Nghiên cứu LỊCH SỬ và VĂN HỌC VIỆT NAM ở NHẬT BẢN (Phần 2)
NGUYỄN TIẾN LỰC
(Phó Giáo sư. Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG-HCM)
2. Một số đặc điểm trong nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản
2.1. Đóng vai trò trung tâm trong nghiên cứu Việt Nam
Như trên đã nói, trong thời gian gần đây, nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản trở nên đa dạng hơn. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ đạt được những thành công nhất định trong việc nghiên cứu các lĩnh vực như kinh tế, pháp luật, quan hệ quốc tế, nhân học văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, xét về tổng thể và thành tựu thì nghiên cứu lịch sử (bao gồm cả khảo cổ học, dân tộc học) và văn học (bao gồm cả dịch thuật và giáo dục tiếng Việt) vẫn chiếm giữ vai trò trung tâm của Việt Nam học ở Nhật Bản.
So với các lĩnh vực khác, nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam có truyền thống lâu đời, bắt đầu từ thời Edo. Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu nối tiếp nhau xây dựng “học phong” riêng cho ngành mình, đào tạo không biết bao nhiêu nhà khoa học xuất sắc. Các nhà nghiên cứu Việt Nam có tên tuổi đều tập trung ở hai lĩnh vực này. Tiêu biểu là Yamamoto Tatsuro, Sakurai Yumio, Shiraishi Masaya, Furuta Motoo, Momoki Shiro (Sử học), Takeuchi Yonosuke, Kawamoto Kunie, Kawaguchi Kenichi, Tomita Kenji (Văn học).
Những thành tựu các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản có đóng góp to lớn cho sự phát triển Việt Nam học, khích lệ các nhà nghiên cứu Việt Nam nghiên cứu về đất nước mình. Hơn nữa, bằng uy tín của mình, họ đã chủ động hợp tác với các nhà nghiên cứu Việt Nam nghiên cứu chung những mảng đề tài lớn, tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu Việt Nam, đưa nghiên cứu Việt Nam hội nhập với nghiên cứu thế giới. Hoạt động hợp tác giữa các nhà khảo học Nhật Bản và Việt Nam trong điều tra – nghiên cứu ở Bách Cốc do GS Sakurai đứng đầu, gây được tiếng vang lớn trong Việt Nam học quốc tế.
2.2. Có sự phát triển liên tục
Tính liên tục, không đứt đoạn là đặc điểm quan trọng được Furuta Motoo đặc biệt nhấn mạnh trong bài viết của mình về tình hình nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản (Furuta Motoo, 2000, tr.232-235). So với với Việt Nam học ở nước ngoài, thì nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản có sự phát triển liên tục và không đứt đoạn. Nếu như các trường phái Việt Nam học mạnh ở nước ngoài như Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, vì những lý do khác nhau, có sự phát triển không đều, không bền vững thì Việt Nam học ở Nhật Bản, qua các thời kỳ khác nhau vẫn đảm bảo được sự phát triển liên tục.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, với nhiều trường phái khác nhau, việc nghiên cứu Việt Nam ở Nhật Bản vẫn phát triển mạnh mẽ. Các thế hệ nghiên cứu nối tiếp nhau sang Việt Nam học tập, nghiên cứu và khi về nước trở thành nhà nghiên cứu Việt Nam thực thụ. Đặc biệt, sau khi Nhật Bản tái viện trợ cho Việt Nam (1992), làn sóng đầu tư Nhật Bản ào ạt đổ vào Việt Nam, việc học tập và nghiên cứu Việt Nam, trong đó có sử học, có hiện tượng bùng nổ. Chính phủ (Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Khoa học) và các quỹ tài trợ nghiên cứu như Quỹ Phát triển Khoa học Nhật Bản (Nihon Gakujustu Sinkokai-JSPS), Quỹ Toyota, Toshiba, Sumitomo, Suntory,… cũng tích cực ủng hộ việc nghiên cứu Việt Nam cho nên các thế hệ nghiên cứu Việt Nam có điều kiện tiến hành các nghiên cứu của mình ở hiện địa (Việt Nam). Việc nghiên cứu Việt Nam vẫn tiếp tục, không bị gián đoạn hoặc suy thoái như các trường phái Việt Nam học lớn khác trên thế giới.
2.3. Có tính tập thể trong nghiên cứu
Tính tập thể trong làm việc hay tinh thần và kỹ năng làm việc tập thể của người Nhật là “giá trị Nhật Bản” được các học giả trên thế giới đề cập nhiều (Nhiều tác giả, 2008). Trong nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam, các nhà nghiên cứu người Nhật Bản đều thể hiện một tinh thần như vậy. Các công trình nghiên cứu lớn về lịch sử Việt Nam, khảo cứu và dịch thuật về văn học Việt Nam mang đậm công tích và tài năng của tác giả chính nhưng không công trình nào không thể hiện sự đóng góp to lớn của tập thể các nhà nghiên cứu.
Ví dụ, để nghiên cứu Bách Cốc, từ năm 1993 đến 2006, phía Nhật Bản đã huy động đến 200 lượt các nhà khoa học thuộc các thế hệ khác nhau phối hợp với hàng trăm lượt các nhà nghiên cứu, học viên, sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Việt Nam học và Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia.
Muốn huy động một tập thể đông đảo các nhà khoa học tham gia nghiên cứu Bách Cốc thì phải xin tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học Nhật Bản (Nihon Gakujustu SinkokaiJSPS), Quỹ Nghiên cứu Khoa học của Bộ Giáo dục và Khoa học (Kaken) và một phần Quỹ JICA. Để xin được tài trợ của các quỹ đó phải có rất nhiều nhà khoa học đứng ra đại diện cho nhóm nghiên cứu: Tài trợ cho nghiên cứu giai đoạn 1993-1995 là GS Momoki Shiro, Đại học Osaka; 1995-1997 là GS Takada Yoko, Đại học Keiai; 1996-1998 là GS Shimao Minoru, Đại học Keio; 1999-2001 là GS Sakurai Yumio, Đại học Tokyo; 2001-2003 là PGS Matsuo Nobuyuki, Đại học Nagoya Shoka; 2004-2006 là GS Iwai Misaki, Đại học Ngoại ngữ Kanda; 2005-2007 là GS Yao Takao, Đại học Hiroshima;…
Hay trong việc khai quật, bảo quản, lập dự án Hoàng thành Thăng Long trình lên UNESCO, các nhà “Hoàng thành Thăng Long học” đã phối hợp làm việc với nhau một cách kiên trì, liên tục và hiệu quả. Đó là sự hợp tác của GS Aoki Shigeo, Đại học Cyber; GS Shibayama Mamoru, Đại học Kyoto; GS Ueno Kunikazu, Đại học Nara Joshi; GS Nishimura Masanari, Đại học Kansai; TS Nishimura Yasushi, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nara; GS Tsuboi Yoshiharu, Đại học Waseda; GS. Momoki Shiro, Đại học Osaka;…
Hay trong các công trình nghiên cứu, biên soạn từ điển Nhật – Việt, dịch các tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Nhật, chúng ta thấy rất rõ tinh thần làm việc tập thể đó.
2.4. Có tính kế thừa và sáng tạo
Các nhà khoa học Nhật Bản rất coi trọng đào tạo các môn đệ của mình làm người kế tục sự nghiệp nghiên cứu và trường phái nghiên cứu của mình. Trong việc đào tạo chuyên gia nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản cũng như vậy. Như trên đã chỉ rõ, từ nhà Đông phương học hàng đầu, Shiratori Kurakichi đã đào tạo ra nhiều môn đệ nghiên cứu lịch sử theo trường phái Đông Phương học của Nhật Bản, trong đó có ba học trò xuất sắc: Yamamoto, Matsumoto và Fujiwara. Đến lượt mình, Yamamoto đào tạo ra một dàn ngôi sao trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam xuất thân từ Đại học Tokyo. Sakurai nghiên cứu về lịch sử cổ – trung đại; Tsuboi nghiên cứu lịch sử cận đại; Shiraishi nghiên cứu lịch sử cận đại từ đầu thế kỷ XX; Furuta nghiên cứu về lịch sử hiện đại. Nhóm “tứ trụ” và những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cùng thời, trong khi tiếp thu học phái của Yamamoto, họ đã vươn lên tiếp nhận trường phái mới – nghiên cứu khu vực học, cho ra đời những công trình có tiếng vang vượt biên giới Nhật Bản.
Từ “tứ trụ” đó đào tạo ra rất nhiều các nhà nghiên cứu trẻ. Ngoài việc học tập ở Nhật, các nhà nghiên cứu trẻ được gửi đến khắp mọi miền của đất nước Việt Nam, học tiếng Việt, điều tra thực địa, tham gia vào các hoạt động khoa học ở Việt Nam và trưởng thành với tư cách là nhà nghiên cứu Việt Nam. Thế hệ các nhà nghiên cứu Việt Nam ngày nay, theo phân loại của Furuta Motoo, là thuộc thế hệ Việt Nam học thứ 5, rất thông thạo tiếng Việt và họ thích khám phá vào những vấn đề đặt ra trong xã hội Việt Nam đương đại.
2.5. Thượng tôn tư liệu trong nghiên cứu
“Trọng thực” là một đặc điểm trong văn hóa Nhật Bản. Về giáo dục, họ coi trọng “thực học” (Jitsugaku) hơn so với các nước phương Đông khác, chẳng hạn như Việt Nam. Trong nghiên cứu Việt Nam, người Nhật vẫn luôn đặt lên hàng đầu là tư liệu. Ngành Việt Nam học ở Nhật Bản cũng đi theo truyền thống đó.
Ngay từ những thế hệ đầu đầu tiên nghiên cứu sử học Việt Nam theo trường phái Đông Phương học như Matsumoto, Yamamoto, Fujiwara,… họ đã sang Hà Nội, vùi đầu trong hàng núi tư liệu chữ Hán ở Viện Viễn Đông Bác cổ để khảo sát các tư liệu gốc. Tất nhiên, họ là những người chịu ảnh hưởng trường phái Đông Phương học Pháp nhưng họ coi tư liệu gốc về Việt Nam do người Việt để lại là thượng tôn. Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú mà họ khai thác được ở Viện Viễn Đông Bác cổ mà sau này họ có được những công trình có tính kinh điển của sử học Việt Nam ở Nhật.
Thế hệ học trò của các ông được cử sang Việt Nam học tập nghiên cứu. Ngay cả lúc Việt Nam đang còn chiến tranh, các ông đã cử các môn đệ sang cả miền Nam (Shiraishi Masaya) lẫn miền Bắc (Furuta Motoo) để khảo sát một cách toàn diện tình hình Việt Nam. Nhờ vậy mà các công trình của nhóm “tứ trụ” hết sức thuyết phục bởi nguồn tư liệu gốc rất phong phú. Độc giả Việt Nam đã đọc và đánh giá cao nguồn tư liệu phong phú, mới mẽ được sử dụng trong các công trình của các nhà sử học Nhật Bản được dich ra tiếng Việt như cuốn Nước Đại Nam đối diện với với Pháp và nhà Thanh 1847-1885 của Tsuboi Yoshiharu hay cuốn Phong trào dân tộc Việt Nam với Nhật Bản – Châu Á – Tư tưởng cách mạng và nhận thức đối ngoại của Phan Bội Châu của Shiraishi Masaya. Trong lĩnh vực khảo cứu văn học Việt Nam ở Nhật Bản, Đoàn Lê Giang, trong bài viết của mình đã nhiều lần nhấn mạnh tính thượng tôn tư liệu trong các công trình của Takeuchi Yonosuke, Kawamoto Kunie và Kawaguchi Kenichi và coi đó là “học phong” mà các giáo sư truyền cho các môn đệ của mình.
KẾT LUẬN
Như trên đã trình bày, nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có uy tín trong giới Việt Nam học thế giới. Vậy những nhân tố nào góp phần tạo nên thành tựu đó?
Trước hết là vì bản thân lịch sử và văn học Việt Nam có nhiều vấn đề hấp dẫn giới nghiên cứu Nhật Bản. Việt Nam là một dân tộc có văn hiến, có vị thế độc đáo giữa thế giới Trung Hoa và thế giới Đông Nam Á, là nguồn đề tài vô tận cho các nhà nghiên cứu thỏa sức tìm hiểu. Chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh, văn hóa lớn trên thế giới, văn học Việt Nam phong phú về thể loại và có nhiều kiệt tác, đó cũng là những đề tài cho nghiên cứu,… Nghiên cứu về lịch sử và văn học Việt Nam không đơn thuần chỉ là để hiểu biết về Việt Nam mà còn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề của lịch sử và văn học Nhật Bản nữa.
Thứ hai là, như đã trình bày ở trên, nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản có sự phát triển liên tục, có thừa kế và sáng tạo. Thế hệ trước dìu dắt thế hệ sau, thế hệ sau kế tục sự nghiệp của thế hệ trước nhưng phải sáng tạo. Dìu dắt thế hệ sau là dìu dắt vào con đường nghiên cứu thực sự, gửi đến những nơi khó khăn để rèn luyện, gửi đến hiện địa để khai thác tư liệu gốc, làm cơ sở cho nghiên cứu sau này. Một điểm rất đáng lưu ý, như Federic Roustan chỉ ra là mặc dù giới nghiên cứu Việt Nam có nhiều trường phái và mỗi thời kỳ khác nhau thì có trường phái chiếm ưu thế nhưng các trường phái không bài trừ lẫn nhau, ngược lại, họ cố gắng tiếp thu những điểm tốt từ các trường phái khác trong nghiên cứu của mình.
Thứ ba là, các nhà nghiên cứu Nhật Bản thuận lợi hơn so với các nước phương Tây là họ có khả năng nắm bắt nhanh hơn nguồn tư liệu chữ Hán, môt bộ phận tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam. Họ cũng có ưu thế hơn các quốc gia Đông Á khác vì họ có tiềm lực kinh tế mạnh từ chính phủ, các quỹ phát triển khoa học và từ các công ty để tiến hành học tập, nghiên cứu ở Việt Nam. Chính phủ (Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Khoa học) và các quỹ tài trợ nghiên cứu như Quỹ Phát triển Khoa học Nhật Bản (Nihon Gakujustu Sinkokai-JSPS), Quỹ Toyota, Toshiba, Sumitomo, Suntory,… cũng tích cực ủng hộ việc nghiên cứu Việt Nam cho nên các thế hệ nghiên cứu Việt Nam có điều kiện để tiến hành các nghiên cứu của mình ở hiện địa (Việt Nam), để dịch thuật và in ấn các tác phẩm văn học xuất sắc của Việt Nam ở Nhật. Việc nghiên cứu Việt Nam vẫn tiếp tục, không bị gián đoạn hoặc suy thoái như các trường phái Việt Nam học lớn khác trên thế giới.
Các công trình nghiên cứu về lịch sử và văn học Việt Nam ở Nhật Bản mà chúng tôi đã giới thiệu quả thực là những công trình xuất sắc. Tuy nhiên, dường như nghiên cứu của họ chưa được biết đến rộng rãi trên thế giới. Điều này có lý do của nó: các nhà Việt Nam học của Nhật Bản rất mạnh trong nghiên cứu thực địa, trong sưu tập và phát hiện tài liệu mới, trong khảo cứu cẩn thận tài liệu cổ nhưng họ ít có những ý tưởng mới và thứ hai là dù họ công bố rất nhiều luận văn, sách chuyên khảo về Việt Nam rất có giá trị nhưng việc công bố nó bằng cách ngôn ngữ quốc tế như tiếng Anh, tiếng Pháp thì còn rất hạn chế (Roustan, Federic, tư liệu số 7). Đó là điều đáng tiếc và là vấn đề lớn đặt ra cho giới nghiên cứu lịch sử và văn học Việt Nam tại Nhật Bản.
TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Đoàn Lê Giang (2010), “Dịch văn học Việt Nam ở Nhật Bản”, http://khoavanhocngonngu.edu.vn, ngày 05/11/2010.
2. Furuta Motoo (1987), “Japanese Research on Vietnam”, Social Science, Japan, No.8, January, pp.18-19.
3. Furuta Motoo (2000), “Nihon ni okeru betonamu kenkyu (Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản)” in trong Kimura Hiroshi, Nihon-Betonamu kankei wo manabihito no tame ni (Những bài học về quan hệ Nhật Bản – Việt Nam), Tokyo, Sekai Shissosha. Bản tiếng Việt: “Tình hình nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản, Những bài học về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, NXB Thống kê, Hà Nội, 2005.
4. Kawaguchi Kenichi (2010), “Văn học Việt Nam ở Nhật Bản”, Kỷ yếu Hội thảo Nhật Bản và Tiểu vùng song Mekong – Mối quan hệ lịch sử, TP Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Tiến Lực (2010), Minh Trị duy tân và Việt Nam, NXB Giáo Dục Việt Nam.
6. Nhiều tác giả (2008), Những giá trị Nhật Bản ở châu Á, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG-HCM, TP Hồ Chí Minh.
7. Roustan, Federic (2005), “Và lịch sử vẫn tiếp diễn: Khái lược về ngành Việt Nam học tại Nhật Bản” (Nguyên tác: Et l’histoire continue: petite présentation du monde des études vietnamiennes au Japon, Nguyễn Nam Trân dịch, http://www.erct.com/nghiencuu.
8. Sato Shigenori (1972), “Hikita Toshiaki no keireki shokai to Sone Toshiaki ni kansuru jakkan no shiryo (Giới thiệu về Hikita Toshiaki và một số tư liệu về Sone Toshiaki)”, Shigaku, Số 45, Keio Daigaku, tr.89-92.
9. Shimao Minoru (2006), “Nhìn lại việc nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản”, Quan hệ văn hóa – giáo dục Việt Nam – Nhật Bản và 100 năm phong trào Đông Du, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
10. Shimao Minoru, Sakurai Yumio (1999), “Vietnamese Studies in Japan”, 1975-1996, Acta Asiatica, No.76.
11. Takada Yoko (1989), “Nihon ni okeru Betonamu-shi Kenkyu no sokatsu to tempo”, Ajia-Africa Kenkyu, Vol.9, No.3. Sau đó được dịch ra tiếng Anh với tựa đề “Vietnamese Studies in Japan”, Asian Research Trends, 1991 và bản tiếng Việt “Nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Nhật Bản”, Nghiên cứu Lịch sử, Số 295; 296, 1996.
12. Vũ Minh Giang (2008), “Tình hình nghiên cứu Việt Nam ở một số nước trên thế giới”, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, Tập 5, ĐHQG Hà Nội.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay. ISBN: 978-604-73-7135-8.
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 184 đến trang 195)
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)