Phát triển các loại thị trường ở Việt Nam hiện nay

PHẠM MINH ĐIỂN1
(1Ban Kinh tế Trung ương)

    TÓM TẮT

     Ở Việt Nam, qua hơn 30 năm đổi mới, các loại thị trường đã được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết hơn với thị trường khu vực và quốc tế. Thị trường hàng hoá và dịch vụ trong nước liên tục phát triển; thị trường tài chính, tiền tệ phát triển nhanh trên nhiều mặt, trở thành kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ tài chính cho phát triển kinh tế – xã hội; thị trường bất động sản tiếp tục được hoàn thiện; thị trường lao động đã được hình thành trên phạm vi cả nước; thị trường khoa học công nghệ đang dần phát triển. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa hình thành đầy đủ các thể chế cần thiết để vận hành thông suốt, minh bạch, hiệu quả các loại thị trường; do đó, một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế – xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội.

Từ khóa: Thị trường, đổi mới, phát triển, Việt Nam.

Phân loại ngành: Kinh tế học.

ABSTRACT

     In Vietnam, over the past more than 30 years of renovation, the types of markets have been formed in a more synchronous manner and closely linked to regional and international markets. The domestic market for goods and services continues to grow. The financial and monetary market has developed rapidly in various aspects, becoming an important channel to meet the demand for capital and financial services for socio-economic development. The real estate market continues to improve while labour market has been formed nationwide, and the science and technology market is gradually developing. However, Vietnam has not yet fully formed the necessary institutions to operate smoothly, transparently and effectively all kinds of markets, which results in some types of them being slowly formed and developed. In order to promote the economic growth, the country must develop synchronously the factors and types of markets, improve the efficiency of international economic integration, enhance the Party’s leadership capacity, the effect and effectiveness of the State’s socio-economic management, and promote the people’s role of mastery in socio-economic development.

Keywords: Market, renovation, development, Vietnam.

Subject classification: Economics.

x
x x

1. Mở đầu

     Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Trong đó, cốt lõi là tập trung ưu tiên đổi mới tư duy kinh tế; chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển; định hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đưa nước ta ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đại hội XII của Đảng xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” [6, tr.102]. Bài viết này phân tích thực trạng phát triển các loại thị trường ở Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới và những giải pháp để phát triển các loại thị trường.

2. Kết quả phát triển các loại thị trường

     – Thị trường hàng hoá – dịch vụ trong nước liên tục phát triển. Việc ban hành các cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hoá, dịch vụ đã tạo điều kiện để phát triển đa dạng, đồng bộ các loại thị trường, giải quyết tốt vấn đề cung – cầu, giúp cho hàng hoá được lưu thông, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Thị trường trong nước tăng trưởng khá, cung – cầu các hàng hoá thiết yếu được bảo đảm. Hạ tầng thương mại và các kênh phân phối, đặc biệt là các kênh phân phối qua mạng điện tử, hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, đã có những bước phát triển đáng kể. Hoạt động xuất khẩu liên tục tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân trên 16%/năm giai đoạn 2006-2016. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực; đó là giảm tỉ trọng xuất khẩu hàng hoá thô hoặc sơ chế, tăng xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đã hình thành và phát triển một số thị trường hàng hoá phái sinh, thị trường dịch vụ sáng tạo như nghệ thuật biểu diễn, văn hoá truyền thống, nghe nhìn, vui chơi, giải trí…

     – Thị trường tài chính, tiền tệ phát triển nhanh trên nhiều mặt. Các quy định pháp luật về chứng khoán, tiền tệ, ngân hàng, bảo hiểm được sửa đổi, hoàn thiện một bước. Trong 10 năm qua, thị trường tài chính tiếp tục phát triển mạnh mẽ về quy mô và các sản phẩm dịch vụ tài chính, trở thành kênh quan trọng đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ tài chính cho phát triển kinh tế – xã hội.

     Thị trường chứng khoán từng bước đóng vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và thúc đẩy cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Tổng huy động vốn qua thị trường chứng khoán đến cuối năm 2015 là 283 nghìn tỉ đồng. Giá trị vốn hoá của thị trường cổ phiếu tăng từ mức 220 nghìn tỉ đồng năm 2006 lên mức gần 1,4 triệu tỉ đồng năm 2015, tương ứng khoảng 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Dư nợ toàn thị trường trái phiếu tính đến cuối năm 2015 đạt 994.500 tỉ đồng (tương đương 21% GDP), trong đó dư nợ trái phiếu Chính phủ đạt 678.600 tỉ đồng, bằng 15,76% GDP.

     Thị trường bảo hiểm góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro trong đời sống, cải thiện an sinh xã hội. Tính đến 31/12/2015, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm đạt 84.506 tỉ đồng, đạt 2,02% GDP, gấp 2,16 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt 16%/năm (trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng bình quân 11,7%/năm, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng bình quân 24,6%/năm). Trong giai đoạn 2011-2015, các tổ chức kinh doanh chứng khoán và bảo hiểm đã được cơ cấu lại một bước, khắc phục được một số tồn tại, hạn chế; các công ty chứng khoán yếu kém được xử lý theo quy định của pháp luật.

     Thị trường tiền tệ, ngân hàng có quy mô lớn nhất, giữ vị trí chi phối trên thị trường tài chính. Tính đến 31/12/2015, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 7,3 triệu tỉ đồng, bằng 174,5% GDP, tăng gấp gần 6,1 lần so với năm 2006; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt gần 566,1 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 6,1 lần so với năm 2006. Thị trường này là kênh huy động, cung cấp vốn chủ yếu cho nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng của các TCTD cho nền kinh tế tăng trưởng bình quân trên 20%/năm trong giai đoạn 2006- 2015 và đạt gần 4,66 triệu tỉ đồng đến cuối năm 2015, tương đương 111,1% GDP, chiếm trên 70% tổng lượng vốn của hệ thống tài chính cung ứng cho nền kinh tế. Việc triển khai quyết liệt tái cơ cấu cấu thị trường tài chính (trọng tâm nhằm vào các ngân hàng thương mại) trong giai đoạn 2011-2015 đã đem lại kết quả bước đầu.

     – Các quy định pháp luật về thị trường bất động sản tiếp tục được hoàn thiện. Việc ban hành Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi cho huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả bất động sản, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động bất động sản và đất đai. Luật Đất đai đã quy định rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu; quy định rõ hơn các quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất. Các cơ chế, chính sách quản lý mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh bất động sản. Các dịch vụ hỗ trợ thị trường bất động sản như tư vấn pháp luật, công chứng, thẩm định, đấu giá, môi giới, đăng ký giao dịch bất động sản… đã được quan tâm phát triển.

      – Thị trường lao động đã được hình thành trên phạm vi cả nước. Các quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách về việc làm, lao động, tiền lương, bảo hiểm, giải quyết xung đột trong quan hệ lao động… từng bước được hoàn thiện phù hợp hơn với cơ chế thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động và bên sử dụng lao động. Nguồn cung lao động khá dồi dào trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng (đến năm 2016, lực lượng lao động cả nước đạt khoảng 54,4 triệu người, chiếm khoảng 58,9% tổng dân số). Khả năng tạo việc làm của nền kinh tế vẫn được duy trì với tốc độ tăng trưởng việc làm bình quân hàng năm đạt 2,15%, tương đương khoảng 965 nghìn việc làm. Cơ cấu lao động có việc làm đang chuyển dịch theo hướng tăng tỉ lệ lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Năm 2016, tỉ trọng lao động trong ngành nông – lâm – thuỷ sản giảm xuống còn khoảng 41,9%, trong khi đó tỉ trọng lao động trong ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ lại tăng lên tương ứng 24,7% và 33,4%. Chất lượng lao động từng bước được cải thiện. Xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm có hiệu quả hơn cho người lao động và tăng nguồn ngoại tệ chuyển về nước đầu tư, cải thiện cán cân vãng lai. Giai đoạn 2005-2015, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bình quân mỗi năm là 80,82 nghìn người, tăng bình quân 3,7%/năm (tương đương 4,54 nghìn người/năm).

     – Thị trường khoa học công nghệ đã hình thành và đang dần phát triển. Đến cuối 2015, cả nước có 8 sàn giao dịch công nghệ, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp khoa học – công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ ở 63 tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn, kết nối cung – cầu, môi giới chuyển giao công nghệ. Trong giai đoạn 2011- 2015, có khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị 660 tỉ đồng. Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2013), Luật Sở hữu trí tuệ (ban hành năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Bộ luật dân sự (năm 2015) đã tạo lập khung pháp lý quan trọng cho sản phẩm sáng tạo, khoa học, công nghệ thực sự là tài sản, được pháp luật bảo vệ, được mua bán, giao dịch trên thị trường. Bộ luật dân sự đã quy định quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản.

3. Những hạn chế

     – Thị trường hàng hoá và dịch vụ phát triển kém bền vững. Các thiết chế và cơ chế thực thi còn nhiều bất cập trong bảo vệ thị trường trong nước, người tiêu dùng, bảo đảm các chuẩn mực về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường trong nước chưa đạt yêu cầu. Cơ cấu, tổ chức thị trường còn thiếu chặt chẽ, hệ thống các thành tố thị trường quan trọng như các kênh phân phối hiện đại, các tổ chức kiểm nghiệm chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh, hạn chế độc quyền… còn chưa phát triển. Chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại hàng hoá trên thị trường cả trong và ngoài nước còn thấp. Các hàng hóa chủ yếu là sản phẩm thô, sản phẩm gia công có hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Trên một số thị trường, lưu thông hàng hoá chưa thông suốt; vẫn còn tình trạng ép mua, ép bán, thao túng, chi phối, đầu cơ, găm giữ hàng hoá, cạnh tranh không lành mạnh. Việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn ít, phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

     – Thị trường lao động kém phát triển. Các thể chế về thị trường lao động chưa tạo thuận lợi cho việc liên thông giữa nông thôn và thành thị, giữa khu vực hành chính công và khu vực doanh nghiệp, giữa trong nước và ngoài nước. Việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; việc phát triển các định chế nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức. Quan hệ cung – cầu về thị trường lao động bị mất cân đối ở mức độ cao. Chất lượng lao động còn hạn chế.

     – Thị trường tài chính – tiền tệ chưa thực sự phát triển đồng bộ và bền vững. Thể chế về quản lý và hoạt động của các thị trường chứng khoán, bảo hiểm, tiền tệ còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Công tác quản lý, giám sát thị trường tài chính còn nhiều hạn chế. Thiếu sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giám sát toàn bộ thị trường tài chính, nhất là các tập đoàn tài chính, ngân hàng. Thị trường tài chính còn bị chia cắt, phát triển chưa cân bằng (giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu; giữa thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường trái phiếu chính phủ), chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng. Các định chế tài chính có quy mô nhỏ chưa đáp ứng chuẩn mực quốc tế về quản trị và an toàn hoạt động. Mức độ rủi ro tiềm ẩn của hệ thống tài chính khá cao.

     Thị trường chứng khoán hiện nay có quy mô nhỏ. Giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu Việt Nam khoảng 60 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore (lần lượt là 353 tỉ USD, 382 tỉ USD, 238 tỉ USD, 348 tỉ USD và 639 tỉ USD). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển. Thị trường chứng khoán chưa có tính ổn định cao, tiềm ẩn rủi ro lớn. Mức độ biến động giá cổ phiếu mạnh nhưng không phản ánh sát thực trạng của doanh nghiệp phát hành. Tình trạng làm giá, thao túng thị trường còn xảy ra. Số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, có tổ chức còn ít. Số lượng công ty niêm yết ít, chất lượng hàng hoá chưa cao và sản phẩm thiếu đa dạng. Năng lực của các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ còn hạn chế. Đến cuối năm 2015, số lượng công ty chứng khoán hoạt động bình thường là 81 công ty; trong đó còn nhiều công ty chứng khoán yếu kém, kinh doanh thua lỗ, không đáp ứng được chuẩn mực an toàn (19 công ty chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt, 8 công ty chứng khoán bị kiểm soát, 7 công ty chứng khoán tạm ngừng hoạt động). Tính minh bạch, công khai trên thị trường chứng khoán chưa cao.

     Thị trường bảo hiểm phát triển chậm với quy mô nhỏ. Doanh thu bảo hiểm của Việt Nam chiếm 2,02% GDP; thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4,7% GDP), Malaysia (4,9% GDP), Nhật Bản (11% GDP), Hàn Quốc (11% GDP). Sản phẩm bảo hiểm chưa đa dạng, chủ yếu là sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Số tiền tham gia bảo hiểm bình quân/người/ năm còn ở mức rất thấp, chỉ chiếm 2,01% thu nhập bình quân. Tình trạng trục lợi, gian lận bảo hiểm còn khá phổ biến.

     Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng nhỏ so với yêu cầu của nền kinh tế và so với các ngân hàng trong khu vực. Năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng còn hạn chế. Tính đến 31/12/2015, vốn điều lệ của các TCTD khoảng 21 tỉ USD, trong đó bình quân 1,57 tỉ USD/1 ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), 316 triệu USD/1 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP); tổng tài sản toàn hệ thống các TCTD khoảng 335 tỉ USD, trong đó bình quân 21 tỉ USD/1NHTMNN và 5 tỉ USD/1NHTMCP. Cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng chưa lành mạnh. Mức độ an toàn của hệ thống các TCTD chưa cao so với các nước trong khu vực. Năm 2015, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của Việt Nam là 13%; trong khi tỷ lệ đó của Philippines là 16,1%; Thái Lan là 17,1%. Indonesia là 21,3%, Malaysia là 16,3%, Trung Quốc là 13,5%. Năng lực quản trị của các TCTD hạn chế. Tình trạng sở hữu của một số ngân hàng thương mại chưa thực sự lành mạnh. Nợ xấu tiềm ẩn của nền kinh tế vẫn còn lớn và có nguy cơ tăng trở lại.

     – Thị trường khoa học – công nghệ có quy mô nhỏ và còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học trong nước chưa thực sự được thương mại hoá. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thực hiện kém hiệu quả. Chưa tạo lập được sự gắn kết giữa nguồn cung (các nhà khoa học) và nguồn cầu (doanh nghiệp). Thiếu định chế trung gian làm cầu nối cung – cầu trong thị trường khoa học và công nghệ. Mạng lưới tổ chức dịch vụ mua bán, chuyển giao công nghệ chưa mạnh. Hiện tại còn thiếu cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tin cậy, đồng bộ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mối liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu.

     – Thị trường bất động sản, gồm cả thị trường quyền sử dụng đất phát triển không bền vững, thiếu minh bạch. Một bộ phận thị trường phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp kém phát triển. Công tác quy hoạch còn nhiều yếu kém. Việc phát triển tràn lan các dự án bất động sản với cơ cấu sản phẩm bất hợp lý và tình trạng đầu cơ đang làm cho thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh, gia tăng rủi ro đầu tư, kinh doanh, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Tiềm năng đất đai chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Có trường hợp việc giao và cho thuê đất chưa xác định đúng giá trị thị trường của quyền sử dụng đất. Chưa có giải pháp hữu hiệu trong quản lý và điều tiết thị trường bất động sản; điều đó ảnh hưởng đến đầu tư phát triển, tác động không tốt đến đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.

     – Thị trường một số loại dịch vụ công cơ bản chưa thực sự hình thành và phát triển. Thị trường dịch vụ y tế chưa phát triển. Việc chăm sóc sức khoẻ người dân còn nhiều bất cập. Thị trường dịch vụ giáo dục, đào tạo chưa là động lực khuyến khích phát triển giáo dục, đào tạo chất lượng cao. Việc triển khai đổi mới khu vực sự nghiệp công chậm so với yêu cầu. Việc chậm thực hiện xã hội hoá dịch vụ công làm cản trở, tăng chi phí giao dịch đối với nhiều loại hàng hoá và dịch vụ.

4. Nguyên nhân của hạn chế

     Thứ nhất, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một mô hình mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử; chúng ta phải vừa làm, vừa tìm tòi, tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Trong những năm gần đây, Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi đó, trình độ, năng lực nội tại của nền kinh tế và năng lực xây dựng, thực thi thể chế kinh tế còn nhiều bất cập, yếu kém.

     Thứ hai, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; về cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường. Quan điểm của các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội về cơ chế kinh tế thị trường và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường còn chưa thông suốt. Quản lý của nhà nước đối với các thị trường còn nhiều bất cập. Nhà nước can thiệp trực tiếp trên phạm vi rộng tới sự vận hành của các thị trường, vừa với tư cách là cơ quan quản lý, tác nhân mua bán trên thị trường, chủ đầu tư và chủ sở hữu doanh nghiệp. Nhà nước chưa thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ như quản lý và điều tiết vĩ mô, giám sát các thị trường, đảm bảo hiệu lực thực thi hợp đồng, cung cấp thông tin về các thị trường, dự báo thị trường, quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển thị trường.

     Thứ ba, năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Cơ chế thực thi và phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và pháp luật còn kém hiệu lực, hiệu quả. Khung pháp lý cho các loại thị trường đã được hình thành, nhưng vẫn tồn tại một số bất cập, cản trở sự phát triển đồng bộ mang tính liên kết giữa các loại thị trường. Đó là: chưa bao quát được hết các lĩnh vực; còn bỏ ngỏ hoặc chưa hoàn chỉnh; thiếu minh bạch, thiếu thống nhất, thiếu sự ổn định, thiếu tính khả thi về cơ chế, chính sách. Đặc biệt, tình trạng chồng chéo, trùng lặp khá phổ biến trong các đạo luật rất quan trọng (như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu…). Tình trạng luật khung, luật nguyên tắc còn nhiều.Còn tình trạng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chậm, không đầy đủ, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, vượt ra ngoài các quy định của văn bản cấp trên.

     Thứ tư, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và xử lý vi phạm hiệu quả còn thấp; năng lực phân tích, dự báo và điều chỉnh chủ trương, cơ chế, chính sách còn hạn chế. Việc quản lý hoạt động nhiều loại thị trường còn bất cập. Còn những bất cập trong hoạt động của các cơ quan Hải quan, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, quản lý thị trường. Việc thu phí tràn lan làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường, tăng chi phí giao dịch. Tình trạng buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng còn phổ biến. Có biểu hiện độc quyền, lợi ích nhóm chi phối thị trường. Tình trạng tham nhũng gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các thị trường theo hướng giảm hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Tài sản công thường bị sử dụng kém hiệu quả.

     Thứ năm, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng triển khai còn chậm, chưa đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của nền kinh tế. Trong đó, điểm mấu chốt cho sự vận hành của các thị trường, cũng như hệ thống phân bổ nguồn lực (tức là hệ thống giá cả vận hành theo đúng nguyên lý thị trường) chưa được xác lập trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Nếu không có hệ thống giá cả này, thì các quá trình tái cơ cấu cụ thể (tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại hay tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước) đều không có chuẩn mực hành động, không có “thang đo” đúng để đánh giá kết quả.

     Thứ sáu, cơ chế giá và phí còn nhiều bất cập, chưa tương thích với cơ chế kinh tế thị trường. Những yếu tố chủ yếu quyết định hệ thống giá của nền kinh tế (như giá than, điện, xăng dầu, giá đất đai, lãi suất, tỷ giá hối đoái và tiền lương trong khu vực nhà nước) vẫn bị chi phối mạnh mẽ bởi nguyên tắc can thiệp hành chính trực tiếp của Nhà nước.

     Thứ bảy, cơ sở hạ tầng, dịch vụ yếu kém cản trở và làm giảm hiệu quả hoạt động của nhiều loại thị trường. Sự yếu kém của hệ thống giao thông, thông tin làm tăng chi phí lưu thông hàng hóa. Thậm chí, việc thiếu đường giao thông đang cản trở phát triển kinh tế hàng hóa ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc chậm thực hiện xã hội hóa dịch vụ công, duy trì hệ thống dịch vụ độc quyền nhưng kém năng lực của Nhà nước làm cản trở, tăng chi phí giao dịch đối với nhiều loại hành hóa và dịch vụ. Việc triển khai cải cách khu vực sự nghiệp công, xã hội hoá cung ứng dịch vụ công chậm so với yêu cầu. Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ công (theo phương thức từng bước tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ và cơ chế tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm) còn chậm ở nhiều lĩnh vực.

5. Giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường

     Thứ nhất, hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường. Nội dung của giải pháp này bao gồm: – Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá hàng hoá, dịch vụ công thiết yếu. Không lồng ghép các chính sách xã hội trong giá hàng hoá, dịch vụ. Chuyển từ cơ chế cấp phát sang cơ chế đặt hàng; từ hỗ trợ cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng. Hoàn thiện pháp luật về phí, lệ phí theo hướng chuyển sang áp dụng giá dịch vụ phù hợp với cơ chế thị trường. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phát huy đúng đắn, đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. – Cải cách mạnh mẽ chính sách tài chính về đất đai theo hướng đơn giản, ổn định, công khai, minh bạch và công bằng. Nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thuế tài sản, nhất là về đất đai, bất động sản. Bảo đảm minh bạch thông tin về thị trường quyền sử dụng đất. Xác định giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế thị trường thông qua đấu giá, đấu thầu các dự án có sử dụng đất, thoả thuận mua bán trên thị trường; áp dụng phổ biến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất thông qua các tổ chức thẩm định giá độc lập, chuyên nghiệp. Rà soát, điều chỉnh khung giá quyền sử dụng đất phù hợp với thị trường ở từng địa phương. Tăng cường áp dụng phương thức cho thuê đất. – Thực hiện bình đẳng trong tiếp cận các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực công, mua sắm và đầu tư công. Tăng cường tính minh bạch đối với độc quyền nhà nước; kiểm soát, ngăn chặn, xoá bỏ độc quyền doanh nghiệp. Hoàn thiện thể chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường vào những ngành, lĩnh vực và địa bàn đạt hiệu quả cao, có tác động lan toả. Hoàn thiện pháp luật về phá sản doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, thể chế bảo vệ nhà đầu tư, quyền sở hữu và quyền tài sản; không hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế và dân sự.

     Thứ hai, hoàn thiện thể chế để vận hành thông suốt các thị trường. Nội dung của giải pháp này bao gồm: – Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế. Phát triển mạnh các phương thức giao dịch thị trường hiện đại. Xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường phù hợp với yêu cầu trong nước và cam kết quốc tế. Bảo vệ hợp lý thị trường trong nước, không để bị nước ngoài thâu tóm, thao túng. Hoàn thiện pháp luật về phát triển các thị trường mới, nhất là thị trường các dịch vụ có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, thị trường công nghiệp môi trường, công nghiệp văn hoá. – Thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công. Đẩy mạnh hợp tác công – tư. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu; hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả thị trường mua bán nợ. Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá… Rà soát, bổ sung, sửa đổi pháp luật bảo đảm thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, phối hợp có hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách khác. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Điều hành tỉ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Tăng tính độc lập của Ngân hàng nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ. Hoàn thiện khung khổ pháp lý về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Nâng cao năng lực tài chính, quản trị, điều hành phù hợp với chuẩn mực quốc tế; xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng; phát triển nhanh và an toàn dịch vụ tài chính, ngân hàng. – Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Xác định doanh nghiệp là lực lượng quan trọng trong phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách nhập khẩu công nghệ; đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu ứng dụng, nâng cao trình độ thiết kế, chế tạo trong nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế quản lý tài chính, tổ chức và hoạt động khoa học – công nghệ. Nghiên cứu, đổi mới phương thức sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học – công nghệ. Hoàn thiện quy định về đầu tư mạo hiểm, nâng cao chất lượng hoạt động của các vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao. Thực hiện cơ chế hợp tác công – tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai. Tiếp tục phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Xây dựng thể chế khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ. Phát triển các dịch vụ tư vấn, thẩm định, môi giới, định giá sản phẩm khoa học và công nghệ. – Xây dựng thể chế và các mô hình phù hợp để gắn kết quá trình công nghiệp hoá với đô thị hoá và xây dựng nông thôn mới. Xây dựng chính sách xã hội về nhà ở. Tập trung xây dựng, hoàn thiện pháp luật phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất, kể cả đất nông nghiệp; bảo đảm thị trường quyền sử dụng đất hoạt động công khai, minh bạch và có trật tự. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về thuế sử dụng tài sản, nhất là về sử dụng đất đai. – Có cơ chế, chính sách để định hướng dịch chuyển lao động, phân bố hợp lý lao động theo vùng; lao động di cư và gia đình được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống tổ chức dịch vụ tư vấn việc làm theo quy định pháp luật. Minh bạch thông tin thị trường lao động. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là bậc đại học và dạy nghề. Hoàn thiện các thiết chế hỗ trợ hoà giải, trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động. Đẩy mạnh cải cách chế độ tiền lương, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng năng suất lao động và tăng tiền lương, lấy tăng năng suất lao động làm cơ sở để tăng tiền lương. Tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động; hình thành cơ chế tiền lương theo cơ chế thị trường; bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn ở doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. – Thực hiện cơ chế thị trường đối với cung cấp các dịch vụ công. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập. Thực hiện xã hội hoá tối đa các dịch vụ công, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường.

6. Kết luận

     Qua hơn 30 năm đổi mới, các loại thị trường ở Việt Nam đã được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết hơn với thị trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, hoàn thiện thể chế để phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt các thị trường ở Việt Nam là quá trình liên tục, vừa cấp bách vừa lâu dài. Vì vậy, chúng ta phải vừa kế thừa có chọn lọc thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại và kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn đổi mới ở nước ta, vừa phải chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời bảo đảm giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhằm “tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển nhanh và bền vững vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ban Chấp hành Trung ương (2017), Nghị quyết số 11-NQW/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội.

[2] Ban Chấp hành Trung ương, Bài phát biểu khai mạc và bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Hà Nội.

[3] Ban Kinh tế Trung ương (2015), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[4] Ban Kinh tế Trung ương (2016), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[5] Ban Kinh tế Trung ương (2017), Đề án “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 – 2018

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)