Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam hiện nay
Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ KIM THOA
(Trường Đại học Ngoại thương)
TÓM TẮT
Hiện nay, dân tộc Sán Dìu có số dân đông thứ 15/53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chủ yếu sinh sống ở một số tỉnh phía Bắc như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc… Họ đều nói tiếng Sán Dìu, nhưng cho đến nay, ngôn ngữ này chưa được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi khái quát lại tình hình nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, hầu hết các nghiên cứu về tiếng Sán Dìu ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở cấp độ ngữ âm, bắt đầu xuất hiện một vài bài viết về từ vựng, ngữ nghĩa. Đây chính là cơ sở để xác định những vấn đề đặt ra hiện nay trong nghiên cứu ngôn ngữ này trên một số phương diện: Cội nguồn và loại hình; cấu trúc ngôn ngữ; chữ viết…
Từ khóa: Ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa; Tiếng Sán Dìu; Nghiên cứu tiếng Sán Dìu; Dân tộc Sán Dìu.
ABSTRACT
Currently, the San Diu ethnic group has the 15th largest population out of 53 ethnic minorities in Vietnam, mainly living in some northern provinces such as Quang Ninh, Thai Nguyen, Bac Giang, Tuyen Quang, Vinh Phuc… They all speak San Diu, but so far, this language has not been studied by scientists. In the framework of this article, we summarize the situation of studying San Diu language in Vietnam. In fact, most of the researches on San Diu language in Vietnam have only stopped at the phonetic level, and a few articles on vocabulary and semantics have begun to appear. This is the basis to identify the current problems in the study of this language in a number of aspects: Origins and types; language structure; writing…
Keywords: Phonetics, vocabulary, semantics; San Diu language; Studying the San Diu language; San Diu ethnic group.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Theo Tổng cục Thống kê năm 2019, dân tộc Sán Dìu có dân số 183.004 người, sinh sống chủ yếu ở phía Bắc Việt Nam, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang… Do người Sán Dìu cư trú phân tán và xen kẽ với các dân tộc khác, ngôn ngữ của họ hầu như không được truyền dạy có tổ chức, sử dụng hạn chế, chưa hình thành ngôn ngữ văn học, nên tiếng Sán Dìu hiện đang đứng trước nguy cơ mai một, bị sai lệch và ít sử dụng dần trong cộng đồng Sán Dìu, cùng với sự mai một vốn văn hóa truyền thống.
Ở Việt Nam có không nhiều nghiên cứu về tiếng Sán Dìu. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả khái quát lại tình hình nghiên cứu về tiếng Sán Dìu ở Việt Nam. Từ đó, xác định những vấn đề đặt ra hiện nay trong nghiên cứu ngôn ngữ này.
2. Tổng quan nghiên cứu
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định chưa có bài viết tổng quan nào về tình hình nghiên cứu tiếng Sán Dìu tại Việt Nam. Đây có thể nói là bài viết đầu tiên đề cập đến tình hình nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam. Trên thực tế, có rất ít nhà nghiên cứu quan tâm đến tiếng Sán Dìu ở Việt Nam nên số lượng các công trình nghiên cứu về vấn đề này còn rất khiêm tốn. Các bài nghiên cứu về ngôn ngữ của dân tộc Sán Dìu sẽ được điểm tên trong phần kết quả nghiên cứu dưới đây.
3. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp miêu tả với sự phân tích và tổng hợp khá chi tiết, công phu. Từ các nghiên cứu đơn lẻ, hướng tới đưa ra một bức tranh khái quát về tình hình nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam, cũng như đưa ra các định hướng nghiên cứu tiếp theo.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Những nghiên cứu về ngữ âm tiếng Sán Dìu
Có thể coi công trình nghiên cứu đầu tiên về tiếng Sán Dìu là bài viết “Vài nét về hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu” của Nguyễn Văn Ái (1972) in trong cuốn “Tìm hiểu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam” – Viện Ngôn ngữ học. Trong bài viết này, Nguyễn Văn Ái đã dựa vào tư liệu là hơn 1000 từ thu thập tại xã Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để chỉ ra các đặc điểm về cấu trúc âm tiết, số lượng âm vị (phụ âm, bán phụ âm, nguyên âm và thanh điệu). Theo tác giả, tiếng Sán Dìu có 5 kiểu cấu trúc âm tiết, 19 phụ âm, 2 bán phụ âm, 10 nguyên âm đơn và 6 thanh điệu. Mặc dù còn sơ lược, phạm vi điền dã hẹp, chủ yếu mang tính chất giới thiệu, nhưng bài viết là một tư liệu quý, mở đầu cho việc nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam.
Cho đến nay, tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa có những công trình nghiên cứu về tiếng Sán Dìu như: “Hệ thống âm đầu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam”, 2005, Kỷ yếu Hội thảo Ngữ học trẻ , Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. “Bước đầu mô tả hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam”, 2005, Tạp chí Ngôn ngữ số 11/2005. “Ngữ âm tiếng Sán Dìu”, năm 2018, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Thông qua các nghiên cứu của mình, với hơn 1.800 mục từ được thu thập ở phạm vi nghiên cứu rộng (địa bàn 6 xã thuộc 4 tỉnh có số lượng người Sán Dìu sống tập trung đông nhất: Xã Nam Hoà, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên; xã Bình Dân, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh; xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; xã Đạo Trù và Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), tác giả đã chỉ ra được những đặc điểm về hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu: Tiếng Sán Dìu là một ngôn ngữ có 6 thanh điệu và đặc biệt là có xảy ra hiện tượng biến thanh. Bên cạnh đó, tác giả cũng mô tả chi tiết, đầy đủ đối với hệ thống âm vị của tiếng Sán Dìu như: 20 phụ âm đầu, 02 bán nguyên âm, 14 nguyên âm, 8 phụ âm cuối. Sự khác biệt về mặt ngữ âm giữa các địa phương là có, chủ yếu xảy ra ở âm đầu và phần vần. Tuy nhiên, sự khác biệt này là không đáng kể, nên không tạo ra sự khó khăn trong giao tiếp giữa các vùng địa phương. So với các địa phương khác thì tiếng Sán Dìu ở tỉnh Quảng Ninh có nhiều sự khác biệt hơn cả.
4.2. Những nghiên cứu về chữ viết Sán Dìu
Trong bài viết “Về vấn đề chữ viết của người Sán Dìu ở Việt Nam”, 2016, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học: những vấn đề lý luận và thực tiễn”, tháng 11/2016, Nguyễn Thị Kim Thoa đã giới thiệu loại chữ cổ được người Sán Dìu sử dụng từ xa xưa.
Họ dùng chữ Hán để ghi chép nhưng lại đọc theo âm Sán Dìu. Những văn bản này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, chủ yếu là gia phả, sách cúng, sách thuốc, sách văn học dân gian… Tuy nhiên, hiện nay số người biết đọc loại chữ Hán này lại rất ít, phần lớn là những người cao tuổi, một bộ phận trí thức Sán Dìu hoặc những người làm nghề thầy cúng…
Bên cạnh việc dùng phần lớn chữ Hán cổ nguyên nghĩa nhưng đọc theo âm tiếng Sán Dìu, họ cũng tạo ra cách viết riêng với những từ thiếu biểu âm, biểu ý trong tiếng Hán. Đó là cách sử dụng chất liệu chữ Hán, ghép phần biểu âm và biểu ý hoặc ghép cả hai yếu tố biểu ý lại với nhau. Cách viết này cũng giống với chữ Nôm của người Việt hay một số chữ viết của các dân tộc khác như Nôm Dao, Nôm Tày, Nôm Cao Lan…Vì thế, tác giả đã gọi loại chữ này là chữ Nôm Sán Dìu. Bên cạnh loại chữ Nôm Sán Dìu được dùng trong các nghi lễ văn hoá thì đã có một bộ phận người Sán Dìu đã dùng các con chữ latinh để ghi lại tiếng nói cũng như vốn văn hoá của dân tộc mình (như truyện dân gian, các bài hát soọng cô,…). Điều này cho thấy, nhu cầu sử dụng chữ Latin của đồng bào Sán Dìu để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình là có thực và hết sức chính đáng. Loại chữ này cũng sẽ khắc phục được các nhược điểm của chữ Nôm Sán Dìu như khó học, khó viết, khó phổ biến rộng rãi.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế này, dựa vào đặc điểm ngữ âm của tiếng Sán Dìu đã được mô tả một cách chi tiết và đầy đủ, tác giả đã đưa ra một phương án chữ viết Latin cho người Sán Dìu qua bài viết “Thử đề xuất một phương án chữ viết cho dân tộc Sán Dìu ở Việt Nam”, 2013, Kỷ yếu Hội thảo Ngữ học toàn quốc. Phương án chữ viết này có ưu điểm là gần gũi với bộ chữ quốc ngữ nên người Sán Dìu có thể sử dụng được một cách thuận tiện, dễ dàng. Bộ chữ này cũng được khắc phục các nhược điểm vốn có của bộ chữ quốc ngữ và bổ sung thêm các con chữ ghi các âm vị của tiếng Sán Dìu mà trong tiếng Việt không có.
Tuy nhiên, bộ chữ đó còn cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng hơn nữa, cần được thử nghiệm bằng cách đưa vào thực tế sử dụng trong một phạm vi hẹp rồi xem xét và chỉnh sửa cho phù hợp trước khi được phổ biến rộng rãi.
4.3. Những nghiên cứu về từ vựng – ngữ pháp
Trong cuốn “Người Sán Dìu ở Việt Nam”, Ma Khánh Bằng có giới thiệu một bảng từ vựng bao gồm 23 từ tiếng Sán Dìu so sánh với tiếng Dao, tiếng Hoa, tiếng Sán Chỉ và tiếng Tày. Dựa vào kết quả so sánh, 18/23 từ tiếng Sán Dìu tương ứng với tiếng Hoa và 5/23 từ tương ứng với tiếng Dao. Tác giả cũng mới chỉ so sánh thuần tuý về mặt hình thức với một số lượng từ được khảo sát khiêm tốn. Tuy nhiên, đây cũng là một ý kiến tham khảo cho những người quan tâm đến ngôn ngữ của tộc người này.
Sau những nghiên cứu về ngữ âm, Nguyễn Thị Kim Thoa đã bước đầu tiếp cận với ngôn ngữ này ở cấp độ từ vựng như trong các bài viết: “Phương thức ghép trong cấu tạo từ tiếng Sán Dìu”, 2006, Kỷ yếu Hội thảo Ngữ học trẻ, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. “Từ mượn Việt trong tiếng Sán Dìu”, 2009, Hội thảo khoa học toàn quốc tháng 11 năm 2009, Viện Ngôn ngữ học. “So sánh cách cấu tạo từ chỉ ngày trong tiếng Sán Dìu và tiếng Hán”, 2009, Hội thảo quốc tế nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam – Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á (lần thứ II), tháng 11 năm 2009. Trong các bài viết này, tác giả giới thiệu sơ qua phương thức ghép được sử dụng để cấu tạo từ trong tiếng Sán Dìu. Bên cạnh đó, tác giả cũng so sánh các cấu tạo từ chỉ ngày giữa tiếng Sán Dìu và tiếng Hán và rút ra được một vài sự tương ứng giữa hai ngôn ngữ này. Đây rất có thể sẽ là một minh chứng để chứng minh cho nguồn gốc Hán – Tạng của ngôn ngữ này.
4.4. Những nghiên cứu về nguồn gốc của tiếng Sán Dìu
Bắt đầu tiếp cận với hướng tìm các minh chứng để chứng minh cho nguồn gốc Hán – Tạng của tiếng Sán Dìu, Nguyễn Thị Kim Thoa đã bước đầu so sánh để tìm ra các tương ứng về mặt ngữ âm giữa tiếng Sán Dìu ở Việt Nam với tiếng Hán hiện đại, và đặc biệt là với một số phương ngữ Hán được sử dụng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (phương ngữ Mân, phương ngữ Quảng Đông và phương ngữ Khách Gia).
Với tổng số 210 từ thuộc các lớp từ vựng cơ bản (từ chỉ số đếm, từ chỉ bộ phận cơ thể người, từ chỉ các hoạt động cơ bản, từ chỉ các sự vật hiện tượng khách quan, từ chỉ đặc điểm và tính chất, từ chỉ thực vật, từ chỉ động vật, từ xưng hô, từ chỉ thời gian…), sau khi so sánh thì kết quả thu được là: tiếng Sán Dìu ở Việt Nam có tỷ lệ tương ứng ngữ âm với phương ngữ Khách Gia là cao nhất ( 66,7%). Tỷ lệ tương ứng với phương ngữ Quảng Đông và phương ngữ Mân là 51,42% và 31,9%.
Khảo sát kỹ hơn về sự tương ứng ngữ âm giữa tiếng Sán Dìu và phương ngữ Khách Gia có thể thấy, sự tương ứng có thể xảy ra ở âm đầu, phần vần hoặc cả âm đầu và phần vần.
Những kết quả này được trình bày trong một số bài viết như: “Những tương ứng ngữ âm giữa tiếng Sán Dìu ở Việt Nam và tiếng Hán hiện đại”, 2008, Tạp chí Ngôn ngữ số 2/2008. “Bước đầu khảo sát sự tương ứng ngữ âm giữa tiếng Sán Dìu ở Việt Nam với một số phương ngữ Hán”, 2013, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn hoá Việt Nam – Trung Quốc, tháng 12/2013. Mặc dù mới là bước đầu khảo sát nhưng kết quả nghiên cứu này chính là định hướng và cơ sở để chúng ta tiếp tục nghiên cứu nhằm đưa ra minh chứng về nguồn gốc của tiếng Sán Dìu ở Việt Nam. Qua đó, lịch sử tộc người cũng có thể làm sáng rõ thông qua các cứ liệu về ngôn ngữ.
4.5. Những nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá Sán Dìu
Đến nay, ở Việt Nam đã có một vài công trình nghiên cứu bắt đầu đề cập đến khía cạnh ngôn ngữ và văn hoá thông qua cấp độ từ vựng, ngữ nghĩa của tiếng Sán Dìu. Tiêu biểu là Luận án Tiến sĩ của Trịnh Thị Thu Hoà: Từ ngữ chỉ động vật và thực vật trong tiếng Sán Dìu (2017). Với tư liệu là 1.096 đơn vị từ ngữ chỉ động vật và các bộ phận của nó, tác giả đã chỉ ra một số nét khái quát về văn hoá của người Sán Dìu (đặc điểm tri nhận thế giới khách quan, kinh nghiệm sản xuất, đời sống văn hoá, tín ngưỡng, văn học dân gian…) thông qua các đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của chúng. Có thể nói, công trình nghiên cứu của Trịnh Thị Thu Hoà đi theo hướng tiếp cận ngôn ngữ – văn hoá là một tài liệu tham khảo quý cho những người muốn nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hoá Sán Dìu.
Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Thị Kim Thoa cũng có một nghiên cứu nhỏ – “Một vài đặc trưng ngôn ngữ – văn hóa thể hiện qua lời chào hỏi của người Sán Dìu”, 2007, Kỷ yếu Hội thảo Ngữ học trẻ, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Thông qua khảo sát của mình về lời chào hỏi của người Sán Dìu, tác giả đã chỉ ra được một vài nét đặc trưng về ngôn ngữ cũng như văn hoá của dân tộc này như: hệ thống từ chỉ thân tộc phong phú, văn hoá kính trên nhường dưới, các câu hỏi thăm được dùng như những lời chào…
5. Thảo luận
Ở Việt Nam, ngoài tên gọi “Sán Dìu” được Tổng cục Thống kê công nhận (tháng 3 năm 1960), dân tộc này còn có nhiều tên gọi khác như Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán Quần Cộc… Những gì đặt ra trong nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam?
5.1. Những đặc điểm cơ bản của tiếng Sán Dìu là gì?
Tiếng Sán Dìu là ngôn ngữ tộc người của dân tộc Sán Dìu.
Theo cách phân loại cội nguồn phổ biến hiện nay, tiếng Sán Dìu là đại diện của nhánh Hán, chi Hán của ngữ hệ Hán Tạng (Sino – Tibetan). Trong ngữ hệ Hán -Tạng, ngoài chi Hán còn có chi Tạng – Miến. Nội bộ chi Hán bao gồm hàng trăm ngôn ngữ.
Có ý kiến cho rằng tiếng Sán Dìu là đại diện của một phương ngữ Hán.
Ở Việt Nam, các ngôn ngữ rất gần với tiếng Sán Dìu (cùng thuộc nhánh Hán, chi Hán của ngữ hệ Hán Tạng) là: Hoa, Sán Chí, Ngái. Tiếng Sán Dìu được xác định là một ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, tiểu loại hình “mới”, âm tiết tính (syllabic). Từ âm vị học (phonological word) tiếng Sán Dìu có hình thức đơn tiết. Trong tiếng Sán Dìu, ranh giới giữa từ âm vị học và âm tiết trùng nhau.
Sự khác biệt về ngữ âm giữa các tiếng địa phương Sán Dìu không lớn.
5.2. Các bình diện cần nghiên cứu tiếp theo về tiếng Sán Dìu là gì?
Cho đến nay, tiếng Sán Dìu ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Điều này cho thấy, bên cạnh những công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn hoá, xã hội của người Sán Dìu thì ngôn ngữ của dân tộc này vẫn còn làm một mảng trống cần các học giả quan tâm nhiều hơn nữa.
Ngoài ngữ âm, cấp độ từ vựng, ngữ pháp mới bắt đầu được đề cập đến. Vì vậy, nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam còn rất nhiều việc cần làm trong thời gian tới.
Dân tộc Sán Dìu được xếp vào nhóm dân tộc chưa có chữ viết chính thức (Dõi, 2011). Cũng có ý kiến cho rằng chữ Hán là chữ viết của dân tộc này (Hoành, Lợi, & Thông, 2013). Trên thực tế, người Sán Dìu – đặc biệt là tầng lớp trí thức vẫn sử dụng công cụ riêng để ghi lại cũng như gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình. Họ dựa vào chữ quốc ngữ để phiên âm tiếng nói của dân tộc mình. Tuy nhiên, cách làm này mang đậm dấu ấn cá nhân chứ không được xuất phát từ bản chất ngữ âm của chính ngôn ngữ đó. Hơn nữa, trong tiếng Sán Dìu có những âm vị mà tiếng Việt không có, điều này gây ra khó khăn khi sử dụng chữ quốc ngữ để ghi âm tiếng Sán Dìu. Chính vì vậy, việc xây dựng một bộ chữ ghi âm cho người dân tộc Sán Dìu là một việc làm hết sức cần thiết và thiết thực để bảo vệ, giữ gìn và phát huy ngôn ngữ cũng như văn hoá của dân tộc này.
5.3. Vấn đề chữ viết đối với dân tộc Sán Dìu ở Việt Nam nên đặt ra như thế nào?
Ngoài việc hiểu về ngữ âm của một ngôn ngữ của dân tộc thiểu số có số dân đứng thứ 15/53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì việc cấp thiết hiện nay chính đặt ra là xây dựng được một bộ chữ ghi âm cho dân tộc Sán Dìu, dựa trên các đặc điểm ngữ âm đã được nghiên cứu. Bộ chữ Sán Dìu ghi âm tự dạng Latin sẽ là công cụ thống nhất tiếng nói giữa các vùng miền, giúp cho dân tộc Sán Dìu có một công cụ hữu ích để ghi chép lại thành văn bản tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Đây là một việc làm cần thiết và hết sức thiết thực để bảo vệ, gìn giữ, phát huy ngôn ngữ cũng như văn hoá đang ngày bị mai một dần của dân tộc Sán Dìu.
Khi đã có bộ chữ Sán Dìu ghi âm tự dạng Latin, cần tiến hành các công việc biên soạn: Sách dạy tiếng Sán Dìu, Từ điển Việt – Sán Dìu, Từ điển Sán Dìu – Việt… Trên thực tế, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện Đề án “Bảo tồn ngôn ngữ và văn hoá của dân tộc Sán Dìu” thông qua các công việc cụ thể như: Soạn sách dạy tiếng Sán Dìu rồi tổ chức lớp dạy tiếng cho các công chức người Sán Dìu tại địa phương nhưng không sử dụng được tiếng mẹ đẻ, thu thập các tài liệu về văn hoá dân gian (viết bằng chữ Hán và chữ Nôm Sán Dìu) rồi tiến hành ghi chép lại bằng bộ chữ ghi âm, tổ chức lớp dạy hát soọng cô (một hình thức văn nghệ dân gian đặc trưng của người Sán Dìu), khôi phục lễ hội Đại Phan… Điều này cho thấy, nhu cầu có một bộ chữ ghi âm của riêng mình là hết sức chính đáng và cấp thiết của dân tộc Sán Dìu. Bộ chữ đã xây dựng cần được thử nghiệm đưa vào sử dụng. Qua đó, sẽ rút kinh nghiệm và chỉnh sửa bộ chữ cho phù hợp với thực tế.
6. Kết luận
Cho đến nay, hầu hết các công trình nghiên cứu về tiếng Sán Dìu ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào mặt ngữ âm và từ vựng. Thông qua những nghiên cứu này, có thể thấy được một bức tranh ngữ âm của tiếng Sán Dìu. Bên cạnh đó, đã bắt đầu xuất hiện các công trình nghiên cứu về ngữ pháp và cội nguồn.
Ngoài việc hiểu về ngữ âm của một ngôn ngữ của dân tộc thiểu số có số dân đông thứ 15/53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì việc cấp thiết hiện nay chính đặt ra là xây dựng và đưa vào sử dụng bộ chữ ghi âm cho dân tộc Sán Dìu. Cần tiến hành sưu tầm các áng văn nghệ tiếng Sán Dìu và ghi lại (xuất bản) bộ chữ Sán Dìu ghi âm tự dạng latin. Đồng thời với việc nghiên cứu về ngữ âm và từ vựng, cần tiếp tục nghiên cứu ngôn ngữ này sâu hơn ở các bình diện khác: ngữ pháp, ngữ dụng, phong cách, từ điển đối chiếu, sách giáo khoa… Hướng nghiên cứu theo cách tiếp cận ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ và văn hóa… cũng cần được quan tâm trong những công trình sau này.
Tai lieu tham khao
Ai, N. V. (1972). Vai net ve he thong ngu am tieng San Diu. Trong Tim hieu ngon ngu cac dan toc thieu so o Viet Nam (tr.125-138). Ha Noi: Vien Ngon ngu hoc.
Bang, M. K. (1983). Nguoi San Diu o Viet Nam. Ha Noi: Nxb. Khoa hoc Xa hoi.
Chau, H. T. (2004). Phuong ngu hoc tieng Viet. Ha Noi: Nxb. Dai hoc Quoc gia Ha Noi.
Doi, T. T. (1999). Nghien cuu ngon ngu cac dan toc thieu so Viet Nam. Nxb. Dai hoc Quoc gia Ha Noi.
Doi, T. T. (2011). Mot vai van de nghien cuu so sanh – lich su nhom ngon ngu Viet – Muong. Nxb. Dai hoc Quoc gia Ha Noi.
Hoa, T. T. T. (2017). Tu ngu chi dong vat va thuc vat trong tieng San Diu. Luan an Tien sy, Vien Khoa hoc Xa hoi, Vien Han lam Khoa hoc Viet Nam.
Hoanh, N. H., Loi, N. V., & Thong, T. V. (2013). Ngon ngu, chu viet cac dan toc thieu so Viet Nam (Nhung van de chung) (Nguyen Huu Hoanh, chu bien). Nxb. Tu dien Bach khoa.
Jakhontov, S. E. (1973). Ve su phan loai cac ngon ngu o Dong Nam chau A. Tap chi Ngon ngu, 1, tr.73-77.
Ma, H. V. (2002). Ngon ngu dan toc thieu so Viet Nam – Mot so van de ve quan he coi nguon va loai hinh hoc. Ha Noi: Nxb. Khoa hoc Xa hoi.
Thoa, N. T. K. (2018). Ngu am tieng San Diu o Viet Nam. Nxb. Dai hoc Quoc gia Ha Noi.
Thong, T. V., & Tung, T. Q. (2017). Ngon ngu cac dan toc o Viet Nam. Nxb. Dai hoc Thai Nguyen. Tong cuc Thong ke. (2020). Ket qua toan bo Tong dieu tra dan so va nha o nam 2019. Nxb. Thong ke.
劲松. (2000). 汉藏语言研究的理论和方法,中国藏学出版社.
桌康宁. (1992). 瑶族研究论文集, 广西人民出版社.
毛殊凡. (2000). 瑶族历史文化与现代化, 中国戏剧出版社.
范宏贵. (2006). 花南与东亚相关民族, 民族出版社.
Nguồn: Văn hóa truyền thống và phát triển
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu tiếng Sán Dìu ở Việt Nam hiện nay (Tác giả: Nguyễn Thị Kim Thoa) |