Phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường Phổ thông theo tiếp cận năng lực

Tác giả: Giáo sư, Tiến sĩ THÁI VĂN THÀNH
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An)

TÓM TẮT

     Để thực hiện thành công chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, việc đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Bài viết đề cập vấn đề phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường phổ thông theo tiếp cận năng lực. Theo đó, tác giả bài viết phân tích rõ về: Sự cần thiết phải phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường phổ thông theo tiếp cận năng lực; Quy trình phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường phổ thông theo tiếp cận năng lực.

Từ khóa: Phát triển; bồi dưỡng; giáo viên; cán bộ quản lí; cán bộ quản lí trường phổ thông.

1. Đặt vấn đề

     Trước bối cảnh toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi Việt Nam phải tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Nghị quyết Số 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT), Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành CT GDPT 2018. Từ năm học 2020-2021, sẽ bắt đầu triển khai áp dụng CT GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Để triển khai thực hiện CT GDPT 2018, cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên (GV) phổ thông.

     Từ trước đến nay, việc bồi dưỡng GV, CBQL trường phổ thông thường được tiến hành theo hướng tiếp cận nội dung. Theo cách tiếp cận này, việc bồi dưỡng chỉ dựa chủ yếu trên một số Modul, chuyên đề lí thuyết. Vì vậy, việc bồi dưỡng chỉ nhằm trả lời câu hỏi: Họ cần biết cái gì? Bồi dưỡng cho họ cái gì? Còn theo hướng tiếp cận mới (tiếp cận phát triển năng lực), việc bồi dưỡng GV, CBQL nhằm phát triển ở họ các phẩm chất và năng lực cần thiết của người GV, CBQL để có thể tổ chức dạy học, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt CT GDPT 2018. Đó là cách tiếp cận nêu rõ người GV, CBQL sẽ phải làm những gì và làm như thế nào? Vì thế, bồi dưỡng theo tiếp cận mới quan tâm đến chuẩn đầu ra. Theo cách tiếp cận này, đòi hỏi GV, CBQL không chỉ nắm vững kiến thức, kĩ năng mà quan trọng hơn là phải biết vận dụng sáng tạo kiến thức, kĩ năng đó vào hoạt động dạy học, giáo dục và hoạt động quản trị, lãnh đạo nhà trường, vào việc giải quyết các tình huống quản lí giáo dục; phát triển các phẩm chất và năng lực của người GV, CBQL theo Chuẩn GV, Chuẩn hiệu trưởng mới.

2. Nội dung nghiên cứu

     2.1. Sự cần thiết phải phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường phổ thông theo tiếp cận năng lực

     2.1.1. Yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo

     Hiện nay, toàn cầu hóa và sự thúc ép của cuộc cách mạng 4.0, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đặt ra gay gắt cho tất cả các nước. Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây chỉ phát triển nhờ một phát minh công nghệ và một sự tích hợp đơn giản, thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ nhờ sự tích hợp rất nhiều công nghệ đột phá với công nghệ số. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự xuất hiện và bị thay thế nhanh chóng của các loại công nghệ dẫn đến sự xuất hiện nhanh chóng của các loại hình nghề nghiệp phi truyền thống. Đây là đặc điểm quan trọng không những để định hướng cho việc thay đổi giáo dục mà còn định hướng “học tập suốt đời”, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối với mọi kĩ năng làm việc trong thời kì công nghiệp 4.0. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, 2016) [1] đưa ra một khung nhìn về ba nhóm năng lực và kĩ năng làm việc, đó là: 1/ Năng lực cơ bản (năng lực nhận thức và năng lực thể chất; 2/ Kĩ năng cơ bản (kĩ năng nội dung và kĩ năng xử lí); 3/ Kĩ năng liên chức năng (kĩ năng xã hội, kĩ năng quản lí nguồn nhân lực, kĩ năng kĩ thuật, kĩ năng hệ thống và kĩ năng giải quyết các vấn đề phức tạp).

     Hecklau, Galeitzke, Flachs, Kohl (2016) [2] cũng giới thiệu bổ sung 4 nhóm năng lực cần cho người lao động 4.0, đó là: 1/ Nhóm năng lực kĩ thuật (kiến thức, kĩ năng kĩ thuật, thực hiện thao tác quy trình, lập trình, IT và đa phương tiện); 2/ Nhóm kĩ năng phương pháp (sáng tạo, sáng nghiệp, giải quyết vấn đề, mâu thuẫn, ra quyết định, phân tích, kĩ năng nghiên cứu và định hướng năng suất); 3/ Nhóm kĩ năng xã hội (giao tiếp, ngôn ngữ, mạng lưới hợp tác, chuyển giao kiến thức, lãnh đạo); 4/ Nhóm kĩ năng cá nhân (linh hoạt, kiên trì, vượt khó, động cơ làm việc, chịu đựng áp lực…).

     Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trước bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là “Đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD&ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học” [3].

     Trong những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết nói trên, đổi mới đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL GD phải đi trước một bước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã nhấn mạnh: “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo- bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và CBQL GD gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế… ” [3].

     2.1.2. Yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông

     Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về Đổi mới CT, SGK GDPT đã nhấn mạnh: “Đổi mới CT, SGK GDPT nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng phẩm chất và năng lực sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS” [4]. Để thực hiện mục tiêu trên, CT GDPT cần được đổi mới theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên” [4]. Bên cạnh đó, SGK cần “cụ thể hóa các yêu cầu của CT GDPT về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực HS; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục” [4]. CT phổ thông được xây dựng bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với HS toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội. Vì vậy, đòi hỏi CBQL phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo CT quốc gia, CT địa phương cho phù hợp với đặc điểm HS và điều kiện, bản sắc riêng của từng nhà trường nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các phẩm chất, năng lực của người học, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục của cấp học, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

     Từ sự đổi mới đó, đòi hỏi phải đổi mới bồi dưỡng đội ngũ GV, CBQL theo tiếp cận phát triển năng lực để họ có thể thực hiện có hiệu quả CT, SGK GDPT 2018.

     2.1.3. Đáp ứng sự thay đổi vai trò của nhà giáo và cán bộ quản lí trường phổ thông trong bối cảnh mới

     Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4,0, đội ngũ GV và CBQL phải có cơ cấu hợp lí, đủ về số lượng và cần có những năng lực mới như năng lực sáng tạo, sáng nghiệp và học tập suốt đời. Vai trò của sáng tạo được nhấn mạnh trong báo cáo của diễn đàn kinh tế thế giới và trong nhiều nghiên cứu, khẳng định như là một năng lực quyết định sự thành công của mỗi cá nhân và tổ chức trong kỉ nguyên công nghiệp 4.0 (Erol, et al.; WEF, 2017) [5].

     Trong CT GDPT 2018, nhà trường được tự chủ về thực hiện CT giáo dục, người CBQL có cơ hội và cần phải linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bảo đảm chất lượng theo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng, phẩm chất và năng lực cho HS.Từ những yêu cầu trên, đòi hỏi mỗi CBQL phải có năng lực mới như tầm nhìn, sáng tạo, lãnh đạo sự thay đổi, lôi cuốn, thu hút, thúc đẩy giáo viên thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục và xây dựng môi trường giáo dục sáng tạo…

     2.2. Phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường phổ thông theo tiếp cận năng lực

     2.2.1. Xác định mục tiêu, chuẩn đầu ra chương trình bồi dưỡng GV và CBQL trường phổ thông

     Xác định nhu cầu bồi dưỡng (BD) của GV, CBQL là hết sức quan trọng, giúp chúng ta xây dựng được chuẩn đầu ra và chương trình BD theo tiếp cận năng lực. Mục tiêu BD phải được đổi mới theo hướng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực của Chuẩn giáo viên, Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông mới. Từ đó xây dựng Chuẩn đầu ra chương trình BD, bao gồm các vấn đề sau:

     1) Đối với CBQL trường phổ thông

     Mục tiêu bồi dưỡng đội ngũ CBQL phổ thông phải được đổi mới theo hướng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực theo Chuẩn hiệu trưởng mới. Cụ thể là: Hiệu trưởng được đào tạo về khoa học quản lí giáo dục; có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, là tấm gương tốt cho giáo viên, là trung tâm đoàn kết của nhà trường. Nhà trường được tự chủ về thực hiện CT giáo dục, từng bước thực hiện tự chủ, người hiệu trưởng có cơ hội và cần phải linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bảo đảm chất lượng. Mỗi hiệu trưởng vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà quản lí, lãnh đạo, nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu khoa học, nhà cung ứng dịch vụ giáo dục cho cộng đồng. Điều đó đòi hỏi hiệu trưởng phải có năng lực lập kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường; năng lực lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, đánh giá mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường; năng lực quản lí, lãnh đạo sự thay đổi; năng lực lựa chọn ưu tiên; có bản lĩnh đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; năng lực khuyến khích, nuôi dưỡng sự sáng tạo của giáo viên, HS trong sự nghiệp đổi mới giáo dục; năng lực lôi cuốn, thúc đẩy tập thể giáo viên, các lực lượng xã hội, cộng đồng, cha mẹ HS tham gia vào quá trình giáo dục HS; năng lực huy động nguồn lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục ở nhà trường; năng lực hợp tác quốc tế về GDPT; năng lực tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp quản lí nhà trường hiệu quả và thực hiện thành công CT GDPT 2018.

     2) Đối với GV phổ thông

     Mục tiêu bồi dưỡng đội ngũ GV phổ thông phải được đổi mới theo hướng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực theo Chuẩn GV phổ thông mới. Cụ thể là: Đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đủ về số lượng, loại hình giáo viên và nhân viên hỗ trợ. Nhà trường được tự chủ về thực hiện chương trình giáo dục, người giáo viên có cơ hội và cần phải linh hoạt, sáng tạo, tự chủ,tự chịu trách nhiệm về bảo đảm chất lượng theo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cho học sinh. Mỗi giáo viên vừa là nhà giáo dục, vừa là nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý, nhà cung ứng dịch vụ giáo dục cho cộng đồng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có năng lực thiết kế kế hoạch dạy học; năng lực tìm hiểu, nắm vững đối tượng giáo dục; năng lực cảm hóa, thuyết phục, giáo dục học sinh; năng lực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong học sinh, cha mẹ các em, cộng đồng về những chủ trương, chính sách giáo dục mới của Đảng, nhà nước và nhà trường; năng lực huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động giáo dục của lớp; năng lực nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học; năng lực cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh; năng lực sử dụng linh hoạt, sáng tạo công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học; năng lực thiết kế, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; năng lực hợp tác, gắn kết với làng nghề truyền thống ở địa phương nhằm tổ chức có hiệu quả các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; năng lực chuyển tải phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục mới cho cha mẹ học sinh…

     Có thể xây dựng chuẩn đầu ra theo quy trình 5 bước sau:

     Bước 1: Thành lập Tổ soạn thảo Chuẩn đầu ra chương trình BD

     Tổ soạn thảo gồm các giáo viên giỏi; cán bộ quản lý; Cơ quan quản lý giáo dục. Ngoài ra có thể mời các chuyên gia từ các trường đại học sư phạm.

     Tổ soạn thảo tổ chức thảo luận và thống nhất về mục tiêu, nội dung, cấu trúc, kế hoạch thời gian, cách thức triển khai, các nguồn lực và giao nhiệm vụ cho các cá nhân và tập thể chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng CĐR.

     Bước 2: Xây dựng dự thảo chuẩn đầu ra

     Bước 3: Tổ chức khảo sát thu thập thông tin các bên liên quan

     Ở bước này, Tổ soạn thảo thực hiện các nội dung sau:

– Thiết kế phiếu khảo sát các bên liên quan về các năng lực người học cần đạt.

– Lập kế hoạch, xác định các đối tượng, dự toán kinh phí khảo sát, tổ chức thảo luận, xin ý kiến chuyên gia về các công việc cần làm để thu thập thông tin nhằm hoàn thiện chuẩn đầu ra.

– Tổ chức khảo sát thu thập thông tin: Tổ soạn thảo tập huấn cho cán bộ thực hiện khảo sát. Tổ chức khảo sát các bên liên quan. Xử lý số liệu khảo sát.

     Sản phẩm của bước này là Phiếu khảo sát thu thập thông tin và Bảng tổng hợp Kết quả khảo sát thu thập thông tin của các bên liên quan.

     Bước 4: Hoàn thiện Dự thảo chuẩn đầu ra

     Dựa vào kết quả phân tích số liệu khảo sát các bên liên quan, Tổ chức hội thảo hoàn thiện Dự thảo chuẩn đầu ra.

     Bước 5: Hoàn thiện, phê duyệt và công bố chuẩn đầu ra

     2.2.2. Thiết kế chương trình BD

     Căn cứ vào mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình BD, triển khai lựa chọn nội dung và khối lượng các môn học để đưa vào chương trình BD. Trên cơ sở đó thiết kế dự thảo khung chương trình bồi dưỡng.

     2.2.3.. Tổ chức hội thảo góp ý

     Sau khi Dự thảo Chương trình BD được hoàn thành, tổ chức hội thảo góp ý với sự tham gia của giáo viên cốt cán, chuyên gia giáo dục, đại diện của cộng đồng; Tranh thủ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, của các cấp chính quyền. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Dự thảo văn bản Chương trình BD.

     2.2.4. Tổ chức thẩm định chương trình BD

     Đây là hoạt động đảm bảo chất lượng cho việc triển khai chương trình BD đáp ứng bối cảnh mới, đáp ứng mục tiêu và chuẩn đầu ra đã được xác lập. Tất cả các bên liên quan đến chương trình BD cần có đại diện tham gia thẩm định. Kết quả thẩm định góp phần chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình BD trước khi triển khai thực hiện.

     2.2.5. Hoàn thiện chương trình và ban hành chương trình BD

     Sau khi được hoàn thiện, chương trình được trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và ban hành.

     2.2.6. Tổ chức thực hiện chương trình BD

     Sau khi đã triển khai áp dụng, chương trình được đánh giá và được tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm sự phù hợp của chương trình với đặc điểm và nhu cầu phát triển của xã hội và của người học, đảm bảo chương trình vừa ổn định vừa phát triển và đạt được hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình giáo dục phổ thông 2018.

     2.2.7. Đánh giá chương trình BD

     Đánh giá chương trình BD nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng chương trình. Vì vậy, hoạt động đánh giá chương trình BD cần được triển khai ngay từ đầu, liên tục, theo từng khâu khi triển khai kế hoạch thực hiện chương trình. Ngoài việc quản lý chặt chẽ các hoạt động triển khai chương trình sao cho đúng mục tiêu, đúng kế hoach đã đề ra, định kỳ, tất cả các bên liên quan cần có đại diện thanh gia hoạt động đánh giá này. Có như vậy mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả của chương trình BD.

     2.3. Nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lí trường phổ thông

     Nội dung bồi dưỡng đội ngũ CBQL phổ thông phải được đổi mới, một mặt để đáp ứng sự thay đổi vai trò của người CBQL trong bối cảnh hiện nay, mặt khác phải đáp ứng được các yêu cầu của Chuẩn hiệu trưởng phổ thông mới. Từ đó, theo chúng tôi, nội dung bồi dưỡng đội ngũ CBQL phổ thông phải tập trung vào những vấn đề cơ bản sau đây:

     Thứ nhất: Lập kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường phổ thông, bao gồm: Một số vấn đề chung về lập kế hoạch phát triển GD&ĐT; Phân tích bối cảnh; Xác định định hướng chiến lược phát triển nhà trường, triết lí, sứ mạng, tầm nhìn; Xác định các mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường; Xác định các giải pháp chiến lược phát triển nhà trường; Trình bày bản kế hoạch, phê duyệt kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường.

     Thứ hai: Quản lí phát triển CT GDPT, CT môn học theo định hướng phát triển năng lực HS, bao gồm: Một số vấn đề chung về CT, CT giáo dục, cấu trúc CT, kinh nghiệm quốc tế về phát triển CT giáo dục; Xây dựng CT GDPT, CT môn học theo định hướng phát triển năng lực HS; Mô hình, cơ chế, quy trình quản lí phát triển CT giáo dục, CT môn học theo định hướng phát triển năng lực HS; Tổ chức thực hiện và đánh giá CT GDPT, CT môn học.

     Thứ ba: Quản lí, lãnh đạo hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS, bao gồm: Một số vấn đề chung về năng lực và phát triển năng lực HS, hoạt động dạy học ở trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực HS; Nội dung quản lí hoạt động dạy học ở trường THPT theo định hướng phát triển năng lực HS: Xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức hoạt động dạy học, chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xây dựng cơ chế, tạo động lực để giáo viên, HS phát huy tốt vai trò của mình trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS; Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về thiết kế kế hoạch dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS; Quản lí hoạt động đánh giá kết quả học tập của HS theo tiếp cận năng lực.

     Thứ tư: Quản lí hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và sáng kiến kinh nghiệm ở trường phổ thông, bao gồm: Khái quát về nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và sáng kiến kinh nghiệm;Lập kế hoạch nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và sáng kiến kinh nghiệm ở trường phổ thông; Quy trình tiến hành nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và sáng kiến kinh nghiệm ở trường phổ thông: Xác định đề tài nghiên cứu; Lựa chọn thiết kế nghiên cứu; Thu thập dữ liệu nghiên cứu; Phân tích dữ liệu; Báo cáo đề tài nghiên cứu; Đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và sáng kiến kinh nghiệm ở trường phổ thông;

     Thứ năm: Quản trị tài chính trường phổ thông, huy động nguồn lực phục vụ sự nghiệp đổi mới GD, bao gồm: Các phạm trù cơ bản về tài chính (tài chính, ngân sách giáo dục, chi thường xuyên, chi xây dựng cơ bản …); Khái quát về Luật Kế toán, Luật Ngân sách; Xu hướng đầu tư cho giáo dục; Các nội dung chủ yếu về tự chủ, tự chịu trách nhiệm: Chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp; Quy chế chi tiêu nội bộ; Hoạt động quản lí tài chính trong trường phổ thông: Lập dự toán tài chính; Quản lí công tác kế toán; Kiểm toán, kiểm tra tài chính nội bộ; Quy trình tổ chức mua sắm tài sản theo phương thức tập trung; Phương thức đấu thầu mua sắm, thanh lí tài sản; Huy động nguồn lực phục vụ sự nghiệp đổi mới giáo dục.

     Thứ sáu: Xây dựng môi trường giáo dục nhà trường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc và kết nối cộng đồng, bao gồm: Vai trò và lợi ích của môi trường giáo dục nhà trường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc và kết nối cộng đồng; Nguồn lực bên trong và bên ngoài nhà trường; Xây dựng mạng lưới chuyên môn và liên kết hợp tác trong giáo dục; Phối hợp các lực lượng xã gội và phụ huynh trong xây dựng môi trường giáo dục nhà trường an toàn, lành mạnh, hạnh phúc và kết nối cộng đồng.

     Thứ bảy: Bồi dưỡng cho CBQL năng lực quan hệ công chúng, xử lý khủng hoảng truyền thông.

     Cuối cùng: Phát huy vai trò của CBQL phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục, bao gồm: Hình thành năng lực tư vấn, thúc đẩy, hỗ trợ đồng nghiệp; Tham mưu cho cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục tổ chức bồi dưỡng có hiệu quả đội ngũ giáo viên, CBQL phổ thông.

3. Kết luận

     Để thực hiện có hiệu quả CT GDPT 2018i, chúng ta cần phải bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBQL và giáo viên phổ thông. Để thực hiện tốt điều này cần triển khai thực hiện quy trình trên một cách hiệu quả. Đồng thời phải xây dựng chuẩn đầu ra chương trình bồi dưỡng thiết thực, khả thi, phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của GV, CBQL và yêu cầu thực hiện CTGD phổ thông 2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] WEF, (2016), The Future of JobsEmployment, Skills and Workforce Strategy for the Fourth Industrial Revolution Executive Summary.

[2] Hecklau, F., Galeitzke, M., Flachs, S., Kohl, H. ,(2016), Holistic approach for human resource management in Industry 4.0. 6th CLF – 6th CIRP Conference on Learning Factories. Procedia CIRP 54 ( 2016 ) 1 – 6. Available online at www.sciencedirect.com

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, (2013), Văn kiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

[4] Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, (2014), Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

[5] WEF(World Economic Forum), (2017), Preparing for Fourth Industrial Revolution Requires Deeper Commitments to Education.

[6] Từ điển tiếng Việt, (2005), NXB Đà Nẵng.

[7] Nguyễn Lộc (chủ biên), Mạc Văn Trang, Nguyễn Công Giáp, (2009), Cơ sở lí luận quản lí trong tổ chức giáo dục, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[8] Đào Duy Anh, (2003), Từ điển Hán Việt, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

[9] Hồ Chí Minh (toàn tập), (1998), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[10]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự án ETEP, (2016), Các tài liệu phục vụ Dự án.

[11] Chính phủ, (2015), Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

[12] Thái Văn Thành, (2017), Quản lí nhà trường phổ thông trong bối cảnh hiện nay, NXB Đại học Vinh.

[13] WEF, (2015), New Vision for Education Unlocking the Potential of Technology, World Economic Forum.

Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học (Phát triển chương trình đào tạo và
đội ngũ giảng viên, giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục Phổ thông mới)

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

 

 

Download file (PDF): Phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí trường Phổ thông theo tiếp cận năng lực (Tác giả: GS.TS Thái Văn Thành)