Những vấn đề về tiền thời chúa Nguyễn
Tác giả bài viết: BS. NGUYỄN ANH HUY
(Hội Sử học Thừa Thiên – Huế)
THỊ TRƯỜNG MỚI KHAI PHÁ
Ngày nay, trong khoảng những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, sự khai canh rà tìm phế liệu dọc miền duyên hải từ sông Gianh trở vào, thường tìm thấy nhiều tiền cổ Trung Quốc trước nửa đầu thế kỷ XVII, có thể cả hàng tấn1. Những sự kiện này đã trở thành chuyện hết sức bình thường đối với giới buôn tiền cổ, nhưng dưới tầm nhìn của nhà nghiên cứu, các phát hiện này rất cần tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của nó.
Chính sử nước ta, việc ghi chép cách sử dụng tiền tệ ở xứ Đàng Trong thế kỷ XVI-XVII rất tiếc là quá sơ sài. Christophoro Borri, một người châu Âu đến Đàng Trong (Việt Nam) năm 1621 cho biết: “Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong”2. Và theo thống kê số lượng thuyền có cấp giấy phép châu ấn, do chính quyền Nhật cấp cho các thuyền buôn Nhật Bản xuống Đông Nam á, trong 30 năm (1604-1635) gồm 356 thuyền, thì trong đó có 87 thuyền đến Đàng Trong, chiếm số lượng cao nhất3.
Sở dĩ thương gia Trung – Nhật thích buôn bán nhiều ở Đàng Trong, ngoại trừ đây là vùng đất mới có nhiều của ngon vật lạ, còn có những điểm thuận lợi là ở đây nằm trong khối đồng văn, cùng tiếng nói chữ viết; hơn nữa, tình hình an ninh rất ổn định: “Canh Ngọ, năm thứ 13… Chúa [Nguyễn Hoàng] bèn kiêm lãnh hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam… Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm, nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên nơi đô hội lớn”4; ngoài ra, các chúa còn khôn ngoan: “Chúa [Nguyễn Phúc Nguyên] lên nối ngôi… vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục…”1 và “chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc”2.
Hiện Nhật Bản vẫn còn lưu trữ “Ngoại phiên thông thư”, là những thư từ giao dịch quốc tế của Nhật thời Edo (1603-1867); trong đó có 56 bức thư của chúa Trịnh và chúa Nguyễn gởi cho Mạc phủ Tokugawa và những thư trả lời của Mạc phủ từ năm 1601 đến 1694. Nội dung nhiều thư cho thấy các chúa rất coi trọng quan hệ với Nhật Bản, luôn tạo thuận lợi cho tàu buôn Nhật Bản “thông qua thương nghiệp để nối tình hữu nghị giữa hai nước”3.

NHU CẦU CẤP THIẾT
Giữa xứ Đàng Trong và khối đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên đều sử dụng chung một loại tiền và không phân biệt; mối quan hệ ngoại thương đã được rất nhiều nhà nghiên cứu tổng hợp4, ở đây chỉ trích dẫn một vài điều có liên quan đến tiền tệ.
Từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVI, người Nhật đã nhập tiền Vĩnh Lạc Thông Bảo từ Trung Quốc để sử dụng. Nhưng đến năm 1608, chính quyền Nhật cấm các loại tiền này. Chẳng hạn như: – Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ 17, 18 và đầu 19, NXB Sử học, Hà Nội, 1961. – Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, 2001. – LiTana, Xứ Đàng Trong -Lịch sử, kinh tế chuẩn hóa tiền nước mình; và đây là cơ hội để các thương gia Nhật đem các loại tiền cũ này xuống bán cho Đàng Trong1 mà người Hà Lan gọi là “món hàng có lời nhất”2 :
– Tháng giêng năm 1637, lái Hà Lan đã mang đến cửa Hàn (Tourane – Đà Nẵng) 13.500.000 đồng zènes [tiền đồng của Nhật]3.
– Ngoài người Hà Lan ra, người Trung Quốc cũng đem đến Đàng Trong một số lượng lớn tiền kim loại Nhật. Chẳng hạn vào tháng 9/1637, 4 chiếc thuyền của người Hoa chở từ Nhật tới Đàng Trong… 2 triệu zènes4.
– “Tiền đồng này là một món hàng nhập cảng được đòi hỏi nhiều nhất ở Đàng Trong… Những lái Nhật thật là những tay cạnh tranh đáng sợ. Những tiền đồng họ mang ở Nhật sang, bao giờ họ cũng bán lại cho những kiều dân Nhật ở Faifoo [Hội An]…”5.
Ban đầu, các chúa Đàng Trong mua tiền đồng này chủ yếu để đúc súng chống lại Đàng Ngoài. Nhưng trong một môi trường kinh tế hàng hóa, những loại tiền này lại trở thành nhu cầu sử dụng hóa tệ ngày càng tăng :
– “Thời gian giữa các năm 1659 và 1684,… cho phép các niên trưởng thành phố Nagasaki lập một sở đúc tiền để sản xuất các đồng tiền nhái lại các đồng tiền cũ của Trung Hoa để xuất khẩu”6.
– “Thuyền Nhật… đổi hàng ở Trung Quốc… nhất là đồng… các thuyền mua (đem đến Đàng Trong) từ Quảng Đông : tiền đúc được lãi rất nhiều…”7.
– Thị trường Quảng Nam đắt nhất là hàng của Trung Hoa như tơ sống, đồ dệt bằng tơ, vải Nam Kinh với các loại đồ sành sứ. Ngoài ra lại còn hai thứ hàng khác cũng bán chạy nữa là sách in và đồng đỏ…8.
Sự giao lưu thương mại phát triển rộng mở, do vậy lưu thông tiền tệ là một nhu cầu thiết yếu. Nhưng mãi đến năm 1688, ở Đàng Trong vẫn thiếu khối lượng tiền lưu hành; như ta thấy bức thư của chúa Nguyễn Phúc Thái, phó thác cho một chủ thuyền người Trung Hoa tên Hoàng Khoan Quan đem hàng hóa qua Nagasaki mua bán và trình Shogun Dyemitsu (Mạc Phủ Đức Xuyên) thỉnh cầu đúc tiền đồng viện trợ, như sau: “… Quý quốc và quốc gia tôi xa nhau… Nghe nói rằng ngày xưa, tuy xa nhau vẫn có quốc giao… Tôi thầm nghĩ, nước tôi bây giờ cần rất nhiều kinh phí cho lưu thông tiền tệ, nhưng kỹ thuật chế tạo tiền tệ không có, nên đành phải gác vấn đề tài chính lại. Tôi nghe rằng, ở quý quốc sản xuất đồng tốt, và chế tạo tiền tùy theo nhu cầu. Nếu thật như thế, tại sao không chế thật nhiều tiền bằng đồng để cứu những nước nghèo về tiền tệ. Điều mong muốn đối với quý quốc là quý quốc làm luật lưu thông tiền tệ ở nước ngoài, và giao dịch ở nước tôi và hai quốc gia chúng ta cùng được lợi…”1.
LẦN THEO THƯ TỊCH
Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) làm bài thơ “Thuận Hóa vãn thị” trong đó có câu: “Thời cô bạch tửu năng diên khách / Nhật dụng thanh tiền khước tiện dân”2, hàm ý thời ấy chúa đúc ra tiền bằng đồng thau (thanh tiền) là một việc giúp cho dân tiện lợi khi sử dụng hằng ngày.
Đại Nam Thực Lục cho biết: ất Tỵ (1725), tháng 4, mùa hạ, Nguyễn Phúc Thụ mới lên ngôi “Đúc thêm tiền đồng. Buổi quốc sơ thường đúc tiền đồng nhỏ (in hai chữ Thái Bình), lại có tiền cũ và tiền Khang Hy nhà Thanh, dân gian vẫn thông dụng. Bấy giờ có người huỷ tiền để đúc đồ dùng, số tiền cũ ngày một hao, cho nên có lệnh đúc thêm”3.
Sự ghi chép việc sử dụng tiền tệ thời chúa không rõ ràng, tôi cố gắng tìm tòi cũng chỉ thêm vài điều đơn giản: “Các đồng tiền Khai Nguyên nhà Đường cùng các đồng tiền niên hiệu Thuần Hóa và niên hiệu Tường Phù nhà Tống đều được đúc bằng thứ đồng thật tốt và đúc thật kỹ lưỡng nên chôn cất d-ới đất cũng không hư hỏng… Năm Giáp Tý, quân của Vương thượng vào đất Thuận Hóa tịch thu các kho công. Người ta tìm thấy số tiền xâu bằng lòi mây đến ngoài ba mươi vạn quan… Như vậy chúng ta mới biết trước kia khách buôn đã chuyên chở trộm số tiền ấy vào nước ta rất nhiều vậy”4.
Vấn đề đúc tiền và sử dụng tiền ở giai đoạn quốc sơ này chỉ ở hình thức đơn giản như hóa tệ trung gian trao đổi, mỗi đồng tiền ăn 1 đồng, chưa có sự đột biến về mệnh giá đồng tiền cũng như chưa có nhiều loại hình tiền tệ.
Năm 1776, Lê Quý Đôn ghi lại một sự kiện ở xứ Đàng Trong: “Nguyễn gia lệ sơ kế tập y dạng chú tiểu gian tiền dụng Thái Bình tự, kim dân gian sảo tồn nhất nhị diệt dĩ tam đương nhất”1, mà Lê Xuân Giáo dịch là “Theo lệ cũ nhà Nguyễn, người nào mới được nối ngôi chúa thì cứ theo kiểu mẫu tiền cũ mà đúc, ở khoảng nhỏ đồng tiền cũng đề hai chữ Thái Bình. Ngày nay, ở trong dân gian thỉnh thoảng vẫn còn thấy một hai đồng tiền ấy, thường cứ 3 đồng tiền này mới ăn 1 đồng”.
ĐẶC ĐIỂM THỰC TẾ
Qua các cuộc dò tìm phế liệu, các cuộc khai quật có tìm thấy tiền cổ… tôi nhận thấy ở xứ Đàng Trong trước đây đã lưu hành phần lớn là các loại tiền mang niên hiệu thời Đường – Tống, một số ít niên hiệu Nguyên – Minh – Thanh và một số là tiền có hiệu rất lạ. Dựa vào đặc điểm, chất liệu, thư pháp1, tôi đã phân loại chúng thành những dòng tiền sau:
– Phần lớn là tiền Trung Quốc chính thực: là các loại tiền bằng đồng thau, đường kính khoảng 24mm, mang các niên hiệu Đường – Tống – Nguyên – Minh rất dễ nhận biết và dễ tìm thấy.
– Một số loại tiền mang niên hiệu thời Tống như Nguyên Phong Thông Bảo, Hy Ninh Nguyên Bảo, Gia Hựu Thông Bảo, Tường Phù Nguyên Bảo, Thiệu Thánh Nguyên Bảo, Thiên Thánh Nguyên Bảo… nhưng đúc to, dày, đẹp, chuẩn, sắc, mang thư pháp chữ Nhật, là tiền mậu dịch quốc tế được đúc vào thời Go-Sain Tenno (Hậu Tây thiên hoàng – Vạn Trị nhị niên, 1659) tại Nagasaki2.
– Một dòng tiền bằng đồng đỏ gồm 21 hiệu tiền thời Đường – Tống và các hiệu lạ, đường kính khoảng 22,5 – 23mm có màu gỉ nâu đen, đã được tôi nhận định là do chúa Nguyễn Phúc Thụ mua đồng đỏ của Nhật đúc từ năm 17253.
– Một dòng tiền bằng đồng thau, nhỏ mỏng khoảng 20mm, khoảng 45 hiệu tiền, mang các niên hiệu thời trước kể cả Trung Quốc lẫn Việt Nam và các hiệu lạ, đã được tôi nhận định là do Mạc Thiên Tứ đúc tại Hà Tiên từ năm 17364.
– Một dòng tiền mang niên hiệu Đường – Tống… và các hiệu lạ, khoảng 85 hiệu tiền, đường kính khoảng 23mm, bằng kẽm, thư pháp đặc điểm khác hẳn các loại tiền Trung Quốc, đã được tôi nhận định là tiền kẽm do chúa Nguyễn Phúc Khoát đúc từ năm 17465.
– Một dòng tiền Thái Bình Thông Bảo bằng đồng thau, đường kính khoảng 23mm, có rất nhiều đặc điểm riêng biệt, đã được nhiều nhà nghiên cứu tiền cổ trên thế giới cho là do các đời đầu chúa Nguyễn đúc nhưng không giải thích gì. Đây là dòng tiền tôi đang lưu ý tìm cách nhận định và bàn luận.
– Một số loại tiền tạp chủng, chưa phân lập được.
Thật ra, cho đến nay, các nhà sưu tập đã tìm thấy các hiệu tiền Thái Bình như sau: Thái Bình Thông Bảo, Thái Bình Nguyên Bảo, Thái Bình Phong Bảo, Thái Bình Tống Bảo, Thái Bình Thánh Bảo, Thái Bình Pháp Bảo, Thái Bình Hưng Bảo. Ngoại trừ tiền Thái Bình Hưng Bảo đã được xác định là của Đinh Tiên Hoàng (968-979); tiền đồng đỏ Thái Bình Thông Bảo là do chúa Nguyễn Phúc Thụ đúc từ năm 1725; tiền đồng thau nhỏ mỏng (20-21mm) Thái Bình Thông Bảo, Thái Bình Thánh Bảo, Thái Bình Pháp Bảo là do Mạc Thiên Tứ đúc tại Hà Tiên từ năm 1746; tiền Thái Bình Nguyên Bảo và một loại Thái Bình Thông Bảo mang đặc điểm của tiền Trung Quốc nên đã loại trừ ở đây; chỉ còn tiền Thái Bình Thông Bảo và Thái Bình Phong Bảo nhưng cũng có rất nhiều loại, sách của Miuria Gosen (1966) cũng như nhiều nhà sưu tập đã giới thiệu, xem kỹ chúng ta có thể thấy các loại chính sau:
1. Thái Bình Thông Bảo 23mm; lưng tiền ngoài vành và gờ viền lỗ vuông, không có dấu hiệu gì.
2. Lưng tiền có điểm sao trên lỗ vuông.
3. Lưng tiền có một vòng tròn ngoại tiếp lỗ vuông.
4. Lưng tiền có một vòng tròn sát trong gờ viền, và một điểm sao trên lỗ vuông.
5. Lưng tiền có hai điểm sao trên lỗ vuông.
6. Lưng tiền có chữ “đồng” trên lỗ vuông.
7, Lưng tiền có nét “nhất” trên lỗ vuông, d-ới lỗ vuông có dấu chấm và phẩy; hoặc nếu dấu chấm và phẩy trên lỗ vuông, thì nét “nhất” dưới lỗ vuông1.
8. Thái Bình Phong Bảo bằng đồng thau, đường kính khoảng 23mm, mặt lưng có nét “nhất” trên lỗ vuông, dưới lỗ vuông có dấu chấm và phẩy.
9. Thái Bình Thông Bảo bằng đồng thau, đường kính 20mm, lỗ vuông rất lớn so với đồng tiền.
Tất nhiên rằng mỗi loại có thể có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng chúng ta nên hiểu ngày xưa khuôn đúc tiền đất sét làm bằng thủ công, do vậy các đồng tiền phần lớn đều có khác nhau, nhưng chung quy là có các loại tiền Thái Bình như vậy, và chúng đều có một nét chung rất riêng biệt là:
– Hai nét điểm của chữ “bình” tuy nhiều cách điểm khác nhau, nhưng hoàn toàn khác cách điểm trong tiền Trung Quốc, và lại giống cách điểm trong tiền Thái Bình bằng đồng đỏ hoặc bằng kẽm của chúa Nguyễn.
– Lưng các loại tiền trên tuy có các dấu hiệu khác nhau, nhưng xem kỹ vẫn thấy cùng đặc điểm, tương đồng, và khác hẳn các dòng tiền khác.
– Vành đồng tiền và gờ viền lỗ vuông ở mặt lưng bè rộng giống tiền Gia Thái Thông Bảo của Lê Thế Tông (1573-1577) và Vĩnh Thọ Thông Bảo của Lê Thần Tông (1658- 1661).
– Có một loại tiền Thái Bình Thông Bảo to, dày, đẹp có gờ viền lỗ vuông ở mặt lưng rất mảnh khác hẳn các loại kia, thì lại rất giống đặc điểm của tiền kẽm thời chúa Nguyễn (1746).
– Loại tiền Thái Bình tuy nhỏ 20mm, nhưng lỗ vuông có cạnh rất lớn so với đồng tiền, nên mang đặc diểm của tiền kẽm thời chúa Nguyễn.
GIẢI THÍCH NHẬN ĐỊNH
So sánh các đặc điểm riêng biệt của chủng loại tiền Thái Bình vừa kể với các chủng tiền khác, có thể nhận định rằng:
Do các chúa Nguyễn đời đầu mới di dân vào Nam, đã đem theo các thợ thủ công nghiệp ở Tây Đô (Thanh Hóa – là nơi trung hưng của triều Lê), cho nên tiền Thái Bình của chúa Nguyễn đã mang dáng dấp của tiền Gia Thái triều Lê.
Do “người nào mới được nối ngôi chúa thì cứ theo kiểu mẫu tiền cũ mà đúc”, cho nên dòng tiền Thái Bình này tuy mặt trước giống nhau, nhưng mặt lưng khác nhau, biểu hiện những khuôn đúc, đợt đúc khác nhau. Và vì không có chứng lý gì khác để phân biệt thời gian đúc, cho nên ngày nay chúng ta không thể phân biệt được loại nào do chúa nào đúc, trừ một vài loại sẽ bình luận sau.
Do từ năm 1746, chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) bắt dầu cho đúc tiền kẽm (trong đó có cả tiền hiệu Thái Bình), mà từ năm 1744, chúa lại xưng vương, nên tôi cho rằng loại tiền đồng Thái Bình to dày đẹp mang đặc điểm tiền kẽm đã nói, rất có thể được chúa đúc vào dịp xưng vương.
Do từ năm 1736, Đô đốc Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên đã được phép bắt đầu đúc tiền nhỏ mỏng 20mm, các loại tiền này cũng được lưu hành đến Thuận Hóa là thủ phủ xứ Đàng Trong, nên tôi cho rằng loại tiền Thái Bình Thông Bảo bằng đồng nhỏ 20mm (mang đặc điểm dòng tiền Thái Bình của chúa Nguyễn, chứ không mang đặc điểm dòng tiền của Mạc Thiên Tứ), chắc chắn chỉ do chúa Nguyễn Phúc Khoát hoặc Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) đúc, vì:
Tìm hiểu lại lịch sử tiền tệ Việt Nam, từ thế kỷ XVII trở về trước, mệnh giá đồng tiền rất ổn định (mỗi đồng tiền ăn 1 đồng), nhưng sang thế kỷ XVIII, do xuất hiện dòng tiền bằng đồng nhỏ mỏng của Mạc Thiên Tứ và lạm phát tiền kẽm, mới có sự đột biến về mệnh giá đồng tiền (2 hoặc 3 đồng mới ăn 1 đồng). Cho nên khi Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa (sau năm 1774) thì loại tiền Thái Bình Thông Bảo bằng đồng nhỏ 20mm đã được lưu hành rộng rãi, và nhân đó chép vào Phủ Biên Tạp Lục rằng “thường cứ 3 đồng tiền này mới ăn 1 đồng”.
Nhưng tại sao Lê Quý Đôn lại chép là “Nguyễn gia lệ sơ kế tập y dạng chú tiểu gian tiền dụng Thái Bình tự, kim dân gian sảo tồn nhất nhị diệt dĩ tam đương nhất” (tạm hiểu: thời khai quốc, các chúa Nguyễn mới nối ngôi đều theo lệ từ trước mà đúc tiền cỡ nhỏ hiệu Thái Bình; ngày nay, trong dân gian vẫn còn một hai phần loại tiền ấy, thường cứ 3 đồng tiền này mới ăn 1 đồng) ? Có phải loại tiền Thái Bình Thông Bảo bằng đồng nhỏ 20mm này đã được đúc từ thời quốc sơ, tức những đời đầu của chúa Nguyễn ???
Ta thấy sử ghi, từ đầu thế kỷ XVIII, “Bấy giờ có người huỷ tiền để đúc đồ dùng, số tiền cũ ngày một hao, cho nên có lệnh đúc thêm”. Như vậy, các loại tiền Thái Bình 23mm do các chúa Nguyễn đời đầu đúc, đến đầu thế kỷ XVIII đều bị dân gan huỷ để đúc đồ dùng, trở nên hiếm hoi; và Lê Quý Đôn không được thấy những đồng tiền Thái Bình to dày 23mm này, mà chỉ thấy những đồng tiền nhỏ 20mm (do được đúc sau các đợt huỷ) đang lưu hành rộng rãi, nên đã chép lại bị nhầm như thế. Và đây lại là căn cứ gốc để Quốc sử quán triều Nguyễn dựa vào đó mà diễn nghĩa thành: “Buổi quốc sơ thường đúc tiền đồng nhỏ (in hai chữ Thái Bình)”.
Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Phóng khoáng cởi mở, hòa cùng tâm nguyện “phản Thanh phục Minh” của Hoa kiều, các chúa nguyễn sẵn sàng cho tàn quân Đại Minh trú ngụ rộng rãi ở Đàng Trong, nhờ đó được họ giúp đỡ nhiều về phương diện kinh tế:
Chúa Nguyễn từng nhờ Hoa kiều đem thư sang Nagasaki trình Mạc Phủ Tokugawa (Đức Xuyên Mạc Phủ) thỉnh đúc giúp tiền đồng, sau đó mua được đồng đỏ của Nhật Bản để bắt đầu đúc ra hệ thống tiền đồng đỏ từ năm 1725. Sau khi hoàn tất cuộc Nam tiến, chúa cho cha con người Tàu là Mạc Cửu và Mạc Thiên Tứ làm đô đốc trấn Hà Tiên. Năm 1736, chúa cho Thiên Tứ mở cục đúc tiền để thông thương hải ngoại. Năm 1746, chúa lại nghe lời người Hoa họ Hoàng, mua kẽm trắng của Tây, mở cục đúc tiền ở Lương Quán (Huế) cho tiện việc tiêu dùng.
Sự xuất hiện của 3 hệ thống tiền ở xứ Đàng Trong đã đẩy nền kinh tế khu vực này phát triển mạnh mẽ, một vùng văn hóa Phú Xuân. Bởi chúng ta biết được: có một xã hội lớn đã khuất vào dĩ vãng, cũng nhờ dư âm vang dội và những di tích còn mang nhiều nét đậm khó phai. Cùng những chứng cứ khảo cổ học khác như đô hội cổ, thương cảng cổ, bến cũ nhà xưa, với những di vật gốm sứ, bi ký, chuông vạc… những đồng tiền cổ cũng phần nào giúp tái tạo diện mạo một xã hội với cảnh tượng sinh hoạt ồn ào hàng mấy trăm năm. Lần theo dấu vết phiêu du của tiền cổ, từ những lò đúc đến các đô thị rồi vượt sóng sang những chân trời hải ngoại xa xăm, chúng ta phần nào hiểu được tầm cỡ giao lưu thương mại quốc tế rộng lớn của các chúa. Và nhờ vậy, Đàng Trong được xem là một trong những trạm trung chuyển hàng hóa giữa các trung tâm vùng, trung tâm liên vùng với trung tâm liên thế giới.
Riêng về dòng tiền Thái Bình, từ các chứng lý trên, có thể nhận định rằng nhu cầu sử dụng tiền của các đời đầu chúa Nguyễn là rất cấp thiết; và việc các chúa đúc ra tiền Thái Bình như sử ghi đã đem lại sự tiện lợi (“khước tiện dân”) trong giao dịch thương mại, nên được dân chúng hoan nghênh. Tuy nhiên, sự thống kê tạm thời của chúng tôi chỉ mới thấy có 9 loại tiền khác nhau, phần nào gần trùng hợp con số 9 của 9 đời chúa Nguyễn.
Chúng ta còn nhớ, sự nghiệp vào Nam “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Thái tổ Nguyễn Hoàng là để thoát khỏi sự bức hại của họ Trịnh, tạo sự tự do (“thái bình”) cho mình; và lúc lâm chung, Thái Tổ đã dạy hoàng tử thứ 6 (tức chúa Sãi – Nguyễn Phúc Nguyên) những lời sau: “-Đất Thuận Quảng phía bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, … thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi lại với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta”1. Và những lời di huấn này đã được các chúa đời sau thực hiện bằng những cuộc phân tranh “-Ta không thụ sắc!”, dám ly khai với Đàng Ngoài, cát cứ Đàng Trong tạo nền móng mới để xây dựng cõi “thái bình” thịnh vượng một thời.
Vì thế, hai chữ “Thái Bình” trên hệ thống tiền mà các chúa theo lệ phải đúc, làm tôi thiển nghĩ, liệu đó có phải chính là một hình thức để luôn ghi nhớ sự tích “từ thuở mang gươm đi mở nước”, cũng như để nhắc nhở di huấn (“đừng bỏ qua lời dặn của ta”) của chúa Tiên?
Cũng bởi sau này, khi Thế tổ Nguyễn Phúc ánh nhất thống từ Gia Định đến Thăng Long, đã cho đúc một loại tiền Gia Long Thông Bảo mặt lưng lại có hai chữ “Thái Bình” viết theo lối triện2. Điều này càng làm tôi băn khoăn: -Có phải Thế Tổ viết hai chữ “Thái Bình” theo lối triện trên đồng tiền Gia Long, như muốn khẳng định rằng chính mình đã hoàn tất di mệnh của tổ tiên?
__________
1 Chẳng hạn xem báo Tuổi trẻ Chủ nhật số 16 năm 2003 (ra ngày 27/4/2003) có bài “Đất tiền cổ” của Nguyễn Quốc Khương; bài “Nhộn nhịp mua bán tiền cổ” trên báo Lao Động ra ngày 7/9/2004; hoặc bài “Quảng Bình: Hàng tấn tiền cổ được phát hiện… và biến mất” của Hồng Lam – Tâm Phùng trên An ninh Thế giới số 172 ra ngày 3/11/2004.
2 Christophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, NXB Thành phố HCM, 1998, Tr. 89.
3 Nguyễn Văn Kim, Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam á thế kỷ 15-17, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2003. Bảng 3.1, Tr. 125-126.
4 Quốc sử quán triều Nguyễn (Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch), Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo Dục, Đà Nẵng 2004, Tập 1, Tr 29-31.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, Tr 38.
2 Christophoro Borri, sđd, Tr.92.
3 Kawamoto Kuniye, “Nhận thức quốc tế của chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Ngoại phiên thông thư”, Đô thị cổ Hội An, NXB KHXH, Hà Nội, 1991, Tr. 171.
4 Chẳng hạn như: – Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ 17, 18 và đầu 19, NXB Sử học, Hà Nội, 1961. – Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, NXB Văn học, 2001. – LiTana, Xứ Đàng Trong -Lịch sử, kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, NXB Trẻ, 1999.
1 LiTana, sđd, Tr.136.
2 Dagh, Register gehouden int Casteel Batavia Vant, dẫn lại theo LiTana, sđd, Tr. 138.
3 Thành Thế Vỹ, sđd, Tr.148.
4 W.J.Buch, De Oost – Indische Compangie en Quinam, Amsterdam, H.J. Paris, 1929. Dẫn lại theo LiTana, sđd, Tr.138.
5 W.J.Buch, La Compagnie des Indes Néerlandaises et l’Indochine, dẫn lại theo Thành Thế Vỹ, sđd, Tr. 104.
6 Innes, The door ajar: Japan’s foreign trade in the 17th century, luận án tiến sĩ, University of Michigan, 1980, dẫn lại theo LiTana, sđd, Tr.138-139.
7 Bowyear, Nhật ký về Đàng Trong năm 1695, dẫn lại theo Thành Thế Vỹ, sđd, Tr. 226-227.
8 ChengChingHo, “Thập thất bát thế kỷ chi Hội An Đường nhân nhai nhập kỳ thương nghiệp” (nguyên bản chữ Hán), Tân á học báo, quyển 3, số 1, HongKong, 1960, Tr. 273-332.
1 Kawamoto Kuniye, sđd, Tr. 177.
2 Phạm Hy Tùng, Cổ vật gốm sứ Việt Nam đặt làm tại Trung Hoa, NXB Văn hóa Sài Gòn, 2006, Tr 110.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, Tr.139.
4 Lê Quý Đôn (Lê Xuân Giáo dịch), Phủ Biên Tạp Lục, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, 1972. Tập 2, Tr. 45,46.
LiTana, sđd, Tr.235-236 có giải thích rằng: “Bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Trung Hoa, Lê Quý Đôn đôi khi đã nhầm tiền đồng Nhật thành tiền đồng Trung Hoa. Chẳng hạn ông nói là vào năm 1774 quân của chúa Trịnh đã tìm thấy hơn 300.000 quan tiền đồng tốt nhất trong kho của họ Nguyễn tại Huế… Theo ông, đa số là tiền đồng Trung Hoa thời Tống (960-1279), và khi họ Nguyễn đúc tiền kẽm vào thập niên 1740, họ đã nhái lại dáng kiểu của đồng tiền Tường Phù của Trung Hoa (1008-1016). Tuy nhiên, nếu chúng ta so sánh đồng tiền kẽm có khắc các chữ Tường Phù Thông Bảo, rất có thể là do họ Nguyễn đúc vào thập niên 1740, chúng ta sẽ thấy là nó khác với đồng Tường Phù của Trung Hoa đời nhà Tống. Phải hơn, đồng tiền này nhái lại đồng Shofu Gempo [Tường Phù Nguyên Bảo] của Nhật, một trong những đồng tiền Nhật phổ biến nhất được đúc theo đồng tiền của Trung Hoa đời nhà Tống và nhà Minh. Đồng tiền này được đúc tại Nagasaki giữa các năm 1659 và 1684, cũng có những chữ Hán như vậy nhưng theo một mẫu khác. Do đó, rất có thể là trong số 300.000 quan tiền đồng tìm thấy trong kho của họ Nguyễn vào năm 1774,một phần lớn là tiền Nhật”.
Cách giải thích trên của LiTana hoàn toàn đúng theo lối lý luận, nhưng không chính xác vì thực tế tôi tìm hiểu nhiều thì thấy tiền lưu hành ở Đàng Trong đa số là tiền Trung Quốc, còn tiền Nhật cũng có nhưng số lượng rất ít, như vậy cách giải thích của Lê Quý Đôn phù hợp thực tế hơn. Ngay cả tiền mậu dịch của Nhật đúc tại Nagasaki cũng chỉ sử dụng lại các hiệu tiền của Trung Quốc, vậy thì việc chúa Nguyễn nhờ Hoa kiều đúc tiền cho mình như tiền Tường Phù Nguyên Bảo (chứ không phải “Thông Bảo” như Li Tana nói) thì hiệu tiền này cũng lấy lại theo hiệu tiền Trung Quốc chứ không thể giải thích là theo kiểu Nhật.
1 Lê Quý Đôn, sđd, Tr. 46.
1 Nguyễn Anh Huy, Đặt lại nền tảng của phương pháp nghiên cứu tiền cổ Đông á, tạp chí Khảo Cổ Học , số 1 năm 1996, Tr. 21-30.
2 Ogawa Hiroshi, Đông Dương cổ tiền, Giá cách đồ phổ (sách chữ Nhật), Tokyo, 1973, Tr 15-16, số thứ tự từ 100-111.
3 Nguyễn Anh Huy, “Những phát hiện mới về tiền đồng đỏ thời chúa Nguyễn”, tạp chí Khảo Cổ Học , số 2 năm 2003, Tr. 79-86.
4 Nguyễn Anh Huy, “Những phát hiện mới về họ Mạc đúc tiền ??”, tạp chí Khảo Cổ Học , số 3 năm 2001, Tr. 51-62.
5 Nguyễn Anh Huy, “Những phát hiện mới về tiền kẽm thời chúa Nguyễn”, tạp chí Khảo Cổ Học, số 1 năm 1998, Tr. 97-103.
1 Một vài ý kiến cho rằng ký hiệu lạ trên mặt l-ng của tiền Thái Bình này chính là ký tự dạng Katakana hoặc Hiragana của tiếng Nhật Bản, như vậy các loại tiền Thái Bình này chính là do người Nhật (có thể là Nhật kiều ở Hội An) đúc. Nhưng cách giải thích này không hợp lý vì chỉ một ký tự trong các dấu hiệu lạ ở lưng đồng tiền là giống mẫu tự Katakana, còn lại thì không phải, như vậy là không đồng nhất !
1 Quốc sử quán triều Nguyễn, sđd, Tr.37.
2 Miuria Gosen, An Nam tuyền phổ, Lịch đại tiền bộ (sách chữ Nhật), Nhật Bản, 1966, Tr 93.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Những vấn đề về tiền thời chúa Nguyễn (Tác giả: Nguyễn Anh Huy) |