Pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả qua sao chép, trích dẫn và gợi ý cho Việt Nam

LAW ON COPYRIGHT EXCEPTIONS BY COPYING, QUOTING
AND SUGGESTIONS FOR VIETNAM

Tác giả bài viết: PHẠM HOÀNG PHÚC
(Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 vừa được thông qua. Có nhiều quy định mới phù hợp với bối cảnh hội nhập thế giới và thực tiễn xã hội Việt Nam. Trong đó, các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đối với hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm có nhiều thay đổi dành cho học viên, sinh viên. Bài viết này sử dụng các phương pháp: lịch sử, so sánh luật học, phân tích tổng hợp nhằm khái quát về hành vi sao chép, trích dẫn và các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm; đối chiếu các quy định của pháp luật quốc tế và đưa ra kinh nghiệm cho Việt Nam; phân tích một số bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật ở Việt Nam đã qua; từ đó đưa ra một số giải pháp gợi ý cho pháp luật Việt Nam.

Từ khóa: ngoại lệ quyền tác giả; sao chép; sở hữu trí tuệ; sử dụng hợp lý; trích dẫn.

ABSTRACT

     The Law amending and supplementing a number of articles of the Law on Intellectual Property in 2022 has just been passed. There are many new regulations suitable for the context of world integration and Vietnamese social practices. In particular, exceptions do not infringe copyright for the act of copying and citing works with many changes for graduate students, students. This article uses the following methods: history, comparative jurisprudence, and meta-analysis to generalize about the act of copying, quoting, and copyright exceptions on copying, and quoting works; collating the provisions of international law and give experience for Vietnam; analyze some inadequacies in the practice of applying the law in Vietnam in the past; then give some suggested solutions for Vietnamese law.

Keywords: copyright exception; copying; intellectual property; fair use; quote.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Theo Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu” (Quốc hội, 2005). Về nguyên tắc, quyền tác giả là phạm vi được pháp luật thừa nhận và bảo hộ đối với tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Nếu một tác phẩm được bảo hộ độc quyền hoàn toàn và không có những trường hợp ngoại lệ thì cơ hội để mọi người tiếp cận sẽ bị hạn chế. Vậy nên, các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả được đặt ra là chuẩn xác với thực tế Việt Nam và phù hợp với các văn bản quốc tế. Trên cơ sở cân bằng lợi ích giữa các bên chủ thể trong các quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, các giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả được pháp luật đặt ra. Trong đó, hành vi “sao chép” và hành vi “trích dẫn” là hành vi xảy ra khá thường xuyên trong các hoạ động học tập, giảng dạy hay nghiên cứu khoa học. Các hành vi sao chép tác phẩm và trích dẫn tác phẩm rất khác nhau. Hai hành vi này là một bộ phận cấu thành ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (quy định tại Điều 25 Luật SHTT năm 2022 (Quốc hội, 2022)). Ngoại lệ này thể hiện: khi đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định, các cá nhân, tổ chức khác có quyền sử dụng tác phẩm đã công bố của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bằng hình thức sao chép, trích dẫn tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền. Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay quy định như thế nào, có tương thích với pháp luật quốc tế hay không và giải pháp nào cho việc định hướng hoàn thiện pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm để việc áp dụng pháp luật này có hiệu quả, đồng bộ và thống nhất trên thực tế.

2. Lý luận về sao chép và trích dẫn

     2.1. Sao chép

     Theo Khoản 10 Điều 4 Luật SHTT năm 2022 quy định: “Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” (Quốc hội, 2022). Theo đó, hành vi sao chép tác phẩm chính là hành vi tạo ra nhiều bản sao tác phẩm liên quan về mặt kỹ thuật. Như vậy, xét rằng việc sao chép có thể được thực hiện dưới nhiều phương tiện hay hình thức khác nhau như photocopy một quyển giáo trình, chụp từng trang bài viết tạp chí bằng điện thoại, sao chép một phần mềm trên máy tính cá nhân, ghi âm lại bài giảng của giảng viên trên lớp bằng thiết bị ghi âm, … Hành vi sao chép tác phẩm là hành vi liên quan đến quyền tài sản, quyền lợi kinh tế, thương mại hóa sản phẩm này ra thị trường mang lại những giá trị kinh tế cho sản phẩm (Nguyen, 2020, tr. 125).

     Quyền sao chép tác phẩm được nhận định là quyền tài sản cơ bản và quan trọng nhất. Bởi quyền này sẽ là độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả nếu tác phẩm đó chưa được công bố. Nếu tác phẩm đã được công bố thì người khác có quyền sao chép mà không phải xin phép, trả tiền bản quyền hoặc không phải xin phép nhưng trả tiền bản quyền theo quy định (Trường Đại học Luật Hà Nội, 2017, tr. 65). Về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền đối với tác phẩm (trong đó có quyền sao chép tác phẩm) nhưng mặt khác, pháp luật vẫn đặt ra các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác qua sao chép để cân bằng lợi ích chung của xã hội và lợi ích riêng của chủ sở hữu. Do đó, sao chép là cầu nối để công chúng tiếp cận nhiều hơn với tác phẩm trong trường hợp được sử dụng mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến chủ thể quyền tác giả.

     2.2. Trích dẫn

     Hành vi trích dẫn tác phẩm liên quan nhiều đến hoạt động diễn giải lại những ý tưởng của những người khác để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu của mình (Nguyen, 2020, tr. 126). Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng như Điều 10.1 Công ước Berne (Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works, 1886) cũng không định nghĩa cụ thể về “trích dẫn”, nhưng có thể hiểu trích dẫn là lấy một số phần của tổng thể lớn hơn – một nhóm từ từ một văn bản hoặc một bài phát biểu, một đoạn nhạc hoặc hình ảnh trực quan được lấy từ một bản nhạc hoặc một tác phẩm nghệ thuật, trong đó việc chụp ảnh được thực hiện bởi một người nào đó không phải là người sáng tạo ra tác phẩm (Sam, & Victoria, 2003, tr. 12). Như vậy, ý nghĩa khoa học đơn thuần của trích dẫn có thể hiểu là việc đưa thông tin một cách đầy đủ (rõ ràng) từ nội dung tác phẩm gốc nhằm tạo nên tính chuẩn xác/khoa học cho tác phẩm của mình.

     Theo đó, trích dẫn chính là việc sử dụng những ý tưởng của những người khác để phục vụ cho việc minh họa, bình luận những luận điểm của mình. Trích dẫn có thể chia thành hai hình thức: trích dẫn trực tiếp hoặc trích dẫn gián tiếp. Tuy nhiên, việc trích dẫn dù theo hình thức nào cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt những nghĩa vụ theo quy định sở hữu trí tuệ nếu không sẽ rơi vào hành vi xâm phạm quyền tác giả. Ranh giới giữa hành vi trích dẫn hợp pháp và không hợp pháp vì thế cũng trở nên mong manh. Hiện nay, việc trích dẫn được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực giáo dục, nhất là đối với đối tượng học viên, sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Vậy nên, các đối tượng này sẽ hết sức lưu ý và quan tâm đến các quy định về trích dẫn.

3. Các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm

     3.1. Ngoại lệ quyền tác giả trong pháp luật quốc tế

     3.1.1. Ngoại lệ quyền tác giả trong các cam kết quốc tế

     Xuất phát từ việc cân bằng lợi ích giữa các bên chủ thể trong các quan hệ pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, các giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả được pháp luật quốc tế đặt ra. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên ghi nhận các trường hợp nhất định mà pháp luật quốc gia thành viên có quyền quy định như sao chép, trích dẫn, in lại, phát sóng lại, … (Le, 2009, tr. 27). Theo Điều 9.2 Công ước Berne (Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works, 1886) có quy định: “Luật pháp quốc gia thành viên Liên hiệp, trong một vài trường hợp đặc biệt, có quyền cho phép sao in những tác phẩm nói trên, miễn là sự sao in đó không phương hại đến việc khai thác bình thường tác phẩm hoặc không gây ảnh hưởng bất hợp lý đến những quyền lợi hợp pháp của tác giả”. Ngoài ra, Điều 10 Công ước Berne (Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works, 1886) quy định trường hợp sử dụng quyền tự do đối với hành vi trích dẫn.

     Các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả trong Công ước Berne chính là quyền “sử dụng tự do”, thường được gọi là học thuyết “phép thử ba bước”. Công ước Berne không quy định những trường hợp cụ thể nào được phép sao chép tác phẩm mà để các quốc gia thành viên tự quy định cụ thể trên cơ sở phù hợp với nội dung “phép thử ba bước” mà Công ước đưa ra (Nguyen, 2021, tr.16). Ngoại lệ của quyền tác giả trong việc sao chép tác phẩm cũng được quy định tại Điều 13 Hiệp định TRIPS: “Nước Thành viên phải xác định các giới hạn hoặc ngoại lệ đối với độc quyền đối với một số trường hợp đặc biệt mà các trường hợp đó không được xung đột với việc khai thác bình thường tác phẩm và cũng không gây tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả” (Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, 1994) hay Hiệp ước WIPO về quyền tác giả cũng có quy định thể hiện tinh thần của phép thử ba bước qua Điều 10 (World Intellectual Property Organization (WIPO) Copyright Treaty, 1996). Hạn chế và ngoại lệ. Ngoài ra, theo Điều 18.65, 18.66 của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (2018) hay Điều 12.14 của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam EU (2019) cũng quy định về quyền “sử dụng tự do” này. Như vậy, Công ước Berne và những quy định của pháp luật quốc tế khác đã tạo ra tiền đề cho sự phát triển của những quy định có liên quan đến quyền tác giả, nhằm bảo vệ tốt hơn cho các chủ thể.

     3.1.2. Ngoại lệ quyền tác giả pháp luật Hoa Kỳ, Đức

     Luật bản quyền Hoa Kỳ quy định yếu tố “sử dụng hợp lý” bằng 04 tiêu chí (04 bước thử) về mục đích, bản chất, số lượng và tác động đối với thị trường. Đồng thời, ghi nhận việc hạn chế đối với quyền “sử dụng hợp lý” tác phẩm trong việc bình luận, phê bình, giảng dạy, nghiên cứu, học tập (Nguyen, 2018). Quy định này thực chất là cụ thể hóa phương pháp ba bước thử Công ước Berne. Trong trường hợp sao chép tác phẩm nhằm mục đích phê bình, bình luận, báo cáo tin tức, giảng dạy (bao gồm cả việc sử dụng nhiều bản sao trong lớp học), học bổng, hoặc nghiên cứu thì cần phải đáp ứng 04 điều kiện theo Điều 107: (i) Mục đích và tính chất của hành vi sử dụng, xem xét đến việc sử dụng có tính chất thương mại hay cho việc nghiên cứu cá nhân; (ii) Bản chất của phần tác phẩm được sử dụng; (iii) Số lượng của phần tác phẩm được trích dẫn trên tổng thể; (iv) Tác động của việc sử dụng tác phẩm đến thị trường tiềm năng và giá trị của tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả.

     Theo đó, những điều kiện này được áp dụng cho các loại tác phẩm để xem xét quyền “sử dụng hợp lý” cho mục đích giáo dục hay nghiên cứu hay mục đích khác. Tuy nhiên, đây không phải là một danh sách đóng, Tòa án có thể xem xét thêm các yếu tố khác, tùy vào hoàn cảnh thực tế để quyết định như thế nào là “sử dụng hợp lý”. Như vậy, Luật quyền tác giả của Hoa Kỳ tập trung vào thiên hướng định lượng nhưng chưa định lượng rõ ràng tỷ lệ phần trăm, số lượng, … mà trao quyền cho Tòa án. Pháp luật Hoa Kỳ có lẽ đã mở rộng phạm vi áp dụng ngoại lệ quyền tác giả đối hơn Việt Nam, khi việc xác định “sử dụng hợp lý” không chỉ dừng lại ở 04 điều kiện Điều 107. Đây có thể là một kinh nghiệm cho Việt Nam để hoàn thiện quy định về tính hợp lý khi xem xét hành vi ngoại lệ quyền tác giả.

     Pháp luật của Đức thì mang tính định lượng không giới hạn. Điều 16 Luật bản quyền (1966) và các quyền liên quan (Luật bản quyền) của Đức quy định về quyền tạo ra bản sao tác phẩm mà không giới hạn cho bất kể phương pháp hay số lượng bản sao được tạo ra. Quyền sao chép là quyền sản xuất các bản sao của tác phẩm, bất kể là tạm thời hay vĩnh viễn, theo quy trình nào và số lượng ra sao. Mặt khác, đối với các trường hợp giảng dạy của cá nhân, tổ chức thì việc sao chép là tối đa 15%; hay quy định chi tiết cho từng chủ thể (giáo viên, giám khảo, bên thứ ba) cũng được quy định tại Điều 60a Luật bản quyền Đức.

     Ngoài ra, nhiều ngoại lệ cho việc nghiên cứu khoa học tại Điều 60c, với mục đích nghiên cứu khoa học phi thương mại, tối đa 15% tác phẩm có thể được sao chép, phân phối và công khai: (i) Cho một nhóm người cụ thể để nghiên cứu khoa học của riêng họ; (ii) Đối với các bên thứ ba riêng lẻ, trong chừng mực điều này dùng để kiểm tra chất lượng của nghiên cứu khoa học: Tối đa 75% tác phẩm có thể được sao chép cho nghiên cứu khoa học của chính mình. Như vậy, xã hội Đức đang đi theo hướng mở, khuyến khích xã hội học tập và nền kinh tế tri thức. Việc xác định rất chi tiết tỷ lệ được phép sao chép giúp cho việc áp dụng pháp luật đơn giản hơn mà Việt Nam nên học tập.

     3.2. Ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm của pháp luật Việt Nam

     Thực hiện nội luật hóa quy định Công ước Berne và các cam kết quốc tế, Luật SHTT năm 2022 (Quốc hội, 2022) đã quy định: Điều 25. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả thay tên Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao ở Luật SHTT năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 sửa đổi, bổ sung 2019 để tương thích Công ước Berne. Ngoại lệ này là một đặc quyền của người khác hơn chủ sở hữu quyền tác giả sử dụng tài liệu có bản quyền một cách hợp lý mà không có sự đồng ý của tác giả (Ginger, 1992, tr.177). Khi đáp ứng đủ các điều kiện do pháp luật quy định, các cá nhân, tổ chức khác có quyền sử dụng tác phẩm đã công bố của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bằng hình thức sao chép, trích dẫn tác phẩm mà không phải xin phép hay trả tiền bản quyền, bao gồm:

     Thứ nhất, tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép. Điều này đề cao mục đích thúc đẩy các lợi ích của mỗi cá nhân trong việc tiếp cận thông tin phù hợp theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Nhưng cần lưu ý rằng, hành vi này phải do chính bản thân cá nhân tự thực hiện sao chép mà không có sự hỗ trợ hay can thiệp từ bất kỳ một đối tượng nào khác và số lượng nhất định là một bản duy nhất.

     Thứ hai, sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Khác với trường hợp bên trên, phần số lượng được phép sao chép ở đây được định lượng (hợp lý) chứ không định tính (số lượng một bản) cụ thể. Đây là một trường hợp hoàn toàn mới, xuất hiện lần đầu trong hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Điều này xuất phát từ yêu cầu mở rộng khả năng tiếp cận tri thức, phát huy sáng tạo của mỗi cá nhân phù hợp với các nhóm chính sách đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền của Đảng và Nhà nước (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, 2022).

     Thứ ba, sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số. Việc sao chép trong hoạt động của thư viện đã được mở rộng và chi tiết hơn. Có những thư viện đã thực hiện việc số hoá tất cả các tài liệu trên – đây chính là hành vi thực hiện việc phân phối tác phẩm thuộc về chủ sở hữu quyền tác giả nên thư viện cần có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả (Vu, 2019, tr. 14).

     Thứ tư, sao chép bằng cách đăng tải lại trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác giả tuyên bố giữ bản quyền.

     Thứ năm, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát sóng, phim tài liệu.

     Tuy nhiên, các trường hợp ngoại lệ này cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định giống như các quy định trước đó hay thông lệ quốc tế. Như vậy, các trường hợp ngoại lệ quyền tác giả mà pháp luật Việt Nam đặt ra trong Luật SHTT năm 2022 (Quốc hội, 2022) đã thay đổi hoàn toàn những quy định trước đó về mặt kỹ thuật và mặt nội dung quy định.

     Một loạt các quy định mới mang tính mở rộng, bảo vệ lợi ích công cộng qua các trường hợp ngoại lệ đã tạo điều kiện lớn để học viên, sinh viên tiếp cận tri thức. Mục tiêu cao nhất của quyền tác giả là thúc đẩy, phát triển và truyền bá văn hóa và tri thức, lợi ích của xã hội vẫn phải được đặt trong mối tương quan với quyền lợi của tác giả (Do, Le, Nguyen, & Vu, 2019, tr. 51). Nếu như tác giả độc quyền đối với toàn bộ sản phẩm trí tuệ của mình thì liệu xã hội có điều kiện để phát triển hay không?

4. Thực trạng áp dụng pháp luật và giải pháp định hướng pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm cho Việt Nam

     4.1. Thực trạng áp dụng pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm

     Trong vụ tranh chấp giữa hai nhà Kiều học nổi tiếng giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Quảng Tuân khởi kiện ông Đào Thái Tôn đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả khi ông Tôn đã in lại toàn văn 04 bài viết của ông Tuân trong quyển “Văn bản Truyện Kiều – Nghiên cứu và thảo luận” (Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, 2007). Tòa án sơ thẩm đã xác định hành vi của ông Đào Thái Tôn không phải là hành vi trích dẫn hợp lý mà là hành vi xâm phạm quyền tác giả khi in lại 04 bài viết của ông Nguyễn Quảng Tuân mà không hề xin phép. Trong khi đó, tòa án phúc thẩm đã xác định ông Tôn đưa in 04 bài của ông Tuân nhằm mục đích phê bình trong phần thảo luận là không vi phạm bản quyền tác giả.

     Xét thấy, Tòa án đã có cách thức tiếp cận và áp dụng pháp luật khác nhau trong việc xác định hành vi của ông Đào Thái Tôn. Tòa án phúc thẩm đã có tiếp cận rộng hơn khi xác định hành vi sử dụng tác phẩm để phân tích, bình luận có thể chiếm số lượng lớn (việc sử dụng 04 bài viết) trong tác phẩm mà không xâm phạm quyền tác giả và xác định rõ hành vi sử dụng tác phẩm này không xâm phạm quyền tác giả, được xem là trích dẫn hợp lý tác phẩm.

     Mặt khác, Tòa án không áp dụng học thuyết ba bước thử theo Công ước Berne để áp dụng nhận định tranh chấp này. Tại thời điểm diễn ra tranh chấp, Điều 760 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định (Quốc hội, 1995): “Cá nhân, tổ chức được sử dụng tác phẩm của người khác đã được công bố, phổ biến, nếu tác phẩm không bị cấm sao chụp và việc sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không xâm hại đến các quyền lợi khác của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm; cá nhân tổ, chức sử dụng tác phẩm không phải xin phép và không phải trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, nhưng phải ghi hoặc nhắc đến tên tác phẩm và nguồn gốc của tác phẩm”. Nghiên cứu kỹ và vận dụng đúng tinh thần của quy định, có lẽ Tòa án đã không có kết luận khác nhau giữa hai cấp xét xử. Bản thân pháp luật Việt Nam đã tồn tại các bước thử nhưng Tòa án vẫn không thể áp dụng.

     Việc áp dụng các ngoại lệ quyền tác giả cần được Tòa án vận dụng một cách linh hoạt tùy vào sự việc cụ thể – tức là Tòa án không nên áp dụng cứng nhắc theo nội dung của phương pháp ba bước thử. Nhưng mặt khác, Tòa án cần xem xét lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả có thực sự gây ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm gốc hoặc có tồn tại yếu tố gây phương hại đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả.

     Trong bối cảnh khác, sự việc một sinh viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận quyết định đình chỉ học một năm do hành vi sao chép và chuyển giao trong trường trái phép 08 tài liệu photo vi phạm quyền tác giả và quy định của nhà trường cũng dấy lên nhiều tranh luận rằng hành vi của sinh viên này có phải là trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hay không? Trong khi nhà trường xác định hành vi sao chép của sinh viên là hành vi xâm phạm quyền tác theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Một số ý kiến cũng tỏ ra đồng tình với nhận định của trường. Ngược lại, có ý kiến cho rằng hành vi của sinh viên thuộc trường ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả (Quang Anh, 2022).

     Rõ ràng, môi trường giáo dục là một trong những nơi có rất nhiều các hành vi/hoạt động liên quan đến phạm vi áp dụng về sở hữu trí tuệ. Việc áp dụng pháp luật trong sự việc này đã gặp nhiều khó khăn, nhiều luồng ý kiến khác nhau cho cùng một hành vi đã chỉ ra sự bất cập của pháp luật. Bởi lẽ, xác định có gây ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm gốc hay việc gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác động lớn đến toàn bộ kết quả giải quyết một vấn đề. Pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa xác định rõ yếu tố như thế nào là “ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm, gây phương hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”.

     Ngoài ra, vấn đề xác định “tính hợp lý” qua tranh chấp và sự việc trên cũng là một bất cập trong quy định pháp luật. Không thể phủ nhận rằng Luật SHTT năm 2022 (Quốc hội, 2022) đã cơ bản hoàn chỉnh các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, nhưng vấn đề là tính rõ ràng hay tiêu chí nhất định để đánh giá tính hợp lý thì hoàn toàn chưa được giải quyết (tức là điều luật vẫn giữ nguyên tinh thần của các thế hệ văn bản trước đó). Vậy nên, việc xác định “tính hợp lý” là một cơ sở quan trọng để khả năng áp dụng pháp luật có tính khả thi và nhất quán.

     4.2. Giải pháp định hướng pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn tác phẩm

     Một là, pháp luật cần xác định cụ thể về “không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm” và “không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả”. Qua thực tế, việc áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn mặc dù các văn bản Luật SHTT Việt Nam qua các thời kỳ đều ghi nhận các điều kiện tương tự quy định các tiêu chí xác định trong phương pháp ba bước thử của Công ước Berne. Không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tác phẩm có nghĩa là việc sử dụng này không ảnh hưởng đến việc công chúng đón nhận tác phẩm, hay tiêu thụ tác phẩm ngoài thị trường (Nguyen, Tong, & Tran, 2021). Nhưng việc xác định yếu tố cụ thể để đánh giá vấn đề này thì cần thiết phải có văn bản điều chỉnh để thống nhất áp dụng. Bên cạnh đó, không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, theo quan điểm tác giả có thể hiểu đó là việc xác định hành vi xâm phạm đến các quyền nhân thân hay quyền tài sản của chủ thể quyền tác giả. Dẫu vậy, thực tế pháp luật cần có giải thích rõ ràng để tránh vấp phải những vướng mắc trong thời gian đã qua.

     Nhiệm vụ này có thể trao lại cho văn bản hướng dẫn chi tiết Luật sở hữu trí tuệ. Bởi lẽ, khoản 04 Điều 25 Luật SHTT năm 2022 (Quốc hội, 2022): “Chính phủ quy định chi tiết Điều này”. Việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể giúp đối tượng học viên, sinh viên tuân thủ nghiêm ngặt hơn pháp luật. Thực tế, việc nhiều học viên, sinh viên thực hiện việc sao chép, trích dẫn các luận văn, luận án, tiểu luận, … là điều rất hiển nhiên. Vậy nên, hướng dẫn cụ thể để xác định hành vi sao chép, trích dẫn hoặc kể cả sử dụng tác phẩm mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần làm rõ.

     Hai là, pháp luật cần quy định cụ thể tỷ lệ/số lượng đối với từng hành vi sao chép tác phẩm. Hiện nay, chỉ có một trường hợp pháp luật quy định rõ ràng tại Điểm a Khoản 01 Điều 25 Luật SHTT năm 2022 với số lượng 01 bản (tức là 100% tác phẩm) cho mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân không bằng thiết bị sao chụp. Do đó, các quy định khác về sao chép cũng được cần định lượng rõ ràng và cần được hướng dẫn xác định cụ thể như: tỷ lệ/số lượng đối với sao chép một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép hay đối với từng hành vi sao chép của thư viện, … Việc sao chép hợp lý một phần từ tác phẩm gốc sẽ được áp dụng như thế nào để có hiệu quả và khả thi. Do đó, pháp luật định hướng định lượng rõ ràng tỷ lệ phần trăm các hành vi sao chép theo kinh nghiệm pháp luật Đức là một chọn lựa.

     Ba là, Tòa án cần vận dụng phương pháp các bước thử để làm căn cứ xét xử tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả. Từ các trường hợp được dẫn chứng tại mục 3.1, phương pháp các bước thử là chìa khóa để quá trình áp dụng pháp luật trở nên thiết thực và hiệu quả hơn. Thực tế thì vẫn chưa tìm được một phán quyết nào của Tòa án ở Việt Nam vận dụng phương pháp các bước thử để giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Dường như Tòa án chưa quan tâm đến việc áp dụng phương pháp các bước thử, điều này không chỉ không bắt kịp xu hướng của thế giới, mà còn gây ra những khó khăn nhất định. Cho nên, việc thống nhất áp dụng phương pháp các bước thử là cần thiết đối với ngành Tòa án.

     Bốn là, pháp luật cần quy định cách hiểu chính xác về “tính hợp lý” để sử dụng cho các nội dung của Luật sở hữu trí tuệ. Việc này có thể được thực hiện thông qua một định nghĩa cụ thể hoặc các tiêu chí xác định “tính hợp lý”. Xét rằng “tính hợp lý” được Luật SHTT năm 2022 ghi nhận nhất định ở các quy định về quyền tác giả nhưng lại chưa có một định nghĩa/giải thích hay yếu tố nào để xác định. Sự quy định định tính này làm cho thực tế áp dụng gặp nhiều lúng túng. Các yếu tố có thể tham khảo để xác định “tính hợp lý” bao gồm: mục đích và tính chất của hành vi; bản chất của phần tác; số lượng, tỷ lệ của phần tác phẩm được sử dụng; sức ảnh hưởng của hành vi đến chủ thể quyền tác giả.

     Việc xác định các yếu này nên được kết hợp song song với việc vận dụng phương pháp các bước thể để nâng cao tính hiệu áp dụng pháp luật. Bởi lẽ, phương pháp các bước thử để xác định “tính hợp lý” không phải được áp dụng rập khuôn, máy móc mà đó là sự vận dụng linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể – một cách thức mà Hoa Kỳ đã áp dụng rất hiệu quả để xác định có hay không có hành vi sử dụng hợp lý.

5. Kết luận

     Có thể thấy, các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả qua hành vi sao chép, trích dẫn đã được Luật SHTT năm 2022 ghi nhận tương đối đầy đủ, cơ bản tương thích với các cam kết quốc tế và tình hình xã hội trong nước. Tuy nhiên, để quá trình áp dụng pháp luật có tính đồng bộ, pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam cần phải hoàn thiện và bổ sung các quy định, ban hành văn bản hướng dẫn mang tính cụ thể hóa để định hướng nâng cao khả năng áp dụng từ kinh nghiệm lập pháp của một số nước và quá trình thực tiễn áp dụng đã qua. Từ đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ góp phần chung vào các nhóm chính sách chung của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập và thực thi hóa các cam kết quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng và phát triển Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works. (1886). Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://www.wipo.int/treaties/en/ip/berne/

     Chính phủ. (2018). Nghị định 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan [Decree No. 22/2018/ND-CP dated February 23, 2018 of the Government on guidelines for certain number of articles of the Intellectual Property Law and Law on amendments to the Intellectual Property Law 2009 in terms of the copyright and related rights]. Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/nghi-dinh-22-2018-nd-cp-quy-dinhchi-tiet-luat-so-huu-tri-tue-luat-sua-doi-luat-so-huu-tri-tue-ve-quyen-tac-gia-quyen-lienquan-159846-d1.html

     Copyright Law of the United States. (1976).
Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://www.copyright.gov/title17/

     Do, H. T. K., Le, Y. T., Nguyen, H. T. M., & Vu, T. V. (2019). Quyền sao chép của người học: Nhìn từ góc độ quyền sử dụng hợp lý [Learners’ copy rights: From the perspective of fair use]. Tạp chí Khoa học xã học Việt Nam, 4, 46-53.

     Ginger, A. G. (1992). Wright v. Warner Books, Inc.: The latest chapter in the second circuit’s continuing struggle with fair use and unpublished works. In Fordham intellectual property: Media and entertainment law journal (Vol. 3, pp. 175-200).
Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://ir.lawnet.fordham.edu/iplj/vol3/iss1/11/

     Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP)]. (2018). Intellectual property. Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://trungtamwto.vn/upload/files/noi-dung-hiep-dinh/18.- Intellectual-Property.pdf

     Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU [The EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA)]. (2019).
Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://trungtamwto.vn/file/19751/chapter-12-evfta.pdf

     Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ [Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights (TRIPS)]. (1994).
Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://trungtamwto.vn/upload/files/wto/4-cac-hiep-dinh-co-ban/19-Phu%20luc%201C%20-%20TRIPs.pdf

     Le, G. T. N. (2009). Nguyên tắc cân bằng lợi ích của chủ sở hữu trí tuệ và lợi ích của xã hội [Principle of balancing the interests of intellectual property owners and the interests of society]. Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam, 2(59), 26-33.

     Luật bản quyền và các quyền liên quan của Đức [Germen copyright and related rights Law]. (1966). Gesetz über Urheberrecht und verwandte Schutzrechte.
Truy cập ngày 10/05/2022 tại http://www.gesetze-im-internet.de/urhg/

     Nguyen, C. M., Tong, P. M., & Tran, H. T. (2021). Thực tiễn áp dụng quy định về sao chép tác phẩm trong thư viện – vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số [Practical application of regulations on copying works in libraries – A problem for Vietnam in the context of digital transformation]. In Tài liệu Hội thảo: Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong pháp luật về quyền tác giả từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam (pp. 247-259). Ho Chi Minh City, Vietnam: Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

     Nguyen, C. T. (2020). Bình luận bản án quyền tác giả – Góc nhìn pháp luật Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc [Comments on copyright judgments – Legal perspective of the United States, France, Japan, Korea]. Ho Chi Minh City, Vietnam: Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam.

     Nguyen, L. T. (2021). Quyền sao chép và trích dẫn tác phẩm trong môi trường giáo dục [Copy rights and cite works in environmental education]. Tạp chí pháp luật và thực tiễn, 46, 14-22.

     Nguyen, T. T. N. (2018). Giới hạn quyền tác giả trong việc sao chép và trích dẫn tác phẩm dưới góc nhìn luật so sánh [Limitation of copyright in copying and quoting works from a comparative law perspective]. Tạp chí Công thương, 10, 28-33.

     Quang Anh (2022). Bị kỷ luật vì sử dụng tài liệu photo: Ai thương sinh viên nghèo [Discipline for using photo materials: Who loves poor students]. Truy cập ngày 15/09/2022 tại https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/bi-ky-luat-vi-dung-tai-lieu-photo-ai-thuongsinh-vien-ngheo-c216a854841.html

     Quốc hội. (1995). Bộ luật Dân sự ngày 28 tháng 10 năm 1995 [Civil code of October 28, 1995]. Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://luatvietnam.vn/dan-su/bo-luat-dan-su-nam-1995-luatdan-su-so-44-l-ctn-3500-d1.html

     Quốc hội. (2005). Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 [Law on intellectual property No. 50/2005/QH11 dated November 29, 2005]. Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/luat-so-huu-tri-tue-2005-luat-so-50- 2005-qh11-18077-d1.html

     Quốc hội. (2009). Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ [Law No. 36/2009/QH12 dated June 19, 2009 of the National Assembly amending and supplementing a number of the Law on Insurance Business, Law on Intellectual Property]. Truy cập ngày 10/05/2022 tại
https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/luat-sua-doi-luat-so-huu-tri-tue-2009-43414-d1.html

     Quốc hội. (2019). Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 06 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ [Law No.
42/2019/QH14 dated June 14, 2019 of the National Assembly amending and supplementing a number of the Law on Intellectual Property]. Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/luat-sua-doi-luat-kinh-doanh-bao-hiem-luat-so-huutri-tue-2019-175004-d1.html

     Quốc hội. (2022). Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 06 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ [Law No. 07/2022/QH15 dated June 16, 2022 of the National Assembly amending and supplementing a number of the Law on Intellectual Property]. Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://luatvietnam.vn/so-huu-tri-tue/luat-sua-doibo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-so-huu-tri-tue-so-07-2022-qh15-224105-d1.html Sam, R., & Victoria (2003). Wipo study on limitations and exceptions of copyright and related rights in the digital environment. Geneva, Switzerland: World Intellectual Property Organization – Standing committee on copyright and related rights – Ninth session.

     Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. (2007). Bản án số 127/2007/DS-PT ngày 14/06/2007 [Judgment No. 127/2007/DS-PT on June 14, 2007].
Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://congbobanan.toaan.gov.vn/

     Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ. (2022). Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ [New points of the Law amending and supplementing a number of the Law on Intellectual Property]. Truy cập ngày 15/09/2022 tại https://most.gov.vn/vn/tin-tuc/22049/nhung-diem-moi-cua-luat-sua-doi–bosung-mot-so-dieu-cua-luat-so-huu-tri-tue.aspx

     Trường Đại học Luật Hà Nội. (2017). Giáo trình Luật sở hữu trí tuệ (tái bản lần thứ hai) [Textbook Law on Intellectual Property (2nd ed)]. Hanoi, Vietnam: NXB Công an nhân dân.

     Vu, Y. T. H. (2019). Quyền tác giả đối với tác phẩm trong môi trường công nghiệp 4.0 tại các cơ sở giáo dục [Copyright for works in the industrial environment 4.0 at educational institutions]. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 21(397), 11-17.

     World Intellectual Property Organization (WIPO) Copyright Treaty. (1996). Truy cập ngày 10/05/2022 tại https://www.wipo.int/treaties/en/ip/wct/

Nguồn: Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Pháp luật về ngoại lệ quyền tác giả qua sao chép, trích dẫn và gợi ý cho Việt Nam (Tác giả: Phạm Hoàng Phúc)