Từ cô gái áo xanh ở Ái tử (Quảng Trị) đến Bà trời áo đỏ ở Thiên Mụ (Huế): Sinh lộ tư tưởng của vùng đất mới Nam Hà

Tác giả bài viết:  TRẦN ĐÌNH HẰNG
(Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế)

1. Vùng đất nam Hoành Sơn: Tử địa hay sinh lộ?

     Những tên gọi Bố Chinh – Bố Chính, “phên dậu phương Nam”, “đất lòng dạ” theo cách nói của Lê Lợi… để chỉ vùng đất phía nam Hoành Sơn suốt từ thời Lý – Trần – Lê, tự nó, đã nêu bật lên được tính chất “ác địa” trong quan niệm truyền thống Thăng Long. Đến thời Lê mạt, tính chất “tử địa” còn được bổ sung thêm bởi tàn quân Mạc mà sử liệu từng đề cập.

     Hai ví dụ có thể coi là điển hình cho hai xu hướng quan niệm về vùng đất phía nam Hoành Sơn trước mốc niên đại Mậu Ngọ (1558) là cách nghĩ của Trịnh Kiểm (phổ biến) và của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (cá biệt).

     Nội tình dòng họ Nguyễn – Trịnh rất phức tạp, nhưng rõ ràng là có tồn tại mâu thuẫn, lại càng cụ thể hơn sau khi Chiêu Huân Tĩnh Công (Nguyễn Kim) và Tả tướng Lãng quận công Nguyễn Uông mất. Trước thế lực của Trịnh Kiểm, một người như Đoan Quận công Nguyễn Hoàng phải “tự lắng xuống, kín đáo giữ mình” (QSQ triều Nguyễn, 1998: 645), thậm chí còn giả điên (Nguyễn Khoa Chiêm, 1994: 26-27). Thực thi câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm1, mới dẫn đến cơ duyên Nguyễn Hoàng vào Nam (Lê Văn H-u, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, 1993: 606, 611), mà trong quan niệm phổ biến đương thời, vẫn là một vùng “ác địa”, cả về sơn lam chướng khí cũng như thế lực phe đảng nhà Mạc, làm cho Trịnh Kiểm muốn lợi dụng2, dù vẫn rất dè chừng1.

     Rõ ràng là với vô vàn khó khăn trước mắt, nhưng với nhãn quan chiến lược của các chính trị gia xuất chúng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàng v.v…, thì đi về phương Nam vẫn là sinh lộ độc đạo cho việc giải quyết nạn nhân mãn ở vùng châu thổ Bắc bộ vốn bắt đầu nảy sinh căng thẳng từ thời Lý, Trần; đặc biệt là cho nhu cầu xây dựng một thế lực chính trị mới trong bối cảnh đương thời.

2. Vấn đề tư tưởng trong chặng đường biến chuyển tử – sinh qua ải Hoành Sơn, làm nên xứ Đàng Trong

     Suy cho cùng, hai khía cạnh đặc biệt quan trọng góp phần tạo dựng nên xứ Đàng Trong chính là ngoại thương tư tưởng. Từ đó, đã làm nên quá trình tiệm cận tính chất Đông Nam Á trong văn hóa Đàng Trong nói chung2. Ranh giới địa – chính trị vô cùng quan trọng là Hoành Sơn – Hải Vân Sơn, khi mà quá trình dời dựng thủ phủ của họ Nguyễn xứ Đàng Trong từ vùng đất đứng chân buổi đầu ở Ái Tử, cứ sau một biến cố, đặc biệt là ra Bắc trở vào, lại được dịch chuyển về nam: Trà Bát ⇒ Dinh Cát ⇒ Phước Yên ⇒ Kim Long ⇒ Phú Xuân ⇒ Bác Vọng ⇒ Phú Xuân, gắn liền với việc kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp theo hướng chuyển dần từ tính chất quân sự buổi đầu sang tính chất dân sự về sau. Chỉnh thể Thuận – Quảng đã mang lại sức sống Đàng Trong, “tập trung vào một trung tâm chính trị ở Phú Xuân (Huế) và một trung tâm buôn bán ở Hội An và Đà Nẵng. Sự trỗi dậy của Thuận Quảng với tư cách một trung tâm quyền lực khu vực mới trong hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá đã bắt đầu bằng việc di dời của Nguyễn Hoàng và tuỳ tùng vào khu vực này năm 1558” (Taylor K. W., 1998). Trung tâm chính trị – tư tưởng (Thuận) và trung tâm kinh tế thương mại (Quảng) là sự bổ sung kiện toàn cho sức sống của chính thể mới Nam Hà. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đi sâu phân tích khía cạnh tư tưởng của chính thể Nam Hà: Các truyền thống văn hóa bản địa và Phật giáo.

     Có thể bắt đầu chuỗi hành trình bằng ý kiến cho rằng Hoành Sơn nhất đái là gì nếu không phải là bài học địa – chính trị vỡ lòng của Nguyễn Hoàng?”, khi nhấn mạnh cách mà ông lưu luyến nhà Lê chính là “Lưu luyến trong khôn khéo ngoại giao; cắt đứt trong tư tưởng” để xây dựng đất mới (Cao Huy Thuần, 2005).

     Một điểm vô cùng quan trọng trong “tính chất Đông Nam Á” của Đàng Trong thường được nhấn mạnh là một xã hội “hữu Phật, phi Nho” (Li Tana, 2001: 186) cũng như sự trỗi dậy của các yếu tố văn hóa địa phương (quá trình bản địa hóa). Phân tích các dữ liệu từ chính sử, có ý kiến cho rằng Nguyễn Hoàng “có xu hướng thu hút bởi các nữ thần” (Tạ Chí Đại Trường, 2006: 210). Thực ra, những nhận định đó chỉ sát thực được ở giai đoạn đầu, hay một nửa, có thể nói là lúc mà tính chất Đông Nam Á tiệm cận nhất, khi “Nguyễn Hoàng có đủ đức độ để giành được sự quan tâm và giúp đỡ của các thế lực siêu nhiên” (Keith W. Taylor, 2001: 98); còn về sau, một khi chính thể họ Nguyễn đi chệch khỏi quĩ đạo đó, quá trình phong kiến hóa bắt đầu thì yếu tố Nho giáo/vai trò của Nho sĩ ngày càng được củng cố 1.

     Điểm nữa cần lưu ý ở đây là không hoàn toàn các nữ thần “thu hút” Nguyễn Hoàng một cách tuyệt đối mà cũng có thể lập luận phần nào theo hướng biện chứng: tài năng của Chúa Tiên đã thấy được ở đó sức mạnh cố kết nhân tâm một cách thiết yếu, mà ông – đang mưu cầu nghiệp bá mới, xây dựng chính thể mới, trên vùng đất mới – đang cần, mà chúng tôi gọi là nguyên tắc “thiêng hóa”, và cũng khẳng định yếu tố bản sắc – bản địa hóa: từ cấp độ (1) các làng xã cho đến (2) vùng miền và sau cùng là (3) quốc gia lãnh thổ, đã giúp khẳng định tính chính danh và vấn đề nhân tâm của họ Nguyễn, là hợp lòng người, thuận ý trời.

     Qua quá trình khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy ở vùng Trị – Thiên hiện nay vẫn hiện hữu di tích gắn liền với giai thoại, truyền thuyết và lễ hội gắn liền với một Bà Tơ có công phò chúa Nguyễn Hoàng trên phá Tam Giang: một ở làng Bác Vọng Đông, Quảng Phú, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế và một ở làng An Mô, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Truyền khẩu dân gian có đôi điều dị biệt nhưng điểm chung ở đây là nhân vật Bà Tơ đã được khẳng định, “lịch sử hoá” thành đối tượng thờ cúng, nghi lễ thờ cúng đã trở thành lễ hội của làng xã 1; và đặc biệt là từng được chính sử ghi nhận 2 (Chapuis. A., 1932; Trần Đình Hằng, 2004).

     Ở cấp độ vùng miền, hiện tượng tín ngưỡng phổ biến ở Thuận Hoá gắn liền với một sự kiện lịch sử quan trọng sau 14 năm tìm đất đứng chân của họ Nguyễn được ghi nhận, là sự ủng hộ của Thần sông Trão Trão qua hình ảnh cô gái áo xanh, hiến kế mỹ nhân giúp Nguyễn Hoàng có được trận thắng đầy ý nghĩa đầu tiên trước tướng Mạc là Lập Quận công Bạo ngay bên bờ sông Ái Tử năm 1572. Đây là vị thần chính thống đầu tiên của Nam Hà, bởi ngay sau chiến thắng, thần sông Ái Tử đã được nhà Chúa “…phong cho thần sông làm Trảo Trảo Linh Thu Phổ Tế Tương Hựu phu nhân, và cho lập miếu thờ” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 30) 3.

     Liền kề với sự kiện Bà Tơ trên phá Tam Giang (người giúp đỡ), đến Cô Gái áo Xanh (thần giúp đỡ), rõ ràng là từ chỗ “thoát hiểm” trong một cuộc truy đuổi, đến chiến thắng, dù là bằng thủ đoạn không đáng mặt anh hùng nhưng lại được khoác lên bên trên một lớp áo linh thiêng, huyền hoặc…, Nguyễn Hoàng đã kịp thời trấn an quân tình trong buổi đầu ươm mầm trong nhân tâm một niềm tin, sự an ủi lớn, xoá dần những lo sợ trước quân thù và cả nỗi ám ảnh về những vị thần bản địa xa lạ, đầy quyền năng.

    Tuy nhiên, từ Bà Tơ cho đến “Trảo Trảo phu nhân” cũng chỉ là những bước đi căn bản cho việc thiết lập căn nguyên tư tưởng cho vùng đất mới, mở rộng tầm ảnh hưởng từ làng xã cho đến vùng miền. Và sứ mạng đó ở tầm vĩ mô quốc gia lãnh thổ, Bà Trời áo Đỏ sẽ giúp Nguyễn Hoàng dựng nghiệp Đàng Trong, tiến lên một bước cao hơn: bình ổn dân tình.

     Xem ra, có vẻ như một điều khá ngẫu nhiên khi thấy sử sách ghi lại việc Nguyễn Hoàng cho xây chùa Thiên Mụ (1601)1. Cũng với lập luận biện chứng như ở phần trên chúng tôi đề cập, tín ngưỡng thờ nữ thần rất phổ biến đương thời nhưng điểm đáng bàn là tài năng chính trị nhạy bén xuất chúng của Nguyễn Hoàng đã kịp thời nắm bắt, khai thác và hướng tất cả vào mục tiêu bình ổn nhân tâm2. Điều đó lại thêm phần ý nghĩa nếu biết rằng trước đây, Nguyễn Hoàng từng rất ghét đạo Phật: “Ngày trước, khi còn ở Trung đô, một hôm giả vờ ốm mệt đi dạo chơi ở ngoài, bị một gã thầy chùa làm nhục. Từ đó ôm giận nhà chùa, hễ khi có việc chay đàn sám nguyện cầu phúc thường chỉ chuộng dùng đạo sỹ, không dùng tăng thích. Các nhà sư đều lánh xa, không ai dám đến hầu” (Nguyễn Khoa Chiêm, 1994: 38).

     Taylor cũng nhận thấy: “Các giai thoại ghi lại sự gặp gỡ giữa Nguyễn Hoàng với thần linh địa phương và thiết lập nơi thờ cúng gợi cho thấy việc áp dụng một phương thức đặc biệt Việt Nam trong sự thiết lập một địa điểm mới của quyền lực hợp pháp, lần đầu tiên tại vùng đất mới phương Nam” (Taylor. Keith W., 2001: 179). Ở dạng thức này, nhiều sự kiện cần được lưu ý. Ngay từ buổi đầu trên vùng đất đứng chân Ái Tử, trước hiện tượng người dân bản địa mang 7 chum nước đến vẩy mừng vị tân trấn thủ, lời giải thích của vị quốc cữu Nguyễn Ư Dĩ rất có ý nghĩa: “Đấy là phúc Trời cho đó. Việc trời tất có hình tượng. Nay chúa thượng mới đến mà dân đem Nước dâng lên, có lẽ là điềm được Nước đó chăng” (QSQ triều Nguyễn, 1997: 83). Trong trận chiến trên sông Ái Tử, cho dù là “mẹo vặt”, “thủ đoạn” rất “không đáng mặt trượng phu”, dễ làm mất lòng người (mỹ nhân kế), nhưng tài năng lỗi lạc của nhà quân sự, chính trị gia Nguyễn Hoàng đã sớm vận dụng nguyên tắc “thiêng hóa” để có được chiếng thắng, trấn an quân tình qua lời mách bảo của thần sông Trảo Trảo (Cô Gái áo xanh), tương tự như Bà Trời áo đỏ để khai sinh chùa Thiên Mụ sau này. “Có vẻ đó là hình ảnh của tin tưởng tôn giáo tiên tri của phương Nam trùng hợp với quan niệm mong đợi chân chúa Nho giáo được đưa ra để ủng hộ ý thức phân ly thành hình trong con người Nguyễn Hoàng sau lần trốn về nam (1600)” (Tạ Chí Đại Trường, 2006: 211).

     Thực lục tiền biên thường đề cập đến việc chúa Nguyễn Hoàng “thường kinh dinh đất này [Phú Xuân và vùng đất nam Hải Vân]”. Dù rằng xem ra sử liệu đề cập có vẻ như rất tình cờ, kể cả chuyện cử người con trai thứ sáu đầy tài năng Nguyễn Phúc Nguyên trấn thủ Quảng Nam – cửa ngõ kinh tế ngoại thương, trọng trấn phương Nam…, nhưng đặt trong bối cảnh như trên đã đề cập, có thể thấy sự kiện Hà Khê – Thiên Mụ tự ra đời trên nền tảng giai thoại dân gian về Bà Trời áo đỏ cùng lời sấm truyền liên quan đến vị “chân Chúa” xuất hiện là một bước chiến lược trên con đường phát triển Đàng Trong về nam, mở đầu từ chúa Tiên và được các chúa kế tục tuân thủ thực hiện: không còn là vấn đề “quân tình” giới hạn trong một trận đánh ở Ái Tử chật hẹp nữa mà Bà Trời áo Đỏ đã mang một sứ mạng khác, tầm vóc quốc gia lãnh thổ, hay chí ít cũng là vùng miền – “dân tình” để cố kết nhân tâm, xác lập hệ tư tưởng.

     Sau năm Tân Sửu (1601), nhiều ngôi chùa được tái thiết, xây dựng, như chúa Tiên cho sửa chùa Sùng Hoá (1602), dựng chùa Long Hưng (Quảng Nam), dựng chùa Kính Thiên (Quảng Bình, (1609) v.v… Không chỉ trong dân gian, mà cả chốn cung nội, nhiều người theo Phật, kể cả nhà chúa1.

     Kim Long – Phú Xuân, xét theo hệ qui chiếu của “hệ thống trao đổi ven sông”, sẽ thấy được nguyên tắc bản địa hóa của các chúa Nguyễn, bao gồm cả sự kết hợp các yếu tố vương quyền – thần quyền. Xin lưu ý rằng vị trí thủ phủ rất gần Hà Khê/Thiên Mụ tự vốn gắn nhiều truyền tích thực hư chưa biết thế nào nhưng rõ ràng là phổ biến chốn dân gian, có lịch sử kéo dài đến tận cả thời Cao Biền. Hơn nữa, phía bên kia sông Hương, là Thành Lồi, Long Thọ cương, rồi ngược dòng lên phía thượng nguồn không xa là đền Ngọc Trản (điện Hòn Chén).

     Tài năng của các vị chúa Nguyễn, đặc biệt như Nguyễn Hoàng, thể hiện rõ ở khía cạnh tư tưởng này và có thể nói, đó chính là nền tảng vững chắc nhất cho hệ thống chính quyền được kiện toàn và phát triển, mà quá trình định đô sau cùng là ở vùng Huế. Taylor. K. bằng việc phân tích hai bộ chính sử Toàn thư Thực lục, đã khắc họa rõ nét nên hai hệ thống quan điểm nhìn nhận, xuất phát từ hai hệ qui chiếu khác nhau, có thể tạm gọi là tính chất Đông Á và tính chất Đông Nam Á:

     “Toàn thư nêu bật ý tưởng về Nguyễn Hoàng như một kẻ xảo trá, ngạo mạn và đầy tham vọng, người đe dọa nền hòa bình và ổn định quốc gia, người không thể lay chuyển bởi yêu cầu về lòng trung thành.

     Thực lục phác họa ông như một người làm những gì mình muốn, người làm họ Trịnh lo sợ; điều này không quá mâu thuẫn với cách nhìn của phương Bắc. Nhưng nó còn cho thấy Nguyễn Hoàng là người có số mệnh vượt ra ngoài đường chân trời của các bậc tiền bối, người gây nên tiếng vang với phong cảnh của vùng đất mới, các thế lực siêu nhiên cư ngụ ở đó và những cơ hội có được”.

     Nguyên tắc thiêng hoá được họ Nguyễn vận dụng triệt để, nhấn mạnh tính “hợp lòng người, ý trời” của chính thể mới, từ cấp độ làng xã đến vùng miền và quốc gia lãnh thổ. Có thể tóm lược vấn đề qua sơ đồ dưới đây:

Dấu ấn các nữ thần trong quá trình dời dựng thủ phủ xứ Đàng Trong

     Đàng Trong gắn liền với biểu tượng của khát vọng tự do, rộng mở và cả tính cách mạng, mà sự nghiệp của các chúa được ví như “cánh chim bằng của miền Thuận Quảng”. Do vậy mà không phải ngẫu nhiên, có ý kiến cho rằng ranh giới của tính chất Đông Nam Á đó chí ít cũng từ Hoành Sơn, hay rõ nét nhất là ở Hải Vân Sơn, và “Cuộc gặp gỡ của ông với thế giới rộng lớn vùng Đông Nam Á đã đem lại một bài học kinh nghiệm mới về sự tự do. Ông dám chấp nhận bị tuyên án là một kẻ chống lại triều đình nhà Lê bởi ông đã tìm được vùng đất, nơi những lời tuyên bố như vậy không còn quan trọng nữa. Giao điểm của Đông Nam Á và Việt Nam là chỗ để thử nghiệm những lựa chọn về việc nên là như thế nào mà không cần một mô hình vũ lực. Ở phương Nam, Nguyễn Hoàng là trung tâm của một quốc gia Việt Nam mới…” (Taylor. Keith W., 2001: 175, 181).

3. Vấn đề đặt ra

     Tôn trọng sắc thái văn hoá bản địa và từng bước tích hợp với truyền thống văn hoá Thăng Long trên vùng đất mới một cách phù hợp là tinh thần xuyên suốt trong chiến lược nhân tâm của các chúa Nguyễn ở Nam Hà, đặc biệt là từ Tiên chúa Nguyễn Hoàng. Quá trình thực hiện nguyên tắc thiêng hoá ở đây và dấu ấn Phật giáo đã góp phần chính yếu tạo dựng nên sắc thái văn hoá Đàng Trong.

     Trong lịch sử Việt Nam, có hai thời kỳ Phật giáo hoà mình trở thành sức mạnh quốc gia, dân tộc: thời Lý – Trần và thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tuy nhiên, xét đến tận cùng, ở hai thời kỳ này lại có sự khác biệt căn bản về bản chất: CHIẾN LƯỢC ở thời Lý – Trần nhưng là SÁCH LƯỢC ở thời Đàng Trong.

     Sở dĩ nói tới tính sách lược là bởi trong một bối cảnh bất đắc dĩ không thể chọn lựa Nho giáo bởi họ Nguyễn muốn tránh tiếng soán nghịch, bất đạo theo quan điểm Nho gia truyền thống Thăng Long của nhà Lê. Trên độc đạo đi về phía nam, Phật giáo được lựa chọn như là một sinh lộ cũng gần như là độc đạo trên cơ sở kế thừa, tích hợp các tín ngưỡng bản địa, mà nổi bật là dấu ấn của các NỮ THẦN. Một khi đủ mạnh, chính quyền Đàng Trong lại sớm quay trở lại con đường “phong kiến hoá”, với mục đích sau cùng là xác lập một chính thể phong kiến, thì đương nhiên Nho giáo không thể thiếu. Việc cải tổ bộ máy hành chính theo hướng dân sự hóa cho thấy rõ điều đó, thậm chí còn tự xưng là Quốc chúa, hay Quốc vương. Thậm chí Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu còn sai Nguyễn Quang Tiền soạn biểu tiến cống và giao cho giám sinh Hoàng Thần, tăng đồ Hưng Triệt sang nhà Thanh cầu phong. Thêm vào đó là các biểu hiện khác như xây dựng Văn miếu, đàn Nam Giao và tổ chức tế Giao, tổ chức các kỳ Quận thí mùa xuân và Hội thí mùa thu1, v.v…

     Xã hội Đàng Trong từ chỗ “hữu Phật phi Nho”, dần chuyển sang một xã hội ngày càng đậm nét Nho giáo, và chính quá trình phong kiến hoá gắn liền với sự lớn mạnh của chính thể mới Nam Hà đã càng làm chậm lại, dẫn đến đứt gãy quá trình tiệm cận tính chất Đông Nam Á của Đàng Trong, cả về ngoại th-ơng lẫn t- t-ởng. Suy cho cùng, đó cũng là nguyên nhân sâu xa cho vấn đề và cũng là thực trạng “bế quan toả cảng” của xã hội Việt Nam thời Nguyễn, từ thế kỷ XVIII – XIX.

__________
1 Xem thêm những phân tích của Keith W. Taylor về sự kiện này: “… khả năng của Nguyễn Hoàng là nhân tố quyết định và ông đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà hiền triết của quốc gia xức dầu thánh phong làm người trị vì miền Nam…” (Keith W. Taylor, 2001: 97). Trịnh – Nguyễn diễn chí cho biết, mùa hè năm Canh Tý (1600), do “phải tính kế giữ mình, nhưng không nghĩ ra cách gì” mới tới xin Trình Quốc công vấn kế, thì được ông cho tờ giấy vẻn vẹn 8 chữ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Nguyễn Khoa Chiêm, 1994: 73).

2 Theo Cương mục, Thuận Hóa là đất cũ nhà Lê nhưng “bè đảng nhà Mạc phần nhiều ra vào ẩn hiện ở đó, nhà Lê chưa rỗi kinh lý được. Gia Dũ bèn nhờ Trưởng công chúa Ngọc Bảo cầu xin cho vào trấn giữ đất đó. Trịnh Kiểm cho rằng đó là chỗ đất hiểm trở xa khơi, bèn muốn lợi dụng, nên cũng ưng thuận”. Tờ biểu có nói: “Thuận Hóa là nơi có hình thế đẹp. Để làm nên sự nghiệp lớn, bản triều lúc mới khai quốc, phải nhờ vào sự đóng góp quân lính và tiền tài của Thuận Hóa. Có điều là Thuận Hóa bị giặc Mạc chiếm cứ đã lâu, lòng người hãy còn phản trắc, phần nhiều vượt biển đi theo họ Mạc, hoặc nhân dịp đưa giặc đến quấy, ở phía sau chúng ta. Đó là điều rất đáng lo ngại, Vậy nếu không được tay lương tướng vào đấy trấn giữ vỗ về thì không xong. Đoan Quận công là con nhà tướng, có tài năng và mưu lược, nay nên ra lệnh cho hắn vào trấn áp đất ấy, gây thế ỷ dốc với Trấn quận công Bùi Tá Hán ở Quảng Nam, ngõ hầu không có cái lo phải đoái hoài đến miền Nam. Nhà vua nghe theo”, “công việc trong cõi thảy đều cho phép được tùy tiện xử trí, hằng năm chỉ thu lễ công và phú thuế mà thôi” (QSQ triều Nguyễn, 1998: 645).

1 Tháng giêng Canh Ngọ (1570), Thượng tướng dâng biểu tâu vua cho Nguyễn Hoàng đi các xứ Thuận Hóa, Quảng Nam, thống suất binh tượng, thuyền bè, và trấn phủ dân địa phương để cõi phiên trấn được vững mạnh, mà vẫn không quên khuyên răn: “Nhà nước trao cho khanh chức vụ nặng nề này, khanh nên trước sau một tiết dốc hết tâm sức như xưa để phò tá nhà vua”(Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, 1993: 612), (QSQ triều Nguyễn, 2002: 28).

2 Nhưng cũng chỉ dừng lại ở Huế, để rồi sau đó lại diễn ra quá trình quay trở lại tính chất Đông Á truyền thống, diễn ra suốt từ cải cách của Võ Vương cho đến đỉnh cao là sự tái lập vương triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Đây lại là một khía cạnh khác khi nghiên cứu về thời Đàng Trong, thời Nguyễn (Trần Đình Hằng, 2007).

1 Trong Nam hà tiệp lục, tác giả nhìn nhận rằng các chúa sớm “thấy việc dùng binh là cấp thiết nhưng Nho học là điều không thể thiếu” (Lê Đản, 1999).

1 Văn tế Bà Tơ ở làng Bác Vọng nhấn mạnh: “Kính nghĩ: Lệnh Bà cao quý Thánh Mẫu nương nương, công lớn rõ ràng, đoan trang thần chính, được sắc phong Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng Trang Huy Trung đẳng thần. Từ xuống cõi trần, giúp phò bậc thánh. Một mớ tơ mà cứu gian nguy, đàn bà nhưng hào kiệt; hai thẻ bạc còn ghi sự tích, con gái cũng công thần. Lệ thêm khen thưởng công đầu, Tam Giang ban cấp; đời mãi chung vui lợi lớn, trăm thuở nhờ ơn…” (Lê Nguyễn Lưu dịch).

2“Năm Quý Tỵ (1592), mùa hạ, Thái Tổ (tức Thái Tổ Gia Dũ hoàng đế Nguyễn Hoàng) lại ra Đông Đô, ở lại 8 năm, nhiều lần đi đánh giặc, Ư Dĩ theo hầu ở tả hữu chúa. Năm Canh Tý (1600), mùa hạ, Thái tổ vượt biển về nam, thuyền đến cửa biển Thần Phù, dân nhiều người đi theo. Nghe nói quân Trịnh đuổi riết, Ư Dĩ sai quân bơi thuyền đi nhanh. Dây thừng bị đứt. Có người huyện Yên Mô là Phạm Thị Công dâng một sọt tơ sống để làm thừng kéo thuyền, thuyền bèn đi nhanh [Phạm Thị Công theo vào Thuận Hóa, đến lúc chết được phong là Thị Tùng Hỗ Giá Phạm Phu Nhân] (QSQ triều Nguyễn, 1997: 83 – 84).

3 Tháng 8/Nhâm Tuất (1572), t-ớng Mạc là Lập Quận công đem hơn 60 binh thuyền đi đường biển vào đánh Thuận Hoá Quảng, thế rất mạnh. Trấn thủ Nguyễn Hoàng dùng mưu dụ Lập đến, chém ở giữa sông, quân giặc tan vỡ, vượt biển trở về, bỗng gặp gió bão, chết hết ở ngoài khơi (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên…, 1993: 617). Nhất thống chí mô tả kỹ hơn: Lập Bạo đem quân vào lấn, chúa thượng thân đi đánh, đóng quân ở bên sông Ái Tử, nghe có tiếng oa oa, chúa thượng lấy làm lạ, đứng dậy nhìn, thì chỉ thấy làn sóng ào ào mà thôi, nhân lẩm nhẩm khấn rằng: Thần sông có thiêng, nên giúp ta đánh tan quân giặc. Đêm ấy, mộng thấy một người đàn bà, xin dùng mĩ kế. Bèn sai nàng hầu là Ngô Thị đi dụ, giả vờ mời Lập Bạo đến hội thề. Chúa nhân đặt phục binh bắt giết Lập Bạo. Sau khi xong việc, bèn lập đền thờ thần. (QSQ triều Nguyễn, 1997a: I: 197). Đồng Khánh địa dư chí (QSQ triều Nguyễn, 2003: 1387) còn cho biết thêm, từ năm Dương Đức thứ 2 (1673, đời Lê Gia Tông), đến năm Tứ Đức thứ 3 (1850), trước sau được phong tặng hơn 10 đạo sắc văn, “xưa nay dân cầu tạnh cầu mưa đều đến lễ ở miếu này, phần nhiều thấy ứng nghiệm”. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), ngự giá Bắc tuần, vua cho khắc bài thơ ngự chế:

Vãn phiếm khinh chu quá bích phù
Giang sơn cảm tích việt mao lâm
Thần công đế tạo thiên thu tại
Thánh vũ chiêu thuỳ vạn cổ khâm
Trợ thuận thanh thanh thu lãng dị
Hiệu linh trận trận tặc thuyền trầm.
Hà can miếu mạo truyền hương hoả
Phong động ba minh trợ quốc tâm.

(Duyềnh xanh thuyền nhẹ lướt như bay
Trấn thủ vua ta đến đất này
Vun đắp công thần muôn thu vững
Soi ngời ơn thánh vạn thuở dày
Giúp chính bờ vang chim thứu hót
Trợ thiêng thuyền giặc đắp sông đầy
Sông khô miếu mạo luôn hương khói
Sóng gào gió động giúp nước này).

1 “Bấy giờ chúa dạo xem hình thế núi sông, thấy trên đồng bằng xã Hà Khê (thuộc huyện Hương Trà), giữa đồng bằng nổi lên một gò cao, như hình đầu rồng quay lại, phía trước nhìn ra sông lớn, phía sau có hồ rộng, cảnh trí rất đẹp. Nhân thế hỏi chuyện người địa phương, họ đều nói rằng gò này rất thiêng, tục truyền rằng: Xưa có người đêm thấy bà già áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò nói rằng: ‘Sẽ có vị chân chúa đến xây chùa ở đây, để tụ khí thiêng, cho bền long mạch’. Nói xong bà già biến mất. Bấy giờ nhân đấy mới gọi là núi Thiên Mụ. Chúa cho nơi ấy có linh khí, mới dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ” (QSQ triều Nguyễn, 2002: 35).

2 Có lẽ hiện tượng/sự kiện Đức Mẹ hiện ra ở La Vang (Quảng Trị) hồi cuối thế kỷ XVIII, cũng là một phương thức tiếp nhận, tiếp cận và vận dụng quá trình thiêng hóa dưới góc độ tôn giáo.

1 Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đúc kết, xứ Đàng Trong “tôn sùng đạo nho mà kính trọng đạo Phật, đương nhiên con đường chính trị ắt phải lấy lòng nhân nghĩa mà cưu mang sự nghiệp, nhờ vậy đất nước thái bình, thân tâm an lạc (Ngự chế Thiên Mụ tự). Văn bia tổ sư Nguyên Thiều tại chùa Quốc Ân (sao dựng năm 1730) cũng khẳng định: “Nhìn lại quá trình của nước ta từ khi khai quốc dựng nước đến nay, trên từ vua chúa, quan quân, cho đến thứ dân, đâu đâu cũng lập chùa dựng am, cung đón và đào tạo tăng tài, cúng dường Phật tổ” (Giới Hương, 1994: 12-13, 42 – 44).

1 Theo Tiền biên thì kỳ thi Đình đầu tiên được tổ chức năm Bính Tuất (1646) thời chúa Thượng; đến năm Quý Dậu (1693), tổ chức được 7 kỳ thi, tuyển 140 người; chỉ riêng các năm 1694 – 1695, số văn chức được tuyển đã lên đến 285 người, v.v…

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Từ cô gái áo xanh ở Ái tử (Quảng Trị) đến Bà trời áo đỏ ở Thiên Mụ (Huế): Sinh lộ tư tưởng của vùng đất mới Nam Hà (Tác giả: Trần Đình Hằng)