Người Pháp với quá trình xác lập nền giáo dục Tây học ở Việt Nam giai đoạn 1861-1919

LES FRANÇAIS ET LE PROCESSUS DE FONDATION DU SYSTÈME
ÉDUCATIF AU VIETNAM ENTRE 1861-1919

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  LÊ HOÀI NAM
(Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh)
Tiến sĩ  LÊ ANH TUẤN
(Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế)

TÓM TẮT

     Đến cuối thế kỉ XIX, cũng như thể chế chính trị, nền giáo dục phong kiến Việt Nam vốn đã lạc hậu, đã không thể đứng vững trước sự tấn công của chủ nghĩa thực dân và những tư tưởng tiến bộ của nền giáo dục phương Tây. Để phục vụ quá trình khai thác thuộc địa, từ năm 1861 người Pháp đã thiết lập nên một hệ thống giáo dục ở Việt Nam, với việc xây dựng những trường học đầu tiên trên đất Nam Kỳ, sau đó mở rộng ra toàn cõi Đông Dương, và tiến hành 2 cuộc cải cách giáo dục nhằm xóa bỏ hoàn toàn giáo dục Hán học. Quá trình này, dù còn có những hạn chế nhất định nhưng cũng mang đến nhiều kết quả đáng kể, đặt nền móng cho giáo dục Việt Nam sau này, với sự ra đời của tầng lớp trí thức “tân học”, “Tây học” phục vụ cách mạng, xây dựng đất nước.

Từ khóa: Phong kiến, cải cách giáo dục, thuộc địa, Pháp, Việt Nam.

x
x x

1. Nền giáo dục phong kiến Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX

     Trong lịch sử Việt Nam, nền giáo dục Nho học đã đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nhân lực cho bộ máy nhà nước quân chủ. Tuy nhiên, từ sau cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ nhất, các nước tư bản phương Tây nhanh chóng trở nên hùng cường và đẩy nhanh tiến trình xâm lược thuộc địa. Trong khi đó, bước sang thế kỉ XIX, chính quyền nhà Nguyễn lên nắm quyền cai trị ở Việt Nam vẫn duy trì một nền giáo dục Nho học đã lạc hậu.

     Về bộ máy quản lý giáo dục: Chế độ phong kiến Việt Nam vốn đã dần suy yếu, đến triều Nguyễn vẫn không thể tránh khỏi dẫn đến khủng hoảng toàn diện. Trong đó, bộ máy quản lý giáo dục thời Nguyễn vẫn lấy các khoa thi, phép thi giống như thời Lê (Phan Trọng Báu, 2006, tr. 14).

     Về tổ chức lớp học và chương trình: Hệ thống lớp học dưới triều Nguyễn không khác so với các triều đại trước. Trẻ em 7, 8 tuổi bắt đầu đi học vỡ lòng ở trường làng bởi thầy đồ mà không có một hệ thống cấp học từ nhỏ lên cao mang tính quốc dân. Giáo dục mang tính chất bất bình đẳng vì trọng nam khinh nữ, không phải mọi người đều có cơ hội đi học, chỉ con em tầng lớp quý tộc mới được. Triều đình chỉ lo giáo dục cho con em vua chúa và quan lại ở Kinh đô còn ở những nơi khác phải mời thầy đồ về giảng dạy.

     Về tài liệu và nội dung: Chủ yếu học các loại sách bằng chữ Hán kinh điển của Nho, là những tác phẩm văn học cổ đại Trung Quốc, học thuộc lòng. Nội dung giáo dục nặng về văn chương, ít đề cập đến lao động sản xuất, khoa học kỹ thuật.

     Về tổ chức thi cử: Rất nghiêm ngặt nhưng nội dung thi không toàn diện, các đề thi chủ yếu ca tụng vua chúa, ca ngợi triều đình, ca ngợi Nho giáo. Thời gian thi các kỳ không nhất quán vì có kỳ 3 năm, có kỳ 10 năm.

2. Tư tưởng giáo dục của Pháp và mục đích ở Việt Nam

     Song song với quá trình thiết lập chính quyền bảo hộ ở Việt Nam, chính phủ Pháp chủ trương xây dựng nền giáo dục theo mô hình của chính quốc kết hợp với yếu tố bản xứ. Cũng như nền Cộng hòa Đệ Tam, chính quyền thuộc địa cũng coi giáo dục là một điểm nhấn trong chính sách của họ.

     Trong cuốn Colonisation enseignement et education (Giáo dục và đào tạo ở xứ thuộc địa), xuất bản năm 1991, Antoine Léon phân tích một số đặc điểm được Pháp coi là mục đích tư tưởng giáo dục ở các xứ thuộc địa, trong đó có Đông Dương, đó là:

     Một là, “chinh phục đạo đức của người dân bản xứ”: thể hiện trong báo cáo của Georges Hardy Thanh tra giáo dục xứ Tây Phi thuộc Pháp:

     Để có thể thay đổi người dân còn sơ khai ở các xứ thuộc địa của chúng ta, làm cho họ trung thành với sự mạng của chúng ta, chúng ta có quá ít các biện pháp, và không có các biện pháp nào hay hơn là giáo dục trẻ em bản xứ, giúp chúng cho chúng có sự chuyên cần của chúng ta và nắm được những tri thức cũng như đạo đức đã thành tập tục của chúng ta từ bao thế kỉ, tạo ra cho họ một tinh thần theo ý đồ của chúng ta (Antoine Léon, 1991, tr. 17).

     Mục tiêu này cũng được Dumoutier, người tổ chức các trường Pháp-Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ dưới thời Paul Bert, khẳng định năm 1887 (Trần Thị Phương Hoa, 2012, tr. 17).

     Hai là, “bảo tồn xã hội và sự kết hợp của các chủng tộc”: nền giáo dục của Pháp phải phù hợp với cấu trúc truyền thống của xã hội ở thuộc địa. G. Hardy phân biệt ba nhóm là quý tộc, thị dân và dân nông thôn, tương ứng với ba loại trường học, theo tinh thần:

     Trường phải nhận học sinh từ mọi tầng lớp nhưng “phải tôn trọng sự phân hóa xã hội, dạy thêu cho nhà giàu, dạy dệt khăn cho nhà nghèo, dạy may vá cho tất cả mọi nhà” (Antoine Léon, 1991, tr. 21).

     Nhưng trường học không phải chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ trật tự xã hội, nó còn phải thực hiện mục tiêu đang ngày một định hình rõ là đào tạo một “tầng lớp trung lưu, công nghiệp, những thành phần tích cực trong việc làm giàu về vật chất cho xứ thuộc địa” (Antoine Léon, 1991, tr. 22). Mục tiêu này thể hiện rõ trong chính sách thuộc địa của Pháp ở Đông Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, khi một mặt chú trọng đào tạo lớp người trung thành với Pháp và làm chỗ dựa trong việc thâm nhập sâu vào xã hội Việt Nam. Tầng lớp này được lựa chọn khắt khe và đào tạo kỹ lưỡng trong số ít các trường dạy bằng tiếng Pháp. Mặt khác, các trường cấp thấp và trường dạy nghề chiếm số đông nhằm đào tạo tầng lớp bình dân. Giáo dục đã góp phần vào sự phân hóa xã hội ngày càng tăng dưới chế độ thực dân.

     Ba là, “khai hóa văn minh”: Mục tiêu này được hiểu là đưa các giá trị của văn minh Tây Âu vào trường học. Đây được coi là những giá trị mang tính “tổng quát, toàn cầu” nhằm “khai hóa cho các dân tộc còn mông muội, dã man”. Những giá trị này phải cảm hóa dần dần các xứ thuộc địa, không chỉ về mặt tri thức, kỹ thuật mà cả về đạo đức. Tuy nhiên, để che đậy bản chất thực dân trong thuyết “khai hóa văn minh”, Pháp nhiều phải tính tới các giá trị văn hóa bản địa vì:

     Ở Đông Dương, người ta vẫn tuân thủ các giá trị hòa trộn Trung-Việt và theo đạo đức Khổng giáo như tình cảm gia đình hay sự ôn hòa. Chúng ta không nên khẳng định sự siêu việt của đạo đức phương Tây, chẳng hạn như “sự tôn trọng quá mức tính cá nhân” (Antoine Léon, 1991, tr. 23).

     Một mặt tâm niệm ý nghĩa của nền văn hóa bản địa, bản chất “xâm lược và khai thác thuộc địa” dưới vỏ bọc “sứ mệnh khai hóa văn minh” đã bị lột trần, như Antoine Léon trích lời của Charton “các từ “văn minh”, “thực dân hóa” và “tư tưởng thực dân” thực ra có thể dùng thay thế cho nhau (Antoine Léon, 1991, tr. 24).

     Bốn là, vì “một thế giới khép kín, được bảo hộ”: đây là điểm nhấn của tư tưởng thuyết khai hóa văn minh, là điều mà các nhà giáo dục có trách nhiệm thực hiện nhằm gắn kết các mục tiêu của chính sách với các hoạt động giáo dục. Các nhà quản lý giáo dục Pháp luôn dùng những lời lẽ hết sức đẹp đẽ để mô tả về thế giới mà họ mơ ước có thể xây dựng nên ở xứ thuộc địa:

     Chúng ta mơ ước sự tiến bộ của học trò, về mặt trí tuệ cũng như tâm hồn. Chúng tôi thấy hàng trăm hàng ngàn học trò đang mong đợi chúng ta mang lại cho họ kho tri thức phổ thông to lớn-đó là sự nghiệp của chúng ta” (Antoine Léon, 1991, tr. 26).

     Tuy nhiên, điều này bị lên án là giả dối khi nó song song đồng hành cùng với các hoạt động thực dân tàn bạo.

     Năm là, “D’une guerre à l’autre” (Từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác): Sau Chiến tranh thế giới I, nhiều đòi hỏi đặt ra đối với Nha Học chính ở các nước thuộc địa: thứ nhất, “trách nhiệm công bằng đối với những người thuộc địa trung thành, những người đã đổ máu xương để chiến đấu cho nước Pháp”; thứ hai, “trách nhiệm cao cả” trước sức ép quốc tế về “trao quyền cho các thuộc địa” khi cả thế giới theo dõi những hành động của các cường quốc thực dân đối với những dân tộc mà họ có trách nhiệm bồi thường cả về vật chất lẫn tinh thần. Giám đốc phụ trách “châu Á” của Bộ Thuộc địa cảnh báo rằng khi thực hiện những nguyên tắc chung này phải hết sức thận trọng, vì:

     Những người bản xứ được giáo dục theo phương pháp của chúng ta, theo tư tưởng của chúng ta sẽ là những kẻ thù nguy hiểm nhất và họ sẽ tự giải quyết được các vấn đề của họ mà không cần đến chúng ta” (Antoine Léon, 1991, tr. 28).

     Khi xây dựng Bộ Học chính Tổng quy năm 1917, Albert Sarraut đã tính đến yếu tố này khi coi xây dựng trường học ở Đông Dương vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của chính quyền thực dân, đồng thời là sự hàm ơn đối với những gì mà người dân Đông Dương đã đóng góp cho Pháp trong Chiến tranh thế giới I.

     Sáu là, “nhà thờ và sự thống trị thực dân”: thể hiện mối quan hệ giữa nhà thờ, chính quyền dân sự và lực lượng quân sự. Mặc dù có việc tách rời các trường Công giáo và trường thế tục, nhưng bản thân lịch sử thực dân có mối quan hệ hết sức mật thiết với Thiên Chúa giáo: “Các cuộc chinh phục thuộc địa và trường học Thiên Chúa giáo đi trước nền giáo dục công mà chính quyền thực dân xây dựng ở các nước thuộc địa” (Altbach P., Kelly G., 1978, tr. 3), Giáo hội vẫn muốn tìm cách can thiệp vào các xứ thuộc địa và đưa các giá trị Thiên Chúa giáo thâm nhập vào những xứ này với sự hậu thuẫn của chính quyền.

     Những mục đích giáo dục này được thực hiện qua từng giai đoạn của quá trình thực dân xâm lược, xây dựng bộ máy và khai thác thuộc địa ở Việt Nam.

3. Quá trình xác lập nền giáo dục Pháp và xóa bỏ nền giáo dục phong kiến Việt Nam

     3.1. Thành lập những trường học đầu tiên trên đất Nam Kỳ (1861-1884)

     Ngay khi chiếm được những vùng đất đầu tiên của Nam Kỳ, Pháp đã triển khai việc thiết lập hệ thống giáo dục nhằm phục vụ trực tiếp việc mở rộng xâm chiếm và cai trị. Có thể coi giai đoạn 1861-1884 trên đất Nam Kỳ là giai đoạn “thử nghiệm” về giáo dục mang tính chất địa phương của chính quyền thuộc địa bởi những văn bản được ban hành chỉ áp dụng ở Nam Kỳ, nơi mà người Pháp bắt đầu quá trình xâm lược Đông Dương sớm nhất và là nơi mà họ xem như “thuộc địa” của mình (Cochinchine française= Nam Kỳ thuộc Pháp).

     Nửa cuối thế kỉ XIX là thời điểm xuất hiện những ngôi trường Pháp-Việt đầu tiên ở Nam Kỳ, trong số đó trước hết phải kể đến hệ thống trường thông ngôn, đào tạo đội ngũ người bản xứ làm việc trong chính quyền thuộc địa. Ngày 21-9-1861, Đô đốc Charner ký Nghị định thành lập Trường Bá Đa Lộc (Évêque d’Adran) để dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp trong khi chiến sự vẫn đang diễn ra (Ngô Minh Oanh, 2011, tr. 15). Sự kiện này đánh dấu thời điểm người Pháp chính thức đặt nền giáo dục Pháp vào xã hội Việt Nam. Ngày 8-5-1862, Chuẩn Đô đốc Louis Adolphe Bonard ra Quyết định số 89 về việc thành lập Trường Collège d’Adran (Thông ngôn An-nam) (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 22). Ngày 16-7-1864 của Chuẩn Đô đốc-Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière, ngay sau khi chiếm và biến ba tỉnh miền Đông Nam Bộ thành thuộc địa, đã ra Lệnh số 60 về việc “cho phép mở một số trường tiểu học tại những trung tâm quan trọng để dạy thanh thiếu niên bản xứ phương pháp dịch từ chữ Quốc ngữ sang tiếng Pháp” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 27).

     Một số văn bản về giáo dục cũng được ban hành, nhằm hỗ trợ việc triển khai các hoạt động lập trường, phổ biến tiếng Pháp. Trong đó, Quyết định số 283 ngày 17-11-1874, gồm 4 chương 23 điều đã đặt nền móng đầu tiên cho nền giáo dục công tại Nam Kỳ theo chế độ mới, chia nền giáo dục làm hai bậc là tiểu học và trung học (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 34-49; JOIF, 1874). Cũng trong ngày 17-11-1874, Chuẩn Đô đốc, quyền Thống đốc Nam Kỳ Krantz ký Quyết định gồm 3 điều, quy định chương trình giáo dục công cho bậc giáo dục tiểu học và giáo dục trung học. Sau một thời gian khảo sát và áp dụng chương trình giáo dục theo Quyết định ngày 17-11-1874, chính quyền Pháp rút ra được nhiều kinh nghiệm và nhận thấy chương trình đó còn khiếm khuyết. Nên, ngày 17-3-1879, Thống soái Nam Kỳ Jules Lafont ban hành Nghị định số 55 về giáo dục công chi tiết hơn, đầy đủ hơn, thay thế cho tất cả các văn kiện về giáo dục đã ban hành từ trước, gồm 7 chương 47 điều ấn định chương trình giáo dục Pháp mới tại Nam Kỳ. Bên cạnh đó, Nghị định giải thể các trường tiểu học và trung học, thay thế bằng các trường cấp 1 (Premier degré), cấp 2 (Second degré) và cấp 3 (troisième degré) (Nguyễn Đình Tư, 2016,
tr. 294).

     Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký kết Hiệp ước Patenôtre:

     Thừa nhận và chấp nhận nền bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho nước An Nam trên mọi quan hệ ngoại giao. Những người dân An Nam nằm ở nước nước ngoài đều đặt dưới quyền bảo hộ của nước Pháp (Điều 1) (Nguyễn Xuân Thọ, 2018, tr.608).

     Vì Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên người Pháp đã áp dụng tại đây những quy chuẩn về giáo dục của người Pháp về chương trình các môn học và thời gian của các cấp (Nguyễn Đình Tư, 2016, tr. 297-298).

     Như vậy, từ năm 1879 chương trình giáo dục của Pháp ở Nam Kỳ đã có nhiều thay đổi cả về cấp học, chương trình và môn học, nhất là với Nghị định 55 đã làm thay đổi nền giáo dục Nam Kỳ, thúc đẩy quá trình chuyển biến từ giáo dục Nho học truyền thống sang hệ thống giáo dục Pháp.

     3.2. Mở rộng nền giáo dục thuộc Pháp lên toàn cõi Việt Nam (1885-1905)

     Sau Nam Kỳ, người Pháp tiếp tục mở rộng nền giáo dục lên phần lãnh thổ còn lại của Việt Nam cùng với quá trình mở rộng chiếm đóng. Quyết định đầu tiên có liên quan đến việc tổ chức giáo dục ở Bắc Kỳ được đưa ra bởi tướng Brière de l’Isle vào ngày 12- 3-1885 (Trần Thị Phương Hoa, 2012, tr. 32-33). Theo quyết định này, tại trung tâm của mỗi tỉnh ở Bắc Kỳ phải có trường tiểu học dành cho người Việt, dạy tiếng Pháp miễn phí và không bắt buộc.

     Tháng 4-1886, Paul Bert được cử giữ chức Thống Trú sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ, mở ra một thời kỳ mới về nền giáo dục thuộc Pháp ở Việt Nam. Với những kinh nghiệm tổ chức và xây dựng nội dung giáo dục ở Nam Kỳ trước đó của những tiền nhiệm đi trước, vốn là một nhà giáo dục nổi tiếng của Pháp, nên ngay sau khi đặt chân tới Hà Nội, cùng với lời tuyên bố: “Người Pháp đến đây là để nâng cao đời sống nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần giáo dục”, Paul Bert đã tự tay đôn đốc việc xây dựng trường sở và ra những chỉ dụ cụ thể để chỉ đạo công tác xây dựng nền giáo dục nhằm:

     Nhanh chóng thiết lập mối quan hệ trực tiếp ngày càng nhiều càng tốt giữa các dân tộc An Nam với chúng ta (thực dân Pháp) bằng cách truyền bá sự thông dụng tiếng Pháp cũng như sự hiểu biết những phong tục và khoa học của chúng ta” (Nguyễn Đăng Tiến, 1996, tr. 196).

     Văn bản quan trọng nhất của Paul Bert về lĩnh vực giáo dục chính là Quyết định ngày 6-9-1886 về việc tổ chức chương trình giáo dục bậc tiểu học với chương trình giảng dạy bằng tiếng Pháp tại các trường tiểu học thuộc chính quyền Bảo hộ. Mặc dù, cũng nhằm mục đích đào tạo ra một đội ngũ người bản xứ làm việc trong chính quyền thuộc địa như đã ban hành ở Nam Kỳ, song Quyết định nàycó tính thực dụng hơn. Vì không tán thành việc bắt người Việt bỏ hẳn chữ Hán để học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ như ở Nam Kỳ nên Paul Bert vẫn cho học sinh học chữ Hán. Điều này được thể hiện trong quy định về chương trình giảng dạy của các trường tiểu học: “Việc giảng dạy ngôn ngữ bản xứ là chữ Quốc ngữ và chứ Hán được thực hiện bên cạnh các buổi học tiếng Pháp” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 12). Ngoài ra, Quyết định này của Paul Bert còn quy định rõ chức trách của những người trực tiếp thực thi văn bản; khung nhân sự ở các trường tiểu học; trách nhiệm của Hiệu trưởng; việc thanh kiểm tra các trường học; lương, hình thức thăng trật, thứ bậc nhân sự và các hình thức kỷ luật đối với các giáo sư người Pháp biệt phái làm trong ngành học chính cũng như đối với các giáo sư và giáo viên tiểu học người bản xứ.

     Quyết định ngày 6-9-1886 chứng tỏ Paul Bert đã dày công chuẩn bị một nền móng vững chắc cho “sự nghiệp giáo dục” Pháp lên toàn cõi Việt Nam. Trong vòng chưa tới một năm ráo riết hoạt động giáo dục ở Bắc Kỳ, Paul Bert đã tổ chức được 1 trường thông ngôn, 9 trường tiểu học (nam sinh), 4 trường tiểu học (nữ sinh), 1 trường tư dạy vẽ và 117 trường tư dạy chữ quốc ngữ (Etienne François Aymoner & Emile Roucoules, 2018, tr. 196). Tháng 11-1886, khi đến Huế thủ phủ của Trung Kỳ, Paul Bert chủ trương thành lập một trường Hoàng gia để dạy cho các vua quan Nam triều học chữ Pháp. Tiếc thay, cuối năm 1886, Paul Bert đột ngột qua đời làm gián đoạn quá trình xây dựng và phát triển tinh thần giáo dục của ông ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. 10 năm sau ngày Paul Bert mất, sự nghiệp giáo dục của người Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ không có gì đáng kể, tất cả sức lực của họ đang dồn vào để “bình định” xứ này, tuy vậy họ cũng thành lập ở Hà Nội được 7 trường Pháp-Việt (Doumoutier, Báo cáo số 706, 1890), thành lập ở Trung Kỳ trường Quốc học Huế (1896).

     Tháng 2-1897, chính quyền Pháp cử Paul Doumer sang làm Toàn quyền Pháp ở Đông Dương (1897-1902). Để thực hiện xây dựng nền giáo dục, năm 1898 ông cho thành lập trường Viễn Đông Bác Cổ, cơ quan nghiên cứu khoa học lớn của người Pháp, và một trong những công việc đầu tiên là đề xuất cho một chương trình cải cách giáo dục. Tháng 6-1898, Paul Doumer ký Nghị định số 618 quy định trong chương trình các kỳ thi Hương của triều đình An Nam bắt buộc phải có môn Quốc ngữ và chữ Pháp. Theo đó, từ khoa thi Hương năm 1903 trở đi chữ Pháp và chữ Quốc ngữ bắt buộc, và những người biết tiếng Pháp mới được tuyển vào các cơ quan Nhà nước.

     Như vậy, tới năm 1905 trên ba kỳ, do có sự khác nhau về giáo dục, người Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi và chỉ đạo. Việc không đồng nhất giữa nền giáo dục của ba kỳ là tiền đề cho một cuộc cải cách giáo dục mới xuất hiện. Mặt khác, khi tình hình chính trị dần ổn định, sự phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi có một đội ngũ công nhân và cán bộ kỹ thuật có trình độ cao hơn. Về giáo dục, họ cần có sự thể nghiệm đường lối phù hợp với một đất nước có nền văn hóa phương Đông lâu đời bước đầu tiếp xúc nền văn hóa xa lạ của phương Tây. Paul Beau thay Paul Doumer làm toàn quyền Đông Dương, đã lĩnh trọng trách này. Năm 1903, Paul Beau ký nghị định Thành lập Hội đồng nghiên cứu cải cách giáo dục và sau ba năm hoạt động, đến năm 1906 một nghị định công bố nội dung cải cách chính thức ra đời.

     3.3. Thực hiện cải cách giáo dục lần thứ nhất (1906-1917)

     Nhận xét về tình hình giáo dục từ khi người Pháp chiếm được toàn bộ Việt Nam cho đến đầu thế kỉ XX, CL.E.Maitre (CL.E.Maitre, 1907, tr. 6) một người trong hội đồng soạn thảo chương trình cải cách giáo dục của chính quyền Pháp ở Việt Nam cho rằng, có bốn điều nền giáo dục của người Pháp ở Việt Nam cần thay đổi: Thứ nhất, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nền giáo dục cổ truyền căn bản vẫn là một nền giáo dục rộng rãi trong nhân dân. Thứ hai, giáo dục Pháp-Việt không áp đảo được nền giáo dục chữ Hán, kết quả còn lại đi ngược với ý muốn của họ. Thứ ba, nếu không cải cách giáo dục, sẽ không điều hòa được mâu thuẫn giữa những “cộng sự” gồm những người học tân học và cựu học với nhau, tân học bị “xem là những người thấp kém về mặt xã hội đối với những nho sĩ hạng thấp nhất”. Thứ tư, sự chuyển biến của châu Á đầu thế kỉ XX, nhất là từ Trung Quốc và Nhật Bản, đã tác động đến Việt Nam. Người Việt với sự tiếp xúc với người Pháp đã làm quen với những phát minh hiện đại cũng đòi hỏi một nền giáo dục thích hợp với thời đại. Đó chính là những lý do để năm 1906, Paul Beau cho thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất theo mô hình giáo dục của Pháp.

     Ngày 9-3-1906, Paul Beau ban hành Nghị định (JOIF, p.416) thành lập Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Pefectionnement de l’Enseignement indigène) với nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề cải tổ nền giáo dục cũ, cải cách các kỳ thi Hương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, bao gồm 3 nội dung (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 114):

     Thứ nhất, những cải cách trong hệ thống giáo dục Pháp-Việt: Để từng bước xóa bỏ nền giáo dục Hán học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đang làm cản trở sự phát triển công cuộc phát triển giáo dục của người Pháp, Paul Beau thực hiện cải cách hệ thống trường PhápViệt bằng cách thay chương trình học tập vào các trường này chủ yếu là chữ quốc ngữ và chữ Pháp từ 3 đến 4 năm, nó giống như những trường tiểu học Pháp-Việt ở Nam Kỳ mà chúng tôi trình bày ở trên. Và, hệ thống trường được tổ chức lại thành hai bậc tiểu học và trung học cụ thể: Ở bậc tiểu học, chia thành 4 lớp: từ lớp tư cho tới lớp nhất. Cuối bậc có thi lấy bằng tiểu học Pháp-Việt. Chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp, tiếng Việt và chữ Hán chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp. Ở bậc trung học, sau khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh được thi vào trường trung học. Bậc này được chia làm hai: trung học đệ nhất cấp và trung học học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhất cấp (premier cycle secondaire), học chỉ có một năm, chia làm hai bạn: Ban Văn học, học thêm một ít chương trình của tú tài Pháp; và Ban Khoa học, chia làm 3 ngành: nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp, có mục đích đào tạo những nhân viên cho các ngành kinh tế.

     Thứ hai, những cải cách trong hệ thống trường chữ Hán: Paul Beau đưa ra hai quan điểm cơ bản cần quán triệt toàn bộ việc cải cách. Một là, trong khi chưa có điều kiện dùng hoặc xóa bỏ, phải giữ lại nền giáo dục chữ Hán cổ truyền ở mức độ nào? Hai là, làm thế nào để đưa vào một chương trình khoa học, nhưng phải chữ quốc ngữ làm chuyển ngữ? Trên cở sở của hai yêu cầu đó, Paul Beau đã đưa ra 5 điểm cần cải cách với nền giáo dục Hán học, bao gồm: Cải cách ở bậc ấu học; Cải cách ở bậc tiểu học; Cải cách ở bậc trung học; Cải cách thi Hương và Cải cách về sách giáo khoa.

     Với nội dung cải cách ở hệ thống trường chữ Hán mục đích của thực dân Pháp là tăng cường vai trò giám sát của chính quyền thuộc địa lên nên giáo dục truyền thống bằng cách tăng cường thời lượng học tiếng Pháp chiếm phần nhiều ở các cấp học. Đặc biệt, ở các kỳ thi Hương từ năm 1903 nhà cầm quyền Pháp đưa thêm chữ Pháp vào chương trình thi Hương, vậy nên, trong cuộc cải cách giáo dục ở hệ thống trường chữ Hán, họ tiến hành luôn cả việc cải cách thi Hương ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của nền giáo dục Nho học. Cùng với đó, các kỳ thi Hội dù chưa được chính quyền cai trị cải cách nhưng cũng từng bước được sửa đổi, theo CL.E.Maitre (CL.E.Maitre, 1907, tr. 10) “kỳ thi để chọn tiến sĩ sẽ được sửa đổi lại cho thích hợp với những các đề ra trong những kỳ thì Hương” (Phan Trọng Báu, 2006, tr. 73), nghĩa là trong lần cải cách giáo dục này chưa có chương trình cải cách các kỳ thi Hội của triều đình phong kiến Việt Nam. Bên cạnh việc cải cách hệ thống trường lớp, một việc làm của nhà cầm quyền nhằm hướng tới loại bỏ nền giáo dục Hán học là cải cách về sách giáo khoa, bởisách giáo khoa là một vấn đề quan trọng quyết định đến thành công của cuộc cải cách giáo dục. Đến năm 1915, chính quyền quyết định bãi bỏ kỳ thi Hương ở Bắc Kỳ và ở Trung Kỳ là năm 1918. Đến tháng 4-1913, phiên họp Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ đã quyết định bãi bỏ việc học chữ Hán trong các bậc học từ tiểu học đến trung học.

     Thứ ba, những cải cách trường chuyên nghiệp: Nội dung của những cải cách này được nhà cầm quyền chú ý trong việc cải cách các trường chuyên nghiệp dành cho nữ học về chương trình học ngôn ngữ; chương trình thực tập gia chánh: khâu vá, giặt giũ, nấu ăn và những nghề thủ công như: thêu, đan, dệt, làm bánh, làm vườn…

     Như vậy, chương trình cải cách giáo dục lần thứ nhất của Paul Beau đã tạo đà cho nền giáo dục Việt Nam thuộc Pháp phát triển lên bước mới. Tuy nhiên, công cuộc cải cách này chưa triệt để, vẫn còn tồn tại cùng một lúc nền giáo dục Hán học và thuộc Pháp. Điều này làm tăng mâu thuẫn giữa những người “cựu học” và “tân học” ngay trong một thế hệ học sinh.

     Một bên thì không ngừng quay về với quá khứ âm thầm chống đối những cải cách có nguồn gốc phương Tây, một bên dựa trên quá khứ nhưng lại hướng về và chuẩn bị cho những biến đổi mới của đất nước (Phan Trọng Báu, 2006, tr. 73).

     Những mâu thuẫn đó không hề có lợi cho nền thống trị của nước Pháp ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chính quyền thuộc địa thấy đã đến lúc thay đổi hoàn toàn bằng nền giáo dục Pháp-Việt.

     3.4. Cải cách giáo dục lần thứ hai (1917-1919)

     Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ I (1914-1918) sắp kết thúc, Pháp có nhiều triển vọng thắng trận nhưng do tổn thất lớn về người và của nên họ phải chuẩn bị cho một đợt khai thác lớn ở thuộc địa để bù đắp cho những thiệt hại do chiến tranh gây ra. Việc này đòi hỏi phải có thêm công nhân kỹ thuật và nhân viên có trình độ chuyên môn cao. Do đó, chính quyền quyết định bãi bỏ nền giáo dục Hán học. Sau kỳ thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ năm 1915, ở Trung Kỳ 1918, cùng với khoa thi Hội và thi Đình năm 1919, ngày 14-6-1919, vua Khải Định ký Dụ bãi bỏ tất cả các trường chữ Hán cùng với hệ thống quản lý từ triều đình đến cơ sở, chỉ còn lại hai trường thuộc quyền Nam triều, trên danh nghĩa là trường Hậu bổ và Quốc Tử giám (nhưng vài năm sau cũng bị bãi bỏ). Từ nay, nền giáo dục ở Việt Nam sẽ do nhà cầm quyền Pháp hoàn toàn chỉ đạo và quản lý. Giáo dục Nho học đến đây bị xóa bỏ hoàn toàn.

     Trong nhiệm kì 2 nắm chức Toàn quyền Đông Dương (1917-1929), Albert Sarraut đã quyết định thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2, sau cải cách của Toàn quyền Paul Beau. Chương trình cải cách giáo dục lần thứ 2 chính thức bằng Nghị định ban hành Bộ Học chính Tổng quy (Règlement general de l’Instruction publique), gọi tắt là Học quy (ngày 21-12-1917, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-1918), quy định về hệ thống trường lớp, cơ cấu tổ chức các loại trường, chương trình, quy định về giáo viên, cách thức đánh giá, thi cử, thanh tra nhà trường, ngân sách (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 335). Theo văn bản này, tên gọi thống nhất các trường học ở Việt Nam là trường Pháp-Việt, được xem là trụ cột của các hệ thống giáo dục, bao gồm trường phổ thông và trường dạy nghề. Một hệ thống trường Pháp-Việt được hình thành, là sự kết hợp của các trường Nho giáo cải cách với các trường Pháp-Việt. Các trường ở khu vực hành chính Tổng chuyển thành các trường Sơ học, các trường Tiểu học ở các tỉnh lỵ lớn được gọi là “trường Tiểu học Pháp-Việt toàn cấp” hay còn gọi là trường bị thể hay kiêm bị.

     Cải cách giáo dục lần thứ 2 của Albert Sarraut thông qua Học quy có 558 điều, chia làm 7 “thiên”, mỗi thiên chia ra thành nhiều “mục”, mỗi mục chia ra thành “tiết”, với các nội dung chính như sau:

     Quy định chung về tổ chức của các trường Pháp-Việt, chia nền giáo dục công ở Đông Dương làm 2 hệ thống là giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề hay còn gọi là “thực nghiệp”. Quy định về trường Đệ nhất cấp (Tiểu học). Với cải cách mới đó của Albert Sarraut đã nhanh chóng tác động đến nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp, đặc biệt đối với hệ giáo dục công lập Pháp-Việt. Đến năm 1944, tổng số giáo dục Sơ đẳng chính thức là 288.655 học sinh, phổ cập giáo dục là 255.449 học sinh (Hồ Hữu Nhựt, 1998, tr. 54).

     Quy định về các trường Đệ nhị cấp (Trung học và Bổ túc). Toàn bộ các trường tiểu học và trung học đều nằm trong hệ thống các trường Pháp-Việt, chương trình giảng dạy được quy định cụ thể trong Học quy. Tính đến năm học 1939-1940, số học sinh Trung học và Tiểu học trên toàn Việt Nam là 254.927 học sinh (trong đó trung học có 533 học sinh) và 7.164 trường (trong đó có 4 trường trung học) (Nguyễn Thế Anh, 2017, tr. 219).

     Quy định về các trường dạy nghề (thực nghiệp) được thành lập từ giai đoạn trước ngày 21-12-1917 đều nằm trong hệ thống trường dạy nghề hai cấp thuộc giáo dục phổ thông (Đệ nhất cấp và Đệ nhị cấp). Kinh phí hoạt động của các trường này do ngân sách địa phương hoặc ngân sách hàng tỉnh, thành phố hoặc hàng xã cấp, đặt dưới sự giám sát về phương diện hành chính của các chủ tỉnh.

     Quy định về các kỳ thi trường Pháp-Việt dự các kỳ thi riêng so với học sinh trường Pháp. Các kỳ thi Pháp-Việt gồm có Tốt nghiệp Tiểu học (Certificat d’études primaires) và Tốt nghiệp Cao đẳng Tiểu học (Diplôme d’études Complémentaires).

     Quy định về cách thức cấp học bổng cho học trò người Tây ở các bậc Cao đẳng tiểu học, trung học đệ nhất cấp, trường trung học đệ nhị cấp và giáo dục nghề (học sinh bậc sơ đẳng tiểu học) và sang học bên Pháp để học, tuy nhiên, trong Học quy lại không thấy quy định về học bổng cấp cho học sinh tại trường Pháp-Việt.

     Quy định về các trường Đệ tam cấp (hệ thống Cao đẳng và Đại học) gồm các trường cao đẳng đã được thành lập từ trước và các trường chuẩn bị được thành lập tại Đông Dương. Đây được xem là phần mới nhất trong Học quy, so với chương trình của Paul Beau và Klobukowsky đề ra trước đó. Theo quy định của Học quy, Ban Chỉ đạo Giáo dục bậc cao đẳng được thành lập với nhiệm vụ tập trung và giải quyết công việc hành chính của tất cả các trường thuộc Đại học Đông Dương, chuẩn bị việc thành lập, tổ chức chế độ làm việc và biên soạn thảo chương trình của các trường cao đẳng lần lượt được mở cho sinh viên người Pháp và người bản xứ tại Đông Dương (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 481). Theo quy định mới từ Học quy, các trường cao đẳng mở chung cho cả học sinh người Pháp và người Việt, tập hợp lại thành Đại học Đông Dương (Université Indochinoise). Ngoài ra, Học quy đề ra việc thành lập Nha Cao đẳng (Diection de l’Enseignement supérieur) để quản lý các trường cao đẳng đang trong quá trình thành lập, chịu trách nhiệm về việc sáng lập, tổ chức, đặt thể lệ, định chương trình cho các trường cao đẳng.

     Quá trình cải cách giáo dục lần 2 của Albert Sarraut, chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học Pháp-Việt được quy định trong Học quy, nhà cầm quyền Pháp đã xây dựng hệ thống giáo dục từ tiểu học đến cao đẳng, trong số đó trường Pháp-Việt đóng vai trò quan trọng làm cầu nối cho giáo dục phổ thông với giáo dục chuyên nghiệp và cao đẳng, phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của Pháp tại Việt Nam (1919- 1929). Với việc thực hiện chương trình cải cách giáo dục lần thứ 2, Albert Sarraut đã loại trừ nền giáo dục phong kiến, xây dựng một nền giáo dục thống nhất cho cả ba kỳ về nội dung, tổ chức, phương pháp giảng dạy. Kết quả bước đầu, nhưng “mô hình Albert Sarraut” để làm cơ sở cho những toàn quyền đi sau kế thừa và mở rộng. Từ những thành công của công cuộc cái cách giáo dục của Albert Sarraut có thể nói Học quy giống như là một “bộ luật về giáo dục” của người Pháp quy định tất cả mọi thành tố để tạo nên hệ thống giáo dục Việt Nam thuộc Pháp nói riêng và toàn Đông Dương nói chung. Với cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2, nhà cầm quyền Pháp đã làm được hai việc lớn là xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến và củng cố mở rộng nền giáo dục Pháp-Việt. Nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp sau hai cuộc cải cách với ba cấp học phổ thông và đại học căn bản được hoàn thiện, đặt một bước phát triển mới cho nền giáo dục Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của giáo dục thế giới đương đại đang phát triển.

4. Một số nhận xét

     Thứ nhất, nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp là một sự chuyển biến quan trọng trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

     Việc Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa đã đánh mất đi quyền độc lập, tự do, dân chủ của dân tộc Việt Nam là một thực tế không thể chối cãi. Tuy nhiên, trong thời kì này, chính quyền thuộc địa đã áp đặt mô hình giáo dục của Pháp vào xã hội Việt Nam, mang lại những hệ quả tích cực trong bối cảnh của nền giáo dục Nho giáo ở Việt Nam đang bị suy tàn không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân tài xây dựng và bảo vệ đất nước.

     Về hình thức, đó là việc tổ chức trường học, cấp học, lớp học có hệ thống bài bản, với hình thức tổ chức dạy học tập trung. Học sinh được tổ chức học thành lớp có cùng độ tuổi, giống nhau về tâm sinh lý, cùng một chương trình thống nhất. Nền giáo dục đa dạng về loại hình trường lớp, hệ thống giáo dục được tổ chức rộng khắp. Học sinh theo lớp có cùng độ tuổi, cùng đặc điểm tâm sinh lí, cùng một chương trình thống nhất làm phá vỡ nền giáo dục Nho học theo lối từ chương, trích cú tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Qua đó, làm thay đổi hoàn toàn nhậnthức, cách tiếp cận vấn đề xã hội, thời cuộc của học sinh, sinh viên.

     Về nội dung, chương trình được xây dựng với nội dung giáo dục toàn diện, không chỉ có khoa học xã hội mà cả khoa học tự nhiên, kỹ thuật, ngoại ngữ. Nội dung giáo dục không chỉ giới hạn trong sách “thánh hiền” mà hiểu biết của học sinh được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, điều mà giáo dục Nho học trước đó không có. Nền giáo dục mới đó làm cho bộ mặt xã hội Việt Nam thay đổi theo hướng đi lên. Rõ ràng nền giáo dục mới là một chuyển biến quan trọng, một bước ngoặt trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

     Thứ hai, giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp chưa mang tầm nền giáo dục quốc dân, phục vụ toàn cộng đồng.

     Tuy có những điểm tích cực nói trên nhưng nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp chưa mang tầm của một nền giáo dục phục vụ cho cho cộng đồng người Việt Nam học tập, nâng cao dân trí. Nền giáo dục người Pháp lập nên chỉ dành cho mục đích cai trị ở Việt Nam nói riêng và ở Đông Dương nói chung. Dù rằng, thực dân Pháp có chú ý mở rộng hệ thống giáo dục nhưng chủ yếu vẫn chỉ tập trung ở những thành phố lớn, trung tâm tỉnh lỵ của các tỉnh và các kỳ phục vụ cho chính con em người Pháp và đội ngũ quan lại người Việt thân Pháp. Một nền giáo dục phục vụ cho số ít người chứ không phải cho quảng đại quần chúng. Phần lớn nhân dân Việt Nam vẫn trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, số người đi học chỉ trên 1% dân số (Phan Trọng Báu, 2006, tr. 239).

     Tuy nhiên, nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp chưa mang phải giáo dục quốc dân, nhưng với việc bắt buộc học sinh phải học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ ở hệ thống trường Pháp-Việt đã trang bị cho học sinh hai thứ ngôn ngữ hữu ích để mở rộng giao tiếp hiểu biết, tiếp cận với các nền văn hóa, dòng chảy tư tưởng chủ đạo đang phát triển trên thế giới. Sự thay thế Hán tự bởi chữ Quốc ngữ là một “lợi khí giải phóng tinh thần và phổ biến văn hóa” (P. Huard và M. Durand, 1954, tr. 33). Nhiều văn hào như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Khắc Hiếu, … đã làm cho chữ quốc ngữ trở thành một công cụ có khả năng phát triển mọi tình tự, mọi quan niệm văn chương và khoa học. Đến năm 1939, có 48 nhật báo, 68 tập san và 292 tác phẩm xuất bản bằng chữ quốc ngữ, cho phép hoàn thiện nền quốc văn mới (Nguyễn Thế Anh, 2017, tr.221). Qua đó cho thấy, thông qua giáo dục, người Pháp đã truyền bá được văn minh châu Âu vào Việt Nam. Cùng với sự du nhập của những yếu tố văn minh vật chất, lối sống theo văn hóa phương Tây được hình thành ở đô thị lớn. Những tư tưởng tiến bộ cũng được tiệp nhận và phát triển.

     Thứ ba, nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp đã đào tạo nên được một đội ngũ trí thức Tây học, một tầng lớp trí thức mới trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

     Điều đặc biệt là mặc dù được người Pháp ra sức tuyên truyền “công ơn khai hóa”, lôi kéo, mua chuộc trí thức, nhưng tầng lớp này một khi được giác ngộ, đã ly khai khỏi ảnh hưởng của người Pháp để đứng về phía dân tộc. Do đó, không lấy làm lạ khi những trí thức người Việt dù xuất thân dưới mái trường Pháp, nhưng vẫn đi với cách mạng dân tộc.Người Pháp đã thất bại trong ý đồ “Pháp hóa” trí thức cũng như đồng hóa dân tộc Việt Nam và chính tầng lớp trí thức được đào tạo trong nhà trường Pháp đã đứng lên lãnh đạo cách mạng, giành lại nền độc lập cho Việt Nam bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, làm sụp đổ hoàn toàn chế độ cai trị của người Pháp ở Đông Dương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Altbach P., Kelly G. (1978). Education and Colonialism. New York: Longman Inc.

     2. Antoine Léon (1991). Colonisation enseignement et education. Paris: L’Harmattan.

     3. Báo cáo số 706 (ngày 26-6-1890), của Thanh tra Doumoutier (phụ trách Sở Học chính Trung-Bắc Kỳ). Theo tài liệu phông Tòa Đốc lý Hà Nội (Fonds de la Marie de de Hanoi-MHN). Hồ sơ 5126.

     4. CL.E.Maitre (1907). L’enseignement indigène dans l’Indochine Annamite (Giáo dục bản xứ ở nước An Nam). Ha Noi: Imprimerie Schneider.

     5. Etienne François Aymoner & Emile Roucoules (2018). Chính sách giáo dục tại Nam Kỳ cuối thế kỉ 19 Quốc ngữ hay Pháp-Á? Trường học Nam Kỳ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Lại Như Bằng dịch và chú giải. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Thế Giới.

     6. Hồ Hữu Nhựt (1998). Lịch sử giáo dục Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh (1687- 1998). TP. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.

     7. Journal officiel de l’Indochine franrçaise (JOIF – Công báo Đông Dương thuộc Pháp) (5 décembre 1874). Saigon: Courrier de Saigon. No 23.

     8. Ngô Minh Oanh (2011). Sự du nhập giáo dục phương Tây vào Nam Kỳ Việt Nam thời thuộc Pháp (1861 – 1945). Tạp chí Khoa học. TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Sư phạm, số 28.

     9. Nguyễn Đăng Tiến (1996). Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8-1945. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

     10. Nguyễn Đình Tư (2016). Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1945), tập 2. TP. Hồ Chí Minh: Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

     11. Nguyễn Thế Anh (2017). Việt Nam thời Pháp đô hộ. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hóa-Văn nghệ.

      12. Nguyễn Xuân Thọ (2018). Les Débuts de l’installation du Système Colonia Français au Viet Nam (1858-1897) (Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), Nguyễn Bá Dũng bổ dịch. Hà Nội: Nxb Hồng Đức.

     13. P. Huard, M. Durand (1954). Connaissance du Việt Nam. Paris: Imprimerie Nationale Efeo, Ha Noi: Published by Ecole française d’Extrême-Orient.

     14. Phan Trọng Báu (2006). Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

     15. Trần Thị Phương Hoa (2012). Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

     16. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (2016). Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858 – 1945). Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du xixè – début du xxè siècle

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Người Pháp với quá trình xác lập nền giáo dục Tây học ở Việt Nam giai đoạn 1861-1919 (Tác giả: ThS. Lê Hoài Nam; TS. Lê Anh Tuấn)