Phân tầng xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ từ thập niên 2000 đến nay

Tác giả bài viết: HÀ THÚC DŨNG*, TRẦN ĐAN TÂM**
(*,** Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)

     Bài viết sử dụng bốn bộ dữ liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) 2006, 2010, 2014 và 2018 để phân tích phân tầng xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ. Kết quả phân tích cho thấy, cơ cấu giai tầng ở Nam Bộ sau 12 năm vẫn mang đặc điểm của một xã hội công nghiệp chưa hoàn thành với các nhóm nghề thuộc tầng dưới trong tháp phân tầng chiếm tỷ lệ khá cao ở hầu hết các năm, còn các nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa chiếm tỷ lệ tương đối thấp. Cơ cấu giai tầng dựa trên nghề ở nông thôn và đô thị có sự khác biệt khá lớn, trong đó ở khu vực đô thị tháp phân tầng có hình quả trám ở hầu hết các năm khảo sát, thể hiện một xã hội công nghiệp phát triển, còn ở nông thôn tháp phân tầng vẫn mang hình kim tự tháp với tầng dưới chiếm tỷ lệ tương đối cao, điều này cho thấy cơ cấu xã hội ở nông thôn Nam Bộ vẫn mang dáng dấp của một xã hội nông nghiệp chưa phát triển. Trong đó, ở hai thời điểm 2010 và 2014 tỷ lệ các nhóm nghề thuộc tầng giữa trung và tầng giữa dưới đã giảm xuống khá rõ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu.

Từ khóa: cơ cấu giai tầng, xã hộI công nghiệp, xã hội nông nghiệp, phân tầng.

x
x x

1. Dẫn nhập

     Phân tầng xã hội là một chủ đề được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam trong gần 3 thập kỷ qua. Một số cuộc điều tra, nghiên cứu liên quan đến vấn đề này đã được tiến hành: Điều tra mức sống dân cư thực hiện từ 1992 đến 2018; 2 bộ số liệu về cơ cấu xã hội và phúc lợi xã hội của cư dân Nam Bộ do Viện Khoa hoc̣ xãhôị vùng Nam Bộ thực hiện từ 2010 đến 2015. Các bộ dữ liệu này cho thấy, hơn 30 năm đổi mới, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Nam Bộ đã tác động đến chuyển biến cơ cấu kinh tế, dân số và văn hóa, dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp dân cư mới và phá vỡ cơ cấu dân cư cũ ở các cộng đồng dân cư và giữa nông thôn – đô thị. Bên cạnh việc cải thiện mức sống của đại đa số người dân thì khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng. Bài viết sử dụng số liệu các cuộc điều tra mức sống dân cư để phân tích thực trạng và xu hướng phân tầng xã hội ở Nam Bộ từ thập niên 2000 đến nay. Việc hiểu biết những thay đổi về giai tầng, mức sống và bất bình đẳng xã hội có thể giúp các nhà quản lý đưa ra các chính sách xã hội hiệu quả hơn.

2. Nguồn số liệu

     Nghiên cứu được thực hiện dựa trên nguồn số liêụ từ 4 cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) trong các năm 2006, 2010, 2014 và 2018 của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Trong đó, ở khu vực Nam Bộ, mẫu khảo sát các năm như sau: năm 2006 là 2.829 hộ gia đình với 11.919 nhân khẩu, năm 2010 là 3.027 hộ với 11.523 nhân khẩu, năm 2014 là 3.027 hộ và 11.435 nhân khẩu, năm 2018 có 3.027 hộ và 10.862 nhân khẩu. Đơn vị phân tích trong nghiên cứu này là những chủ hộ có làm việc trong 12 tháng của năm được khảo sát, cụ thể: năm 2006 số lượng chủ hộ có việc làm là 1.679 người, năm 2010 là 2.500 người, năm 2014 là 2.472 người, năm 2018 là 2.435 người. Những nghiên cứu trước đây cũng cho thấy rằng, ở khu vực Nam Bộ khi phân tích nghề nghiệp của những người từ 15 tuổi trở lên và phân tích nghề nghiệp của chủ hộ không có sự khác biệt nhiều (Lê Thanh Sang, 2011). Chúng tôi cũng tiến hành gia trọng số liệu (weight case) trong quá trình phân tích 4 bộ dữ liệu này để đảm bảo tính đaị diêṇ cho cơ cấu dân số taị các thời điểm điều tra.

3. Khung phân tích

     Nghiên cứu này phân tích phân tầng xã hội dựa trên nghề nghiệp (occupation) của chủ hộ có việc làm trong 12 tháng qua. Thông qua các thông tin định tính có trong các bộ dữ liệu VHLSS từ 2006 đến 2018 bao gồm (mô tả công việc, vị trí đảm nhiệm, sản phẩm chính, tên cơ quan; loại hình sở hữu, học vấn và tổng thu nhập của hộ gia đình, trình độ tay nghề), chúng tôi chia nghề nghiệp của người lao động thành 20 nhóm khác nhau theo 5 khối và 4 bậc như sau: quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, chủ sở hữu tư nhân phi nông nghiệp, nông dân và lao động. Trong mỗi khối, lại chia thành 4 bậc theo những tiêu chí khác nhau phù hợp với đặc trưng của từng khối. Khối quản lý nhà nước theo cấp bậc hành chính, khối chuyên môn theo học vấn, khối chủ sở hữu tư nhân theo tài sản/thu nhập hộ, khối nông gia/nông dân theo mức sở hữu ruộng đất, khối lao động theo kỹ năng tay nghề. Bảng 1 mô tả các khối và bậc với định nghĩa và minh họa cho 20 nhóm nghề nghiệp ở Nam Bộ. Cơ cấu 20 nhóm nghề được gom lại thành 5 giai tầng xã hội, bao gồm tầng trên, tầng giữa trên, tầng giữa trung, tầng giữa dưới và tầng dưới. Trong đó, tầng trên gồm các nhóm nghề: quản lý nhà nước bậc cao, chuyên môn bậc cao, chủ sở hữu phi nông nghiệp bậc cao, nông dân bậc cao; tầng giữa trên gồm các nhóm nghề: quản lý nhà nước bậc trung cao, chuyên môn bậc trung cao, chủ sở hữu phi nông nghiệp bậc trung cao, nông dân bậc trung cao; tầng giữa trung bao gồm các nhóm nghề: quản lý nhà nước bậc trung thấp, chuyên môn bậc trung thấp; chủ sở hữu bậc trung thấp, nông dân bậc trung thấp, công nhân có kỹ năng bậc cao; tầng giữa dưới bao gồm các nhóm nghề: quản lý nhà nước bậc thấp, chuyên môn bậc thấp, chủ sở hữu phi nông nghiệp bậc thấp, công nhân có kỹ năng; tầng dưới bao gồm các nhóm nghề: nông dân bậc thấp, công nhân bán kỹ năng, công nhân không có kỹ năng, lao động phi nông nghiệp giản đơn.

     Khung phân loại giai tầng xã hội nghề này giúp xem xét những khác biệt về đặc điểm xã hội mà bộ số liệu cho phép khai thác. Trong khuôn khổ nghiên cứu, bài viết chỉ trình bày tỷ lệ định lượng của 20 nhóm nghề và 5 tầng xã hội nói chung, so sánh xu thế biến đổi trong thời kỳ 2006-2018, so sánh khác biệt đô thị – nông thôn. Khung phân tích nghề nghiệp này chúng tôi kế thừa khung phân tích về cơ cấu xã hội ở Nam Bộ của Bùi Thế Cường (2017, 2015). Trong nghiên cứu trước đây, Bùi Thế Cường (2015) đưa ra mô hình phân tích phân tầng xã hội ở Nam Bộ với 11 nhóm nghề theo bốn khối. Đến năm 2017, khi phân tích tầng lớp trung lưu ông đã hoàn thiện mô hình phân tích với 19 nhóm nghề theo bốn khối và sáu giai tầng (Bùi Thế Cường, 2017); trên cơ sở mô hình này tác giả có bổ sung và đề xuất mô hình 20 nhóm nghề thuộc 5 giai tầng (Bảng 1).

Bảng 1. Hai mươi nhóm nghề thuộc 5 giai tầng, định nghĩa và minh họa

TT

Tên nhóm nghề

Định nghĩa

Minh họa

A

Khối quản lý nhà nước

Có chức vụ quản lý trong hệ thống chính trị mở rộng. Phân bậc theo quy định ngạch bậc hành chính.

1

Quản lý nhà nước bậc cao

Bộ trưởng và tương đương trở lên.

Giám đốc tập đoàn tổng công ty nhà nước, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh.

2

Quản lý nhà nước bậc trung cao

Vụ trưởng, giám đốc sở và tương đương.

Giám đốc công ty nhà nước, giám đốc sở, vụ trưởng.

3

Quản lý nhà nước bậc trung thấp

Trưởng phòng và tương đương.

Trưởng phòng, bí thư đảng xã phường, chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã phường, chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã phường, chủ tịch tổ chức chính trị – xã hội, trưởng Công an xã.

4

Quản lý nhà nước bậc thấp

Có chức vụ ở cấp dưới xã.

Bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp, trưởng chi hội tổ chức chính trị-xã hội.

B

Khối chuyên môn

Có đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, văn phòng, quản lý khu vực tư.

5

Chuyên môn bậc cao

Thạc sĩ trở lên và tương đương.

Bác sĩ chuyên khoa cấp 1-2, giám đốc công ty được thuê, giám đốc tổ chức phi chính phủ, hiệu trưởng trường phổ thông.

6

Chuyên môn bậc trung cao

Đại học.

Cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, trưởng phòng ban công ty/ tổ chức, giám đốc chương trình/ dự án.

7

Chuyên môn bậc trung thấp

Trung cấp, cao đẳng.

Môi giới bất động sản, y sĩ, quản đốc phân xưởng.

8

Chuyên môn bậc thấp

Sơ cấp, trung học cơ sở hay phổ thông.

Y tá, điều dưỡng sơ cấp, nhân viên văn phòng, trưởng dây chuyền sản xuất.

C

Khối sở hữu tư nhân phi nông nghiệp

Chủ công ty tư nhân, cơ sở doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, có/không mướn lao động, có/không lao động gia đình. Phân bậc theo tài sản/doanh thu/thu nhập hộ.

9

Chủ sở hữu tư nhân phi nông nghiệp bậc cao

Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có mướn nhiều lao động, vốn lớn, doanh thu cao.

Chủ công ty, xưởng sản xuất lớn. Chiếm khoảng 5% nhóm phi nông nghiệp có thu nhập hộ cao nhất.

10

Chủ sở hữu tư nhân phi nông nghiệp bậc trung cao

Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có mướn lao động

Chủ cửa hiệu lớn. Chiếm khoảng 10% tiếp theo nhóm phi nông nghiệp có thu nhập hộ/năm.

11

Chủ sở hữu tư nhân phi nông nghiệp bậc trung thấp

Chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có mướn ít lao động hoặc tự làm.

Chủ cửa hiệu nhỏ. Chiếm khoảng 30% tiếp theo của nhóm phi nông nghiệp có thu nhập/năm.

12

Chủ sở hữu tư nhân phi nông nghiệp bậc thấp

Lao động tự làm có hạch toán, đầu tư vốn rất nhỏ.

Bán hàng ăn ngoài đường. Chiếm khoảng 55% số hộ sở hữu phi nông nghiệp có thu nhập hộ/năm.

D

Khối nông gia/nông dân

Chủ hộ sản xuất nông nghiệp. Phân bậc theo mức tài sản ruộng vườn hoặc doanh thu, thu nhập hộ.

13

Nông dân bậc cao

Chủ cơ sở, mướn lao động, kinh doanh tư liệu sản xuất.

Có tổng diện tích đất sản xuất trên 5ha/hộ.

14

Nông dân bậc trung cao

Sống chủ yếu trên ruộng vườn hay tư liệu sản xuất tự làm, không mướn lao động hoặc phần nào có mướn lao động

Có tổng diện tích đất sản xuất từ 3ha đến 5ha/hộ.

15

Nông dân bậc trung thấp

Sống chủ yếu trên ruộng vườn hay tư liệu sản xuất tự làm.

Có tổng diện tích đất sản xuất từ 1ha đến dưới 3ha/hộ.

16

Nông dân bậc thấp

Có ít ruộng vườn, không đủ sống phải kết hợp đi làm mướn.

Có tổng diện tích đất sản xuất dưới 1ha/hộ.

E

Khối lao động phi nông nghiệp

Công nhân, thợ thủ công, lao động chân tay trong khu vực phi nông nghiệp (sản xuất công nghiệp, xây dựng, vận tải,…) làm mướn/ tự làm. Phân theo trình kỹ năng.

17

Công nhân kỹ năng cao (high-skills)

Công nhân, thợ thủ công ở trình kỹ năng rất cao, được trả công cao; thợ cả.

Công nhân kỹ thuật ở những công đoạn khó trong các công ty lớn có lương cao, thợ tột bậc/vượt khung.

18

Công nhân có kỹ năng (full-skills)

Công nhân, thợ thủ công có đào tạo.

Lái xe, công nhân may ở xưởng hay gia công tại nhà; thợ sửa chữa thiết bị điện nước trong nhà; thợ xây chính; trưởng dây chuyền sản xuất.

19

Công nhân bán kỹ năng (semi-skills)

Công nhân, thợ thủ công đào tạo ít.

Nhân viên bán hàng siêu thị/bảo vệ (cơ quan, siêu thị, văn phòng công ty, khách sạn hạng sang).

20

Công nhân không kỹ năng (un-skills), lao động phi nông nghiệp giản đơn

Thợ thủ công không cần đào tạo, làm thuê làm mướn, lao động giản đơn.

Bán hàng rong, xe ôm, giúp việc nhà, phụ hồ, phụ bán quán, chạy bàn ở quán, bảo vệ (văn phòng nhỏ, khách sạn thường), công nhân môi trường, ve chai, khuân vác.

     Ghi chú: Tác giả không chia các bậc như: siêu cao, bậc cao, bậc trung, bậc trung thấp, bậc thấp như tác giả Bùi Thế Cường mà điều chỉnh xuống là bậc cao, bậc trung cao, bậc giữa trung, bậc trung thấp, bậc thấp; ngoài ra thêm một số nhóm nghề mới như: công nhân kỹ năng cao (high – skill), công nhân bán kỹ năng (semi-skills).

Nguồn: Khung phân tích Bùi Thế Cường (2017), và tác giả có điều chỉnh một số điểm.

4. Kết quả nghiên cứu

     4.1. Thực trạng phân tầng dựa trên nghề ở Nam Bộ

     4.1.1. Xét theo 20 nhóm nghề

     Kết quả nghiên cứu qua các thời điểm khảo sát cho thấy, nhóm nghề như nông dân bậc thấp chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các năm và có xu hướng giảm dần qua các năm như: 2006 chiếm 21,3%, năm 2010 chiếm 20,5%, năm 2014 chiếm 20,9% và năm 2018 chiếm 17,4 %. Tiếp đến là nhóm những nghề lao động giản đơn, lao động không có kỹ thuật, làm thuê, làm mướn tuy có xu hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm tương đối cao ở tất cả các năm như: 2006 chiếm 19,6%, năm 2010 chiếm 19,2%, năm 2014 chiếm 17,9% và năm 2018 chiếm 16%. Ngược lại, các nhóm nghề thuộc bậc cao và bậc trung cao có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không đồng đều ở các nhóm nghề, trong đó nhóm nông dân bậc cao có chiều hướng tăng mạnh nhất trong các nghề thuộc bậc cao, chẳng hạn năm 2006 nông dân bậc cao chiếm 0,7%, năm 2010 chiếm 1,6%, đến hai năm 2014 và 2018 giảm nhẹ còn 1,5%. Điều này phù hợp với xu hướng tích tụ ruộng đất đã và đang diễn ra ở nông thôn Nam Bộ mà tác giả Trần Hữu Quang (2018) đã phân tích.

     Bên cạnh đó, các nhóm nghề đòi hỏi chuyên môn tay nghề hoặc trình độ học vấn cao có sự thay đổi không đáng kể. Mặc dù từ 2006 đến 2018 quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, nhất là khu vực Đông Nam Bộ với các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng tỷ lệ lao động có kỹ thuật cao, công nhân lành nghề chiếm tỷ lệ từ 15% đến gần 19% trong cơ cấu nghề nghiệp chung của tất cả các năm. Điều này cho thấy Việt Nam không thể đạt được mục tiêu đề ra từ giữa thập niên 1990 là hoàn thành về cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2020 (Nhàn Đàm, 2016; Tư Giang, 2019a, 2019b). Như vậy, khiến cơ cấu giai tầng xã hội của Việt Nam nói chung và những vùng phát triển nhất, vẫn thiếu động lực để thay đổi hẳn sang một cơ cấu công nghiệp hóa hoàn thành (xem Bảng 2).

Bảng 2. Cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ, 2006-2018 (%)

     Nguồn: Tác giả xử lý từ số liệu điều tra mức sống dân cư
các năm 2006, 2010, 2014 và 2018 của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

     Kết quả nghiên cứu cho thấy, cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ giai đoạn 2006-2018 tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn mang đặc trưng của một xã hội chưa phát triển toàn diện. Cụ thể ở các nhóm nghề bậc cao và bậc trung cao chiếm tỷ lệ tương đối thấp, còn những nhóm nghề ở bậc trung thấp và bậc thấp chiếm tỷ lệ khá cao. Kết quả này trùng với những nghiên cứu trước đây ở Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu cơ cấu xã hội và phúc lợi xã hội ở Tây Nam Bộ cho thấy: cơ cấu xã hội vẫn mang đặc trưng của một xã hội tiểu nông với các nhóm nghề giản đơn, ít kỹ năng và nông dân bậc thấp chiếm tỷ lệ khá cao (Lê Thanh Sang, 2011).

     4.1.2. Xét theo 5 nhóm giai tầng

     Khi phân chia các nhóm nghề thành 5 nhóm giai tầng thì thấy có sự chuyển biến khá rõ qua các năm. Trong đó tầng trên từ năm 2006 đến 2010 có sự biến đổi tương đối lớn từ 1,9% năm 2006 tăng lên 2,9% năm 2010, nhưng đến các năm sau lại có xu hướng giảm nhẹ xuống còn 2,8% năm 2014 và năm 2018 chiếm 2,6%. Tiếp đến tầng giữa trên năm 2006 chiếm 5,9%, năm 2010 chiếm 7,8%, năm 2014 chiếm 8% và năm 2018 tăng lên 8,2%. Còn tầng giữa trung và tầng giữa dưới có sự biến động nhẹ ở hai thời điểm 2010 và 2014. So với năm 2006 (chiếm 21,5%), nhóm tầng giữa trung đã có sự giảm xuống vào năm 2010 (18,2%) và năm 2014 (17,5%) và sau đó tăng trở lại trong năm 2018 (20,6%). Một câu hỏi được đặt ra là, phải chăng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 đã ảnh hưởng cơ cấu xã hội của Nam Bộ kéo dài đến 2014? Theo một số chuyên gia kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã ảnh hưởng rất lớn, với thời gian tương đối dài, đến nền kinh tế Việt Nam, thể hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bị chậm lại và mọi tầng lớp dân cư đều chịu ảnh hưởng, trong đó tầng lớp công nhân và lao động có kỹ thuật thấp chịu ảnh hưởng trực tiếp. “Sản xuất bị thu hẹp, số người thất nghiệp gia tăng, thu nhập bị giảm sút. Phần lớn hoạt động sản xuất phục vụ cho lĩnh vực xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Vì các thị trường lớn như: Mỹ, Châu Âu là những thị trường truyền thống nhập khẩu hàng Việt Nam bị khủng hoảng, do mức sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, đòi hỏi người dân phải cắt giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng, mức độ mua hàng giảm, nhu cầu thanh toán yếu. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa (Nguyễn Văn Tạo, 2012; Như Quỳnh, 2018). Chính những ảnh hưởng này đã tác động rất lớn đến việc làm của người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật bậc trung và bậc trung thấp là các công nhân, thợ có kỹ thuật ở các khu công nghiệp.

     Bên cạnh đó, trong cơ cấu nghề của khu vực Nam Bộ thì tầng dưới với những nghề có trình độ chuyên môn thấp, ít kỹ năng, làm những công việc giản đơn, làm thuê, làm mướn, nếu nhìn tổng thể của 12 năm thì có sự chuyển biến nhẹ theo hướng tích cực nhưng không đồng đều giữa các năm, như: năm 2006 khoảng 42,8%, năm 2010 giảm xuống 41,6%, nhưng năm 2014 tăng lên nhẹ 42,9% và năm 2018 giảm xuống còn 36,9%.

     Nhìn tổng thể thì cơ cấu các giai tầng xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ từ 2006 đến 2018 có sự biến đổi tương đối tích cực. Trong đó những nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa trên có chiều hướng tăng dần, các nhóm nghề thuộc tầng dưới có xu hướng giảm dần. Các nhóm nghề thuộc tầng giữa trung và tầng giữa dưới là những nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ học vấn có thể đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của một xã hội công nghiệp có chiều hướng tăng lên nhưng không đáng kể và chưa đủ để đưa cả vùng Nam Bộ trở thành một xã hội công nghiệp. Để hiểu sâu hơn các vấn đề này và xem có sự khác biệt nào giữa nông thôn – đô thị trong cơ cấu nghề nghiệp trong 12 năm (2006-2018), chúng tôi sẽ đi vào phân tích phân tầng xã hội dựa trên nghề ở nông thôn và đô thị trong phần dưới đây.

     4.2. Sự khác biệt trong cơ cấu giai tầng nghề ở khu vực nông thôn và thành thị

     Khi phân tích về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội, nhiều nghiên cứu cho rằng có sự chênh lệch khá lớn giữa nông thôn và đô thị, không chỉ trong cơ cấu thu nhập, chi tiêu và tài sản của gia đình mà còn thể hiện ở trong cơ cấu nghề nghiệp của người dân ở những khu vực này. Những địa bàn có quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa cao thì ở đó cơ cấu nghề nghiệp của người lao động đa dạng hơn và có chiều hướng phát triển hơn, tức là những khu vực đó người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề tốt hơn. Ngược lại, ở khu vực nông thôn thì cơ cấu nghề nghiệp ít đa dạng, tỷ lệ người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp còn các nhóm nghề thuộc lao động giản đơn, không có tay nghề chiếm tỷ lệ khá cao (Văn Ngọc Lan và đồng nghiệp, 2001; Văn Ngọc Lan; 2009; Nguyễn Quới, 2007; Hà Thúc Dũng, 2009). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa nông thôn và đô thị trong cơ cấu xã hội dựa trên nghề. Trong đó, ở khu vực đô thị cơ cấu nghề của người lao động ở tất cả các năm đều có hình quả trám với những nhóm nghề thuộc tầng giữa (tầng giữa trên, tầng giữa trung và tầng giữa dưới) chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong cơ cấu tầng nghề và tầng dưới chiếm hơn một tỷ lệ vừa phải và đang có xu hướng giảm dần. Ngược lại, khu vực nông thôn có nhiều biến chuyển trong cơ cấu nghề, nhưng vẫn mang dáng vẽ của một xã hội nông nghiệp chưa phát triển với các nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa (giữa trên, giữa trung và giữa dưới) còn chiếm một tỷ lệ tương đối thấp, còn các nhóm nghề thuộc tầng dưới (lao động giản đơn, lao động ít có tay nghề, nông dân bậc dưới) chiếm tỷ lệ cao xấp xỉ 50%. Trong khi đó các nhóm nghề thuộc tầng trên, tầng giữa tuy có biến đổi trong các thời điểm khảo sát nhưng tăng không đáng kể (xem Biểu đồ 1a, 1b).

     Các biểu đồ cho thấy, cơ cấu giai tầng nghề ở khu vực đô thị từ thập niên 2000 đến nay đều có hình thoi với các tầng nghề thuộc tầng giữa chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này chứng tỏ cơ cấu giai tầng khu vực đô thị ở Nam Bộ đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và dáng dấp của một xã hội công nghiệp. Kết quả cho thấy các nhóm nghề ở các giai tầng giữa trung và tầng giữa dưới tăng lên đáng kể và nhóm các nghề thuộc tầng dưới có xu hướng giảm dần. Cụ thể, các nhóm nghề thuộc tầng giữa dưới (công nhân, thợ có kỹ thuật, nông dân bậc trung thấp, chủ sở hữu phi nông nghiệp bậc thấp, quản lý nhà nước bậc thấp) chiếm tỷ lệ cao nhất trong 5 giai tầng ở khu vực đô thị và ít có sự biến động, cụ thể năm 2006 chiếm khoảng 39,1% và giảm nhẹ ở năm 2010 chiếm 38,6%, đến năm 2014 tăng lên 41,7% và năm 2018 chiếm 41,8%. Tiếp đến là tầng giữa trung thuộc các nhóm nghề có kỹ thuật và trình độ chuyên môn khá hơn (người lao động có kỹ thuật cao, nông dân bậc trung cao, chủ sở hữu phi nông nghiệp bậc trung thấp, quản lý nhà bậc trung thấp) ở đô thị năm 2006 chiếm khoảng 18,8%, năm 2010 chiếm 20,4% và 2014 chiếm 20,1%, năm 2018 chiếm 20,4%. Các nhóm nghề thuộc tầng dưới (nông dân bậc thấp, lao động ít kỹ năng, lao động giản đơn) đang có xu hướng giảm dần ở khu vực đô thị qua các thời kỳ được khảo sát, nếu như năm 2006 các nhóm nghề thuộc tầng dưới chiếm 29,1% đến năm 2010 giảm xuống còn chiếm 24, 2%, năm 2014 là 22,1% và năm 2018 là 23%. Đặc biệt, giai tầng thuộc đỉnh tháp là tầng trên ở khu vực đô thị có sự dịch chuyển tương đối lớn và đi theo hướng hình chữ U ngược, cụ thể năm 2006 thì tầng trên chiếm 2,4% đến năm 2010 tăng cao nhất chiếm 4,1%, năm 2014 tầng trên giảm nhẹ xuống 3,3%, đến năm 2018 còn lại 2,6%. Các nhóm nghề thuộc tầng giữa trên trong ba thời điểm năm 2006, 2010 và 2014 tăng lên lần lượt là 10,6% năm 2006, 12,6% năm 2010 và 12,8% năm 2014, nhưng đến 2018 giảm nhẹ còn 12,3%. Khác với nhóm nghề thuộc tầng giữa trên, các nhóm nghề thuộc giai tầng giữa trung ở khu vực đô thị trong giai đoạn từ 2010 đến 2018 không tăng, thậm chí còn giảm như năm 2010 chiếm khoảng 20,4% nhưng đến năm 2014 giảm còn 20,1% và năm 2018 tăng nhẹ 20,4%. Các nhóm nghề thuộc giai tầng giữa dưới tuy có tăng lên nhưng không đáng kể như năm 2010 chiếm khoảng 38,6% đến năm 2014 tăng lên 41,7% và 41,8% năm 2018. Như vậy, có thể nói, cơ cấu nghề nghiệp khu vực đô thị ở Nam Bộ từ đầu thập niên 2000 đến nay đã có nhiều chuyển biến và đang hình thành nên một cơ cấu xã hội công nghiệp tương đối phát triển. Trong đó các nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nghề nghiệp ở khu vực này và các nhóm nghề thuộc tầng dưới chiếm tỷ lệ vừa phải và đang có xu hướng giảm dần qua từng thời điểm khảo sát.

     Ở khu vực nông thôn Nam Bộ, nghiên cứu cho thấy trong 12 năm (2006- 2018) tuy có nhiều biến đổi song ít nhiều vẫn mang đặc đểm của một xã hội nông nghiệp chưa phát triển. Điều này thể hiện khá rõ ở tầng lớp dưới chiếm một tỷ lệ cao trong cơ cấu giai tầng ở hầu hết các thời điểm khảo sát; trong năm 2006 tầng dưới ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 49,6% đến năm 2010 tăng lên 51,0%, năm 2014 chiếm 54,1% và năm 2018 giảm xuống còn 46,1%. Tiếp đến là hai giai tầng thuộc tầng giữa trung và tầng giữa dưới chiếm một tỷ lệ tương đối và với xu hướng dịch chuyển lúc lên lúc xuống chứ không theo một chiều hướng nhất định. Cụ thể các nhóm nghề thuộc tầng giữa trung năm 2006 chiếm khoảng 22,8% đến năm 2010 giảm xuống 17% và năm 2014 còn 16%, nhưng đến năm 2018 tăng lên 20,7%. Các nhóm nghề thuộc tầng giữa dưới, năm 2006 chiếm khoảng 22,4% đến năm 2010 tăng nhẹ 24,6%, năm 2014 giảm xuống 21,9% nhưng đến 2018 tăng lên 25,0%.

     Tuy nhiên, các giai tầng thuộc nhóm đỉnh lại có xu hướng tăng đều ở khu vực nông thôn trong vòng 12 năm qua. Trong đó tầng trên tăng khá nhanh, năm 2006 chiếm 1,7% đến năm 2010 khoảng 2,3%, năm 2014 chiếm 2,5% và năm 2018 là 2,7%. Tiếp đến các nhóm nghề thuộc tầng giữa trên, những nghề đòi hỏi có khả năng quản lý, có trình độ chuyên môn, có kỹ năng tay nghề, diện tích đất sản xuất tương đối lớn đang có xu hướng tăng lên ở khu vực nông thôn Nam Bộ. Năm 2006 giai tầng này chiếm khoảng 3,5% thì đến năm 2010 tăng lên 5,1%, năm 2014 là 5,4% và năm 2018 tăng cao nhất với 5,5%. Nếu nhìn trên tổng thể trong vòng 12 năm (2006-2018), thì các nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa trên tăng lên gần 1,5 lần. Như vậy, ở khu vực nông thôn Nam Bộ khi các nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa trên tăng nhanh, còn các nhóm nghề thuộc tầng dưới giảm rất ít cho thấy sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng ngày càng cao qua các thời điểm khảo sát.

     Từ các kết quả phân tích trên, có thể nói giữa khu vực nông thôn và đô thị ở Nam Bộ có sự khác biệt khá lớn trong cơ cấu xã hội dựa trên nghề. Trong đó, khu vực đô thị đang dần thể hiện rõ một cơ cấu xã hội công nghiệp với các giai tầng thuộc tầng giữa chiếm một tỷ lệ tương đối lớn và các nhóm nghề thuộc tầng dưới chiếm tỷ lệ vừa phải và có xu hướng giảm dần qua các năm. Ngược lại ở khu vực nông thôn cơ cấu xã hội vẫn mang sắc thái của một xã hội nông nghiệp chưa phát triển với các nhóm nghề thuộc tầng trên, tầng giữa chiếm tỷ lệ tương đối thấp, còn các nhóm nghề thuộc tầng dưới còn chiếm tỷ lệ khá cao dao động trong khoảng trên dưới 50%. Còn khu vực đô thị tuy cơ cấu các giai tầng có biến đổi khá đều và cân bằng giữa các nhóm theo các năm, ngược lại ở khu vực nông thôn thì các nhóm nghề thuộc tầng trên và tầng giữa trên có chiều hướng tăng lên nhưng các nhóm nghề thuộc tầng giữa trung, giữa dưới và tầng dưới ít có sự thay đổi. Như vậy phải chăng ở khu vực nông thôn Nam Bộ tình trạng phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội dựa trên nghề diễn ra mạnh hơn so với khu vực đô thị, nên tỷ lệ các nhóm nghề thuộc hai giai tầng ở đỉnh tháp phân tầng có xu hướng tăng qua các năm, còn các nhóm nghề thuộc tầng dưới tuy có giảm nhưng không đáng kể.

5. Kết luận

     Từ những kết quả nghiên cứu trên, có thể đưa ra một số kết luận liên quan đến cơ cấu và sự dịch chuyển cơ cấu giai tầng nghề của vùng Nam Bộ đầu thập niên 2000 đến nay.

     Thứ nhất, sự phân tầng xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ từ 2006-2018 diễn ra khá nhanh và tương đối tích cực, trong đó các nhóm nghề thuộc giai tầng trên và tầng giữa tăng dần lên và các nhóm nghề thuộc tầng dưới giảm khá nhanh. Tuy nhiên, cơ cấu giai tầng ở Nam Bộ sau 12 năm vẫn mang đặc điểm của một xã hội công nghiệp chưa hoàn thành với các nhóm nghề thuộc tầng dưới trong tháp phân tầng chiếm tỷ lệ khá cao ở hầu hết các năm. Bên cạnh đó dù nguồn dữ liệu không đủ dữ liệu để chứng minh, nhưng khi liên kết một số nghiên cứu khác cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến cơ cấu xã hội của khu vực Nam Bộ ở thời điểm 2010 và 2014 khá rõ nét. Trong đó các nhóm nghề thuộc giai tầng giữa trung và giữa dưới (những nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn, thợ kỹ thuật) không những không tăng mà còn giảm xuống ở hai thời điểm này.

     Thứ hai, giữa nông thôn và đô thị có sự khác biệt khá rõ nét trong cơ cấu xã hội ở hầu hết các thời điểm khảo sát. Trong đó tháp giai tầng nghề ở khu vực đô thị ở Nam Bộ trong thời điểm 2006, 2010, 2014 và 2018 đều mang hình dáng quả trám, điều này thể hiện cơ cấu của một xã hội công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, giữa các thời điểm khảo sát có sự biến động khá lớn, trong đó các nghề thuộc ba giai tầng giữa (giữa trên, giữa trung và giữa dưới) chịu ảnh hưởng khá nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu. Vì vậy, tỷ lệ các giai tầng này giảm xuống trong năm 2010 và 2014, sau đó tăng trở lại trong năm 2018.

     Cơ cấu giai tầng ở khu vực nông thôn Nam Bộ có những biến chuyển tích cực trong 12 năm, nhưng vẫn mang đặc trưng của một xã hội nông nghiệp tiểu nông. Trong đó các nghề thuộc giai tầng dưới vẫn chiếm một tỷ lệ cao trong tháp phân tầng ở tất cả các năm, còn các nhóm nghề thuộc tầng giữa tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ thấp, điều này chưa thể đáp ứng mong muốn của chính phủ cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020. 

     Chú thích:

     (*) Đây là sản phẩm của đề tài “Cơ cấu giai tầng xã hội vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2010- 2020” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt và tài trợ.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     1. Bùi Thế Cường. 2015. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ cấu xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ 2010-2015. Đề tài cấp Nhà nước 2015.

     2. Bùi Thế Cường. 2017. “Một phân loại giai tầng trung lưu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Tạp chí Xã hội học. Số 3(139)/2017, tr. 43-51.

     3. Đào Quang Bình. 2007. Chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở TPHCM. Luận văn Thạc sĩ. 

     4. Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     5. Đỗ Thiên Kính. 2015. “Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới”. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM, số 4(200), tr. 29-40.

      6. Grusky, David B. (editor). 2014. Social Stratification: Class, Race, and Gender in Sociological Perspective. Fourth Edition. Westview Press.

     7. Hà Thúc Dũng. 2009. “Bất bình đẳng thu nhập của các nhóm dân cư trong quá trình đô thị hóa”. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 6/2009.

     8. Lê Thanh Sang. 2011. Biến đổi cơ cấu xã hội và phúc lợi cư dân Tây Nam Bộ. Đề tài cấp bộ do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ chủ trì.

     9. Nguyễn Quới. 2007. “Các loại hình kinh tế hộ trong mối tương quan với phân tầng xã hội”. trong Trung tâm Nghiên cứu Xã hội học. Những nghiên cứu xã hội học trong thời
kỳ chuyển đổi. Nxb. Khoa học Xã hội.

     10. Nguyễn Văn Tạo. 2012. “Việt Nam trước khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu”. Tạp chí Tài chính. 7/4/2012.
http//tapchitaichinh.vn, truy cập ngày 15/4/2020.

     11. Nhàn Đàm. 2016. “Mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 không đạt:
kết thúc một mơ ước duy ý chí”. Một thế giới, ngày 13/4/2016.
https://motthegioi.vn/kinhte-c-67/muc-tieu-tro-thanh-nuoc-cong-nghiep-vao-nam-2020-khong-dat-ket-thuc-motmo-uoc-duy-y-chi-29346.html, truy cập ngày 23/3/2020.

     12. Như Quỳnh. 2018. “Việt Nam sẽ như thế nào nếu khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra? ” Tạp chí Tài chính, ngày 6/6/2018. http//tapchitaichinh.vn, truy cập ngày 15/4/2020.

      13. Savage, Mike. 2016. “The Fall and Rise of Class Analysis in British Sociology, 1950- 2016”. Tempo Social, Revista de Sociologia da USP, Vol. 28, No. 2, pp. 57-72.

      14. Tổng cục Thống kê Việt Nam. 2006, 2010, 2014, 018. Bộ số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) file data số liệu. Tổng cục Thống kê.

      15. Trần Hữu Quang. 2018. “Land Accumulation in the Mekong Delta of Vietnam: a Question revisited”. Canadian Journal of Development Studies, Vol. 39, No. 2, pp. 199-214. DOI: 10.1080/02255189.2017.1345722.

     16. Tư Giang. 2019a. Để Việt Nam mơ giấc mơ “hóa rồng, hóa hổ”. VietnamNet.
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/de-viet-nam-mo-giac-mo-hoa-rong-hoa-ho583638.html, truy cập ngày 25/3/2020.

     17.Tư Giang. 2019b. Khi nào hoàn thành giấc mơ công nghiệp hóa. VietnamNet.
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/khi-nao-hoan-thanh-giac-mo-congnghiep-hoa-588013.html, truy cập ngày 10/4/2020.

     18. Văn Thị Ngọc Lan và đồng nghiệp. 2001. Phân tầng xã hội và thực trạng người nghèo ở nông thôn – qua nghiên cứu ở Long An và Quảng Ngãi. Báo cáo đề tài cấp Viện.

     19. Văn Thị Ngọc Lan. 2007. Cộng đồng cư dân ngoại thành TPHCM trong quá trình đô thị hóa. Luận án Tiến sĩ.

     Lưu ý:

          Hình Biểu đồ: Quý độc giả vui lòng xem tệp PDF bên dưới.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 11 (267), năm 2020

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Phân tầng xã hội dựa trên nghề ở Nam Bộ từ thập niên 2000 đến nay
(Tác giả: Hà Thúc Dũng; Trần Đan Tâm)