Nghi lễ cúng Trâu và cúng Bến Nước của tộc người Hrê ở Quảng Ngãi

THE RITUAL OF WORSHIPING BUFFALOES AND WATER WHARFS
THE HRE 
ETHNIC GROUP IN QUANG NGAI PROVINCE
Tác giả: Nghiên cứu sinh VĂN NAM THẮNG
(Khoa Dân tộc -Tôn giáo, Học viện Chính trị khu vực III,
NCS. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)
 

TÓM TẮT

     Dân tộc Hrê là một trong số 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên ở nước ta. Về xuất xứ tên gọi, tên gọi của dân tộc này có gốc từ tên một khúc sông thượng nguồn của con sông Trà Khúc sau này Hrê đã trở thành tên gọi của một tộc danh. Trong đời sống tín ngưỡng của người Hrê thì nghi lễ cúng trâu và cúng bến nước được xem là hai nghi lễ quan trọng và không thể thiếu của cộng đồng người Hrê nơi đây. Nó cho thấy những nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc này.

Từ khóa: Tín ngưỡng, Hrê, phong tục, lễ cúng, nghi lễ, bến nước.

ABSTRACT

     The  Hreethnic  group  is  one  of  53  ethnics  minorities  in  Vietnam,  living  mainly  in  the  Central and Central Highlands provinces of our country. Regarding the origin of the name, the name of this people originated from the name of a river upstream of the Tra Khuc river. In the religious life  of  the  Hre  people,  the  ritual  of  worshiping  buffaloes  and  water  wharfs  is  considered  two important and indispensable rituals of the Hre community here. It shows the unique features of the religious culture of this nation.

Keywords: Beliefs, Hre, customs, rituals, water wharf.

x
x x

1. Mở đầu

     Người Hrê ở nước ta sinh sống chủ yếu ở các huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long tỉnh Quảng Ngãi,một số ít ở huyện Kon Plông tỉnh Kon Tumvà huyện An Lão tỉnh Bình Định. Tên gọi của dân tộc này có gốc từ tên một khúc sông thượng nguồn của con sông Trà Khúc sau này Hrê đã trở thành tên gọi của một tộc danh. Ngoài ra người Hrê còn có những tên gọi khác như Mọi Đá Vách, Man Thạch Bích, Chăm Rê, Chom, Thượng Ba Tơ, Mọi Lũy, Mọi Sơn Phòng, Chăm Quảng Ngãi, Mọi Chòm, Rê, Tá Chom. Tiếng nói của dân tộc Hrê thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khơ Me thuộc ngữ hệ Nam Á, với dân số 142.889 người[7, tr.15]. Từ xa xưa, người Hrê là cư dân làm ruộng nước khá thành thạo và theo một quy trình khép kín từ khâu chăm sóc gieo trồng, đến khâu chọn giống. Người Hrê rất chăm chỉ, quanh năm bận với công việc như cày bừa đất, gieo thóc giống, nhổ mạ cấy, làm cỏ,bỏ phân, be bờ tát nước, phát nương làm rẫy… Cũng xuất phát từ nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà dân tộc Hrê ở nước tacó truyền thống nuôi trâu từ lâu đời. Thời xưa trong buôn làng người Hrê có những gia đình nuôi đến hàng trăm con trâu. Sau khi kết thúc mùa thu hoạch đồng bào thường đưa đàn trâu lên trên đồi núi nơi xa ruộng vườn, có bãi cỏ, làm trang trại thả nuôi trâu ở đó, đến khi mùa thu hoạch mới họ mới đưa đàn trâu trở về cùng tham gia vào mùa gặt mới.Vì thế, con trâu đối với người Hrê rất quan trọng, nó không chỉ là tài sản, là phương tiện nguồn sức lực lao động sản xuất mà còn như một thành viên trong cộng đồng làng xã.

2. Lễ cúng trâu

     Trong đời sống tín ngưỡng, người Hrê quan niệm hệ thống siêu linh gồm có nhiều loại, có các tên gọi, chức năng khác nhau, cũng có ngôi thứ, địa vị khác nhau, nhiều nhất vẫn là tín ngưỡng về “linh hồn”. Người Hrê cho rằng các linh hồn người chết cũng có cuộc sống riêng ở làng ma[2, tr.38]. Ý niệm về bà mụ và linh hồn các con vật sự huyền bí còn ẩn tàng trong cái cối giã gạo, bếp đun, những cây cột dầu là những vật linh thiêng trong nhà, đó là một hiện tượng tín ngưỡng, tâm linh mô phỏng có màu sắc tôn giáo, liên quan đến việc sản xuất cấy cày của cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước.Do con trâu là một thành phần rất quan trọng trong gia tài đồng bào Hrê, nên trong quan niệm vạn vật hữu linh, “con trâu cũng có hồn vía, có các vị thần linh luôn ở đâu đó phù hộ, che chở”[4, tr.12] cho con trâu, nên cần phải cúng các vị thần linh của con trâu. Do con trâu giữ vị trí quan trọng như vậy cho nên đồng bào nơi đây cũng dành cho nó sự quan tâm đặc biệt: trong hệ thống các nghi lễ có nhiều nghi lễ liên quan đến việc cúng cho trâu, có thể kể ra một số nghi lễ gắn liền với quá trình trưởng thành trong vòng đời của một con trâu.

     – Nghi lễ cúng đặt tên cho con trâu: Nghi lễ này được tổ chức khi con nghé được 5 -7 ngày tuổi và thường là vào buổi chiều xế khi đàn trâu về chuồng và lễ vật cúng được bày biện ngay cổng chuồng trâu. Các lễ vật gồm có một con gà trống, một chai rượu trắng, một ít muối, gạo, năm miếng trầu cau gói chung với vôi, thuốc lá,ba miếng sáp ong làm như dấu cộng, một cây nến làm bằng sáp ong mật với sợi chỉ, một ít bông cây gòn và nhựa cây gòn lá tím, một miếng xác cây gió bầu để đốt tạo mùi hương, hai cây que được chẻ đôi làm bằng cây trảy… Mục đích của nghi lễ này là báo cáo cho các vị thần linh biết đàn trâu gia đình có thêm thành viên mới và xin đặt tên cho nó, cầu mong cho con trâu nhỏ được khoẻ mạnh, lớn nhanh.

     – Nghi lễ cúng giữ hồn vía con trâu: Nghi lễ này dành cho con trâu mới tập cày bừa. Về thời gian, địa điểm, các lễ vật cúng giống như cúng đặt tên cho trâu nhưng cúng bằng con gà mái. Ý nghĩa của bài cúng, trong quá trình tập luyện cầy bừa do con trâu mới lớn nên chưa quen, vì vậy người cầm lái cày bừa cần ép buộc, la lối, lấy cây roi đánh con trâu nên con trâu bị tổn thương về thể xác và tinh thần, hồn vía con trâu bị sợ hãi do vậy nên phải cúng để “giữ hồn vía con trâu”. Nghi lễ còn như là một sự “thanh minh” của gia chủ đối với hồn vía con trâu rằng những khắc khổ, mệt nhọc mà nó phải chịu đựng trong những ngày đầu tập cày bừa chẳng qua chỉ là sự rèn luyện chứ người chủ không hề ghét bỏ chú trâu của mình. Nghi lễ này còn thể hiện mong muốn của cư dân người Hrê là con trâu với tư cách là một thành viên với sự bảo trợ của thần linh sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để cùng với chủ trâu góp phần xây dựng buôn làng no ấm.

     – Nghi lễ cúng cho con trâu xong một mùa cày bừa. Nghi lễ này chỉ tổ chức vào mùa vụ hè thu. Trong quá trình một mùa cày bừa cũng giống như khi mới tập cày bừa người cầm cày đã quát mắng thậm chí dùng cây roi đánh con trâu nên người chủ trâu lo rằng con trâu cũng sẽ bị tổn thương nên phải cúng cho trâu để giữ hồn vía cho trâu, sức khoẻ con trâu nhanh chóng hồi phục. Nghi lễ ngoài sự cầu an, còn là sự bù đắp, thể hiện sự biết ơn của người chủ đối với con trâu của mình đã gánh vác những công việc của một vụ mùa mệt nhọc.

     – Nghi lễ cúng cho con trâu ngày Tết: Nghi lễ này được tổ chức lúc sáng sớm vào ngày thứ hai của ba ngày tết. Lễ vật cúng được bày biện ngay trước cổng chuồng trâu. Các lễ vật gồm có hai con gà một trống, một mái đã được luộc chín, ba con cá vợp đã được phơi khô, hai cái bánh tét, một chai rượu trắng, một ché rượu cần, một ít muối, gạo, vài cọng rau khoai lang, hoặc rau cải, 7 miếng trầu cau được gói chung với vôi, thuốc lá, 5 miếng sáp ong làm như dấu cộng, ba cây nến làm bằng sáp ong, một ít bông cây gòn và mủ cây gòn lá tím, một miếng xác cây gió bầu để đốt tạo mùi hương, hai cây que được chẻ đôi làm bằng cây đót… Nghi lễ này có ý nghĩa cầu mong sang năm mới con trâu có nhiều sức khỏe, tránh bị gặp thú dữ, tránh bị vấp bị ngã, mắc lầy, rơihố…Ngoài những nghi lễ nói trên thì người Hrê ở miền núi các tỉnh miền Trung còn dùng trâu vào mục đích hiến sinh thể hiện trong lễ ăn trâu Ka-Capơ. Đây được coi là lễ hội lớn nhất của người Hrê. Lễ hội đâm trâu của người Hrê luôn thu hút đông đảo dân làng, người quen đến dự. Người Hrê tổ chức lễ hội nhằm cầu an, ngăn ngừa bệnh tật bởi người Hrê đã xem trâu có một “linh hồn” đặc biệt, là vật hiến tế các vị thần linh. Ðây là nghi lễ mang tính chất cộng đồng, cầu an cho mọi thành viên trong buôn làng.

3. Lễ cúng bến nước

     Ngoài ra,đối với người Hrê còn có một nghi lễ quan trọng nữa là Lễ cúng bến nước còn được gọi  là Tết  giọt nước,  Tết  bến nước. Từ xa xưa, đồng  bào Hrê đã biết coi trọng nguồn nước! Người xưa tin rằng nguồn nước là nơi bắt đầu sự sống và có nước ngự trị, chẳng những là nơi giữ hồn người, mà nước còn là nguồn nuôi sống mùa màng, súc vật của bản làng. Cho nên cùng với việc bảo vệ nguồn nước, lễ cúng thần nước tại các bến nước là việc phải làm hàng năm, nhằm tri ân thần linh đã giúp người dân có cuộc sống no đủ! Lễ cúng bến nước phổ biến ở tất cả các bản làng Hrê. Từ quan niệm cổ xưa này có thể thấy ngay rằng, từ xa xưa, người Hrê đã ghi nhớ giá trị và truyền nhau việc xem trọng nguồn nước và mở rộng ra là thân thiện với môi trường. Vì lẽ bảo vệ nguồn nước tức là bảo vệ rừng, đất đai, là bảo vệ hệ sinh thái.Hàng năm vào khoảng  cuối tháng 12 âm lịch, sau mùa gieo trồng và chuẩn bị đón Tết cổ truyền, đồng bào Hrê tổ chức Lễ cúng bến nước để tạ ơn Yàng (Trời). Với đồng bào Hrê, nguồn nước là nơi nữ thần Vada ngự trị, nơi giữ hồn người, giữ gia tài, súc vật của bản làng. Đồng bào cúng thần nước là để tri ân nguồn nước đã giúp cho người dân cày cấy,  gieo  hạt trên nương được no đủ, đồng thời mời  thần nước  về ăn tết  cùng  với dân làng.  Ngày xưa bến nước  là vũng nước  trong  mát ở cạnh  bờ sông, bờ suối  hoặc  khe nước  từ núi  chảy ra, nơi dân làng  chọn để lấy nước  sinh  hoạt.  Ngày  nay,  bến nước  có khi  là bể chứa  hoặc  một công trình nước  sạch được  dẫn  từ thượng  nguồn  về. Theo  tín ngưỡng, đồng bào Hrê vẫn đến đây cúng “Thần nước”[5, tr.37]. Bởi, sau một năm làm ăn lo toan vất vả để chuẩn bị bước sang năm mới, dân làng muốn tẩy trừ mọi xui xẻo, rủi  ro  của năm cũ và đón năm mới  vạn  sự tốt  lành,  an  bình,  no ấm,  may  mắn  cho  bản thân và cả buôn làng. Trước khi tiến hành nghi lễ cúng, già làng, trưởng thôn thông báo họp  bàn  với dân làng để giao  nhiệm  vụ chuẩn  bị mọi  việc  chu  toàn. Thanh niên trai tráng được giao làm vệ sinh bến nước. Phụ nữ, người già dọn dẹp nhà cửa, đường làng, mỗi người đều đóng góp sức người, sức của cho lễ cúng. Lễ được diễn ra vào buổi chiều muộn và toàn buôn làng sẽ tập trung tại bến nước để chuẩn bị cho lễ cúng.

     Lễ được chia thành hai phần: Cúng tại bến nước và cúng rượu cần tại nhà già làng. Lễ vật cúng tại bến nước gồm nhiều loại lễ vật khác nhau như rượu, trầu cau, một con gà trống màu trắng hoặc con heo trắng tùy vào mức độ đóng góp và khả năng tài chính của dân làng. Khi tiến hành lễ cúng, thầy cúng cúng gà (sói ia) trước, thầy vừa cắt tiết gà vừa sói, sau đó đưa gà cho đám thanh niên trong làng làm thịt, chỉ giữ lại mỏ, mào, móng gà tượng trưng để lên bàn cúng cùng với tiết. Lúc này bà con dân làng bỏ trầu cau lên bàn cúng đề thầy tiếp tục cúng (sói), rồi thầy đốt nhoi clâu (một loại trầm hương lấy từ rừng già) để xua đi u ám, rủi ro, bệnh tật cho dân làng. Để tiếp thêm sức mạnh cho thầy cúng, gửi gắm những điều mong ước nói với thần linh, dân làng đeo sợi dây chỉ vào cổ thầy và cùng đưa tay về phía trước nơi có khói hương nghi ngút cầu mong thần linh có thể nghe được lời cầu nguyện. Những vị thần linh được tôn xưng gọi về để cúng dâng lễ vật là Yàng Rét (thần nước), Yàng Giang (thần sông), Yàng Gông (thần núi). Cúng xong thầy cúng cùng một số người đưa sợi dây, mang theo trầu cau làm lễ vật xuống nước tạ ơn Yàng Rét và xin Yàng phù hộ những điều tốt lành đến cho dân làng. Đây là giây phút chờ đợi linh thiêng nhất của lễ cúng. Sau đó, đồng bào tập trung tại nhà già làng làm nghi lễ sói rượu cần. Già làng chọn một ống nước đổ vào ché rượu cho thầy cúng. Những người được uống rượu đầu tiên là  thầy cúng, già làng, người có uy tín trong làng. Thầy cúng tiếp tục rải gạo cho thần linh xung quanh bến nước và hỏi các vị thần linh đã chấp nhận lễ vật và  tấm lòng của dân làng chưa. Thầy sẽ hỏi thần linh bằng cách xin keo, nếu hai thanh cây mà một úp, một ngửa tức là thần linh đã nhận lễ. Sau đó, thầy yêu cầu mọi người “xang ty”, nghĩa là đưa hai tay về phía trước xua đuổi tà ma của năm cũ, cầu mong bước sang năm mới gặp nhiều may mắn. Sau khi cúng xong, mọi người được phép lấy nước về nhà già làng (người Hrêvô cùng trân quý những ống nước này, họ đem về cất giữ cẩn thận cho đến đêm 30 Tết “vô lá”nấu bánh. Sáng mùng 1 đổ vào rượu cần cúng Yàng, đãi khách) còn thanh niên trai gái trong làng đến bến nước rửa tay chân, rửa mặt cầu mong năm mới với bao điều tốt lành. Xong lễ cúng,một người lớn tuổi trong làng sẽ dùng lá cây rào chắn bến nước nhằm báo hiệu bến nước đã cúng và ngăn không cho thú dữ, rắn rết quậy phá bến nước thiêng, tấn công dân làng.Có thể nói cúng bến nước là nghi lễ truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng, đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Hrê.

4. Kết luận

     Cho đến nay người Hrê vẫn còn giữ nhiều tập tục, có nhiều kiêng cữ và lễ thức tôn giáo, xuất phát từ quan niệm mọi vật đều có hồn hay ma và con người bị các lực lượng siêu nhiên chi phối. Vì vậy hàng năm họ đều tổ chức những nghi lễ hay lễ hội để xua đi những xui xẻo,dịch bệnh, cầu mong điều an bình trong cuộc sống. Nghi lễ cúng cho trâu là tình yêu thương, là văn hoá ứng xử của con người đối với con vật nuôi có từ lâu đời, còn nghi lễ cúng bến nước có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ về đạo lý“uống nước nhớ nguồn”của dân tộc Hrê ở nước ta. Và những lễ nghi tín ngưỡng, phong tục này cho đến ngày nay nhiều nơi bà con vẫn còn giữ, là một nét đẹp cần bảo tồn và phát huy của văn hóa dân gian nơi đây./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]Nguyễn Văn Huy (1990). Kể chuyện phong tục các dân tộc Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.

[2] Đặng Văn Lung, Nguyễn Sông Thao, Hoàng Văn Thụ (1997). Phong tục tập quán các dân tộc Việt Nam, NXBVăn hóa dân tộc, Hà Nội.

[3] Phan Ngọc (2004), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[4] Văn Nam Thắng (2015).Về tín ngưỡng của người Hrê, Tạp chí Dân tộc, số 8.

[5] Đào Nam Sơn (2015). Góp phần tìm hiểu các phong tục tập quán các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân.

[6] Đặng Nghiêm Vạn (2003). Cộng đồng các dân tộc Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Tổng cục thống kê, Số liệu thống kê dân số các dân tộc năm 2015.

Nguồn: Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế,
ISSN 1859-1612, Số 4(52)A/2019: tr. 68-72

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghi lễ cúng Trâu và cúng Bến Nước của tộc người Hrê ở Quảng Ngãi
(Tác giả: Văn Nam Thắng)