Nghiên cứu đông nam á ở Thái Lan(1)

Tác giả bài viết: CHARNVIT KASETSIRI(2)
Chuyển ngữ: BÙI THẾ CƯỜNG(3)

     Tôi muốn nói về thực trạng nghiên cứu Đông Nam Á ở Thái Lan, nhưng trước khi làm điều ấy, tôi muốn các bạn lưu ý đến phát biểu của vài học giả về ngành nghiên cứu này.  Trước hết, ta nghe Oliver William Wolters (1915-2000). Năm 1993, trong một hội thảo ở Jakarta, ông nói “đóng góp chủ yếu của nghiên cứu Đông Nam Á ở ngay bên trong khu vực có thể là việc thúc đẩy sự tự ý thức của ta để hỗ trợ cho ta có được hiểu biết tốt hơn về ngày hôm nay. Có lẽ tự ý thức là một nhu cầu cần thiết hơn bao giờ hết trong một thời đại biến đổi lớn” (Wolters 1993). Để bối cảnh hóa nhậnxét trên, xin quay lại năm 1977. Hai năm sau chiến thắng của những người cộng sản ở Campuchia, Việt Nam và Lào, tại một hội thảo về nghiên cứu Đông Nam Á tổ chức tại Kota Kinabalu (Sabah, Malaysia), Thak Chaloemtiarana và Sombat Chantornvong, hai học giả hàng đầu của Đại học Thammasat (Bangkok, Thái Lan) nêu một quan sát thú vị rằng nghiên cứu Đông Nam Á ở Thái Lan có tính địa phương (parochical), nghèo nàn, và “cổ lỗ”. Hàm ý ở đây là nghiên cứu Đông Nam Á ở Thái Lan không tồn tại.

     Cuối thập niên 1980 với sự sụp đổ của khối cộng sản ở phương Tây và những biến đổi ở phương Đông, Thái Lan tăng trưởng kinh tế vượt bậc và trở thành một phần của cái gọi là “thần kỳ Châu Á”. Năm 1991, thay mặt trường, tôi tham dự Hội nghị KyotoThammasat “Tìm kiếm một khuôn khổ hợp tác cho nghiên cứu Đông Nam Á” (“In Search of a Collaborative Framework for Southeast Asian Studies”). Ở đó, tôi đề xuất rằng đang có một nhu cầu cấp thiết và rằng đã đến lúc chín muồi để hành động cho một ngành nghiên cứu Đông Nam Á ở Thái Lan.

     Xin quay lại thập niên 1990. Năm 1995, với tài trợ của Quỹ Nghiên cứu Thái Lan mới thành lập, khoảng 50 học giả và sinh viên từ Đại học Thammasat, Đại học Chulalongkorn và Đại học Sinlapakorn tổ chức một hội thảo và kết luận như sau: “Giờ đây, Đông Nam Á đang ngày càng trở nên một thực thể khu vực. Thực tế ấy đã hoàn toàn được thừa nhận ở các trường đại học ở Singapore, Malaysia, Việt Nam và nhiều nơi khác. Liệu có quá muộn không khi chúng ta thừa nhận nghiên cứu Đông Nam Á là một bộ môn liên ngành xứng đáng nhận được sự chú ý học thuật đầy đủÖ? Phải chăng chúng ta hành động quá muộn?”. Vậy chúng ta, những người Đông Nam Á, có thực sự quá muộn không trong việc nhận ra nghiên cứu Đông Nam Á với tính cách là một lĩnh vực liên ngành xứng đáng để chúng ta quan tâm đầy đủ? Ta hành động quá muộn không? Hãy chuyển nhanh đến năm 2000, vì ta có thể tìm ra câu trả lời trong sự bừng nở đột ngột của nghiên cứu về Đông Nam Á ở một số đại học Thái.

     Chulalongkorn mở đầu bằng một chương trình cao học về nghiên cứu Châu Á, một “chương trình quốc tế”. Nhưng cần nói chính xác về tính từ “quốc tế” ở đây, thực ra hàm nghĩa là chương trình dạy bằng Anh ngữ, thu hút mỗi năm 10-20 sinh viên phần lớn từ nước ngoài và học phí rất đắt. Thammasat cũng mở một chương trình cử nhân, gọi là “đặc biệt”, không qua thi tuyển đầu vào mà chỉ đóng học phí và mức phí cao. Chương trình này có 100 sinh viên đăng ký học mỗi năm. Thammasat được hỗ trợ từ nhiều nhà tài trợ bên ngoài, đặc biệt từ Chính phủ Nhật (qua Bộ Giáo dục), Chương trình hợp tác Đại học (KyotoThammasat Core University Program), Quỹ Toyota, và Chương trình Trao đổi khu vực Nghiên cứu Đông Nam Á thành lập năm 1994 (Southeast Asian Studies Regional Exchange Program, SEASREP).

     Sự bừng nở nói trên cho thấy ở Thái Lan hiện nay dường như có sự dịch chuyển từ “nghiên cứu Đông Nam Á” sang cái có thể gọi là một ‘chuyển hướng’ sang “nghiên cứu ASEAN”: một kiểu thay nhãn (brand). Có ít nhất năm chương trình cử nhân về nghiên cứu Đông Nam Á hoặc nghiên cứu ASEAN, những chương trình này không chỉ ở Bangkok, mà cả ở Chiang Mai, Phitsanulok, Nakhon Sithammarat,… Thú vị là vài trường đổi tên chương trình thành “nghiên cứu ASEAN”, để thu hút sinh viên và cũng để gắn với việc thành lập Cộng đồng ASEAN 2015.

     Cũng có một loạt cụm từ viết tắt quen thuộc khắp Thái Lan. Chúng tôi có Tuyên bố Bangkok (5+5+1). Nếu bạn đang ở Thái Lan, bạn sẽ thấy mọi người thảo luận về “ba chân kiềng của ASEAN”: Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa- xã hội ASEAN (ASCC), với vô số cờ trên khắp Thái Lan, nhất là trong các đại học. Lan truyền chuyện vui rằng giờ ai đó có thể kiếm bộn tiền nhờ bán những lá cờ như vậy. Bên cạnh những chương trình cử nhân nói trên, có năm chương trình cao học và một chương trình tiến sĩ mới thành lập ở Đại học Naresuan, Phitsanulok. Sự bừng nở như thế cũng thấy ở Thammasat. Trường này hiện có một chương trình cử nhân về “nghiên cứu Đông Nam Á” (2000), một chương trình cao học ‘quốc tế’ về nghiên cứu ASEAN mới hình thành (2013), một chương trình nghiên cứu gọi là Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (2011), cộng với một chương trình về nghiên cứu Đông Nam Á (2013). Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao lại có một bừng nở nghiên cứu và đào tạo như vậy?

      Thứ nhất, có sự thúc đẩy mạnh từ ASEAN với chiến dịch tích cực của Tổng Thư ký TS. Surin Pitsuwan (2008-2012). Thứ hai, Chính phủ Thái phản ứng tích cực. Sáng kiến từ nội các của Abhisit (2010-2011) và tiếp tục với nội các của Yingluck từ 2011. Thời nội các Thaksin không có gì (2001-2006). Ta có thể thấy ASEAN đã trở thành một nhãn hiệu mới trong giáo dục phổ thông ở Thái Lan, và được tài trợ từ trên xuống bởi Bộ Giáo dục và Văn hóa. Thứ ba, sự phát triển ấy thấy rõ hơn nếu nhìn vào thống kê (Bảng 1). Dân số tăng, và điều thú vị là số sinh viên cũng tăng từ 2000 đến 2010. Nhưng rõ rệt nhất là sự bừng nở lạ thường trường đại học. Không chỉ ở Thái Lan, mà cả ở Campuchia và Myanmar cũng tăng số đại học tư nhân, cho thấy đây là hiện tượng cả khu vực.

     Nhìn vào Thammasat, Khoa Văn chương (Faculty of Liberal Arts) có Chương trình nghiên cứu Đông Nam Á từ 2000 (không dựa trên kinh phí quốc gia/đại học). Chương trình không đòi hỏi phải qua kỳ thi tuyển quốc gia, có 100 sinh viên đăng ký mỗi năm. Chương trình nhấn mạnh tiếp cận liên ngành và sinh viên bắt buộc phải học một ngôn ngữ Đông Nam Á. Học phí 35.000 bath (1.120 US$) cho mỗi học kỳ, tổng chi phí 4 năm là 280.000 bath (8.950 US$).

     Chương trình hết sức thành công với lượng ứng viên đông đảo. Nó cũng có lợi nhuận. Tiếc rằng nó ít thành công hơn về mặt quản lý và thúc đẩy đội ngũ giảng viên và học giả, chưa nói đến công tác nghiên cứu và xuất bản. Nó phụ thuộc nhiều vào giảng viên không cơ hữu và đã nghỉ hưu (như tôi chẳng hạn), thường phải ‘mượn’ giảng viên trong biên chế của Thammasat. Chương trình chỉ có 4 giảng viên trẻ cho 400 sinh viên. Đây là thực trạng mà phần lớn các trường đang phải đối mặt.

     Khoa Khoa học xã hội ở Đại học Kasetsart cũng có chương trình Đông Nam Á từ năm 2007. Như ở Thammasat, sinh viên có thể vào học trực tiếp và hàng năm có 100 sinh viên. Chương trình nhấn mạnh vào tiếp cận liên ngành, nhưng không yêu cầu bắt buộc phải học một ngôn ngữ Đông Nam Á. Học phí cũng tương tự. Chương trình không có giảng viên chuyên trách, phải dựa vào giảng viên của Khoa.

Bảng 1. Lượng sinh viên và trường đại học ở Thái Lan

TTChỉ tiêu199020002010
1Dân số Thái Lan54 triệu61 triệu (tăng 1,1%)65 triệu (tăng 1,07%)
2Lượng sinh viên271.096292.244 (tăng 1,07%)629.768 (tăng 2,15%)
3Số trường đại họcc 16 (nhà nước)24 (nhà nước)164 (nhà nước và tư nhân)

     Đại học Walailak (Nakhon Sithammarat) có một chương trình cử nhân về nghiên cứu Đông Nam Á, ngành văn chương (Liberal Arts) từ 2002, muộn hơn Thammasat hai năm. Điều lý thú là ban đầu, đây là chương trình nghiên cứu khu vực (area study) và do vị trí ở phía Nam đất nước nên nó nhấn mạnh vào Malaysia và Indonesia, bắt buộc học tiếng Malay. Song đến 2011 tên bằng cấp của nó đổi thành nghiên cứu ASEAN. Nguyên nhân vì dưới cái nhãn nghiên cứu khu vực, số sinh viên đăng ký chỉ còn 10 người mỗi năm. Với tên mới “nghiên cứu ASEAN” con số vọt lên thành 80 sinh viên mỗi năm. Sinh viên có thể vào thẳng hoặc qua kỳ thi tuyển quốc gia. Học phí thấp hơn nhiều so với ở Bangkok, 10.000 bath (1.400 US$) mỗi học kỳ. Chương trình có vẻ tốt, nhưng giống Thammasat, đội ngũ giảng viên là vấn đề. Bắt kịp với xu thế trên, ở Bangkok, Khoa Nhân văn và Khoa học xã hội ở Rajabhat Ban Somdet Chaophraya (Cao đẳng sư phạm) có chương trình nghiên cứu Đông Nam Á từ 2012 với 7 sinh viên năm đầu tiên và 10 sinh viên năm sau đó. Giống phần lớn các trường cao đẳng sư phạm, nó thất bại trong thu hút sinh viên. Vì thế, nó áp dụng cơ chế đăng ký học ‘tự do’ với mức học phí thấp. Chương trình có 3 giảng viên trẻ.

     Từ 2000, Đại học Mahidol có một chương trình quốc tế bằng tiếng Anh nhằm vào sinh viên nước ngoài, những người có học kỳ ở hải ngoại. Đây là chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á và Lịch sử Thế giới hiện đại. Chulalongkorn có một chương trình ‘quốc tế’ về nghiên cứu Đông Nam Á cho sinh viên nước ngoài, có mức học phí cao nhất: 450.000 bath (14,390 US$). Thammasat có chương trình ‘quốc tế’ về nghiên cứu ASEAN học phí 280.000 bath (8.950 US$). Chiang Mai cũng có chương trình nghiên cứu Đông Nam Á học phí 100.000 bath (3.200 US$) cho lớp chính quy và 160.000 bath (5.120 US$) cho lớp mở vào cuối tuần. Walailak có một chương trình chính quy về nghiên cứu Đông Nam Á. Sinlapakorn (Nakhon Pathom) có chương trình Lịch sử Đông Nam Á (chủ yếu cho người Thái).

     Đối với bậc trên đại học, Khoa Khoa học xã hội (Đại học Naresuan ở Phitsanulok) có chương trình từ 2013, hiện có 10 học viên cao học và 6 nghiên cứu sinh. Học phí cho cao học là 30.000 bath (960 US$) mỗi năm, trong khi cho nghiên cứu sinh là gấp đôi. Phải nói mức học phí như vậy không cao nếu so với các chương trình cử nhân ở những nơi khác. Chương trình có 5 giảng viên có bằng tiến sĩ, họ đang thực hiện 10 dự án nghiên cứu do TRF (Quỹ nghiên cứu Thái Lan) tài trợ.

     Như vậy, nhìn vào sự phát triển của nghiên cứu Đông Nam Á trên cả nước, để kết luận, vì sao ta lại thấy bừng nở đến thế? Nhiều chương trình gọi là ‘đặc thù’ hay ‘quốc tế’ có định hướng lợi nhuận hoặc dẫn đến thương mại hóa giáo dục hay không? Còn phải để xem, liệu “tri thức học thuật” nghiên cứu Đông Nam Á giờ ở Thái Lan gọi là nghiên cứu ASEAN sẽ cất cánh hay, như chúng tôi thường nói ở Thái Lan, sẽ “Fai Mai Fang” (fire burning straw, đến rồi đi rất nhanh).

     Từ thảo luận nêu trên, tôi chắc rằng ta khó có thể nói nghiên cứu Đông Nam Á không tồn tại ở Thái Lan. Nó hiện diện, mặc dù mang tính địa phương, một sản phẩm phụ của chính trị thế giới, và bị thúc đẩy từ bên ngoài (bởi Hoa Kỳ và Nhật Bản). Bản thân tôi là một sản phẩm phụ của nền giáo dục Hoa Kỳ. Tuy nhiên, như nói ở trên, cho dù có xuất xứ như thế nào trong thập niên 1960-1970, nghiên cứu Đông Nam Á thập niên 1990 đã trở nên địa phương hóa ở Thái, giống như ở mọi nơi khác trong khu vực. Khoảng năm 2000 ta đã chứng kiến hiện tượng bừng nở nghiên cứu Đông Nam Á hay nghiên cứu ASEAN ở Thái Lan.

     Vậy là ta đã đi trọn một vòng cái điều mà Wolters đặt ra. Nếu đã đến lúc chín muồi cho sự tự nhận thức, như ông đề xuất, thì một nền nghiên cứu Đông Nam Á ở Thái Lan, hoặc ở mức độ lớn hơn, một nền nghiên cứu Đông Nam Á ở Đông Nam Á, cần phải hợp tác rộng rãi hơn. Chưa bao giờ chúng ta thấy những vấn đề chung, xuyên văn hóa như hôm nay. Ở Đông Nam Á, chúng ta có tiềm năng để trở thành tấm gương cho nhau. Chúng ta thấy vấn đề, đồng thời chúng ta có chìa khóa để cùng nhau tìm ra giải pháp.

________
(1) Nguyên tác: Charnvit Kasetsiri. Southeast Asian Studies in Thailand. Trong: CSEAS Newsletter. No. 68. Autumn 2013, tr. 15-17.

Chuyển ngữ: Bùi Thế Cường.

(2) Đại học Thammasat.

(3) Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện nghiên cứu Châu Á Đại học Brunei Darussalam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bonura, Carlo and Laurie J. Sear (eds.). 2007. Knowledges that Travel in Southeast Asian Studies. Trong: Knowing Southeast Asian Subjects. Seattle: University of
Washington Press.

2. Goh, Beng-Lan. 2011. Decentering and Diversifying Southeast Asian Studies: Perspectives from the Region. Singapore: Institute of Southeast Asian Studies.

3. McVey, Ruth and Craig Reynolds. 1998. Southeast Asian Studies: Reorientations. Ithaca: Southeast Asia Program, Cornell University.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7 (215) 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghiên cứu đông nam á ở Thái Lan (Tác giả: CHARNVIT KASETSIRI;
Chuyển ngữ: BÙI THẾ CƯỜNG)