Nhìn lại việc nghiên cứu truyện cổ các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  LÊ HỒNG PHONG
(Trường Đại học Đà Lạt)

1. Tình hình sưu tầm, nghiên cứu truyện cổ Lâm Đồng trước 1975

     Ở miền Bắc Việt Nam, trong điều kiện chiến tranh, một số tuyển tập truyện cổ, dân ca và sử thi Tây Nguyên đã được xuất bản, Tuy nhiên, trong cố gắng bước đầu đáng ghi nhận ấy, dù đã có quan tâm đến văn học dân gian Tây Nguyên, nhưng hầu như chưa có tư liệu về truyện cổ Mạ và Cơ Ho là hai tộc người bản địa có số dân đông nhất nhì ở Lâm Đồng.

    Ở miền Nam Việt Nam, có một số công trình sưu tầm, khảo cứu như Việt Nam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên. Soạn giả đã dành cho phần Văn chương truyền khẩu số trang rất xứng đáng. Chỉ riêng thần thoại miền núi đã có 137 trang(1) và cổ tích miền núi đã chiếm tới 434 trang(2). Tuy trong “toàn thư” này còn một số vấn đề đáng bàn như việc sử dụng khái niệm “cổ tích lịch sử thay cho truyền thuyết, coi Đăm Santhần thoại... nhưng tính chất đồ sộ của tọàn bộ công trình, sự quan tâm giới thiệu thần thoại và cổ tích các dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Soạn giả đã đưa vào sách này 8 truyện cổ tích Gia Rai (được viết: Da Rai), 17 truyện cổ tích Ê Đê (Ra Đê), 14 truyện cổ tích Srê… Hoàng Trọng Miên là một ưong những học giả đã sớm quan tâm đến kho tàng truyện cổ Tây Nguyên nói chung.

     Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh là cuốn du khảo của Boulbet về người Mạ, xuất bản lần đầu năm 1967, bản dịch tiếng Việt được xuất bản năm 1999(3). Kiến thức, cách thức nghiên cứu của một nhà nông học và nhà khảo cứu văn hoá đã được thể hiện qua công trình này. Từ một phương diện nhất định, có thể xem tác giả là người trong cuộc vì ông đã có quan hệ hôn nhân với người Mạ, đã từng sống trong nưgar Maa – xứ Mạ, từng tham gia giải quyết một số mâu thuẫn nội bộ tộc người này. Tác giả đã dành hẳn mục Từ vựng để liệt kê một loạt từ Mạ, nhiều từ trong đó liên quan đến địa danh và ẩm thực. Ông cũng đã ghi lại được một số đặc điểm văn hoá vật chất và tinh thần của người Mạ, một số trích đoạn huyền thoại, tình ca, gia phả truyền miệng. Sự am hiểu của ông khá rộng, sự trình bày của tác giả về người Mạ cơ bản là có thể tin cậy.

     Công trình Cao Nguyên miền Thượng của Cửu Long Giang – Toan Ánh đã quan tâm nghiên cứu vùng cao nguyên, các lĩnh vực văn hoá tộc người của các dân tộc Tây Nguyên. Trong phần thứ nhất, tác giả dành chương thứ tư để trình bày ‘Tổng quát về nếp sống sinh hoạt của đồng bào Thượng” nói chung. Riêng về vấn đề ẩm thực, đó không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề cộng đồng, vấn đề giao lưu với cộng đồng khác… nhưng tác giả để ba nội dung ăn – uống – hút trong mục Nếp sống cá nhân là chưa thoả đáng.

     Tác giả đã trình bày về 7 sắc dân chính trên Cao Nguyên, ghép người Mạ và người Cơ Ho thành một sắc dân mà ông gọi là Koho (Kôhô). Tác giả coi Mạ là một nhóm trong các nhóm Koho, rằng dân số Mạ ước 26.070 người trong tổng số 64.770 người Koho nói chung (số liệu năm 1967). Nhưng ở trang 207 lại chỉ có 24.000 người Mạ trong tổng số 43.000 người Koho nói chung. Chênh 2.000 người Mạ là sai số nhỏ nhung tổng dân số Koho chênh tới gần 22.000 người trong cùng một cuốn sách lại là quá lớn.

     Thỉnh thoảng tác giả cũng có viết riêng về “sắc tộc Mạ” như lễ vật nhà trai đưa cho nhà gái nếu không muốn cư trú nhà gái hoặc có viết năm dòng về ma chay của người Mạ(4). Kết luận phần Koho, tác giả đánh giá: “Nổi bật nhất là sắc dân Mạ. sắc dân này có lịch sử tương đối rõ ràng nhất trên Cao Nguyên”(5). Do dung lượng nghiên cứu về người Mạ quá ít, dẫn chứng hoàn toàn không đủ sức thuyết phục cho luận điểm quan trọng rằng người Mạ nổi bật nhất, rõ ràng nhất ở Tây Nguyên.

      Công trình Đồng bào các sắc tộc thiểu số Việt Nam của Nguyễn Trắc Dĩ đã khảo về 27 sắc tộc Thượng Miền Nam, mỗi sắc tộc được dành cho khoảng ba trang – một dung lượng quá khiêm tốn, nếu không muốn nói là sơ sài, trong đó có ba sắc tộc là Cill, Maa, Kaho. Dù số trang dành cho từng tộc người rất mỏng, nhưng hầu như đối với tộc nào tác giả cũng cố gắng đưa vào một vài thông tin hoặc nhận định mà tính chính trị nhiều hơn chất khoa học, khiến người đi sau khó tin cậy vào các số liệu và mô tả của tác giả.

2. Tình hình sưu tầm nghiên cứu truyện cổ Lâm Đồng sau 1975

      Nước Việt Nam độc lập và thống nhất đã tạo điều kiện mới cho sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu Tây Nguyên trên nhiều phương diện khác nhau. Tuy điều kiện điền dã vẫn còn khó khăn, nhưng các nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học và các địa phương thuộc Tây Nguyên đã tiếp tục sưu tầm, cho công bố nhiều tuyển tập văn học, văn hoá dân gian các dân tộc bản địa nhằm góp phần bảo tồn và phát huy tài sản văn hoá địa phương.

     2.1. Về phương diện nghiên cứu văn học

     Từ hàng chục năm nay, truyện cổ Tây Nguyên ít nhiều đã được giới thiệu trong giáo trình ngữ văn của các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam. Song các giáo trình này chủ yếu vẫn dành để trình bày văn học dân gian của người Việt (Kinh). Do Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có một kho tàng truyện cổ phong phú của riêng mình, nên các giáo trình văn học dân gian không thể trình bày dù ở dạng khái quát nhất kho tàng truyện cổ của tất cả các dân tộc thiểu số. Việc đó phải dành riêng cho các chuyên khảo về từng thể loại hay từng dân tộc, đóng góp của một số công trình nghiên cứu tiêu biểu cần được khẳng định.

     Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam – trước Cách mạng tháng Tám là công trình của một trong những nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn học dân gian thiểu số Việt Nam. Trong sách này, tác giả Phan Đăng Nhật đã dành 40 trang để giới thiệu loại hình văn học kể với hai thể loại chính là cổ tích và truyện cười. Riêng cổ tích được tác giả chia làm ba nhóm:

     – Nhóm truyện về người mồ côi, người em út, người con riêng và người đội lốt;

     – Nhóm truyện về người dũng sĩ;

     – Nhóm truyện về người bị bóc lột.

     Theo đó, người dũng sĩ – mồ côi hoặc người dũng sĩ và người mồ côi bị bóc lột thì không biết nên xếp vào nhóm 1, 2 hay 3 cho phù hợp? Tác giả đặc biệt nhấn mạnh nhân vật mồ côi, bỏ qua người con riêng, người con út, chỉ có hai trang khái quát về người đội lốt. Nhận định về kẻ thù giai câp và đâu tranh giai cấp(6) cũng chưa thật thích hợp nếu áp dụng vào xã hội và folklore Tây Nguyên nói chung, kho tàng cổ tích của các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Với các tộc người này, mặc dù chỉ đang quá độ từ xã hội nguyên thuỷ hay tiên giai cấp để đi lên xã hội hiện đại, nhưng cổ tích nói chung và cổ tích về nhân vật mồ côi nói riêng là rất phổ biến như một vấn đề con người mang tính nhân loại. Nhà nghiên cứu Phan Đăng Nhật đã lưu tâm đến một số dân tộc như Mnông, Ba N a… chưa có điều kiện đề cập đến truyện cổ Mạ, Cơ Ho… Mặc dù vậy, công trình đã có những giá trị khoa học quan trọng, nhất là khi tác giả viết về loại hình văn học hát.

     Một trong những người có công đầu trong nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam là Võ Quang Nhơn. Trong giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, ông đã dành hai chương cho thể loại thần thoại và cổ tích. Điểm tương đồng với Phan Đăng Nhật, cũng là tình hình chung lúc bấy giờ là tập trung vào thần thoại các dân tộc thiểu số phía Bắc (Tày, Thái, Mường…) và một số dân tộc ở phía Nam như Chăm, Khơ Me, những dòng viết về thần thoại Tây Nguyên còn rất ít. Một điểm tương đồng khác là khi bàn về sự ra đời của cố tích và phân loại nhân vật, sự vận dụng quan điểm giai cấp chưa thuyết phục(7). Hơn nữa, tác giả còn để truyện lịch sử, truyện trào phúng và truyện ngụ ngôn ở trong chương viết về cổ tích(8). Tuy nhiên, thành công lớn của tác giả được thể hiện rõ khi viết về sử thi và truyện thơ. Vả lại, người đọc cũng không thể nào đòi hỏi một sự giải quyết toàn vẹn mọi vấn đề nội dung – nghệ thuật của kho tàng truyện cổ của 54 dân tộc trong một công trình.

     Ngoài ra, nhà nghiên cứu Võ Quang Nhơn còn viết bài giới thiệu cho cuốn Truyện cổ Cơ Ho. Tác giả đã giới thiệu các nhóm tộc người, ngôn ngữ, truyền thống chống Pháp – Mỳ, nghệ thuật dân gian nói chung và truyện cổ nói riêng. Ông lưu ý truyện về nhân vật mồ côi, truyện về người mang lốt, truyện dũng sĩ và truyện ngụ ngôn. Truyện về nhân vật mồ côi rất phổ biến cho các dân tộc, trong 286 cổ tích Mạ và Cơ Ho mà nhóm chúng tôi sưu tầm được, có 57 bản kể của người Cơ Ho và 59 bản kể của người Mạ về nhân vật mồ côi. Do tình hình tư liệu lúc ấy nên ông đã nhận định: “ở người Cơ Ho loại truyện này chiếm tỉ lệ không lớn lắm”(9).

     Các nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn và Đặng Văn Lung đã viết Lời giới thiệu cho hai tập Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên(10). Sau khi sơ lược về địa bàn và các dân tộc Trường Sơn -Tây Nguyên, các nhà nghiên cứu đã chia truyện cổ làm ba loại,- cổ tích về các dũng sĩ, cổ tích thần kỳ, cổ tích sinh hoạt. Ở đây, cổ tích được đồng nhất với truyện cổ , nhưng đa số các nhà cổ tích học ở Việt Nam quan niệm cổ tích chỉ là một thể loại trong các thể loại truyện cổ. Tác giả cũng đề cập tới ảnh hưởng của truyện cổ Chăm, Khơ Me, Lào… đối với truyện cổ các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên. Bài nghiên cứu này đã có những gợi mở cho sự tìm tòi, so sánh, trong đó có vấn đề xác định tộc người và yếu tố văn hoá biển. Đây là một trong những lời giới thiệu có giá trị học thuật cao, có ích cho những người sưu tầm và nghiên cứu tmyện cổ Tây Nguyên.

    Nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn cũng đã dày công sưu tập, tóm tắt và nghiên cứu 307 dị bản huyền thoại về nguồn gốc tộc người, được tuyển chọn vào công trình Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam(11). Mặc dù trong bảng tóm tắt của ông chưa có dị bản nào của các dân tộc bản địa Lâm Đồng nhưng nhà khoa học đã gợi ra một hướng sưu tầm, nghiên cứu huyền thoại nói chung, huyền thoại về nguồn gốc tộc người nói riêng. Đi theo hướng ấy, chúng tôi đã tìm được 7 dị bản huyền thoại Mạ – Cơ Ho về nguồn gốc tộc người và công bố năm 1997.

     2.2. Về phương diện nghiên cứu dân tộc học và văn hoá học

     Ngay sau 1975, Mạc Đường và các đồng tác giả đã khẩn trương triển khai nghiên cứu và hoàn thành công trình về Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng(12). Trong công trình tập thể này, có những bài nghiên cứu các tộc người và có các bài đi sâu từng lĩnh vực văn hoá tộc người. Đó là các bài của Mạc Đường viết về vấn đề dân cư và dân tộc ở Lâm Đồng, của Phan Xuân Biên về Xã hội cổ truyền người Mạ qua một số đặc điểm hôn nhân và gia đình, của Phan Ngọc Chiến về Một số vấn đề dân tộc học nông nghiệp ở vùng Mạ, của Phan An viết về Một số đặc trưng của xã hội người Chil và Lạt…

     Ngoài các bài viết về từng lĩnh vực văn hoá tộc người, trong công trình này còn có khảo cứu của Phan Ngọc Chiến – Phan Xuân Biên về Người Mạ và của Nguyễn Văn Diệu – Phan Ngọc Chiến về Người Cơ Ho. Và sau đó, trong công trình Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), Phan Xuân Biên – Chu Thái Sơn viết về Dân tộc Mạ(13) còn Phan Ngọc Chiến đã viết về Dân tộc Cơ ho(14).

     Còn có nhiều công trình khác về Trường Sơn – Tây Nguyên như các công trình của Viện Dân tộc học, Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam… Chẳng hạn, cuốn Dân tộc Cơ Ho ở Việt Nam do Bùi Minh Đạo chủ biên (Nxb. Khoa học xã hội, 2003). Một số công trình sưu tầm và nghiên cứu về tộc người và văn hoá tộc người Tây Nguyên nói chung, Mạ và Cơ Ho nói riêng. Ở đó, mặc dù không đi sâu vào văn học dân gian nhưng các nhà nghiên cứu đã cung cấp những kiến thức dân tộc học ban đầu để có thể tiến hành điền dã sưu tầm tại thực địa, nhất là những ngày đầu “chập chững” đi vào vùng Mạ như một người tập sự. Năm 1987, tôi và cộng sự đã có cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên tại làng Mạ vói các nhà khoa học Nga – Việt như Kriucôv, Valôdia, Tônhia, Phan Xuân Biên, Phạm Quang Hoan, Nguyễn Tuấn Tài… Sự quyến rũ của văn hoá dân gian, tình cảm của nhân dân cùng với sự gặp gỡ ngẫu nhiên ấy đã là cái duyên để chúng tôi đến với văn hoá dân gian, với truyện cổ Tây Nguyên cho đến bây giờ…

     Gần đây, một số công trình sưu tầm hay nghiên cứu khác về nhiều phương diện cũng đề cập đến các vấn đề liên quan đến văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá Tây Nguyên nói riêng. Đó là các sưu tầm và nghiên cứu văn hoá, văn học dân gian và dân tộc học của các tác giả (hoặc đồng tác giả) như Nguyễn Tấn Đắc, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Khắc Tụng, Tô Ngọc Thanh, Lưu Hùng,… Và các giáo trình đại học và sau đại học, các công trình khoa học khác đã cung cấp kiến thức nền hay phương pháp luận trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu truyện cổ Tây Nguyên.

     Riêng tại địa bàn Lâm Đồng, trong đề tài tập thể hoàn thành năm 1996, các đồng tác giả Cao Thế Trình, Nguyễn Tuấn Tài, Lê Đình Bá, Lê Hồng Phong, Đinh Thị Nga, Võ Khắc Dũng… đã kế thừa một số kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực địa của người đi trước, đồng thời bổ sung các tư liệu mới nhằm nghiên cứu Văn hoá truyền thống Cơ Ho, Mạ. Còn Nguyễn Vũ Hoàng, Lê Hồng Phong, Võ Khấc Dũng, Đinh Bá Quang, Ngọc Lý Hiển… trong hai đề tài liên tiếp các năm 1998 và 1999, chủ yếu đi vào thực địa, bằng phương pháp thống kê, mô tả, phân loại… đã cung cấp bức tranh về thực trạng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của ba dân tộc bản địa Lâm Đồng. Qua hai đề tài có tính chất Điều tra di sản văn hoá... ấy, chúng ta có thể biết tương đối chính xác chủng loại, số lượng và các địa chỉ di sản của người Mạ, Cơ Ho, Chu Ru ở mảnh đất Nam Tây Nguyên này.

     Ngoài địa bàn cư trú tập trung ở Lâm Đồng, người Mạ còn có một bộ phận nhỏ sống ở Đồng Nai. Trong công trình 532 trang mang tên Biên Hoà – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển, các tác giả có “điểm danh” truyện kể dân gian Châu Mạ, Châu Ro, Stiêng(15). Rất đáng tiếc, dung lượng trang viết về văn học dân gian các tộc người này còn sơ sài, mà thực ra cũng chỉ là trích vài đọan văn vần dân gian Mạ trong công trình của Boulbet.

3. Một số kết quả nghiên cứu truyện cổ Tây Nguyên ở Đại học Đà Lạt

     Ngoài những công trình và kết quả, những thành tựu và tồn tại trong nghiên cứu văn học, văn hoá học và dân tộc học Tây Nguyên được trình bày sơ lược ở trên, cần bổ sung thêm một số kết quả nghiên cứu truyện cổ Tây Nguyên ở Đại học Đà Lạt.

     3.1. Được sự giúp đỡ, cộng tác của nhân dân và chính quyền địa phương, của cán bộ và sinh viên Trường Đại học Đà Lạt, chúng tôi đã sưu tầm được 386 đơn vị tư liệu truyện cổ Mạ và Cơ Ho. Từ việc xử lý từng phần tư liệu ấy, liên tục từ năm 1992 – 2011, chúng tôi đã cho công bố hơn 40 bài viết về đặc điểm của truyện cổ Mạ và Cơ Ho (Lâm Đồng) trên sách, báo và tạp chí, trong đó có 11 bài trên tạp chí chuyên ngành và liên ngành như: Văn học, Văn hoá dân gian, Văn hoá nghệ thuật, Khoa học xã hội, Khoa học xã hội Tây Nguyên… Đó là những nhận xét về đặc trưng văn học dân gian (dị bản, nguyên hợp), hệ thống nhân vật (mồ côi, mang lốt, malai), giá trị văn hoá (văn hoá nguyên thuỷ, quan hệ Mạ- Chăm)… của truyện cổ Mạ và Cơ Ho. Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên trường hợp Mạ và Cơ Ho (16) là nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên về truyện cổ hai tộc người bản địa ở Lâm Đồng – Tây Nguyên, được xuất bản với sự quan tâm của giáo sư Mai Quốc Liên – Tmng tâm nghiên cứu Quốc học và Nhà xuất bản Văn học, qua đó, nhằm góp phần vào việc nghiên cứu văn học dân gian dân tộc thiểu số Việt Nam.

     3.2. Trong nhiều năm qua, tôi cũng đã trìinh bày cho sinh viên những kinh nghiệm tối thiểu và cần thiết qua chuyên đề Phương pháp sưu tầm nghiền cứu văn học dân gian để giúp bản thân và cộng sự thực hiện tốt các chuyến điền dã sưu tầm. Đồng thời, các kết quả nghiên cứu được cập nhật cho sinh viên Ngữ văn và Việt Nam học qua chuyên đề tự chọn: Một số vấn đề truyện cổ Tây Nguyên. Hàng chục luận văn tốt nghiệp đại học và cao học về đề tài truyện cổ Tây Nguyên đã được bảo vệ thành công. Qua quá trình sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy và học tập, thực sự thầy trò đã trưởng thành, đã thiết thực góp phần trực tiếp vào chương trình đào tạo của một trường đại học đóng trên địa bàn Tây Nguyên.

     3.3. Tây Nguyên là địa bàn quan trọng đã và đang tiếp tục được nghiên cứu. Thành tựu nghiên cứu dân tộc học và sưu tầm nghiên cứu sử thi đã được khẳng định, nhưng nghiên cứu truyện cổ còn chưa nhiều. Với việc sưu tầm và nghiên cứu đã có, hy vọng sẽ đóng góp một phần cho việc nghiên cứu truyện Tây Nguyên. Các đề tài về văn hoá Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, trong đó có nội dung về văn học dân gian do Đại học Đà Lạt phụ trách đã góp phần quan trọng làm nên thành công của sách Địa chí Lâm Đồng.

     3.4. Để có tư liệu nghiên cứu, tác giả và cộng sự phải tiến hành điền dã và đã sưu tầm được kết quả như trình bày trên. Nguồn tư liệu ấy về cơ bản là có thể biên soạn và xuất bản khi có điều kiện, nhằm công bố rộng rãi truyện cổ Tây Nguyên. Có thể kể tên một số tập truyện đã xuất bản:

     – Tập Truyện cổ Cơ Ho sưu tầm ở Đạ Huoai đã được gửi về Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 1999 và được xuất bản trong tuyển tập chung.

     – Tập Truyện kể dân gian Mạ sưu tầm tại Lâm Đồng được Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao Giải khuyến khích năm 2001; một phần của tập này đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2003 với số lượng hơn 14 ngàn cuốn .

     – Truyện cười, truyện ngụ ngôn Mạ và Cơ ho gồm 200 trang song ngữ do nhóm chúng tôi sưu tầm – biên soạn đã được GS. Nguyễn Xuân Kính cho công bố trong Tập 20, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam (18) do ông làm chủ biên.

__________
     (1) , (2) Hoàng Trọng Miên: Việt Nam văn học toàn thư. Tiếng Phương Đông xuất bản, 1959. 101-238,223-667.

     (3) Jean Boulbet: Xứ người Mạ lãnh thổ của thần linh. Nxb. Đồng Nai, 1999.

     (4) (5) Cửu Long Giang – Toan Ánh: Miền Thượng Cao Nguyên. Nxb. Sài Gòn, 1974, tr.407,412.

     (6) Phan Đăng Nhật: Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam – trước Cách mạng tháng Tám. Nxb. Văn hoá, H., 1981, tr.94.

     (7) (8) Võ Quang Nhơn: Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam. Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H., 1983, tr. 162-163, 141-195.

     (9) Truyện cổ Cơ Ho. Nxb. Văn hoá dân tộc, H., 1988, tr.5.

     (10) Đặng Nghiêm Vạn &…: Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn – Tây Nguyên, 2 tập. Nxb. Văn học, H„ 1985,1986.

      (11) Nhiều tác giả: Nghiên cứu văn nghệ dân gian Việt Nam. Nxb. Văn hoá dân tộc, H., 1997.

     (12) Mạc Đường (chủ biên); Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng. Sở Văn hoá-Thông tin Lâm Đồng, 1983.

     (13) (14) Nhiều tác giả: Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tính phía Nam). Nxb. Khoa học xã hội, 1984, tr. 173-187,108-119.

     (15) Nhiều tác giả: Biên Hoà – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển. Nxb. Đồng Nai, 1998, tr. 192-193.

      (16) Lê Hồng Phong: Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên trường hợp Mạ và Cơ Ho. Nxb. Văn học, H, 2008.

     (17) Lê Phong (biên sọan): Chàng Đu đủ. Nxb. Kim Đồng, H, 2003.

     (18) Nguyễn Xuân Kính (chủ biên): Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 20. Nxb. Khoa học xã hội, H., 2010.

Nguồn: Nghiên cứu Văn học –
Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, Phê bình và Lịch sử Văn học, 10/2016

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Nhìn lại việc nghiên cứu truyện cổ các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng (Tác giả: TS Lê Hồng Phong)