Nghệ thuật kiến tạo cảnh quan Phủ Tuy Lý Vương, Thừa Thiên Huế, Việt Nam
THE ART OF MAKING GARDEN OF TUY LY VUONG
CLASSICAL PRIVATE GARDEN IN HUE, VIETNAM
Tác giả bài viết: PHẠM THỊ BÍCH PHƯƠNG
(Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam)
CHEN ZHONGYI
(Trường Đại học Trường Giang, Hồ Bắc, Trung Quốc)
TÓM TẮT
Phủ Tuy Lý Vương được xây dựng dưới triều Nguyễn (1802-1945), mang những đặc trưng văn hóa xã hội Việt Nam trong thời kỳ này. Phủ Tuy Lý Vương là công trình kiến trúc tiêu biểu cho nghệ thuật kiến tạo cảnh quan Việt Nam thế kỷ XIX. Nghiên cứu này đã tiến hành điều tra, phân tích và tổng hợp nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương trên phương diện bố cục cảnh quan, thủ pháp xử lý không gian cảnh quan, kiến trúc cảnh quan và cây xanh cảnh quan. Kết quả của nghiên cứu này đã làm rõ giá trị nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương và là cơ sở dữ liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo trong lĩnh vực cảnh quan cổ điển trên Thế giới và Việt Nam.
Từ khóa: Kiến trúc cảnh quan, nghệ thuật kiến tạo cảnh quan, vườn cổ điển, vườn cảnh Việt Nam.
ABSTRACT
Tuy Ly Vuong garden was built during the Nguyen dynasty (1802-1945), a symbol of the cultural and social characteristics of Vietnam during this period. Tuy Ly Vuong garden is a typical architectural work for the Vietnamese landscape construction art in the nineteenth century. This study has investigated, analyzed, and synthesized landscape tectonics art of Tuy Ly Vuong garden in terms of landscape layout, methods to handle landscape space, landscape architecture, and landscaped greenery. The results of this study have clarified the value of landscape tectonic art of Tuy Ly Vuong cover and are the reference database for the next studies in the field of classical landscapes in the world and Vietnam.
Keywords: Classical garden, landscape architecture, landscape tectonic art, Vietnam garden.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Kiến trúc cảnh quan là một lĩnh vực thuộc ngành khoa học cảnh quan, đang phát triển mạnh mẽ và đã gặt hái được những thành tựu nghiên cứu nhất định tại các nước phát triển trên thế giới. Bên cạnh sự phát triển của cảnh quan hiện đại, cảnh quan cổ điển mang giá trị đặc trưng văn hóa dân tộc và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành khoa học cảnh quan. Kiến trúc cảnh quan cổ điển được phân thành hai trường phái chính là cảnh quan cổ điển phương Đông (đại diện có vườn Trung Quốc và vườn Nhật Bản) và cảnh quan cổ điển phương Tây (đại diện có vườn Ý, vườn Pháp và vườn Anh) (Zhou, 2014). Những nghiên cứu trên cảnh quan cổ điển chủ yếu tập trung nghiên cứu bố cục cảnh quan, thủ pháp xử lý không gian cảnh quan, nghệ thuật kiến trúc, cây xanh, giá trị văn hóa nghệ thuật,…. (Chen, 2013). Kiến trúc cảnh quan cổ điển Việt Nam được biết đến qua những nghiên cứu về nghệ thuật kiến tạo cảnh quan vườn cung đình Huế (Nguyen, 2013; Phan Thanh Hải, 2013), kinh thành Huế (Phan Thuận An, 2017), nhà vườn xứ Huế (Nguyễn Hữu Thông, 2008; Pham et al., 2019) và tác phẩm hồi ức về kinh thành Huế của Michel (2016). Kết quả của những nghiên cứu trên chủ yếu đề cập đến khía cạnh lịch sử, văn hóa và kiến trúc cảnh quan. Với mục đích nghiên cứu làm rõ nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ đệ dưới triều Nguyễn, yêu cầu đặt ra là cần tập trung nghiên cứu một cách toàn diện. Ngoài việc phân tích những yếu tố nền tảng lịch sử, văn hóa – xã hội của quốc gia, cần tập trung nghiên cứu bố cục cảnh quan, thủ pháp xử lý không gian kiến trúc cảnh quan và cây xanh cảnh quan.
Vườn cảnh được phân chia thành ba loại chính là vườn hoàng gia (royal garden), vườn tư gia (private garden) và vườn tôn giáo (religious garden). Trong đó, vườn tư gia chủ yếu tập trung xây dựng tại khu vực quanh hoàng cung nơi vua chúa cư trú, là nơi cư trú của tầng lớp quan lại, địa chủ, thương nhân giàu có (Luo et al., 2010). Dưới sự ảnh hưởng của các cuộc kháng chiến chống giặc giữ nước qua các thời kỳ, vườn tư gia Việt Nam đã bị tàn phá và thay đổi khá nhiều. Ngày nay, trong quần thể kiến trúc kinh đô Huế còn bảo tồn được một số nhà vườn tiêu biểu. Một trong số những nhà vườn đó là phủ Tuy Lý Vương, mang trong mình giá trị lịch sử văn hóa và văn học nghệ thuật đặc trưng của triều Nguyễn, được thể hiện rõ nét thông qua nghệ thuật kiến tạo cảnh quan khuôn viên phủ. Năm 1991, phủ Tuy Lý Vương đã được công nhận là di tích quốc gia và được bảo tồn cho đến nay.
Bắt nhịp cùng với sự phát triển của ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam, nghiên cứu nghệ thuật kiến tạo cảnh quan cổ điển đã tiến hành trên đối tượng khuôn viên phủ Tuy Lý Vương. Thông qua điều tra khảo sát thu thập số liệu, xử lý và phân tích số liệu bằng phần mềm chuyên dụng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích các thủ pháp nghệ thuật ứng dụng trong bố cục cảnh quan, thủ pháp xử lý không gian, nghệ thuật trang trí kiến trúc, cảnh quan cây xanh trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương. Kết quả của nghiên cứu này có những đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của ngành kiến trúc cảnh quan Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cảnh quan cổ điển, là cơ sở tài liệu tham khảo cho những nghiên cứu trong và ngoài nước.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là cảnh quan khuôn viên phủ Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh, tọa lạc tại số 140 đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
2.2 Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp điều tra thực địa: sử dụng thiết bị chuyên dụng như thước đo chiều dài, chiều cao, máy định vị vị trí tiến hành đo đạc chính xác kích thước khuôn viên và các hạng mục kiến trúc cảnh quan trong phủ Tuy Lý Vương như nhà chính, cổng tam quan, bình phong, giao thông chính, vườn quả,…
Phương pháp điều tra phỏng vấn: tiến hành điều tra phỏng vấn cán bộ Sở văn hóa và thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế – ông Trần Văn Dũng và người chủ tự phủ Tuy Lý Vương – ông Nguyễn Phước Vĩnh Phú. Thu thập thông tin sơ cấp và thứ cấp liên quan đến Tuy Lý Vương và quá trình xây dựng và biến đổi của khuôn viên phủ.
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: thông qua việc thu thập tài liệu thứ cấp, tiến hành phân tích đánh giá và tổng hợp những tài liệu trong và ngoài nước trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.
Phương pháp xác định tên loài thực vật: thông qua việc điều tra hiện trạng cây xanh trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương, tiến hành xác định chính xác tên khoa học của các loài thực vật dựa theo hệ thống phân loại thực vật học của Phạm Hoàng Hộ (1999).
Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu điều tra được xử lý và phân tích bằng các phần mềm vẽ kỹ thuật autocad, dựng hình và xử lý hình ảnh bằng phần mềm photoshop, sketchup và lumion.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1 Công năng khuôn viên phủ Tuy Lý Vương
Khuôn viên phủ Tuy Lý Vương có tổng diện tích khoảng 1.919 m2, được phân chia thành 05 khu công năng nhỏ, bao gồm đường giao thông chính, khu sân trung tâm, khu kiến trúc và khu vườn cây (Hình 1). Trong đó, diện tích khu giao thông chính là 154 m2, chiếm 8.03% tổng diện tích khuôn viên phủ đệ. Đường giao thông chính có công năng liên kết cổng tam quan với khu sân trung tâm, khu kiến trúc và vườn quả, được phân thành hai nhánh đường thẳng dài khoảng 35 m và chiều rộng 1,5 m, nền lát gạch. Trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương có hai khu sân trung tâm nằm ở giữa khu kiến trúc và đường giao thông chính, tổng diện tích 282 m2, chiếm 14.7% tổng diện tích khuôn viên phủ đệ. Đây là khu vực cảnh quan chính, phối kết bình phong, tiểu phẩm trang trí nghệ thuật và hoa cây cảnh tạo nên tiểu cảnh chính trong khu vực này. Khu kiến trúc bao gồm từ đường, nơi thờ phụng mẫu thân ngài Tuy Lý Vương là bà Lê Thị Ái, từ đường ông Tuy Lý Vương và nhà phụ. Khu vực này có diện tích 342 m2, chiếm 17.82% tổng diện tích khuôn viên phủ đệ, có chức năng là nơi thờ phụng, nơi sinh hoạt và lưu trữ của gia đình người chủ tự. Khu vườn cây có diện tích 1.141 m2, chiếm 59.46% tổng diện tích khuôn viên phủ Tuy Lý Vương, trồng các loại cây ăn quả và cây cảnh quan tạo lên một hệ sinh thái cây trồng phong phú, có chức năng cải tạo vi khí hậu khuôn viên phủ đệ và cung cấp nguồn trái cây, rau xanh phục vụ sinh hoạt hàng ngày (Bảng 1).
Bảng 1: Bảng thống kê diện tích khu công năng
trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương (2019)
STT | Khu công năng | Diện tích (m2) | Tỷ lệ (%) |
1 | Khuôn viên phủ Tuy Lý Vương | 1919 | 100 |
2 | Khu giao thông chính | 154 | 8.03 |
3 | Khu sân trung tâm | 282 | 14.70 |
4 | Khu kiến trúc | 342 | 17.82 |
5 | Khu vườn quả | 1141 | 59.46 |
3.2 Bố cục không gian và thủ pháp nghệ thuật xử lý không gian khuôn viên phủ Tuy Lý Vương
Khuôn viên phủ Tuy Lý Vương được bố trí xây dựng theo bố cục hướng nội. Hạng mục kiến trúc được bố trí trên trục chính của phủ đệ theo phương bắc nam, đây là trục cảnh quan chính của phủ đệ, bố trí cổng tam quan, từ đường mẫu thân, từ đường Tuy Lý Vương, bình phong, tiểu cảnh,… tạo nên một không gian tập trung ở vị trí trung tâm phủ đệ. Không gian râm mát của vườn cây xanh được ví như tấm áo giáp bao bọc bên ngoài khuôn viên phủ đệ. Khu vực này trồng đa dạng chủng loại cây xanh tạo lên một hệ sinh thái thực vật, tạo bóng mát và ngăn cách không gian trong khuôn viên phủ đệ với bên ngoài, kiến tạo không gian yên tĩnh và thanh bình cho nội phủ, tránh xa những xô bồ, ồn ào bên ngoài phủ. Không gian đường giao thông chính giữ vai trò là cầu nối giữa khuôn viên nội phủ với không gian bên ngoài (Hình 1).
Với tổng diện tích khuôn viên hạn chế khoảng 1.919 m2, phủ Tuy Lý Vương được xử lý không gian thông qua thủ pháp nghệ thuật so sánh và phân tầng cảnh quan, giúp mở rộng không gian khuôn viên phủ đệ cả về chiều rộng và chiều cao, tránh xa sự nhàm chán và đơn điệu trong không gian cảnh quan. Thủ pháp nghệ thuật so sánh được áp dụng trong bố cục cảnh quan, mật độ các hạng mục công trình tập trung vào trục trung tâm bắc – nam tạo nên sự đối lập với không gian vườn cây bao bọc bên ngoài trên tổng thể bố cục của phủ Tuy Lý Vương. Ngoài ra, không gian thoáng đãng của hai khu sân chính cũng được so sánh đối lập với không gian râm mát của khu vườn cây trong nội phủ. Thủ pháp nghệ thuật phân tầng cảnh quan được áp dụng dựa vào độ cao không gian, phân chia thành 3 tầng cảnh quan, bao gồm tầng cảnh quan nền, tầng cảnh quan giữa và tầng cảnh quan gần. Tầng cảnh quan nền bố trí trồng cây thân gỗ cao to. Tầng cảnh quan giữa bố trí các hạng mục kiến trúc và trồng cây bụi. Tầng cảnh quan gần bố trí tiểu cảnh nhỏ và hoa bụi sát mặt đất (Hình 2).
3.3 Nghệ thuật trang trí kiến trúc
Kiến trúc là hạng mục không thể thiếu trong sân vườn cảnh quan. Bên cạnh giá trị công năng, kiến trúc còn mang giá trị thẩm mỹ đặc trưng cho mỗi công trình. Điểm nổi bật của kiến trúc phủ Tuy Lý Vương là hai căn nhà từ đường, cổng tam quan và hai bức bình phong. Đây là đặc trưng nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn còn lưu giữ cho tới ngày nay.
3.3.1 Nghệ thuật kiến trúc nhà từ đường Phủ Tuy Lý Vương xây dựng hai nhà từ đường, bao gồm ngôi từ đường một gian hai chái cao 5,8 m, diện tích 118 m2, thờ phụng mẫu thân ngài Tuy Lý Vương (Hình 3) và ngôi từ đường ba gian hai chái cao 6 m, diện tích 183 m2, thờ phụng ngài Tuy Lý Vương (Hình 4). Nhà từ đường được xây dựng bằng gạch, sử dụng kết cấu “trùng thiềm điệp ốc” chủ đạo nóc sau nhà cao hơn nóc trước nhà, mái lợp ngói liệt. Kết cấu đặc trưng phần mái nhà thể hiện rõ nét sự thích nghi của kiến trúc với điều kiện khí hậu nhiệu đới gió mùa nóng ẩm của địa phương, giảm thiểu nhiệt độ trong nhà bằng cách mở rộng hệ thống mái, sử dụng vật liệu ngói liệt cách nhiệt. Ngoài ra, hệ thống cánh cửa bản khoa nhiều cánh, thiết kế nhiều khe cửa có chức năng thông gió và giảm thiểu ánh nắng chiếu trực tiếp vào trong nhà. Phần nóc nhà được trang trí những mô típ trang trí thảo mộc cách điệu thành rồng xen kẽ với mô típ kỷ hà, kết hợp với kỹ thuật khảm sành sứ tạo nên nét độc đáo riêng cho công trình kiến trúc phủ Tuy Lý Vương.
Trong bố cục mặt bằng của nhà từ đường, gian chính giữa được bố trí làm gian thờ, thờ phụng Trời, Phật và các bậc tổ tiên, đây là truyền thống tốt đẹp được lưu truyền trong suy nghĩ và hành động của mỗi con cháu trong phủ. Ngài Tuy Lý hết sức chăm nom và phụng dưỡng mẹ già, là tấm gương sáng về đức hiếu hạnh trong hoàng tộc và dân chúng, được người đời ngưỡng mộ, kính phục và tôn xưng ông là “ông Hoàng hiếu” để ca ngợi tấm lòng hiếu nghĩa của một người con thân mang vương tước như ông (Trần Văn Dũng, 2018). Ngoài ra, trong phủ còn lưu giữ được những di sản có giá trị như các lỗ bộ (gươm, chùy, kiếm, kích…), các án thờ, khám thờ được sơn son thếp vàng chạm khắc tinh xảo, với các đồ án tứ linh, bát bửu được bày biện trong nội điện gian thờ từ đường (Hình 5). Đặc biệt đáng kể đến là hệ thống di sản Hán Nôm. Ngoài 150 bản mộc là tác phẩm thơ văn của ngài, trong phủ còn lưu giữ khá nhiều văn bản chữ Hán, chữ Nôm được thể hiện trên các hệ thống hoành phi, đối liễn và 12 bức trướng bên trong gian thờ ngài Tuy Lý Vương. Tất cả đều có nội dung ca ngợi công đức, tài năng và sự thể hiện tình cảm của các thế hệ con cháu đối với ông (Nguyễn Văn Cương, 2019).
3.3.2 Nghệ thuật kiến trúc cổng tam quan
Cổng tam quan được xây dựng tại vị trí chính nam khuôn viên phủ, cao 7 m, rộng 8,3 m, xây bằng gạch. Trên cổng tam quan thiết kế ba cửa ra vào dạng vòm, hai cánh cửa bản khoa bằng gỗ. Cửa chính giữa cao 2,7 m, rộng 1,7 m. hai cửa hai bên cao 2,4 m, rộng 1,3 m. Đỉnh cổng tam quan được trang trí hình mặt trời với những hoa văn dạng thảo mộc hóa rồng, tất cả đều đắp nổi bằng kỹ thuật khảm sành sứ, trên là hình bát bửu, tứ linh, tứ thời. Ngoài ra, trên cổng tam quan trang trí nhiều câu đối bằng chữ Hán, có ý nghĩa giới thiệu về phủ và ca ngợi công đức, tài năng của Tuy Lý Vương (Hình 6). Hàng chữ Hán ngang chính giữa cổng tam quan là “綏理王祠門”, phiên âm Hán Việt là “Tuy Lý Vương từ môn”, nghĩa là “Cổng nhà thờ Tuy Lý Vương”. Hàng chữ Hán ngang bên trái là “孝忠益茂” , phiên âm Hán Việt là “Hiếu trung ích mậu”, nghĩa là “Trung hiếu dồi dào”. Hàng chữ Hán ngang bên phải là “文質兼優”, phiên âm Hán Việt là “Văn chất kiêm ưu”, nghĩa là “Văn chất đều tốt”. Câu chữ Hán đối hai bên cổng tam quan là “大名垂宇宙- 遺像粛清高”, phiên âm Hán Việt là “Đại danh thùy vũ trụ – Di tượng túc thanh cao”, nghĩa là “Tên lớn vang danh trùm vũ trụ – Hình dáng trang trọng mà thanh cao”. Câu đối chữ Hán chính giữa cổng tam quan là “文擬魏曹植- 德企漢劉蒼”, phiên âm Hán Việt là “Văn nghĩ Ngụy Tào Thực – Đức xí Hán Lưu Thương”, nghĩa là “Văn theo bước Tào Thực đời Nguỵ- Đức đuổi kịp Lưu Thương đời Hán” (Nguyễn Văn Cương, 2019).
3.3.3 Nghệ thuật kiến trúc bình phong
Trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương xây dựng hai bức bình phong. Bức bình phong thứ nhất được đặt ở vị trí đầu tiên ngay sau cổng tam quan (Hình 1). Kích thước bức bình phong cao 2,4 m, rộng 7,1 m, phân thành 3 phần, phần trung tâm cao hơn hai bên một chút. Phía trên bức bình phong được trang trí hoa văn uốn lượn, mô típ bát bửu, chữ Hán, hình tượng Long Mã và Phụng Hoàng (Hình 7). Người xưa tin rằng, mô típ Phụng Hoàng biểu tượng cho hình tượng người phụ nữ, Long Mã là hóa thân của Kỳ Lân, là linh vật báo hiệu điềm lành, là biểu tượng của sự thông thái, trường thọ và hạnh phúc. Bức bình phong thứ hai được đặt trước nhà từ đường Tuy Lý Vương, với quy mô khiêm tốn hơn, cao 1,5 m, rộng 10,5 m, phân thành 3 phần, phần trung tâm cao hơn hơn bên. Chính giữa tấm bình phong được trang trí chữ Phúc và biểu tượng dải lụa (Hình 8). Bình phong trong khuôn viên phủ đệ bắt nguồn từ các yếu tố “triều”, “án” trong phong thủy, chức năng chủ yếu là gia tăng tính bền vững của khu đất ở, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi xâm nhập vào phủ đệ. Ngoài ra, bình phong còn thực hiện chức năng trang trí mỹ thuật, tạo nên nét đặc trưng trong kiến trúc phủ đệ tại Huế.
3.4 Cây xanh cảnh quan
Cây xanh là hạng mục cảnh quan chiếm diện tích lớn nhất trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương, được tuyển chọn từ những loại cây trồng bản địa, cây cho trái ngọt, hoa thơm và mang những giá trị văn hóa tinh thần nhất định. Hệ thống thực vật trong khuôn viên phủ rất phong phú, bao gồm cây thân gỗ, cây bụi, cây dây leo, cỏ thảm. Cây ăn quả là loại cây trồng chính, được phối hợp với những loại cây có giá trị cảnh quan thông qua hình thức phối kết trồng cây theo hàng, theo khóm, trồng cây trong chậu kiểng,… để đạt được giá trị trị thẩm mỹ và giá trị sử dụng cao nhất (Bảng 2).
Trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương còn trồng những loại cây mang giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam như cây mai, cây tùng tháp, cây trầu,…. Cây mai tượng trưng cho sự giàu sang phú quý, cây tùng tháp tượng trưng cho khí tiết và sự trường thọ, cây đu đủ và cây sung tượng trưng cho sự đầy đủ và sung túc của gia chủ. Cây trầu và cây cau tượng trưng cho tình cảm anh em keo sơn theo đúng tinh thần trong “sự tích trầu cau” của dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay. “Trước cau sau chuối” và “lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam” là hai quan điểm truyền thống trong nghề làm vườn, xây nhà, chọn vợ của người dân Việt Nam. Phân tích trên khía cạnh khoa học, hướng ngôi nhà thường chọn hướng Nam để đón gió Đông Nam mát mẻ vào mùa hè. Mặt khác, cây chuối phát triển thân lá mạnh tạo nên một tấm lá chắn phía sau ngôi nhà, ngăn cản gió lạnh từ hướng bắc và đông bắc khi mùa đông tới, bảo dưỡng bầu không khí ấm áp vào mùa đông cho ngôi nhà. Có thể kết luận rằng việc lựa chọn và phối kết các loài cây trồng trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương là dựa vào tính địa phương, tính dân tộc kết hợp với nguyên lý phong thủy, tạo nên một hệ thực vật phong phú trong khuôn viên phủ.
4. Thảo luận
Trong triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), dưới sự du nhập của luồng văn hóa phương Đông và phương Tây, nền văn hóa Việt Nam mang tính chất tổng hợp, vừa thể hiện đặc điểm dân tộc, vừa thể hiện những đặc điểm do ảnh hưởng của luồng văn hóa ngoại lai tác động vào. Nghệ thuật kiến tạo vườn cảnh Việt Nam cũng bị ảnh hưởng và mang những đặc trưng tiêu biểu của thời kỳ này, ngoài việc du nhập những thủ pháp nghệ thuật kiến tạo vườn cảnh của phương Đông và phương Tây, còn thể hiện những nét đặc trưng dân tộc của riêng mình. Nét đặc trưng dân tộc được thể hiện rõ nét trong việc chọn hướng nam là hướng chính của công trình, lựa chọn giống cây trồng bản địa, ứng dụng kỹ thuật khảm sành sứ truyền thống của địa phương và những mô típ nghệ thuật (thảo mộc, tứ linh, tứ thời,….) vào trong trí công trình kiến trúc. Giá trị đạo đức truyền thống cũng được thể hiện rõ nét trong việc bố trí gian thờ là gian chính giữa của các ngôi nhà, thể hiện sự hiếu thảo của con cháu với tổ tiên, trời phật và thần linh. Qua đó cũng thấy được sự ảnh hưởng của đạo Nho và đạo Phật tới nghệ thuật kiến tạo vườn cảnh Việt Nam. Sự ảnh hưởng của nền văn hóa nước Pháp được thể hiện khá rõ nét trong bố cục trục cảnh quan chính trong vườn cảnh Việt Nam và những đường nét hình học trong thiết kế.
Vườn tư gia Trung Quốc là nơi cư trú của tầng lớp quan lại, quý tộc, thương gia Trung Quốc thời xưa. Lấy ví dụ điển hình là vườn tư gia Giang Nam Trung Quốc, sử dụng bố cục nội tâm kiến tạo không gian khuôn viên nhà vườn, sử dụng đa dạng các thủ pháp nghệ thuật xử lý không gian tạo nên sự biến đổi và đa dạng không gian, thỏa mãn nhu cầu thưởng ngoạn cảnh quan của con người. Không gian công năng đa dạng, ngoài khu kiến trúc, đường giao thông chính, đường dạo phụ trong khuôn viên, còn phân chia thành nhiều khu nghỉ dưỡng, giải trí, tiệc tùng,….(Peng, 1986; Wang and Fan, 2010; Peng, 2016). Từ ví dụ điển hình chúng ta có thể nhận thấy rằng, phủ Tuy Lý Vương và vườn Trung Quốc đều sử dụng bố cục nội tâm trong thiết kế, đều coi trọng yếu tố biến hóa trong không gian vườn và thỏa mãn nhu cầu cư trú và thưởng ngoạn của con người. Phân tích kỹ thủ pháp nghệ thuật xử lý không gian chúng ta có thể nhận thấy, phủ Tuy Lý Vương chỉ sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh và phân tầng không gian, phân chia không gian công năng ít hơn, gồm 3 không gian chính là không gian tập trung chính giữa phủ, không gian vườn quả và không gian đường giao thông chính, các hoạt động khác như vui chơi thưởng ngoạn được sử dụng xen kẽ trong ba không gian chính này. Không gian công năng của vườn Trung Quốc được phân chia thành nhiều khu công năng hơn, bao gồm khu kiến trúc, khu nghỉ ngơi, khu giải trí, khu dã ngoại,…. thông qua việc sử dụng đa dạng các thủ pháp nghệ thuật xử lý không gian như nghệ thuật so sánh, nghệ thuật phân tầng cảnh quan, nghệ thuật ẩn và hiện trong cảnh quan, nghệ thuật ngắm nhìn và bị ngắm nhìn trong cảnh quan,…..(Bảng 3).
Bảng 3: So sánh nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương và vườn Trung Quốc
Nội dung so sánh | Vườn tư gia Giang Nam, Trung Quốc | Phủ Tuy Lý Vương |
Bố cục cảnh quan | Bố cục nội tâm | Bố cục nội tâm |
Không gian cảnh quan | Nghỉ ngơi cư trú, giải trí, dã ngoại, giao thông,… | Khu trung tâm, khu vườn quả, giao thông |
Thủ pháp nghệ thuật xử lý không gian | Đa dạng | So sánh, phân tầng cảnh quan |
Điển hình vườn cổ điển Pháp là vườn tư gia Vaux-le-Vicomte, được xây dựng vào năm 1657- 1661, thiết kế theo đuổi phong cách vĩ đại, bố cục cảnh quan rõ ràng (Grbić et al., 2016). Quy mô khuôn viên rộng lớn, đường giao thông và các hạng mục cảnh quan như hoa thảm, bậc thang, bồn cây,…đều có kích thước lớn. Bố cục vườn cảnh sử dụng trục cảnh quan chính có chiều dài khoảng 1.000 m và chiều rộng 200 m, bố cục đối xứng và ứng dụng quy tắc hình học trong các công trình kiến trúc, điêu khắc cây xanh và thảm hoa (Ou, 2009). Từ ví dụ điển hình chúng ta có thể nhận thấy rằng vườn Pháp theo đuổi phong cách vĩ đại, bố cục cảnh quan hoàn toàn sử dụng trục cảnh quan chính, bố cục đối xứng và ứng dụng hình học trong thiết kế. Trong khuôn viên phủ Tuy Lý Vương tuy rằng cũng sử dụng bố cục trục cảnh quan chính theo hướng bắc nam và phần nào đã ứng dụng hình học trong các thiết kế kiến trúc như bình phong, cổng tam quan, nhà từ đường,…nhưng không phải hoàn toàn ứng dụng như vườn Pháp, không sử dụng tác phẩm điêu khắc cây xanh hay thiết kế thảm hoa theo khối hình học, đa phần sử dụng hình dáng tự nhiên của thực vật để trang trí cảnh quan.
Bảng 4: So sánh nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương và vườn Pháp
Vườn Vaux-le-Vicomte, Pháp | Phủ Tuy Lý Vương |
– Theo đuổi phong cách thiết kế vĩ đại, hoàn toàn sử dụng bố cục trục cảnh quan chính và vận dụng hình học trong thiết kế, bố cục đối xứng. – Ứng dụng thiết kế thảm thực vật, thảm hoa theo quy tắc hình học. | – Sử dụng bố cục trục cảnh quan chính, nhưng không hoàn toàn ứng dụng hình học trong thiết kế. – Không sử dụng cây xanh cắt tỉa tạo khối, ưa thích sử dụng hình dạng tự nhiên của thực vật. |
5. Kết luận
Nghệ thuật kiến tạo cảnh quan là lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến nghiều ngành khoa học. Nghiên cứu này đã dựa trên nền tảng điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội của địa phương tiến hành phân tích nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương trên bốn phương diện chính là bố cục cảnh quan, thủ pháp xử lý không gian cảnh quan, kiến trúc cảnh quan và cây xanh cảnh quan.
Nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương thể hiện rõ nét tính đặc trưng dân tộc, đặc trưng văn hóa xã hội của triều đại nhà Nguyễn và thích nghi với điều kiện tự nhiên của địa phương. Khuôn viên phủ Tuy Lý Vương sử dụng bố cục cảnh quan hướng nội, toàn bộ hạng mục công trình kiến trúc bao gồm cổng tam quan, bình phong, nhà từ đường được xây dựng trên trục cảnh quan chính theo hướng bắc nam, tạo nên không gian tập trung ở chính giữa khuôn viên phủ. Không gian bên ngoài được bao bọc bởi hệ thống cây xanh của vườn quả, tạo nên không gian khép kín, tách biệt nội phủ với không gian ồn ào bên ngoài. Thủ pháp xử lý không gian cảnh quan được sử dụng là thủ pháp so sánh và phân tầng cảnh quan theo chiều cao không gian. Thông qua sự khéo léo trong việc sử dụng các thủ pháp xử lý không gian đã làm cho không gian cảnh quan phủ Tuy Lý Vương mở rộng thêm cả về chiều rộng và chiều cao, tránh xa sự nhàm chán và đơn điệu. Kiến trúc nhà từ đường được xây dựng theo mô típ nhà một gian hai chái và ba gian hai chái, cấu trúc nhà đặc trưng của Huế lúc bây giờ, với hệ thống mái ngói và cánh cửa bản khoa giúp làm thông thoáng và mát mẻ không gian trong nhà. Nghệ thuật khảm sành sứ và trang trí theo các mô típ thảo mộc, tứ linh, tứ thời,…là đặc trưng văn hóa hoàng cung lúc bây giờ cũng được ứng dụng rộng rãi trong phủ đệ. Thực vật cảnh quan chú trọng sử dụng hệ thực vật bản địa, phong phú về chủng loại cây trồng và phương pháp phối kết cũng như ý nghĩa văn hóa riêng của các loài thực vật, tạo nên nét đặc trưng trong cảnh quan phủ đệ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thấy được sự ảnh hưởng của đạo Nho, đạo Phật và vườn Pháp trong nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương thông qua bố cục nội tâm, trục cảnh quan chính, nhà từ đường mẫu thân ngài Tuy Lý Vương và gian thờ phụng tổ tiên, trời phật trong kết cấu nhà từ đường.
*Ghi chú: hình ảnh, bản vẽ và số liệu điều tra do nhóm nghiên cứu thu thập và xử lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Chen, Z.H., 2013. Foreign gardening art, 2nd Edition. Henan science and technology. China, 378 pages (in Chinese).
Luo, Y.Y., Chen, H.W. and Qiao, L.F., 2010. Introduction to garden art. Chemical industry. China, 225 pages (in Chinese).
Grbić, M., Čučaković, A., Jović, B. and Tripković, M., 2016. Garden cultural heritage spatial functionalities: The case of anamorphosis abscondita at Vaux-le-Vicomte. Journal of Cultural Heritage, 18: 366-369.
Michel, Đ.C., 2016. Hồi ức về kinh thành Huế. Nhà xuất bản Hà Nội, 354 trang.
Nguyễn Văn Cương, 2019. Hoành phi và câu đối tại phủ Tuy Lý Vương, truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2020.
http://www.vanhoahoc.edu.vn/nghiencuu/van-hoa-hoc-ung-dung/van-hoa-giaotiep/3783-nguyen-van-cuong-di-san-van-hoahan-nom-tai-phu-tuy-ly-vuong-phuong-vy-dathanh-pho-hue.html.
Nguyễn Hữu Thông, 2008. Nhà vườn xứ Huế. Nhà xuất bản Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 227 trang.
Nguyen N.A., 2013. Research on the artistic characteristics of the royal gardens in Hue, Vietnam. Ph.D. thesis. South China University of Technology.
Ou, Y., 2009. Analysis of French garden art in the 17th century. Shanxi architecture. 35(12): 352- 354 (in Chinese).
Peng, L., 2016. Interpretation of the art of composition of Jiangnan private gardens from the perspective of landscape painting. Huazhong construction. 34(08): 182-186. (in Chinese)
Peng, Y.G., 1986. Analysis of Chinese classical gardens. China construction industry. China, 106 pages (in Chinese).
Phạm Hoàng Hộ, 1999. Cây cỏ Việt Nam. Nhà xuất bản trẻ. Thành phố Hồ Chí Minh, 1022 trang.
Phan Thuận An, 2017. Kinh thành Huế. Nhà xuất bản Hội nhà văn. Hà Nội, 343 trang.
Pham, T.B.P, Chen, Z.Y., Xiao, Q.Z., 2019.
Cooperative expression of gardens and regional environment in Hue, Vietnam. Green technology. (21):1-3. (in Chinese)
Phan Thanh Hải, 2013. Vườn cung đình Việt NamLịch sử, hiện trạng và vấn đề nghiên cứu, phục hồi, truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2020. Địa chỉ
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoaviet-nam/van-hoa-ung-xu-voi-moi-truong-tunhien/2436-phan-thanh-hai-vuon-cung-dinh-vietnam-lich-su-hien-trang-va-van-de-nghien-cuuphuc-hoi.html.
Trần Văn Dũng, 2018. Gia phong xứ Huế từ góc nhìn di sản phủ đệ. Tạp chí Khoa học Đại học Huế. 127: 55-64.
Wang, L.L. and Fan, G. T., 2010. The enlightenment of Jiangnan private garden art to the landscape construction of modern residential area. Engineering and construction. 24(01): 19-21 (in Chinese).
Zhou, X.P., 2014. History of Chinese and foreign gardens. China building materials industry. China, 436 pages (in Chinese).
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6C (2020): 271-279
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Quý độc giả xem file PDF đính kèm bên dưới.
Download file (PDF): Nghệ thuật kiến tạo cảnh quan phủ Tuy Lý Vương, Thừa Thiên Huế, Việt Nam (Tác giả: Phạm Thị Bích Phương; Chen Zhongyi) |