Người khởi xướng tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ
Tác giả bài viết: ĐINH VĂN NHÂN;
TRẦN HOÀNG PHONG (Đại học Đồng Tháp)
TÓM TẮT
Cách nay hơn 150 năm, tại Nam Bộ đã xuất hiện một nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng. Trong suốt thời gian sống, hoạt động của nhân vật này đã để lại dấu tích ở rất nhiều nơi. Đó chính là Phật Thầy Tây An – Đoàn Minh Huyên – người sáng lập ra phái Bửu Sơn kỳ hương, khai nguồn cho sự hình thành các giáo phái nội sinh ở vùng đất Nam Bộ.
Từ khóa: Bửu Sơn kỳ hương; Tứ ân hiếu nghĩa; Phật giáo Hòa Hảo; tôn giáo nội sinh.
ABSTRACT
More than 150 years ago, there was a famous character appeared in Vietnam Southern. During his life, the activities of this character have left traces in many places. It is the Buddhist Monk Tay An – Doan Minh Huyen – sect founder of Buu Son Ky Huong school, open source for the formation of endogenous sect in Southern region.
Key words: Buu Son Ky Huong; TuAn Hieu Nghia; Hoa Hao Buddhist; Endogenous religion.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Cư dân Nam Bộ đã tạo cho mình nét riêng về văn hóa, với những đặc điểm vô cùng độc đáo, đó là các tôn giáo nội sinh, như Bửu Sơn kỳ hương, Tứ ân hiếu nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo… Việc nghiên cứu văn hóa Nam Bộ không thể bỏ qua các hệ thống tôn giáo này trong hoàn cảnh lịch sử, văn hóa nhất định. Các giáo phái nội sinh ra đời sau, ở nơi đây, thường có mối kế thừa, cải biên giáo lý, kinh nghiệm hành đạo, nghi thức thực hành của phái trước để phù hợp nhưng nhìn chung, vẫn giữ tinh thần cốt lõi của Bửu Sơn kỳ hương do Phật Thầy Tây An – Đoàn Minh Huyên sáng lập.
2. Đoàn Minh Huyên và Bửu Sơn kỳ hương
Đoàn Minh Huyên (1807 – 1856) là người sáng lập đạo Bửu Sơn kỳ hương. Ông vốn tên thật là Đoàn Văn Huyên, sinh ngày 15 tháng Mười năm Đinh Mão, tức năm 1807, quê ở làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Đã có nhiều nghiên cứu về ông nhưng chưa rõ thuở nhỏ sinh sống, học hành như thế nào, lưu lạc nơi đâu1. Hiện nay, thân phụ và thân mẫu của ông tên, họ là gì, chúng ta cũng chưa được biết. Chỉ biết rằng, từ lâu nay, ở Cái Nai (cách Tòng Sơn khoảng 10km, thuộc xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có ngôi mộ không đắp núm, không bia mộ, được nhân dân tôn là mộ Phật Mẫu (mẹ Phật Thầy Tây An).
Trong những năm 1849 – 1850, vùng đất mới vừa khai hoang Tây Nam lại xảy ra chiến tranh, mất mùa, đại dịch kéo dài, làm cho người dân lâm vào cảnh đau ốm và chết chóc. Trong hoàn cảnh đó, ông Đoàn Minh Huyên trở lại làng. Có sách chép rằng: Dòng họ Đức Phật Thầy bấy giờ (tức khoảng năm 1849) chỉ còn vài người, nhưng trong vài người ấy, ông Đoàn Văn Điểu và ông Đoàn Văn Viên, cũng không nhận diện được Ngài. Ngài phải nói hết căn cư do lưu lạc, việc tu hành của Ngài như thế nào, thì anh em mới nhìn được nhau2. Khi về làng, ông ở dưới mái hiên đình Tòng Sơn một thời gian, rồi sau đó ông đi nhiều nơi: Trà Bư (Lấp Vò), Chưn Đùn, Xẻo Môn, Cóc Ông Kiến (nay là xã Long Kiến và xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)… trổ tài trị bệnh cho dân. Vừa trị bệnh ông vừa khuyên dạy họ những việc đạo nghĩa ở đời. Từ chỗ chữa bệnh có hiệu quả, được nhiều người nghe theo những điều khuyên dạy của ông. Ngay trong năm 1849, ông đã sáng lập đạo Bửu Sơn kỳ hương (giáo phái nội sinh đầu tiên của vùng đất Nam Bộ), với tôn chỉ và phương pháp hành đạo rất đơn giản, thiết thực với đời sống người dân bấy giờ. Số người tìm đến chữa bệnh và quy y ngày một đông đảo. Ông đi đến đâu cũng có rất nhiều người tập trung ở đó, chính quyền An Giang nghi ngờ ông là gian đạo sĩ hoạt động chính trị và bắt giam, nhưng qua điều tra, xét thấy không có bằng chứng nên trả tự do cho ông, buộc ông phải xuống tóc quy y theo đạo Phật (phái Lâm Tế, đời thứ 38) và tu tại chùa Tây An, dưới chân núi Sam (Châu Đốc). Từ đó, ông được người dân tin tưởng, gọi tôn kính là Phật Thầy Tây An. Mặc dù bị chỉ định cư trú, nhưng ông vẫn đi khắp miền sông Hậu, phổ biến giáo lý, vận động quy tụ dân nghèo khai hoang, lập nên bốn dinh điền lớn là Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thới Sơn (Tịnh Biên, An Giang), Láng Linh và Cái Dầu (Châu Phú, An Giang). Mỗi trung tâm do một đại đệ tử (hay gọi là ông Đạo) phụ trách.
Đoàn Minh Huyên mất vào ngày 12 tháng Tám năm Bính Dần, tức năm 1856, mộ được chôn tại Tây An cổ tự, thuộc Núi Sam, Châu Đốc, An Giang và tại Tòng Sơn, nơi phát tích phái Bửu Sơn kỳ hương, nhân dân đã xây đền thờ (chùa Tòng Sơn) để tưởng niệm ông.
Về tên gọi “Bửu Sơn kỳ hương”, lấy từ bốn từ đầu trong bài thơ khoán thủ “Tứ Bửu Linh tự” đặt tên cho giáo phái của mình:
“Bửu ngọc quân minh thiên việt nguyên,
Sơn trung sư mạng địa nam tiền.
Kỳ niên trạng tái tân phục quốc,
Hương xuất trình sinh tạo nghiệp yên”.
Với ý nghĩa hứa hẹn một kỷ nguyên mới sẽ được mở ra. Bửu Sơn (núi báu) là sự rực rỡ của non sông, kỳ hương (hương thơm lạ), là sự lan tỏa khắp mười phương. Hương thơm lạ trên núi báu, ý muốn chỉ vùng núi Thất Sơn, sau này sẽ là nơi xuất hiện bậc Thánh vương, tạo dựng lại đời trong ngày hội Long Hoa.
Nhìn chung, giáo lý và cách tu hành của phái Bửu Sơn kỳ hương chỉ bao gồm hai điều căn bản là đền đáp tứ ân, kết hợp với học Phật tu nhân, tùy duyên hóa độ3.
Tín đồ được khuyến khích tu theo tứ ân/ơn (hay tứ đại trọng ân) bao gồm: ân tổ tiên cha mẹ; ân đất nước; ân tam bảo; ân đồng bào nhân loại, trong đó, đặc biệt biểu dương tinh thần hiếu hạnh đối với tổ tiên, cha mẹ và nghĩa khí với quê hương đất nước. Điều này thể hiện tinh thần thiết thực và nhập thế của Bửu Sơn kỳ hương với thời cuộc, chính vì vậy mà sau này, nhiều đại đệ tử của ông Đoàn Minh Huyên đã lãnh đạo người dân đứng lên khởi nghĩa chống Pháp, mà tiêu biểu nhất, là ông Trần Văn Thành ở căn cứ Láng Linh (một trong những trại ruộng của đạo).
Bên cạnh đó, đạo lấy căn cốt của đạo Phật làm nền tảng, nhưng không chủ trương xây chùa, thờ tượng Phật mà chỉ dùng tấm trần điều (mảnh vải màu đỏ) là biểu tượng chính cho việc thờ cúng, cùng với ba loại vật cúng đơn giản là nhang, hoa, nước lạnh. Tín đồ không cần xuất gia, không cần ăn chay, không gõ mõ tụng kinh mà noi theo văn hóa truyền thống để tóc, để râu. Đơn giản hóa các hình thức cúng tế và nghi thức tụng niệm. Khi quy y thọ giới, tín đồ được phát một tấm “lòng phái” (là mảnh giấy màu vàng in bốn chữ đỏ “Bửu Sơn kỳ hương”). Tín đồ được hướng dẫn truyền dạy giáo lý “học Phật tu nhân”, không cần đến chùa, chỉ siêng năng cúng lạy và niệm Phật tại gia, tin vào nhân quả, tâm niệm làm lành lánh dữ và phải luôn nghĩ đến bổn phận đền đáp tứ ân, không xa rời xã hội mà phải nhập thế với thời cuộc. Chính giáo lý và cách tu hành vừa phù hợp với quần chúng nông dân nghèo khổ, ít học, bình dị chân chất, lại vừa thích nghi với lối sống của xã hội nông nghiệp, nên giáo lý của ông Đoàn Minh Huyên kết tinh trong phái Bửu Sơn kỳ hương được xem là di sản, là nền tảng khai nguồn cho các giáo phái nội sinh ra đời sau ở vùng đất Nam Bộ nương theo như: Tứ ân hiếu nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo.
3. Các tôn giáo nội sinh tiêu biểu hình thành trên tinh thần Bửu Sơn kỳ hương của Đoàn Minh Huyên
3.1. Tứ ân hiếu nghĩa
Tứ ân hiếu nghĩa ra đời ở vùng Thất Sơn ,do ông Ngô Lợi (1831 – 1890) sáng lập vào năm 1869. Ngô Lợi (tên thật là Ngô Viện) sinh ra ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, lập đạo vào ngày 5 tháng Năm năm Đinh Mão (1867). Khi lập đạo, ông tự xưng là Đức Bổn Sư và rao giảng giáo lý Bửu Sơn kỳ hương. Người đời cho rằng, ông là hậu thân của Đức Phật Thầy Tây An4.
Về giáo lý và cách hành đạo tuy có một số điểm khác với Bửu Sơn kỳ hương về nghi thức nhập đạo, tu học, hành đạo và có nhiều đối tượng phối thờ. Nhưng nhìn chung, tôn chỉ của Tứ ân hiếu nghĩa vẫn bàng bạc trong bốn chữ “học Phật tu nhân” và sử dụng biểu tượng trần điều và có in “lòng phái” như của Bửu Sơn kỳ hương. Cũng giống như Bửu Sơn kỳ hương, các tín đồ của phái không cần ly gia cắt ái, không trường trai, chỉ mặc áo vạt hò, quần lá nem nhuộm đen, để tóc.
Ông Ngô Lợi cũng biết y thuật để chữa bệnh cho dân và lãnh đạo tín đồ khai hoang làm căn cứ kháng chiến chống Pháp. Ông mất vì bệnh ngày 13 tháng Mười năm Canh Dần (1890), tại chùa Tam Bửu (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Sau khi ông mất, phong trào kháng Pháp dần tan rã, chỉ có “đạo” Tứ ân hiếu nghĩa là còn lại cho đến nay.
3.2. Phật giáo Hòa Hảo
Phật giáo Hòa Hảo do ông Huỳnh Phú Sổ (1920 -1947) sáng lập vào ngày 18 tháng Năm năm Kỷ Mão (tức 4/7/1939) tại làng Hòa Hảo, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Là con thứ tư trong gia đình nên ông thường được người địa phương xướng danh là “Thầy Tư Hòa Hảo”, còn tín đồ thì gọi ông là Đức Thầy hay Đức Huỳnh Giáo chủ. Ông mất tích vào đêm 16/4/1947 tại kinh Đốc Vàng Hạ, làng Tân Phú, thuộc vùng Đồng Tháp Mười5. Có tài liệu nói, ông Huỳnh Phú Sổ là một người thông minh, có khiếu làm văn vần, học tới bằng sơ học Pháp – Việt, ông bị bệnh di tinh không chữa khỏi, có người chỉ lên núi, nhờ thầy thuốc Nam là ông Lê Hồng Nhựt, một tín đồ cố cựu của Bửu Sơn kỳ hương chữa khỏi bệnh và ở tu theo phái Bửu Sơn kỳ hương6.
Theo đó, ông Huỳnh Phú Sổ có mối quan hệ thân thiết với Bửu Sơn kỳ hương, thậm chí là một tín đồ của phái này.
Về giáo lý và cách tu hành, vẫn tiếp nối truyền thống Bửu Sơn kỳ hương của ông Đoàn Minh Huyên. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo điều nằm lòng câu thơ:
“Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành”.
Trong quyển “Những điều sơ lược cần biết của kẻ tu hành”, ông Huỳnh Phú Sổ đã khẳng định: “…toàn thể trong đạo chúng ta thuộc hạng tại gia cư sĩ học Phật, tu nhân…” nên đạo vẫn không xây chùa, thờ tượng Phật. Trong mỗi gia đình theo đạo, chỉ dùng tấm trần dà (lúc đầu cũng là trần điều)7, 8 và chân dung giáo chủ phía trên là biểu tượng chính cho việc thờ cúng, cùng với ba loại vật cúng đơn giản là nhang, hoa, nước lạnh, phía dưới là bàn thờ tổ tiên, phía trước sân nhà có thờ bàn thông thiên (thờ trời, đất) cũng tương tự như Bửu Sơn kỳ hương và Tứ ân hiếu nghĩa. Tín đồ không cần xuất gia, không gõ mõ tụng kinh, mà noi theo văn hóa truyền thống để tóc, để râu, đọc sấm giảng, ăn chay tùy theo điều kiện và căn duyên. Người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo tu hành theo tôn chỉ vừa học Phật, vừa tu nhân. Tu nhân là tạo nên công, học Phật là tạo nên đức, nhưng muốn học Phật trước hết phải học đạo làm người, phải sống và làm tròn bổn phận như mọi người công dân khác trong xã hội9. Trong những năm mới hình thành, số lượng tín đồ ngày càng đông, dần trở thành một thế lực chính trị lớn, nên từ phát xít Nhật đến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều ra sức lợi dụng, lôi kéo xúi giục, hỗ trợ cho thành lập tổ chức chính trị phản động và lực lượng quân sự Hòa Hảo để chống phá cách mạng nhưng ông Huỳnh Phú Sổ và các tín đồ đã noi theo tinh thần nhập thế “nước mất đạo cũng không còn”, nên âm mưu thâm độc của chúng đã bị vạch trần, đồng bào lương, giáo đoàn kết xung quanh Đảng và Bác Hồ quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi.
4. Những điểm chung của các tôn giáo nội sinh thuộc hệ phái Bửu Sơn kỳ hương
Từ những nghiên cứu, phân tích trên ta thấy, giữa các giáo phái nội sinh: Tứ ân hiếu nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo (có thể còn một số giáo phái khác nữa) có những điểm giống với giáo phái tiền thân Bửu Sơn kỳ hương, do ông Đoàn Minh Huyên khai nguồn như:
Thứ nhất, các giáo chủ mượn điều kiện chữa bệnh cứu người để truyền giảng tư tưởng, con đường hành đạo, khai sáng mối đạo, thu nhận tín đồ. Tổ chức “trảm thảo khai sơn” để người dân nghèo có nơi ở và lương thực sinh sống, đồng thời cũng là những căn cứ kháng chiến.
Thứ hai, các tôn giáo đã đơn giản hóa các giáo lý và cách hành đạo cho phù hợp với trình độ, điều kiện người nông dân lúc bấy giờ nhưng vẫn giữ lại những giá trị tốt đẹp của Phật giáo và tinh thần dân tộc. Đối tượng tôn thờ được xem là biểu tượng của các tôn giáo này đều là tấm trần điều, một tấm vải màu đỏ được cho là thể hiện tinh thần vô vi.
Thứ ba, các đạo ra đời sau kế thừa, cải biên giáo lý, kinh nghiệm hành đạo, nghi thức thực hành tôn giáo… của đạo tiền thân và phát triển hơn, nhưng nhìn chung, vẫn giữ cốt lõi là học Phật tu nhân và tứ ân ban đầu của Bửu Sơn kỳ hương, trong đó, ân tổ tiên, ân đất nước được đề cao, thể hiện tinh thần nhập thế “đạo không lìa đời”.
Thứ tư, các đạo này đều lấy giáo lý mạt thế luận (Eschatology) làm nền tảng xây dựng cơ sở triết lý của đạo, với nội dung mang niềm tin sẽ có một Minh vương/Phật vương ra đời cứu thế, những ai chịu khó học Phật tu nhân sẽ được tham dự hội Long Hoa lập đời thượng ngươn, khi thời hạ ngươn/mạt pháp chấm dứt một loại hình giáo lý phổ biến ở Đông Nam Á vào giữa thế kỷ XIX10. Nội dung này cần ngầm hiểu là sẽ có một người tài giỏi (Minh vương/Phật vương) đứng ra lãnh đạo quy tụ mọi tầng lớp quần chúng cầm vũ khí đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân (tức mở hội Long Hoa lập đời thượng ngươn). Theo đó, lãnh đạo các tôn giáo thường vận dụng giáo thuyết cứu thế vào mục đích chống Pháp, cải biên khẩu hiệu “bài Mãn phục Minh” của Minh sư thành “bài Pháp phục Nam”, với những vũ khí thần bí, thu hút được nhiều hưởng ứng của nhân dân.
5. Thay lời kết
Nam Bộ là vùng đất với nhiều nhân kiệt lịch sử, văn hóa tiêu biểu, trong đó có ông Đoàn Minh Huyên. Ông không chỉ là Đức Phật Thầy Tây An trong lòng các tín đồ của mình, mà đối với những người nghiên cứu về văn hóa, ông là người đã có công rất lớn về nhiều mặt: chữa bệnh dịch cho người dân trong thời buổi y học còn khó khăn, quy tụ nhân dân khai hoang, lập dinh điền trong lúc người dân còn phiêu bạt nghèo đói, giáo dục tinh thần dân tộc cho các đệ tử của mình, lãnh đạo người dân yêu nước đứng lên kháng Pháp và đặc biệt là ông để lại cho đời một hệ thống giáo lý mới về tôn giáo, một cách thức tu tập thực hành tôn giáo phù hợp với người dân nông nghiệp Nam Bộ, là người khai nguồn tôn giáo nội sinh đầu tiên của Nam Bộ và cả nước, tạo nên một hệ phái Bửu Sơn kỳ hương của các tôn giáo nội sinh, ra đời sau, noi theo thực hiện, mà những ảnh hưởng của nó vẫn tồn tại đến nay./.
Chú thích:
1- Nguyễn Hữu Hiếu (2010), Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Thời Đại, tr. 152.
2- Nguyễn Văn Hầu (1973), Sấm truyền Đức Phật Thầy Tây An, tài liệu do chùa Tòng Sơn cung cấp, tr. 33.
3- Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr. 231.
4- Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr. 232.
5- Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, tr. 234 – 235.
6- Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lấp Vò (2000), Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Đoàn Minh Huyên và Bửu Sơn kỳ hương, Huyện ủy Lấp Vò, tr. 75.
7- Nguyễn Hữu Hiếu (2010), Diễn trình văn hóa đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Thời Đại, tr. 158.
8- Nguyễn Văn Hầu (1968), Nhận thức Phật giáo Hòa Hảo, Nxb. Hương Sen, tr. 95.
9- Nguyễn Văn Hầu (1968), Nhận thức Phật giáo Hòa Hảo, Nxb. Hương Sen, tr. 81 – 110.
10- Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lấp Vò (2000), Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Đoàn Minh Huyên và Bửu Sơn kỳ hương, Huyện ủy Lấp Vò, tr. 99 – 103.
Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, Số 1 (58) – 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Người khởi xướng tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ (Tác giả: Đinh Văn Nhân; Trần Hoàng Phong) |