Người Mường ở Thanh Hóa và mối quan hệ Việt – Mường
Tác giả bài viết: Tiến sĩ MAI THỊ HỒNG HẢI
(Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa)
Người Mường ở Việt Nam cư trú trên một địa bàn khá rộng: Thanh Hóa, Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Hà Tây, Nghĩa Lộ với chiều dài ước chừng 350 km từ Tây Bắc Yên Bái đến Tây Bắc Nghệ An, chiều rộng gần 100 km. Hiện nay, người Mường đã đến sinh sống ở các tỉnh phía Nam như Đắc Lắc, Đồng Nai. Người Mường ở đâu thì văn hóa Mường tỏa ra đến đấy. Tuy vậy, vùng người Mường tụ cư sinh sống tập trung là một không gian văn hoá thống nhất, suốt từ miền Tây Thanh Hóa đến Lào Cai, ở tỉnh nào, địa vực tồn tại của người Mường cũng ở phía Tây so với người Kinh.
Miền núi hay miền Tây Thanh Hóa hiện nay là phần địa dư của mười một huyện: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân. Nơi đây là địa bàn sinh tụ của các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Thổ, HMông, Dao, Khơ mú, trong đó dân tộc Mường có số lượng dân cư đông nhất và tập trung với mật độ lớn tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thạch Thành. Ngoài ra họ cũng cư trú rải rác xen kẽ với người Kinh, người Thái ở các huyện Lang Chánh, Quan Hóa, Thường Xuân, Như Thanh, Như Xuân và ở những xã thuộc các vùng thấp của các huyện: Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hà Trung, Triệu Sơn, Yên Định.
Do những đặc điểm về vị trí địa lý, lịch sử cư dân mà vùng núi xứ Thanh có thể nói là một điểm giao thoa trong nội bộ tộc người người Mường, giữa các nhóm Mường trong và ngoài tỉnh và sự giao thoa Việt – Mường. Qua việc khảo sát, chúng tôi xin nêu một số điểm góp phần làm sáng tỏ những giá trị của văn hóa Mường ở xứ Thanh – một vùng văn hóa giàu sắc thái văn hóa vùng biên – và những dấu ấn của mối quan hệ Việt – Mường.
Về vị trí địa lý, vùng miền núi xứ Thanh có vị trí địa lý độc đáo, phía tây là nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào mà ranh giới tự nhiên phần lớn chạy qua những đỉnh núi cao trên 1000 m, phía bắc là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, phía nam là tỉnh Nghệ An, phía đông là vùng đồng bằng và duyên hải Thanh Hóa. Diện tích tự nhiên của vùng là 8079 km2, chiếm 72 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Cảnh quan trong vùng có nhiều núi cao trùng điệp bị chia cắt bởi những nếp đứt gãy kiến tạo địa chất, tạo thành những thung lũng và sông suối cùng chung hướng Tây bắc – Đông nam. Đặc điểm địa hình rất đa dạng: có dạng đồi núi thấp được phân bố trên một diện tích khá rộng thuộc các huyện Thường Xuân, Lang Chánh; dạng địa hình đồi thấp xen bán bình nguyên cổ và thung lũng rộng tại các xã Minh Sơn, Ngọc Sơn, Ngọc Liên, Quang Trung, Thành Lập, Ngọc Trung, Cao Thịnh (huyện Ngọc Lặc) và Cẩm Châu, Cẩm Vân, Cẩm Tân (huyện Cẩm Thủy); dạng thung lũng như thung lũng sông Âm tại Phùng Giáo (Ngọc Lặc), thung lũng sông Mã rộng lớn tại Bá Thước- Cẩm Thủy, thung lũng sông Luồng, thung lũng Nậm Kiệt…
Nhận xét khái quát về cảnh quan, môi trường tự nhiên vùng miền núi xứ Thanh, sách Địa lý hành chính tỉnh Thanh Hóa viết: “Nếu xét dưới góc độ sinh thái thì đây cũng là khu vực của vùng rừng nhiệt đới và hệ sinh thái phức tạp. Vì vậy thảm thực vật quần động vật ở khu vực này rất phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống định cư với sự xuất hiện sớm của nghề nông. Người ta gặp ở đây các thung lũng màu mỡ của vùng Mường Khoòng, Mường Ống (Bá Thước), Mường Đanh (Lang Chánh). Các cánh đồng, các thung lũng trồng lúa cũng là nơi cư dân đông đúc, nơi hình thành nên các Mường lớn với các dòng họ nối đời làm Lang đạo. Các nguồn tài liệu khảo cổ học chứng tỏ rằng khu vực này có con người cư trú từ rất lâu đời. Công cuộc khai quật các di chỉ khảo cổ học đồ đá cũ ở hang Làng Cháng huyện Bá Thước cho thấy con người có mặt ở vùng này đã hàng vạn năm” [6, 37].
Đây cùng là vùng đất có nhiều khoáng sản quý như câu ca của cha ông để lại:
Một cây dầm nhà có ba nén bạc
Một gáo rạc (nước) có ba nén vàng” [3, 75]
Thuở xa xưa, vùng núi này là nơi sinh tụ của người Mường, sau đó là người Thái, Thổ, Khơ Mú, Dao và sau này, khoảng chừng mấy thế kỷ gần đây là người HMông, người Việt (Kinh). Nhiều dữ liệu đều cho chúng ta thấy, có một bộ phận người Mường đã có mặt từ rất sớm ở vùng núi xứ Thanh.
Theo sự khảo sát, nghiên cứu của Robequain: ở Thanh Hóa vùng người Mường thường là các cư dân có mặt đã lâu đời. Các chòm lúng ở đây tuy có người Mường trong nội tỉnh, hoặc ở Ninh Bình di cư vào mà ở xen kẽ với nhau hoặc có nơi là người kinh từ đồng bằng Thanh Hóa chuyển lên lâu đời rồi hóa thành người Mường. Nhưng xét kỹ thì ở các thung lũng rộng và màu mỡ như Sa Lung, Thiết Ống, Hồ Điền, Cổ Lũng, vùng có núi thấp (Ngọc Lặc, Cẩm Thủy) thì người Mường đã ở đây từ rất xưa [9, 52 ].
Robequain cũng nhận thấy: “Những làng Mường ở đây thường có hàng rào tre đan bao quanh nhà và vườn có trồng rau, mít, đu đủ, chuối… Giữa các nhà ở cách xa nhau, nhiều đường nhỏ chạy ngang dọc thường thẳng góc với nhau. Quanh làng, trên các sườn đồi thoai thoải, một bãi cỏ ngắn và có nhiều cau đã thay thế cho rừng bị khai phá từ lâu. Đó là quang cảnh của hầu hết các chòm Mường ở Ngọc Lặc, phía Tây Cẩm Thuỷ và Đông Quan Hoá. Từ đó toát lên cảm giác của một cuộc sống đã xưa, thâm nhập từ từ và có suy nghĩ, tính toán của một sự ổn định” [9, 66].
Sách Địa lý hành chính tỉnh Thanh Hóa cũng ghi: Huyện Bá Thước được thành lập từ năm 1925 (Khải Định thứ 3), xưa kia đây là rừng núi đại ngàn, chỉ có người Mường sinh sống. Mường Ống, Mường Ai được coi là mường gốc.
Mường Ống, Mường Ai xưa kia hầu hết là địa bàn huyện Bá Thước ngày nay. Từ “ống” trong lớp từ Mường cổ có nghĩa là lớn. Sông Mã từ đầu nguồn về đến Hồi Xuân (Quan Hóa) đều chảy qua các thung lũng hẹp, có nơi bị ép giữa hai triền núi đá (“Sông Mã còn bằng chiếc đũa” Dân ca Thái), nhưng về đến địa phận Bá Thước, từ phía Đông ngọn Mủng Mường và phía Nam ngọn Pu Luông thì các triền núi tách xa nhau, càng về phía Nam càng thấp dần và thoáng, nên hai bên triền sông mở ra nhiều thung lũng rộng đẹp. Mường Ống, Mường Ai là những địa danh có từ trong sử thi, truyền thuyết của người Mường. Các bản sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường ở Thanh Hoá, Hoà Bình, Nghĩa Lộ xuất hiện nhiều tên đất, tên mường khác nhau, nhưng đều thống nhất ở sự kiện: Chặt cây chu tá lá đồng, bông thau quả thiếc tại đồi Lai Ly – Lai Láng thuộc vùng Mường Ống. Ngày nay, dấu ấn của cuộc kéo cây chu đồng vẫn còn lưu lại, đó là Vực Cha (ở bên bờ sông Mã, bên làng Cha) và Vận Chiếng hoặc vực Chiếng cũng thuộc đất Mường Ống – theo truyền thuyết là nơi cây chu đồng sau khi bị chặt đổ, từ trên đồi cao lao mạnh xuống (tạo nên vực sâu):
Mường vừa nâng dậy
Cây chu đã chạy
Mường vừa ngoái lại
Cây chu đã lao
Cây chu mắc phải gốc cây găng
Cây chu lăn quăng xuống ang Vận Chiếng
Chìm nghìm, mất tăm …
Cả Mường phải mò lặn cây chu “từ lúc mờ sáng đến lúc trăng mờ”, đoàn quân của Lang Cun Khương mất ăn mất ngủ, mãi về sau mới “buộc được dây mũi, nối được dây đầu” cho cả đoàn người cùng hợp sức kéo mới đưa được cây chu lên bờ, để rồi kéo chu đến đất Đồng Kỳ Tam Quan kẻ chợ.
Khảo sát về nguồn gốc người Mường ở Thanh Hóa, Robequain viết: “Trong nhóm người Mường ở Thanh Hoá, có một bộ phận tự cho là cư dân bản địa, tuy vậy cũng phân biệt được trong nhóm người Mường ở Thanh Hoá một vài yếu tố Bắc kỳ vào nhất là từ Thạch Bi hay phổ biến hơn là Lạc Thổ. Cũng theo tác giả thì hình như người Mường Bắc kỳ di cư vào tỉnh này bắt đầu từ một thời kỳ khá xa. Nhà thổ ty phủ Môn (huyện Cẩm Thuỷ – tổng Cư Lữ) thuộc họ Trương cho rằng tổ tiên họ đã bị một trận lụt ghê gớm đuổi từ phủ Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) chạy vào đây từ lâu lắm, ít ra cũng từ hai thế kỷ rồi… Tuy nhiên không có gì cho phép ta khẳng định rằng tất cả người Mường Bắc Thanh Hoá đều gốc ở Bắc kỳ, như đôi khi đã có người nghĩ như vậy. Trường hợp các thổ ty ở phủ môn hình như là cá biệt… Người Mường Bắc Thanh Hoá hiện là một khối có nền tảng lâu đời so với các cư dân ở miền núi trong tỉnh” [9,16-17]
Còn trong quan niệm của người Mường ở Thanh Hóa, bộ phận người Mường có mặt từ lâu đời ở vùng núi xứ Thanh gọi là “người Mường Trong”, bộ phận người Mường từ các tỉnh khác di cư vào gọi là “người Mường Ngoài “.
Về vấn đề này, tác giả Vương Anh nêu cụ thể rằng: “Người Mường Thanh Hoá tự gọi, hoặc vốn coi mình là Monhar (người Mường Trong) và chỉ người Mường các nơi như Hoà Bình, Nghĩa Lộ, Vĩnh Phú… là Mọnhọ (tức là người Mường Ngoài). Trong và ngoài ở đây là nhằm chỉ hướng Nam và Bắc.
Người Mường xứ Thanh được cấu thành ít nhất từ ba dòng chính: gốc người Mường từ tỉnh Hoà Bình di dân vào… tràn vào đất Thanh Hoá hầu hết gồm các tộc hệ ở đất Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động là các Mường lớn của “bà con Hoà Bình”. Tất nhiên chủ yếu vẫn là dân vùng Mường Bi, được gọi là MọiBi hoặc MonBi. Bộ phận thứ hai là quá trình vận động của người Việt hoá, hoặc Thái hoá. Bộ phận đáng chú ý nhất và cũng là cái lõi của vùng Mường xứ Thanh là tộc Mường bản địa, tính bản địa của một bộ phận đáng kể này không pha tạp, không lẫn lộn vào hai dòng trên từ tiếng nói, trang phục của bộ nữ phục” [1, 208 – 209].
Lý giải rõ hơn về tên gọi MolBi, tác giả Nguyễn Dương Bình đã viết: “Trước đây MolBi là tên tự gọi của những người có quê hương ở vùng Mường Bi: MolBi hoặc MolBiMường Bi. Về thực chất tộc danh MolBi không có ý nghĩa khinh rẻ dân tộc. Từ “Mọi” ở đây chỉ người Mường theo cách gọi của người Thái, còn “Bi” nhằm chỉ địa phương xuất phát của nhóm người Mường đó. Lâu dần MọiBi trở thành tên gọi chính thức của một nhóm Mường địa phương rồi được coi như tên gọi một dân tộc” [2].
Theo tài liệu điều tra năm 1968, dân số MọiBi ở miền Tây Thanh Hoá có 9.282 nhân khẩu. Người MọiBi cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện: Quan Hoá (7.177 người), Bá Thước (1.536 người), Lang Chánh (569 người).
Tác giả còn cho biết thêm: Theo một số cụ già người Molbi, một vài đồng chí ở Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hoá và huyện Quan Hoá thì người MolBi từ Mường Bi vào miền Tây thực mới diễn ra trong khoảng trên dưới 8 đời.[2].
Theo sự khảo sát của chúng tôi, hiện nay ở huyện Lang Chánh có làng Bí Nghịu, xã Giao Thiện (trước đây thuộc mường Giao Lão) bao gồm hầu hết là người Mường ở vùng Mường Bi di cư vào. Họ vẫn còn lưu giữ được những nét riêng về phong tục, tập quán, tiếng nói, mặc dù đã trải qua nhiều đời trong sự ảnh hưởng giao lưu với người Mường và kể cả người Thái nơi đây.
Về nguyên nhân người MolBi có mặt sinh sống ở vùng miền núi Thanh Hoá, tác giả Nguyễn Dương Bình cho biết: một bộ phận người Mường ở Mường Bi bị lang đạo áp bức bóc lột quá nặng nề nên đã dời bỏ quê hương đến nơi khác làm ăn sinh sống. Người MolBi còn lưu truyền lại một số câu chuyện xung quanh việc rời bỏ quê hương của mình. Đồng bào MolBi ở làng Giả (hoặc Giá) thuộc xã Phú Xuân huyện Quan Hoá còn nhớ, khi xưa, hồi còn sống ở vùng Mường Bi, nhà lang đưa trâu bò chia về cho các gia đình trong Mường phải chăn dắt cho nó. Ngày lại ngày trôi đi, trâu bò sinh đẻ ngày một nhiều, trâu mẹ đẻ trâu con. Làng cũng không biết đàn trâu bò đã sinh sôi nảy nở được bao nhiêu. Khi dân có việc, đem trâu bò trong số mới sinh sôi ra làm thịt, bọn lang đạo hay biết được truyện đó, chúng phạt vạ rất nặng. Vì không lo nổi việc phạt vạ, sợ bị chúng trừng phạt, nên nhiều gia đình đã phải trốn đi. Khi sang được vùng đất mới, dân làng phải làm những cái mả giả để thời cúng (vì đất thờ cúng cũ còn ở Mường Bi). Từ đó họ đặt tên nơi mới đến là làng Giả. Giả (hoặc Giá) là tên một làng của người Mọi Bi ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hoá.
Một nguyên nhân khác cũng được tác giả nhắc đến là sự tranh giành quyền lực giữa bọn lang đạo nắm quyền thống trong Mường… Trong những cuộc tranh chấp như vậy thường chúng buộc một số dân phải theo chúng. Để tránh cuộc xô xát đó, một số người phải trốn tránh đi nơi khác.
Cũng có một nguyên nhân nữa là: Xưa kia lang đạo Mường Bi đem con gái gả cho một đạo Mường vùng Quan Hoá… Nhà lang bắt một số người đi theo hầu hạ phục dịch và họ phải ở lại đó sinh sống.[2]
Kết quả khảo sát, nghiên cứu của tác giả Lâm Bá Nam đã cho biết: “Theo một số cụ già MolBi thì anh em của họ ở Mường Bi không chỉ chạy vào Thanh Hoá mà còn chạy đi khắp nơi như Yên Bái, Nghĩa Lộ, Phú Thọ… Người MolBi ở Quan Hoá hầu hết là các nông nô của lang đạo Mường Bi ngày trước, vào khoảng thế kỷ XVIII… do mất mùa đói kém, tô cao thuế nặng, dân ở đây hầu hết là họ Bùi và một số họ Đinh đã nổi dậy chống lại rồi bỏ chạy lên Châu Mộc (Sơn La) Chúa đất địa phương truy nã, họ phải bỏ Châu Mộc chạy sang vùng Sầm Nưa (Thượng Lào), cuối cùng đoàn người theo dòng sông Mã về Quan Hoá cho tới ngày nay… Và ngoài bộ phận người MolBi trên đây, các nhóm người Mường khác ở Thanh Hoá, một bộ phận lớn khá đông cũng có nguồn gốc từ Hoà Bình di cư vào trong nhiều thời điểm khác nhau với nhiều nguyên nhân lịch sử.
Dòng họ Trương Công, Trương Văn, một dòng họ có thế lực ở Bá Thước – một trung tâm Mường ở miền núi Thanh Hoá còn đền thờ ông tổ của dòng họ ở làng Ẩm xã Lương Nội. Theo truyền thuyết, ông tổ này quê ở Hoà Bình, được Minh Mạng cử đi chỉ huy dân binh đánh giặc và được cử lên trấn ải miền Tam Trung, Quang Chiểu (huyện Quan Hoá). Sau khi thắng trận đoàn quân kéo về Bá Thước rồi định cư ở đó… Cư dân họ Trương ở các nơi khác trên các vùng Mường ở Thanh Hoá đều là di duệ của dòng họ Trương Công, Trương Văn này…” [8]
Nghiên cứu về “đặc điểm phân bố các tộc người ở miền núi Thanh Hoá”, tác giả Lê Sỹ Giáo cũng có ý kiến về vấn đề này: “bộ phận đáng kể người Mường ở Thanh Hoá là di cư từ Hoà Bình vào, còn một số khác là những bộ phận người Việt , người Thái bị Mường hoá. Dĩ nhiên là chúng ta không thể phủ nhận tỉnh bản địa của một bộ phận người Mường như “Kỷ yếu Đẻ đất đẻ nước” của Thanh Hoá đã chủ trương…” [7].
Như vậy, người Mường ở Thanh Hoá là sự hội tụ của ba nguồn chính: Nguồn thứ nhất là bộ phận người Mường bản địa, nguồn thứ hai là do quá trình Việt hoá hay Thái hoá trở thành người Mường, nguồn thứ ba là những người Mường di cư từ tỉnh ngoài vào đặc biệt ở Hoà Bình mà nhiều nhất, rõ rệt nhất là ở vùng Mường Bi.
Dân số người Mường ở Thanh Hoá qua các thời kỳ như sau:
Theo tài liệu thống kê trong cuốn “Người Mường – địa lý – xã hội” của Cuisiner : Người Mường ở Thanh Hoá trước năm 1945 là 50.000 người.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì năm 1960 có 113.000 người, năm 1996 là 30 vạn người.
Tính đến ngày 1/4/1999: Tổng số người Mường ở Thanh Hoá là: 322.869 người.
Theo thống kê của Ban Dân tộc và miền núi Thanh Hoá (năm 1999), dân số Mường phân bổ ở các huyện miền núi như sau[ 3].
Huyện Mường Lát: 231 khẩu = 0,83%
Huyện Quan Hoá: 9.242 khẩu = 22,3%
Huyện Quan Sơn: 625 khẩu = 1,97%
Huyện Bá Thước: 46.638 khẩu = 47%
Huyện Lang Chánh: 15.820 khẩu = 37,43%
Huyện Ngọc Lặc: 55.581 khẩu = 44%
Huyện Thường Xuân:1.390 khẩu = 1,6%
Huyện Cẩm Thuỷ: 52.550 khẩu = 56,8%
Huyện Thạch Thành: 68.387 khẩu = 50,4%
Huyện Như Thanh: 17.402 khẩu = 21,9%
Huyện Như Xuân: 3.189 khẩu = 5,75%
Ngoài ra người Mường còn cư trú xen kẽ tại 26 xã thuộc các huyện vùng thấp (Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Tĩnh Gia, Hà Trung, Triệu Sơn, Yên Định và thị xã Bỉm Sơn) với tổng số là 14.817 người.
Về mặt cơ cấu hành chính, đến trước cách mạng Tám 1945, người Mường trên địa bàn miền núi Thanh Hóa tổ chức thành các đơn vị hành chính truyền thống khoảng 40 mường, do một số dòng họ lang nối đời thống trị: Họ Hà 4 mường, họ Phạm Thúc và Phạm Văn 15 mường, họ Lê Xuân 4 mường, họ Trương Công 5 mường, họ Nguyễn Đình 7 mường, họ Quách 2 mường, họ Cao 1 mường. Những mường lớn có uy thế cả về kinh tế và chính trị là Mường Đẹ ở Thạch Thành, Mường Lân Ru ở Như Xuân, Mường Khô ở Bá Thước, Mường Rặc ở Ngọc lặc, Mường Chếnh ở Lang Chánh. [3 ]
Từ những kết quả khảo sát, nghiên cứu trên đây, có thể thấy rằng, lịch sử cư dân cùng với quá trình ảnh hưởng giao lưu văn hóa, đã dẫn đến sự giao thoa trong nội bộ tộc người Mường, giữa các nhóm Mường trong và ngoài tỉnh . Sự giao thoa này, trước hết để lại dấu ấn rõ nét trên phương diện sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian và trang phục của phụ nữ Mường.
Chẳng hạn, Xường của người Mường ở Thanh Hoá phát triển mạnh và có chức năng sinh hoạt xã hội chủ yếu là giao duyên, nên người Mường ở xứ Thanh còn gọi là Xường trai gái. Xường giao duyên của người Mường ở Thanh Hoá đa dạng về phong cách thể hiện (Xường Thiết ống, Xường leo lá, Xường Mường ngoài), trong đó loại có quy trình khá chặt chẽ điển hình về cấu trúc và có thể nói là tiêu biểu cho một mô hình của dân ca giao duyên các dân tộc ở Việt Nam là Xường Thiết Ống. Xường Thiết ống – theo cách gọi của người Mường Thanh Hoá là loại Xường đặc hữu của vùng Mường xứ Thanh – Xường Mường Trong với những nét rất độc đáo: cuộc hát kéo dài, có trình tự được quy định chặt chẽ, tổ chức trên nhà sàn, thường hát vào ban đêm, nữ ngồi gian trong, nam ngồi gian ngoài, hai bên nam nữ không nhìn thấy nhau – nghĩa là cuộc giao duyên chỉ tập trung vào lời ca và giọng hát mặc sức cho đôi bên thả vào đấy bao tâm tình ước mơ. Trong quá trình giao lưu tiếp nhận văn hoá với bộ phận người Mường từ Hoà Bình vào, Xường giao duyên ở Thanh Hoá có thêm những phong cách thể hiện như Xường leo lá, Xường Mường ngoài. Xường leo lá có thể xem như là một dạng biến thể của Xường Thiết Ống, quy trình và cách hát, cách vận ý vận lời có phần tự do hơn. Xường Thiết Ống phổ biến khắp các vùng miền có người Mường cư trú ở Thanh Hóa nhưng phát triển mạnh nhất, đâm cành tỏa bóng xum xuê nhất là ở các vùng Bá Thước, Cẩm Thủy. Xường Mường ngoài phát triển lan rộng ở vùng Thạch Thành – nơi tiếp giáp với Hòa Bình và cũng có nhiều bà con người Mường ở Hòa Bình di cư vào.
Những người Mường ở Hoà Bình di cư vào mang theo Xường (chủ yếu là Xường chúc mừng) và nguồn Bọ mẹng phong phú, kết hợp với Xường giao duyên của người Mường ở Thanh Hoá, đã sáng tạo nên loại Xường Mường ngoài với phong cách thể hiện vừa mang dáng dấp của Xường chúc Hoà Bình vừa đậm sắc thái giao duyên của Xường Thiết ống xứ Thanh.
Ở Hoà Bình, Xường chủ yếu là chúc mừng, ca ngợi, nên có các loại như Xường áng, Xuờng lộc bông, Xường đồn, Xường xắc bùa… Bọ mẹng lại là loại chủ yếu dùng để hát giao duyên nam nữ, có Bọ mẹng xa lạ, Bọ mẹng khác làng. Nói là hát, nhưng thực chất âm điệu, tiết tấu của Bọ mẹng thiên về nói miệng, chạm rãi thủ thỉ như bộc bạch tâm tình. Do vậy, trong cuộc hát Bọ mẹng cũng có các bước theo trình tự quy ước của dân gian, nhưng đôi bên nam nữ ngồi đối diện với nhau.
Bên cạnh sự giao thoa trong nội bộ tộc người Mường và giữa các nhóm Mường thì mối quan hệ giao thoa Việt – Mường cũng diễn ra khá mạnh mẽ và để lại dấu ấn trên nhiều phương diện.
Trong một thời kỳ dài và đặc biệt dưới triều Minh Mạng, việc di dân đến vùng miền núi xứ Thanh liên tiếp diễn ra và có từ nhiều nguồn, hoặc là người Mường ở Hòa Bình, hoặc là người Việt ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình hiện nay, hoặc từ đồng bằng Thanh Hóa nhất là từ Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc… Nhiều làng được thành lập, trong một số huyện chẳng hạn như huyện Thạch Thành, rất khó biết được người Mường và người Việt, ai là người đến trước. Nhiều gia đình tự cho mình là người Việt, nhưng thực ra là người Mường mới Việt hóa gần đây.
Những làng Việt ở những vùng bán sơn địa, nơi tiếp giáp giữa người Mường và người Kinh còn mang dáng dấp của những làng Mường. Những làng cổ xưa người Việt – Mường hay Mường – Việt phần lớn nằm dọc ven các con sông, nhiều nhất sông Mã, rồi đến các sông Hoàng, Cầu Chày, Tống Giang, Hoạt Giang,
Ở các huyện miền núi và tiếp giáp miền núi như: Nông Cống, Như Xuân, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân, Hà Trung …. có những làng cổ ở chung hai ba thành phần dân tộc.
Ví dụ: làng Khổng Quánh (huyện Triệu Sơn) xưa kia có chòm Bừa (Mường), bản Sáo, làng Khổng (người kinh) …
Về mặt lịch sử, mối quan hệ Việt – Mường đã có từ trong cội nguồn. Lịch sử xứ thanh gắn bó mật thiết với lịch sử dân tộc, hầu hết những dấu mốc lịch sử quan trọng ở xứ Thanh đều diễn ra trong không gian văn hóa Việt – Mường.
Ở đầu thế kỷ XV, khi toàn bộ miền Bắc Đại Việt đã bị giặc Minh chiếm đóng thì một người con của dân tộc Mường xứ Thanh là Lê Lợi đã dựng cờ khởi nghĩa, nhiều nghĩa sĩ ban đầu của của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là người Mường rồi sau đó là sự hội tụ của nghĩa sĩ khắp mọi miền. Vùng Lam Sơn là đất Mường-Việt cổ. Vào khoảng thế kỷ X, làng Cham đã có mặt với những ngôi nhà sàn một chái xinh xắn, cùng núi Dầu, núi Mục soi bóng xuống dòng sông Lường nước trong xanh bốn mùa. Làng Cham bắt đầu khai sơn phá thạch từ thời cụ Lê Hối, đến đời Lê Lợi, làng Cham đã thành một cộng đồng Mường-Việt đông đúc, do Lê Lợi đứng đầu. Với chức danh phụ đạo Khả Lam, Lê Lợi được chính quyền phong kiến đời Trần -Hồ giao cho cai quản cả vùng Kẻ Cham – Khả Lam rộng lớn thịnh vượng. Đất Kẻ Cham hay đạo Khả Lam chẳng những là nơi phát tích của vua Lê, mà còn là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nơi khởi nghiệp, cung cấp nhân tài, vật lực cho buổi đàu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn muôn vàn khó khăn
Có một điều đáng chú ý là các nhà sáng lập ra những vương triều lớn của dân tộc (Vương triều Lê, vương triều Nguyễn) đều sinh ra ở vùng đồi núi – trong không gian văn hóa Việt – Mường. Nguyễn Kim, quê ở Gia Miêu Ngoại trang – vùng đất Quý hương, phủ Hà Trung, tổng Thượng Bạn, trước đây cũng nằm trong không gian văn hóa Việt -Mường, Gia Miêu còn được nhắc đến như một miền đất thiêng với những trang thần thoại, truyền thuyết của người Mường và người Việt, đến nay vẫn còn phổ biến trong phong tục thờ cúng tổ tiên, trong hát xường, hát đúm mùa xuân. Nghĩa Đụng – vùng đất thuộc làng Gia Miêu xưa nơi đồng bào Mường sinh sống vẫn rộn rã cồng chiêng trong những ngày hội mùa, hội làng, tục ném còn, hát đúm mùa xuân đã đem lại hương sắc độc đáo cho vùng quê nơi đây.
Về phương diện ngôn ngữ, có nhiều dấu vết Mường qua ngôn ngữ Việt (Kinh)
Sách Địa chí huyện Hà Trung viết: Hà Trung có hai thành phần dân tộc chính là người Kinh và người Mường. Ngoài ngôn ngữ Kinh và Mường còn có ngôn ngữ tiếng Kinh pha Mường
Từ “bái” khá phổ biến trên toàn huyện, nhiều làng đặt tên Bái: Bái Thôn (Hà Lĩnh), Bái Lạt (trước thuộc xã Hà Long, sau cắt về Thạch Thành, Bái Dụ (Hà Tiến), Bái Nại (Hà Ngọc), Bái Sơn, Bái Sậy (Hà Tiến),.. Làng Thạch Lễ (Hà Châu) các cánh đồng toàn tên Bái: Bái Cường, Bái Cống , Bái Mụt, Bái Dưới….. tiếng Mường, “bái” là đồng cỏ tranh, bói cỏ tranh, loại cỏ dùng làm tranh lợp nhà.
Người kinh và người Mường ở Thanh Hoá về mặt địa vực cư trú gần như không chia ranh giới vì thế tiếng Thanh Hoá ngoại trừ ngôn ngữ riêng của thành phần dân tộc, không ít tiếng Mường trong tiếng Kinh, điều này thấy rõ ở các huyện thuần tuý người kinh: Nông Cống, Đông Sơn, Thiệu Hoá … Họ sử dụng vần oóc, oon, oong, âm r thay âm d, âm d thành âm đ, âm g thành c, k …
Ví dụ: So sánh hai huyện cách một dòng sông
Roọc Đồng Pho chùa Phúc Ấm (huyện Đông Sơn)
Roọc tiếng Mường là cánh đồng sâu.
Rọc Rầu cầu Lộc Xá (huyện Quảng Xương)
Rọc Rầu = cánh đồng sâu tên Rầu ở gần cầu Lộc Xá
Củ đoong (tiếng huyện Nông Cống)
Củ dong (tiếng huyện Quảng Xương)
Âm rương (tiếng huyện Nông Cống)
Âm dương (tiếng huyện Quảng Xương)
Tự ro (tiếng huyện Nông Cống)
Tự do (tiếng huyện Quảng Xương)
Cân cáo (tiếng huyện Nông Cống)
Cây gạo (tiếng huyện Quảng Xương)
Con đam (tiếng huyện Nông Cống – con cua đồng)
Con dam (tiếng huyện Quảng Xương)
Tất cả những nét đặc trưng của tiếng Thanh Hoá trên đây đều thấy phổ biến ở huyện Hà Trung dường như địa phương này dung nạp tất cả các luồng ngôn ngữ từ trong ra, từ ngoài vào, từ dưới lên từ trên xuống. Đó là một biểu hiện của giao lưu văn hoá, nếu xét về hiện tượng cũng là nơi bảo lưu được nhiều tiếng Mường – Việt cổ.[5 ]
Từ tất cả những điều khảo sát trên đây, có thể thấy rằng, người Mường ở Thanh Hóa và mối quan hệ Việt – Mường được biểu hiện qua một số phương diện, tự nó đã nói lên sắc thái văn hóa Mường ở xứ Thanh trong tổng thể văn hóa Mường ở Việt Nam. Đây cũng là một cách tiếp cận theo hướng nêu bật tính thống nhất mà đa dạng cùng một cội nguồn văn hóa của các cư dân Việt -Mường đã và đang được nhiều nhà khoa học đi sâu nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.
Từ vấn đề này, chúng ta còn nhận thấy, những vấn đề bảo tồn văn hoá dân tộc Mường được đặt ra có phần khác so với các dân tộc thiểu số khác ở Thanh Hoá cũng như ở Việt Nam. Vì người Thái, người Tày, người Hmông…dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của người Việt – dân tộc đa số và chủ thể – thì người Việt luôn là lim (giới hạn) của họ. Họ chỉ có thể tiệm cận mà không thể hoà nhập thành nguời Việt, ít ra là trong một vài thế kỷ tới. Song với tộc người Mường, vốn đã có một thời kỳ tiền Việt – Mường, thì vấn đề đặt ra lại khác. Vì chung cội nguồn nên cái gọi là hiện đại hoá rất dễ làm mất đi bản sắc dân tộc độc đáo của người Mường. Do vậy phải khẩn trương có kế hoạch tổng kiểm kê di sản truyền thống văn hoá Mường, có biện pháp tích cực đẻ bao lưu và khai thác để có thể phát huy một số giá trị trong cuộc sống đương đại. Thanh Hoá là một tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, lại là môt vùng văn hoá phong phú giàu sắc thái văn hoá vùng biên. Tại đây còn có nhiều dân tộc như Thái, Hmông, Dao, Thổ, Khơmú…dân tộc Mường có số lượng dân cư đông, chiếm đa số giữa các tộc người trên vùng miền núi xứ Thanh. Bảo tồn văn hoá truyền thống Mường cũng như các tộc người khác, đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển văn hoá ở Thanh Hoá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vương Anh, Đặc trưng văn hóa Mường Thanh Hóa, trong sách Kỷ yếu Văn hóa dân tộc Mường, Sở Văn hóa Thông tin, Hội Văn hóa các dân tộc Hòa Bình xuất bản, 1995, 215 tr,
tr. 208-218.
2. Nguyễn Dương Bình, Tìm hiểu thành phần người Mọi Bi ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1974, tr. 33-41.
3. Công tác dân tộc học, Ban Dân tộc miền núi Thanh Hóa xuất bản., 1999, 193 tr.
4. Cuisinier.J , Người Mường- Địa lý nhân văn và xã hội học, (Hồng Vân dịch), Nxb Lao động, H.1995, 861 tr.
5. Địa chí huyện Hà Trung, Nxb Khoa học xã hội, H. 2005, 910 tr.
6. Địa lý hành chính tỉnh Thanh Hóa, tập 1, Tỉnh ủy – Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, 1996, 613 tr.
7. Lê Sỹ Giáo, Đặc điểm phân bố các tộc người ở miền núi Thanh Hóa, Tạp chí Dân tộc học, số 2, 1991, tr. 37-43.
8. Lâm Bá Nam, Mường Bi – một trong những trung tâm xuất phát và qui tụ của người Mường, trong Người Mường và văn hóa cổ truyền Mường Bi, Ủy ban nhân dân huyện Tân Lạc, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình xuất bản, 377.
9. Robequain.C, Tỉnh Thanh Hóa, (Xuân Lênh dịch), Ty Văn hóa Thanh Hóa ấn hành, Tài liệu in rôneô, lưu tại Thư viện Khoa học tổng hợp Thanh Hóa, 1992, 88 tr.
Nguồn: VNH3.TB4.508
Trích dẫn tệp PDF: Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Người Mường ở Thanh Hóa và mối quan hệ Việt – Mường (Tác giả: TS. Mai Thị Hồng Hải) |