Những người thầy ở làng xã Nghệ An xưa qua tư liệu Hán Nôm

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  LÊ THỊ THU HƯƠNG
(Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

     Nước Việt Nam có lịch sử giáo dục lâu đời. Nhắc đến giáo dục, không thể không nhắc đến những người thầy với học vấn uyên thâm, đức độ, giữ trong mình trọng trách trồng người, đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Tại các trường công lập ở Kinh đô (Quốc Tử Giám) hay ở phủ huyện, các triều đại quân chủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tuyển chọn, xếp đặt chức giáo quan, chế độ đãi ngộ đối với các thầy giáo (Học quan). Tại các thôn xã ở nhiều địa phương trong cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng, trường lớp được mở ra tương đối nhiều, thầy giáo là các vị quan về hưu, người đang làm quan nhưng tranh thủ lúc rảnh rỗi, người thi đỗ nhưng không ra làm quan, những ông đồ, ông Tú… Họ đem hết tài năng, tâm huyết truyền dạy cho các thế hệ học trò nơi bản quán và những vùng lân cận, góp phần đưa chữ Thánh hiền đến gần hơn với người dân. Điều đó được ghi chép khá chi tiết trong tư liệu Hán Nôm, hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

x
x x

1. Thầy giáo tại các trường học ở Việt Nam thời quân chủ

     Ở kinh đô: Các triều đại Ngô (939-967), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và vài đời vua nhà Lý, việc giáo dục đào tạo nhân tài cho đất nước chủ yếu do các nhà sư chốn Thiền môn thực hiện, đến đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) về sau thường do các nhà Nho đảm nhận(1). Việc thành lập Quốc Tử giám ở Thăng Long (1076) đã hình thành hệ thống Học quan, mỗi triều đại sau đó có những quy định riêng trong tiêu chí tuyển chọn. Chức Tư nghiệp – người đứng đầu Quốc Tử giám bắt đầu được đặt từ thời nhà Trần. Đại Việt sử kí toàn thư chép năm Thiệu Long 15 (1272), vua Trần Thánh Tông xuống chiếu “Tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc Tử giám”(2). Năm 1400, Hồ Quý Ly tiếp tục đặt chức Tư nghiệp Quốc Tử giám, chọn Nguyễn Phi Khanh đảm nhiệm chức vụ này. Thời Lê sơ, tiêu chuẩn tuyển chọn thầy giáo trường Quốc Tử giám được quy định cụ thể. Mục Quan chức chí trong sách Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: thời Lê tại Quốc Tử giám đã có các chức quan Tế tửu, Tư nghiệp, Trực giảng, Bác sĩ, Trợ giáo và Giáo thụ(3). Năm 1467, đặt thêm chức Ngũ kinh Bác sĩ. Lê Trung hưng (1592-1788), tôn̉ g sốbiên chế các viên giáo quan tại trường Giám dưới thời Lê là 15 người(4). Dưới thời Nguyễn, khi trường Quốc học mới thành lập (1803), triều đình Gia Long mới chỉ đặt 1 viên Đốc học (chánh Tứ phẩm) và 1 viên Phó đốc học (tòng Tứ phẩm) vừa lo việc điều hành, vừa phụ trách việc giảng dạy. Đến năm Minh Mệnh 2 (1821), Quốc học đường đổi tên thành Quốc Tử giám, triều đình đã cho bỏ chức Đốc học, đặt lại chức Tế tửu và Tư nghiệp làm chức quan cao nhất của trường. Năm sau (1822), vua Minh Mệnh cho đặt thêm ở ngôi trường Quốc học này các chức Học chính, Giám thừa, Điển bạ, Điển tịch, 10 vị nhập lưu thư lại vừa là chức quan giảng dạy, phụ giúp Tế tửu, Tư nghiệp(5). Điều đó cho thấy các triều đại rất quan tâm đến vấn đề tuyển chọn và xếp đặt các chức giáo quan cho ngôi trường Quốc học này.

     Ở các phủ huyện: Năm 1281, vua Trần Nhân Tông (1279-1292) cho lập nhà học ở phủ Thiên Trường. Năm 1397, vua Trần Thuận Tông (1388- 1398) cho lập trường học ở các châu trấn và đặt chức Học quan để trông coi việc học. Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tự, toại có nhà tường(6) là để tỏ rõ giáo hóa giữ gìn phong tục, ý trẫm rất chuộng như vậy. Nay quy chế ở kinh đô đã đầy đủ, mà ở châu huyện thì còn thiếu, làm thế nào để rộng đường giáo hóa cho dân? Nên lệnh cho các phủ lộ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông đều đặt một học quan (…). Lộ quan và quan Đốc học hãy dạy bảo học trò cho thành tài nghệ, cứ đến cuối năm thì chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi chọn và cất nhắc”(7). Như vậy, từ giữa đời Trần, việc học tại các địa phương đã được triều đình quan tâm. Trông coi việc học ở các lộ có quan Đốc học, ở các phủ có quan Giáo thụ, các châu huyện có quan Huấn đạo. Thời Lê sơ (1428-1527), Lê Trung hưng (1533-1788), việc học ở các địa phương được triều đình chăm lo nhiều hơn, các trường học được mở nhiều ở các vùng đồng bằng và xung quanh kinh đô. Các trấn, thừa tuyên đặt chức Đốc học, các phủ huyện vẫn là Giáo thụ, Huấn đạo. Triều Tây Sơn (1788-1802), vua Quang Trung (1788-1792) ban Chiếu lập học để khuyến khích các địa phương cấp xã mở Nhà xã học, chọn người giảng dạy gọi là Xã giảng dụ. Triều Nguyễn (1802-1945), các trường ở phủ do quan Giáo thụ trông coi, các trường ở huyện do quan Huấn đạo phụ trách(8).

     Ở Nghệ An: Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Nghệ An có lập 5 trường học, gồm 1 trường cấp tỉnh, 2 trường cấp phủ và 2 trường cấp huyện: Trường tỉnh: ở phía Đông Nam tỉnh thành, trước ở phía Đông Bắc Văn Miếu, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) dời đến chỗ hiện nay. Trường học phủ Anh Sơn: ở phía Nam phủ thành, trước ở phía Tây phủ thuộc địa phận huyện Nam Đường, năm Tự Đức thứ 4 (1851) dời đến chỗ hiện nay. Trường học phủ Diễn Châu: ở phía Nam phủ thành, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 5 (1824). Trường học huyện Thanh Chương: ở phía Tây huyện lỵ, năm Tự Đức thứ 4 (1851) bỏ chức Huấn đạo, đặt làm trường phủ, năm thứ 6 (1853) lại đặt Huấn đạo và để làm trường huyện như cũ. Trường học huyện Quỳnh Lưu: ở phía tây huyện lỵ, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 12 (1831)(9).

2. Những người thầy dạy chữ Hán ở các làng xã Nghệ An xưa qua tư liệu Hán Nôm

     2.1. Thống kê về những người thầy

     Tại các làng xã, những chính sách về trường học của chính quyền nhà Nguyễn như chỉ dụ của vua Tự Đức về việc dựng trường hương học cho con em trong làng(10); đại hội bàn về việc lập trường ấu học tại các thôn xã thời Thành Thái thứ 18 (1906)(11) … đã tác động tích cực đến việc dựng trường, mở lớp tại nhiều địa phương, đi kèm đó là nhu cầu về đội ngũ thầy dạy.

     Qua tư liệu Hán Nôm, hiện chúng tôi khảo sát, thống kê được 31 người thầy mở lớp dạy chữ Hán tại các làng xã.

Bảng 1: Bảng thống kê danh sách các thầy mở lớp dạy học tại Nghệ An

     24/31 thầy (chiếm 77,4%) có học vị từ Tú tài trở lên, trong đó 7 vị đỗ đại khoa, 12 vị đỗ trung khoa, 6 vị là học sinh trường Giám, điều đó chứng tỏ những người thầy nơi đây đều có học vị, học vấn uyên thâm.

      Tuy không phải trải qua các kì khảo hạch (sát hạch giáo chức) như các Học quan trường Giám(14), nhưng các thầy giáo nơi đây đều là những người có học vấn, đức độ. Họ là những nhà khoa bảng sau khi đỗ đạt ra làm quan, tranh thủ những lúc rảnh rỗi dạy thêm con cháu mình hoặc con cái các bạn đồng liêu. Hoặc những người đã từng làm quan, nhưng vì lý do riêng, hoặc không muốn ở lại quan trường, lui về mở trường dạy học ở chốn quê nhà, lấy việc truyền thụ tri thức làm thú vui tinh thần. Có những người thầy là những người học hành chăm chỉ nhưng không may mắn đỗ trong các kỳ thi, chỉ là những ông đồ, thầy khóa, họ cũng mở lớp học để mưu sinh(15).

     31 thầy quê rải rác ở 5 huyện: Diễn Châu (1 thầy), Thanh Chương (2 thầy), Lương Sơn (2 thầy), Nam Đàn (4 thầy), Quỳnh Lưu (22 thầy), thầy ở huyện Quỳnh Lưu đều tập trung ở làng Quỳnh Đôi, riêng họ Hồ Sĩ có 6 thầy, điều đó phần nào lý giải tại sao họ Hồ là dòng họ khoa bảng, làng Quỳnh Đôi là làng khoa bảng đứng đầu Nghệ An và nổi danh trên khắp đất Việt.

     2.2. Thành tựu của những người thầy ở Nghệ An

     Nhiều học trò có học vị cao: Thời Nguyễn, việc đánh giá năng lực của các Học quan trường Giám chủ yếu dựa vào kết quả kì khảo hạch học trò. Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), triều đình quy định: đối với hạng Cử nhân nếu trúng 4 người thì Tế tửu, Tư nghiệp được thưởng kỷ lục 1 thứ, nếu trúng 16 người thì Tế tửu và Tư nghiệp được gia 1 cấp; đối với đỗ hạng Tú tài nếu trúng 20 người thì Tế tửu, Tư nghiệp được kỷ lục 1 thứ, nếu trúng 80 người thì Tế tửu và Tư nghiệp được gia 1 cấp”(16).

     Thầy giáo của các trường làng xã tại Nghệ An, qua tài liệu Hán Nôm mà chúng tôi hiện có tuy không đề cập đến chế độ khen thưởng, gia cấp đối với những thầy giỏi, song thành tựu của các thầy thật đáng nể phục. Nghệ An nổi tiếng với nhiều thầy giỏi, thầy càng giỏi thì trò càng đông. Tên và học vị của thầy thường gắn liền với tên trường học, như trường Tú Viên ở Thanh Chương, trường cụ Cử Kiều ở Nam Đàn, trường cụ Nghè Ôn ở Đông Thành(17). Học trò thầy Lê Xuân Vy có khoảng “300 người, nhiều người thành danh”, học trò thầy Dương Chung Tú “học trò có đến 700-800 người, nhiều người thành đạt”, hay “học trò ở đâu cũng nhiều như cây rừng, phần nhiều làm quan vinh hiển” là ghi chép về học trò của Tiên sinh tự Tri Phủ, hiệu Độn Am, thành tựu của nhiều thầy được ghi chép bằng học vị của các học trò. Cụ thể

Bảng 2: Học vị các học trò của những người thầy dạy ở làng xã tại Nghệ An

      Học trò làm quan: Không chỉ đỗ đạt cao trong các kỳ thi Nho học, nhiều thầy còn có học trò làm quan các cấp của chính quyền quân chủ, như: học trò thầy Phan Hữu Tính giữ chức “Thượng thư, Tổng đốc, Tham tri, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát kế tiếp nhau nơi triều đình(18)”, học trò thầy Dương Chung Tú “phần nhiều làm quan vinh hiển”(19), Thượng thư Nguyễn Trung Hậu là học trò của thầy Hồ Trọng Điển, ngoài ra học trò thầy Điển “thi đỗ làm quan khó kể hết”(20).

     Học trò ở khắp nơi: Các thầy thường dạy học ở bản quán, song vì thầy giỏi, nổi tiếng nên không chỉ học trò ở bản thôn, bản xã đến học, mà học trò các thôn xã lân cận, thậm chí các huyện, tỉnh khác cũng đến xin học với khát khao thành tài. Thầy Phan Hữu Tính “Giữ việc giảng dạy bậc đại học, học trò trước sau tới học, (người đỗ) Tiến sĩ vẻ vang như: Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long, Hoàng Văn Thu ở Thừa Thiên, Hoàng Đình Tá, Hoàng Đình Chuyên, Võ Văn Lý ở Hà Nội, Nguyễn Văn Tố ở Hải Dương, Võ Văn Tuấn ở Bắc Ninh. Phó bảng: Đinh Văn Minh ở Định Tường, Nguyễn Trang Trạch ở Văn Giang. Cử nhân: Trương Đình Hội, Hồ Bỉnh Vy ở bản thôn, Giang Văn Hiển, Phan Khánh Hội ở Hải Dương, Lương Quốc Quang ở Định Tường, Dương Trí Trạch ở Hà Nội, Nguyễn Tất Khắc ở Nam Định, Nguyễn Đức Huy ở huyện Đông Thành; và Tú tài không thiếu người, kế tiếp nhau lên nơi triều đình, giữ chức Thượng thư, Tổng đốc, Tham tri, Tuần phủ, cùng nhiều người giữ chức Bố chánh, Án sát ở các phủ, huyện”(21).

     Học trò của thầy Hồ Trọng Điển có Phan Hữu Tính người bản thôn, Lê Huy Phác người Đông Lũy, người làm Thượng thư Nguyễn Trung Hậu ở Đông Thành”(22).

     Thầy Nguyễn Đức Đạt “học trò của ông đông lên từng ngày, không chỉ bên Hưng Nguyên, Nam Đàn mà cả bên Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc”(23). Thầy Hồ Mậu Đức “học trò của ông là Cử nhân, Tú tài, Ấm sinh, Khóa sinh thuộc 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa tất cả 270 người”(24). Qua trên có thể thấy được tài năng, sự nổi tiếng của những người thầy đất Nghệ An.

     2.3. Phẩm chất của người thầy giáo ở Nghệ An

     Không chỉ uyên thâm về trình độ, những người thầy xứ Nghệ có phẩm cách tốt đẹp, đức độ, luôn mang hết tài năng, tâm sức truyền dạy cho các thế hệ học trò. Tiên sinh tên tự là Tri Phủ, hiệu là Độn Am(25) “Năm Kỷ Sửu (niên hiệu) Minh Mệnh, ông miễn chức quan trở về, lấy việc dạy học làm vui, dạy người không biết mệt mỏi. Học trò ở đâu cũng nhiều như cây rừng, trước sau kế tục, phần nhiều làm quan vinh hiển, nói về người thầy mẫu mực xứ Hoan Diễn ắt là thầy vậy”(26).

     Thầy giáo Cử nhân Nguyễn Kiều từng bổ chức Biên tu, sau từ quan về nhà dạy học. Phan Bội Châu đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp về người thầy của mình “Tiên sinh rất yêu tôi, nhiều lúc người đi mượn sách quý của các nhà đại gia về cho tôi đọc văn chương Hán học, nhờ thế tôi được hiểu biết thêm nhiều”(27). Bản thân cụ Phan cũng kế thừa phẩm chất tốt đẹp từ thầy của mình “Năm tôi 21 đến 31 tuổi (…) do hoàn cảnh gia đình khó khăn (…) cha tôi già ốm, dựa vào tôi mà sống, tôi là người hiếu thảo rất kính mến cha, phàm việc gì có thể liên lụy đến cha là tôi hết sức tránh, vì thế nên tôi chuyên chú ý về việc dạy học trò”(28).

     Thầy Tôn Đức Tiến người xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương tuy thi Hương mấy lần chỉ đậu Tú Tài, nhưng ông được sử sách đánh giá là một trong những người thầy uyên bác: “Tôn Đức Tiến, hiệu Lỗ Xuyên, người huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, mấy lần thi đỗ Tú tài ở nhà dạy học, yên phận nghèo nàn kiệm ước, chỉ chăm chắm vào việc dẫn bảo hậu học về các kinh sử, chư tử bách gia cho đến cửu lưu (…) không sách gì không nghiên cứu tinh vi”(29).

     2.4. Chế độ đãi ngộ đối với thầy

     Các triều đại quân chủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề khuyến khích giáo dục Nho học, vì vậy nhà nước luôn đề ra chế độ đãi ngộ khác nhau đối với các Học quan, đặc biệt là Học quan trường Giám. Lịch triều hiến chương loại chí ghi chép cụ thể “quan Tế tửu có lương cả năm là 44 quan, cấp 4 mẫu đất thế nghiệp, 15 mẫu ruộng vua ban, 10 mẫu ruộng tế. Quan Tư nghiệp lương cả năm 36 quan; chức Ngũ kinh giáo thụ được 21 quan tiền cả năm”. Đời Lê Trịnh thực hiện chế độ ban ân tứ dân huệ, tiền gạo và người theo hầu để trả lương cho các quan với mức độ nhiều ít khác nhau. Đời Nguyễn trả lương cho Học quan trường Giám bằng tiền, gạo, tiền xuân phục, các đời vua khác nhau có mức quy định khác nhau(30).

     Tại Nghệ An, với tinh thần “tôn sư trọng đạo”, học trò, thôn xã luôn biết ơn những người thầy đã truyền thụ kiến thức, lòng biết ơn đó thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Dân làng Quỳnh Lưu đã lập đền thờ thầy Hồ Sĩ Dương, con cháu đời đời được miễn phu phen tạp dịch, khi thầy mất, Hội đồng môn lo giỗ kỵ cho thầy(31).

     Thầy giáo Nguyễn Nguyên Thành người xã Đô Lương, huyện Lương Sơn (nay là xã Đông Sơn, huyện Đô Lương tỉnh Nghệ An). Ông đỗ Tú tài khoa Bính Tý, Cử nhân khoa Mậu Thân (1848), 27 tuổi đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, niên hiệu Tự Đức (1851). Hồi đầu giữ chức Biên tu, sau thăng Tri phủ Lý Nhân, do để vỡ đê ông bị giáng làm Lễ bộ Tư vụ. Năm Mậu Thìn sung làm Đốc học tỉnh Bình Định. Học trò của ông nhiều người đậu Phó bảng, Cử nhân, Tú tài, thí sinh, cùng nhau dựng lại bia ghi tiểu sử thầy với lòng biết ơn sâu sắc, đó là bia Sơn Đường tiên sinh tự bốc thọ tàng山堂先生自卜壽藏(32).

     Thôn Bùi Châu, xã Bùi Ngõa, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên có quy định rõ về chế độ đãi ngộ với thầy giáo bản thôn “Toàn dân đặt 3 mẫu học điền để trả lương cho thầy (…), người nào có con em theo học tùy tâm có chút lễ. Toàn dân chọn giao cho 1 đinh nam gánh nước để cung cấp cho thầy giáo, hoặc giao cho thầy canh tác để lấy hoa lợi”(33).

     Thôn Thượng An, huyện Quỳnh Lưu “Hễ đến đông chí bản thôn giap nộp 40 gánh lúa để nuôi thầy”(34).

     Thôn Hạ Khê, xã Hương Cái, tổng Hải Đô “Gia đình nào có con nên đem đến trường trình thầy xin học không phí tổn một hào, đã có học điền, thu hạ 2 vụ được 2 mẫu 6 sào 7 xích 6 thốn cả năm cấp cho thầy giáo chi biện”(35).

     Thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo”, 15 thôn xã thuộc tổng Vân Tụ, huyện Yên Thành đặt lệ Hội đồng môn trong các bản tục lệ. Thông thường, 5-10 người học trò cùng học một thầy hợp nhau lại thành một hội, đề ra những quy định chung: đóng mỗi người 1-2 quan tiền, bầu 1 người giám trường giữ sổ ghi chép tên học trò, số tiền đóng góp, khi thầy có việc vui, buồn qua chúc mừng, viếng thăm. Hội đồng môn thôn Phong Niên, xã Tiên Cảnh khi thầy có việc thời học trò đem tiền gạo đến, khi thầy chết mặc áo trắng để tang thầy(36); Hội đồng môn xã Hiệp Hòa, tổng Vân Tụ đóng mỗi người 1 quan khi nào thầy chết, mỗi năm làm giỗ thầy một lần(37). Hội đồng môn thôn Yên Cư, xã Phù Long có những quy định chi tiết “Thầy có hôn sự đồng môn đến mừng 5 quan tiền diên, 1 bàn trầu rượu. Thầy có việc hiếu của cha mẹ, đồng môn phúng 15 quan tiền diên, 1 bàn trầu rượu. Thầy có việc chúc mừng cha mẹ, đồng môn mừng tiền 5 quan, 1 bàn trầu rượu. Thầy không may qua đời, đồng môn tập trung lo việc tắm rửa, áo quần, khâm niệm, quan quách. Bàn định, đồng môn đóng tiền mỗi người 6 mạch (…) mua 1 con lợn trị giá 15 quan tiền diên; mua tiền, vàng, trầu, rượu mỗi thứ 3 quan cùng hương 2 mạch, nến trắng 1 bao 6 mạch tiền diên, 2 vuông vải trắng trị giá 1 quan 2 mạch (để đến viếng)(38). Lệ đồng môn không chỉ tăng sự gắn kết giữa những người cùng học với nhau, mà còn thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, tri ân với những người thầy. Bởi hơn ai hết, các thế hệ học trò đều hiểu được ý nghĩa của câu thành ngữ “không thầy đố mày làm nên”.

3. Kết luận

     Việt Nam là đất nước có nền giáo dục lâu đời. Bên cạnh hệ thống trường học và Học quan tại các trường ở Kinh đô và phủ huyện, tại nhiều làng xã ở các địa phương, trong đó có Nghệ An, các trường, lớp dạy chữ Hán với những người thầy là người dân bản địa, tài năng và đức độ, đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho quê hương, đất nước. 31 người thầy của Nghệ An được phản ánh qua tư liệu Hán Nôm là những người có học vị cao, đào tạo nhiều thế hệ học trò tài đức, có học vị cao, giữ chức quan quan trọng. Những người thầy trên đất Nghệ An không chỉ uyên thâm về trình độ và còn có phẩm cách tốt đẹp, đức độ, hết lòng vì học trò. Ghi nhận công ơn của thầy, các thôn xã đã có chế độ đãi ngộ như cấp ruộng, trả lương; học trò ghi ơn bằng những việc làm cụ thể như lập nhà thờ, khắc bia tưởng nhớ, thăm hỏi động viên thầy lúc vui, lúc buồn, để tang, làm giỗ khi thầy qua đời…

      Có trường lớp, có thầy, người dân Nghệ An có nhiều cơ hội được học chữ Thánh hiền, học đạo lý Nho gia, góp phần thúc đẩy việc phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, dần xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ Nho học của sĩ tử trên cả nước và góp phần đào tạo ra nhiều thế hệ khoa bảng cho Nghệ An./.

     Chú thích:

     (1) Nguyễn Công Lý. 2011. Giáo dục khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tr.6.

     (2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb KHXH, 2004, tr.39.

     (3) Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, mục Quan chức chí, Nxb Giáo dục, tr.535.

     (4) Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Sử học, Lê triều quan chế (tài liệu tham khảo), Viện Sử học và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1977, Tr. 66 – 67.

     (5)Trịnh Thị Hà, 2015, “Thầy giáo trường Quốc Tử giám thời quân chủ (từ thế kỉ XI đến nửa đầu thế kỉ XIX), Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1, tr.102-103.

     (6) Đảng: là một đơn vị hành chính đời xưa gồm 50 nhà; Toại: tương tự như làng, xã; Tự: và tường đều là tên trường học.

     (7) Đại Việtsử ký toàn thư , tập 2, Nxb Khoa học xã hội, 1998, tr.220-221.

     (8) Nguyễn Công Lý, 2011, Sđd, tr.25-27.

     (9) Quốc sử quán triều Nguyễn, 2006, Đại Nam nhất thống chí. Phạm Trọng Điềm dịch Đào Duy Anh (hiệu đính), tập 2 (tái bản lần thứ 2), tr.171-172, Nxb Thuận Hóa, Huế.

     (10) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 7, tr.291, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     (11) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên, tr.478. Cao Tự Thanh (dịch).2012, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     (12) Thầy dạy học ở quê vợ làng Tiên Điền.

     (13) Ngô Đức Thọ (2012), Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1825-1887) và trường Đông Sơn nổi tiếng cuối thế kỷ 19, Nguồn: http://ngoducthohn.blogspot.com/2012/10/tham-hoa-nguyenuc-at-1825-1887. Ngày truy cập 08/01/2020.

     (14) Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục Hà Nội, tr.872 ghi việc Lê Thánh Tông sai các giáo chức trường Quốc Tử giám và các lộ cùng quân, dân có học vấn tập hợp thi ở Vân Tập đường, lấy đó làm căn cứ bổ dụng, sa thải, giáo chức nào khuyết sẽ lấy người thi đỗ mà bổ dụng vào. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.423 ghi Lê Thánh Tông cho khảo thi và sa thải Đông cung Thị giảng Vũ Nguyễn Tiềm và Tạ Bưu ở Phụng Nghi đường.

     (15) Bùi Xuân Đính, 2010, Giáo dục và khoa cử nho học Thăng Long – Hà Nội, tr. 32-33, Nxb Hà Nội.

     (16) Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb Giáo dục, tr.895.

     (17) Đào Tam Tỉnh, 2000, Khoa bảng Nghệ An (1075-1919), tr.39. Nxb Nghệ An.

     (18) “相繼登于朝:尚書、總督、參知、巡撫、与布按府縣者多”琼堆古今事跡鄉編小引, A.3154, t.97a. (19) “門第所在林立、前後相繼、多以科宦顯、驩演称師範者必為焉”琼堆古今事跡鄉編小引, A.3154, t.95b.

     (20) ““公亦以教習為業、士子樂從、次第各召顯達(…)前後五六百人、有中進士第(本村潘有性、東累黎輝璞)有位為尚書(店東城阮中懋)登科出仕難以悉舉”琼堆古今事跡鄉編小引, A.3154, t.90b. (21) “講筵通國士子前後及門者進士永隆潘清簡、承天黃文收、河内黃廷佐、黃廷專、武文理、海陽阮文做、北寧武文俊。副榜定祥丁文明、文江阮莊泽。舉人本村張廷会、胡秉為、海陽江文顯、潘慶会、定祥梁國光、河內陽致澤、南定阮必克、東城縣阮德輝等及秀才不乏其人,相繼登于朝:尚書、總督、參知、巡撫、与布按府縣者多”琼堆古今事跡鄉編小引,A.3154, t.97a.

     (22) “…有中進士第(本村潘有性、東累黎輝璞,有位為尚書(店東城阮中懋)”琼堆古今事跡鄉編小引, A.3154, t.90b.

     (23) Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1019), Nxb Văn học, Hà Nội.

     (24) “長子松協與乂清二省門生舉人,秀才,蔭生, 課生該二百七十員人” Vô đề, kí hiệu N0 .2848-49.

     (25) Hiện tại chúng tôi chưa tra được họ tên của ông.

     (26)“明命己丑免官歸、以講學為樂、教人不倦、門第所在林立、前後相繼、多以科宦顯、驩演称師範者必為焉”琼堆古今事跡鄉編小引, A.3154, t.95b.

     (27) “予父欲令予就業於諸大先生之门、然鄰社村無大塾館。以貧故不能遠遊、仍隨父塾兼請於春柳阮先生之門。先生諱喬、深於漢学、以舉人補編修、旋業官(…)隱居授徒。得予甚愛之,時為予借諸大家藏書、令予讀漢學之文、因是大有得”潘佩珠年表,VHv.2135, t.7a,7b.

     (28) “年二十一歲至三十一歲(…)為家庭苦境。。。父老病貧緣依予為命。予天性孺墓孝、故凡有連累及父之嫌者一切避之。因 專業授徒”潘佩珠年表,VHv.2135, t.10a, b.

     (29) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện, tập 4, tr.481, Nxb Thuận Hóa, Huế.

     (30) Quốc sử quán triều Nguyễn, 2004, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, t.3, quyển 14, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.139-141. Dẫn theo Trịnh Thị Hà. 2015 (sđd), tr.110.

     (31) Đào Tam Tỉnh (2000), Khoa bảng Nghệ An (1075-1919), Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An, Thư viện Nghệ An, tr. 32-33.

     (32) Sơn Đường tiên sinh tự bốc thọ tàng山堂先生自卜壽藏,N0 2655-56.

     (33) “一例全民置學田三畝為熟師歲俸(…)社內何人有子孫就學者只有辰節之禮、多少隨心。全民擇委丁男一名抬水以供熟師或熟師不期有所役使亦置田二高許伊耕作取其花利”,AFb1/2, t.38b.

     (34)“係至冬務本村交納禾穀肆拾檯以供私養”,上安村鄉例,VHv.2675/1,t.5a.

     (35) “何家有子宜將至場呈師受教、無費損一毛、已有學田、秋夏二務得二畝六高七尺六寸㨿全年給與教師支卞”乂安省興元府海都賀溪村俗例, AFb1/7, t.9a.

     (36) 安城縣雲岫總仙境社豐年村, VNv.7/2,t.4b.

     (37)縣安城總雲岫社洽和,VNv.7/2, t.4b.

     (38) “一先生婚事同門喜鉛錢五貫芙酒一盘;一先生有孝父母,同門吊鉛錢十五貫,芙酒一盘,對一联用白布;一先生有慶賀父母,同門賀喜錢五貫,芙酒一盘; [16a]一先生不幸捐世,同門齊就定料沐浴,衣復,身屍襟歛,棺槨.一議定同門逗錢每人六陌共(…)一買猪一頭值鉛錢十五貫.一買金銀芙酒各三貫並香二陌,白蠟一包鉛錢六陌,一白布二方值鉛錢一貫二陌”, 乂安省興元府扶龍總安居 村俗例, AFb1/1, tr.15b.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Tiếng Việt

     1. Bùi Xuân Đính, 2010, Giáo dục và khoa cử nho học Thăng Long – Hà Nội, Nxb Hà Nội.

     2. Ninh Viết Giao (chủ biên), 2004, Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An.

     3. Nguyễn Thị Thu Huyền (biên soạn), 2017, Những thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử, Nxb Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.

     4. Trịnh Thị Hà, 2015, “Thầy giáo Trường Quốc Tử Giám (từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1, tr.101-113.

     5. Nguyễn Công Lý, 2011, Giáo dục khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

     6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (bản dịch), tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế.

     7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch Đào Duy Anh (hiệu đính), 2006, tập 2 (tái bản lần thứ 2), Nxb Thuận Hóa, Huế.

     8. Quốc sử quán triềuNguyễn,ĐạiNamthực lục chính biên đệ lục kỷ phụ biên,

     9. Cao Tự Thanh (dịch), 2012, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     10. Ngô Đức Thọ (chủ biên), 2006, Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075-1019), Nxb Văn học, Hà Nội, Ngô Đức Thọ, 2012.

     11. Đào Tam Tỉnh, 2000, Khoa bảng Nghệ An (1075-1919), Nxb Nghệ An.

     12. Đinh Khắc Thuân, 2009, Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Nam qua tài liệu Hán Nôm, Nxb Khoa học xã hội.

     Chữ Hán

1. 琼堆古今事跡鄉編小引, A.3154.

2. 山堂先生自卜壽藏, N0 2655-56.

3. 禮巖道齋阮先生壽藏,N0 2638-39.

4. 潘佩珠年表,VHv.2135, t.5a,b.

5. 乂安記,VHv.1713/2, t.59a.

6. 雲岫總各社村鄉例, VHv.7/1-2

7. Vô đề, N0 2848-49.

Nguồn: Đặc san KH&CN Nghệ An

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Những người thầy ở làng xã Nghệ An xưa qua tư liệu Hán Nôm
(Tác giả: TS. Lê Thị Thu Hương)