Nhận diện kiến trúc đình làng vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn (Phần 1)

IDENTIFICATION OF VILLAGE COMMUNAL HOUSE
ARCHITECTURE IN PHU XUAN AREA DURING NGUYEN’S LORDS’ ERA

Tác giả bài viết: PHẠM ĐĂNG NHẬT THÁI, TRẦN THÀNH NHÂN
(Trường Đại học Khoa học Đại học Huế, 77 Nguyễn Huệ, Huế, Việt Nam)

TÓM TẮT

     Thời các chúa Nguyễn, Phú Xuân đã hai lần được chọn làm chính dinh: lần thứ nhất (1687–1712) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái và lần hai (1738–1775) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trong cả hai lần này, các chúa Nguyễn đã để lại nhiều dấu ấn về các công trình kiến trúc, trong đó có kiến trúc đình làng. Tuy nhiên, hiện nay những dấu xưa ấy đã không còn mà sự thay đổi qua thời gian khiến những đình làng xưa không còn nguyên vẹn về mọi mặt. Do đó, trong bài báo này, chúng tôi sẽ bước đầu nhận diện kiến trúc đình làng Thừa Thiên Huế vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn qua các đình làng tiêu biểu như đình làng Vạn Xuân, Thủ Lễ, Cổ Lão, Quy Lai, Phú Xuân, Văn Xá, Lại Thế, Long Hồ, Hạ Lang và An Hòa dưới nhiều góc độ trong đó chú trọng đến mảng kiến trúc và văn bia thể hiện đặc trưng riêng của đình làng Thừa Thiên Huế vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn nhằm gìn giữ và lưu lại trong quá trình trùng tu, bảo tồn loại hình kiến di sản này.

Từ khóa: vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn, kiến trúc đình làng, văn bia đình làng.

ABSTRACT

     During the period of the Nguyen’s Lords, Phu Xuan was chosen twice as the main palace: the first time (1687–1712) under the Nguyen Phuc Thai’s and the second time (1738–1775) under the Nguyen Phuc Khoat’s era. At this time, the Nguyen’s Lords left various imprints on architectural works, including those in communal houses. However, nowadays, these old marks have disappeared, and the changes over time have caused the old communal houses to change in all aspects. Therefore, we initially identify the architecture of Thua Thien Hue’s communal houses in the Phu Xuan area under the Nguyen’s Lords era. We look into the typical communal houses, namely Van Xuan, Thu Le, Co Lao, Quy Lai, Phu Xuan, Van Xa, Lai The, Long Ho, Ha Lang, and An Hoa in different respects, focusing on the architecture and epitaphs. They are the unique characteristics of these communal houses and are needed to be preserved in the restoration of this kind of architectural heritage.

Keywords: Phu Xuan area, Nguyen’s Lords, village communal house, architecture, epitaphs.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Kể từ khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong (1558) để xây dựng cơ đồ, tạo lập một giang sơn riêng là cả một quá trình cam go và biến đổi không ngừng trên nhiều phương diện. Trong đó, có cả việc xây dựng các công trình và định hình phong cách kiến trúc để khác hẳn và tách biệt với phía Đàng Ngoài. Đồng thời, kết hợp với việc củng cố, xác lập vị trí thủ phủ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất Đàng Trong.

    Chính quyền Đàng Trong đã trải qua tám lần thay đổi vị trí, trong đó từ thủ phủ cũ Kim Long (1636–1687) đến thủ phủ mới Phú Xuân lần thứ nhất (1687–1712) rồi lại Phú Xuân lần hai (1738–1775). Qua mỗi lần di chuyển, quy mô xây dựng và vai trò của thủ phủ ngày càng được nâng lên, khẳng định dần về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, cũng như định hình về mặt kiến trúc đặc trưng, đồng thời gắn với việc phát triển đối với sự nghiệp của chúa Nguyễn đối với Đàng Trong.

     Trong việc định hình loại hình kiến trúc đặc trưng của vùng Phú Xuân thì chùa, điện, đền, miếu đã được nhắc đến nhiều qua ngòi bút của Lê Quý Đôn cũng như các giáo sĩ phương Tây và các thiền sư. Tuy nhiên, riêng mảng kiến trúc đình làng ở thủ phủ Phú Xuân, mặc dù có đề cập nhưng chưa toàn diện. Do đó, chúng tôi bước đầu nhận diện kiến trúc đình làng Thừa Thiên Huế vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn qua các làng tiêu biểu như: Vạn Xuân, Thủ Lễ, Cổ Lão, Quy Lai, Phú Xuân,Văn Xá, Lại Thế, Long Hồ, Hạ Lang và đình làng An Hòa, dưới nhiều góc độ, trong đó chú trọng đến mảng kiến trúc và văn bia thể hiện đặc trưng riêng của đình làng Thừa Thiên Huế thời Phú Xuân.

     Vùng Phú Xuân đã trải qua một thời kỳ bị nội chiến và thiên tai tàn phá, cho nên việc tìm lại những hình ảnh của các công trình kiến trúc ở thời kỳ này là một việc làm quá khó. Việc tìm lại nó qua những tư liệu cụ thể là hầu như không thể. Tuy nhiên, để bóc tách, lượm nhặt các mẫu thông tin của lịch sử, của di họa, văn bia, điêu khắc trên đá, trên gỗ là tia sáng le lói trong công cuộc tìm về văn hóa, kiến trúc thời bấy giờ để góp phần từng bước lưu lại và biên tập tiến trình văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật không chỉ thời Phú Xuân nói riêng mà còn cho Thừa Thiên Huế ngày nay.

2. Sự ra đời của đình làng ở Phú Xuân thời các chúa Nguyễn

     Dưới thời các chúa Nguyễn, khi Phú Xuân đã hai lần được chọn làm thủ phủ (Hình 1) thì các công trình kiến trúc ở các làng xung quanh Chính dinh cũng có sự đầu tư xây dựng trở thành một thiết chế văn hóa kết nối dòng tộc, làng xã với Đàng Trong. Một điều dễ nhận thấy rằng, đặc điểm nổi bật của nghệ thuật thế kỷ XVI–XVII là sự phục hồi và phát triển vốn nghệ thuật dân gian cổ truyền Về kiến trúc, ngoài cung điện và lăng mộ của vua quan, đình, đền và chùa là những loại kiến trúc tương đối phát triển[1]

Hình 1. Bản đồ sự chuyển dịch vị trí của thủ phủ Phú Xuân

     Qua quá trình điền dã khảo sát và nghiên cứu kiến trúc đình làng Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận thấy rằng, các đình làng đang ẩn chứa nhiều thông điệp về kiến trúc, lịch sử, văn hóa trong dòng chảy văn hóa Phú Xuân cho đến ngày hôm nay qua các đình làng tiêu biểu mà chúng tôi khảo cứu dưới đây qua tiến trình thời gian thành lập làng cũng như xây dựng đình làng và văn bia trên các đình làng còn lưu lại.

STTTên đình làngĐịa chỉThời gian xây dựng
1Đình làng Vạn XuânKiệt 95 Vạn Xuân, phường Vạn Xuân, t.p. Huế~ Giữa/ cuối thế kỷ XVI
2Đình làng Thủ LễThị trấn Sịa, huyện Quảng ĐiềnCuối thế kỷ XVI
3Đình làng Cổ LãoXã Hương Toàn, thị xã Hương Trà~ Cuối thế kỷ XVI / đầu XVII
4Đình làng Quy LaiXã Phú Thanh, huyện Phú Vang~ Cuối thế kỷ XVI / đầu XVII
5Đình làng Phú Xuân69 Thái Phiên, phường Tây Lộc, t.p. Huế~ 1687
6Đình làng Văn XáPhường Hương Văn, thị xã Hương Trà~ Thế kỷ XVII
7Đình làng Lại ThếThôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang1741
8Đình làng Long HồPhường Hương Hồ, thị xã Hương Trà1753
9Đình làng Hạ LangXã Quảng Phú, huyện Quảng Điền1765
10Đình làng An HòaPhường An Hòa, t.p. Huế1776

     2.1. Đình làng Vạn Xuân

     Làng Vạn Xuân được thành lập muộn vào thời các chúa Nguyễn so với các làng khác tại vùng kế cận. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776 cho biết giáp Vạn Xuân thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa[2] . Đến năm 1803, Vạn Xuân là một trong tám làng phải di chuyển để xây dựng kinh thành Huế. Nơi đây còn nhiều phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thời Nguyễn.

     Không có sử liệu nào ghi chép về thời điểm xây dựng đình làng Vạn Xuân. Tuy nhiên, truyền thống làng Việt luôn quan trọng việc dựng hệ thống Đình – Chùa – Miếu khi làng chính thức được thành lập. Vì thế, có thể đoán rằng, đình làng Vạn Xuân được người dân dựng lên từ thời điểm thành lập làng, tức là khoảng giữa hoặc cuối thế kỷ XVI. Tương truyền, nguyên đình được dựng ở khuôn đất thuộc địa phận nhà thờ Kim Long (Xuân Long) sau khi dời về đây. Ban đầu, khi dựng đình làng, người dân chỉ dùng tre nứa, phên dậu dựng khung, và dùng rơm rạ để lợp mái. Đình làng Vạn Xuân ngày nay vẫn nằm đúng vị trí như ngày trước và không hề có sự dịch chuyển, chỉ phát triển hơn về mặt kiến trúc và quy mô. Qua ghi chép còn lại trên hệ thống rường tròn thì đình Vạn Xuân được trùng tu vào các năm 1816, 1832 và 1953, xây tường bao quanh năm 1958 và vào tháng 4 năm 2009 thì tiếp tục trùng tu.

     Hệ thống kết cấu của đình khá chắc chắn với quy mô kiến trúc 3 gian 2 chái kép, với kiểu thượng trến hạ xuyên, các kèo được bào trơn chạy chỉ, không chạm trổ. Mái của đình được lợp với dạng ngói móc Hạ Long. Hầu hết các đòn tay của đình là hình trụ vuông. Các đường sóng mái được đắp bằng xi măng và gắn sành sứ. Biểu tượng mặt rồng đội quả cầu lửa ở giữa đỉnh mái. Các linh vật long, lân, quy, phụng ở các vị trí góc và giao mái. Tất cả các họa tiết trang trí điều được chạm khắc tinh xảo và có gắn sành sứ. Đình có mặt chính quay về hướng Nam (185°).

     2.2. Đình làng Thủ Lễ

     Theo Ô châu cận lục của Dương Văn An, làng Thủ Lễ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Khi Lê Quý Đôn biên soạn Phủ biên tạp lục thì làng thuộc tổng Phù Lê, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa. Trải qua bao đổi thay, diễn biến của lịch sử thì tên làng Thủ Lễ vẫn không hề thay đổi.

     Làng Thủ Lễ vẫn còn các công trình kiến trúc như: đình – chùa – miếu – am, thể hiện niềm tin của con người tụ cư từ thuở khai hoang lập làng. Trong đó công trình kiến trúc nổi bật và có giá trị nhất ở làng Thủ Lễ vẫn chính là ngôi đình làng. Khi làng được thành lập thì việc xây dựng đình làng để thờ tự trở nên cấp thiết và có thể nói đình Thủ Lễ được xây dựng vào cuối thế kỷ XVI. Tuy nhiên, ngôi đình hiện tại của làng Thủ Lễ được xây lại vào đầu thế kỷ XIX, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) và được khắc ghi chữ Hán trên trụ đội nhị tả nội. Đến năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), đình lại có một cuộc trùng tu khác, cũng được khắc ghi chữ Hán trên trụ đội nhất tả nội. Ngoài ra, cuộc đại trùng tu năm 1893 đã cho đình có kiến trúc như ngày nay. Liên tiếp các năm 1994 đình được xây lại cổng bốn trụ biểu, năm 1996 dựng bia ở phía trước hồ của mặt đình và đúc lại nền của sân, năm 1998 phục dựng lại các bức hoành phi trong nội thất của đình. Đình làng Thủ Lễ nay đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh theo quyết định số 761/QB-UBND ngày 04-5-2012 và cấp Quốc gia theo quyết định số 61/1999/QĐ/BVHTT ngày 13-9-1999.

     2.3. Đình làng Cổ Lão

     Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, làng Cổ Lão thuộc tổng Đồng Lâm, huyện Quảng Điền. Và dựa theo gia phả của các dòng họ khai canh, rõ nhất là theo gia phả của dòng họ Hoàng Tăng (khai khẩn) có ghi: “Tổ tiên là những người dân Nam tiến đầu tiên theo chúa Nguyễn Hoàng rời quê hương Thanh Hóa, đi tìm một vùng đất trù phú… Ban đầu các ngài dừng chân ở châu thổ sông Bồ… Các ngài đã tiếp tục khai phá, mở mang ruộng vườn cùng với các họ khác lập nên làng Cổ Lão ở vùng Trung Giang xứ ven sông Bồ, đời đời tiếp nối, con cháu sum vầy[3].

     Ngoài ra, theo lời kể của các bậc cao niên và gia phả họ Phan thì hai ngài Khai canh vốn là hai cha con. Ngài Phan Đình Dương, Phan Phước Đức sau ngày di cư vào Nam, những buổi đầu sinh sống và lập nghiệp tại vùng đất thuộc thôn Lại Bằng (nay là phường Hương Vân, thị xã Hương Trà).

     Ban đầu, khi dân cư đến vùng đất này sinh sống và lập làng, ngôi đình được cất lên dưới dạng một ngôi nhà nhỏ để thờ tự. Như vậy, có thể nói lịch sử đình làng Cổ Lão có thể tính từ cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII với chất liệu tranh tre nứa lá. Theo lời kể của các vị lớn tuổi, đình làng về sau được xây dựng lại với gạch, gỗ lim, gỗ mít và lợp ngói liệt… với dáng dấp của nhà rường xứ Huế. Theo thời gian, sử liệu mất mát và niên đại xây dựng đình không còn được lưu giữ. Tuy nhiên, chỉ có mốc năm 1936 là được ghi chép cụ thể với một cuộc đại trùng tu gần như xây mới hoàn toàn nhưng vẫn ở nguyên vị trí ban đầu, không có sự dịch chuyển. Từ đó, ngôi đình làng Cổ Lão mới có hình dáng như bây giờ. Ngoài những đợt sửa chữa các chi tiết nhỏ trong hệ kết cấu gỗ của đình thì vào các năm 1955, 1958, 1962, 1998 và 2007, đình đã được trùng tu lớn, nhưng kiến trúc nguyên thủy của đình làng Cổ Lão vẫn được giữa nguyên. Kiến trúc đình làng Cổ Lão đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xếp hạng di tích cấp tỉnh theo quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 20-01-2010.

     2.4. Đình làng Quy Lai

     Làng Quy Lai vốn là một trong 60 ngôi làng cổ thuộc huyện Kim Trà [4]. Theo Địa bạ triều Nguyễn thuộc Tổng An Hòa, huyện Hương Trà. Trong đó, Tổng An Hòa có sáu làng (năm xã, một thôn) gồm: An Bửu xã, Diễn Phái xã, Hải Trình xã, Hòa An xã, Quy Lai xã và Đàm Trụ thôn. Truyền rằng, họ Phạm và họ Hồ đồng khai canh khai khẩn làng Quy Lai hồi cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Sau này còn có thêm họ Dương. Ngài Thủy tổ họ Phạm của làng Quy Lai là Phạm Như Nghi, vốn là người từ miền Bắc vào Nam lập nghiệp thời chúa Nguyễn Hoàng.

     Lần theo mốc thời gian khai canh khai khẩn của các họ trên đất làng Quy Lai, có thể khẳng định rằng đình làng Quy Lai đã được dựng từ buổi đầu lập làng khoảng cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ XVII. Tuy nhiên, kiến trúc hoàn chỉnh nhất hiện tại của đình là vào thế kỷ XIX.

     Trải qua các đợt trùng tu nhỏ và lớn, đình làng Quy Lai ngày nay mang dáng dấp chủ đạo của kiến trúc đình làng thời Nguyễn với hệ kết cấu gỗ tháo lỗi thượng trến – hạ xuyên. Trong đó, nhà tiền đình có năm gian không chái và nhà chính đình là ba gian hai chái kép. Tiếp nối giữa nhà tiền đình và nhà chính đình là trến thừa lưu (trần thừa lưu), ở trên là máng xối bằng tôn và được che lại bởi hệ thống lam ri trần bằng gỗ. Đình làng Quy Lai nay đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo quyết định số43/2005/QĐ-BVHTT ngày 22- 8-2005.

     2.5. Đình làng Phú Xuân

     Làng Phú Xuân có tên cũ là Thụy Lôi, được thành lập vào đầu thế kỷ XV. Cộng đồng khai canh đã lấy lên làng Thụy Lôi cũ của họ ở huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, trấn Sơn Nam Thượng để đặt tên làng trên vùng đất mới tại huyện Trà Kệ, Châu Hóa. Vùng đất của làng Thụy Lôi đã được đổi tên là làng Phú Xuân kể từ năm Đinh Mão (1687), khi chúa Nguyễn Phúc Thái quyết định dời phủ ở Kim Long về vùng đất mới ở khu vực làng này. Từ đó làng Phú Xuân được xây dựng trở thành chính dinh Phú Xuân của các đời chúa Nguyễn tiếp theo và đã phát triển địa bàn lãnh thổ của đất nước về phía Nam, cũng là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn sau này.

     Như vậy, trên vùng đất làng Phú Xuân, chắc chắn rằng sẽ có nơi để án thờ của các vị đầu tiên tổ chức định cư khai canh và bổn thổ Thành hoàng với cấu trúc được dựng lên với khung tre, thân cây gỗ mộc mạc dựng khung và phên tre, rơm rạ kết lại thành mảng để lợp mái làm vách như dạng thảo am. Từ đó, vị trí ngôi đình của làng Phú Xuân hình thành và là nơi tế ngài khai canh của làng Phú Xuân hằng năm. Trải qua bao biến động của lịch sử (1687–1775) về sự dịch chuyển vị trí của phủ cũ (từ làng Kim Long) đến phủ mới (chính dinh) lần thứ nhất của thời chúa Nguyễn Phúc Thái (1687) rồi “đến năm 1739 chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi lại cho xây phủ mới bên tả phủ cũ, một số dân Phú Xuân lại phải di dời lần nữa. Hai lần di dời này, một nhóm dời về vùng cát ven đầm phá ở Phú Vang lập ấp Xuân Ổ, nay thuộc xã Phú Xuân, huyện Phú Vang. Nhóm khác lại ra tận bờ nam sông Ô Lâu, sát làng Phước Tích lập thành phường khách hộ Phú Xuân”[5].

     Mặc dù có nhiều biến động về lịch sử nhưng đình làng Phú Xuân vẫn là một minh chứng cho loại hình kiến trúc di sản đình làng đặc trưng gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Phú Xuân. Năm 1804, vua Gia Long cho triệt hạ toàn bộ đô thành, cũng như các công trình, dinh thự trên đất Phú Xuân cũ để xây dựng Kinh thành mới cũng trên vùng đất Phú Xuân này. Tuy nhiên, điều đặc biệt là vua Gia Long vẫn cho giữ nguyên kiến trúc ngôi đình làng Phú Xuân. Vì vậy, đình làng Phú Xuân là công trình kiến trúc dân gian duy nhất được tồn tại trong khuôn viên Kinh thành Huế. Một lần nữa, đình làng Phú Xuân chính là minh chứng rõ nét chứng tỏ lòng thành kính ngôi đình, là nơi thờ các vị Thủy tổ khai canh ra vùng đất làng Phú Xuân. Ngày nay, đình làng Phú Xuân tọa lạc tại số 69 đường Thái Phiên, phường Tây Lộc, thành phố Huế. Kiến trúc đình làng Phú Xuân đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, theo Quyết định số 2754-QĐ/BT ngày 15-10-1994.

__________
1 Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử Việt Nam. Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 307.

2 Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Trần Đại Vinh dịch và bổ chính, Nxb Đà Nẵng, 2015, trang 58.

3 Wedside: http://hue.darkvn.net/diem-den/dinh-co-lao/

4 Dương Văn An (2001), Ô Châu cận lục. Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch chú và hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 58.

5 Trần Đại Vinh (chủ biên) (2018), Làng Văn vật Thừa Thiên Huế. Tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 207.

Còn tiếp. Mời Quý độc giả đón xem:

Nhận diện kiến trúc đình làng vùng Phú Xuân thời chúa Nguyễn (Phần 2) đang được cập nhật

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Xã hội và Nhân văn;
ISSN 2588-1213, Tập 129, Số 6A, 2020, Tr. 93–105 

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)