Phát triển DU LỊCH NÔNG THÔN ở TÂY NAM BỘ: Tiềm năng và thách thức

ThS. NGUYỄN THỊ DIỄM PHƯƠNG1
(1Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM)

TÓM TẮT

     Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hóa sâu sắc, hoạt động du lịch không chỉ là hoạt động kinh tế mà còn là một hoạt động văn hóa. Bài viết giới thiệu một loại hình du lịch có đặc trưng phù hợp với điều kiện và tài nguyên du lịch của vùng Tây Nam Bộ. Du lịch nông thôn mang đến lợi ích về nhiều mặt, giúp nâng cao mức sống của cộng đồng cũng như góp phần phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống. Hiện nay sức hút của loại hình du lịch này ngày càng gia tăng. Qua đánh giá thực trạng chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển du lịch nông thôn ở Đồng bằng sông Cửu Long – vùng đất nông nghiệp trù phú nhất nước.

Từ khóa: du lịch nông thôn, tiềm năng du lịch, văn hóa, Tây Nam Bộ.

Dẫn nhập

     Việt Nam là nước nông nghiệp với khoảng 70% dân cư sinh sống ở nông thôn2, gần 50% lao động cả nước thuộc lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu kinh tế. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đồng thời là vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản, cung cấp đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam3. Nơi đây với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán lâu đời, hệ thống làng nghề đa dạng, văn hóa ẩm thực độc đáo tạo nên một bức tranh nông thôn hấp dẫn và nhiều màu sắc văn hóa. Du khách đến đây để được tiếp xúc, trải nghiệm với đời sống nông thôn, được khám phá và hòa mình trong không gian văn hóa làng xã. Đặc biệt trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay du lịch nông thôn càng có sức thu hút du khách cao. Bài viết này giới thiệu du lịch nông thôn với tư cách một loại hình du lịch đặc trưng của vùng, tiềm năng cũng như một số định hướng góp phần phát triển loại hình du lịch này ở Đồng bằng sông Cửu Long.

1. Khái niệm du lịch nông thôn

     Loại hình du lịch nông thôn đã hình thành và phát triển từ khá lâu trên thế giới. Định nghĩa về du lịch nông thôn khá đa dạng như lịch sử phát triển lâu đời của loại hình du lịch này vì tùy theo yếu tố văn hóa xã hội của mỗi vùng địa lý mà khái niệm du lịch nông thôn được diễn giải theo cách khác nhau.

     Ở Phần Lan, du lịch nông thôn được hiểu đơn giản là cung cấp chỗ ở hay cung cấp dịch vụ ăn uống ở khu vực nông thôn. Ở Hy Lạp, du lịch nông thôn là phục vụ chỗ ở và bữa ăn sáng cho khách theo kiểu truyền thống và nguyên liệu chế biến do nhà nuôi trồng. Ngoài ra có dịch vụ phụ trợ là tổ chức những hoạt động văn hóa hay thư giãn cho du khách. Ở Hà Lan, sản phẩm du lịch nông thôn là cắm trại trong trang trại, các chủ trang trại liên kết với nhau tổ chức tour đạp xe đạp, cưỡi ngựa, đi bộ. Ở Hungary, du lịch nông thôn là du lịch làng – du lịch ở các ngôi làng (ăn, cư trú, dịch vụ), du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và tham gia vào cuộc sống miền quê4.

     Theo Bộ Du lịch Ấn Độ, du lịch nông thôn là một hoạt động có tính chất đa dạng, diễn ra ở những khu vực nằm bên ngoài vùng đô thị hóa cao. Du lịch nông thôn có đặc trưng là quy mô kinh doanh nhỏ, hình thành trên những khu vực canh tác nông nghiệp, khu vực lâm nghiệp hay khu vực cảnh quan thiên nhiên5.

     Một trong những định nghĩa phổ biến nhất về du lịch nông thôn là của Bernard Lane. Ông định nghĩa du lịch nông thôn là loại hình du lịch diễn ra ở những khu vực nông thôn, thiết thực cho nông thôn, hoạt động dựa trên những đặc điểm tiêu biểu của những khu vực nông thôn với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thế giới thiên nhiên, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã. Du lịch nông thôn chủ yếu được phát triển và quản lý bởi địa phương, phục vụ lợi ích lâu dài của dân cư trong làng xã. Du lịch nông thôn với nhiều loại hình, thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi nông thôn6.

2. Các hình thức du lịch nông thôn

     Định nghĩa về du lịch nông thôn rất khác nhau tùy theo đặc điểm môi trường, điều kiện kinh tế, lịch sử,… cho nên các hình thức du lịch nông thôn cũng không phân biệt rõ ràng, đa dạng và có khi giao thoa với loại hình du lịch khác. Theo Cẩm nang thực tiễn phát triển du lịch nông thôn Việt Nam, một số loại hình như: du lịch di sản, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông sinh học, du lịch dân tộc thiểu số là những loại hình du lịch nông thôn.

     Còn theo Đào Thế Tuấn và Nguyễn Xuân Hoản thì có năm hình thức du lịch nông thôn là du lịch thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch làng xã, du lịch nông nghiệp7.

     Trong tài liệu tổng quan về du lịch nông thôn của Alberta, Canada, người ta chia ra ba loại hình chính của du lịch nông thôn là: du lịch di sản, du lịch dựa vào thiên nhiên và du lịch nông nghiệp8.

     Ở Trung Quốc, du lịch nông thôn gồm các loại hình sau: du lịch tham quan phong cảnh đồng quê, du lịch tìm hiểu phong tục tập quán dân tộc, du lịch làng xã, du lịch nông nghiệp9.

3. Tiềm năng du lịch nông thôn của Đồng bằng sông Cửu Long

     Đồng bằng sông Cửu Long còn được gọi là Tây Nam Bộ có diện tích tự nhiên gần 40.000km2 bao gồm 13 tỉnh, thành phố là An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Đây là vùng châu thổ phì nhiêu được bồi đắp phù sa của dòng sông Tiền và sông Hậu, đất đai màu mỡ, đồng lúa bạt ngàn, trái cây bốn mùa trĩu quả, khí hậu nắng ấm quanh năm nên rất thuận lợi để phát triển du lịch. Nơi đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Hoa, Khmer, Chăm,… tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng với các lễ hội, làng nghề, di tích lịch sử văn hóa độc đáo. Ngoài ra còn có những hòn đảo đẹp có giá trị tham quan và nghỉ dưỡng cao. Vì thế có thể nói tiềm năng du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn.

     Cảnh quan thiên nhiên, sinh thái đa dạng: Với hai hệ sinh thái điển hình là đất ngập nước và rừng ngập mặn dọc sông Mekong và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, các sân chim với nhiều loài chim và đặc biệt có một số loài chim có tên trong sách đỏ ở Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, những khu rừng quốc gia với hệ thực vật phong phú như rừng ở Mũi Cà Mau, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim và vườn quốc gia Phú Quốc, với tổng diện tích lên tới trên 93.500ha. Bốn khu bảo tồn tự nhiên (ấp Canh Điền – Bạc Liêu, Hòn Chông – Kiên Giang, Láng Sen – Long An, Thạnh Phú – Bến Tre). Ba khu bảo tồn loài (Lung Ngọc Hoàng – Hậu Giang, Sân chim Đầm Dơi – Cà Mau, Vườn chim Bạc Liêu) . Bảy khu bảo vệ sinh cảnh: Gò Tháp – Đồng Tháp; Núi Sam, Thoại Sơn, Trà Sư, Tức Dụp – An Giang. Một khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học là trung tâm nghiên cứu ứng dụng rừng ngập mặn Minh Hải (Cà Mau).

     Cảnh quan sông nước, miệt vườn: khách du lịch đi tham quan các cù lao dọc theo sông Tiền, sông Hậu, tận hưởng không gian yên tĩnh và thoáng mát, xanh tươi của nhà vườn. Du khách vừa dạo chơi vừa nếm thử những loại trái cây theo mùa, đủ loại hương vị, đi thuyền trên sông ngắm cảnh hai bên bờ.

     Cuộc sống dân dã và ẩm thực Nam Bộ: du khách cư trú ở nhà dân, được phục vụ các món ăn chế biến theo phong cách địa phương, thưởng thức những đặc sản độc đáo của vùng, tìm hiểu về nghề buôn bán trên sông ở các chợ nổi như một nét sinh hoạt văn hóa đặc thù của miền Tây sông nước, tìm hiểu cuộc sống người dân địa phương vào mùa nước nổi. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long còn được biết tới với tính cách con người phương Nam thật thà, hiền lành, hiếu khách, phóng khoáng và hào hiệp, tạo ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

     Thu thập kiến thức nông nghiệp, nghề nông: câu cá, tát mương bắt cá, dệt chiếu, trại nuôi ong, chèo xuồng trong kênh rạch, tìm hiểu về chế biến, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản ở các tỉnh ven biển, tìm hiểu quy trình trồng lúa, tự mình hái trái cây, tìm hiểu công việc làm vườn, công việc nhà nông, khám phá quy trình làm muối, sản xuất nước mắm, làm các sản phẩm thủy sản như khô, mắm,…

     Giải trí, thưởng thức nghệ thuật: câu cá sấu, chơi xe trượt cỏ, đạp xe quanh cù lao, trong làng, nghe đờn ca tài tử, hò Nam Bộ, cải lương, sân khấu Dù Kê.

     Các làng nghề thủ công truyền thống, những cơ sở chế biến các đặc sản địa phương như: chế tác hàng thủ công mỹ nghệ làm từ cây dừa, lò kẹo dừa (Bến Tre), hàng thêu may, đan, rượu, bánh, làm rượu sim, nước mắm (Phú Quốc), làm muối biển (Bạc Liêu, Kiên Giang), bánh pía, bánh phồng, bánh tráng, nem (Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long), nghề đan lưới, làm khô, làm mắm, nghề đan lát lục bình, chế biến thốt nốt (An Giang).

     Di tích văn hóa, lịch sử: tìm hiểu các di tích danh nhân như mộ cụ Phó bảng, đền anh hùng Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, các di tích chiến tranh xưa như Hòn Đất, Rạch Gầm – Xoài Mút, lăng Trương Định (Tiền Giang), Văn Miếu ở Vĩnh Long, những ngôi nhà cổ, về nơi cực Nam – mũi Cà Mau,…

     Tín ngưỡng, phong tục và lễ hội: đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất đa tộc người nên cũng là vùng đất phong phú về tín ngưỡng và tôn giáo cho nên có nhiều đền chùa ở khắp mọi nơi. Có thể kể qua một số ngôi chùa nổi tiếng như chùa Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang, các chùa Khmer ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, các đình miếu, lăng cá Ông ở các đảo, làng ven biển, v.v.

     Lễ hội ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng rất đa dạng: lễ hội Kỳ Yên, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội tưởng nhớ các anh hùng dân tộc, lễ hội vía Bà Chúa Xứ, lễ hội Ok Om bok, lễ hội đua bò (An Giang), lễ hội đua ghe ngo,…

     Ngoài ra còn có các lễ hội du lịch nhằm giới thiệu những sản vật, văn hóa địa phương như Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, lễ hội trái cây, lễ hội dừa Bến Tre, liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ, lễ hội Đất Phương Nam, lễ hội ẩm thực Nam Bộ, Ngày hội Sen Đồng Tháp,…

4. Thực trạng phát triển du lịch nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long

     Với mục tiêu xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm gần đây các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã quan tâm phát triển đầu tư và đã đạt được những tín hiệu đáng mừng qua số lượng du khách và doanh thu cao từ du lịch, thể hiện ở bảng sau:

Bảng 1. Lượt khách và doanh thu du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 201710

TỈNH THÀNH LƯỢT KHÁCH DOANH THU (tỷ)
An Giang 7.600.000 3.700
Cần Thơ 7.500.000 2.897
Đồng Tháp 2.900.000 500
Kiên Giang 6.000.000 4.583
Tiền Giang 2.900.000 786
Cà Mau 1.240.000 670
Bạc Liêu 1.500.000 1200
Vĩnh Long 1.250.000 340
Sóc Trăng 1.200.000 450
Trà Vinh 652.000 210
Hậu Giang 332.000 121
Long An 1.000.000 500
Bến Tre 1.200.000 1000

     Nguồn: Thu thập từ số liệu thống kê trong các báo cáo của Sở du lịch các tỉnh.

     Tuy nhiên so với doanh thu từ du lịch của cả nước thì doanh thu từ du lịch của vùng còn khá thấp, dưới mức 3%, cụ thể ở bảng sau:

Bảng 2. Doanh thu du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
và so với doanh thu du lịch của cả nước 11

Năm Doanh thu du lịch của vùng ĐBSCL (tỷ) Doanh thu du lịch so với cả nước
2013 5.141 2,7%
2014 6.300 2,74%
2015 8.836 2,6%
2016 9.700 2,4%
2017 11.310 2,2%

     Nhìn một cách tổng thể và so sánh với các vùng khác thì du lịch nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng vì những nguyên nhân sau:

     – Sản phẩm du lịch của vùng còn đơn điệu: tuy tài nguyên du lịch đa dạng nhưng phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch dựa trên các tài nguyên chính là sông nước, miệt vườn và đờn ca tài tử. Hình thức của các sản phẩm này giữa các địa phương cũng khá giống nhau do vậy hoạt động du lịch không đạt hiệu quả cao, sức hút không mạnh và sự cạnh tranh chủ yếu về giá cũng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Vì thế khách đến và đi chủ yếu chỉ trong ngày, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít, khiến doanh thu thấp.

     Hiện tại, tỷ lệ lưu trú của khách ở ÐBSCL chỉ đạt trung bình 1,95 ngày với khách quốc tế, 1,7 ngày với khách trong nước 12.

     – Công tác xúc tiến du lịch còn yếu và thiếu chuyên nghiệp: quảng bá thông tin du lịch hay các sự kiện du lịch vẫn còn nghèo nàn và không được cập nhật thường xuyên, cần phải được cải thiện để việc tiếp cận thông tin du lịch thuận tiện hơn.

     – Nhân lực du lịch còn thiếu và còn yếu: loại hình du lịch nông thôn du khách thích sống ở nhà dân (homestay) nhưng người cung cấp dịch vụ lưu trú homestay hầu hết là người dân địa phương làm nghề chính là nông nghiệp, cho nên kiến thức về nghiệp vụ du lịch còn thiếu và thiếu khả năng ngoại ngữ để giao tiếp với khách người nước ngoài.

     – An toàn vệ sinh: du khách đi du lịch nông thôn luôn muốn được trải nghiệm cuộc sống của người địa phương nhưng nếu khâu vệ sinh ở cơ sở lưu trú cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm không được chú ý thì du khách cảm thấy bất an và e ngại. Ngoài ra, các hoạt động chuyên chở khách bằng ghe xuồng cũng chưa được kiểm soát độ an toàn chặt chẽ, có nơi trang bị áo phao chỉ mang tính chất đối phó.

     – Cơ sở hạ tầng còn thấp: hệ thống đường sá chưa thuận lợi và chất lượng thấp, các phương tiện vận chuyển quá thô sơ, cũ, không đảm bảo an toàn và điều kiện cơ sở vật chất còn kém.

5. Một số định hướng phát triển du lịch nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

     Ở tầm vĩ mô, cần thiết phải xây dựng chính sách về phát triển du lịch nông thôn để du lịch nông thôn gắn kết với nông nghiệp và phát triển nông thôn.

     Nhiều tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nét tương đồng do vậy liên kết phát triển là hướng đi triển vọng và bền vững nhưng đồng thời mỗi tỉnh phải đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Chẳng hạn như thời gian gần đây Cần Thơ đã có tour mới “Một ngày làm điền chủ” du khách trải nghiệm cuộc sống của điền chủ trước đây rất thú vị và hấp dẫn. Tỉnh Cà Mau cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng đường bộ về đến tận mũi Cà Mau để du khách thuận tiện hơn khi thực hiện hành trình khám phá cực Nam của Tổ quốc.

     Với tốc độ phát triển công nghệ rất nhanh như hiện nay, cần thiết phải xúc tiến hình thức quảng bá trên mạng, e-marketing để du khách quan tâm tiếp cận thông tin du lịch dễ dàng và thuận tiện hơn. Cần đẩy mạnh phát triển hệ thống trang mạng xã hội như: facebook, twitter, instagram,… cập nhật thông tin thường xuyên về du lịch vùng, địa phương và thu thập phản hồi khách du lịch. Đồng thời, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cấp vùng cho các sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng, cấp logo cho các sản phẩm du lịch được thẩm định đạt chất lượng.

     Ngoài ra, cần có sự liên kết giữa các tỉnh trong xây dựng sản phẩm du lịch vì với đặc trưng là vùng nông nghiệp, sông nước miệt vườn nên sản phẩm du lịch của các tỉnh sắc thái khá giống nhau, nếu liên kết, hợp tác hiệu quả thì tránh được việc giới thiệu cho du khách những sản phẩm trùng lặp.

     Xây dựng những sản phẩm mới phù hợp đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn là yếu tố quan trọng để thu hút du khách. Hiện nay, ở thành thị, trẻ em, học sinh không có điều kiện tìm hiểu về thiên nhiên, cuộc sống nông thôn, những địa phương gần Thành phố Hồ Chí Minh nếu thiết kế những chương trình kỹ năng sống và trải nghiệm thực tế thôn quê thì sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của các bậc cha mẹ đăng ký cho con em mình tham gia, chẳng hạn như “Một ngày làm nông dân”, “Hạt gạo từ đâu?”, “Vui cùng hoa lúa”,…

     Một điều rất quan trọng là phải nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch nông thôn, du lịch nông thôn gắn chặt chẽ với nông nghiệp, nếu vì lợi nhuận cao từ du lịch mang lại mà người nông dân bỏ nông nghiệp, không coi trọng vườn tược ruộng đồng nữa thì sản phẩm du lịch nông thôn cũng chết dần vì du lịch nông thôn mất đi tính chất nông thôn và khi đó du lịch nông thôn cũng khó có thể cạnh tranh với các loại hình du lịch khác.

     Ngoài ra cần phải lưu ý đến việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng địa phương để du lịch nói chung, du lịch nông thôn nói riêng không làm tổn hại đến môi trường.

     Các cơ quan chức năng nên tổ chức những lớp tập huấn được thiết kế riêng, thích hợp hơn với du lịch nông thôn cho những người làm du lịch nông thôn.

     Về cơ sở hạ tầng, chú trọng đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, cơ sở phục vụ du lịch, các khu du lịch miệt vườn, các đảo, làng nghề truyền thống,… gắn liền với bản sắc văn hóa và thế mạnh của từng tỉnh, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và bền vững.

     Để loại hình du lịch nông thôn phát triển thì nên có những chương trình hay thành lập những tổ chức quản lý và giám sát du lịch nông thôn. Chúng ta có thể học tập từ những nước có du lịch nông thôn phát triển như Venezuela có Hội đồng Dân cư nông thôn, Hiệp hội Du lịch nông thôn ở Paraguay, chương trình Du lịch nông thôn ở Argentina, ở Pháp có 4 tổ chức/hiệp hội về du lịch nông thôn, trong đó nổi tiếng là hiệp hội Accueil Paysan do nông dân tự thành lập,… Các tổ chức, hiệp hội này có tính liên kết cao, tuân thủ các quy định về mức giá sàn. Ngoài ra, các hội viên sẽ được hưởng thành quả từ những dự án chung của hiệp hội. Trên phương diện rộng hơn, giữa các hiệp hội cũng có sự cạnh tranh nhưng vì mỗi hiệp hội khi thành lập đã xác định tính chất khác nhau nên đều có xu hướng xây dựng bản sắc riêng nhằm vào phân khúc thị trường du khách khác nhau. Học tập kinh nghiệm này giúp cạnh tranh trong du lịch lành mạnh hơn, chống phá giá và chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn.

Kết luận

     Đồng bằng sông Cửu Long rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Du lịch nông thôn mang đến rất nhiều lợi ích cho vùng như: giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần làm giảm tình trạng di cư ra thành thị của giới trẻ nông thôn, phát triển kinh tế địa phương và cả vùng, nâng cao mức sống của cộng đồng. Mặt khác, trong tình hình biến đổi khí hậu chung hiện nay, điều kiện thời tiết ảnh hưởng và tác động lớn đến sản xuất và sản lượng nông nghiệp thì du lịch nông thôn như là một giải pháp tăng thu nhập cho người dân thôn quê, đồng thời làm giảm những hạn chế do tính mùa vụ nông nghiệp tạo ra. Nghiêm trọng hơn, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xâm nhập mặn và nước biển dâng, tác động tiêu cực đến nông ngư nghiệp và đời sống kinh tế toàn vùng. Trong bối cảnh đó, có thể nói phát triển du lịch nông thôn như một giải pháp cứu cánh ít nhiều về mặt kinh tế và giúp giảm bớt tình hình di cư ra thành thị.

     Về mặt văn hóa, du lịch nông thôn giúp giới thiệu, phát huy và truyền tải văn hóa truyền thống. Ngoài ra, nó còn giúp mở rộng giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng. Ngược lại cũng giúp cho cộng đồng nhận thức rõ hơn giá trị tài nguyên xung quanh, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, để du lịch nông thôn phát triển hiệu quả hơn thì phải có định hướng phù hợp và phải được quan tâm, đầu tư, quản lý tốt.

__________
2 Số liệu của Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình năm 2015.

3 “Sản xuất lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới”,
http://daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=387254.

4 Dẫn theo Noemi Kulcsar, “Rural Tourism in Hungary: The key of competitiveness”.

5 Dẫn theo Nitashree Mili, “Rural Tourism Development: An Overview of Tourism in the Tipam Phakey Village of Naharkatia in Dibrugarh District Assam (India)”, International Journal of Scientific and Research Publications, Volume 2, Issue 12, December 2012.

6 Bernard Lane 1994, “What is rural tourism?”, Journals of Sustainable Tourism.

7 Đào Thế Tuấn, Nguyễn Xuân Hoản 2012, “Đa dạng hóa hình thức du lịch nông thôn”, Hội thảo quốc tế Phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch đón tiếp tại nông hộ: thể chế chính sách và bài học kinh nghiệm, Bắc Cạn.

8Agriculture and Rural Development, Government of Alberta, Rural tourism – an overview, October 2010.

9 Wang Ling En, Sheng Kui Cheng, Dhruba Bijaya G.C, Mu Song Lin, Zhong Lin Sheng, Ren Guo Zhu 2013,“Rural tourism development in China: Principles, models and the future”, Journal of Mountain Science, February.

10 Số liệu đã được làm tròn thành số chẳn.

11 Chúng tôi tổng hợp, phân tích số liệu từ nhiều nguồn: Tổng cục Du lịch
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13462 và số liệu của Hiệp hội Du lịch
ĐBSCL, Báo Du lịch, Sở Du lịch các tỉnh.

12 http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/du_lich/item/34655302-phat-trien-du-lich-vungdong-bang-song-cuu-long.html.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Anh

1. Agriculture and Rural Development, Government of Alberta (October 2010): Rural tourism – an overview.

2. David Harrison (2001): Tourism and the less developed world: issues and case studies, CABI Publishings.

3. Derek R Hall, Irene Kirkpatrick, Morag Mitchell (editor) 2005: Rural Tourism and Sustainable Business, Channel View Publications.

4. Honey Martha 2008: Ecotourism and Sustainable Development – Who owns paradise?, Island Press.

5. Ministry of Tourism in India (2011): Guidelines for Rural tourism.

6. Nitashree Mili 2012: “Rural Tourism Development: An Overview of Tourism in the Tipam Phakey Village of Naharkatia in Dibrugarh District Assam (India)”, International Journal of Scientific and Research Publications, Volume 2, Issue 12, December 2012.

7. Wang Ling En, Sheng Kui Cheng, Dhruba Bijaya G.C, Mu Song Lin, Zhong Lin Sheng, Ren Guo Zhu 2013: “Rural tourism development in China: Principles, models and the future”, Journal of Mountain Science, February 2013.

Tiếng Việt

8. Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (2014): Du lịch Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển.

9. Đào Thế Tuấn, Nguyễn Xuân Hoản (2012): “Đa dạng hóa hình thức du lịch nông thôn”, Hội thảo quốc tế Phát triển du lịch nông nghiệp và du lịch đón tiếp tại nông hộ: thể chế chính sách và bài học kinh nghiệm, Bắc Cạn.

10. Đỗ Hải Yến, Nguyễn Thị Ngọc Linh (2016): Farm Tours, Mỹ – một loại hình du lịch mới gắn với việc khắc phục tính thời vụ trong nông nghiệp Việt Nam của , Kỷ yếu HTKHQT Các loại hình du lịch hiện đại.

11. Đoàn Thị Mỹ Hạnh, Bùi Thị Huỳnh Ngọc (2012): Phát triển du lịch nông thôn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long: Đường đến cơ cấu kinh tế dịch vụ – nông- công nghiệp, Tạp chí Khoa học ĐHQG-HN, Kinh tế và kinh doanh 28, trang 261-268.

12. Huỳnh Quốc Thắng (2004): Tiềm năng và phát triển du lịch sinh thái tỉnh Tiền Giang nhìn từ góc độ văn hóa, Kỷ yếu hội thảo Tiềm năng và phát triển du lịch sinh thái tỉnh Tiền Giang, Tiền Giang.

13. Lê Văn Minh, Đào Duy Tuấn (2013): Những xu hướng mới trong phát triển du lịch trên thế giới, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam.

14. Nguyễn Phạm Hùng (2016): Văn hóa du lịch, NXB ĐHQG Hà Nội.

Internet

15. http://baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/du-lich-nong-thon-tiemnang-chua-duoc-danh-thuc-32442.html

16. http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/45/36379/du-lich-nong-thonhuong-phat-trien-day-tiem-nang

17. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/du-lich/tour-trai-nghiem-lang-quenong-thon-moi-hut-khach-396003.html

18. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/13462

19. http://www.thesaigontimes.vn/158757/Du-lich-DBSCL-nham-den34-trieu-luot-khach-vao-nam-2020.html

20. http://www.baodulich.net.vn/Nam-2017-DBSCL-don-hon-34-trieuluot-khach-du-lich-03-13553.html

Nguồn: Kỷ yếu Giảng dạy, nghiên cứu Việt Nam học và tiếng Việt,
NXB Đại học Quốc gia TP HCM, 2018
Trích dẫn: Khoa Việt Nam học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)