Nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long

Tác giả bài viết: TRẦN DIỄM THÙY
(Trường Đại học An Giang)

TÓM TẮT

     Nghi lễ tống ôn – tống gió được người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của các cộng đồng cư dân gắn bó với kênh rạch và sông nước. Bài viết nhằm tìm hiểu nghi lễ này ở các khía cạnh: nguồn gốc, hành động lễ, ý nghĩa và giá trị văn hóa; kết hợp với việc liên hệ và so sánh những nghi lễ tương tự của các cộng đồng người Việt ở miền Trung, góp phần chứng minh sự gắn bó, xuyên suốt của văn hóa Việt Nam. Với những giá trị mà nghi lễ mang lại cho cộng đồng người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt và khẳng định được sức sống của lễ hội truyền thống trong sự phát triển của xã hội.

Từ khóa: Nghi lễ, tống ôn – tống gió, văn hóa, Đồng bằng sông Cửu Long.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Từ hồn – vía đến sự ngưỡng vọng quỷ thần là một đặc trưng trong tín ngưỡng của người Việt, thể hiện một thế giới quan sinh động để từ đây hình thành những nghi thức cúng tế có giá trị riêng biệt. Thông qua các hình thái tín ngưỡng, người Việt vừa bộc lộ sự kính sợ, nhưng cũng vừa thể hiện tín lý nhân văn sâu sắc đối với quan niệm hồn – vía có từ ngàn xưa, được họ mang theo trong quá trình Nam tiến. Nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được họ định hình bằng tư duy linh hoạt, mềm dẻo và dung hòa văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng gắn bó với kênh rạch, sông nước; đồng thời thông qua nghi lễ, họ cầu mong sự bình an cho cả người sống lẫn những người đã mất. Nghi lễ tống ôn – tống gió ngày nay có những biến đổi thông qua sự tác động của không gian và thời gian văn hóa, nhưng việc giữ gìn và bảo tồn lễ hội dân gian trong đời sống văn hóa (như là một bản sắc riêng biệt của cộng đồng cư dân sông nước ở ĐBSCL) liệu có còn được bảo vệ và phát huy hợp lý.

2. Nghi lễ tống ôn – tống gió

     2.1. Một số khái niệm liên quan đến nghi lễ tống ôn – tống gió

     Nghi lễ là một phần trong lễ hội, thể hiện được thế giới quan, nhân sinh quan của một cộng đồng dân cư, bao gồm những nghi thức được bảo tồn bởi chủ thể văn hóa của một vùng và được thực hiện nhằm đảm bảo những chức năng nhất định cho chủ thể văn hóa. Tống ôn – tống gió là một nghi lễ dành cho những vong linh, những cô hồn – những người chết không rõ danh tính và không được người thân thờ tự. Theo quan niệm của người Việt ở ĐBSCL, những vong hồn vô thừa nhận thường mang theo những điều không may mắn và luôn quấy phá cuộc sống nên cần có những nghi lễ mang tính chất tống tiễn.

     “Tống” là xua đuổi, tiễn đi. “Ôn” theo quan niệm dân gian ở vùng Nam Bộ mang nghĩa ôn dịch, bệnh tật hay việc không may mắn trong cuộc sống – những điều này thường xuất phát từ những vong hồn đơn độc, không được cúng kiếng hoặc do chết không rõ nguyên nhân hoặc chết bất đắc kỳ tử. Như vậy, tống ôn là tống tiễn, xua đuổi đi những điều không may mắn cho con người từ những vong hồn cô độc.

     Cùng là nghi thức dành cho những cô hồn nhưng ở những vùng khác nhau thì có tên gọi khác nhau. Ở vùng ven biển Đà Nẵng gọi là “tống cói hạ kỳ” hoặc “tống ôn đưa khách” – cói là cách nói trại của người dân đi biển về những điều không may mắn, nghĩa của nó là đưa khách: tống tiễn những cô hồn/Cô Bác chết trên vùng biển này để bước vào mùa đánh bắt mới; Người dân ở huyện đảo Lý Sơn gọi là tống ôn dịch; (*) thì ở Bình Định lại gọi là lễ tống na… Những lễ tế người chết trên sông, trên biển khi đi khai hoang được gọi là “thủy đạo trường sa”, những người chết trong quá trình khai hoang – những cô hồn bị phiêu tán thì cúng “xiêu mồ lạc mả”… Mỗi tên gọi đều phản ánh quan niệm về thế giới tâm linh của từng nhóm cộng đồng, song đều xoay quanh một ước vọng được bình an, xua đi những điều không may mắn và cũng chính tên gọi phản ảnh được cách ứng xử với môi trường tự nhiên đối với không gian mà người dân đang sinh sống.

     Nghi lễ tống ôn của người Việt ở ĐBSCL thường được gọi là nghi lễ tống ôn – tống gió/tống phong. Thời gian diễn ra nghi lễ này không thống nhất tại các tỉnh, thành thuộc ĐBSCL nhưng phổ biến nhất là từ rằm tháng Giêng đến tháng Ba Âm lịch hoặc từ tháng Năm đến tháng Bảy Âm lịch. Có sự trùng hợp là khoảng thời gian diễn ra lễ tống ôn – tống gió lại là lúc thời tiết bắt đầu chuyển gió theo mùa ở ĐBSCL. Song song đó, trong tri thức dân gian của người Việt ở ĐBSCL lại có bệnh “trúng gió” do mắc phải những luồng gió độc. Có lẽ từ những tri thức dân gian trên mà người Việt ở Nam Bộ gộp việc tống ôn và tống những luồng gió độc lại trong một nghi lễ gọi chung là tống ôn – tống gió.

     Các thực hành tín ngưỡng được hình thành dựa vào sự nhận thức của con người đối với thế giới tự nhiên và thực hiện chức năng cụ thể nhằm đảm bảo mong muốn cơ bản nhất của cộng đồng cư dân: sự bình an. Chúng thể hiện cách con người cảm nhận và ứng xử với thế giới ở xung quanh họ.

     2.2. Khái quát nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở ĐBSCL

     Tại ĐBSCL, nghi lễ tống ôn – tống gió hiện nay được giản lược và thường được gộp chung vào những dịp lễ hội như: cúng đình, cúng miễu, việc lề, nghinh Ông… Nghi lễ tống ôn – tống gió ở ĐBSCL không tồn tại một cách phổ biến như một chỉnh thể nguyên vẹn trong dòng chảy văn hóa, tuy nhiên, nó vẫn giữ được những thành tố quan trọng nhất để thực hiện các chức năng cụ thể trong cộng đồng làng xã. Tiêu biểu ở khu vực ĐBSCL có thể kể đến nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt tại Miễu Bà, ở Xóm Chài, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, nơi mà nghi lễ tống ôn – tống gió vẫn diễn ra như một hiện tượng văn hóa đơn nhất, đồng thời giữ được những nghi thức xa xưa, một ngày hội của cộng đồng cư dân sông nước.

     Lễ tống ôn – tống gió tại Miễu Bà xóm Chài thường được tổ chức vào ngày 12-14 tháng Giêng hàng năm, địa điểm chính của nghi lễ được diễn ra tại Miễu Bà và trên dòng sông Hậu. Trước khi bắt đầu vào nghi lễ, người dân phải làm trước một chiếc thuyền lớn với khung sườn bằng nan tre, được dán giấy màu khắp thuyền. Thân của chiếc thuyền sau khi được trang trí thì có ghi trên đó biển số thuyền, ngày tháng năm tiến hành hạ thủy, nơi làm ra chiếc thuyền. Chiếc thuyền được trang hoàng lộng lẫy, trên thuyền còn có những hình người và quần áo bằng giấy, cả con thuyền được đặt trên một chiếc bè được kết lại từ những thân cây chuối. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị gạo, muối và các thức cúng khác để chuẩn bị chu đáo nhất cho nghi lễ.

     Ngày vào lễ, người dân đặt chiếc thuyền – được gọi là Long chu – trước miễu Bà. Sau khi tiến hành các nghi thức cúng bài, người dân sẽ đưa chiếc thuyền, nghi vật của nghi lễ tống ôn – tống gió, trên một chiếc ghe rồi diễu hành một đoạn trên sông. Đặc biệt, đối với nghi lễ tống ôn – tống gió của người dân thuộc khu vực 3, phường Hưng Phú còn có hiện tượng người dân trên các tàu cùng đi tóe nước vào nhau tạo thành một cảnh tượng vô cùng vui nhộn, náo nhiệt. Sau khi diễu hành, chiếc Long chu sẽ được người dân đưa ra ngã ba sông để thả, mang ý nghĩa tống những điều xui xẻo, không may mắn, những vong hồn cô độc sẽ theo chiếc thuyền ra biển khơi, không còn quấy phá người dân. Bởi ý nghĩa này, Long chu được chuẩn bị vô cùng khéo léo, kỳ công sao cho khi thả không bị chìm, bị vỡ và thuyền có thể theo con nước di chuyển thẳng ra biển. Theo quan niệm dân gian, nếu chiếc thuyền không trôi ra biển mà quanh quẩn hoặc gặp các sự cố thì đó là điềm không may mắn.

     Sau khi tiến hành nghi thức thả thuyền giấy, người dân trở về đất liền với tâm trạng phấn khởi. Tại nhà riêng, người dân thường gom lá khô ra trước sân nhà đốt, họ còn rắc vào đó một nắm muối tạo tiếng nổ rôm rốp. Tiếng nổ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và đống lửa trước cửa nhà chính là đốt đi những ôn khí, dịch bệnh. Hoạt động này được diễn ra ở khắp thôn xóm, tạo không khí cho một nghi lễ truyền thống trong cộng đồng.

     2.3. Ảnh hưởng không gian văn hóa đến sự hình thành nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở ĐBSCL

     Quá trình định cư của người Việt ở miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng gần như gắn liền với sự chỉ dẫn của thiên nhiên – cụ thể hơn là các con sông, con rạch. Những hiểm nguy từ không gian sống luôn rình rập cuộc sống của những cư dân khẩn hoang nên ở đâu có bất trắc nguy hiểm, ở đó có thờ cúng và thực hành nghi lễ.

     Tín niệm về linh hồn hay âm hồn của người Việt trong dân gian tin rằng những người khi chết đi không được tế tự, bị đói lạnh nên thường lang thang trên trần gian gieo rắc mầm mống tai họa – đây là đối tượng mà những người ở dương gian phải tìm cách giải trừ. Văn hóa người Việt khi vào đến Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng không ít từ văn hóa Nho giáo, Đạo giáo và cả Phật giáo. Nho giáo chủ trương quỷ thần “kính nhi viễn chi” – nên kính nhưng không nên tiếp xúc, Phật giáo chủ trương từ bi – tìm cách để những cô hồn được siêu thoát, Đạo giáo sử dụng phép thuật để chế ngự. Tất cả những điều này được tích hợp, dung hòa và thể hiện trong nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở Nam Bộ.

     Xuất phát điểm đầu tiên của nghi lễ tống ôn – tống gió có thể bắt nguồn từ tín lý về linh hồn và sự cúng bái quỷ thần của người Việt ở Bắc Bộ. Khi người Việt dừng chân ở đất Thuận – Quảng và mở rộng lãnh thổ cả vùng Nam Trung Bộ, do tiếp xúc với biển và sinh sống bằng nghề biển – nghề luôn gặp những bất trắc, nguy hiểm từ biển – đã hình thành một nghi lễ thờ cúng các vong linh, cô hồn giúp cho cộng đồng cư dân được an tâm sinh sống và nương nhờ vào biển. Ở vùng biển Trung Bộ của nước ta, nghi lễ tống ôn – tống gió được gọi bởi nhiều tên khác nhau như người viết đã trình bày ở phần 1, tuy ngày nay các nghi lễ này hầu như được diễn ra một cách quy cũ nhưng mỗi một nơi lại tích hợp thêm một số yếu tố văn hóa khác thông qua tác động của quá trình cộng cư.

     Ở Âm Linh Tự, huyện đảo Lý Sơn, đối tượng cử hành nghi lễ không chỉ có các vong hồn còn bao gồm những người đã từng tham gia hải đạo Trường Sa, cùng với tế âm linh là các nghi lễ khao lề thế lính, hiến tế cho mặt biển các hình nhân để mong cầu sự bình an. Ở vùng Nhật Lệ, Quảng Bình trong lễ tế âm linh còn có hội trải và lễ cầu siêu/lễ buông phao nhằm để cầu siêu cho những người chết trên biển. Lễ tống na ở Khánh Hòa có điểm đặc biệt là các lễ vật được đặt trên con thuyền nhỏ bằng nan, có buồm và được thả để chạy ra biển, đồng thời trong phần nghi lễ có hát bả trạo, sau cùng là hát bội còn gọi là hát đãi. Tùy vào nhân sinh quan và sự ảnh hưởng của tôn giáo, tín ngưỡng của vùng văn hóa đó đến cộng đồng cư trú mà hình thành những nghi thức tế lễ khác nhau, cho thấy được sự linh hoạt cũng như những giá trị nhân văn mà nghi thức tế âm hồn của mỗi địa phương đem lại. Chính vì thế, nghi lễ tống ôn – tống gió của cộng đồng người Việt ở ĐBSCL cũng có nét đặc sắc riêng.

     Trong quá trình tìm hiểu nghi lễ tống ôn – tống gió, người viết nhận thấy nghi lễ ở các nơi tuy có khác nhau nhưng đều có yếu tố tương đồng như: quan trọng nhất chính là chiếc Long chu – chiếc thuyền làm bằng nan, dán giấy, trên thường ghi biển số, nơi tiến hành nghi lễ; vàng mã và hình nhân bằng giấy là những vật không thể thiếu trên những chiếc Long chu; đồ ăn, thức cúng có thể thay đổi khác nhau nhưng muối và gạo không thể không có trong nghi lễ tế âm binh hay tống ôn; nhân sự trong lễ hội thường là những người dân trong làng và gắn bó với nghề nghiệp của họ. Khi so sánh các nghi lễ ở khu vực miền Trung với nghi lễ tống ôn – tống gió ở ĐBSCL qua sự tương đồng và khác biệt, người viết có thể nhận định lễ tế âm binh của người Việt ở miền Trung đã được người dân đem vào Nam Bộ và biến đổi một cách phù hợp.

     Khi vào đến ĐBSCL, nghi lễ này không còn được diễn ra ở những am âm linh như ở khu vực miền Trung mà được tích hợp vào các nghi lễ, đặc biệt là lễ cúng đình hay cúng miễu. Tuy nhiên, nghi lễ không được bảo tồn nguyên vẹn như ở miền Trung, nó thường được diễn ra vào cuối lễ hội kỳ yên hay cúng miễu, người ta thường hay làm những chiếc thuyền nhỏ bằng giấy màu hoặc giấy kiếng, để lên đó gạo, muối và đèn cầy rồi thả trên những dòng sông, con rạch. Ở Long An, Sóc Trăng trong mỗi dịp tống ôn – tống gió còn có nghi lễ rước vong đường thủy hay lễ chiêu u đường sông, được thực hiện bởi các nhà sư Phật giáo. Nghi lễ này giống với lễ hội làm chay ở làng biển Nhượng Bạn tỉnh Hà Tĩnh, lễ buông phao ở cửa sông Nhật Lệ tỉnh Quảng Bình với ý nghĩa tiếp dẫn cho vong hồn người chết.

     Ngày nay, nghi lễ tống ôn – tống gió thường được gộp luôn cả lễ cầu an, cầu siêu và tống ôn vào làm một để tiết kiệm. Tuy nhiên, chủ lễ vẫn tiến hành nghi thức tống ôn – tống gió nhằm tống tiễn ôn hoàng dịch lệ, cô hồn các đảng trên một chiếc thuyền giả kèm theo đồ hàng mã để mưu cầu một cuộc sống an lành. Sau cuộc lễ, thường có gạo muối được ném vào lửa để xua đuổi tà khí và ngăn chặn những điều không may.

     Bắt nguồn từ tín lý thờ hồn vía và lệ tế âm linh của cư dân miền Trung, người dân ĐBSCL còn thực hiện nghi thức tống ôn bao hàm cả ý nghĩa cúng thủy đạo trường sa, bởi trong hành trình vượt biển vào Nam bằng đường thủy, những di dân xưa kia đã gặp nhiều phong ba và thiệt mạng giữa biển, hồn xác không còn, thân nhân lấy ngày ra đi làm giỗ và xem như những người ấy đã gia nhập thủy đạo trường sa như xưa kia. Bên cạnh đó, trong quá trình khai hoang, những cô hồn khai hoang bị phiêu tán thì họ cúng “xiêu mồ lạc mả”. Sau quá trình khẩn hoang vất vả, lập được làng xóm thì họ lại phải đối đầu với dịch bệnh ở một vùng đất mới, dĩ nhiên sự nương nhờ sức mạnh quỷ thần là tâm lý chính của người dân lúc này.

     Người dân ở ĐBSCL tuy đa số không sống gần và nhờ vào biển, nhưng họ thường tụ cư gần sông, rạch hoặc gần nguồn nước để thuận lợi cho việc tưới tiêu. Mỗi năm, họ thường tổ chức cúng đình, hạ điền – đầu năm cầu mong sự thuận lợi và thượng điền cuối năm – tạ ơn thần linh, có lẽ vì thế mà lễ tống ôn thường được tổ chức đầu năm để nhằm cầu tống tiễn dịch bệnh, cúng những cô hồn xiêu lạc để họ không quấy phá vụ mùa. Cũng có thể nói, do sự ảnh hưởng của Phật giáo nên trong nghi lễ tống ôn – tống gió ngày nay tích hợp luôn cả nghi lễ cầu an, cầu siêu và thường được tổ chức vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy.

     Quá trình khẩn hoang và hình thành cộng đồng làng xã ở ĐBSCL cũng là quá trình người Việt lưu giữ truyền thống cũ và thêm vào đó những tập quán mới, hình thành tục lệ phù hợp với tín lý và môi trường sống của mình. Ngày nay, nhiều địa phương không còn giữ được trọn vẹn nghi lễ tống ôn – tống gió như thuở mới khai hoang lập làng. Nghi lễ tuy được giản lược, được tích hợp hay thêm thắt theo thời gian cũng có thể chấp nhận bởi văn hóa dân gian là của nhân dân, do nhân dân lưu giữ và sáng tạo theo cách vận động của riêng nó, miễn sao nó còn giữ được cái gốc, cái cốt lõi của một nghi lễ mang tính nhân văn đã theo chân ông cha ta từ thuở khai hoang.

3. Ý nghĩa và giá trị văn hóa của nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở ĐBSCL

     Nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở ĐBSCL là hành vi thờ cúng của con người đối với đối tượng mang lại những nguy hiểm cho họ trước hết là trong quá trình di dân, định cư và sau là mang lại những bệnh họa trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nghi lễ này mang tính chất tống tiễn, xua đuổi những điều không may, nhưng đồng thời cũng tích hợp vào đó những giá trị nhân văn nhất định. Đối với người chết, nghi lễ này tuy mang bản chất xua đuổi nhưng nó còn mang tính tiếp dẫn vong linh cho những người mất mạng trong cuộc mưu sinh hoặc trong quá trình khai khẩn. Đối với những người sống, đây là dịp mang lại sự vững tâm cho họ trong cuộc sống, tin vào tương lai bền chắc. Yếu tố này cũng mang lại sự an ủi cho những người ở lại, giúp họ có lý do để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống vốn nhiều thăng trầm.

     Với nguồn gốc từ sự tin, thờ linh hồn và được tiếp biến trong quá trình người Việt sinh sống ở miền Trung, khi vào Nam Bộ, nghi lễ mang tính chất tế âm linh đã được mang một màu sắc khác, tuy nhiên vẫn giữ được những gốc ban đầu. Nghi lễ này tuy không được tổ chức phổ biến như một lễ hội đơn nhất ở các tỉnh ĐBSCL mà thường được tích hợp, nhưng với những nghi thức, nghi trượng, nghi vật đặc trưng, nó vẫn là nơi lưu giấu, cất giữ và hướng con người về những giá trị văn hóa nhất định.

     Dù diễn ra với tên gọi nào, ở địa phương nào, thì nghi lễ tống ôn – tống gió không thể thiếu “giày, áo, cháo, nổ”. Ở mặt tinh thần, những tiếng nổ sẽ giúp người sống được an tâm vì những gì không may mắn đã được xua đuổi. Ở mặt vật chất, đây là những thứ mà những người chết trôi sông, lạc chợ sẽ thiếu thốn khi về thế giới bên kia, một bộ quần áo sạch sẽ, khô ráo, một bữa ăn no lòng giúp họ được an ổn. Tất cả những yếu tố đó, được đưa lên một con thuyền để trở về biển, phương tiện mà xưa kia, những người đi mở cõi đã từng dùng, đi theo con nước như xưa kia họ đã từng đi. Tất cả việc làm là nhằm an ủi vong linh quá vãng của người chết không được thờ tự, nhưng đồng thời cũng gợi nhớ về thời gian khó nhọc của lớp tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ.

     Trong cái chung, có cái riêng và ngược lại, tính cộng đồng và tự trị xóm linh hoạt đan xen nhau một cách mềm dẻo trong nghi lễ tống ôn – tống gió. Ở tư cách cá nhân, mỗi gia đình, mỗi làng xóm thực hiện nghi lễ như một cách cầu may cho riêng làng, xóm của mình. Nhưng trong hành động cá nhân đó, lại thể hiện một sự cộng cảm, cộng mệnh của một cộng đồng dân cư. Hướng tâm thức về cùng mục đích, gắn kết, đan xen lại thành một khối bền vững. Nghi lễ này tồn tại được là nhờ sự đóng góp công, sức, tiền bạc của bà con xóm làng để tổ chức nghi lễ cho thấy được sức mạnh và sức sống mãnh liệt của cá nhân trong cộng đồng. Đây cũng chính là giá trị mang tính chân – thiện – mỹ mà nghi lễ đem lại.

4. Kết luận

     Khi cuộc sống ngày càng phát triển thì những giá trị cổ truyền gần như bị lu mờ, nó được nhận định là có giá trị nhưng ít khi được xã hội hưởng ứng để rồi những giá trị ấy dần chìm vào quên lãng bởi nhiều nguyên nhân: con người không có thời gian, kết hợp tổ chức để tiết kiệm hoặc làm vì mục đích kinh tế mà không căn nguyên vào gốc văn hóa ban đầu… Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, những giá trị văn hóa dân tộc vẫn tìm được chỗ đứng của mình trong xã hội hiện đại dù có ít ỏi.

     Nghi lễ tống ôn – tống gió xuất phát từ tín lý về linh hồn của người Việt và đã cùng người Việt trải qua sự tác động của nhiều yếu tố văn hóa khác nhau cho đến khi “định cư” trong văn hóa dân gian của người Việt ở ĐBSCL. Đã có những biến đổi, đã có những tích hợp khác nhau, nhưng những giá trị cơ bản của nghi lễ: an ủi vong linh người chết, mong cầu cuộc sống bình an cho người sống và hoài niệm về một quá khứ khó khăn nhưng đậm chất bi hùng của hành trình mở cõi phương Nam vẫn được gìn giữ.

     Mỗi lần tổ chức nghi lễ là một lần người dân đắm mình trong dòng chảy văn hóa dân gian của dân tộc. Sự cộng cảm, cộng mệnh ấy là khát vọng về sự trường tồn của văn hóa dân tộc, bảo vệ những giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Nghi lễ tống ôn – tống gió ngày nay tuy ít nơi còn giữ được nguyên vẹn, vậy cần nhìn nhận và bảo vệ số ít này một cách trân quý hơn như một dấu ấn của văn hóa sông nước trong đời sống tâm linh của người Việt ở ĐBSCL trong xã hội hiện đại./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Hữu Hiếu (2010), Diễn trình văn hóa ĐBSCL, NXB Thời đại, Hà Nội.

[2]. Nguyễn Xuân Hương (2011), “Lễ tống ôn – Lễ thức cầu an của cộng đồng cư dân ven biển Đà Nẵng”, http://vhtt.danang.gov.vn/chi-tiet?idcat=67707&articleId=67782.

[3]. Nguyễn Xuân Hồng (2014), Lễ hội truyền thống của người Việt ở ĐBSCL – Vấn đề bảo tồn và phát triển, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[4]. Huỳnh Thanh Lợi (2014), Một góc nhìn về văn hóa biển, NXB Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.

[5]. Hoài Phương, “Tháng Giêng có lễ cầu an”, http://www.cantholib.org.vn/Database/ Content/1385.pdf .

[6]. Phan Thị Yến Tuyết (2013), Tập bài giảng điện tử Tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[7]. Phan Thị Yến Tuyết (2013), Tập bài giảng điện tử Văn hóa biển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[8]. Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội – kinh tế văn hóa của cư dân và ngư dân vùng biển Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

[9]. Huỳnh Ngọc Trảng, Nguyễn Đại Phúc (2013), Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, NXB Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

[10]. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (2012), Sổ tay hành hương đất phương Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Tháp, số 39 (08-2019)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghi lễ tống ôn – tống gió của người Việt ở Đồng bằng sông Cửu Long
(Tác giả: Trần Diễm Thùy)