Nghiên cứu Việt Nam từ góc độ khu vực học một số thành tựu và triển vọng

Tác giả bài viết: PHAN PHƯƠNG THẢO
(Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội)

I.

     Các khoa học tự nhiên cũng như xã hội đều phát triển theo hướng phân chia thành ngành và chuyên ngành. Khi các nghiên cứu chuyên ngành đạt được những thành tựu đáng kể trong chuyên sâu khoa học thì nó cũng bộc lộ những khó khăn và hạn chế trong việc nhìn nhận và đánh giá sự vật, hiện tượng với tư cách là một tổng thể. Do vậy, bên cạnh các phương pháp chuyên ngành rất cần thiết có sự phối hợp các phương pháp liên ngành. Sự phát triển của khu vực học với tư cách là một khoa học liên ngành không những không ảnh hưởng tới sự phát triển của các khoa học chuyên ngành mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của các khoa học chuyên ngành, nâng cao nhận thức toàn diện về đối tượng tiếp cận.

     Khu vực học được chính thức hình thành vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX. Khu vực học ra đời đầu tiên ở Mỹ, nhưng chỉ phát triển mạnh ở một số trường đại học, trong khi đó ở Nhật Bản, ngành học này ra đời muộn hơn nhưng phát triển khá rộng trên phạm vi của quốc gia. Có thể nói, Khu vực học đã và đang phát triển mạnh ở một số nước trên thế giới, nhưng là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam.

     Ở nước ta, xu hướng nghiên cứu liên ngành đã được một số nhà khoa học, cụ thể như Bộ môn lịch sử Cổ – Trung đại Việt Nam thuộc khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt ra từ những năm 60 thế kỷ XX khi tiến hành khảo sát và nghiên cứu làng xã hay các khu di tích chiến trận xưa. Phương pháp liên ngành lúc bấy giờ chủ yếu nhằm kết hợp phương pháp sử học với một số ngành khoa học liên quan như khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học, địa lý học… Khảo cổ học cũng sớm được xây dựng và phát triển theo hướng liên ngành, kết hợp giữa khảo cổ học với địa chất học, địa lý học, sinh vật học, cổ nhân học, và một số ngành của khoa học tự nhiên như vật lý học, hoá học… Nhưng lý luận và phương pháp khu vực học thực sự được biết đến từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Khái niệm khu vực học lần đầu tiên được xác lập và triển khai nghiên cứu ở Việt Nam chính thức là vào năm 1989, áp dụng trong nghiên cứu đô thị cổ Hội An. Các kết quả nghiên cứu Hội An theo hướng khu vực học đã tạo nên thành công của hội thảo quốc tế về Hội An tổ chức vào tháng 3 năm 1990 tại Đà Nẵng.

     Trong gần hai thập niên qua, nghiên cứu theo hướng khu vực học đã và đang phát triển ngày càng mạnh ở Việt Nam, không chỉ trong các ngành khoa học xã hội mà cả trên các lĩnh vực tự nhiên. Việc áp dụng phương pháp liên ngành, đặt đối tượng nghiên cứu trong tương quan khu vực, vùng, tiểu vùng văn hóa của nó, nghiên cứu đối tượng trong cấu trúc tổng thể đã mang lại một số thành tựu đáng kể.

     Tuy nhiên, tham luận này chỉ giới hạn điểm lại một số nghiên cứu về Việt Nam từ góc độ khu vực học và của chính các học giả Việt Nam. Chúng tôi xin nhấn mạnh, nghiên cứu Việt Nam từ góc độ khu vực học vì Việt Nam học ở Việt Nam: quá trình hình thành và phát triển là nội dung báo cáo của GS. Nguyễn Quang Ngọc, còn những kết quả nghiên cứu Việt Nam học trên thế giới nói chung đã được tổng kết trong đề tài Tình hình Việt Nam học trên thế giới của GS. Vũ Minh Giang.

II.

     Sau thành công của hội thảo quốc tế tháng 3 năm 1990, Hội An tiếp tục được nghiên cứu theo định hướng khu vực học với sự hợp tác chặt chẽ Việt Nam – Nhật Bản trong nhiều năm liền. Tháng 12 năm 1999, phố cổ Hội An chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa quốc tế. Sự kiện này đồng thời cũng là ghi nhận những thành quả của quá trình nhiều năm liền nghiên cứu liên ngành về Hội An theo hướng khu vực học. Các kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc tiếp tục bảo tồn và tôn tạo phố cổ Hội An.

     Bên cạnh nghiên cứu Hội An có thể kể tới một số chương trình nghiên cứu lớn mang tính liên ngành, khu vực học đã được triển khai có hiệu quả ở Việt Nam, như nghiên cứu về Đường Lâm, Bách Cốc hay Cổ Loa.

     Theo định hướng nghiên cứu khu vực học, sau nghiên cứu về phố cổ Hội An, từ năm 2000, một chương trình điều tra về nhà ở dân gian ở cả ba vùng Bắc, Trung và Nam Việt Nam đã được thực hiện. Trên cơ sở kết quả điều tra tổng thể, làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Tây) được lựa chọn là điểm nghiên cứu sâu theo định hướng khu vực học. Tiếp đó, một kế hoạch nghiên cứu liên ngành lịch sử, khảo cổ, văn hóa, xã hội học, kiến trúc đã triển khai nhằm tìm hiểu một cách đầy đủ về lịch sử, văn hóa vật chất (bao gồm cả ăn, mặc, ở, đi lại), kiến trúc nhà ở, đình, đền, chùa, miếu… của Đường Lâm. Kết quả nghiên cứu tổng hợp này là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá và công nhận Đường Lâm là làng cổ đầu tiên của Việt Nam vào tháng 5 – 2006 vừa qua. Các kết quả nghiên cứu liên ngành không chỉ giúp cho việc định hướng bảo tồn lâu dài làng cổ Đường Lâm, mà còn là tiền đề thuận lợi cho việc nghiên cứu và bảo tồn các làng cổ khác của Việt Nam.

     Nói đến nghiên cứu làng xã Việt Nam bằng phương pháp tiếp cận liên ngành và khu vực học không thể không kể tới nghiên cứu Bách Cốc. Bách Cốc là một làng cổ thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Chương trình nghiên cứu Bách Cốc do Hội nghiên cứu làng xã Việt Nam của Nhật Bản triển khai nghiên cứu cùng với sự hợp tác từ phía Việt Nam là Trung tâm hợp tác Nghiên cứu Việt Nam và Giao lưu Văn hóa, nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình được thực hiện từ năm 1993, với mục tiêu tìm hiểu quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn Việt Nam, trên cơ sở đó giúp chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách nông nghiệp thích hợp với điều kiện tự nhiên và đặc điểm văn hóa của từng vùng, miền.

     Hợp tác nghiên cứu Bách Cốc đã kéo dài hơn 10 năm liền, với sự tham gia của rất nhiều học giả đa lĩnh vực của cả Nhật Bản và Việt Nam. Chỉ tính trong vòng 10 năm đầu, từ 1993 đến 2002, riêng phía Nhật Bản đã có 176 người từ 17 trường đại học với nhiều lĩnh vực như sử học, xã hội học, nhân loại học, địa lý, khảo cổ học, kinh tế học, môi trường học… tham gia. Chương trình này được đánh giá là một chương trình nghiên cứu cấp quốc tế về tính qui mô và đa dạng. Các kết quả chính của 10 năm đầu nghiên cứu Bách Cốc (1993-2002) đã được trình bày tại Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hoạt động của nông dân Việt Nam, mối quan hệ tương tác giữa văn hóa và tự nhiên” năm 2002 tại Hà Lan và tại hội thảo về “Nghiên cứu làng xã Việt Nam” tại Nam Định và Hà Nội năm 2003. Ngoài ra, các tư liệu thu thập được trong quá trình nghiên cứu được phân tích, xử lý và và sẽ lần lượt công bố. Số đặc biệt “Thông tin Bách Cốc” là một phần kết quả nghiên cứu của chương trình đã được xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật vào tháng 7 năm 2006 [8].

     Cùng với quá trình nghiên cứu Bách Cốc – một làng cổ của Nam Định, một chương trình nghiên cứu khác mang tính khu vực học trên bình diện toàn tỉnh Nam Định cũng được triển khai. Xuất phát từ mục đích hiểu biết về chính bản thân mình là điều kiện hàng đầu để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã mời một nhóm các nhà khoa học do PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc làm tổng chủ biên, biên soạn Địa chí Nam Định. Yêu cầu tự thân của việc biên soạn địa chí đã đòi hỏi phải liên kết nhiều nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau như môi trường, sinh thái, địa chất địa mạo, lịch sử, kinh tế, văn hóa… Vì vậy, ngay từ đầu, ban biên soạn đã định hướng cần tiếp cận đối tượng nghiên cứu theo hướng liên ngành, khu vực học. Địa chí Nam Định là thành quả lao động miệt mài liên tục ba năm liền (2000 – 2003) của nhóm tác giả [3]. Công trình được đánh giá là một trong những tỉnh chí tốt nhất hiện nay, được tặng Giải thưởng Công trình khoa học tiêu biểu năm 2003 của Đại học Quốc gia Hà Nội, vì không chỉ biết kế thừa những thành tựu biên soạn địa chí trước đó, mà còn thể hiện được một cách toàn diện những đặc điểm của tự nhiên và của đời sống con người trên vùng đất Nam Định theo hướng tiếp cận tổng thể và hệ thống bằng phương pháp liên ngành.

     Nếu các chương trình nghiên cứu kể trên được triển khai trong khoảng gần 20 chục năm trở lại đây thì nghiên cứu liên ngành về Cổ Loa đã phôi thai từ trước đó hàng chục năm (từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX). Khi đó, xuất phát từ những đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu thực địa, các nhà khoa học nhận thấy nhu cầu tổ chức nghiên cứu liên ngành để có được những hiểu biết toàn diện về Cổ Loa. Bước đầu, Cổ Loa đã được nhìn nhận, nghiên cứu trong một tổng thể không gian văn hóa – lịch sử, với sự kết hợp giữa các chuyên ngành lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ học, địa lý học và đặc biệt là khảo cổ học.

     Từ năm 2000, Hà Nội cùng cả nước đã tổ chức kỷ niệm 990 năm định đô Thăng Long – Hà Nội và đang hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thủ đô. Trong những yêu cầu nghiên cứu và tổng kết lịch sử Thăng Long – Hà Nội thì nghiên cứu Cổ Loa lại được đặt ra với những yêu cầu cao hơn. Với định hướng nghiên cứu Cổ Loa theo phương pháp khu vực học, nhóm tác giả đề tài “Địa chí Cổ Loa” đã biết kế thừa kết quả của những người đi trước, và đặc biệt ứng dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành ở trình độ cao hơn cùng sự trợ giúp của công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu Cổ Loa. Công trình “Địa chí Cổ Loa” chính là tổng hợp các kết quả nghiên cứu liên ngành, khu vực học về Cổ Loa, được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, đang chỉnh sửa chuẩn bị xuất bản, góp phần thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

     Tháng 7 năm 1998, lần đầu tiên một hội thảo quốc tế về Việt Nam học được tổ chức tại Hà Nội. Nhưng quan trọng hơn, hội thảo này được định hướng và triển khai theo hướng nghiên cứu khu vực học, đã thu được những thành công rực rỡ. Hội thảo qui tụ hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự, với 261 báo cáo của các nhà khoa học trong nước, 176 báo cáo của các học giả đến từ 26 nước trên thế giới [7].

     Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ hai (7-2004) là sự tiếp nối của hội thảo lần thứ nhất, vẫn theo định hướng nghiên cứu khu vực học, tập trung vào chủ đề lớn Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, cuộc hội thảo lần thứ hai đã dành riêng một tiểu ban Nghiên cứu khu vực để các nhà Việt Nam học trong
và ngoài nước có điều kiện trình bày, trao đổi chuyên sâu về những nghiên cứu mang tính lý thuyết hay ứng dụng phương pháp khu vực học [9].

     Bên cạnh hội thảo quốc tế hay các chương trình nghiên cứu lớn, dài hạn, trong những năm gần đây, một số dự án nghiên cứu nhỏ hơn, của một hoặc một nhóm các nhà khoa học cũng đã thành công trong việc ứng dụng phương pháp liên ngành, khu vực học.

     Nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt, các nhà ngôn ngữ học đã đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực địa lý Đông Nam Á, với những đặc điểm chung và riêng về địa lý, văn hóa… từ đó thấy được những tác động của khu vực địa lý tới văn hóa và ngôn ngữ. Tuy là yếu tố bên ngoài ngôn ngữ nhưng rõ ràng yếu tố không gian là rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sự phát triển của lịch sử ngôn ngữ [1].

     Trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của trào lưu nghiên cứu liên ngành, các nhà ngôn ngữ học đã kết hợp nghiên cứu ngôn ngữ trong những mối quan hệ đa diện, phong phú và đã đạt được những thành tựu đáng kể. Một số bộ môn mới như ngôn ngữ dân tộc học, ngôn ngữ học địa lý, ngôn ngữ học tâm lý đã ra đời nhằm nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ mang tính xã hội, tính tâm lý, tính dân tộc… hoặc sự biến đổi của ngôn ngữ dưới tác động của các yếu tố đó. Cùng với sự phát triển của khu vực học, nghiên cứu ngôn ngữ với các chuyên ngành của nó và đặc biệt với sự kết hợp liên ngành đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng một bức tranh tổng thể về một khu vực hoàn chỉnh với tất cả các yếu tố cấu thành [4].

     Bên cạnh ngôn ngữ, nghiên cứu văn hóa cũng đã được định hướng theo vùng và phân vùng văn hóa từ khá sớm. Trong nghiên cứu về cách phân loại cũng như phân vùng nói chung, Ngô Đức Thịnh đã chỉ ra các cấp bậc từ rộng đến hẹp, từ chung tới riêng, làm sao các cấp bậc đó bao chứa và phản ảnh được các sắc thái phong phú và đa dạng của tính thống nhất và khác biệt của văn hóa vùng. Theo đó, hệ thống phân loại các cấp bậc phân vùng văn hóa rộng hẹp có thể là: miền, khu vực, tiểu khu vực, vùng, tiểu vùng… và tương ứng với mỗi cấp bậc phân loại như vậy lại có tập hợp các tiêu chí phân vùng ở phạm vi chung và riêng khác nhau. Ngô Đức Thịnh cũng nhấn mạnh, phân vùng văn hóa không nhất thiết trùng với lãnh thổ địa lý, vùng hành chính. Có nhiều yếu tố tác động để tạo nên vùng văn hóa, mà đặc trưng hơn cả là lối sống, nếp sống của cư dân, các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, và chừng mực nào đó là cả phong cách và tâm lý con người… Theo đó, tác giả đưa ra phác thảo phân vùng văn hóa của mình: Việt Nam có thể chia thành 7 vùng văn hóa, trong mỗi vùng lại chia thành các tiểu vùng, đó là:

     1. Đồng bằng Bắc Bộ, với các tiểu vùng văn hóa:

 Tiểu vùng đất Tổ – Phú Thọ
 Tiểu vùng Kinh Bắc
 Tiểu vùng Thăng Long – Hà Nội
 Tiểu vùng duyên hải Đông Bắc
 Tiểu vùng Sơn Nam

     2. Vùng văn hóa Việt Bắc

     3. Vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi bắc Trung Bộ

 Tiểu vùng văn hóa Tây Bắc
 Tiểu vùng văn hóa miền núi bắc Trung Bộ
 Tiểu vùng văn hóa hỗn hợp Thái – Mường ở Mộc Châu – Thường Xuân

     4. Vùng văn hóa duyên hải bắc Trung Bộ

 Tiểu vùng văn hóa xứ Thanh
 Tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ
 Tiểu vùng văn hóa Bình Trị Thiên

     5. Vùng văn hóa duyên hải trung và nam Trung Bộ

 Tiểu vùng xứ Quảng
 Tiểu vùng văn hóa Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận

     6. Vùng văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên

 Tiểu vùng văn hóa Trường Sơn
 Tiểu vùng văn hóa bắc Tây Nguyên
 Tiểu vùng văn hóa trung Tây Nguyên
 Tiểu vùng văn hóa nam Tây Nguyên

     7. Vùng văn hóa Nam Bộ

 Tiểu vùng văn hóa đồng bằng sông Cửu Long
 Tiểu vùng văn hóa sông Đồng Nai
 Tiểu vùng văn hóa Sài Gòn – Gia Định [6].

     Nghiên cứu cụ thể về khu vực miền Trung Việt Nam thời tiền sơ sử, Lâm Mỹ Dung đã đưa ra xu hướng tiếp cận đối tượng theo tiến hóa sinh thái và tiến hoá lịch sử; nhìn nhận khu vực theo quan điểm về nối tiếp và phát triển liên tục. Ở đây, tác giả cùng các cộng sự đã sử dụng một cách hiệu quả phương pháp tiếp cận liên ngành giữa lịch sử, văn hóa, khảo cổ, địa lý, môi trường sinh thái, thuỷ lợi… đưa tới những nhận xét cũng như giả thuyết khoa học có sức thuyết phục. Theo tác giả, có thể xác lập chuỗi diễn tiến văn hóa tiền – sơ sử miền Trung theo ba khu vực:

 Vùng cực bắc của trung Trung Bộ
 Khu vực trung tâm của trung Trung Bộ
 Khu vực nam Trung bộ

     với những đặc điểm riêng của từng khu vực. Từ đó, tác giả đưa ra kết luận chung:

     Trên nền tảng môi trường tự nhiên và điều kiện sinh thái khá khác biệt với miền Bắc và Nam, các nhóm cư dân sinh sống ở vùng miền Trung Việt Nam, ngay từ thời tiền sử đã chiếm lĩnh nhiều vùng địa hình khác nhau và từ đó có nhiều chiến lược thích nghi sinh thái đa dạng, tạo ra những tiểu vùng văn hóa. Vị thế địa/ văn hóa mở của miền Trung Việt Nam, giao lưu đường bờ biển mạnh mẽ cũng tạo ra cho vùng này sự phong phú về các luồng cư dân – văn hóa. Chính sự đa dạng và phong phú văn hóa này là cơ sở cho sự đa dạng văn hóa sau này ở thiên niên kỷ I sau CN [2].

     Chúng tôi cũng muốn trình bày một nghiên cứu cụ thể khi áp dụng phương pháp liên ngành đã mang lại những kết quả như thế nào? Đó là nghiên cứu địa bạ Bình Định.

     Bình Định là một tỉnh thuộc trung Trung Bộ Việt Nam. Đầu thế kỷ XIX, theo chủ trương chung của vua Gia Long, Bình Định cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước đều được đo đạc và lập sổ địa bạ. Tuy nhiên, Bình Định là một trong những tỉnh có nhiều địa bạ nhất và là tỉnh duy nhất trong cả nước có địa bạ lập vào hai thời điểm khác nhau trên qui mô toàn tỉnh. Lựa chọn nghiên cứu địa bạ Bình Định, tác giả đề tài muốn tìm hiểu
không chỉ cơ cấu các loại hình ruộng đất, biến đổi về các loại sở hữu ruộng đất đó giữa hai thời điểm có địa bạ mà quan trọng hơn, đánh giá việc thực hiện chính sách quân điền năm 1839.

     Trên thực tế, do số lượng địa bạ của Bình Định quá lớn (hơn 1200 địa bạ) mà điều kiện thời gian và tài chính không cho phép nên trước tiên cần áp dụng phương pháp thống kê chọn mẫu để lựa chọn ra 24/535 cặp địa bạ (~ 5%) làm mẫu thống kê.

     Địa bạ là loại tư liệu đám đông, nên cùng với các phương pháp mang tính truyền thống như mô tả, so sánh, phương pháp định lượng đã được áp dụng rất hiệu quả trong việc xử lý nguồn tư liệu này. Bên cạnh đó, kỹ thuật máy tính và một số phần mềm quản lý dữ liệu cũng đã được xử dụng để nhập và xử lý các thông tin từ địa bạ. Kết quả thu được bước đầu là những bảng thống kê cùng một số đồ thị, biểu đồ minh họa.

     Bên cạnh đó, các thông tin từ các nguồn sử liệu liên quan đến Bình Định nói chung, tình hình ruộng đất nói riêng giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX đều được thu thập, tổng hợp và phân tích. Đặc biệt, kết quả của các đợt khảo sát thực địa không chỉ cung cấp các số liệu về tình hình phân bố và sử dụng ruộng đất của các thôn/ấp Bình Định hiện nay mà còn góp phần giải thích nhiều thông tin khó hiểu trong địa bạ, hay góp phần lý giải cho những giả thuyết nghiên cứu của tác giả. Theo đó, chúng tôi đã rút ra được các kết luận sau:

     1. Vua Minh Mệnh chọn Bình Định làm nơi thực thi chính sách quân điền không chỉ vì nơi đây có tỷ lệ ruộng tư quá cao so với ruộng công. Vì trên thực tế tư liệu địa bạ đã cho thấy, trước khi có chính sách quân điền, tỷ lệ ruộng đất tư so với ruộng đất công ở Phú Yên, một tỉnh nằm ngay sát Bình Định, hay Nam Kỳ lục tỉnh còn cao hơn ở Bình Định rất nhiều. Hơn nữa, địa bạ Bình Định năm 1815 còn cho hay, mặc dù tỷ lệ giữa công và tư điền là cao xong ở Bình Định lại không có tích tụ ruộng đất lớn, sở hữu tư nhân dù chiếm ưu thế nhưng lại dàn trải ra trên 90% chủ tư điền, với mức sở hữu phổ biến dưới 3 mẫu.

     2. Phân tích địa bạ Bình Định năm 1815 kết hợp với kết quả điều tra điền dã và những ghi chép của các giáo sĩ phương Tây có mặt tại Bình Định trong thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, có thể cho rằng tình hình ruộng đất và chủ trương quân điền năm 1839 ở đây có liên quan tới phong trào Tây Sơn. Tuy phong trào Tây Sơn không đưa ra chủ trương về ruộng đất, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử khi mà nghĩa quân Tây Sơn lật đổ chính quyền cũ, đốt bỏ sổ sách ruộng đất, bỏ thuế khóa, tô thuế cho dân các thôn ấp thì mặc nhiên nông dân cày ruộng đất công và có thể một phần ruộng đất tư của địa chủ đã tự chiếm giữ lấy ruộng đất để cày cấy. Theo hướng nghiên cứu đó, chúng tôi coi phong trào Tây Sơn là nguyên nhân dẫn đến những biến đổi về chế độ sở hữu ruộng đất ở Bình Định, tạo nên tình trạng sở hữu ruộng đất còn được bảo tồn đến đầu thời Nguyễn, và phản ánh trong địa bạ Gia Long (1815). Đây cũng chính là nỗi lo lắng của của triều Nguyễn và lý do tại sao Minh Mệnh lại chọn Bình Định làm nơi áp dụng chính sách quân điền năm 1839.

     3. Thực hiện chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định, Minh Mệnh muốn củng cố bệ đỡ của chính quyền phong kiến, củng cố quyền sở hữu tối cao của nhà nước thông qua việc tăng cường ruộng đất công của làng xã bằng cách can thiệp vào sở hữu tư, tịch thu một nửa tư điền để sung công. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản của quân điền năm 1839 so với những lần quân điền trước đó.

     4. Đối với nhà nước, quân điền năm 1839 không mang lại nguồn thu đáng kể nào về tô thuế, và đó cũng không phải là mục đích của vua Minh Mệnh khi chủ trương thực hiện chính sách này.

     Kết quả thực sự và có lẽ cũng là mục tiêu sâu xa của vua Minh Mệnh khi quyết định thực thi quân điền ở Bình Định năm 1839 là nhằm hạn chế sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất, khôi phục và tăng cường chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất mà cơ sở phổ biến là ruộng đất công làng xã, đồng thời sung công một nửa sở hữu của các chủ tư điền, trong đó có những người nông dân đã chiếm giữ ruộng đất công trong thời kỳ khởi nghĩa Tây Sơn.

     Những kết luận trên chỉ có thể có được sau khi chúng tôi áp dụng phương pháp liên ngành, đồng thời sử dụng các phương pháp mô tả lịch sử, so sánh, thống kê định lượng, kỹ thuật vi tính, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, và đặc biệt là phương pháp điền dã, phỏng vấn trong phân tích, xử lý nguồn tư liệu địa bạ Bình Định nửa đầu thế kỷ XIX. Kết quả này đã được nhiều sử gia, nhất là những người chuyên nghiên cứu về vấn đề ruộng đất, lịch sử kinh tế Việt Nam nhận định là có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục khi đánh giá về biến đổi sở hữu ruộng đất ở Bình Định trước và sau khi thực hiện chính sách quân điền năm 1839, và quan trọng hơn là tìm ra những nguyên nhân trực tiếp cũng như sâu xa khiến vua Minh Mệnh đã chọn Bình Định chứ không phải một nơi nào khác để thực thi chính sách ruộng đất này [5].

     Trong khoa học tự nhiên có nhiều ngành nghiên cứu vùng/ phân vùng không gian lãnh thổ như địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái…tiếp cận liên ngành cũng là phương pháp được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi nghiên cứu các khu vực nếu chỉ liên ngành trong khoa học tự nhiên thì sẽ dẫn tới đối với các vấn đề kinh tế – xã hội, các tác giả chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp mang tính giải quyết tình huống, thiếu tính khả thi và hiệu quả chưa cao. Hơn nữa, khi thời đại Khoa học công nghệ có những phát triển vượt bậc thì tác động của con người vào tự nhiên càng khốc liệt. Vì vậy, nghiên cứu khu vực trong phát triển bền vững là chủ đề mang tính thời đại. Khu vực khi đó, với chủ thể là con người cùng các đặc trưng về văn hóa, kinh tế, xã hội, cần được tiếp cận theo hướng hệ thống và bằng phương pháp liên ngành. Đó chính là khu vực học. Cần lưu ý rằng khu vực học mang tính liên ngành cao, lấy chủ thể là con người với các đặc trưng về văn hóa, kinh tế, xã hội theo cách tiếp cận tổng hợp và lịch sử. Khu vực học không trùng với bất cứ một ngành học nào. Khu vực học tổng hợp các kết quả của nhiều ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhưng ở dạng khái quát và từ đó rút ra những đặc trưng riêng cho khu vực.

     Tựu trung lại, có thể nhận thấy, với sự quan tâm của nhiều nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với sự hợp tác chặt chẽ của các nhà khoa học trong và ngoài nước, những nghiên cứu Việt Nam rất đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Các nghiên cứu nói chung đều đã vận dụng phương pháp tiếp cận liên ngành, tuy nhiên đa phần mới chỉ dừng lại ở mức độ theo định hướng nghiên cứu khu vực học. Do đó, một nhu cầu có tính cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay là bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc cơ sở lý thuyết về khu vực học của thế giới và vận dụng một cách hợp lý trong các nghiên cứu ở Việt Nam, chúng ta còn cần xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, hệ đại học và sau đại học về khu vực học.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Trần Trí Dõi: Những đặc điểm chính về địa lý vùng Đông Nam Á liên quan đến việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, Báo cáo tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu và đào tạo về Khu vực học, Hà Nội, 1.2005.

     [2] Lâm Mỹ Dung: Một số vấn đề về phương pháp luận và hướng tiếp cận tiền, sơ sử miền trung Việt Nam, Báo cáo tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu và đào tạo về khu vực học, Hà Nội, 1.2005.

     [3] Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Địa chí Nam Định, NXB Chính trị quốc gia, H.2003.

     [4] Nguyễn Thị Việt Thanh: Nghiên cứu ngôn ngữ trong khu vực học, Báo cáo tại Hội thảo khoa học Nghiên cứu và đào tạo về khu vực học, Hà Nội, 1.2005.

     [5] Phan Phương Thảo: Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ, NXB Thế giới, H. 2004.

     [6] Ngô Đức Thịnh: Văn hoá vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, NXB Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

     [7] Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia: Việt Nam học Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội 15-17.7.1998, T.I, NXB Thế giới, Hà Nội, 2000.

     [8] Hội nghiên cứu làng xã Việt Nam, Nhật Bản – Việt Nam: Thông tin Bách Cốc, số đặc biệt, 7.2006.

      [9] Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội: Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập: Truyền thống và hiện đại. Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về Việt Nam học, thành phố Hồ Chí Minh, 14-16.7.2004.

Trích dẫn tệp (PDF): Thư viện số Tài liệu nội sinh Đại học Quốc gia Hà Nội

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nghiên cứu Việt Nam từ góc độ khu vực học một số thành tựu và triển vọng (Tác giả: Phan Phương Thảo)