Nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua dưới triều Gia Long và Minh Mệnh: Một số giá trị kế thừa
Tác giả bài viết: Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh PHẠM THỊ THU HIỀN
(Học viện Khoa học xã hội)
TÓM TẮT
Quan lại thời quân chủ nói chung và thời Gia Long, Minh Mệnh nói riêng, bên cạnh những đãi ngộ nhận được đều có bổn phận thực hiện những nghĩa vụ đối với nhà vua và dân. Quan trọng trên nhất đó là nghĩa vụ đối với nhà vua, người đứng đầu đất nước. Những yêu cầu mà hai vua đầu triều Nguyễn đặt ra đối với quan lại đó là tận trung, tận tụy và tuân theo quy tắc, pháp luật của Nhà nước. Những quy định trên có ý nghĩa lớn đối với việc đặt ra nghĩa vụ đối với cán bộ, công chức hiện nay.
Từ khóa: Nghĩa vụ, Quan lại, Minh Mệnh, Gia Long.
ABSTRACT
Like in any other monarchy, in parallel with benefices in kind, mandarins in Gia Long and Minh Menh dynasties were significantly obligated to fulfill their duties to their king and people as well. Of utmost importance was the duty to the King as head of state. Dedication, devotion and obedience to the laws and rules of the State were essentially imposed by the two first kings of Nguyen dynasty on their mandarins. Today, such qualities have proved valuable references for setting duties of public officials and staffs.
Key words: Duties, Mandarin, Minh Menh, Gia Long.
x
x x
1. Nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua dưới triều Gia Long và Minh Mệnh
Vua Gia Long và Vua Minh Mệnh khi lên ngôi bổ nhiệm quan lại đều nhằm mục đích công vụ, phụng sự đất nước và dân chúng. Bằng nhiều phương thức tuyển dụng khác nhau, căn cứ vào tài đức, năng lực mỗi người, nhà vua sẽ cất nhắc bổ nhiệm quan lại vào một vị trí nhất định. Khi giao đảm nhận chức vụ nhất định, với tinh thần Chính danh của Nho giáo, vua Gia Long và Vua Minh Mệnh chuẩn định, quan lại “ai nấy đều phải giữ đúng nhiệm vụ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 4: 439), đặc biệt là nghĩa vụ đối với nhà vua, người đứng đầu bộ máy nhà nước quân chủ.
a. Các nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua
Thứ nhất, quan lại cần minh trung đối với vua
Với tư cách là người giúp việc cho nhà vua, nghĩa vụ được đặt ra trước nhất đối với bề tôi là “phụng thờ vua phải theo trung” (Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong, 2003: 156). Vua Gia Long và Vua Minh Mệnh đều cho rằng, đem lòng trung thờ vua là chức phận của bề tôi, khi làm việc công phải quên tình riêng, không kiêng người thân, không tránh kẻ thù để xứng đáng với chức vụ mà vua đã phó thác (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 5: 92, 95).
Vua Minh Mạng từng dụ rằng: “Bề tôi đối với vua cũng như con đối với cha, tình rất tương thân, phàm việc đều được bày tâu, trẫm không vì lời nói mà bắt tội người” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 5: 31). Mặt khác, nếu các quyết định của nhà vua chưa hợp lý, quan lại cần can gián bằng lời nói thẳng để giúp vua sửa đổi bởi điều đó thể hiện “nghĩa vua tôi cùng nhau khuyên răn, tìm ra chính trị hay thấu triệt dân chúng, đưa lại thịnh trị” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1994, tập 1: 209). Đồng thời, điều 2, quyển II, phần Danh lệ và điều 1, 2, 4, 5, 10, quyển XII, phần Đạo tặc quy định quan lại phạm bốn tội trong Thập ác tội(*) xâm phạm đến hoàng quyền: mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, đại bất kính áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình và những người thân sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Bởi khi quan lại làm phản và làm việc đại nghịch, hay mưu phản lại nước mình, việc làm tuy có khác nhưng cái lòng không giữ đạo làm tôi chỉ là một.
Thứ hai, quan lại cần tận tụy và có trách nhiệm trong công việc
Theo Nho giáo, quan lại khi thờ vua thì phải tận tâm tận lực, làm tốt chức trách của mình, không trễ nải (Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong, 2003: 178, 354). Các quan lớn nhỏ trong triều cần đêm ngày chăm chỉ để giúp vua trị nước bởi theo Vua Minh Mệnh, “trẫm vốn không phải tư chất thánh trí, nhưng biết tự cố gắng sửa mình, cho nên gặp việc không việc gì là không làm xong, bọn ngươi nên biết cố gắng vì nước” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 5: 356). Nếu các quan cơ sự biếng nhác, nhà vua cho phép các quan tấu hặc lẫn nhau.
Đồng thời, quan lại khi thực thi công vụ cần giữ thái độ cẩn thận, có trách nhiệm để tránh xảy ra sơ suất và nhầm lẫn. Vua Minh Mệnh từng khiển trách Hình bộ Tham tri Lê Bá Phẩm trong việc áp dụng hình phạt đối với người tù rằng: “Ngươi là hình quan mà không biết nên xét cẩn thận. Người không phải là gỗ đá sao không nghĩ đến sự đau đớn của người ta” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 5: 952). Bề tôi đều là chân tay, tai mắt của nhà vua, do vậy quan lại cần nên chung lòng giúp nước, hợp trí tuệ, không được đẩy sự khó nhọc cho người khác. Dân gian có lưu truyền, tại công đường Nha đê chính, ở cử nam thành Hà Nội, Lê Đại Cang đã treo hai câu đối “Đê tồn Cang tại/Đê hoại Cang vong” cho thấy rõ trách nhiệm của một vị quan hộ đê.
Bên cạnh đó, quan lại phải hoàn thành công việc đúng thời hạn, không chậm trễ “vì lẽ trước phải siêng năng sau mới được hưởng thịnh” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1994, tập 1: 206). Hai vua đã chuẩn định một số quy định về thời hạn giải quyết công văn, giấy tờ, kiện tụng, thu thuế… Ví dụ, đối với tấu sớ, sổ sách, văn án do các địa phương gửi tới Lục bộ: những việc thuộc loại quan trọng, khẩn yếu trong 1 ngày; việc cần được kê cứu hạn trong 3 ngày; việc có số mục hơi nhiều và đáng phải tư cho các nha kê cứu hạn trong 10 ngày (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 5: 582).
Trong kiện tụng, Vua Gia Long chuẩn định: việc nhân mạng trộm cướp hạn 3 tháng, việc hộ hôn, ruộng đất, tiền của, đánh nhau hạn 2 tháng, còn việc kiện vặt thì hạn 1 tháng, đều lấy ngày người bị cáo đến hầu xét làm đầu (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 5: 520)…
Thứ ba, quan lại cần công chính trong thi hành công vụ
Nho giáo rất coi trọng cái đức của người quân tử, đặc biệt là đức Liêm bởi “Liêm đứng đầu lục kế”(*). Vua Minh Mệnh trong tờ dụ năm 1832 viết “một mực giữ lòng công bằng trung trực, không được nể nang đùn đẩy”(**), “bề tôi làm việc, nhầm lẫn thì có thể tha, tham nhũng thì không khoan thứ được. Bọn các ngươi phải gắng giữ mình trong sạch, chớ để mất danh dự” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 2: 87). Hoàng Việt luật lệ có các điều 6, 12, 15, 21, quyển VIII chương Kho tàng, điều 1, 3, 4, 5, quyển XVII chương Nhận hối lộ quy định quan lại nhận tiền của hay lạm dụng tiền nhà nước trong thực thi công vụ thì tính hết tang vật mà định tội, bị truy thu bằng sắc, bãi chức. Do vậy, hai vua khẳng định “Quan lại tham nhũng là giặc sâu mọt của dân” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1994, tập 1: 269), là một trong những căn nguyên gây nên những “mối họa” như làm hỏng pháp luật (Hàn Phi, 2005: 111, 112) và kho nhà nước trống rỗng mà quan đại thần nhiều của cải… thì có thể mất nước (Hàn Phi, 2005: 144).
Thứ tư, quan lại khi thực thi công vụ cần tuân theo quy tắc và pháp luật
– Quan lại cần tuân theo nghi lễ đại triều, thường triều, đình nghị: mỗi tháng đại triều 2 ngày mồng 1 và ngày Rằm, thường triều 4 ngày là mồng 5, 25, 11, 21, tâu việc 9 ngày mồng 3, 13, 23, 7, 17, 27, 9, 19, 29; đình nghị 4 ngày là 2, 8, 16, 24 (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 2: 208).
– Trong tuyển chọn quan lại, theo quy định của Hoàng Việt luật lệ, điều 2, 4, 6, 7, quyển IV, chương Lại luật, quan lại cần tuân theo các quy định: không được tự ý tuyển dụng quan lại, không được lạm đặt quan lại; phải tiến cử người xứng đáng; không được phép tuyển dụng quan lại đã mắc tội (Viện Sử học, 2009: 368). Đồng thời, mỗi khi triều đình tổ chức khoa thi tuyển chọn nhân tài, hai vua đều đặt yêu cầu “chí công, chí minh, không được thiên tư” đối với quan lại làm nhiệm vụ trường thi (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 2: 142).
– Đối với tài sản thuộc của công, quan lại không được phép mượn để sử dụng. Quan lại mà tự tiện sử dụng xe, thuyền công vào làm việc riêng thì đều phạt 50 roi (Viện Sử học, 2009: 422, điều 10, quyển VI, chương Ruộng đất), hoặc nếu giám thủ, chủ thủ đem các loại tiền lương của nhà nước mượn riêng hay chuyển cho người khác vay mượn thì đều tính theo tang vật mà xử vào tội giám thủ tự lấy trộm (Viện Sử học, 2009: 460, điều 7, quyển VIII, chương Kho tàng), hay các đồ vật khác thuộc của công đều xử phạt 50 roi (Viện Sử học, 2009: 461, điều 8, quyển VIII, chương Kho tàng).
– Trong quan hệ hôn nhân và gia đình: Quan lại ở các phủ, châu, huyện không được phép lấy phụ nữ của dân sở tại làm thê thiếp (Viện Sử học, 2009: 438, điều 10, quyển VII, chương 3). Quy định này trong Hoàng Việt luật lệ thể hiện sự tiếp thu, kế thừa trong Quốc triều hình luật thời Lê với mục đích đảm bảo khách quan trong quá trình thực thi công vụ. Quan lại được coi là “phụ mẫu chi dân”, do đó chức trách của quan lại là giáo hóa dân. Vì vậy, quan lại luôn phải có tư cách đạo đức tốt. Điều 6, quyển XVIII chương Phạm gian quy định quan lại không được phép gian dâm với vợ con của dân nơi sở thuộc thì bị xử bãi chức bởi “quan lại đối với quan dân có bổn phận trông nom xem xét” (Viện Sử học, 2009: 880) thì không có phẩm hạnh và tư cách để cai trị, giáo hóa dân; đồng thời, quan lại không được phép nuôi con hát trong nhà bởi “con hát là hạng đàn bà có nghề hát xướng, là hành vi có tì vết” (Viện Sử học, 2009: 882, điều 9, quyển XVIII, chương 11).
– Trong lĩnh vực xét xử: Hai vua nêu cao vai trò của hình pháp bởi “hình pháp là để cầm người ác, răn người gian vì dân trừ hại… có quan hệ trực tiếp đến sinh mạng con người” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1994, tập 2: 342-343), vì vậy, quan lại làm nhiệm vụ xét xử cần tuân theo những quy định, trình tự xét xử mà pháp luật đặt ra. Do đó, trong xét xử, quan lại cần: dựa theo cáo trạng để xét hỏi (Viện Sử học, 2009: 939, điều 12, quyển XIX, chương Đoán ngục); không được phép thêm bớt tội; cần tuân theo trình tự xét xử; tuân thủ chặt chẽ quy định về khám nghiệm tử thi; khi định tội và xét tội cần dẫn luật (Viện Sử học, 2009: 964, 971, điều 1, 3, 4, 5, 7, quyển XX, chương Đoán ngục); không được chậm trễ giam cầm tù nhân, không được trợ giúp giải thoát tù nhân; không được phép xúi giục tù nhân phản cung (Viện Sử học, 2009: 964, 971, điều 1, 3, 4, 5, 7, quyển XX, chương Đoán ngục). Mặt khác, trong việc hình ngục, theo Vua Minh Mệnh cần “tốc do phạt”(*) và “bất lưu ngục”(**), phải xét cho công minh và cẩn thận, không thiên vị (Quốc sử quán triều Nguyễn, 1994, tập 2: 358), nếu trái phép riêng tư, xử đoản không hợp thì cho bãi chức; đồng thời, theo năm phép nghe(***).
Mặt khác, để đảm bảo khách quan trong hoạt động công vụ, các quan chức cần tuân theo Lệ hồi tỵ(****). Thời Vua Minh Mạng trị vì từ năm 1822 đến năm 1837, Luật Hồi tỵ đã được ban bố với nội dung sau:
– Các quan viên ở thành, doanh, trấn về kinh vào chầu thì chuẩn cho từ Tham biện trở lên được dự Đình nghị. Nếu trong khi đang bàn, gặp có việc can thiệp đến địa phương mình thì phải xin tránh mặt (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập: 3: 390-393).
– Các lại dịch ở các bộ, các nha môn trong Kinh và ngoài các tỉnh, hễ có bố, con cùng anh em ruột, anh em chú bác cùng làm ở một bộ đều phải trích ra đổi bổ đi nha môn khác (trừ hai ti Chiêm hậu coi về lịch, Hiệu lễ sinh coi về lễ nghi, viện Thái y chuyên chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không áp dụng) (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập: 3: 391).
– Thông phán, kinh lịch ở hạt mình phải đổi đi hạt khác (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập: 3: 391).
– Những chức tri sự, lại mục phủ, huyện ở các tỉnh có người cùng hạt thì đều đổi đi nơi khác (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 391).
– Lại mục, thông lại các nha thuộc hạt, phủ, huyện ai là người cùng làng, cùng những người làm ở nha đã hơn 3 năm trở lên thì chuyển bổ đi nha khác, ai là quê ở cùng phủ huyện cũng cho chuyển bổ (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 3: 391).
– Quan lại có quan hệ với người kiện tụng, như họ hàng thân thuộc, thông gia với nhau, thầy thụ nghiệp cũ hoặc trước đó có thù hằn hiềm khích thì đều cho đưa công văn xin hồi tỵ (Viện Sử học, 2009: 806).
– Nhân viên dự phái việc trường thi như có họ thân chú, bác anh em cậu cháu cùng một nhà cũng chuẩn cho kiêng tránh cả để giữ nghiêm trường quy (Nội các triều Nguyễn, 1993, tập 7: 223).
Đồng thời, theo điều 12, 13, quyển IV, chương Quy chế quan chức trong Hoàng Việt luật lệ, quan lại có nghĩa vụ không được tư vị, câu kết bè đảng để lũng đoạn triều chính. Nếu có sự cấu kết giữa các quan viên thì tất cả bè đảng đều bị chém, vợ con bị bắt làm nô tỳ và tài sản sẽ bị tịch thu đem sung công. Ngoài ra, theo điều 3, quyển XVIII, chương Tạp phạm quy định: Quan lại đánh bạc “thì làm sao trị được người” (Viện Sử học, 2009: 884) nên nếu mắc phải sẽ bị xử phạt 90 trượng. Năm 1805 và 1820, Vua Gia Long và Vua Minh Mệnh định rõ người có quan chức nấu rượu hay uống rượu, phạm vào việc hút thuốc hay buôn bán thuốc phiện thì phải cách chức (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 1: 482 và tập 2: 77).
b. Cơ chế đảm bảo thực thi nghĩa vụ của quan lại
Nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của đội ngũ quan lại, nhà Nguyễn xây dựng một cơ chế giám sát một cách hết sức chặt chẽ. Mục đích của hoạt động giám sát là xét tư cách đạo đức và năng lực chuyên môn của quan chức trong quá trình thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Ngoài việc giám sát thông qua lời dụ, răn của nhà vua và hệ thống pháp luật, nhà Nguyễn còn giám sát hoạt động của quan lại thông qua cơ quan giám sát chung là Đô sát viện. Với thẩm quyền lớn do sự sáp nhập Lục khoa vào Ngự sử đài, Đô sát viện thời Nguyễn đã hoạt động hiệu quả hơn, kịp thời phát hiện và trừng phạt những hành vi sai trái của quan lại trong quá trình thực thi công vụ. Quốc sử di biên có chép vụ việc: Nguyễn Ngọc làm quan Giám khảo cùng với sơ viện Nguyễn Bá Cung câu kết với nhau sửa đổi văn tự trong bài thi của thí sinh người Nhân Mục, đốt cháy quyển thi của thí sinh người Phúc Lâm bị quan Ngự sử vạch tội và giáng cấp (Phan Thúc Trực, 2010: 526).
Ngoài ra, nhà Nguyễn còn thiết lập thêm một số hình thức giám sát khác như: Kinh lược sứ, thỉnh an của quan đứng đầu cấp tỉnh… Đặc biệt, trao cho quan lại quyền “hặc tấu” đã giúp nhà vua giám sát cao độ hoạt động công vụ của quan lại. Bên cạnh đó, để giám sát đạo đức của quan lại cũng như nghĩa vụ của bản thân trong quá trình thực thi công việc, nhà Nguyễn đã tiến hành “khảo hạch”(*). Thông qua đó, hai công cụ hữu hiệu là thưởng và phạt được hai nhà vua sử dụng đã không chỉ khẳng định quyền lực của nhà vua mà còn khuyến khích được quan lại tận trung, tận tụy với công việc. Vua Minh Mạng từng nêu rõ: “chính thể lớn của Nhà nước là thưởng và phạt, thưởng đáng công, phạt đáng tội, thì người có công phấn khởi, mà người có tội biết răn chừa” (Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, tập 2: 51). Do vậy, “việc thưởng thì không gì bằng thưởng hậu và chắc chắn… việc phạt thì không gì bằng phạt nặng và dứt khoát… Nhà vua ban thưởng thì không đổi, đã trừng phạt thì không tha. Lấy tiếng khen để bổ sung cho điều thưởng, lấy chê bai kèm theo điều phạt thì người hiền, kẻ hư hỏng đều dốc hết sức mình” (Hàn Phi, 2005: 547-548).
2. Một số giá trị kế thừa
Những nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua thời Gia Long và Minh Mệnh có thể được coi là kim chỉ nam trong việc xây dựng cán bộ công chức hiện nay. Hai vua đầu triều Nguyễn rất coi trọng việc bài trừ hiện tượng kéo bè kết đảng, tham nhũng, nếu quan lại phạm phải thì sẽ bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình và những người thân trong gia đình đều liên đới chịu trách nhiệm. Phần khác, do ảnh hưởng của quan điểm Nho giáo, Vua Gia Long và Vua Minh Mạng luôn đề cao yếu tố đạo đức trong hoàn thiện nhân cách của quan lại bởi quan lại không chỉ quản dân mà còn là tấm gương cho dân học theo. Những quy định này nên chăng cần “ôn cố nhi tri tân” để nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ công chức và có các biện pháp nghiêm minh, triệt để hơn nữa đối với các hiện tượng tham nhũng được coi là “sâu mọt” hại dân hại nước.
Đồng thời, để hạn chế tình trạng kéo bè kết đảng cần thực hiện triệt để và có hệ thống hơn nữa lệ “hồi tỵ” trong việc bổ nhiệm cán bộ công chức hay thực thi các công vụ của nhà nước giao. Bởi chính sách hồi tỵ là sự thể hiện rõ nét sự am tường, tinh hiểu của ông cha về văn hóa, lối sống cũng như những nguy cơ tiềm ẩn từ quan hệ thân thuộc, đồng hương, thầy trò… Chính sách này là phương sách phòng ngừa tiêu cực khá hữu ích trong bộ máy quan lại.
3. Kết luận
Tóm lại, có thể thấy, dưới triều Gia Long và Minh Mệnh, khi nhận được sự đãi ngộ lớn từ phía triều đình, quan lại cũng cần phải có ràng buộc với nhà vua bằng các nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm. Quan lại được tuyển chọn bằng đức và tài do vậy, trong quá trình thực thi công vụ cũng cần đến hai tiêu chí đó để làm tròn bổn phận của người bề tôi trung thành, một “phụ mẫu” có trách nhiệm và là tấm gương cho dân, đồng liêu. Các quy định trên đã tạo ra một trật tự quan lại có thứ bậc, quy củ với nguyên tắc dựa vào việc làm, kết quả công việc để đánh giá quan lại, đồng thời giúp phát hiện, trừng phạt những hành vi sai trái của quan lại.
Như vậy, với bổn phận là người thừa hành công vụ, quan lại cần tuân theo các quy tắc, định lệ mà nhà nước đặt ra. Việc quy định những nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua dưới triều Gia Long và Minh Mệnh là cơ sở đảm bảo cho nền hành chính hanh thông và trong sạch. Những quy định đó, đặc biệt là lệ hồi tỵ, phòng gian đảng hay tư tưởng trung quân vẫn có ý nghĩa lớn đối với việc quy định nghĩa vụ của cán bộ công chức hiện nay với Nhà nước.
_________
(*) Là một chế định kinh điển trong pháp luật phong kiến Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam và quy định rõ trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ. Thập ác tội là 10 trọng tội lớn gồm: Mưu phản, mưu đại nghịch, mưu phản bội, ác nghịch, bất đạo, đại bất kính, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nổi loạn…
(*) Lục kế: kinh chu lễ chép 6 việc (kế) để quan sát quan lại: 1. Liêm thiện; 2. Liêm năng; 3. Liêm kính; 4. Liêm chính; 5. Liêm liêm (thanh bạch); 6. Liêm biện (phân biệt điều phải điều trái).
(**) Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 309.
(*) Tốc do phạt: Phạt thật nhanh chóng.
(**) Bất lưu ngục: đừng xử ngục chậm.
(***) Năm phép nghe: Tức ngũ thính, hình quan lấy năm cách xét là xét lời nói, nét mặt, hơi thở, tai và mắt.
(****) Hồi tỵ: Tránh đi, Lánh đi.
(*) 3 năm tiến hành một kỳ sơ khảo vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, viên quan nào đã qua được 3 kỳ sơ khảo thì được tiến hành thông khảo.
Tài liệu tham khảo
1. Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong (2003), Tứ thư, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
2. Hàn Phi (2005), Hàn Phi Tử, Nxb. Văn học, Hà Nội.
3. Phan Thúc Trực (2010), Quốc sử di biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, 15 tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, 3 tập, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Chính biên, từ tập 1 đến tập 5, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
7. Viện Sử học (2009), Cổ luật Việt Nam: Quốc triều hình luật và Hoàng Việt Luật lệ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
Nguồn: Thông tin Khoa học xã hội, số 1/2018
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nghĩa vụ của quan lại đối với nhà vua dưới triều Gia Long và Minh Mệnh: Một số giá trị kế thừa (Tác giả: ThS. NCS. Phạm Thị Thu Hiền) |