Nghệ thuật trang trí trên áo long cổn trong lễ tế Nam giao của Vua triều Nguyễn

Tác giả bài viết: VŨ HUYỀN TRANG

 ​​​​​​​     Áo Long Cổn là tên một loại trang phục của vua triều Nguyễn. Trang phục được sử dụng trong quá trình làm lễ tế trời đất, cầu cuộc sống no đủ, mưa thuận gió hòa cho muôn dân ở đàn Nam Giao, địa phận xã Dương Xuân, phía Nam kinh thành Huế. Các hoa văn, hình tượng, màu sắc, chất liệu của trang phục được khoác lên người vua Nguyễn, đứng giữa không gian bao la của trời đất, đàn tế đã đem lại giá trị văn hóa, tinh thần, nghệ thuật vô cùng to lớn. Đó là sức mạnh uy quyền của một người đứng đầu thiên hạ, một bậc thiên tử, chí tôn. Đồng thời cũng đánh dấu giá trị thẩm mỹ của triều đại nhà Nguyễn trong tiến trình lịch sử phát triển trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam.

Lễ tế giao

     Nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử cho đến TK IX, thời kỳ độc lập dân tộc, các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đã chú trọng đến việc phát triển nền mỹ thuật riêng biệt phục vụ cho nhu cầu đời sống cung đình. Đặc biệt, dưới thời kỳ nhà Nguyễn, nghệ thuật trang trí cung đình được đề cao rõ rệt. Từ các công trình kiến trúc đến các vật dụng cá nhân, trang phục đều được quy định theo phẩm trật, giai cấp, đánh dấu một thời đại y phục xứng kỳ đức với người đứng đầu là vua Nguyễn. Nhà Nguyễn chú trọng đến các lễ nghi, lễ tiết, tế tự. Bộ sử của triều Nguyễn là Đại Nam hội sử lệ ghi lại các quy định rất cụ thể của các lễ quan trọng của triều Nguyễn. Tiêu biểu trong các lễ tế tự, hưởng lớn có lễ tế trời đất tại đàn Nam Giao hay gọi còn gọi là lễ tế giao.

     Lễ tế giao có nguồn gốc từ thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu) của Trung Quốc, với ý nghĩa là trả ơn sinh thành của trời đất. Ở Việt Nam, lễ tế giao xuất hiện từ thời nhà Lý, đàn tế được lập ở Thọ Xương, phía Nam Thăng Long, đến thời kỳ nhà Nguyễn vẫn duy trì tục tế lễ này. Lễ tế giao là một trong những lễ đại tự quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn, thường tổ chức vào đầu năm, có vua dự lễ. Vua Gia Long sau khi lên ngôi, năm thứ nhất đã mở đàn tế cáo trời đất, bố cáo thiên hạ, khẳng định vị thế của triều đình Nguyễn. “Gia Long năm thứ nhất, tháng 5 đặt đàn ở địa phận xã An Ninh, hợp tự cả trời đất, đem việc đặt niên hiệu kính cáo. Lấy vũ công cáo thành, tế cáo trời đất” (1). Năm 1806, đàn Nam Giao được chuyển về địa phận xã An Cựu, thuộc phía Nam kinh thành Huế, nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế.

     Đàn Nam Giao là nơi linh thiêng, nơi cầu đón khí hòa, cầu được mùa. Đàn gồm 3 tầng, tượng trưng cho thiên, địa, nhân. Tầng trên cùng hình tròn, tượng trưng cho mặt trời (thiên) gọi là Viên Đàn; tầng thứ hai hình vuông, tượng trưng cho mặt đất (địa) gọi là Phương Đàn; tầng thứ ba là tầng trệt, hình vuông nơi mọi người tập trung làm các lễ nghi chính trong buổi lễ. Xung quanh đàn gồm một số công trình phụ như Trai Cung, Thần Trù, Thần Khố…

     Theo quan niệm của người xưa, vua tượng trưng cho bậc thiên tử, chỉ có vua mới có quyền cúng tế trời đất, cầu cuộc sống no đủ, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Trang phục lễ tế giao là trang phục mặc theo quy định của quốc gia. Triều Nguyễn quy định về áo tế giao rất nghiêm ngặt, vì đây là một lễ lớn và loại trang phục riêng dùng trong việc tế lễ. Vua mặc áo Long Cổn, màu xanh thiên thanh, trên áo có thêu các hoa văn họa tiết. “Áo cổn bằng sa mỏng bóng toàn sợi tơ nhuộm màu thiên thanh, thêu mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, núi, rồng, chim trĩ, dải rủ xuống thì thêu rồng mây, hoặc dùng sa mỏng trắng bóng toàn sợi tơ màu tuyết trắng. Cửa tay áo thêu rồng mây. Cổ áo bằng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu quan lục, thêu chữ á, trong lót lụa sắc trắng. Dải thêu rồng mây, thủy ba” (2).

Tạo hình áo Long Cổn

     Trang phục Long Cổn gồm áo Long Cổn, thường (xiêm), tế tất, đại thụ. Thường hay còn gọi là xiêm, là mảnh vải như váy quấn phần thân dưới để che chân. Xiêm được sử dụng bằng chất liệu sa mỏng, màu vàng, trên có thêu rau tảo, lửa, bột gạo. Thường được trang trí bằng các hoa văn tảo, hỏa, phấn mễ, phủ, phất, tông di, các cổ đồ, bát bảo, liên đằng, hồi văn, sóng nước.

     Tế tất còn được gọi là cái phủ, là một mảnh hình chữ nhật dài, được cuốn quanh eo, phủ dài xuống chân. Trên phủ thêu cổ đồ, bát bảo, dây leo, hồi văn, thủy ba… Tế tất được làm bằng gấm hạng nhất. Tế tất gồm đồ án sơn, long (rồng bay lên, rồng giáng xuống).

     Ngoài ra còn có đại thụ là tấm phủ sau gồm các hoa văn hình long, sơn, sóng nước được vua Khải Định đưa ra đằng trước thay cho tế tất. Đại thụ là một mảnh vải hình chữ nhật giống như tế tất có tua rua ở gấu, được phủ dài phía dưới thân sau của trang phục tế lễ. Tuy nhiên trong một số hình ảnh trang phục tế lễ của vua Khải Định lại đưa nó về phía trước.

     Theo như chiếc áo mang mã số kiểm kê BTH06/ĐD05 của bảo tàng cổ vật cung đình Huế, áo được công nhận là bảo vật quốc gia, áo tế giao có kích thước chiều dài tính từ cổ áo xuống gấu áo là 118,5cm, tay áo dài 100cm, cổ tay áo rộng 64cm, nơi rộng nhất là 69cm. Vai áo dài 54cm, tà áo rộng 98cm. Áo chia làm hai vạt trước và sau, tay áo dài hơn vạt áo. Áo được làm bằng vải sa mỏng màu xanh lam thẫm, không có lớp lót bên trong, chân cổ nằm, nẹp lớn. Áo gồm 6 chương tượng trưng cho 6 họa tiết trên trang phục, các đồ án hoa văn nhật nguyệt, tinh thìn (vì tinh tú bên cạnh nhật nguyệt), sơn, long, hoa trùng (chim phượng hoàng).

     Khác với những áo Long Bào, Hoàng Bào được trang trí chủ yếu bởi hình tượng rồng, hoa văn vân mây, tam sơn thủy ba, áo Long Cổn được làm cầu kỳ, nhiều hình tượng, hoa văn phong phú hơn, kết hợp với nhiều loại phụ kiện đi kèm hơn.

Nghệ thuật trang trí trên áo Long Cổn

     Hoa văn trang trí trên áo tế Nam Giao của vua thời Nguyễn được phân bố dàn trải trên trang phục, dày đặc ở tay áo, tấm phủ thân áo, kết hợp với phụ kiện, có phần choáng ngợp, linh thiêng. Hình thức trang trí chủ yếu sử dụng là thêu bọc nét trên vải sa trơn. Áo được trang trí cả hai mặt trước và sau.

     Bố cục trang trí trên áo có dạng thức đăng đối qua trục dọc của cơ thể người mặc (chiều dài của thân áo). Nếu các áo lễ đại triều, thường triều được trang trí hoa văn trước, sau giống nhau thì áo tế lễ Nam Giao lại được trang trí thân trước, sau khác nhau. Áo vua Nguyễn vẫn có đặc điểm chung là được thêu rất nhiều hình tượng rồng, trong đó có năm con rồng đóng vai trò hoa văn chính, 8 con rồng nhỏ đóng vai trò là môtip trang trí cửa tay áo. Hình tượng rồng được đặt ở vị trí trung tâm của thân áo phía trước, phần ngực áo, đó cũng là nơi trang nghiêm nhất, rồng có hướng bay lên. Tay áo gồm bốn con, hai con trước, hai con sau, rồng có hướng bay ra phía cửa tay áo.

     Rồng trong tiềm thức người Việt, là một hình tượng cao quý, gắn với ý nghĩa biểu tượng cho sự no đủ, sung túc, đem lại mưa thuận gió hòa. Bên cạnh đó là việc ảnh hưởng, tiếp thu tư tưởng văn hóa của nền văn minh Trung Hoa một cách hữu thức về quan điểm đế vương. Hình tượng rồng từ lâu đã là biểu tượng của vua, chỉ vua mới được sử dụng rồng 5 móng. Hình tượng rồng trên áo tế giao có hai loại bố cục là dạng ổ và nghiêng ba phần tư.

     Bố cục thứ nhất, hình tượng rồng ngũ sắc 5 móng được đặt ở phía thân trước, phần ngực áo, rồng được bố cục uốn lượn theo hướng bay lên, đầu quay theo kiểu chính diện. Rồng nằm ở vị trí trung tâm của đồ án tạo sự chú ý cho người nhìn. Đồ án rồng được đặt cân đối dọc thân áo, dạng đồ án viên long (rồng cuộn mình theo dạng ổ), trong đó đầu rồng ở giữa ngực áo, đầu, đuôi được sắp đặt thẳng nhau. Các chân chĩa ra bốn hướng. Đầu rồng được thể hiện khá kỹ lưỡng, đường nét mềm mại nhưng vẫn tạo sự uy vũ. Mắt rồng mở to, con ngươi đen to nên tạo cảm giác hiền hòa, lông mày là các tia lửa nhưng trông rất mềm mại. Sừng của rồng đã được cách điệu theo đường cong như hình sừng nai, tuy chĩa ra hai bên nhưng đầu sừng có hướng uốn tụ vào trong theo bố cục hình ổ. Về tỉ lệ, hình tượng rồng trên áo tế giao không to như con rồng trên áo đại triều, thường triều.

     Bố cục thứ hai, những con rồng ở tay áo đều có dạng thức bay ra phía cửa tay. Bốn chân cũng hướng ra bốn phía. Rồng được thể hiện theo lối nhìn nghiêng, đầu rồng hướng ra ở góc ba phần tư. Tỉ lệ rồng ở tay áo to hơn so với rồng ở trung tâm. Hình tượng rồng với tư thế đạp mây bay lên trời, đầu ngẩng cao, miệng há to thể hiện uy vũ, quyền năng. Thân rồng không lộ diện hoàn toàn mà từng khúc trong đám mây vần vũ. Cách làm này đem lại chiều sâu về không gian cho các mảng họa tiết trang trí. Đề tài trang trí rồng mây từ các thời đều đã có nhưng mỗi thời đều đem lại dấu ấn riêng, đặc biệt là hình tượng con rồng ẩn mây ngũ sắc dưới thời Nguyễn. Ở thân sau, phần thân, vai áo thêu nhật nguyệt. Hình mặt trời được thêu bên vai trái. Hình mặt trăng được thêu bên vai phải. Khoảng giữa hai vầng nhật nguyệt là năm hình tròn viền mây được thêu nổi kết với nhau tạo thành một đường thẳng. Ở vị trí trung tâm là hình tam sơn. Trên hai cánh tay áo, dưới hình tượng rồng, là đôi chim phượng hoàng, hoa trùng. Cửa tay áo được thêu nổi bốn hình rồng đuổi với kích thước nhỏ.

     Có thể thấy các nghệ nhân thêu thời xưa đã tỉ mỉ trau chuốt trong cách sắp đặt các hoa văn trước sau áo lễ tạo nên sự thống nhất trong cách biểu hiện chủ đề trang trí, nội dung của trang phục, phù hợp với ý nghĩa của một lễ tế trời đất. Đó chính là quan niệm của một nhà nước lấy Nho giáo để cai trị đất nước với biểu tượng cao quý nhất là trời. Áo cổn được trang trí theo quy luật thiên – địa – nhân, lối biểu hiện thẩm mỹ mang tính hình tượng cao, kết nối khoảng không gian trên áo lễ, một khoảng không gian mang đầy ý nghĩa nhân sinh quan, với biểu tượng chính là hình tượng rồng. Người xưa đã xây dựng một bố cục trang trí vô cùng ấn tượng tạo ra ba tầng không gian. Tầng thiên là tầng trời nơi chứa đựng đồ án trang trí nhật nguyệt, tinh thìn. Tương ứng với ý nghĩa đó, vị trí đặt đồ án trang trí hình nhật, nguyệt được chọn ở hai bên vai trái, phải (phần cao nhất của trang phục), cũng là quyền lực của người đứng đầu thiên hạ (hoàng đế). Song song với hoa văn hình rồng phía trước, phía sau của tay là hình tượng con chim phượng (trống) bên trái, con chim hoàng (mái) bên phải đang đứng trên mỏm núi, đầu hướng lên trời. Đây cũng chính là tầng thứ ba, tầng địa. Hai con chim được đặt ở hai bên theo nguyên tắc âm dương đối đãi. Đặc biệt, phần lưng áo được trang trí nhiều môtip hồi văn như tam sơn (ba ngọn núi)mặt trời, mặt trăng, các tinh tú tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).

      Màu sắc trên áo tế giao cũng mang những đặc trưng rõ rệt của triều Nguyễn. Đa phần trang phục lễ của triều đình Nguyễn đều sử dụng năm màu, hai màu xanh lục, màu vàng chính sắc. Trong đó màu xanh lam thẫm là màu nền của bộ trang phục, màu vàng chính sắc được dùng để trang trí trên trang phục. Đây là hai màu tương phản trong hệ thống màu cơ bản, nhờ tính tương phản này mà bộ trang phục tuy trầm hùng mà lại sáng lên nhờ những hoa văn được thêu bằng chỉ vàng chính sắc. Ngoài ra, trên trang phục còn điểm thêm màu đỏ, màu vàng nhạt của đồ án trang trí hình mặt trời; màu cam đất, tím, xanh lục của môtip hoa văn vân mây; vàng thuần sắc, màu xanh lục nhạt của đồ án trang trí hình mặt trăng; màu trắng của những hạt ngọc điểm trên thân rồng; các bộ màu tím, vàng nhạt, xanh lục nhạt, đỏ thẫm, nâu và vàng thuần sắc của đồ án hình chim phượng, chim hoàng; vàng, đỏ, xanh lục nhạt của đồ án trang trí tam sơn…

     Chất liệu sa trơn dệt mỏng được sử dụng là chất liệu chính của áo Long Cổn, bên trong là áo lụa, kết hợp với màu sắc của chỉ thêu, sự lấp lánh của hạt sa điểm trên áo đã tạo nên một giá trị thẩm mỹ vô cùng to lớn. Thêu trên nền vải từ trước đến giờ vẫn được coi là một nghề lao động nghệ thuật khó, mà thêu trên vải sa trơn, một loại vải lụa dệt thưa lại càng khó. Phải là những nghệ nhân có tay nghề cao mới có thể thực hiện được.

Biểu tượng, ý nghĩa trong tạo hình trang trí trên áo tế Nam Giao

     Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, chịu ảnh hưởng của giáo lý, triết học phương Đông, với quan niệm mọi sự sáng tạo đều sản sinh từ hai thái cực âm, dương, nhà Nguyễn ngoài kế thừa những tư tưởng thẩm mỹ các triều đại trước đó, kết hợp với quan điểm lấy Nho giáo làm tôn chỉ xây dựng đất nước đã tạo nên một không gian nghệ thuật cung đình với ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

     Hình tượng hoa văn gắn với Nho giáo tập trung chủ yếu về nguyên lý âm dương, ngũ hành. Những hoa văn tiêu biểu như mặt trăng, mặt trời, tam sơn, thủy ba, rồng, phượng hoàng… để khẳng định địa vị, quyền lực của người được mặc, đó chính là người đứng đầu cả nước, là con của thiên tử. Đó là biểu tượng của việc cầu mong cho một đất nước phồn thịnh. Các chỉ màu như xanh lam thẫm, vàng, trắng, đỏ, xanh lục nhạt tương ứng với các hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Vua Nguyễn mặc chiếc áo trong một không gian trời đất và đàn tế đã tạo nên một chất linh thiêng, huyền bí.

     Khảo cứu nghệ thuật trang trí trên áo Long Cổn của vua triều Nguyễn thông qua các yếu tố tạo hình, phân tích hình tượng trang trí cho ta thấy được giá trị văn hóa, thẩm mỹ của một triều đại hòa trong tiến trình phát triển các triều đại phong kiến Việt Nam. Cũng như cách ứng xử của triều đại nhà Nguyễn trước thiên nhiên, trời đất, tinh thần… Đồng thời, thông qua biểu hiện nghệ thuật trang trí trên áo tế giao của vua Nguyễn đã phản ảnh sức mạnh, uy quyền của một triều đại đương vị. Người xưa rất khéo léo đưa vào trang phục những giá trị nghệ thuật mang tính chất đạo lý, triết lý trong văn hóa phương Đông, cũng như khẳng định vị thế của người mặc trong xã hội phong kiến.

__________
     1, 2. Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Viện Sử học dịch, tập 7, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.358, 187.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Trích dẫn bài viết từ: http://vanhoanghethuat.vn/

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)