Nghĩ về việc nghiên cứu văn học ở Sài Gòn – Nam Bộ
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, tiến sĩ NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
(Nguyên Giám đốc Trung tâm Văn học,
Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Hiện công tác tại
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh)
Nghiên cứu văn học ở Sài Gòn – Nam Bộ là một trong những nhiệm vụ trung tâm của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ trong 40 năm qua (1975 – 2015). Mỗi giai đoạn hoạt động nghiên cứu văn học đều có những mối quan tâm và những thành quả nhất định. Không đủ điều kiện để làm một cuộc tổng kết những thành quả 40 năm đó, bài viết chỉ xin được nói lên một số suy nghĩ mang tính cá nhân của một người đã có 21 năm được tham gia vào hoạt động của Viện, và đặc biệt chú ý đến văn học của Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung.
x
x x
1.
Việt Nam của chúng ta có hai trung tâm văn học lớn là Hà Nội và Sài Gòn – TPHCM. Thế nhưng so với Hà Nội, văn học của Sài Gòn đi vào lịch sử văn học không nhiều, đặc biệt là giai đoạn văn học cận hiện đại, kể từ 1865 đến 1975 (Đoàn Lê Giang, 2011)(1). Mặc dù tồn tại quan niệm rằng, lịch sử văn học là lịch sử của những đỉnh cao, nhưng chúng tôi cho rằng nghiên cứu các tiến trình vận động của văn học cũng cần phải xem xét đầy đủ các dấu hiệu nhỏ lẻ, các tác nhân ngoại vi, có dòng chủ lưu nhưng cũng có các nhánh rẽ bất ngờ ngoại lệ. Đứng trên quan điểm đó, có thể nói, thời nào văn học Sài Gòn – Nam Bộ cũng có nhiều hiện tượng và sự kiện quan trọng, có nhiều nhánh rẽ và ngoại lệ.
Vào cuối thế kỷ XIX, trong cuộc va chạm đầu tiên của văn học Việt Nam với văn hóa phương Tây, thông qua chính sách của thực dân Pháp, Nam Bộ có hiện tượng văn học Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), cùng với sự kiện ra đời báo chí (Gia Định báo, 1865; Thông loại khóa trình, 1888), và các thể loại văn học (du ký Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký, 1876; tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Việt Nam: Truyện Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, 1887) (Đoàn Lê Giang, 2011)(2).
Nửa đầu thế kỷ XX, Nam Bộ có hiện tượng văn học Hồ Biểu Chánh, sự kiện Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu, và sự khai sinh các thể loại: phê bình văn học (với Thiếu Sơn, 1931), thơ Mới (với Tình già và Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ, Phan Khôi, 1932), phong trào nữ quyền (các bài trên báo Phụ nữ tân văn, 1928).
Nửa sau thế kỷ XX, Nam Bộ có cả một hiện tượng “trăm hoa đua nở”, từ chiến khu Nam Bộ cho đến đô thị Sài Gòn. Đặc biệt Sài Gòn đã dung nạp nhiều xu hướng văn học: đấu tranh (marxist, yêu nước, dấn thân, phản kháng), giải trí (kiếm hiệp, trinh thám, truyện kinh dị, tiểu thuyết tâm lý xã hội, truyện thiếu nhi…) và nghệ thuật (hiện sinh, nữ quyền…).
Việc đào tạo ngoại ngữ (Anh, Pháp) được triển khai liên tục trong các trường trung học và chính sách văn hóa mở, du nhập nhiều sách báo của Pháp và Mỹ (qua con đường viện trợ) trước năm 1975 khiến cho các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ở Sài Gòn – Nam Bộ với số lượng lớn và đa dạng chưa từng thấy, thúc đẩy văn học Việt Nam hội nhập với thế giới.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Sài Gòn – Nam Bộ là mảnh đất quy tụ nhiều thế hệ nhà văn với các thành phần và xu hướng văn học khác nhau. Có nhiều nhà văn từ miền Bắc vào, từ chiến khu về đã thành danh ở nơi này và nhiều cây bút trẻ tại chỗ sớm khẳng định mình, đặc biệt là trong thời kỳ Đổi mới.
Được sản sinh trên một vùng đất mới có lịch sử chỉ hơn ba thế kỷ, nhưng văn học Nam Bộ có bề dày đáng kể, bởi đã được bồi đắp nhiều lần các lớp phù sa văn hóa và con người. Đặc biệt, Sài Gòn – Nam Bộ đã trải qua nhiều biến cố lịch sử xã hội lớn lao, trong đó có hiện tượng chuyển vùng/di cư: hiện tượng chuyển vùng lần thứ nhất, thời mở cõi; hiện tượng chuyển vùng lần thứ hai, thời di cư và tập kết; hiện tượng chuyển vùng lần thứ ba, người Việt di tản và định cư ở nước ngoài. Thêm vào đó Sài Gòn – Nam Bộ là vùng đất chịu ảnh hưởng của chính sách thuộc địa trực tiếp và lâu nhất. Những xáo trộn, va chạm, tiếp xúc (trong cả khía cạnh tích cực và tiêu cực) ấy khiến vùng đất này luôn có những chuyển động và tương tác không ngừng. Tất cả đều để lại những dấu ấn sâu đậm trong tâm thức cộng đồng, trong sinh hoạt, trong văn hóa. Văn học nhận được nguồn phù sa ấy mà phát triển, và đi theo con đường riêng của nó, đa dạng và không tù đọng.
2.
Do tính chất cởi mở và đa xu hướng của mình, văn học Sài Gòn – Nam Bộ ít khuôn mình theo các hệ mỹ học chính thống vốn thường xa rời đời sống bình thường của nhân dân. Đặc biệt, các nhà văn Sài Gòn – Nam Bộ, trong tư thế viết văn là làm văn hóa, trong tâm thế sáng tạo dựa trên trải nghiệm, trong phong cách viết mang tính chuyên nghiệp, đã có những quan niệm nghệ thuật vừa giản dị vừa phong phú, vừa truyền thống vừa hiện đại, chạm đến những mục tiêu cốt lõi của văn học(3).
Nhưng trong một thời điểm lịch sử nào đó, đặc biệt là thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, những cách làm phi truyền thống của các nhà văn Sài Gòn – Nam Bộ dễ bị xem là “nghịch đạo” (Dương Thu Hằng, 2015) (4) và phản động.
Kết quả là không biết bao nhiêu nhà văn và bao nhiêu văn bản văn học ở Sài Gòn – Nam Bộ bị kết án, bị hoài nghi, khiến văn học Sài Gòn – Nam Bộ chậm đi vào lịch sử, chậm được nghiên cứu. Những ai chạm vào khu vực văn học này sẽ thấy chồng chất những “sương mù”, những thất lạc, những quên lãng, những định kiến…
Nghiên cứu văn học Sài Gòn – Nam Bộ trong thời điểm hôm nay, sẽ vẫn phải chứng kiến cái đặc điểm dung hợp giữa truyền thống và hiện đại, và cái tâm thế lưỡng phân giữa bảo thủ và cởi mở (trong từng cá nhân người làm văn học, trong chủ trương văn hóa của cơ quan quản lý). Cái tâm thế và đặc điểm này được hình thành từ lịch sử của vùng đất phương Nam: lần thứ nhất là một cộng đồng lưu dân nhỏ lọt thỏm giữa vùng đất “đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát”; lần thứ hai là Sài Gòn – Nam Bộ rơi vào tay thực dân Pháp “bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan” (Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc); lần thứ ba là Sài Gòn – Nam Bộ dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, được sự viện trợ của Mỹ.
Nhìn một cách lạc quan, có thể nói là do cái “Cuống rún chưa lìa” ấy (lời của Bình Nguyên Lộc (1969), cái tình cảm “Từ độ mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” ấy (thơ Huỳnh Văn Nghệ) (5) (Bùi Quang Huy, 2009). Nhìn một cách bi quan, có thể nói ít có sự dè chừng trên mảnh đất đã nhiều năm là thuộc địa, phát triển theo mô hình tư bản.
3.
Trước tình hình ấy, người nghiên cứu văn học có thể làm gì? Có thể nói, từ 1986 đến nay (thời kỳ Đổi mới), những chuyển động từ những tác nhân trong và ngoài Việt Nam, những nỗ lực lớn của các nhà nghiên cứu đã mang lại cho những người làm văn học ít nhiều hy vọng có thể khắc phục khoảng trống lịch sử này, trả lại sự công bằng đáng có.
Điều cần làm đầu tiên mà các nhà nghiên cứu văn học Nam Bộ ý thức rõ, đó là phải chạy đua với thời gian để được chạm tay vào các sách báo xuất bản từ 1865 đến 1975 đang mất mát dần từng ngày. Thư viện Khoa học Xã hội TPHCM là nơi có nhiều tư liệu quý, đang có một việc làm rất đáng mừng là số hóa các tờ báo và tạp chí xưa. Nhưng khối tư liệu vô cùng lớn ấy đã tản mát khắp nơi trên cả nước và cả ở nước ngoài, ở các thư viện và các tủ sách tư nhân. Tình hình ấy, một phần do hoàn cảnh xã hội, nhưng cũng có phần do yếu tố cá nhân: phần lớn các nhà văn Nam Bộ ít có thói quen quy hoạch, tổ chức văn nghiệp của mình. Họ viết văn như là một hoạt động tự nhiên, ít mưu cầu danh vọng.
Nghiên cứu văn học Nam Bộ nhất thiết phải đi từ văn bản, phải tiếp xúc trực tiếp với văn bản và bằng mọi cách lưu giữ văn bản(6) để phổ biến rộng cho người đến sau. Cụm đề tài của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM đã đi theo tinh thần ấy. Chúng tôi đã sưu tầm sách báo văn học Sài Gòn – Nam Bộ từ 1865 đến 1954 và vẫn còn đang tiếp tục bổ sung. Những đề tài nghiên cứu về văn học Sài Gòn – Nam Bộ như vậy cần một kinh phí lớn tương xứng và một đội ngũ toàn tâm toàn ý, nhưng quả thật trong điều kiện làm việc hiện nay, đó vẫn còn là mơ ước.
Mười lăm năm nay, cùng với Trung tâm Văn học (hiện nay là Trung tâm Văn học và Ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ), Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã xem văn học Sài Gòn – Nam Bộ là một trong những đối tượng nghiên cứu chính và đã có những hợp tác trong nghiên cứu. Đặc biệt, chúng tôi đã triển khai nghiên cứu văn học Sài Gòn – Nam Bộ dựa trên những lý thuyết mới, cách nhìn mới khá đa dạng: thể loại, thi pháp học, nữ quyền, xã hội học, tự sự học…, và có những phát hiện nhất định, góp phần khẳng định tính hiện đại của văn học Sài Gòn – Nam Bộ. Tuy nhiên, theo thiển ý, việc nghiên cứu văn học Sài Gòn- Nam Bộ đòi hỏi người tiến hành phải có một kiến thức nền về văn hóa và lịch sử chắc chắn. Những hiểu biết rộng rãi và xác thực về ngữ cảnh sẽ giúp chúng ta lý giải đúng và sâu văn bản và tác giả. Đọc văn học Sài Gòn – Nam Bộ trên cái nhìn văn hóa học và hậu thực dân chắc chắn là một hướng đi đầy triển vọng, bởi chưa có vùng đất nào diễn ra sự dung hợp văn hóa lớn trong bối cảnh chế độ thuộc địa lâu như vùng đất này. Trong quá trình nghiên cứu (làm luận văn, luận án, thực hiện đề tài), người nghiên cứu không chỉ cần tôn trọng cứ liệu trên văn bản mà còn phải đặc biệt tìm cách tiếp xúc với gia đình nhà văn để khai thác, bổ sung các thông tin mới, các tài liệu quý hiếm còn náu mình trong lớp bụi thời gian.
Đến với văn học Sài Gòn – Nam Bộ như vậy, đòi hỏi người nghiên cứu phải có tâm huyết, năng lực, thời gian và bản lĩnh. Họ luôn luôn phải chuẩn bị căn cứ và luận điểm khoa học để thuyết phục các nhà quản lý thông qua các đề tài mới và chuẩn bị tư thế để chịu búa rìu dư luận. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với họ là rồi đây những di sản văn học quý giá của dân tộc được bảo tồn, được đưa ra ánh sáng, được quy về một mối và được quảng bá rộng rãi để khơi dậy lòng yêu cái đẹp và lòng tự hào dân tộc nơi những ai đọc đến. Di sản ấy chìm khuất đã lâu trong bão giông của lịch sử, trong những qua phân của hoàn cảnh chính trị, và cả trong những hẹp hòi của chính chúng ta.
Nghiên cứu văn học Sài Gòn – Nam Bộ, có thể nói là một mệnh lệnh bức thiết với những ai đã được may mắn sống trên mảnh đất bao dung này. Bởi ý nghĩa của nó không thu hẹp trong phạm vi chữ nghĩa thuần túy, mà sâu xa hơn là vấn đề văn hóa, vấn đề con người, vấn đề phát triển xã hội hôm nay. Để có những con người Nam Bộ vốn được xem là hào hiệp nghĩa khí, làm sao có thể quên được Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu) và các bộ tiểu thuyết đại chúng nửa đầu thế kỷ XX, kể cả các truyện diễn nghĩa? Để hiểu được con đường đi của lý thuyết văn học hiện đại ở Việt Nam, cũng cần chú ý những chi tiết nhỏ như cuộc trò chuyện giữa Phạm Thiều và Kiều Thanh Quế những năm 1940, khi bàn về các yếu tố thi pháp học (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng, 2009).
Cuối cùng, điều cần nhấn mạnh là nếu từ 1862 Việt Nam đối mặt với hai nhiệm vụ lớn: giành độc lập dân tộc và hiện đại hóa đất nước, thì Sài Gòn – Nam Bộ là mảnh đất vừa tham gia giành độc lập dân tộc nhưng cũng liên tục tham gia hiện đại hóa đất nước, gần như chưa một ngày đứt đoạn. Trên lịch sử hiện đại hóa ấy, văn học Sài Gòn – Nam Bộ phát triển theo quy luật tự nhiên: đa dạng, chấp nhận sự khác biệt và hội nhập thế giới. Việt Nam hôm nay đang đi trên con đường ấy với một quốc gia toàn vẹn về lãnh thổ trong xu hướng toàn cầu hóa, vì vậy những hiểu biết đầy đủ về quá khứ (mà văn học đang lưu giữ một phần to lớn) là vô cùng cần thiết.
Chú thích:
(1) “Văn học Nam Bộ 1932 – 1945 là một bộ phận máu thịt của văn học Việt Nam, là một phần của đời sống tinh thần và tâm hồn của người Việt ở Nam Bộ. Tuy nhiên từ trước đến nay, việc nghiên cứu về mảng văn học này chưa được chú ý vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do khó khăn về tư liệu và thói quen thưởng thức” (Đoàn Lê Giang, 2011).
(2) “Văn học quốc ngữ Nam Bộ hình thành từ cuối thế kỷ XIX, cho đến đầu thế kỷ XX vùng văn học này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trở thành bộ phận tiên phong của văn học dân tộc với hàng mấy chục tác gia, hàng trăm bộ tiểu thuyết ngay từ khi các miền khác ở đất nước chưa biết “tiểu thuyết” là gì. Những tên tuổi lớn của văn học quốc ngữ Nam Bộ là: Trương Vĩnh Ký – nhà văn hóa, người viết ký sự quốc ngữ đầu tiên; Nguyễn Trọng Quản – nhà tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên; Trương Minh Ký – nhà văn, dịch giả văn học Pháp đầu tiên; Huỳnh Tịnh Của – nhà văn ngữ văn học quốc ngữ tiên phong; Trần Chánh Chiếu – nhà văn Minh tân; Lương Khắc Ninh – nhà thơ, nhà báo duy tân; Hồ Biểu Chánh – nhà tiểu thuyết xã hội-đạo lý cự phách; rồi Trương Duy Toản – nhà văn dã sử võ hiệp; Lê Hoằng Mưu – nhà tiểu thuyết tiên phong và táo bạo; Nguyễn Chánh Sắc – nhà tiểu thuyết võ hiệp, nhà dịch thuật truyện Tàu trứ danh… Những nhà văn ấy và hàng chục nhà văn khác nữa với hàng mấy trăm tác phẩm đã xây dựng nền móng đầu tiên, từ đó mới phát triển ra miền Bắc, miền Trung, tạo thành tòa lâu đài của văn học thế kỷ XX, khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc” (Đoàn Lê Giang, 2011).
(3) Xem thêm Văn chương sông chằm lau lách (Nguyễn Thông); Chuyện đời xưa, nhón lấy những chuyện hay và có ích (Trương Vĩnh Ký); Chuyện giải buồn (Huỳnh Tịnh Của); Lời nói thường, câu chuyện thường (Nguyễn Trọng Quản).
(4) “Và, giữa giòng chảy thời gian chưa từng có này trong lịch sử Việt Nam, kẻ sĩ hay trí thức dân tộc đã thành những “chủ thể” can dự và kiến tạo nên các xu thế và trào lưu văn hóa mới của quốc gia – khác hẳn vị thế của kẻ sĩ trong cơ cấu xã hội quân thần thời kỳ trước đó. Nhưng có một phân số nhỏ những trí thức bên lề cuộc đối kháng này lại có được những cơ hội ngoài mong đợi để đi vào lịch sử. Trương Vĩnh Ký thuộc số này (Trần Hải Yến. Khởi đầu, hay một đan cài lịch sử, dẫn theo Dương Thu Hằng, 2015, tr. 5 – 6).
(5) Đây là hai câu thơ kinh điển trong bài Nhớ Bắc.
(6) Đề tài Khảo sát, đánh giá, bảo tồn di sản văn học quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX do PGS.TS. Đoàn Lê Giang làm chủ nhiệm, là đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia, 2006 – 2007.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Bình Nguyên Lộc. 1969. Cuống rún chưa lìa. Sài Gòn: Nxb. Lá Bối.
2. Bùi Quang Huy. 2009. Huỳnh Văn Nghệ. Tác giả và tác phẩm. Đồng Nai: Nxb. Đồng Nai.
3. Dương Thu Hằng. 2015. Trương Vĩnh Ký và bước khởi đầu đời sống văn chương Việt Nam hiện đại. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Đoàn Lê Giang. 2011. Văn học Nam Bộ 1932 – 1945, một cái nhìn toàn cảnh.
http://khoavanhocngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&i
d=2305%3Avn-hc-nam-b-1932-1945-mt-cai-nhin-toan-cnh&catid=63%3Avn-hc-vitnam&Itemid=106&lang=vi. Cập nhật ngày 10/9/2015.
5. Nguyễn Hữu Sơn và Phan Mạnh Hùng (biên soạn). 2009. Kiều Thanh Quế – Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Thanh niên.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 9+10 (205+206), 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nghĩ về việc nghiên cứu văn học ở Sài Gòn – Nam Bộ (Tác giả: PGS TS Nguyễn Thị Thanh Xuân) |