ÔNG CHỦ BÚT – NHÀ MÔI GIỚI trong hệ thống truyền thông đại chúng
PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng là nhà báo thuộc tạp chí Người Làm Báo – Hà Nội. Ông từng viết sách, viết báo từ trước 1975 tại Sài Gòn với những bút hiệu khác nhau – Nguyễn Vũ Dũng (từ điển Việt Nhật), Văn Vi Trình (Việt Nhật thông thoại từ điển), Chính Văn (Hán Nhật từ điển).
Sau 1975 – dù lãnh đạo một trường Đại học Tư thục có quy mô – đa lĩnh vực – tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông không hề rời khỏi cây bút với nhiều bài viết đủ thể loại để cống hiến cho độc giả. Đặc biệt, lại là người đã ấn hành quyển tiểu thuyết “Con Kền Kền và thằng bé” – đã được dịch ra Anh ngữ và sẽ tiếp tục ấn hành một số tác phẩm mới trong thời gian tới.
Nay chúng tôi xin phỏng vấn tác giả về vai trò của một ông Chủ bút trong thế giới tư sản theo nguồn tài liệu mà ông đã biết được để cống hiến cho độc giả của báo và cũng là để cống hiến cho ngành ngữ văn truyền thông đại chúng mà ông đã xây dựng tại trường của ông.
x x x
Vai trò của một chủ bút chuyên nghiệp
◊ Với tư cách là một nhà báo, nếu như muốn trở thành một chủ bút chuyên nghiệp, xin ông thử hình dung vai trò của nhân vật này!
Hình dung thế nào là một chủ bút chuyên nghiệp theo cách nhìn của giới “báo chí tư sản” học được từ giới báo chí Mỹ – trước những năm 1975, tôi thấy cần viết lại trong hoàn cảnh này để sinh viên ngành Ngữ văn truyền thông đại chúng của trường tham khảo. Nghĩa là – ông chủ bút – một người làm công việc của một anh chàng “thủ thư” – thu nhập và chọn lọc các bài viết để trình lên rồi đưa đi nhà in. Có nghĩa là – ông ta chỉ làm công việc của người “môi giới” giữa các tác giả khác nhau. Đây là những cộng tác viên với các độc giả trong cộng đồng xã hội.
Cách giải thích nói trên là cách lập luận của John Fischer của tờ Harper’s – số tháng 6 – năm 1967 – khi đặt vai trò của chủ bút (chính là ông) trong một tạp chí. Fischer cho rằng – quá trình lao động ấy đã bộc lộ một thứ tình cảm bất thường: nghi ngờ, thảo luận, đính chính, hiệp thương (cùng trao đổi thương lượng).
Ông chủ bút và Yếu tố nghi ngờ
◊ Tại sao lại đặt ra yếu tố nghi ngờ?
Trước hết cần hiểu mỗi tạp chí đều có một đặc tính riêng, một loại bút pháp riêng, một quan điểm lập trường riêng, một vấn đề quan tâm riêng và một quan niệm về bài viết riêng. Vì nếu không có các đặc điểm riêng ấy thì một tạp chí đã biến thành một loại tuyển tập định kì gồm các bài viết của những nhà văn, tài tử (nghiệp dư) gặp nhau ngẫu nhiên trên một diễn đàn.
Do đó, một ông chủ bút của tờ tạp chí đã xây dựng một hệ thống “não bộ” riêng có cá tính, có lối tư duy, có khuynh hướng, có sở thích của ngay chính cá nhân ông chủ bút được lấy ra làm khuôn mẫu. Kể từ lúc đó, định mệnh của ông chủ bút là định mệnh của tờ báo– mà ông không thể thay đổi mặc dù ông cố chống lại nó – cái tật cố hữu!!.
Mặc dù trong xã hội, ông chủ bút luôn tự nhận biết rằng – ông phải chống lại cái tật cố hữu đó! Để nó bớt rắn rỏi mà uyển chuyển và cởi mở để xã hội không xuyên tạc về tương lai của ông. Nhưng nếu ông chủ bút sa đà vào sự đam mê về một thần tượng còn xa lạ hay một nghệ thuật còn mới mẻ – tưởng rằng có thể gây ngạc nhiên, hào hứng thì trái lại ông đã đem đến cho độc giả sự vô vị – giống như ông cố để cho ngọn lửa già làm khét món thịt nướng, mà ông vẫn nghĩ rằng đó là đặc sản để đem lên đãi khách, hay như ông thợ cạo nổi hứng gọt cái mái tóc dài của chàng thanh niên thành cái gáo dừa. Do đó, ông chủ bút đã từ chối một vài bản thảo kiểu đó mà cho rằng “không hợp” thay vì ông phê là bài kém quá để không làm tổn thương nhà văn đang hào hứng về tài năng của mình. Để tránh tình trạng “không hợp một cách bất đắc dĩ ấy”- chủ bút thường đưa đơn đặt hàng để ủy thác cho những tác giả nào tỏ ra phù hợp hay ăn cánh. Tuy nhiên, đối với những tạp chí thuần túy văn chương, văn nghệ thì có thể người chủ bút nhẹ dạ hơn – vì văn thơ không thể kê toa sẵn mà tùy cảm hứng của tác giả. Nhưng nếu một tạp chí văn chương khi nó đã trở thành một “thương hiệu” nghĩa là nó có một đặc tính cá biệt – nghĩa là nó đi vào chuyên khảo về những nhà văn theo một trường phái nhất định- thì ông chủ bút có thể đề ra “mơnu” sẵn cho nhà văn đó. Lại cũng có nghĩa là ông – yêu cầu nhà văn đó nắn ngòi bút theo kiểu này mà không theo kiểu khác – vì chủ trương của tạp chí đang đi theo hướng đó. Do đó, ông chủ bút là người phải có tài kết hợp yêu cầu của ông cùng năng lực của người viết thành một món cocktail cho tờ báo. Có khi ông chủ bút có tài lèo lái nhà văn – như uốn cong thanh sắt theo ý mình. Như vậy ông chủ bút đã làm nên một sản phẩm cho bản thân. Đây là một sự sáng tạo đầy hào hứng của nghề chủ bút – vượt qua vai trò của một anh thủ thư lừ đừ như ông từ vào đền hay như ông công chức “sớm vác ô đi, tối vác về” – theo cách nói của Việt Nam –.
Như vậy dù ông chủ bút bị xem là một ông từ hay ông công chức đi chăng nữa – thì ông cũng đã chọn được một chú tiểu hay một cậu trợ lí để dắt vào đền hay vào công sở. Một chú tiểu có khi ngoan ngoãn, có khi ương ngạnh, một anh trợ lí có khi còn mê chơi -mà buộc ông phải ve vãn, chiều chuộng, thúc giục, rầy rà để đưa kinh kệ ra cho chú tiểu tụng, đưa tài liệu ra cho anh trợ lí đọc… Nhưng không phải mọi chú tiểu đều vào đền tụng niệm hay anh trợ lí chịu vào sở làm việc, có khi hứa hẹn vào mà lại không vào, có khi vào rồi lại ra.
Trở lại với những nhà văn được tuyển chọn, được mời gọi – ông chủ bút tỏ ra ân cần đặt đề tài, kí hợp đồng – ghi rõ ngày giao “sản phẩm”. Nếu may mắn ông sẽ gặp được người giao sản phẩm đúng hẹn, có khi còn sát kề với quan điểm của ông. Ngày ấy ông chủ bút và nhà văn có thể cụng ly bên quán cóc. Ngược lại – gặp lúc bất hạnh – chờ mãi mà nhà văn vẫn còn “rong chơi tư tưởng” đâu đó mà không hoàn thành được nhiệm vụ. Ông chủ bút như người thất thường, bơ phờ. Như vậy, ông chủ bút đã tự tạo cho mình cái tố chất “nghi ngờ” khi bắt đầu đi tìm “người trong mộng” để “kết duyên”.
Ông chủ bút và Công đoạn thảo luận
◊ Thế còn công đoạn thảo luận, ông chủ bút đã phải làm gì?
Thảo luận tức là làm việc với tác giả – để bài viết được tác giả tự cải biên cho đúng với tư duy của ông chủ bút. Mà có đồng ý cải biên hay không? và cải biên có kịp thời không? Ngược lại, nếu tác giả đồng ý để cho chủ bút cải biên cho họ thì đó là điều may mắn khác thường – vì khó có một tay bỉnh bút đắc lực đã “chịu phép” để cho ông cắt xén hay để cho thêm bớt. Tuy nhiên từ trong cõi lòng sâu kín của ông chủ bút có lương tâm luôn tự vấn mình là như thế có dồn ép quá đáng không?, có thiếu tử tế không?
Cuộc thảo luận còn được đem ra bàn cải trong nội bộ ban biên tập, ban thư kí hay thông qua công tác văn thư giữa các phòng ban để lấy ý kiến thống nhất. Công tác này có khi chưa giải quyết thỏa đáng với nhau trong tòa soạn – vì người này người nọ còn ý kiến bâng khuân. Do đó, chủ bút cần thông qua trong buổi điểm tâm sáng hay trong bữa ăn phát phút giữa trưa. Ở Việt Nam ngày nay phải là bữa cơm văn phòng.
Ông chủ bút và Công đoạn sửa chữa
◊ Như vậy kể như đã xong – thế còn gì phải qua công đoạn sửa chữa?
Công đoạn sửa chữa không thể coi thường. Dĩ nhiên công việc sửa chữa là của ban biên tập mà chủ bút cũng cần đọc lại để “chỉnh đốn” lần cuối. Như đối với ngôn ngữ Việt Nam, phần lo ngại của ban biên tập không chỉ ở cách hành văn của tác giả có khi sôi nổi quá mà thiếu cân nhắc, thiếu châm phết hay có khi lơ là quá mà các dấu hỏi ngã bất minh khiến cho các nhà ngữ pháp, nhà ngôn ngữ học khó tính hay chỉ trích là “dốt nát”. Ở nước Mỹ, cũng như ở Anh, tình hình cũng gần tương tự. Vấn đề mỹ học, ngữ pháp, cú pháp, cấu trúc, tu từ học, về sắc thái ngữ nghĩa… có khi ngay cả từ ngữ đường phố cũng cần sửa chữa cho thích nghi với văn hóa hiện đại. Các nhà chủ bút của các tạp chí Anh, Mỹ – cho rằng cặp mắt của nhà biên tập – trông như chiếc gương soi – có thể phát hiện ra những sai lầm nói trên mà các ông chủ bút rất tin cậy vào họ- móc câu nọ xuống, đưa câu kia lên hay cắt bỏ chỗ rườm rà, lặp đi lặp lại. Đó là chưa nói đến những lập luận bóp méo hay bỏ qua những luận chứng đối nghịch của vấn đề…
Trở lại với chủ bút, ông phải nhận ra những khuyết điểm về cấu thức và luận lý. Nếu chủ bút hiểu rõ tác giả muốn đề cập vấn đề gì thì chủ bút có thể sửa chữa được với sự dễ dãi của tác giả. Nhưng nếu những thiếu sót cần bổ túc, những chi tiết mới cần bổ sung, những vấn đề mới cần đặt ra hay những chỗ còn non yếu cần tu chỉnh… thì phải để cho tác giả tự làm lấy. Tất cả những việc làm này, chủ bút cần trao đổi qua thư từ với tác giả (ngày nay có thể qua email) để xem tác giả có ý kiến phản hồi thế nào? Có vừa lòng hay không!
Như vậy đã tạm xong!
Ông chủ bút và Công đoạn thương lượng
◊ Tạm xong tức là xem như chủ bút đã hoàn thành công việc- thế còn phải qua công đoạn hiệp thương để làm gì nữa?
Vì con người nhà văn, nhà báo như cảnh mùa thu – họ rất nhạy cảm và tỏ ra bực bội khó tính vì bài ấy do “ta” viết! ta đứng tên ta! ai dám sửa “văn” ta!?
Nhưng nghịch lí thay! chính những nhà văn nổi danh lại thường tỏ ra hài lòng để người đời bổ sung “tài năng” cho mình hơn là những nhà văn bả mía khó tính mới vào nghề.
Tuy nhiên, những nhà văn khó tính – khi nguôi lại vẫn tỏ ra phục thiện vì nhận thức được trách nhiệm của mỗi bên – trước cơ quan truyền thông đại chúng. Đến lúc này, cả hai – chủ bút và tác giả đều thỏa mãn cùng nhau vì không ai tỏ ra thất vọng khi băn khoăn về bài mình có được chủ bút đăng tải không?! hay bài mình có bị tác giả từ chối vì sửa chữa quá nhiều không?! “Hiệp thương” là cách trao đổi, thương lượng, sẽ làm thỏa mãn cả đôi bên. Nếu không thương lượng mà để xảy ra xung đột thì xung đột giữa quyền lực và lòng kiêu hãnh không khác gì sự xung đột giữa hai bè phái chính trị, đối đầu nhau giữa nghị trường – có khi một mất một còn. Tuy nhiên vai trò chủ bút luôn không để một mất mà luôn để cho một còn vì tấm lòng hòa giải. Ông chủ bút lúc này như một nhà ngoại giao, nhà thương thuyết- biết rõ tâm tư nhà văn để vừa dung hợp vừa kháng nghị mà không để cho tâm tư ấy bị cô lập trong lớp vỏ cố chấp.
Ông chủ bút và Ngăn hộc tủ thuốc Bắc
Cuối cùng – diễn trình biên tập – đã tạm hoàn tất – Món ăn đã được chế biến bởi các đầu bếp – chỉ chờ dọn lên – tức là chờ cho ấn hành.
Nhưng không phải chỉ có một món ăn – mà nhiều món ăn phải dọn lên cùng lúc như bữa tiệc buffet để độc giả chọn lựa món nào trước, món nào sau, món nào để lại ăn dần. Nghĩa là một tạp chí có nhiều bài báo cùng đăng tải – có bài tốn nhiều công sức, có bài ít vất vả hơn – Cuối cùng, chủ bút là một nhà lao động tự vắt kiệt sức mình. Ông đã biết hợp tác với một nhóm người bên cạnh mình (các đồng nghiệp) và ở xa mình (các tác giả) để nâng cao đời sống trí thức không bị chia ra từng ngăn hộc như ngăn hộc trong tủ hồ sơ – trông như ngăn hộc của nhà thuốc Bắc – mà biết lôi ra món thuốc nào với món thuốc nào cho căn bệnh nào của thời cuộc để xoa dịu nỗi đau, nỗi nhớ nhung của xã hội hay nỗi khát vọng của quần chúng về cuộc sống đang trải nghiệm.
Và ông chủ bút là người luôn sống trong sự chọn lựa – Một là, ông quyết định gạt bỏ một bài viết quan trọng mà ông còn ngại ngùng. Hai là, ông cho đăng một bài viết xúc phạm đến nghệ thuật trần thuyết. Ba là, ông cho đăng bài mà ông đã tự ý sửa chữa. Nếu chọn giải pháp thứ nhất – ông là người đánh mất cơ hội. Nếu chọn giải pháp thứ hai – ông là người thiếu trách nhiệm. Nếu chọn giải pháp thứ ba thì ông đã phạm sai lầm và ngạo mạn.
Nguyễn Mạnh Hùng
CHÚ THÍCH:
* John Fischer: là nhà văn cao cấp của PurposeDrivenLife.com, tốt nghiệp trường Wheaton College, Illinois, năm 1969, là ca sĩ /nhạc sĩ, nghệ sĩ thu âm, là diễn giả nổi tiếng ở các hội nghị, khóa tu, nhà thờ, trường cao đẳng /đại học. Những cuốn sách của ông bao gồm “Những Cơ đốc nhân thực sự không bán chạy nhất”, “Vũ điệu”, tiểu thuyết nổi tiếng “Saint Ben”, “Lời thú tội của một Cơ đốc nhân bị nhiễm độc” – Nhà xuất bản Tyndale.
** Theo Norman Podhoretz – Bênh vực công việc của Chủ bút – Tạp chí diễn đàn Mỹ trang 75~85- tập II , số 6 1967- Sài Gòn. Norman Podhoretz – nhà văn, bình luận gia, tổng biên tập Tạp chí Bình Luận, New York, tốt nghiệp Trường Đại học Hardward, Columbia, Cambridge, thành viên cao cấp Học viện Hudson, …
** Các tiêu đề do Ban Tu thư thiết lập.