Những giá trị tiêu biểu trong sản phẩm sơn mài Việt Nam đương đại
TYPICAL VALUES IN THE CONTEMPORARY
VIETNAMESE LACQUER PRODUCTS
Tác giả bài viết: ĐẶNG MAI ANH
TÓM TẮT
Truyền thống văn hóa của người Việt Nam được khẳng định trong nghệ thuật lâu đời của ông cha ta, được đúc qua nhiều thế hệ xây dựng và vun đắp. Nghệ thuật của người Việt vốn rất phong phú và đa dạng, với nhiều lĩnh vực từ văn thơ, ca hát, biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật… mỗi nghệ thuật tạo nên những giá trị riêng biệt đem đến những sự cảm nhận riêng biệt, tạo nên những giá trị truyền thống của người Việt Nam.
Trong nhiều các nghệ thuật truyền thống, Mỹ thuật truyền thống đã và đang góp phần đưa bản sắc văn hóa của Việt Nam chúng ta luôn được khẳng định và giữ những giá trị đáng tự hào. Với nhiều tác phẩm mỹ thuật qua nhiều thời kỳ lịch sử các tác phẩm mỹ thuật từ truyền thống đến đương đại ngày nay, qua nhiều tác phẩm mang được hình thức và nội dung hàm chứa. Đó không chỉ là những tác phẩm nhằm thưởng thức nghệ thuật thuần túy, mà là những giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam qua từng thời kỳ, góp phần làm giàu và dày thêm vào kho tàng truyền thống nước nhà.
Nằm trong dòng chảy của Mỹ thuật Việt Nam, nghệ thuật sơn mài nói chung, thiết kế sản phẩm sơn mài ứng dụng nói riêng, tuy ra đời muộn hơn nhưng qua mỗi sản phẩm của các nghệ nhân, họa sĩ cũng đã khẳng định những giá trị thiết thực ứng dụng làm đẹp cho cuộc sống, mang lại những giá trị vẻ đẹp về tinh thần, giá trị thẩm mỹ gắn với công năng, đồng thời cũng là những đóng góp việc lưu truyền giá trị truyền thống đến với cuộc sống thực tại của xã hội, vào những sáng tác đương đại để dòng chảy truyền thống được xuyên suốt, đi vào từng sản phẩm của cuộc sống, đưa các giá trị mỹ thuật truyền thống gắn bó thực sự với con người Việt Nam.
Từ khóa: Sơn mài, sản phẩm sơn mài, thiết kế sản phẩm sơn mài.
x
x x
ABSTRACT
The cultural tradition of the Vietnamese people is affirmed in the long-standing art of our ancestors, which has been molded through generations of construction and cultivation. The arts of the Vietnamese people are rich and diverse, with many fields from poetry, singing, performance, photography, fine arts… each art creates its own unique values that bring its own feelings. create the traditional values of the Vietnamese people.
Among many traditional arts, Traditional Fine Arts has been contributing to bringing the cultural identity of Vietnam to always be affirmed and proud values kept. With many works of art through many historical periods, works of art from traditional to contemporary today, through many works have the form and content contained. They are not only works to enjoy pure art, but also the cultural and artistic values of Vietnam over time, contributing to enriching and thickening the traditional treasure of the country.
In the flow of Vietnamese fine art, lacquer art in general, and applied lacquer product design in particular, although born later, through each product of artisans and artists, artists have also affirmed the Practical values apply beautify life, bring spiritual beauty values, aesthetic values associated with functions, and also contribute to the transmission of traditional values to life. the reality of society, into contemporary compositions so that the tradition flows through, into each product of life, bringing the traditional artistic values to be truly attached to the Vietnamese people.
Keywords: Lacquer, lacquer products, lacquer product design.
x
x x
ARTS
Yếu tố truyền thống của người Việt Nam trong văn hóa là một vấn đề về bản sắc đã được hình thành từ lâu đời, được nhiều thế hệ cha ông chúng ta xây dựng và vun đắp. Trong đó Mỹ thuật truyền thống đã và đang góp phần đưa bản sắc văn hóa của Việt Nam chúng ta luôn được khẳng định và giữ những giá trị đáng tự hào.
Bản sắc truyền thống Việt Nam chúng ta được gìn giữ và phát triển trong Mỹ thuật được khẳng định rất nhiều qua các tác phẩm mỹ thuật từ truyền thống đến đương đại ngày nay, qua nhiều tác phẩm mang được hình thức và nội dung hàm chứa. Đó không chỉ là những tác phẩm nhằm thưởng thức nghệ thuật thuần túy, mà là những giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam qua từng thời kỳ, góp phần làm giàu và dày thêm vào kho tàng truyền thống nước nhà. Đây chính là điều hấp dẫn làm nên các giá trị của Việt Nam khi đặt chân đến đất nước Việt Nam, đến mỗi vùng miền, mỗi dân tộc của Việt Nam, chính yếu tố đó tạo nên tính bản sắc riêng biệt của Việt Nam – Tính Văn hóa đậm đà.
Trong việc sáng tác thiết kế, yếu tố truyền thống của dân tộc luôn là nguồn cung cấp cảm hứng vô tận, yếu tố truyền thống được thể hiện qua các giá trị mỹ thuật trên các công trình kiến trúc của những mảng hoa văn đồ án trang trí, những bức tượng thờ cổ, những phù điêu cổ và những đồ thờ, vật dụng… trong cuộc sống.
– Tất cả những giá trị đó là công sức của bàn tay khéo léo và trí tuệ sáng tạo của các nghệ nhân xưa để lại và được các họa sĩ, nhà thiết kế các thế hệ kế tiếp. Khi chúng ta được thừa hưởng từ ông cha ta những kiến thức của nghệ thuật truyền thống, việc thiết kế sản phẩm MTUD nói chung, thiết kế sản phẩm sơn mài ứng dụng nói riêng cần các yếu tố:
Trong việc vận dụng sáng tạo hoa văn truyền thống luôn đem lại hàm lượng yếu tố thẩm mỹ, văn hóa khi sáng tác vẫn thiết kế qua các thiết bị tạo hình hiện đại, nhưng cốt yếu hoa văn, hình dáng, màu sắc đảm bảo tính nghệ thuật kết hợp với công năng, mang màu sắc văn hóa truyền thống.
Sự sáng tạo, địa chỉ của Nghệ thuật chính là các tác phẩm, chính là cá tính, cái riêng, cái độc đáo mà bản thân người nghệ sĩ tạo ra trong tác phẩm của chính mình làm cho nó không bị nhòa lẫn vào trong các tác phẩm của người khác và qua đó bộc lộ cái hồn cao nhất là tính dân tộc.
Việc khai thác yếu tố truyền thống hoàn toàn không phải hình thức, mà nó là trừu tượng, là cái có thể “cảm thấy” chứ không phải nhìn thấy đơn thuần. Trên cơ sở các hoa văn trang trí cổ truyền thống, được đưa vào vào các thiết kế sáng tác phù hợp về hình thức và công năng của sản phẩm.
Trong mỗi sản phẩm sơn mài khi thiết kế sáng tạo nó bao hàm các giá trị giữa thẩm mỹ và công năng, giữa hình thức và nội dung. Từ xa xưa các hoa văn truyền thống luôn được sử dụng làm hình thức trang trí để có được sự nhận diện về một thời đại, một dân tộc, hay đặc trưng cho từng vùng miền, từng thời kỳ. Những yếu tố đó, nối tiếp và luôn được tiếp thu qua các thế hệ tạo nên bản sắc Việt Nam. Những hoa văn của các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn hay các hoa văn của các dân tộc ít người… đến nay là những dấu ấn để dòng chảy văn hóa không ngừng chảy. Đối với sản phẩm sơn mài, sự sáng tạo của các nghệ nhân, nhà thiết kế với các sản phẩm sơn mài thì việc sử dụng hoa văn dân tộc cùng chất liệu sơn ta là sự kết hợp rất hài hòa, đẩy yếu tố truyền thống lên cao hơn.
Trong việc vận dụng sáng tạo hoa văn truyền thống luôn đem lại hàm lượng yếu tố thẩm mỹ, văn hóa khi sáng tác vẫn thiết kế qua các thiết bị tạo hình hiện đại, nhưng cốt yếu hoa văn, hình dáng, màu sắc đảm bảo tính nghệ thuật kết hợp với công năng, mang màu sắc văn hóa truyền thống.
Sự độc đáo, trong mỗi thiết kế mang yếu tố truyền thống đều mang tính cá biệt và có sắc thái riêng của chất liệu và kỹ thuật ngành nghề và tính chất hoa văn của mỗi dân tộc, mỗi địa phương. Yếu tố độc đáo này luôn được đặt là một tiêu chí cho sáng tác, bởi nếu sự độc đáo này mới mang các sản phẩm sáng tác của chúng ta tới các nước trên thế giới, để bạn bè trên thế giới tìm hiểu về những gì riêng biệt của văn hóa Việt Nam. Cũng trên cơ sở này các tác phẩm được nâng tầm trở thành những sản phẩm có tính nghệ thuật cao và được coi là biểu tượng của nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chính tính dân tộc là tinh hoa tuyệt vời mà mỗi nghệ sĩ đều suy tư, miệt mài tìm kiếm trong kho tàng văn hóa dân tộc, vốn sống và mong muốn thể hiện được nó bằng ngôn ngữ thị giác trên tác phẩm của mình.
Với các sản phẩm sơn mài của ông cha ta, với những bức tượng thờ, hoành phi, câu đối, kiệu làng, ngai thờ… kết hợp trong không gian thờ tự, hay đồ dùng và việc trang trí của cung điện triều Nguyễn cho thất sự sang trọng, lộng lẫy của nơi cao sang của chế độ quân chủ… Không một chi tiết nào không thấy sự độc đáo của nghệ thuật sơn mài, từ những chi tiết rất nhỏ của từng sản phẩm trang trí…
Chính sự độc đáo của bàn tay các nghệ nhân mỗi sản phẩm truyền thống nói chung đều có sự độc đáo nhất định, bởi sự riêng biệt, độc… của mỗi sản phẩm. Sự độc đáo được thể hiện qua từng nét vẽ, pha màu, gắn chất liệu, độ rắc của vàng bạc, mài ra… sản phẩm, nhưng sự độc đáo còn là những những ý tưởng tạo hình tạo nên hình mẫu của mỗi sản phẩm đem lại cảm nhận nghệ thuật mới lạ và độc đáo.
Tuy nhiên, cho dù thời đại nào, nếu một nghệ sĩ là người Việt Nam, biết yêu thương, cảm xúc, rung động, suy nghĩ cái suy nghĩ; giận cái giận; thương cái thương của người Việt Nam và luôn trăn trở tư duy “hồn dân tộc” thì ắt hẳn trong tác phẩm không chỉ sáng tạo thiết kế những hình thức đơn thuần về cảm xúc đơn thuần của cá nhân – Mà chính là yếu tố giữa cá nhân và cái hồn dân tộc tạo nên những sự độc đáo riêng biệt trong mỗi tác phẩm.
Sự đa dạng, của các tác phẩm thiêt kế sơn mài được thể hiện trên các hoa văn trang trí đa dạng đó là quá trình sáng tác có sự tham gia hiệu ứng khá lớn của chất liệu được tạo nên bởi các nguyên liệu cùng các kỹ thuật chế tác để tạo nên vẻ của sản phẩm thiết kế. Chính điều này, đánh dấu tính đa đạng mang tính truyền thống trong quá trình sáng tác của các nhà thiết kế.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia chỉ có thể xây dựng nguồn nội lực đủ mạnh trên cơ sở một nền tảng tinh thần thật vững chắc, đó là bản sắc văn hóa dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng văn hóa. Trong sáng tác thiết kế tác phẩm MTƯD nói chung ngoài băn khoăn về nội dung tư tưởng, khả năng hình tượng hóa và tính chất công năng của sản phẩm thì nhà thiết kế có được sự tự do gần như tuyệt đối. Nên các tác phẩm luôn mang tính đa dạng, độc lập nhất định, để là sự lựa chọn phong phú cho đối tượng người sử dụng trong xã hội. Điều này càng khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của di sản văn hóa trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Chất liệu tự nhiên, Tính dân tộc hoàn toàn không phải chỉ ở hình thức, mà nó còn là trừu tượng, là cái có thể “cảm thấy” được cảm nhận qua “chất” của tác phẩm tạo thành. Yếu tố truyền thống ấy được thể hiện qua việc biết khai thác chất liệu, kỹ thuật dân tộc truyền thống với yếu tố trang trí hiện đại để tạo nên sự hài hòa trong thiết kế.
Phải thực sự nói rằng, nghệ thuật của lĩnh vực MTƯD rất dễ làm bật dậy cái riêng, cá tính của nghệ sĩ. Từ đó có thể hàm chứa được tính dân tộc rõ nét hơn trong nghệ thuật trang trí và thiết kế. Vốn là hình thái nghệ thuật thị giác luôn luôn gắn liền với nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật thủ công mỹ nghệ (Handicraft) của một quốc gia, vùng, khu vực, dân tộc, sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo cụ thể của từng địa phương, nên việc sử dụng ngôn ngữ, chất liệu cùng với thị hiếu, văn hóa bản địa của dân tộc mình, đồng thời sử dụng những tài năng, vốn sống, kinh nghiệm cha truyền con nối để sáng tác làm đẹp cho xã hội, qua đó làm sống dậy cái hồn riêng của cha ông mình. Chính điều này đã làm cho nghệ thuật MTƯD vừa mang hình thức độc đáo riêng và vẫn ẩn tàng tính dân tộc sâu sắc. Sẽ là rất thuận tiện để phát huy, cái hồn truyền thống độc đáo này trong những tác phẩm nghệ thuật MTƯD khi thích dùng ngôn ngữ, chất liệu truyền thống bản địa để chuyển tải những đề tài, ý tưởng, cùng với sự sử dụng các kỹ thuật thể hiện hiện đại.
Bản thân sản phẩm sơn mài là sản phẩm được dùng từ nhựa cây sơn ta, qua rất nhiều qui trình sản phẩm từ hom, bó… tới đánh bóng sản phẩm, qua bàn tay con người sản phẩm sơn mài được thể hiện qua nước sơn sâu trong bóng của màu đen, cánh dán sâu thẳm; màu son tươi, son nhất, son nhì đ ỏ tươi nhưng vẫn trầm và rực; lộng lẫy của vàng, bạc; óng ánh của vỏ trai; trẳng không gì sánh của vỏ trứng… từ những vật liệu giá trị rất cao của vàng, bạc tới những mảnh vỏ trai, trứng… tạo nên một tổng thể chất liệu hòa quyện cùng nhau, mang đặc trưng của chất liệu sơn mài truyền thống.
Yếu tố thủ công, từ góc độ văn hóa, lịch sử của các ngành nghề có yếu tố truyền thống, mỗi sáng tác là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo và những cải tiến kỹ thuật mới hiện đại để có được sáng tạo nghệ thuật. Nhiều tác phẩm truyền thống có tính nghệ thuật cao, trong đó chứa đựng những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, đồng thời thể hiện những sắc thái riêng, đặc tính riêng của mỗi ngành nghề.
Sáng tạo mỹ thuật ứng dụng ra các tác phẩm mang trong đó đều đậm tính thủ công mỹ nghệ là một tác phẩm nghệ thuật, vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị thẩm mỹ. Nhiều loại sản phẩm vừa là phục vụ tiêu dùng, vừa là vật trang trí trong nhà, đền chùa tâm linh, nơi công sở… các tác phẩm đều là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Khác với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt bằng máy móc, hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao ở phương diện nghệ thuật sáng tạo thì chỉ được sản xuất bằng công nghệ mang tính thủ công, chủ yếu dựa vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Trong nền kinh tế thị trường, nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, của thượng đế là cao nhất chứ không phải tính dân tộc của bản thân nhà thiết kế. Phương châm của các doanh nghiệp là “Bán những cái mà khách hàng đang cần chứ không phải bán những cái mình có” và những nhà thiết kế là người giúp cho các doanh nghiệp tạo ra cái mà khách hàng cần mang chất lượng toàn diện. Do vậy việc giữ gìn, bảo vệ, phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc phong phú độc đáo thì trước tiên phải làm sống dậy các loại hình này, đồng thời tìm cách nâng cao thêm ý thức thẩm mỹ của người dân về các loại hình nghệ thuật truyền thống của tất cả dân tộc, sắc tộc. Mà trong đó yếu tố thủ công trong mỗi tác phẩm thiết kế là một trong những điều cần phát huy và gìn giữ để sản phẩm mang tính thân thiện và mang cốt cách truyền thống.
Yếu tố thủ công trong sản phẩm sơn mài được thể hiện qua các kỹ thuật tạo nên một sản phẩm, từ những đồ thờ cúng, những sản phẩm tâm linh tới sản phẩm hiện đại ngày nay đều bộc lộ bàn tay khéo léo được kết hợp sự sáng tạo của người thợ thủ công qua từng nước sơn, sự tô điểm, nét vẽ trên mỗi sản phẩm để tạo nên cái hồn của sản phẩm. Bởi vậy, chất liệu sơn ta trên sản phẩm không chỉ là tăng thêm tuổi thọ, bảo vệ tác động môi trường thì rất quan trọng chất liệu làm đẹp hơn cho sản phẩm sơn mài.
Thiết kế mang tính công nghiệp hiện nay là một tất yếu của quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Vì sáng tác sản phẩm sơn mài luôn mang vấn đề đưa giá trị thẩm mỹ phục vụ cuộc sống, không chỉ là những sáng tác đơn thuần mang yếu tố sáng tác, mà luôn mang bản chất của tính công năng trong mỗi tác phẩm.
Tính công nghiệp của các sản phẩm thiết kế, các thiết kế sản phẩm sơn mài thực sự luôn đánh dấu các dấu ấn cá nhân trên mỗi sản phẩm thiết kế. Song, xu thế toàn cầu hóa là quá trình tất yếu không thể chối bỏ, mà ngược lại, chúng ta phải chủ động hội nhập để tranh thủ tận dụng những cơ hội mà nó đưa lại nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Công nghiệp hóa trong quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm sơn mài là một sự tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những kỹ thuật truyền thống một mặt cần đáng trân trọng gìn giữ, nhưng bên cạnh đó các khâu kỹ thuật cũng cần có sự trợ giúp của các thiết bị hiện đại để giảm sức lao động, tăng năng suất lao động và tạo giá thành hạ. Đồng thời cần áp dụng các phương tiện máy vào các công đoạn tạo khuôn cốt, cũng như sử dụng các thành quả khoa học kỹ thuật như việc sử dụng kết hợp các chất liệu để tạo sự phong phú hơn cho sản phẩm, hay thay đổi chất liệu của cốt sản phẩm bằng compozit, giấy bồi… vừa tạo những sản phẩm có hình thức mẫu mã có thẩm mỹ mới, tạo sản phẩm hàng loạt đồng bộ… Vấn đề này cần có sự tư duy mới của các nhà thiết kế có cái nhìn bao quát về vấn đề nghề truyền thống và đổi mới kỹ thuật nhằm đưa các sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn, đa dạng về hình thức hơn.
Yếu tố truyền thống phù hợp với không gian và quan niệm sống đương đại, xét về ngữ nghĩa thì trang trí chính là làm đẹp cho một đối tượng, một môi trường không gian cụ thể nào đó bằng cách bố trí, các yếu tố hình thức như hình thể, mảng khối, đường nét, màu sắc, chất liệu… Cái Đẹp trong nghệ thuật thiết kế sản phẩm sơn mài chính là hiệu quả của sự thích nghi thật sự giữa bản thân những ngôn ngữ thị giác bên trong tác phẩm và đồng thời phải thích nghi với hình thức xung quanh, bên ngoài tác phẩm chứ không phải thích nghi chung chung.
Bởi lẽ, khi nói đến thiết kế thì chúng ta bắt buộc phải đặt câu hỏi: Thiết kế công năng hay thiết kế trang trí làm đẹp ? Để khi thiết kế các tác phẩm xã hội thỏa mãn 2 yếu tố công năng và thẩm mỹ luôn đan xen vào nhau, không tách rời. Mà để thể hiện được tính công năng thì nhà thiết kế phải hiểu rõ, chính xác những tiêu chuẩn quy phạm thông số kỹ thuật, chức năng và đối tượng đối với từng sản phẩm.
Chính vì thế mà khi bắt tay vào sáng tác thiết kế các sản phẩm sơn mài thì nhà thiết kế bắt buộc phải đặt ra trong đầu mình một loạt các câu hỏi: Tác phẩm này sẽ sử dụng ở nơi đâu ? đặc điểm môi trường của không gian nào ? người sử dụng là ai ? họ yêu cầu điều gì?… Nghĩa nhà thiết kế phải nắm bắt cho được một số tiền đề để bắt đầu lên ý tưởng sáng tạo nhằm tạo ra những tác phẩm đẹp, vừa phối hợp, thích nghi thật tốt với môi trường không gian, con người sử dụng cụ thể…
Như vậy xét về mặt tâm lý sáng tác, nhà thiết kế MTƯD không có được sự tự do gần như tuyệt đối của nghệ sĩ tạo hình. Chính vì phải tôn trọng và phối hợp với “những yếu tố tiền đề trước đó” cho nên nhà thiết kế sản phẩm sơn mài không có quyền áp đặt cái chủ quan của mình, được bộc lộ cái riêng, cá tính, cái nghệ sĩ của mình trên cơ sở phong cách sáng tác qua những mảng màu, hình khối, đường nét… Đó cũng chính là những yếu tố bắt buộc trong thiết kế và làm đẹp của sáng tạo sản phẩm sơn mài. Do vậy khi một thiết kế tốt thường có câu: “Thiết kế giỏi thì kinh doanh phát đạt” (Good design, good businesse).
Sản phẩm có giá trị kinh tế, kinh doanh, xuất phát từ quan điểm phát triển bền vững, chúng ta thấy rõ, những yếu tố cần quan tâm là: tốc độ tăng trưởng kinh tế mà theo đó là mức độ cải thiện điều kiện sống, tiếp theo là yếu tố văn hóa mà nhân lõi là bản sắc văn hóa dân tộc và cuối cùng là yếu tố môi trường sinh thái – nhân văn.
Hiện nay, kinh tế thị trường mở rộng, yếu tố “thương mại hóa” là tất yếu cho mọi sản phẩm mà xã hội sản xuất và chế tạo ra, đồng thời còn phải lo là làm sao để kinh doanh thương mại cho có hiệu quả. Vì vậy, thương mại không những đã trở thành một lĩnh vực khoa học của nhân loại mà nó còn là một nghệ thuật tổng hợp độc đáo, là môn học thời đại của loài người. Trong vấn đề thương mại mỗi tác phẩm sơn mài khi có giá trị về vấn đề xuất khẩu, mẫu mã thiết kế được người sử dụng chuộng thì vấn đề giá trị kinh doanh đẩy cao không chỉ là sự thúc đẩy cho người thiết kế, góp phần tạo ra những giá trị kinh tế cho xã hội và nhất là những thiết kế mang yếu tố bản địa, thủ công hấp dẫn các thị trường nước ngoài. Chính vì vậy trên thị trường sản phẩm sơn mài không chỉ là tranh sơn mài mà các đồ ứng dụng như bàn ghế, đèn các loại, giá sách, các sản phẩm trưng bày… đã có nhiều mẫu mã để đáp ứng các nhu cầu của các cá nhân và phù hợp cuộc sống hiện đại. Một số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã bắt nhịp thời đại, nắm bắt được xu hướng thế giới, hướng thị trường Việt Nam trong các sản phẩm không bị truyền thống một cách “cổ điển”, phù hợp lối sống, phong cách sống hiện đại, mạnh dạn trong các thiết kế mang được những cảm giác tư duy mới lạ, hấp dẫn, thỏa mãn thị trường trong và ngoài nước.
Yếu tố quảng bá văn hóa Việt Nam, nghệ thuật thiết kế là lĩnh vực luôn đi cùng cuộc sống, ứng dụng những kết quả sáng tạo trong cuộc sống, nghệ thuật thiết kế đã và đang thực hiện nghệ thuật hóa thương mại theo ý nghĩa toàn diện của nghệ thuật thiết kế… Lúc đó thương mại cũng là một nghệ thuật và những người làm thương mại trong tất cả mọi lĩnh vực đều được đào tạo thành những chuyên gia, những nghệ sĩ thiết kế là những chuyên gia quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa Việt Nam qua mỗi tác phẩm nghệ thuật. Lúc đó, trong mỗi tác phẩm thiết kế của họa sĩ sẽ mặc nhiên ẩn tàng, chứa đựng cái hồn Việt
Kết luận
Sản phẩm sơn mài truyền thống, với những giá trị riêng biệt góp phần vào kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam, với những vẻ đẹp của chất liệu, sự sáng tạo từ các ản phẩm của cha ông để lại đến sản phẩm hiện đại ngày nay, cho thấy sự trường tồn của nghệ thuật sơn mài với những nước sơn bóng, lộng lẫy, óng ả của vàng son, độc đáo của vỏ trai, vỏ trứng, trong sâu của các lớp màu vẽ và được mài ra ẩn hiện… ở đó chứa đựng dưới lớp sơn cánh dán những gì vang lên âm thanh của ngàn xưa và của cả âm vang thời đại hòa cùng bắt nhịp vào cuộc sống đương đại hôm nay. Tất cả cho thấy một nghệ thuật truyền thống rất kỳ công và đầy sáng tạo qua mỗi bước kỹ thuật. Tạo nên một nét đẹp đẹp truyền thống với những biểu cảm riêng của chất sơn, của ngôn ngữ thiết kế, của giá trị phục vụ cuộc sống và giá trị văn hóa dân tộc, sản phẩm sơn mài với nhưunxg thiết kế đáp ứng được giá trị truyền thống kết hợp với thời đại, ngày càng phát huy hơn thế mạnh không bị lạc lõng giưa nhu cầu cuộc sống đương đại.
Trong xu thế tất yếu của toàn cầu hóa và trong bước chuyển mình lớn lao của thời đại mới, với mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã từng bước vươn ra thế giới, đưa nhiều mặt hàng chất lượng cao của đất nước mình đến với người tiêu dùng quốc tế. Trong xu hướng đó các tác phẩm Nghệ thuật mang tính MTƯD nói chung, trong đó có các mặt hàng sản phẩm sơn mài nói riêng là những sản phẩm góp phần cùng định hướng chung, với những giá trị thẩm mỹ, công năng và mang tính nghệ thuật, chứa đựng những nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt Nam mang đến nhiều tiềm năng và uy tín trên toàn thế giới.
Nhìn ra thị trường thế giới, nhìn lại thị trường sản phẩm sơn mài Việt Nam, với dòng chảy truyền thống luôn chảy liên tục và tiềm tàng được thể hiện qua mỗi tác phẩm là những gì đáng chân trọng và quí báu cần phát huy trong mỗi thiết kế được sâu hơn và đảm bảo yếu tố truyền thống hòa nhập với cuộc sống nghệ thuật đương đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Duy (2002), Cảm luận nghệ thuật, Nxb Mỹ thuật.
2. Phạm Đức Cường (2002), Kỹ thuật sơn mài, Nxb Văn hóa – Thông tin.
3. Các làng nghề sơn mài nổi danh, nguồn: , [cập nhật: 12/08/2020]
4. Hội Mỹ thuật Việt Nam (2003), Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam đương đại, Nxb Mỹ thuật.
5. Lê Huyên (1995), Nghề sơn ta cổ truyền Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
6. Viện Mỹ thuật (2002), Kỷ yếu Hội thảo sơn ta và nghề sơn truyền thống Việt Nam, Nxb Mỹ thuật.
Ghi chú: Hình ảnh: Quý độc giả vui lòng xem tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Giáo dục Nghệ thuật, số 39, năm 2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Những giá trị tiêu biểu trong sản phẩm sơn mài Việt Nam đương đại (Tác giả: Đặng Mai Anh) |