Ngôi chùa Việt – Một di sản văn hóa (vùng châu thổ Bắc bộ)

Tác giả bài viết: Tiến sĩ TRIỆU THẾ VIỆT
(Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)

     Dòng thời gian của người Việt tuần tự theo xuân sinh, hạ trưởng, thu liễn, đông tàng, sen tàn cúc đơm, thóc vụ chiêm dốc bồ thì gạo vụ mùa vào giã. Nhịp mùa luân chuyển được điểm tính bằng lễ hội mùa nào hội ấy, tưng bừng trong các làng trên xã dưới. Nhưng dù lễ hội nào thì ngôi chùa Việt vẫn đóng vai trò trọng tâm trong ngày hội làng. Không biết tự bao đời ngôi chùa Việt đã uy linh tọa lạc trong tâm thức của người Việt, theo dặm dài lịch sử dân tộc trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Việt.

1. Phật giáo hòa cùng lịch sử của dân tộc

     Trước khi có sự du nhập của văn hoá Ấn – Hoa vào lưu vực sông Nhị Hà thì Văn Lang – Âu Lạc đã ôm chứa trong mình một nền văn minh Lạc Việt, với những phát minh đồng thau, những thành tựu đáng tự hào trong thế giới cổ đại.

     Những năm đầu Công nguyên, Phật giáo theo nhịp bước của các vị du tăng trên con đường tơ lụa mà du nhập tới Giao Châu. Ban đầu là Tăng sĩ Đạt ma Đề bà hoằng truyền Phật giáo thuận theo Hồng Hà mà an trú ở châu Cô Pháp (Bắc Ninh ngày nay) trước sư tổ Bồ Đề Đạt ma tu quán bích ở núi Tung Sơn (Trung Quốc) là 500 năm. Tiếp đến, vào năm 480 (sau Công nguyên) truyền phái đầu tiên của người Việt mang tên Vinitaruci hình thành, năm 820 (sau Công nguyên) thiền phái thứ hai mang tên Vô Ngôn Thông đã xuất hiện, tạo ra bệ đỡ tư tưởng cho Phật giáo ở Đại Việt, biến vùng Dâu thành một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất châu Á đương thời. Theo dặm dài tháng năm, thời Lí, truyền phái Thảo Đường đã thống nhất những ưu việt của hai dòng thiền Vinitaruci và Vô Ngôn Thông thành nội dung của mình, ngõ hầu tìm ra một cách thức phù hợp với căn cơ người Việt. Thời Trần lại có cách ứng xử trong thực tiễn ba cuộc chiến tranh vệ quốc khá thành công và hoàn cảnh xã hội – chính trị gắn với thời cuộc của phái Trúc Lâm. Đến thời Lê – Mạc, Phật giáo mang tinh thần thế gian trụ trì Phật pháp, những đề tài Phật giáo là niềm gợi hứng để người Việt nói lên khát vọng của chính mình. Cho nên, ngôi chùa Việt dưới thời Mạc chủ yếu là sản phẩm của trí tuệ dân gian. Sang thời Lê Trung hưng, hai truyền phái Tào Động và Lâm Tế du nhập vào Bắc bộ, phù hợp với học thuyết Ngũ vị quân thần, nên tầng lớp thống trị đã sử dụng triệt để tư tưởng này như một phương sách chính trị. Điều này đã tạo điều kiện cho hai truyền phái này lan tỏa khắp lưu vực sông Hồng. Tại phía Nam, những tổ đình Lâm Tế cũng khá phát triển. Cứ như vậy, trải bao thăng trầm của con Lạc cháu Hồng, Phật giáo vừa phổ độ giáo lí chân, thiện, mỹ, vừa nương theo văn hóa bản địa, dung hòa với khát vọng của thế gian để hoằng truyền khá thành công của Phật pháp và trở thành một thành tố không tách rời của văn hóa Việt.

2. Ngôi chùa Việt linh thiêng trong tâm thức Việt

Lên chùa bẻ một cành sen

Ăn cơm bằng đèn đi cấy dưới trăng

     Câu ca dao quen thuộc đã mô tả một nếp sống, một tập tục của người Việt trong sinh hoạt đời thường ấy cho chúng ta hình ảnh ngôi chùa đi sâu trong tâm thức người Việt. Vẻ đẹp của ngôi chùa Việt có không gian sống của một thực thể tồn tại, mặc dù không gian chùa tích chứa những di vật về điêu khắc, kiến trúc, trang trí, ván in, văn bia… nhưng không biệt lập, mà hòa những giá trị ấy trong nhịp thở của không gian văn hoá tâm linh Việt.

     Trong nhịp vận động của ngôi chùa Việt, những nghi thức Phật giáo được kết hợp với lễ hội truyền thống, đã dung hòa với nhịp mùa màng của đời sống nông nghiệp. Các lễ hội làng, hội chùa vùng Bắc Bộ thường vào dịp mùa xuân và mùa thu.

     Lễ hội Phật giáo thường được điều chỉnh cho phù hợp với tập quán.

     Lễ Phật đản (mùng 8 tháng 4 Âm lịch) vốn là đại lễ của Phật giáo, nhằm kỷ niệm ngày Đức Thích Ca xuất thế, nhưng thường gắn với lễ cầu mưa (lễ hội Tứ Pháp). Dân gian thường tin rằng, trong dịp lễ Phật đản có mưa để tắm Phật liên quan đến mưa cho vụ lúa.

     Vu Lan thắng hội là lễ hội quan trọng bậc nhất của Phật giáo với nghĩa gốc theo Kinh Vu Lan huyết bồn (S: Ullambana) là dịp nhà Phật cứu vớt những tội nhân bị tội treo ngược (Vu lan) máu chảy thành bồn (huyết bồn) ở địa ngục, nhưng nghĩa này ít được biết tới mà dân gian coi ngày này có nghĩa là báo hiếu theo tích truyện Mục Liên tìm mẹ, là ngày xá tội vong nhân theo tích truyện Quan Âm giải tội cho địa ngục vào rạng sáng ngày 15/7 (Âm lịch). Ngày này trong dịp mưa ngâu ảm đạm, phù hợp cho tưởng tượng dân gian mong cầu vong hồn người thân về dương gian (theo như  bài Văn tế thập loại cô hồn của Nguyễn Du: Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sùi…) Theo dân gian thì ngày tiết rằm tháng Bảy có nhiều lớp ý nghĩa khác nhau, nhưng đều có chung một mục đích về đạo đức và nhân văn.

      Trong nội dung lễ hội làng, tuy trọng tâm diễn ra ở đình làng, nhưng việc trang hoàng, lễ nghi ở chùa cũng là một phần quan trọng. Có nơi, Thành hoàng là vị sư Tổ và cũng là một vị Thánh, ở hai kiến trúc với hai chức năng khác nhau, nhưng đã hòa quện với nhau, tự nhiên đến khó nhận thấy sự khác biệt (như ở chùa Keo – Thái Bình thờ sư Tổ, Thành hoàng, Tổ nghề đúc đồng Không Lộ. Ngoài Phật điện còn có tòa giá roi và điện Thánh như đền/đình làng, nên chùa có hai chức năng và vị sư Tổ nơi đây cũng có nhiều vai trò: Sư Tổ, Thành hoàng, Tổ nghề).

     Trong nghệ thuật diễn xướng (quan họ, chèo) có các tích chèo cổ khá thân thuộc với người Việt, như truyện Quan Âm Thị Kính, Chúa Ba đi tu, Mục Liên cứu mẹ, các vũ điệu Quan Âm, múa Mông sơn trong Nhã nhạc cung đình Huế, múa chèo đò trong lễ cúng dân gian đều mang đậm văn hóa Phật giáo.

     Trong văn học, đề tài Phật – Thiền cùng tư tưởng Lão Trang đã “dệt gấm thêu hoa” cho nền thơ ca LýTrần. Những câu chuyện cổ tích đều có bóng Bụt xuất hiện, triết lí dân gian Việt phần lớn theo thuyết nhân quả của nhà Phật. Nền tảng đạo đức của người Việt truyền từ đời này sang đời khác, nôm na là ở hiền gặp lành, ăn ở có tâm có đức… về cơ bản ít nhiều là sự dung hội của đạo đức dân tộc với tư tưởng nhân sinh của Phật đạo.

     Như vậy, theo dòng lịch sử, sự hòa quyện của Phật giáo với các tín ngưỡng bản địa Việt đã tạo cho ngôi chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ một vẻ đẹp của tâm hồn Việt, một vấn đề rất riêng của người Việt.

3. Đôi nét về diễn trình của ngôi chùa Việt

     – Ngôi chùa Việt thời Lý (thế kỷ XI – XIII): Đây là giai đoạn Phật giáo phát triển và ngôi chùa Việt có vị trí nhất định trong đời sống xã hội nói chung và trong mỹ thuật nói riêng. Có ba dạng chùa cơ bản là:

     + Đại danh lam – hành cung được xây dựng với hai mục đích rõ rệt, là nơi thờ Phật và nơi vua sử dụng làm hành cung, nên quy mô chùa bao gồm Phật điện, hai bên và phía sau là các khu kiến trúc khác như nhà tăng, thư viện, hành cung của vua và các nhà liên quan khác. Thời này chưa nhiều tượng nên quy mô Phật điện không lớn. Qua tư liệu lịch sử và khảo sát thực địa, các pho tượng thường được đặt trong tháp, nên tháp thời này cũng có vai trò của Phật điện và đều gọi chung là tháp Phật, như tháp Long Đọi (Hà Nam), xây vuông, cao 13 tầng, lòng tháp đặt tượng Như Lai Đa Bảo; tháp “Đại Thắng Tư Thiên Bảo tháp” (Báo Thiên, Hà Nội) có tư cách như đài chiến thắng, với 12 tầng; tháp Chương Sơn; tháp Tường Long; tháp Phật Tích… Những tháp này đến nay tuy chỉ còn nền móng, nhưng vẫn gợi ý cho chúng ta về những ngôi tháp mang tính chất Phật điện.

     + Đại danh lam (chùa do triều đình bảo trợ xây dựng): Những chùa tiêu biểu cho loại kiến trúc này là chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội), chùa Hương Lãng (Hưng Yên). Đặc thù của kiến trúc này là có mặt bằng khá rộng. Qua hai cấp tới Phật đường là một toà nhà có mặt bằng gần vuông. Trung tâm Phật đường thường có một bệ lớn để đặt tượng Phật.

     + Tiểu danh lam (chùa do dân xây dựng): Hình thức ngôi chùa đơn giản, quy mô nhỏ chỉ đủ phục vụ việc lễ bái thường nhật của dân, việc tu hành của nhà sư hay các công việc nhà Phật trong phạm vi một vùng dân cư nhất định. Chùa loại này thường được hiểu là am (ví dụ Hương Hải am). Ngôi chùa là ngôi nhà gỗ, với mặt bằng gần vuông, Phật điện đặt một tượng Phật, như chùa Thầy, chùa Hoàng Kim.

     Hiện nay trong các di tích này vẫn còn bệ tượng (nhỏ) thời Lý.

     Có thể nói kiến trúc chùa thời Lý có dạng chùa tháp (Stupa – bảo tháp), luôn có tháp làm trọng tâm của cả bố cục chùa, là nơi nối kết các tầng trời và khi hành lễ người ta đi theo chiều ngược kim đồng hồ quanh tháp để cầu sinh lực của vũ trụ (chiều sinh).

     Chùa thời Lý thường chỉ thờ một tượng Phật, chẳng hạn như tượng Phật mình vàng cao sáu thước (chùa Phật Tích – Bắc Ninh), tượng Như Lai Đa Bảo ở chùa Long Đọi (Hà Nam), tượng Phật (chùa Hương Nghiêm – Thanh Hoá), tượng Phật Như Lai mình vàng (chùa Linh Xứng – Thanh Hoá)…, thường được hiểu là vị Bản sư Thích Ca Mâu Ni hay Đức Như Lai Đa Bảo… Tượng Phật giáo thời Lý có vẻ mặt trầm tư, phi phàm mà tượng các thời kỳ sau khó có thể có được nhưng vẫn thể hiện rõ chức năng của mình, quy chuẩn và nghiêm túc theo kinh điển Đại thừa.

     – Ngôi chùa Việt thời Trần (thế kỷ XIII – XIV): Ở thời này, Phật phái Trúc Lâm phát triển khá mạnh. Vào giai đoạn đầu, các ngôi chùa thường được sự bảo hộ của chính quyền, là nơi lui tới của các nhà tu, vương tôn, trí thức và Phật tử. Với sự khủng hoảng của lòng tin vào Nho giáo, sự quay lại với Phật giáo để tập hợp quần chúng là một yêu cầu cấp bách, cộng với tinh thần phóng khoáng và “vô chấp” nên Phật giáo thời Trần có xu hướng nhập thế và chất liệu tượng chủ yếu bằng gỗ… Đó là một trong nhiều giả thiết để nghĩ rằng, tượng Phật thời Trần, tới nay, chưa tìm được một pho nào. Những ngôi chùa thời Trần, như chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) chỉ còn lại nhang án đá và một vài dấu tích thời Trần…

     – Ngôi chùa Việt thời Lê sơ (thế kỷ XV): Ngôi chùa ở thời này đến nay còn rất ít dấu vết, hay đúng hơn, trên thực tế chưa có tài liệu nào xác nhận được nên khó có thể tái dựng mô hình chùa thời này.

     – Ngôi chùa Việt thời Mạc (thế kỷ XVI): Là thời kỳ văn hóa dân gian dần được khẳng định và phát triển. Ngôi chùa Việt đã mở rộng về địa bàn, nhiều loại tượng Phật xuất hiện đã bắt đầu làm thay đổi Phật điện, với hình thức thấm đẫm tình đời.

     – Ngôi chùa Việt thời Lê Trung hưng: Để tranh thủ lòng người, những di tích mang tính trung tâm (đền và chùa) thường được tầng lớp trên quan tâm tới. Vào giai đoạn này, đất Việt mở cửa cho hai Phật phái Tào Động và Lâm Tế vào hoằng dương, tạo điều kiện cho ngôi chùa Việt theo kiểu trăm gian xuất hiện. Tượng trong chùa Việt thời này đã khá quy mô, bởi sự gia tăng những thể loại tượng mới trên Phật điện. Cũng trong thế kỷ XVII,n ở nhiều ngôi chùa có tháp quay dạng Cửu phẩm liên hoa, như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Đồng Ngọ (Hải Dương),…

     – Ngôi chùa Việt thời Tây Sơn: Có hai ngôi chùa điển hình là Kim Liên và Tây Phương (Hà Nội) đều có mặt bằng chữ Tam nằm song song với nhau như ẩn chứa thuyết tam tài. Trong kiến trúc chữ Tam, các tòa kiến trúc cách nhau một khoảng, đã để không khí và ánh sáng lùa vào, tạo ra sự thay đổi lớn trong nội thất và xử lí vi khí hậu, ngôi chùa trở lên sáng và ít ẩm mốc hơn. Đó là một cải tiến vượt trội về kiến trúc. Trong trang trí kiến trúc, người thợ đã cải tiến đấu vuông thành đấu tròn, đôi khi chuyển hóa thành đấu đài sen, hay đấu hồ sen và hình lá ba nhánh phủ khắp trong chạm khắc gỗ, làm cho bộ khung chùa thêm diễm lệ. Đặc biệt sự xuất hiện tượng Di Lặc trên Phật điện chùa Tây Phương (Hà Nội) và tượng Di Đà ở tư thế đứng (Di Đà phát quang), đã cho thấy sự bế tắc về lòng tin ở đương thời. Từ đây, Phật giáo Việt dấn sâu hơn vào thời mạt pháp, lễ chùa và lễ đền đã không mấy phân biệt.

     – Ngôi chùa Việt thời Nguyễn: Ở đàng Ngoài, một vài ngôi chùa được tu bổ lớn, như chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm tự, Bắc Giang), chùa Bổ Đà (Phật Đà thiền tự, Bắc Giang). Dưới thời các chúa Nguyễn, Phật giáo phương Nam đã tìm được chỗ đứng ở miền đất mới, thậm chí nhiều chùa được xây dựng tráng lệ, như chùa Giác Lương (Huế), chùa Thiên Mụ (1601) do đích thân chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng, nhiều ngôi chùa khác đến thời Gia Long trở thành uy linh, như chùa Báo Quốc (1674), Từ Ðàm (1683), Thuyền Tôn (1709), Từ Hiếu (1843), Diệu Ðế (1844), Phước Thọ Am (1831) và nhiều ngôi chùa danh tiếng ở Huế, như chùa Diệu Đức, chùa Huyền Không, chùa Hà Trung, chùa Kim Tiên, chùa Linh Sơn Đồng Thuyền, chùa Quốc Ân, chùa Linh Quang… và hàng chục ngôi chùa được ban Sắc tứ, là nơi in dấu truyền pháp của dòng thiền Liễu Quán, làm cho Huế trở thành một trung tâm Phật giáo tại Trung Bộ. Ở Gia Định hành loạt chùa như chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Giác Lâm, Giác Viên (Tp. Hồ Chí Minh) dần dần xuất hiện. Thời này khá nhiều chùa ở các nơi được tu bổ mang dấu ấn thời Nguyễn.

     Bên cạnh sự phát triển của chùa, thì điện Mẫu cũng phát triển nhằm thoả mãn nhu cầu tâm linh của con người. Ngôi chùa Việt trở thành thế giới siêu nhiên hài hòa giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc ngày một mạnh hơn – Ngôi chùa không còn thuần Phật, mà tính đời đôi khi nhiều hơn tính đạo. Đương thời, ngôi chùa Việt đã tạo ra những vị sư mang tính liên ngành. Họ không chỉ là một vị tăng sĩ Phật giáo thuần túy, mà còn có bóng dáng của nhà Nho, Đạo sĩ, thầy cúng dân gian, đôi khi là thầy bói, thầy thuốc, nhạc công hay họa sĩ nữa./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1- Trần Lâm Biền (2003), Chùa Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

     2- Hà Văn Tấn (2001), Chùa Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội.

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, Số 4 (45) – 2013

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Ngôi chùa Việt – Một di sản văn hóa (vùng châu thổ Bắc bộ) – Tác giả: TS. Triệu Thế Việt