thổ cẩm nhất tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông hiện nay. Thông qua đợt điền dã này, chúng tôi đã thực hiện các cuộc quan sát- tham dự tại các gia đình làm nghề dệt thổ cẩm. Chúng tôi quan sát cách họ sắp xếp và đặt khung dệt trong nhà; cách họ giăng len/ sợi vào khung dệt theo trình tựvà màu sắc được định sẵn bởi nguyên tắc của hoa văn sẽ được tạo ra trên sản phẩm; cách họ ngồi dệt giống như hình thức “đan sợi” trên khung dệt; cách họ hoàn thành tấm thổ cẩm với đầy đủ màu sắc và hoa văn trên đó; cách họ tạo ra sản phẩm như váy, áo, chăn, túi xách… từ tấm thổ cẩm đó. Chúng tôi không chỉ quan sát- tham dự một gia đình mà thực hiện công việc này ở nhiều gia đình (quan sát-tham dự 10 gia đình trong đợt điền dã đó) nhằm có sự so sánh để tìm ra đặc trưng trong nghề dệt thổ cẩm của tộc người Ê Đê ở Đắk Nông. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện gần 20 cuộc phỏng vấn sâu đối với nghệ nhân, người thợ và cả những người đang học nghề trong cộng đồng để hỏi về vai trò nghề dệt thổ cẩm này đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá khứ cũng như hiện tại của cộng đồng tộc người Ê Đê ở đây. Những người được chúng tôi phỏng vấn đều là nữ, vì đây là nghề dành cho nữ giới trong cộng đồng. Họ có tuổi đời khác nhau. Đối với nghệ nhân thường có tuổi đời trên 50 tuổi; còn những người thợ bình thường, tuổi đời của họ từ 35 đến dưới 50; những người đang học nghề thường có tuổi đời còn khá trẻ, chỉ từ 15 đến trên dưới 20 tuổi. Chúng tôi chỉ phỏng vấn được 3 người học nghề ở độ tuổi này, vì theo người dân, những người nữ khác ở độ tuổi này thường đang đi học hoặc đi làm, chỉ một số ít ở nhà và tham gia học nghề. Còn những phụ nữ ở tuổi trung niên trở lên, đa phần đều biết nghề. Tay nghề của họ từ trung bình cho đến giỏi; tuổi càng cao kinh nghiệm đối với nghề càng nhiều và có khả năng trở thành nghệ nhân của nghề nếu người đó chịu khó tìm tòi và sáng tạo những loại hoa văn mới trong nghề dệt thổ cẩm. Từ kết quả của việc thực hiện quan sát- tham dự và phỏng vấn sâu tại cộng đồng, chúng tôi đã tìm hiểu được vai trò của nghề dệt thổ cẩm đối với kinh tế, văn hóa, xã hội trong truyền thống cũng như hiện tại của người Ê Đê ở Đắk Nông.

4. Nội dung chính

     4.1. Nghề dệt thổ cẩm trong đời sống kinh tế

     Cuộc sống của người Ê Đê ở Đắk Nông hiện nay cũng như trong quá khứ chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt trên rẫy hoặc ruộng, và nơi canh tác thường cách xa khu vực nhà ở của họ. Hoạt động trồng trọt chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của họ. Đó là hoạt động nhằm tạo ra thu nhập chính cho gia đình và cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm chỉ là công việc phụ trong hoạt động kinh tế của người Ê Đê nói riêng và các tộc người thiểu số ở Đắk Nông nói chung. Công việc này chỉ dành riêng cho phụ nữ, vì họ cho rằng nam giới không phù hợp với tư thế ngồi dệt và không khéo léo bằng nữ giới. Nam giới chỉ có thể hỗ trợ trong việc tạo ra khung dệt, giúp sửa khung dệt khi bị hư hỏng. Còn những công việc khác liên quan đến nghề dệt đều do phụ nữ thực hiện. Người phụ nữ chỉ làm nghề này khi đã xong công việc nông nghiệp; vì nghề này không có khả năng tạo ra thu nhập chính cho gia đình, trừ một số người chuyên dệt sẽ dành toàn thời gian cho công việc, nhưng số người này rất ít trong cộng đồng (tư liệu phỏng vấn, năm 2018).

     Mỗi năm, một người phụ nữ trưởng thành có tay nghề khá giỏi trong gia đình chỉ có thể dệt được vài tấm vải thổ cẩm. Những tấm vải này chỉ đủ để làm ra vài bộ trang phục nam hoặc nữ cho chính họ hoặc cho những thành viên trong gia đình hoặc dòng họ của họ. Một phụ nữ Ê Đê cho biết, chỉ có thể dệt thường xuyên nhất vào mùa nắng, ít dệt vào mùa mưa, vì vào mùa mưa các sợi chỉ/ lenthường dính lại với nhau, khó dệt, và mùa mưa là thời gian làm nông nghiệp nên phải gác việc dệt để làm nông (tư liệu phỏng vấn, năm 2018).

     Để dệt ra một tấm vải thổ cẩm, người phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho việc ngồi bên khung dệt. Khung dệt của người Ê Đê thường được đặt cố định ở một nơi gần cửa sổ trong phần bên trên của ngôi nhà, nơi có nhiều ánh sáng để người phụ nữ có thể dễ thực hiện việc dệt của mình. Vì khung dệt khá nặng và được đặt tại một vị trí cố định nên phụ nữ Ê Đê chỉ có thể dệt trong chính ngôi nhà của mình. Họ thường tiến hành dệt vào buổi sáng trước khi đi làm và sau khi trở về từ chỗ làm với điều kiện trời còn sáng. Ngoài ra, đối với những người phụ nữ Ê Đê theo Công giáo, họ thường nghỉ làm trên rẫy vào Chủ Nhật nên cũng tranh thủ thêm thời gian này để tập trung vào việc dệt (tư liệu phỏng vấn, năm 2018).

     Do sản phẩm làm ra ít, nên thường chỉ để sử dụng trong gia đình, dòng họ; ít được đưa và trao đổi, buôn bán ngoài thị trường; nếu có trao đổi, buôn bán cũng chỉ diễn ra với những người trong cộng đồng, mang tính đồng tộc ở khu vực Đắk Nông, không mở rộng phạm vi ra bên ngoài cộng đồng. Do đó, khi được hỏi về yếu tố “lời, lỗ trong hoạt động nghề dệt”, hầu hết những thợ dệt đều không trả lời được. Do bởi, họ không tính toán một cách rõ ràng những chi phí nhất định cho hoạt động của nghề phụ này. Đối với họ, khi tiết kiệm được một khoản chi phí nhỏ từ hoạt động nông nghiệp, sẽ sử dụng khoản tiết kiệm này để mua nguyên liệu về dệt. Khoản tiền bỏ ra khoảng từ vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng để dệt ra được một tấm vải thổ cẩm tùy loại; sau đó may lại thành một hoặc hai cái áo nam, hoặc váy nữ, hoặc để nguyên thành chăn… tùy mục đích của người dệt. Những thành phẩm này thường không có giá nhất định, có khi bán được 500 ngàn đồng/ áo nam, nhưng cũng có lúc chỉ bán được 300 ngàn đồng tùy theo mối quan hệ trong cộng đồng; hay 700 ngàn đồng/ váy nữ, nhưng cũng có lúc chỉ bán được 400 ngàn; một chiếc chăn có thường bán khoảng 2 triệu, nhưng cũng nhiều khi bán được 1,2 triệu vì mối quan hệ; ngoài ra, sản phẩm làm ra còn được dùng làm quà tặng trong các nghi lễ như đám hỏi, đám cưới, đám tang; hoặc sử dụng trong gia đình. Công lao động để hoàn thành một sản phẩm thường không được qui đổi một cách rõ ràng, do không tính được một sản phẩm hoàn thành phải mất bao nhiêu công lao động để qui đổi (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Vì thế, yếu tố “lời và lỗ” trong hoạt động kinh tế đối với nghề dệt thổ cẩm ở cộng đồng người Ê Đê này trong quá khứ cũng như hiện tại là không quan trọng đối với họ.

     Tuy nhiên, qua tư liệu phỏng vấn trên cho thấy, trong cộng đồng người Ê Đê, trong các dịp lễ như hỏi, cưới, tang ma… người dân đến với nhau bằng quà tặng, đó là sản phẩm từ thổ cẩm, có thể là váy, áo, chăn, mền… Trong truyền thống cũng như hiện tại, việc tặng các sản phẩm dệt thổ cẩm là nét đặc trưng văn hóa không chỉ của người Ê Đê mà còn là của các tộc người thiểu số ở khu vực Tây Nguyên nói chung. Như trong trong đám cưới của người Ê Đê, mẹ cô dâu, chú rể và các chị em gái của họ phải tặng cho con cháu họ những sản phẩm dệt thổ cẩm; hoặc trong đám tang, những người trong dòng họ cũng tặng chăn thổ cẩm cho người đã khuất (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Nếu trong gia đình Ê Đê có người biết dệt, họ sẽ dệt để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm là quà tặng này, và sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí cho gia đình của họ trong các dịp lễ thường xuyên diễn ra trong dòng họ và cộng đồng, nếu so với việc phải bỏ tiền ra mua (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Vì vậy, nếu xét ở khía cạnh tiết kiệm về mặt chi tiêu, mặc dù nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê không giúp tạo ra thu nhập cho gia đình, nhưng nó tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể trong việc chi tiêu cho quà tặng vào các dịp lễ của gia đình, dòng họ và cộng đồng.

     Cũng chính vì đều này mà khi khảo sát ở cộng đồng người Ê Đê tại Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, đa số phụ nữ Ê Đê đều không muốn bỏ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của họ, mặc dù nghề này không mang lại thu nhập chính cho gia đình và cộng đồng họ, những cũng có đóng góp đáng kể đối với kinh tế của gia đình ở khía cạnh tiết kiệm. Hơn nữa, đây là nghề thủ công truyền thống mang tính tộc người, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người qua sản phẩm được tạo ra, nên cộng đồng Ê Đê luôn mong muốn giữ gìn nó và họ đã giữ gìn được nó cho đến tận ngày nay.

     4.2. Nghề thổ cẩm trong đời sống văn hóa

     Người Ê Đê thể hiện bản sắc văn hoá của mình thông qua trang phục truyền thống. Mỗi người Ê Đê đến 18 tuổi, được xem là đến tuổi trưởng thành, dù là nam hay nữ đều được mẹ của họ chuẩn bị cho ít nhất một bộ trang phục truyền thống. Bộ trang phục này do chính người mẹ chuẩn bị và tặng cho con cái của mình. Do đó, người phụ nữ Ê Đê cần phải biết dệt vải và mong muốn con gái của mình khi lớn lên cũng biết dệt. Trong trường hợp người phụ nữ không biết dệt, họ phải tốn một khoản tiền không nhỏ để mua các trang phục truyền thống từ các gia đình khác để làm quà tặng cho con của mình.

     Hiện nay, trang phục truyền thống được làm từ thổ cẩm vẫn có ý nghĩa quan trọng với người Ê Đê trong việc thể hiện văn hoá của họ. Điều này được thể hiện rõ trong việc người Ê Đê luôn mặc trang phục truyền thống trong các sự kiện quan trọng được diễn ra trong gia đình như các nghi lễ liên quan đến vòng đời người của các thành viên trong gia đình. Lấy ví dụ một đám cưới của người Ê Đê, ngoài cô dâu, chú rể là những người bắt buộc phải mặc trang phục truyền thống; những thành viên gần gũi khác như cha, mẹ, anh chị em ruột của cô dâu và chú rể cũng mặc bộ trang phục truyền thống (tư liệu điền dã, năm 2018). Việc mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ quan trọng của đời người như trong lễ cưới được xem như “một quy định ngầm”của toàn bộ quá trình diễn ra nghi thức. Nghĩa là mặc trang phục truyền thống bằng thổ cẩm là một trong những nghi thức không thể thiếu trong nghi thức của lễ cưới ở cộng đồng Ê Đê tại Đắk Nông hiện nay cũng như trong quá khứ. Theo người dân, nếu gia đình khó khăn, không thể sở hữu cho riêng mìnhnhững bộ trang phục truyền thống, họ có thể đi mượn những người trong họ hàng hoặc hàng xóm để đảm bảo tính trang nghiêm theo nguyên tắc của cộng đồng, nếu không sẽ bị cộng đồng lên án và không đồng ý (tư liệu phỏng vấn, năm 2018).

     Bên cạnh việc tặng và mặc trang phục thổ cẩm truyền thống, việc tặng tấm chăn/mền thổ cẩm của người Ê Đê trong các dịp lễ vừa mang nét đẹp văn hóa của cộng đồng, vừa mang tính hỗ tương trong mối quan hệ gia đình, dòng họ và cộng đồng (Lê Trần Quyên, 2018, tr. 334). Do đó trong quá trình khảo sát tại cộng đồng Ê Đê ở Đắk Nông, chúng tôi được biết có những trường hợp gia đình Ê Đê tổ chức đám cưới cho con, hoặc đám tang cho cha mẹ, nhưng thiếu số lượng chăn/ mền thổ cẩm cần thiết để làm quà, và lại không có tiền để mua thêm, họ có thể mượn những tấm chăn/ mền mới từ gia đình trong cùng dòng họ, hoặc những gia đình thân quen. Sau khi hoàn tất nghi lễ, sẽ dệt để trả lại (tư liệu điền dã, năm 2018). Theo người Ê Đê, việc mượn những sản phẩm thổ cẩm để làm quà tặng trong các nghi lễ, rồi sau đó gia đình dệt để trả lại là việc làm diễn ra thường xuyên trong cộng đồng từ xưa đến nay, vì họ thường không tích lũy đủ sản phẩm để làm quà tặng trong cùng một lúc cho một đám cưới hoặc đám tang, và cũng không có nhiều tiền để mua nhiều sản phẩm thổ cẩm trong cùng một lúc, nên phải mượn (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Việc mượn sản phẩm thổ cẩm để làm quà trong việc thực hiện các nghi lễ là truyền thống văn hóa của cộng đồng Ê Đê ở Đắk Nông nói riêng và ở khu vực Tây Nguyên nói chung, nhằm thể hiện tình cảm tương trợ của những người trong cộng đồng dành cho nhau.

     Ngoài ra, khi thực hiện việc tặng quà trong nghi lễ cũng là dịp để thể hiện mối quan hệ gần gũi, tình cảm yêu thương của những thành viêntrong gia đình, dòng họ và xóm giềng dành cho nhau. Do đó, sản phẩm thổ cẩm do chính người phụ nữ Ê Đê dệt ra có giá trị về mặt trao truyền văn hóa quan trọng giữa các thành viên và giữa các thế hệ với nhau trong cộng đồng. Trong nghi lễ đặt tên cho đứa trẻ, mẹ đứa trẻ thay mặt nhận món quà thổ cẩm đầu tiên do bà nội và bà ngoại tặng cho đứa trẻ. Món quà đó thường là một tấm vải thổ cẩm có kích thước rộng và dài được dùng để làm cái địu cho đứa trẻ sau này. Người Ê Đê xem cái địu này là món quà quan trọng đầu tiên cho đứa trẻ vì đây là vật dụng cần thiết che chở cho nó; và là một tặng phẩm quí giá thể hiện tình cảm của người bà tự tay dệt ra sản phẩm để dành tặng cho cháu, và còn mang ý nghĩa bà trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc cháu của mình (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Hay những sản phẩm thổ cẩm được người mẹ của cô dâu, chú rể tặng cho con của mình trong đám cưới; anh, chị, em… tặng cho cô dâu, chú rể nhằm thể hiện tình cảm gần gủi, sự ấm áp của người thân luôn ở bên cạnh mỗi khi mặc bộ trang phục hoặc đắp tấm chăn/mền lên người; và còn thể hiện sự gắn bó trong các mối quan hệ. Những đồ vật được tặng luôn được xem là đồ quí, nên họ thường không sử dụng trong ngày thường, đặc biệt là không sử dụng trong khi lao động. Họ mặc trong các dịp lễ hội, hoặc những sự kiện quan trọng liên quan đến bản thân và gia đình của họ. Những người tặng sản phẩm thổ cẩm cho họ cũng muốn sản phẩm mình tặng được xem như là vật kỷ niệm, hoặc làm của hồi môn cho con cái sau này (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Hoặc những tấm chăn thổ cẩm được người thân dành tặng cho người chết trong đám, nó thường được quấn quanh thi thể của người đã khuất; hoặc được đắp lên quan tài của người chết và đem chôn chúng cùng với quan tài dưới huyệt mộ. Theo quan niệm truyền thống của người Ê Đê, việc chôn theo những tấm chăn thổ cẩm cho người chết là hình thức “chia của”. Tuy nhiên, hiện nay đa phần người Ê Đê ở Đắk Nông theo Công giáo, nên họ không tin người chết có thể “sống lại” để sử dụng các sản phẩm được chia ở “thế giới sau khi chết”; nhưng họ vẫn tặng những tấm chăn thổ cẩm và chôn chúng theo người chết, và cũng thực hiện theo nguyên tắc xé rách một góc các tấm thổ cẩm này trước khi chôn như trong truyền thống.Mục đích của việc làm này là vì trong truyền thống, người Ê Đê tin rằng thế giới của người chết là thế giới đảo ngược so với thế giới của người đang sống. Do đó, những gì đã bị xé rách hoặc bị vỡ ở thế giới người sống sẽ trở nên nguyên vẹn và lành lặn trong thế giới của người đã chết. Tuy hiện nay, người Ê Đê theo Công giáo, nhưng vẫn thực hiện nghi thức này vì là quan niệm truyền thống. Và theo họ, việc tặng cho người chết những tấm chăn thổ cẩm hay chôn theo trang phục truyền thống và các đồ dùng khác không nhằm mục đích để người chết sử dụng ở thế giới khác mà nhằm biểu hiện của tình thương, tình thân của người sống dành cho người mất. Vì vậy, thực hiện nghi thức quấn chăn thổ cẩm được tặng tăng quanh người chết hoặc đắp trên quan tài là hình thức nhằm thể hiện tình cảm của người sống dành cho người chết; đó là sự bao bọc, che chở cẩn thận, và luôn tỏ ra yêu thương của người sống dành cho người chết. Tấm chăn thổ cẩm được tặng cho người chết và được chôn theo người chết còn thể hiện “sợi dây” tình cảm gắn bó lâu dài giữa người sống với người chết (tư liệu điền dã, năm 2018).

     Bên cạnh đó, người Ê Đê ở Đắk Nông hiện nay còn sử dụng các sản phẩm thổ cẩm để tặng cho cha mẹ trong các dịp lễ quan trọng của Công giáo như lễ Phục sinh, Giáng sinh; hoặc mừng năm mới,… nhằm để tỏ lòng biết ơn “sinh thành, dưỡng dục” của cha mẹ với con cái. Cách tốt nhất đối với người Ê Đê đối với quà tặng cha mẹ này là chính những người con phải tự dệt ra những tấm vải và may thành những sản phẩm thổ cẩm mà cha mẹ ưa thích để làm quà. Vì như vậy, người con mới thể hiện được trọn vẹn tình cảm của mình dành cho cha mẹ. Đây được xem là cách báo hiếu cụ thể mà người Ê Đê thường làm cho cha mẹ mình trong các dịp lễ hiện nay (tư liệu điền dã, năm 2018). Điều nàylàm cho nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê ở Đắk Nông không chỉ có ý nghĩa tạo ra sản phẩm cho việc sử dụng như một sản phẩm văn hoá vật chất, mà còn hàm chứa cả ý nghĩa về mặt văn hoá tinh thần, thể hiện qua tình cảm của con người sử dụng, tạo ra mối dây tinh thần gắn bó giữa các thế hệ trong gia đình, dòng họ và cộng đồng tộc người. Nhờ đó, văn hoá Ê Đê thông qua nghề dệt thổ cẩm và việc sử dụng các sản phẩm thổ cẩm đã và đang được chuyển tải từ thế hệ này sang thế hệ khác; và xa hơn nữa, các giá trị về văn hóa, về ý thức văn hóa tộc người này sẽ luôn được củng cố trong từng thành viên của tộc người Ê Đê. Hiện nay, việc khoác trên mình bộ trang phục thổ cẩm truyền thống trong các dịp lễ, tết hoặc những buổi đi lễ tại nhà thờ, người Ê Đê rất tự hào về văn hóa của họ; bởi “hồn” văn hóa của họ còn đươc lưu giữ qua màu sắc và hoa văn trên trang phục thổ cẩm. Vì vậy, người phụ nữ Ê Đê luôn được ngợi khen khi họ giỏi trong nghề dệt thổ cẩm, tay nghề dệt thổ cẩm cũng là một trong những tiêu chí đảm đang được xét đến khi đi “bắt chồng” của người con gái Ê Đê trong truyền thống cũng như hiện tại (tư liệu điền dã, năm 2018).

     4.3. Nghề dệt thổ cẩm trong đời sống xã hội

     Người Ê Đê hiện cũng như trong truyền thống theo chế độ mẫu hệ. Trong gia đình, người phụ nữ lớn tuổi là người có uy tín nhất, gọi là khoa sang. Bà có trách nhiệm trong việc trông nom tài sản, hướng dẫn sản xuất, điều hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình (Lê Trần Quyên, 2018, tr. 331). Nghề dệt thổ cẩm là hoạt động kinh tế phụ của gia đình, và chỉ có người phụ nữ đảm trách công việc này, nên việc truyền nghề và thực hiện nghề cũng chỉ được thực hiện trong phạm vi giữa các thế hệ là những người phụ nữ trong gia đình với nhau dưới sự trong nôm, chỉ bảo của khoa sang (tư liệu điền dã, năm 2018).

     Trong gia đình, nghề dệt được truyền từ bà đến mẹ và sau đó đến con gái. Việc dạy nghề dệt được các bà mẹ Ê Đê chỉ dạy cho con gái rất cẩn thận, đăc biệt là từ khi cô gái ở trong độ tuổi từ 13 đến 15. Trước tiên, người mẹ yêu cầu con gái phải ngồi bên khung dệt cùng với mẹ để xem mẹ dệt; sau khi đã xem tỉ mỉ các động tác dệt, mới được phép ngồi vào khung dệt để thực hành dệt và người mẹ luôn ở cạnh bên chỉ dẫn từng thao tác từ đơn giản đến phức tạp. Thành thạo công đoạn này sẽ được chỉ sang công đoạn khác. Lúc đầu chỉ là làm quen với khung dệt, rồi bắt đầu học cách dệt đơn giản. Tiếp theo sẽ học sắp xếp khung dệt cho đúng thứ tự, học cách giăng len/ sợi lên khung dệt theo trình tự màu sắc và hoa văn của sản phẩm dự định dệt, tiếp theo học cách dệt để tạo thành hoa văn trên sản phẩm như mong muốn. Các công đoạn nàyluôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, nên người học phải cẩn thận và luôn có người giám sát chỉ dạy bên cạnh để hướng dẫn từng chi tiết. Sau khi đã biết và thành thạo hết các công đoạn, người học có thể tự mình dệt sản phẩm. Nhưng để sản phẩm dệt ra được đẹp và nhanh, đòi hỏi tay nghề của người dệt phải giỏi, muốn vậy phải thường xuyên luyện dệt và chịu khó học hỏi, tìm tòi với óc sáng tạo trong khi dệt.

     Hiện nay, trong cộng đồng Ê Đê ở Đắk Nông, người học dệt không nhất thiết phải học từ các thành viên lớn tuổi trong gia đình, họ có thể đến học ở nhà người quen trong buôn. Những người phụ nữ có tay nghề giỏi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người mới biết dệt, hoặc sẵn sàng chỉ bảo tận tình cho những cô gái trẻ mới bắt đầu họ nghề mà không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Một phụ nữ Ê Đê kể lại, chị đã từng đến học nghề với một nghệ nhân, sau đó chị tìm cách trả ơn cho người dạy mình bằng cách gửi tiền và tặng quà, nhưng người đó không nhận mà còn tỏ ragiận dỗi nếu chị cố nài ép (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Nguyên nhân của việc giúp đỡ lẫn nhau trong nghề là do mối quan hệ đồng tộc, và quan hệ xóm giềng trong cộng đồng của buôn; đó là mối quan hệ xã hội bền chặt từ trong truyền thống, nên yếu tố kinh tế không được đề cập đến trong vấn đề truyền nghề này. Ngoài ra trong những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông cũng đã tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí dành cho nữ giới trong cộng đồng các tộc người thiểu số ở Đắk Nông, trong đó có người Ê Đê. Các nghệ nhân Ê Đê được Sở mời làm giảng viên trực tiếp giảng dạy lại cho người dân trong cộng đồng. Kinh phí các lớp học do tỉnh Đắk Nông chi trả. Mục đích mở các lớp này nhằm nâng cao tay nghề của người thợ, tạo công việc trong lúc nông nhàn của nữ giới và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

     Theo ý kiến chia sẻ của người Ê Đê, việc học và giữ gìn nghề dệt thổ trong cộng đồng, ngoài ý nghĩa giúp cho họ tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng trong gia đình, dòng họ vào các dịp lễ quan trọng, còn có ý nghĩa giáo dục đạo đức cho con cái, duy trì sự đoàn kết lẫn nhau trong xã hội. Một người mẹ khi dạy nghề dệt cho con gái của mình, bên cạnh việc mong muốn con gái giỏi nghề, còn muốn nó biết trách nhiệm đối với gia đình và dòng họ sau khi đã trưởng thành và lập gia đình với việc thực hiện nghề dệt thổ cẩm này. Đó là việc phải tạo các sản phẩm thổ cẩm để phục vụ cho chính gia đình của cô con gái trong các dịp thực hiện nghi lễ sau này. Nói cách khác, việc dệt là một công việc được mặc nhiên giao phó cho các cô gái và xã hội mong muốn các cô gái hoàn thành nghĩa vụ của mình. Một phụ nữ Ê Đê chia sẻ, khi cô còn trẻ, mẹ cô luôn muốn cô học dệt với bà. Tuy nhiên, lúc đó, cô chưa ý thức việc dệt vải có thể mang lại lợi ích hay ý nghĩa gì. Bản thân cô cảm thấy mình không khéo tay và từ chối việc học dệt. Trong thời gian đó, mẹ cô đã thuyết phục cô nhiều và thậm chí đã giận khi cô nhất định không chịu học. Cha cô đã phải can thiệp vào việc khuyên răn này và cô đã vâng lời để học dệt với mẹ mình. Lúc đó, gia đình cô có hai khung dệt, một cho mẹ cô và một cho cô. Trong khi mẹ cô ngồi dệt, cô luôn ngồi ở bên cạnh để nhìn bà dệt và sau đó đã được dệt trên chính khung dệt của cô. Trong lúc dệt, mẹ cô đã nói chuyện với cô rất nhiều điều về những việc xảy ra trong gia đình, cách xử lý các tình huống để gia đình hoà hợp và đặc biệt nhất là ích lợi của việc dệt. Mẹ cô nói rằng, người phụ nữ phải biết dệt để chăm lo cho chính con cái của mình và nếu không biết dệt thì phải tốn rất nhiều tiền để mua váy áo. Hoàn cảnh gia đình càng nghèo thì càng phải học dệt để đỡ tiền mua trang phục… Cô cho biết, hiện nay khi cô đã là người mẹ trong gia đình, cô cảm thấy những gì mẹ cô đã dạy khi ngồi bên khung dệt với bà là rất đúng. Không những cô biết dệt mà cô còn biết cách ứng xử tốt đẹp với người khác nhờ những câu chuyện, những lời dạy dỗ của mẹ cô. Hiện nay, con gái của cô vẫn đang được cô dạy cho biết dệt và dạy những câu chuyện ứng xử trong cuộc sống gia đình, cũng như ngoài xã hội trong khi ngồi học dệt như mẹ cô lúc trước (tư liệu phỏng vấn, năm 2018). Việc con gái trong gia đình tự nguyện học nghề dệt thổ cẩm và có tay nghề giỏi luôn là điều mong muốn của những người mẹ trong cộng đồng Ê Đê ở Đắk Nông, vì họ cho rằng, đó là cách ứng xử tốt nhất với của con gái với người mẹ, và cũng cách để rèn luyện đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Ê Đê trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.

     Như vậy, nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê ở Đắk Nông có giá trị quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng xã hội, tạo nên sự cố kết về mặt xã hội và tương trợ lẫn thông qua việc truyền và dạy nghề. Có thể nói, đây là vai trò quan trọng mànghề dệt thổ cẩm đã và đang đem lại cho cộng đồng tộc người Ê Đê ở Đắk Nông nói riêng và ở khu vực Tây Nguyên nói chung.

5. Kết luận

     Nghề dệt thổ cẩmcủa người Ê Đê nói riêng và của các tộc người thiểu số ở khu vực Đắk Nông nói chung được xem là nghề phụtrong hoạt động kinh tế của tộc người. Đây là nghề thủ công truyền thống chỉ dành cho nữ giới trong cộng đồng. Sản phẩm làm ra là những tấm thổ cẩm để từ đó may thành áo, váy, khố, túi đeo,… hoặc biến chúng thành những tấm chăn, địu trẻ em… được dùng để sử dụng trong gia đình, hoặc làm quà tặng trong các dịp lễ hội của cá nhân hay cộng đồng.

     Tuy là hoạt động kinh tế phụ và không đem đến nguồn thu nhập chính cho gia đình và cộng đồng, nhưng nghề dệt thổ cẩm đã có những vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Ê Đê ở Đắk Nông trong truyền thống cũng như hiện tại.

     Cụ thể, trong đời sống kinh tế, nghề dệt thổ cẩm đã góp phần tiết kiệm rất lớn trong hoạt động chi tiêu cho việc mua sắm qua tặng vào các dịp lễ hội của gia đình, dòng họ và cộng đồng. Nghề dệt thổ cẩm còn góp phần vào đời sống văn hóa cộng đồng bằng việc duy trì và trao truyền bản sắc văn hóa tộc người thông qua việc sử dụng các sản phẩm thổ cẩm làm quà tặng và trang phục trong các dịp lễ hội của cá nhân, cộng đồng và tôn giáo. Trong đời sống xã hội, nghề này còn góp phần vào việc giáo dục đạo đức, khẳng định giá trị chuẩn mực của cộng đồng, tính đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong xã hội thông qua việc dạy và học nghề giữa các thế hệ với nhau trong gia đình. Đó chính là những đóng góp quan trọng của nghề dệt thổ cẩm trong đời sống của người Ê Đê ở Đắk Nông nói riêng và ở khu vực Tây Nguyên nói chung trong truyền thống cũng như hiện nay.

Bài viết là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa thổcẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông”, do TS. Tôn Thị Ngọc Hạnh làm chủ nhiệm, Sở Văn hóa, Thểthao vào Du lịch tỉnh Đắk Nông chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông quản lý, từnăm 2017 đến năm 2019.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Chu Thái Sơn (2000).Hoa văn cổ truyền Đắk Lắk.NXB Khoa học Xã hội.

Đạt Thành Nhân (2018). “Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê”. Báo Dân tộc.
http://baodantoc.com.vn (truy cập ngày 16/9/2019).

Linh Nga Niê Kdam (2014). Nghề thủ công truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. NXB Văn hóa Thông tin.

Lương Thanh Sơn (1997). Trang phục của người Bih: Đặc trưng và ứng xử tộc người (Luận văn Thạc sĩ).Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Phạm Cường (2018). Miệt mài giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở lại với buôn làng. Báo Tin tức. http://baotintuc.vn (truy cập ngày 16/9/2019).

Thi Thu Thuy Tran (2005). Textiles of Vietnam’s Ethnic Groups. SPAFA Journal, 15(3).

Thùy Dương (2018). Người giữ hồn dân tộc Ê Đêqua nghề dệt thổ cẩm. Cổng thông tin điện tử Đắk Lắk. www.krongbuk.daklak.gov.vn (truy cập ngày 16/9/2019).

Tỉnh ủy- Hội đồng Nhân dân- Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông (2011). Địa chí Đắk Nông. NXB Từ Điển Bách Khoa.

Vương Xuân Tình (chủ biên 2018). Các dân tộc ở Việt Nam. Tập 4: Nhóm Ngôn ngữ Hán và Mã Lai Đa Đảo. NXB Chính trị Quốc gia.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Thủ Dầu Một, Số 4 (43)-2019

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghề thổ cẩm trong đời sống của người Ê Đê ở Đắk Nông
(Tác giả: Huỳnh Ngọc Thu; Trần Thị Ngọc Lưu)