Nghiên cứu Đông Nam Á: Hướng đến một kết mạng khu vực mở(1)
Tác giả bài viết: CAROLINE SY HAU(2)
Chuyển ngữ: BÙI THẾ CƯỜNG(3)
Hơn mười lăm năm trước, trong bài giảng tưởng nhớ Frank Golay ở Đại học Cornell, học giả nổi tiếng Ruth McVey nhận xét Đông Nam Á học ở Hoa Kỳ bị suy giảm đúng vào lúc Đông Nam Á đang ngày càng toàn cầu hóa và ngày càng trở thành quan trọng đối với Hoa Kỳ (McVey and Reynolds, 1998, tr. 37-38). Trong thời kỳ cắt giảm ngân sách và chịu áp lực phải thể hiện ý nghĩa của nghiên cứu khu vực (area studies) đối với các ngành hàn lâm khác, và đối với nhà nước cũng như công luận nói chung, McVey kêu gọi suy nghĩ lại về Đông Nam Á học. Mượn lời McVey, “Không phải Đông Nam Á là đối tượng nghiên cứu của chúng ta, mà người Đông Nam Á là chủ thể của nó” (tài liệu đã dẫn, tr. 53). McVey phê phán cách thiết lập các chương trình nghiên cứu Đông Nam Á ở Hoa Kỳ có tính chất cạnh tranh giành tài trợ và uy tín. Bà biện hộ cho việc tăng cường hợp tác và kêu gọi người Đông Nam Á hướng đến mạng lưới hơn là tổ chức, và những mạng lưới này về nguyên tắc cần mang tính toàn cầu hơn là tính khu vực và quốc gia (tài liệu đã dẫn, tr. 54).
Giờ đây, tầm nhìn của McVey về mạng lưới giữa các tổ chức nghiên cứu Đông Nam Á đã và đang nở rộ. Và trên thực tế nó không còn giới hạn trong các nước phát triển nữa. Một phát triển quan trọng trong vài thập niên qua, nhất là từ những năm 1990 đến nay, là cái mà các nhà nghiên cứu khu vực gọi là “sự phi trung tâm hóa” nghiên cứu Đông Nam Á khỏi một số ít viện nghiên cứu hàng đầu ở Tây Âu, nhất là ở Hoa Kỳ, Úc và Nhật, chuyển sang nhiều tụ điểm phức hợp, kết nối nhau kiểu mạng lưới, ở cấp độ toàn cầu cũng như khu vực. Những trung tâm mới – có nghiên cứu Đông Nam Á và thường đặt trong khuôn khổ nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương hoặc nghiên cứu Châu Á – không chỉ xuất hiện ở Trung Hoa lục địa, Hàn Quốc, Đài Loan và Hongkong. Chúng còn xuất hiện ở ngay Đông Nam Á, bắt đầu từ thập niên 1970 và ngày càng nhiều trong thập niên 1990, ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines. Giờ ta đang chứng kiến thành quả của sự tăng trưởng toàn diện, không chỉ những kết quả nghiên cứu chất lượng cao từ các nhà Đông Nam Á học tiếp cận toàn vùng, mà cả từ các nhà Đông Nam Á học nghiên cứu những nước Đông Nam Á khác không phải nước mình hoặc các cộng đồng lưu tán.
Từ lâu các chuyên gia Đông Nam Á đã ý thức được về tính kiến tạo chủ quan (constructedness) về “Đông Nam Á” với tính cách là một hệ thống địa lý, kinh tế và đa văn hóa, với tính cách là một lĩnh vực nghiên cứu và đơn vị phân tích để đặt ra những câu hỏi và phương pháp luận, và với tính cách là một không gian định chế. Dù như vậy song không ainghi ngờ rằng liên kết kinh tế và sự đậm đặc ngày càng tăng những dòng lưu chuyển, trao đổi và tương tác của con người, hàng hóa, ý tưởng và định chế trong khu vực này đã tăng cường sự hiểu biết và nhận diện về vùng, nếu chưa phải là ý thức và bản sắc, trong người dân. Tuy nhiên, sự gần gũi địa lý không bảo đảm cho người dân ở Đông Nam Á có thể biết nhiều hơn, chưa nói đến học hỏi nhiều hơn về nhau, so với biết và học hỏi chẳng hạn về Anh quốc, Hoa Kỳ hay Úc. Nhưng nghiên cứu Đông Nam Á đang trở nên toàn cầu hóa theo nghĩa có nhiều cơ hội hơn cho không chỉ lưu chuyển con người mà cả tri thức nữa (như Carlo Bonura và Laurie Sear đã nhận xét [2007]). Thêm nữa, di dân quốc tế trong quá khứ cũng như hiện nay đã tạo nên ở Hoa Kỳ và Châu Âu những cộng đồng có mối liên hệ huyết thống, biểu tượng, văn hóa và vật chất với Châu Á và Đông Nam Á. Điều này dẫn đến mối quan hệ gần gũi nhưng cũng phiền toái giữa nghiên cứu vùng và nghiên cứu Mỹ-Á (người Mỹ gốc Á) theo nghĩa cá nhân, định chế và khái niệm. Goh Beng-Lan mới chủ biên cuốn sách Decentering and Diversifying Southeast Asian Studies: Perspectives from the Region (Phi trung tâm hóa và đa đạng hóa Đông Nam Á học: Nhìn từ khu vực). Cuốn sách này kêu gọi vun trồng những hình thức “suy nghĩ từ Đông Nam Á và về Đông Nam Á” (2011, tr. 13) để có thể phát triển “những quan điểm lý thuyết nhằm kích hoạt và tương tác lẫn nhau giữa cái toàn cầu và cái địa phương, cái bên trong và cái bên ngoài, cái cũ và cái mới, trung tâm và ngoại vi, cái ổn định và cái không ổn định, v.v.” (tài liệu đã dẫn, tr. 9).
Ý tưởng về một Đông Nam Á học được thực hiện bởi chính người Đông Nam Á cũng như bởi các học giả ngoài khu vực để mở rộng và làm sâu sắc mạng lưới nhân lực và tổ chức, kết nối và phối hợp hoạt động ở cấp độ địa phương, quốc gia, vùng và toàn cầu. Ý tưởng về một Đông Nam Á học như thế đang trở thành hiện thực. Với sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 và vai trò thiết yếu của ASEAN với tính cách là một tụ điểm hành động vùng trong khu vực Đông Á và Châu Á – Thái Bình Dương, thì những sáng kiến và nỗ lực nối mạng cá nhân và tổ chức sẽ chỉ ngày càng tăng lên. Chúng ta cần những nỗ lực toàn vùng chặt chẽ hơn để thúc đẩy các nghiên cứu Đông Nam Á và những tầm nhìn nổi lên từ bên trong vùng này.
Khi kết nối nhau tốt hơn, ta sẽ tìm ra cách học hỏi lẫn nhau, và đương đầu với những thách thức tương tự trong những bối cảnh khác nhau. Tài trợ bao giờ cũng là vấn đề. Tăng cường hợp tác và trao đổi cũng là vấn đề. Xác định chương trình nghị sự cho nghiên cứu Đông Nam Á ở cấp độ địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu là một vấn đề khác nữa.
Để khởi sự, phải chấp nhận thực tế là tuy chúng ta nói về những thách thức và vấn đề chung, nhưng tiếp cận rất khác nhau. Chúng ta đến từ những địa phương khác nhau, với lịch sử đặc thù, văn hóa và xã hội đa dạng, dùng ngôn ngữ khác nhau, và không phải bao giờ các ưu tiên và chương trình nghị sự cũng có thể hội tụ. Với một số nhà nghiên cứu, nhất là từ Hoa Kỳ nghiên cứu Đông Nam Á bị để bên rìa là một thực tế. Trong khi đó, với các nhà nghiên cứu ở Nhật, Hàn Quốc và Đông Nam Á, thì cơ hội tài trợ và thành lập tổ chức lại đang mở ra rộng rãi, do tăng ưu tiên của Nhà nước và đầu tư tư nhân. Một số học giả thì ưu tư về đóng góp của Đông Nam Á học đối với tri thức phổ quát. Một số khác lại tìm cách tận dụng tốt hơn những nghiên cứu trong khuôn khổ quốc gia hay bản địa. Với một số cơ quan, nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương hay nghiên cứu Châu Á tỏ ra là khuôn khổ địa lý thích hợp hơn là Đông Nam Á. Trong khi đó nhiều học giả Đông Nam Á lại chú tâm vào nghiên cứu một nước hay một tiểu vùng. Một số thì than phiền rằng họ biết về các cuộc tranh luận và quan tâm của học thuật “phương Tây” nhiều hơn là các cuộc tranh luận và quan tâm ở nước láng giềng. Một số người kêu gọi đẩy mạnh nghiên cứu đa ngành và nghiên cứu so sánh, một số khác thì lại nỗ lực vượt qua sự chia tách giữa khoa học xã hội với nhân văn, rồi vượt qua cả sự chia tách giữa khoa học tự nhiên với khoa học con người. Một số cho rằng phải thúc đẩy Đông Nam Á học với tính cách là một tư duy và thực tiễn mang tính đối lập. Một số khác lại chủ trương cần làm việc với Nhà nước, cho dù nhiều trở ngại và hạn chế. Làm thế nào để đẩy mạnh kết mạng cá nhân và tổ chức trong nghiên cứu Đông Nam Á?
Làm thế nào để thúc đẩy nghiên cứu liên ngành và so sánh trong lĩnh vực riêng của mỗi người, trong quá trình học hỏi lẫn nhau và học hỏi từ phần còn lại của thế giới? Ta phải suy nghĩ lại như thế nào về những nghiên cứu trong nước để chúng mở hơn và gộp nhập vào khu vực? Có những cách thức hợp tác và cùng làm việc cụ thể nào ở cấp độ cá nhân và tổ chức nghiên cứu? Số chuyên đề này tập hợp một nhóm học giả, đại diện cho tổ chức nghiên cứu của mình, chia sẻ kinh nghiệm và ý tưởng về hiện trạng nghiên cứu Đông Nam Á ở nước mình, về những vấn đề và thách thức mà các học giả cũng như các chương trình và cơ quan nghiên cứu vùng đang phải đối mặt, một mình hay cùng với đối tác, về những sáng kiến và triển vọng hợp tác giữa các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu khu vực ở cấp độ địa phương, quốc gia, vùng và toàn cầu.
(1) Nguyên tác: Caroline Sy Hau.Southeast Asian Studies: Toward an Open Regional Networking. Trong: CSEAS Newsletter. No.68. Autumn 2013, tr. 6-7.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bonura, Carlo and Laurie J. Sear (eds.). 2007. Knowledges that Travel in Southeast Asian Studies. Trong: Knowing Southeast Asian Subjects. Seattle: University of Washington Press.
Goh, Beng-Lan. 2011. Decentering and Diversifying Southeast Asian Studies: Perspectives from the Region. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies. McVey, Ruth and Craig Reynolds. 1998. Southeast Asian Studies: Reorientations. Ithaca: Southeast Asia Program, Cornell University.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội số 4 (212) 2016
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nghiên cứu Đông Nam Á: Hướng đến một kết mạng khu vực mở (Tác giả: Giáo sư CAROLINE SY HAU; Chuyển ngữ: Giáo sư Bùi Thế Cường) |