Những giá trị tiêu biểu của VĂN HOÁ DÂN GIAN các LÀNG VEN BIỂN Quảng Bình
1. Đặt vấn đề
Quảng Bình là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bờ biển dài 116,04km với diện tích thềm lục địa gấp 2,6 lần đất liền. Đây không những là tiềm năng về kinh tế mà còn tạo nên cho Quảng Bình những nét rất đặc trưng của văn hoá dân gian mang đậm chất “biển”. Sự hình thành và phát triển các làng ven biển (Cảnh Dương, Lí Hoà, Nhân Trạch, Bảo Ninh,…) đã và đang mang đến cho Quảng Bình sức sống mới, đó không chỉ là sự phát triển kinh tế – xã hội mà còn là bản sắc văn hoá dân gian rất Quảng Bình.
Văn hoá dân gian các làng ven biển tỉnh Quảng Bình độc đáo là thế, giàu bản sắc là thế nên việc tìm hiểu các giá trị của di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở đây là vô cùng cần thiết. Đó không chỉ phản ánh sức sống mãnh liệt, bền lâu của các sinh hoạt văn hoá mà còn thể hiện cốt lõi, chiều sâu khi tìm về các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Bài viết đi sâu phân tích những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của văn hoá dân gian các làng ven biển Quảng Bình, từ đó góp phần tôn vinh những giá trị văn hoá Việt Nam.
2. Nội dung
2.1. Giá trị nhân văn
Giá trị nhân văn là hằng số giá trị tiềm ẩn, tồn tại trong mỗi hiện tượng văn hoá dân gian, nó đã thổi vào văn hoá dân gian nguồn nhựa sống dồi dào. Con người tìm thấy ở đó giá trị cốt lõi của cuộc sống, của tình người, của niềm tin và cả những khát khao trong cuộc sống, tất cả đều toả sáng trong từng nét sinh hoạt văn hoá dân dã này. Đối với ngư dân các làng ven biển Quảng Bình, hơn bao giờ hết họ cảm nhận được hương vị cuộc sống đời thường nhưng rất đỗi thanh tao và đậm chất dung dị qua kho tàng văn hoá truyền thống quý giá của mảnh đất này, ẩn chứa trong đó những ước mơ, hoài bão và khát vọng của những người con quá quen với gió lào cát trắng.
Đầu tiên có thể dễ dàng cảm nhận giá trị nhân văn của văn hoá dân gian các làng ven biển Quảng Bình qua ý nghĩa cân bằng đời sống tâm linh, tình cảm của các hiện tượng văn hoá. Ngày nay, mặc dù ánh sáng của khoa học kĩ thuật đã mở đường cho loài người có những bước phát triển vượt bậc, nhận thức của con người đã nâng lên tầm cao mới với những khám khá, phát minh vĩ đại cũng như khả năng chinh phục thiên nhiên. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng trong thẳm sâu tâm hồn của mỗi một con người vẫn đang muốn tìm đến sự hài hoà và cân bằng nhất định nào đó, để rồi trong cuộc sống, họ tự tìm thấy ở đó sự giải toả về tâm lí, tự ru lòng mình với một nén nhang thắp lên bàn thờ của những bậc tiền nhân sẽ thấy lòng mình thanh thản bao nhiêu khi hướng về nguồn cội? Hay được sẻ chia, đồng cảm hơn khi đến ngày tết thanh minh hay ngày xá tội vong nhân được dâng lên bàn thờ những người xấu số chút hương hoa làm ấm lòng người đã khuất? Hay cảm nhận sâu sắc theo điệu hoà đưa linh (Hải Trạch)? Hay trải mình theo điệu hò khoan, hò mái dài, hò mái nện,… trong lễ hội cầu mùa để nguyện cầu những mùa màng bội thu, làm ăn may mắn (Bảo Ninh). Hay thả hồn theo điệu hò ru con trong buổi trưa thanh vắng mà thấy thiêng liêng và ý nghĩa vô cùng (Cảnh Dương)… Tất cả ẩn chứa trong đó biết bao ý nghĩa của cuộc sống, giúp con người có đủ nghị lực, niềm tin và khơi dậy tình yêu đối với mọi người, với quê hương, đất nước.
Không chỉ dừng lại ở đó, tính nhân văn còn thể hiện rất rõ trong các sinh hoạt văn hoá dân gian như lễ tế thành hoàng làng, hội đua thuyền, hát chèo cạn, lễ cúng âm hồn, hội cầu mùa,… Đến với không khí của các buổi lễ hội và tế lễ này con người như tìm thấy sự gần gũi, đồng cảm và chia sẻ, mọi lo toan đời thường dường như tan biến và thay vào đó là tinh thần cởi mở, nhiệt tình, cảm xúc được thăng hoa, mọi “hàng rào” ngăn cách không còn. Ở đó toát lên bầu không khí dân chủ và bình đẳng, mọi người như xích lại gần nhau hơn.
Điều đặc biệt hơn và cũng là lí do mà tất cả ngư dân Quảng Bình đều hướng đến văn hoá dân gian những làng biển thơ mộng này với sự trân trọng và tôn vinh đó chính là niềm tin. Bắt nguồn từ những truyền thuyết, những câu chuyện lưu truyền trong làng cho đến những thăng trầm trong cuộc sống mà họ đã trải nghiệm và cảm nhận, có thể nói niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân trong làng. Tuy nhiên, niềm tin ở đây đều mang ý nghĩa tích cực là làm sao cho cuộc sống hiện tại và tương lai gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc. Có thể bất cứ người dân nào ở bất kì đâu trên đất nước ta đều xây dựng cho mình những niềm tin, nhưng đối với ngư dân Việt nói chung và ngư dân Quảng Bình nói riêng thì niềm tin đó dường như thể hiện rõ nét hơn, mãnh liệt hơn. Phải chăng xuất phát từ cuộc sống con người nơi đây luôn phải đối diện với biết bao thử thách, khó khăn? Những rủi ro, những tai hoạ có thể ập đến bất cứ lúc nào bởi ẩn chứa đằng sau sự yên bình và êm ả của biển trời, sông nước là những mối nguy hiểm đang rình rập? Tính mạng con người lúc đó trở nên quá nhỏ bé trước sự hung dữ của thiên nhiên? Chính cuộc sống gắn liền với môi trường sông nước, nhuốm màu sắc của biển cả, mang hơi hướng và vị mặn mòi của biển đã thôi thúc ngư dân tìm đến chỗ dựa tinh thần mà ở đó họ có thể gửi gắm những ước mơ, những lời nguyện cầu trước những chuyến ra khơi vào lộng. Bởi thế chúng ta có thể giải thích vì sao ngư dân nơi đây luôn tin vào sự linh ứng của các vị thần linh như Tứ vị Thánh nương hay rõ nét hơn là tin vào sự linh thiêng của Cá Ông. Họ cho rằng, các vị thần linh luôn phù hộ cho những người dân hiền lành, chất phác và chăm chỉ, “ở hiền gặp lành” hay đơn giản tin rằng nếu họ chôn cất và thờ cúng một người không may tử nạn vì sông nước thì linh hồn của người đó sẽ luôn ở bên và phù hộ cho họ gặp những điều may mắn. Chính niềm tin đó là động lực để họ tự rèn luyện và điều chỉnh hành vi trong cuộc sống hiện tại, luôn tâm niệm làm những điều lương thiện, có ích cho mọi người, không được làm những điều ác vì như thế sẽ bị “trừng trị”… Tất cả những điều đó đã giúp con người hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, xa rời những điều xấu, góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
2.2. Giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mĩ
“Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc” là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Đối với những làng quê giàu truyền thống của Quảng Bình việc giáo dục và hướng cho thế hệ trẻ luôn biết lưu giữ và trân trọng các giá trị văn hoá của làng luôn được mọi người quan tâm. Bởi lẽ trở về với các sinh hoạt văn hoá dân gian chính là con đường ngắn nhất để mỗi một con người được trở về với giá trị đạo đức cao đẹp, những truyền thống quý báu của dân tộc. Rất nhiều hiện tượng văn hoá dân gian mang trong mình triết lí của cuộc sống, hình thành nhân cách và đạo đức làm người. Biết bao thế hệ ngư dân Quảng Bình hướng về các bậc tiền hiền, những người đã có công lập làng ngay từ những ngày đầu tiên với lòng tri ân vô bờ bến. Đó chính là đạo lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, một nét đẹp trong văn hoá của người Việt Nam. Tất cả các công tác bảo quản, giữ gìn những hiện vật cho đến việc thờ cúng, tế lễ đối với các bậc tiền nhân đều được người dân ở đây hết sức coi trọng, trong tâm khảm của mỗi một người con ở mảnh đất mang hình sông thế núi này đều cảm tạ trước sự lựa chọn địa thế này của các bậc tiền nhân để khai hoang lập làng, để thế hệ nối tiếp thế hệ tạo dựng nên những làng ven biển Quảng Bình duyên dáng, trù phú và đầy những tiềm năng.
Đến với buổi lễ thờ cúng Cá Ông ở làng Cảnh Dương hay lễ hội cầu mùa ở làng Bảo Ninh, làng Nhân Trạch, người dân lại một lần nữa được ôn lại truyền thống của làng từ những ngày đầu lập làng, những thăng trầm của lịch sử, thời khắc chiến tranh cho đến ngày hoà bình thống nhất. Tất cả được tái hiện như lời nhắc nhở cháu con hãy luôn trân trọng những gì mà cha ông đã để lại, cuộc sống sẽ có ý nghĩa biết nhường nào nếu tương lai, quá khứ và hiện tại được bắc nhịp cầu ân nghĩa, vẹn tình. Đó còn là ý thức học tập tinh thần thượng võ, rèn luyện ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết và cả sự dẻo dai khi đến với hội bơi trải Cảnh Dương, hội đua thuyền Lệ Thuỷ. Không chỉ dừng lại ở đó, những truyện kể dân gian về hình ảnh người chị dâu tốt bụng hay câu ca dao răn dạy phải biết ứng xử có trên, có dưới, phải biết thương yêu và chăm sóc lẫn nhau (Năm đồng một khúc cá buôi, Cũng mua cho được mà nuôi mẹ chồng) hay (Trông ra ngoài biển lao xao, Thấy thuyền anh chạy như dao cắt lòng) (làng Cảnh Dương). Trong cuộc sống phải biết vượt khó khăn, gian khổ để lao động, để vươn lên tự nuôi sống bản thân và gia đình và hơn thế là làm giàu cho quê hương… Tất cả đều hàm chứa những bài học quý giá về sự rèn luyện bản thân, về đối nhân xử thế, về đạo lí làm người, về tình yêu quê hương đất nước. Từ đó giúp con người hiểu biết về các chuẩn mực đạo đức, văn hoá, có những hành vi ứng xử cho phù hợp với các vị thần linh, với tiền nhân, với cộng đồng, với gia đình và chính bản thân mình. Điều càng có ý nghĩa hơn khi mà hôm nay, những giá trị đạo đức đang có nguy cơ bị suy thoái và xói mòn, khi mà con người đang chịu những tác động rất lớn của kinh tế thị trường cũng như các luồng văn hoá khác nhau. Phải chăng vì vậy mà văn hoá dân gian càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc góp phần giáo dục đạo đức cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ?
2.3. Giá trị cố kết cộng đồng
Có thể khẳng định đây là một trong những giá trị tiêu biểu của văn hoá dân gian. Hình thành và phát triển trong cái nôi chất chứa biết bao tình nghĩa sâu nặng của gia đình, xóm làng;… văn hoá dân gian một lần nữa lại quay trở lại dệt nên những sợi dây vô hình gắn kết các thành viên của cộng đồng lại với nhau như những mạch máu nối liền nuôi sống cơ thể. Trên mỗi bước chân hướng đến tương lai, mỗi một người hãy một lần ngoảnh lại quá khứ, cảm nhận giá trị của văn hoá dân gian để được nhìn lại chính mình, để được tiếp thêm sức mạnh và để tìm chút yên bình, thanh thản trong tâm hồn. Đến với ngư dân Quảng Bình, đến với những thời khắc mà tất cả các thành viên trong làng đều để cho tâm hồn hướng về nguồn cội, để được nghiêng mình bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đi trước (đối với các bậc tiền hiền hay những người đã ngã xuống cho sự bình yên của làng). Hay đến những lúc người dân trong làng tổ chức lễ tế Cá Ông, chúng ta sẽ được chứng kiến sự hội tụ đông đủ từ người già đến trẻ em, họ đến thắp hương và dự lễ với tấm lòng thành và niềm tin, ngưỡng vọng. Cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều nếu được Cá Ông giúp đỡ và chở che. Phác hoạ vài nét về đời sống tâm linh của ngư dân Quảng Bình để chúng ta có thể hình dung được những sinh hoạt văn hoá dân gian đã kết nối những con người sống trên cùng mảnh đất này và hơn thế đã buộc chung các thành viên trong làng với nhau về số mệnh bởi “đời sống tâm linh là cái nền vững chắc nhất của quan hệ cộng đồng làng xã” [2, 96].
Phải chăng vì thế mà những người dân trong làng như tìm thấy sự đồng cảm, sự gắn kết bền chặt trong những dịp các làng tổ chức lễ hội như Lễ tế Thành hoàng làng (Cảnh Dương), Lễ hội cầu ngư (Lí Hoà, Bảo Ninh, Hải Ninh, Nhân Trạch), hát chèo cạn, múa bông (Bảo Ninh) trong lễ tế Cá Ông, hội bơi trải,… Chính môi trường lễ hội này đã thu hút được rất nhiều người tham gia ở mọi lứa tuổi khác nhau, tạo nên bầu không khí vừa linh thiêng, vừa gần gũi. Đây là dịp hội tụ đông đủ bà con trong làng, là dịp mọi người có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, thể hiện tài năng,… như GS Ngô Đức Thịnh nhận xét “mọi người đều tham gia, vừa tham gia trình diễn, vừa thưởng thức, hưởng thụ”. Sau một năm làm việc vất vả với bao bộn bề lo toan, chính những giây phút được trải bày tâm sự, hỏi thăm nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống,… là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp con người tìm thấy sự thoải mái, thanh thản và thêm yêu quê hương mình.
2.4. Giá trị trao truyền và phát triển kho tàng văn hoá
Thông qua việc tổ chức các sinh hoạt văn hoá dân gian, các lễ hội không những có giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mĩ mà đó còn là cơ hội để văn hoá dân gian được nuôi dưỡng và trao truyền: “Với cộng đồng làng xã, lễ hội còn là môi trường nhập thân và trao truyền văn hoá giữa các thế hệ, không những bảo đảm sự thông cảm văn hoá của cộng đồng, mà còn giữ gìn sự nhất quán, thống nhất văn hoá cộng đồng giữa các thế hệ già và trẻ. Những trẻ thơ cảm nhận văn hoá cộng đồng phần nhiều qua môi trường lễ hội, rồi từ đó kế thừa, phát huy và trao truyền cho thế hệ kế tiếp” [2, 97]. Không phải ngẫu nhiên mà lễ hội lại mang trong mình sứ mệnh cao cả như vậy, bởi đó chính là môi trường lí tưởng để duy trì và phát triển biết bao giá trị văn hoá khác. Đến với lễ tế Cá Ông, đến với diễn xướng dân gian hát chèo cạn, chúng ta có cơ hội thưởng thức những điệu hò khoan, hò hụi, hò mái nện, hò kéo lưới, hò mái ba,… không những thế đây cũng là dịp để các nghệ nhân sáng tác nên những lời ca điệu hát làm giàu thêm vốn văn hoá của làng. Hay như Lễ tế Thành hoàng làng, các trò chơi dân gian được tổ chức, đó cũng là lúc các bài vè, các câu hò đối đáp,… được tái tạo, được phổ biến và tiếp thêm sức sống. Và cứ như thế, văn hoá dân gian như mạch nước ngầm tưới tắm tâm hồn cho những người dân đã quá quen với nắng gió, biển trời. Dù cuộc sống có biết bao khó khăn thử thách, họ vẫn luôn tự tin, lạc quan và thêm yêu mảnh đất này bởi họ đã tìm thấy ở văn hoá dân gian giá trị tuyệt vời của cuộc sống.
2.5. Giá trị tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội
Một trong những tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội của văn hoá dân gian các làng ven biển Quảng Bình thể hiện rõ nét nhất đó là lĩnh vực tham quan, du lịch. Với cuộc sống bộn bề lo toan, với những tiện nghi sang trọng và hiện đại trong không gian ồn ào của chốn thành thị… nhu cầu thưởng thức những “sản phẩm” đến từ thiên nhiên trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, giúp con người lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống và tâm hồn. Với những bãi cát dài phẳng lặng nằm hiền hoà bên những rặng phi lao, hay đến với những tác phẩm tuyệt đẹp do tạo hoá ban tặng như các mũi đá (mũi Ông, mũi Rồng, mũi Đao,…), Vũng Chùa, được ngắm nhìn bộ xương Cá Voi khổng lồ (làng Cảnh Dương), bãi biển Nhật Lệ, bãi biển Bảo Ninh, Đá Nhảy,… con người như được thả hồn vào bức tranh thiên nhiên đầy kì thú. Không chỉ được ngắm nhìn biển trời mênh mông với bao điều lí thú, họ còn có cơ hội tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, các phong tục lễ hội, thưởng thức các món ăn được làm từ đặc sản quý hiếm của vùng biển Quảng Bình. Và có lẽ ý nghĩa hơn cả là họ như được trở về với cội nguồn, tìm chút thanh thản, thư thái trong tâm hồn khi vào thắp lên nén nhang biết ơn các bậc tiền hiền vào ngày Đông chí hàng năm (Cảnh Dương), hay vào dịp lễ, tết được tham gia vào không khí các lễ hội như lễ cầu ngư, hội đua thuyền,…
Đến với các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nhân văn, đến với những giá trị và đặc trưng văn hoá dân gian của làng biển miền Trung đậm chất dân dã, con người không chỉ thoả mãn nhu cầu giải trí, thưởng ngoạn mà sâu xa hơn, ý nghĩa hơn đó chính là đi tìm chút bình yên trong mỗi tâm hồn, họ được trở về với cội nguồn, giao hoà với quá khứ. Và khi loại hình tham quan, du lịch phát triển thì chính chúng lại góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
3. Kết luận
Đất nước ta đang chuyển mình theo xu thế hội nhập của thời đại, tất cả mọi mặt của đời sống đều có những thay đổi nhất định, văn hoá cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chính vì thế một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra là làm sao vừa phát triển đất nước nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc? Đó không chỉ là trách nhiệm của Đảng, của Nhà nước mà đó là câu hỏi lớn đặt ra đối với tất cả mọi người Việt Nam. Để thực hiện được điều đó công việc đầu tiên của chúng ta đó là bảo tồn các giá trị văn hoá dân gian như GS Ngô Đức Thịnh khẳng định: “Hoạt động bảo tồn và làm giàu văn hoá dân tộc cần được bắt đầu từ bảo tồn và làm giàu văn hoá dân gian”. Chính văn hoá dân gian là bộ phận cơ bản cấu thành văn hoá làng, nó còn là “cái hồn”, là cội nguồn của văn hoá dân tộc.
Hoà mình trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhân dân Quảng Bình vừa phát huy truyền thống anh hùng trong lao động, sản xuất nhưng vẫn dệt nên những tâm hồn yêu tha thiết vùng quê, những giá trị văn hoá dân gian cổ truyền vẫn được thế hệ tiếp nối thế hệ trân trọng và giữ gìn, đời sống sinh hoạt văn hoá nơi đây vẫn tràn đầy sức sống như mạch nước ngầm nuôi dưỡng con người và cảnh vật nơi đây.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Văn Lợi (chủ biên), Địa chí văn hoá miền biển Quảng Bình, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001.
2. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2004.
3. Nguyễn Tú, Những nét đẹp văn hoá cổ truyền Quảng Bình, NXB Thuận Hoá, Huế, 2007.
PHÙNG THỊ LOAN 1
__________
1. ThS, Trường Đại học Quảng Bình.