Phát huy GIÁ TRỊ TÍCH CỰC của HƯƠNG ƯỚC LÀNG CÔNG GIÁO vùng ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG trong cuộc xây dựng ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ MỚI

NGUYỄN THỊ QUẾ HƯƠNG
(Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo)

1.

     Làng Việt vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là nơi tiếp nhận đầu tiên các tôn giáo: Nho, Phật, Đạo và đến thế kỉ XVII (1615) là Công giáo. Là một hiện tượng văn hoá, tôn giáo nói chung và Công giáo nói riêng, luôn có sự ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân và trong quá trình truyền giáo vào Việt Nam, Công giáo với nền văn hoá ngoại lai, từng bước hội nhập vào trong nền văn hoá dân tộc tạo nên sự phong phú và đa dạng cho văn hoá Việt Nam. Sự hội nhập văn hoá đó thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau của cuộc sống như trên văn học, nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc, ngôn ngữ, lễ hội, v.v. Một trong những điểm nhấn của sự hội nhập văn hoá Công giáo với văn hoá dân tộc phải kể đến hương ước làng Công giáo 1– sản phẩm văn hoá đặc trưng của làng Công giáo 2 vùng ĐBSH và đó là kết quả của quá trình truyền giáo vào làng Việt.

     Hương ước làng Công giáo được xây dựng trên cơ sở của hương ước làng Việt, do đó nó cũng có những quy ước chung nhằm điều chỉnh nhiều lĩnh vực của cuộc sống như kinh tế, chính trị, trật tự xã hội, giáo dục, đạo đức, sinh hoạt văn hoá tâm linh, v.v. Nhờ thực hiện hương ước mà nhiều phong tục tập quán đã trở thành những phong tục hay, đó là những quy định về nếp sống, nhằm khuyến khích con người vươn lên trong cuộc sống, điều chỉnh hành vi con người ngày một hoàn thiện hơn.

     Trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới tại các làng Việt, nhất là các làng Công giáo vùng đồng bằng sông Hồng không thể không nhắc tới việc xây dựng hương ước hay quy ước mới – đó là một trong những yếu tố để công nhận làng văn hoá (sẽ được phân tích kĩ hơn ở phần sau). Vấn đề kế thừa và phát huy những giá trị văn hoá của hương ước, đồng thời loại bỏ những yếu tố đã lỗi thời, là một vấn đề cần được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sao cho những hương ước, quy ước mới phù hợp với điều kiện và tình hình xã hội của nước ta hiện nay. Đây cũng là những nội dung chính mà bài viết đề cập.

2. Những giá trị tích cực của hương ước làng Công giáo trong đời sống xã hội Việt Nam

     2.1. Có thể khẳng định rằng, tính tự trị, tự quản của hương ước được thể hiện ngay trong phần đầu tiên của các bản hương ước, với sự khẳng định quyền tự chủ cao: “hương đảng là tiểu triều đình” vậy “nước có phép nước, làng có lệ làng”, tuy nhiên, hương ước được xây dựng và thực thi dựa trên nền tảng pháp luật như: “làng là gốc của nước, làng có mạnh thì nước mới giàu”. Tự lực về kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự xã thôn, mỗi người dân luôn là một lá chắn để bảo vệ làng xóm của mình, điều đó đã thể hiện tính tự quản của làng xã. Xét từ góc độ làm chủ, hương ước chính là một cơ sở để khẳng định tính tự chủ của người dân, mọi việc đều được đưa ra bàn bạc để đi đến sự đồng lòng và nhất trí cao. Hãy xem ví dụ cụ thể trong vấn đề kinh tế:

     Kinh tế ở làng Công giáo chủ yếu liên quan đến vấn đề ruộng đất vì nó có vai trò quan trọng trong việc củng cố và phát triển Đạo. Hiệp ước năm 1874 giữa triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp có Điều khoản quy định Nhà nước phong kiến Việt Nam cho phép các nhà truyền giáo, các giám mục Việt Nam mua và thuê đất đai. Như vậy, phải đợi đến thời điểm năm 1874 Giáo hội Công giáo Việt Nam mới được Nhà nước hợp thức hoá việc mua, thuê đất đai. Ruộng đất làng Công giáo có nhiều loại như ruộng xứ đạo, ruộng họ đạo, ruộng địa chủ người Công giáo, v.v. Hương ước làng Mĩ Đình (Thái Bình) lại ghi chép tỉ mỉ về số tài sản cố định mà làng có, đồng thời quy định luôn cho Trùm họ và người Thủ dịch sử dụng và cai quản số tài sản đó để lo việc Đạo, còn ruộng đất công thì theo định mức 3 năm một lần cấp lại: “Làng có một cái nhà thờ, 1 cái nhà khách, 1 cái nhà dãy, vườn ao và ruộng do người Trùm họ và người Thủ dịch trông coi… Ruộng công điền cứ 3 năm cấp lại 1 lần” 3. Như vậy, ruộng đất làng Công giáo gồm ruộng đất của xứ đạo và họ đạo. Một số xứ, họ đạo có thể có ruộng của Toà địa phận hay của dòng tu. Ruộng đất có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, trước hết, ruộng dành để nuôi dưỡng hàng ngũ giáo phẩm, tu sĩ, những người giúp việc cho linh mục; tiếp đó là dùng vào xây dựng cơ sở vật chất cho Giáo hội cơ sở truyền giáo và phát triển đạo. Do có tầm quan trọng như vậy nên ruộng chỉ giao cho các chức việc trong làng quản lí, sử dụng, còn giáo dân thường không được trực tiếp sử dụng ruộng công đó mà được thuê lại ruộng đó để canh tác, hoặc là phải chịu sự phân bổ luân phiên của Ban hành giáo mà canh tác lấy hoa lợi về cho Nhà chung.

     Có thể thấy, nếp sống tự giác, tự quản thể hiện trên phương diện kinh tế tự cung tự cấp, tự bảo quản an ninh trật tự, bảo vệ làng xóm, đê điều, vệ sinh cảnh quan môi trường xung quanh làng, tất cả đều là nếp sinh hoạt, thói quen bao đời nay của người dân trong làng xã xưa. Nếp sống dân chủ, làm chủ cuộc sống của người dân được thể hiện trong các cụm từ như: làng cấp cho, làng ghi công, làng miễn cho, hay làng phạt, làng cấm,… với từng quy định cụ thể trong hương ước của làng. Đó cũng là một trong những lí do cho các nhà quản lí đặt câu hỏi: tại sao ở các làng có đồng bào theo Đạo, vấn đề tệ nạn xã hội lại ít hơn so với các làng xã khác ở Việt Nam?

     2.2. Trong quá trình tồn tại và phát triển của hương ước qua hai giai đoạn trước cải lương và trong thời cải lương hương chính, dù luôn có sự đổi thay cho phù hợp với xã hội, nhưng hương ước luôn phát huy vai trò tích cực trong việc lưu truyền những giá trị nhân văn thể hiện qua các quy ước như “tình làng nghĩa xóm”, hay “tương thân, tương ái” được người dân thể hiện qua sự quan tâm, chăm sóc đến nhau, những lúc vui cũng như buồn với tình cảm chân thành của hàng xóm láng giềng luôn có nhau trong cuộc sống hằng ngày. Biết chia sẻ những ngọt bùi cùng nhau “lá lành đùm lá rách” từ việc nộp thuế cho đến việc hiếu, hỉ, v.v. Đặc biệt, hương ước còn đề cao tính hiếu học với những quy định về thưởng – phạt trong việc học hành của con em trong làng xã được thể hiện bằng hiện vật hoặc bằng tiền, đồng thời cả những quy định về việc con trẻ phải thuộc kinh Thánh khi đến tuổi đi học. Một ví dụ về giáo dục như sau: Ở các làng Công giáo, nhất là làng Công giáo toàn tòng, việc bắt buộc phải dạy kinh Thánh cho trẻ nhỏ khi đến tuổi đi học được quy định trong hương ước rất cụ thể, ví dụ hương ước Ngọc Đồng (Hưng Yên) ghi: “Cha mẹ nào có con trai, con gái bảy, tám tuổi trở lên thì phải cho nó vào hội đồng nhi, phải cho đi đọc Kinh cùng học Kinh. Nếu kẻ nào chẳng vâng cứ điều này mà đến kì làm Phúc, nó chẳng thuộc các điều gì cho được xưng tội chịu lễ. Cho nên mẹ ấy phạt 3 quan, con cái phải đánh đòn 20 roi4. Hoặc trong hương ước làng Tăng Bổng, Thái Bình lại có lệ: “… còn trẻ con, cha mẹ phải liệu mà dạy Kinh bổn cho nó từ lúc năm, sáu tuổi để nó biết giữ thói lành, thờ phụng Thiên Chúa. Để đến lúc lên năm, bảy, tám tuổi cho nó được xưng tội, chịu lễ chăm lo phần hồn. Nó lơ là, trễ nải thì phải dạy cho nghiêm, đừng để nó theo thói dối đạo, chẳng những thiệt hồn thiệt xác mà người ta chê cười” 5.

     2.3. Truyền thống đoàn kết dân tộc, trách nhiệm cộng đồng cũng được phát huy, nhất là ở những làng Lương – Giáo, nơi có những con người không cùng tôn giáo, tín ngưỡng sẽ thường dẫn đến xung đột, nhưng qua hương ước chúng ta thấy toát lên tính đoàn kết được biểu hiện khá cụ thể và sinh động trong tinh thần và trách nhiệm của người dân về việc bảo vệ của công, tuần phòng, mùa màng, môi trường sinh thái hoặc trong ngày lễ hội của làng. Có thể dẫn chứng qua ví dụ vấn đề môi trường: Ở làng Công giáo, môi trường sinh thái cũng là một việc quan trọng, bởi làng xã là nơi sống tập trung của cộng đồng dân cư tương đối đông, việc giữ gìn trong sạch môi trường làng xã bảo đảm vệ sinh chung sẽ có tác động tới sức khoẻ người dân, do vậy, trong hương ước làng Công giáo có các quy định về sự vệ sinh trong làng xã rất cụ thể. Trong hương ước làng Sở Thượng (Hà Đông), quy định từ điều 75 đến 81 như sau: “Muốn cho người làng mạnh khoẻ cần phải theo phép vệ sinh, một là phòng bệnh hai là giữ bệnh,… Cấm không ai được vất uế vật ra đường và làm nhà xí bên đường, ai phạm cấm ấy thời phạt 0,30$… Trong làng có ai bị mắc bệnh hủi, Lý trưởng phải trình Quan khám thực đem ra dưỡng tế, không được ẩn dấu mà để ở trong làng…” 6.

     Qua phần trình bày trên, chúng ta có thể thấy được nền nếp trong đời sống sinh hoạt của người dân nói chung, người Công giáo vùng ĐBSH nói riêng, mà ở đó những con người quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vẫn tạo được một sức sống văn hoá cho làng xã Việt Nam nói chung và văn hoá làng Công giáo vùng ĐBSH nói riêng rất đa dạng, phong phú và sinh động. Rõ ràng, các giá trị văn hoá được thể hiện trong hương ước có giá trị lịch sử và vẫn lưu truyền đến ngày nay.

     Tuy nhiên, trải qua thời gian trong lịch sử, bên cạnh những tính tích cực hương ước cũng không thể tránh khỏi những hạn chế mà trong giai đoạn trước và giai đoạn cải lương phải chịu điều tiếng như: tệ mua quan, bán tước, mua trùm bán trương; tệ khao vọng; tệ vị thứ và biếu phần, ở những làng Lương – Giáo, tục trong năm có nhiều ngày lễ của bên lương, cũng phần nào ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân trong vùng. Thực chất, vấn đề khao vọng hay mua trùm, bán trương ở làng Công giáo là một trong những ảnh hưởng lớn từ làng Việt cổ, đây cũng là một nét giao thoa, hội nhập trong văn hoá Việt Nam, đặc biệt nó còn được quy định trong hương ước làng Công giáo toàn tòng. Việc mua trùm, bán trương có thể thấy qua các quy định trong hương ước của làng Thuận Nghiệp, Thái Bình: “Một điều, hương đảng không đồng tuổi, thiên hạ chẳng tôn trọng. Nhưng hương đảng ở tiểu triều đình thì có thể tạo mua ngôi thứ. Thăng lên nhất bàn thì vọng tiền 12 quan, thăng lên nhị bàn vọng tiền 8 quan, thăng lên tam bàn 6 quan. Mua ngôi thứ trước mà vọng sau thì phải ngồi sau 12 người. Nếu (quan) huyện bày tỏ hứa cho thì có thể người cho kế vọng. Còn như người khoa trường, cước sắc thì tuỳ chức mà bổ vào. Nhưng con người đó, cháu người đó mà thi trúng khoá, trúng hạt thì việc vọng cũng như người dân, phải khao vọng, nộp tiền 20 quan, cau 1 buồng, rượu một bình để coi trọng nhân luân” 7.

     Những tập quán rõ nét của làng xã thông qua hương ước như “sống lâu lên lão làng” hay “xuất lão vô sự” nói đến truyền thống của làng Việt xưa mà biểu hiện rõ nét đó là hàng Giáp của làng, tức là trong độ tuổi (18-50, 60) thì can dự việc làng, hết tuổi thì được hưởng ưu đãi của làng. Sự ảnh hưởng của làng Việt tác động vào làng Công giáo về vấn đề này được biểu hiện thông qua việc tuyển chọn các chức việc cho làng với nguyên lí “triều đình trọng tước, làng nước trọng xỉ”, tức Nhà nước trọng chức tước (có phẩm hàm) làng xã chọn những người cao tuổi (có phẩm hạnh) vào ban chức việc của làng hay Ban hành giáo để quản lí làng xã và đôi khi với quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” sẽ dẫn đến sự bao che, trục lợi ở một số dòng họ có nhiều người cùng giữ chức vụ trong làng.

     Từ những trình bày ở trên, ta thấy, hương ước trong giai đoạn trước đã tạo cho làng xã một “quyền uy tuyệt đối” với mọi thành viên trong làng. Tính cố kết cộng đồng đã tạo ra lối sống tự ti, thiếu hiểu biết về pháp luật chỉ quen với lệ làng, không có sự khích lệ trong phát triển kinh tế địa phương, đó là một cản trở lớn trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đời sống văn hoá – xã hội hiện nay, việc xây dựng hương ước mới theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước là việc nên làm, để phát huy những giá trị của hương ước trong giai đoạn trước, nhưng cũng cần phải xét đến những thuận lợi và bất cập cho việc soạn thảo hương ước, để sao cho phù hợp với phong tục của từng làng, không làm mất đi những đặc trưng riêng của từng làng, nhất là những làng Công giáo.

3. Phát huy giá trị của hương ước làng Công giáo trong công cuộc xây dựng đời sống văn hoá mới hiện nay

     Có thể thấy rằng, sau một thời gian từ Cách mạng tháng Tám 1945, nhất là sau năm 1954 – khi cơ cấu làng xã không còn đến nay, hương ước – “linh hồn” của làng xã cũng theo sự thể mà lùi vào hậu thế, nhưng nó không bị mất hẳn đi, bởi chính những quy định từ lệ làng thành văn, nó đã ăn sâu trong tâm trí mỗi người dân và như thế “sự hồi sinh” các giá trị truyền thống trong hương ước được họ thể hiện bằng cách duy trì phong tục trong nếp sinh hoạt thường nhật của họ. Từ đó, hương ước có điều kiện khẳng định lại vị trí, vai trò tự quản của chính mình từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VI-1988 (thường gọi là Khoán 10). Với sự tự vận động, nhiều làng xã đã tự soạn ra các quy ước với nhau để quản lí các mặt sinh hoạt của đời sống kinh tế – xã hội trong làng, từ đó hương ước có dịp được tái lập. Sự tồn tại của hương ước như một lẽ tất yếu, nếu xét hương ước là sự vật, hiện tượng thì nó không mất đi mà chỉ chuyển dạng khác mà thôi. Đối với làng Công giáo, sự cần thiết của hương ước lại càng được nâng lên với tính đặc thù của làng.

     Hương ước làng Công giáo cũng theo sự vận hành của hương ước làng Việt, ra đời trong giai đoạn hiện tại, có thể tính từ sau năm 1998 đến hiện nay được gọi là hương ước mới. Hương ước làng Công giáo được làm trong thời kì này đều căn cứ vào Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư và dựa trên hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT của Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 31/3/2000 về việc hướng dẫn xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư.

     Bên cạnh đó, hương ước còn là công cụ để “cụ thể hoá” các văn bản quy phạm của Nhà nước hay của Giáo hội vào đời sống làng xã Công giáo, đảm bảo tính pháp lí cao trong các đơn vị hành chính cấp cơ sở hiện nay. Góp phần vào công cuộc vận động toàn dân đoàn kết thực hiện đúng chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể thấy qua ví dụ tại Điều 6 trong Hương ước làng văn hoá thôn Thúy Nẻo 8, Tiên Lãng (Hải Phòng): “Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân. Mọi người dân trong làng phải phấn đấu tốt đạo, đẹp đời. Không được lợi dụng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, tuyên truyền trái với chính sách và đường lối của Đảng, lợi dụng lòng tin để thu lợi bất chính, nếu ai biết phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền” 9.

    Qua tìm hiểu Quy chế của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin số 01/2002/QĐ-BVHTT, ngày 2/1/2002 về việc Ban hành Quy chế công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá, Làng văn hoá, Khu phố văn hoá cho thấy, các làng xã muốn xây dựng thành công Làng văn hoá thì mỗi làng xã nói chung đều phải thực hiện qua 4 bước: Xây dựng quy ước, hương ước văn hoá; Xây dựng gia đình văn hoá; Xây dựng cơ sở vật chất và các thiết chế hoạt động văn hoá; Xây dựng đời sống kinh tế xã hội ổn định và từng bước phát triển. Trong đó xây dựng “quy ước văn hoá, hương ước văn hoá” là nền tảng cho việc xây dựng làng văn hoá, xây dựng nông thôn mới, phù hợp với xã hội hiện đại. Vì vậy, muốn xây dựng hương ước mới, nhất là hương ước làng Công giáo – với tính đặc thù cao, trước hết phải đảm bảo tính tự nguyện, tự giác và dân chủ – một trong những nguyên tắc cơ bản để xây dựng hương ước mới. Bên cạnh đó, còn là tính bắt buộc của Pháp luật và Giáo luật để giữ những nội dung cơ bản của hương ước không đi quá xa với tục lệ, với Luật pháp hay với Giáo luật nhằm đảm bảo giá trị thực tế của hương ước mới.

     Đối với làng Công giáo cho dù là làng Lương – Giáo hay toàn tòng đều soạn thảo hương ước làng theo cùng một mẫu của địa phương quy định, đồng thời theo hướng dẫn của Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, đồng thời, theo tinh thần và đường hướng hành đạo của Thư chung 1980. Nội dung các hương ước thời kì này thường được làm với tinh thần của cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, từ năm 2000 đến nay, hầu như các làng Việt nói chung và làng Công giáo nói riêng đều xây dựng những quy ước, hương ước làng văn hoá mới, nhằm phát huy giá trị văn hoá truyền thống của làng trên tinh thần đổi mới cho phù hợp với xã hội hiện đại. Đặc biệt, tinh thần Thư chung 1980 với việc xây dựng nếp sống và đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc, hương ước một số làng Công giáo xây dựng trong giai đoạn hiện nay đều có những điều khoản nhằm quy định về kế thừa và phát huy những thuần phong mĩ tục của làng, ví dụ trong Chương 1: Những điều khoản quy định chung của Hương ước làng Tiên Đôi Ngoại – Xóm Giáo, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng chép rằng: “Hương ước làng Xóm Giáo quy định những điều nhằm bảo lưu và phát huy những thuần phong mĩ tục tốt đẹp của làng, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng tình làng nghĩa xóm, góp phần phát triển gia đình văn hoá. Đồng thời đề ra các biện pháp bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, khuyến khích các gia đình, dòng họ và từng cá nhân thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương” 10.

     Trong thời đại ngày nay, khi chúng ta tiến hành xây dựng nếp sống mới ở thành thị và nông thôn, những giá trị văn hoá, nhân văn của hương ước, nhất là vấn đề tu dưỡng bản thân, tự điều chỉnh những hành vi cá nhân là cần thiết trong xã hội hiện đại. Bởi thế những ảnh hưởng không tích cực cần phải xem xét và loại bỏ với tư tưởng gạn đục khơi trong để mỗi cá nhân, mỗi gia đình chúng ta sẽ tự tu dưỡng bản thân, tạo ra một đại gia đình xã hội, cộng đồng xã hội với ý thức đạo đức và trách nhiệm lương tâm, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

__________
1. Trong các bản hương ước làng Công giáo vùng đồng bằng sông Hồng mà chúng tôi sưu tầm có thể tạm phân ra 3 loại tương ứng với 3 giai đoạn cụ thể như sau: Giai đoạn trước cải lương (trước năm 1921), gọi là hương ước trước cải lương được viết bằng chữ Hán – Nôm và các văn bản Hán – Nôm này đã được các chuyên gia dịch sang chữ Quốc ngữ; Giai đoạn cải lương (1921-1944), gọi là hương ước cải lương, được viết đồng thời bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán, hoặc chữ Pháp; Giai đoạn thời hiện đại, cụ thể là sau khi có Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư gọi là hương ước mới, viết bằng chữ Quốc ngữ.

2. Làng Công giáo vùng ĐBSH gồm 2 loại: Làng toàn tòng (có từ 90-100% người dân theo Công giáo); Làng Lương – Giáo (hay còn gọi là làng xôi đỗ – có một bộ phận người dân theo Công giáo và bộ phận người dân không theo Công giáo).

3. Hương ước làng Cam Đông, huyện Thuỵ Anh, Thái Bình, 1942, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Kí hiệu Hư

4. Hương ước Ngọc Đồng, tổng Đức Chiêm, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Kí hiệu AB.324, 1913.

5. Khoán lệ xã Tăng Bổng, tổng Thuận Vi, huyện Thư Trì, Thái Bình, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Kí hiệu AF.A5/65, 1908.

6. Trương Sỹ Hùng (chủ biên) – Đào Tố Uyên…, Hương ước Hà Nội, NXB Từ điển Bách khoa và Viện văn hoá, Hà Nội, 2009, tr. 516.

7. Tục lệ xã Thuận Nghiệp, tổng Thuận Vi, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Kí hiệu AF.A5/65, 1916.

8. Theo văn bản hương ước, trước năm 1945 còn gọi là Suý Nẻo, sau này (văn bản ghi từ 1999) gọi là Thúy Nẻo và để đảm bảo tính trung thực của văn bản, bài viết sử dụng tên theo đúng văn bản hương ước đã ghi.

9. Hương ước làng văn hoá thôn Thuý Nẻo, xã Bắc Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng, Hải Phòng, TL cá nhân, 1999.

10. Hương ước làng Tiên Đôi Ngoại, Đoàn Lập, Tiên Lãng, Hải Phòng, Hải Phòng, Tài liệu cá nhân, 2005.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Các văn bản hương ước đã trích dẫn.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khoá VIII, Hà Nội, 1998.

3. Trương Sĩ Hùng (chủ biên), Hương ước Hà Nội, NXB Từ điển Bách khoa và Viện Văn hoá, Hà Nội, 2009.

4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2010.