Nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc
Tác giả bài viết: Giáo sư VĂN TẠO
(Nguyên Viện trưởng Viện Sử học)
Khoa học lịch sử Mác xít không những khẳng định tính “Công minh lịch sử” mà còn có điều kiện để thực hiện tính công minh đó vì khoa học này lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử làm kim chỉ Nam cho hành động.
Chủ nghĩa duy vật lịch sử coi các nhận vật lịch sử cũng là những con người, là những thực thể khách quan trong xã hội (không phải là thần thánh, thần linh), là sản phẩm của lịch sử xã hội. Con người vừa tác động đến lịch sử xã hội (đẩy lịch sử xã hội tiến lên hay kéo lùi lịch sử xã hội), vừa chịu sự tác động khách quan của xã hội.
Một vương triều phong kiến như nhà Nguyễn cũng vậy, vừa là tác nhân lịch sử, vừa là sản phẩm của lịch sử xã hội. Vì vậy, nhận thức về nhà Nguyễn cũng phải đặt trong bối cảnh lịch sử dân tộc và nhân loại, xem xét cả trong trục “tung” (lịch đại) và trục “hoành” (đương đại) của lịch sử . Phải đứng trên quan điểm lịch sử của chủ nghĩa Mác Lênin mà xem xét là: hiện tượng lịch sử ấy đã phát sinh như thế nào, phát triển như thế nào, đương đại nó đã như thế nào và kết cục về lịch đại, nó cần được đánh giá như thế nào?
Nhà Nguyễn kể từ Gia Long – Nguyễn Ánh – “người dựng nên Đế nghiệp cho Nguyễn triều” – từ năm 1802 đến Bảo Đại – người tự nguyện thoái vị, nhận là công dân một nước Việt Nam độc lập tự do năm 1945 – tồn tại 143 năm. Trong 143 năm đó, đất nước lúc còn lúc mất, vua Nguyễn khi phế khi hưng, nhưng dân tộc Việt Nam vẫn vượt qua gian khó để trường tồn và phát triển; đất nước Việt Nam vẫn vững bước tiến lên sánh vai kịp với 4 biển, 5 châu. Qua 143 năm kiên cường phấn đấu, Việt Nam đã từ chế độ phong kiến lạc hậu thời trung cổ tiến lên chế độ dân chủ nhân dân thời hiện đại – chế độ dân chủ tư sản không do giai cấp tư sản lãnh đạo.
Trong quá trình chuyển biến ấy, Vương triều Nguyễn đã phát sinh như thế nào? phát triển như thế nào? có vai trò chủ quan và chịu sự tác động khách quan gì của lịch sử xã hội? có công, có tội gì với dân tộc, với đất nước?
I. Về quá trình phát sinh
1/ Vương triều Nguyễn phát sinh từ một “Nghiệp chúa” lừng lẫy ở phương Nam. Kể từ Nguyễn Hoàng (1524 – 1613) đến các chúa Nguyễn trước Nguyễn Phúc Ánh, đáng kể là đến Nguyễn Phúc Khoát (1714 – 1765) đã có đóng góp rất lớn vào lịch sử dân tộc. Đó là sự phát triển đất nước xuống phía Nam, mở mang bờ cõi, tạo dựng nên được một cơ đồ vững chãi: nông, công, thương, thủ công nghiệp phồn vinh, tăng cường được nội lực, phát huy được thế mạnh ra bên ngoài khiến các nước láng giềng và cả bọn lái buôn phương Tây cũng phải mến phục, kiêng nể.
Xét theo phép biện chứng “nhân, quả” trong kế thừa và phát triển thì nhà Nguyễn đã kế thừa được di sản tích cực của ông cha: Nghiệp chúa là “nhân”, vương triều Nguyễn là “quả”, không đến nỗi bị “tiên thiên bất túc”. Đó là thuận lợi thứ nhất của sự phát sinh.
2/ Thuận lợi thứ hai không kém quan trọng là nhờ có xã hội Đàng Trong phát triển như vậy, nhất là phát triển cả về nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp…. nên mới có sản phẩm độc đáo là Khởi nghĩa Tây Sơn hùng mạnh đến mức nhanh chóng thanh toán được các thế lực phong kiến già cỗi, cát cứ chia cắt Bắc Nam (Trịnh, Nguyễn, Lê Mạt), đập tan được các thế lực ngoại xâm hùng mạnh như quân Xiêm can thiệp ở phía Nam với chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút lừng danh; quân Thanh xâm lược ở phía Bắc với chiến thắng Thăng Long – Đống Đa lịch sử. Nội lực được tăng cường, ngoại lực được phát huy khiến cả triều Thanh hùng hậu của Càn Long lúc đó cũng phải kính nể.
Công lao to lớn mở đường cho sự thống nhất đất nước sau bao nhiêu năm nội chiến chia cắt là của Quang Trung – Nguyễn Huệ.
Nhưng việc hoàn tất và củng cố nền thống nhất đó lại được tiến hành tiếp nối từ Gia Long – Nguyễn Ánh đến Minh Mệnh.
Như vậy nếu Khởi nghĩa Tây Sơn là “quả” của cái “nhân” là sự phát triển kinh tế xã hội của Đàng Trong, thì sự hoàn tất và củng cố nền thống nhất của nhà Nguyễn lại là “quả” do cái “nhân” mở đường thống nhất từ Tây Sơn – Nguyễn Huệ tạo nên.
Không nên coi sự nghiệp thống nhất đất nước là hoàn toàn thuộc về Nguyễn Huệ, cũng như không nên dựa vào sự hoàn tất và củng cố nền thống nhất của nhà Nguyễn mà coi sự nghiệp thống nhất Việt Nam thế kỷ thứ 18 – 19 chỉ là của nhà Nguyễn để phủ nhận công lao của Tây Sơn. Như vậy mới là công minh lịch sử.
3/ Nhưng cần phải làm rõ là: Cái “chất” của sự nghiệp thống nhất đất nước giữa hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn có khác nhau.
– Thống nhất của Tây Sơn là thống nhất đất nước gắn liền với độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Quang Trung thanh toán sự chia cắt đất nước của Trịnh – Nguyễn đồng thời đập tan âm mưu xâm lược chia cắt lãnh thổ của nước ngoài như mật dụ của vua Càn Long nhà Thanh cho Tôn Sĩ Nghị đã bộc lộ1. ý chí độc lập thống nhất đất nước và giữ toàn vẹn lãnh thổ của Quang Trung mạnh mẽ đến nỗi vua tôi Lê Chiêu Thống khi bị nhà Thanh khước từ sự giúp đỡ khôi phục vương triều Lê đã xin nhà Thanh buộc Quang Trung phải cắt cho hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên làm địa bàn hậu duệ của Lê triều, nhưng Càn Long không dám làm mà có muốn cũng không làm được trước ý chí thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ kiên cường của Quang Trung. Thậm chí Nguyễn Huệ còn có hoài bão đòi lại cả đất Lưỡng Quảng…
– Còn thống nhất của Gia Long không chỉ là “quả” của cái “nhân tích cực” do Tây Sơn tạo dựng nên, mà còn là “quả” của cả cái “nhân tiêu cực” là hứa hẹn cắt cảng Hội An và đảo Côn – Lôn cho thực dân Pháp để đổi lấy sự viện trợ của thực dân nhằm diệt Tây Sơn. Việc cho Hoàng Tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu cứu kèm theo việc hứa nhượng đất cho Pháp như trên tuy chưa được thực thi ngay nhưng cũng đã gây mầm đại họa cho đất nước1.
Tổ tiên ta qua hàng nghìn năm đấu tranh để gìn giữ từng gang sông tấc núi, toàn vẹn non sông đã không cho phép một ai cắt đất dâng cho kẻ thù. Cái thống nhất của Gia Long nhờ cắt đất dâng cho thực dân mà có được đã gây mầm chia cắt đất nước – không phải là chia cắt nội bộ như Trịnh Nguyễn mà là chia cắt do ngoại xâm tồn tại lâu dài (Pháp, Mỹ) đau khổ, tệ hại biết chừng nào? Sau này, từ Gia Long đến Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tất cả đều ân hận, lo toan giải toả lỗi lầm này, khắc phục hậu quả của nó bằng việc sát đạo, đuổi giáo sĩ, hạn chế giao thương với phương Tây… nhưng vẫn không sao khắc phục nổi. Đây rõ ràng là có tội, như ông cha ta đã từng phê phán là: “Rước voi về giày mả tổ”, “Cõng rắn cắn gà nhà”.
II. Trong giai đoạn phát triển
1/ Cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh có đóng góp tích cực vào lịch sử dân tộc
Trong lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam, các triều đại Lý, Trần, Lê… từ các vua thứ hai, thứ ba (Thánh Tông, Nhân Tông…) thường là có đóng góp tích cực cho triều đại, cho dân tộc vì còn gần gụi với thời kỳ gian khổ dựng nghiệp. Minh Mệnh là vị vua như thế, vua thứ hai kế vị Gia Long. Minh Mệnh đã từng theo cha khi chinh chiến nếm đủ ngọt bùi, cay đắng. Khi lên ngôi báu, Minh Mệnh sớm chăm lo tới củng cố sự nghiệp độc lập và thống nhất đất nước mà Gia Long đã khởi đầu. Cuộc cải cách hành chính của Minh Mệnh là biểu hiện cụ thể của tính tích cực đó.
Trong lịch dân tộc ta, từ cải cách hành chính của họ Khúc thế kỷ X đến cải cách hành chính Lê Thánh Tông thế kỷ thứ XV đã là cơ bản và tiến lên một bước dài. Đến cải cách hành chính lớn lần thứ ba của Minh Mệnh lại cơ bản hơn, có hiệu quả bền vững hơn. Biểu hiện cụ thể như trong cuộc cải cách hành chính lớn lần thứ tư hiện nay, nhiều cái mà cải cách hành Minh Mệnh đạt được, nay chúng ta vẫn kế thừa và phát huy, như xây dựng và củng cố chính quyền cấp cơ sở xã, thôn và chính quyền cấp tỉnh, huyện… Có lúc ta tiến hành nhập tỉnh, nhập huyện, muốn bỏ cấp xã cũ (làng) hay cấp thôn… nhưng vẫn không thực hiện được.
Mặt tích cực của cuộc cải cách này đã được nhiều công trình nghiên cứu đi sâu, đánh giá cao. Nhưng còn mặt tiêu cực của nó thì chưa được hoàn toàn nhất trí. Tôi cho rằng: Vương triều Nguyễn ra đời vào giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản thế giới và suy tàn của chế độ phong kiến nói chung, giai đoạn đi xuống của chế độ phong kiến Việt Nam. Khủng hoảng xã hội triền miên diễn ra từ Lê mạt đến Nguyễn, trong khi đó tàn dư của Phương thức sản xuất châu Á cứ tồn tại dai dẳng. Trước sự kìm hãm của chế độ phong kiến lỗi thời, lạc hậu, mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam đã ra đời nhưng không phát triển được. Trong trạng thái kinh tế xã hội đó thì cải cách hành chính của Minh Mệnh càng thành công trong việc củng cố vương triều Nguyễn bao nhiêu, lại là củng cố cái trì trệ, bảo thủ, lạc hậu của phong kiến Nguyễn, phong kiến Tống Nho sao chép Mãn Thanh đang suy tàn bấy nhiêu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bất lực, đầu hàng của triều Nguyễn trước cuộc xâm lăng của đế quốc thực dân.
2. Những mặt mạnh, mặt yếu của vương triều Nguyễn (1802-1884)
Ngoài cải cách hành chính của Minh Mệnh là tác động chủ quan của nhà Nguyễn tới xã hội ra thì toàn bộ quá trình phát triển suốt hơn 80 năm của thời kỳ độc lập tự chủ (1802-1884) cần được xét trong tổng thể cả xã hội: của trình độ kinh tế, văn hoá, xã hội, của các giai tầng trí thức, quan lại, nông, công, thương, binh… trong đó, vua quan nhà Nguyễn chịu trách nhiệm là người chỉ đạo, tức phải thấy rõ tồn tại khách quan của xã hội tác động tích cực cũng như tiêu cực ngược trở lại tới các vua triều Nguyễn.
Có xem xét như vậy mới khách quan, tránh được tự mâu thuẫn, như có người phê phán kịch liệt nhà Nguyễn nhưng lại đề cao Nguyễn Công Trứ cả về sự nghiệp khai hoang lấn biển lẫn sự nghiệp văn thơ. Nhưng Nguyễn Công Trứ đâu có tách rời khỏi triều đình nhà Nguyễn. Ông là người tuyệt đối trung quân, dầu vua Nguyễn có lúc bạc đãi ông như thế nào đi nữa thì ông cũng vẫn: “Không quân thần, phu phụ đếch ra người”.
A/ Cái mạnh của triều Nguyễn 1802 -1884
Mặt mạnh hay những thành đạt của đất nước ta trong thời kỳ này ngoài hệ thống hành chính được củng cố qua cải cách của Minh Mệnh như trên đã nói còn là:
1/ Phát triển kinh tế xã hội trong chừng mực nhất định, nhất là về nông nghiệp: trị thuỷ đắp đê phòng lụt, đào kênh khai ngòi, dẫn thủy nhập điền, khẩn hoang ở Bắc, khai thác đất đai màu mỡ ở Nam, khiến của cải xã hội gia tăng, dân số phát triển, góp phần thúc đẩy thủ công, thương nghiệp phát triển hơn trước.
2/ Phát triển giáo dục: tăng cường khoa cử, đào tạo và tuyển chọn nhân tài (những tài năng văn hoá, nghệ thuật ngày một nhiều như Nguyễn Công Trứ, Đào Tấn, những nhà văn thơ xuất sắc như Thần Siêu, Thánh Quát… đều xuất hiện trong giai đoạn này).
3/ Phát triển văn hóa, khoa học nhất là về Lịch sử (Đại Nam thực lục, Đại Nam Hội Điển sự lệ, Việt Sử Thông giám Cương mục, Lịch triều Hiến chương loại chí), Địa lý(Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam nhất thống toàn đồ…) đều đạt nhiều thành tựu, nhằm tiếp tục phát huy nền văn minh, văn hiến Việt Nam.
B/ Mặt yếu hay những tư tuởng, phong cách, hành động bảo thủ trì trệ lạc hậu của nhà Nguyễn.
1/ Về kinh tế thì tô thuế nặng nề, bế quan tỏa cảng, sản xuất chậm phát triển, đời sống nhân dân ít được cải thiện, đói kém xẩy ra triền miên, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ không lọt được vào tai…
2/ Về chính trị, với cơ chế quản lý theo Tống Nho, sao chép Mãn Thanh cổ hủ, lạc hậu khiến mâu thuẫn xã hội giữa nhân dân với triều đình, giữa giàu và nghèo ngày càng tăng, mâu thuẫn đối kháng có lúc có nơi diễn ra kịch liệt, biểu hiện ra ở hàng trăm cuộc khởi nghĩa nông dân, tiêu biểu như Nguyễn Hữu Cầu, Phan Bá Vành…
3/ Về quân sự, thiếu tinh thần tự lực tư cường, thiếu đoàn kết “Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục” như thời Trần chống Nguyên, thiếu tinh thần chí cốt giữa quân và tướng “Phụ tử chi binh” như của Trần, Lê. Khi thực dân đến xâm lăng thì chủ hoà, đầu hàng luôn vượt trội chủ chiến. Trong hoàng tộc thì “Hàm Nghi, Duy Tân” những viên ngọc quý không nhiều, còn những “Tự Đức” nhu nhược, “Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại…” tự nguyện làm tay sai cho đế quốc lại nhiều hơn…
Những mặt mạnh, mặt yếu kể trên thì vua chúa nhà Nguyễn vừa là tác nhân, vừa là một trong những sản phẩm của xã hội Việt Nam – một xã hội chưa thoát ra khỏi được tầm vóc kinh tế, chính trị, xã hội trung cổ còn nặng tàn dư phương thức sản xuất châu Á ở đầu thế kỷ XIX mà chính họ cũng phải chịu trách nhiệm.
__________
1 Mật dụ của vua Càn Long do Tôn Sĩ Nghị thất trận ở Thăng Long vội vã chạy trốn bỏ lại cùng ấn tín, bị vua Quang Trung bắt được, có đại ý như sau: Đưa tự quân nhà Lê về nước, vừa tiến đánh vừa thăm dò. Kết cục nếu không thắng được Nguyễn Huệ thì “…Bấy giờ ta sẽ nhân làm ơn cho cả hai bên: tự đất Thuận Hoá Quảng Nam trở vào Nam thì cho Nguyễn Hụệ; tự châu Hoan châu Ái trở ra Bắc thì phong cho tự quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau” (Trần Trọng Kim “Việt Nam Sử lược”, Q.II – Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu – Sài Gòn xuất bản năm 1971, tr134-135.
1 Sử chép: “Nguyễn vương giao Hoàng tử Cảnh (mới 4 tuổi) và Quốc ấn cho Bá Đa Lộc kèm theo tờ Quốc Thư với 14 khoản. Đại l-ợc nói nhờ Bá Đa Lộc sang xin nước Pháp giúp cho 1.500 quân và tàu bè, súng ống, thuốc đạn… Nguyễn vương xin nhường cho nước Pháp cửa Hội An (Fai fo), đảo Côn – Lôn và để riêng cho người nước Pháp được đặc quyền vào buôn bán ở nước Nam” (Trần Trọng Kim, Sđd, nh- trên, tr. 110).
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Nhận thức mới về nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc (Tác giả: GS Văn Tạo) |