PHÁT TRIỂN TRANG TRẠI – Tiếp cận từ vấn đề LÍ LUẬN đến THỰC TIỄN của VIỆT NAM

Farm development – from theory to practice in Viet Nam

LÃ THÚY HƯỜNG
(Trường Đại học Sài Gòn)

TÓM TẮT

     Trang trại (TT) giữ vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp nước ta, nhưng so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì sự phát triển TT còn mang tính tự phát, hiệu quả chưa cao và kém ổn định; vì vậy, việc nghiên cứu vấn đề phát triển TT có ý nghĩa thiết thực cả về lí luận và thực tiễn. Bài viết này phân tích các vấn đề lí luận, về cơ sở thực tiễn phát triển TT, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp đối với Việt Nam.

     Từ khóa: cơ sở lí luận, cơ sở thực tiễn, trang trại.

ABSTRACT

     Farms take an important role in agriculture in our country. However, compared with the requirements of industrialization and modernization of agriculture and rural areas, the development of our country farm was spontaneous, yet high performance and less stable. Therefore, further research of farm development issues have practical significance in both theory and reality. In this article, the author will provide theoric analysis of the farms, practical basis to develop farms, from then to conclude the appropriate solutions for Vietnam.

Keywords: theoretical basis, practical basis, farm.

1. Đặt vấn đề

     Với lịch sử phát triển hàng trăm năm, TT đã trở thành một trong những hình thức tổ chức sản xuất phổ biến và hiệu quả nhất của nền nông nghiệp thế giới.

     Ở Việt Nam, TT mới chỉ phát triển nhanh từ đầu thập niên 90 của thế kỉ XX và mặc dù nó có làm đổi thay diện mạo kinh tế – xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhưng so với thế giới và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì sự phát triển TT ở nước ta còn mang tính tự phát, hiệu quả chưa cao và kém ổn định. Vì vậy, việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải tiếp tục trang bị cho các cấp, các ngành quản lí nông nghiệp cũng như nông dân sự hiểu biết đúng và đầy đủ về TT, vai trò của nó đối với nền nông nghiệp cũng như phương hướng phát triển TT ở nước ta. Thực tế này đặt ra cho các nhà khoa học yêu cầu cấp bách là phải nghiên cứu sâu sắc hơn nữa vấn đề phát triển TT cả về lí luận và thực tiễn để rút ra những kinh nghiệm phù hợp vận dụng cho Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.

2. Nội dung

     2.1. Vấn đề lí luận

     2.1.1. Khái niệm, đặc điểm, phân loại trang trại

     2.1.1.1. Khái niệm

     Do cách tiếp cận khác nhau nên có nhiều khái niệm khác nhau về TT. Michael Lipton (2005) cho rằng “TT là những đơn vị hoạt động kinh doanh trong nông nghiệp, được điều hành bởi các thành viên trong gia đình TT” (tr.54).

     Theo Lê Trọng (2000), TT là cơ sở, là doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp của một hoặc một nhóm nhà kinh doanh. Kinh tế TT là hình thức tổ chức kinh tế cơ sở, là doanh nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất ra nông sản hàng hóa dựa trên cơ sở hợp tác và phân công lao động xã hội, được chủ TT đầu tư vốn, thuê mướn phần lớn hoặc hầu hết sức lao động và trang bị những tư liệu sản xuất để hoạt động kinh doanh theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường, được Nhà nước bảo hộ theo luật định (tr.17).

     Theo Đào Công Tiến (2007), TT là một loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, phổ biến được hình thành và phát triển trên nền tảng kinh tế hộ và về cơ bản giữ bản chất kinh tế hộ. Quá trình hình thành và phát triển TT là quá trình nâng cao năng lực sản xuất dựa trên cơ sở tích tụ, tập trung vốn và các yếu tố sản xuất, nhờ đó tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao (tr.1).

     Hoàng Việt (2000) lại cho rằng TT là một hình thức tổ chức sản xuất cơ sở có mục đích chủ yếu là sản xuất hàng hóa. Tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của một người chủ độc lập. Sản xuất được tiến hành trên quy mô diện tích ruộng đất và các yếu tố sản xuất được tập trung đủ lớn, cách thức tổ chức quản lí tiến bộ, trình độ kĩ thuật cao, hoạt động tự chủ và luôn gắn với thị trường (tr.7).

     Từ các khái niệm trên, có thể thấy, điểm quan trọng nhất để nhận diện TT là mục đích, phương thức kinh doanh và chủ thể quản lí của nó. TT khác với loại hình doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp khác ở chỗ nó được hình thành và quản lí độc lập bởi chủ TT.

     2.1.1.2. Đặc điểm cơ bản của TT

     Các hoạt động chủ yếu của TT là sản xuất nông, lâm, thủy sản: Ở các TT, hoạt động chính luôn là sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các hoạt động khác như chế biến, tiêu thụ sản phẩm hay cung ứng dịch vụ nông nghiệp nếu có cũng chỉ là để phục vụ cho hoạt động chính được thuận lợi hơn và nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông sản của TT (Nguyễn Đình Hương, 2000, tr.16).

     Mục đích chủ yếu của TT là sản xuất nông sản hàng hóa: Hiện nay, hội nhập kinh tế thế giới đã khiến quan hệ thị trường của TT vượt khỏi chợ làng, vươn tới các đô thị, hướng tới thị trường khu vực và thế giới (Nguyễn Đức Thịnh, 2000, tr.15). Dưới áp lực cạnh tranh cũng như nhiều cơ hội đang mở ra, TT đang dần biến chuyển theo hướng chủ động, tích cực (trong cả kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như tham gia các liên kết, chuỗi giá trị). Đặc điểm về mục đích sản xuất hàng hóa của TT được biểu thị về mặt lượng bằng những tiêu chí chủ yếu: 1) Giá trị sản lượng hàng hóa được tạo ra trong một năm; 2) Tỉ suất hàng hóa của TT (Nguyễn Đình Hương, 2000, tr.29).

     Tư liệu sản xuất trong TT thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của một người chủ độc lập: Đây là các TT mà tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của chủ TT, các TT đi thuê hoặc được giao quyền sử dụng tư liệu sản xuất. Người chủ hoàn toàn có quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

     Trong TT, các yếu tố sản xuất, trước hết là ruộng đất và tiền vốn được tập trung tới quy mô nhất định theo yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa: Ở các TT, sản xuất hàng hóa chỉ có thể được thực hiện khi ruộng đất, tiền vốn, tư liệu sản xuất… được tập trung tới quy mô cần thiết. Ở các TT tư nhân, quy mô tập trung các yếu tố sản xuất lớn hơn hẳn so với các TT gia đình. Đặc điểm về sự tập trung các yếu tố sản xuất của TT được biểu thị về mặt lượng bằng những chỉ tiêu: 1) Quy mô diện tích ruộng đất của TT (hoặc số lượng gia súc, gia cầm, nếu là TT chăn nuôi). 2) Quy mô vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của TT (Nguyễn Đình Hương, 2000, tr.46).

     TT có cách thức tổ chức quản lí sản xuất tiến bộ: Cách thức tổ chức quản lí sản xuất tiến bộ được thể hiện ở các mặt sau:

     – Chuyên môn hóa sản xuất gắn liền với việc chuyển hướng từ đa dạng, đa canh kết hợp trồng trọt với chăn nuôi sang sản xuất chuyên canh, tập trung vào một vài nông sản có lợi thế so sánh và khả năng sinh lời cao. Để phản ánh trình độ chuyên môn hóa, có thể sử dụng các chỉ tiêu: Cơ cấu giá trị sản lượng và cơ cấu giá trị sản lượng hàng hóa của TT.

     – Trình độ thâm canh của các TT được nâng dần từ thâm canh truyền thống sang thâm canh kết hợp truyền thống với hiện đại rồi thâm canh hiện đại. Những chỉ tiêu chủ yếu để biểu thị là: vốn đầu tư trên mỗi đơn vị diện tích (hay một đầu gia súc), vốn đầu tư cho những công nghệ sản xuất trên một đơn vị diện tích (hay một đầu gia súc), năng suất…

     – Về cách thức điều hành sản xuất, thực hiện hạch toán: Việc quản lí, điều hành sản xuất phải được tiến hành trên cơ sở những kiến thức khoa học về nông học và phương pháp điều hành sản xuất. Đặc biệt, khi TT kinh doanh như một doanh nghiệp thì hoạt động tài chính đi vào chiều sâu, gồm các nội dung: kế hoạch tài chính, giá thành, lợi nhuận…

     – Về tiếp cận thị trường: Khi sản xuất hàng hóa ở trình độ cao, kinh doanh trở thành lẽ sống, thị trường là khâu kết thúc, quyết định chu kì kinh doanh thì TT thường xây dựng và thực hiện linh hoạt chiến lược kinh doanh nhằm đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh. Mức độ gắn kết với thị trường có thể xem xét thông qua chỉ tiêu tỉ trọng chi phí trung gian trong tổng chi phí sản xuất của TT (Nguyễn Đình Hương, 2000, tr.61).

     Chủ TT là người có ý chí, có năng lực tổ chức quản lí, có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, đồng thời có hiểu biết nhất định về kinh doanh: Những tố chất cần thiết mà chủ TT phải có là: 1) có ý chí và quyết tâm làm giàu từ nghề nông, 2) có năng lực tổ chức quản lí sản xuất, 3) có kiến thức và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp và có hiểu biết nhất định về hạch toán, kinh doanh, tiếp cận thị trường.

     Các TT đều thuê mướn lao động: TT thường có quy mô sản xuất lớn. Nhu cầu về lao động cao nên đều phải thuê mướn lao động. Mức độ thuê mướn khác nhau phụ thuộc vào quy mô sản xuất và loại hình TT. Có hai hình thức thuê mướn lao động là thuê thường xuyên và thuê thời vụ. TT có quy mô sản xuất lớn thì thuê thường xuyên là chủ yếu. TT nhỏ cũng thuê cả hai đối tượng nhưng lao động thời vụ chiếm phần nhiều.

     2.1.1.3. Phân loại TT

     a) Phân loại TT trên thế giới: Trên thế giới, có nhiều cách phân loại TT, chủ yếu theo các hình thức sau:

  • Theo hình thức tổ chức quản lí

     – TT gia đình: Là kiểu TT độc lập sản xuất kinh doanh do một người trong hộ hay nhóm hộ gia đình có quan hệ huyết thống quản lí. TT gia đình là TT có hiệu quả cao nhất với những ưu thế nổi bật: Có khả năng dung nạp các trình độ, quy mô sản xuất, cấp độ công nghệ khác nhau; có khả năng liên kết các loại hình kinh tế khác nhau thành mô hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã (HTX).

     – TT phi gia đình: Bao gồm các TT được tổ chức dưới dạng các công ti phi gia đình, các HTX cũng như các TT được điều hành bởi người quản lí được thuê mướn.

  • Theo cơ cấu sản xuất

     – TT sản xuất chuyên môn hóa là loại hình TT sản xuất một sản phẩm nông nghiệp nào đó mang tính hàng hóa lớn (phổ biến ở Mĩ, Canada, Tây Âu).

     – TT kinh doanh tổng hợp: Là những TT có sự kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp với tiểu thủ công nghiệp, lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch hoặc kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi, giữa sản xuất với chế biến nông, lâm sản (phổ biến ở châu Á, Bắc Âu).

  • Theo cơ cấu thu nhập

     – TT có thu nhập chủ yếu hay hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp (TT thuần nông). Loại TT này thường phổ biến ở những nước nông nghiệp kém phát triển.

     – TT có thu nhập chủ yếu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ngoài sản xuất nông nghiệp. Trên thế giới, loại TT này tăng nhanh cùng với quá trình phát triển công nghiệp.

  • Theo hình thức sở hữu tư liệu sản xuất

     – TT có chủ sở hữu toàn bộ tư liệu sản xuất: Đây là loại TT phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam, các TT chủ yếu là được Nhà nước giao đất hoặc nhận khoán từ các nông trường quốc doanh. Một phần là do chuyển nhượng quyền sử dụng đất lẫn nhau.

     – TT có chủ sở hữu một phần tư liệu sản xuất, một phần thuê. Hiện trên thế giới tồn tại một loại hình TT khá thông dụng là chủ TT sở hữu đất đai nhưng phải thuê máy móc chuồng trại, kho tàng để hoạt động.

     – TT có chủ hoàn toàn không có tư liệu sản xuất mà phải thuê của các TT khác hoặc của Nhà nước, chủ TT chỉ bỏ chi phí lưu động để sản xuất kinh doanh.

  • Theo phương thức điều hành sản xuất

     – Chủ TT trực tiếp điều hành sản xuất và trực tiếp lao động.

     – Chủ TT thuê người điều hành. (Trần Đức, 1995, tr.20).

     b. Phân loại TT ở Việt Nam: Ở Việt Nam, cách phân loại TT phổ biến nhất hiện nay là căn cứ vào tiêu chí cơ cấu sản xuất với các loại hình sau:

     – TT trồng trọt gồm: TT trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả…;

     – TT chăn nuôi: chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy thịt, sữa, trứng, da…;

     – TT nuôi trồng thủy sản: nuôi tôm, cá, thủy sản khác, sản xuất giống thủy sản…;

     – TT lâm nghiệp: chuyên trồng và chăm sóc, tu bổ rừng;

     – TT tổng hợp: sản xuất, kinh doanh nhiều loại nông sản, trong đó, tỉ trọng đóng góp về giá trị sản lượng nông sản của từng loại không vượt trội so với các loại nông sản còn lại.

     2.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố TT

     2.1.2.1. Vị trí địa lí

     Vị trí địa lí (tự nhiên, kinh tế, giao thông) có ý nghĩa quyết định đến hướng chuyên môn hóa, trình độ, quy mô và hiệu quả sản xuất của TT.

     Dựa vào đặc điểm của TT có thể suy ra vị trí thuận lợi để xây dựng và phát triển TT là nơi có điều kiện khí hậu ôn hòa, địa hình tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ phù hợp cho việc chuyên canh cây trồng (đối với TT trồng trọt), có đồng cỏ bằng phẳng, tươi tốt (cho TT chăn nuôi) hay có mặt nước (cho nuôi trồng thủy sản). Vị trí kinh tế – xã hội thuận lợi cho phát triển TT là nơi có cơ sở vật chất và hạ tầng nông nghiệp tốt, trình độ khoa học công nghệ, trình độ phát triển kinh tế cao, có thể huy động nguồn vốn lớn, nguồn lao động nhiều và chuyên môn tốt, thị trường tiêu thụ nông sản lớn và đặc biệt vị trí đó phải thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi để chi phí vận chuyển rẻ…

      2.1.2.2. Các nhân tố tự nhiên

     Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là các sinh vật sống với thời gian sinh trưởng và phát triển phụ thuộc vào tự nhiên. Sự khác biệt của môi trường tự nhiên chính là cơ sở đầu tiên của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp. Và các nhân tố tự nhiên tác động trực tiếp tới nông nghiệp là địa hình, đất, khí hậu, nước và sinh vật.

     – Địa hình: Địa hình ảnh hưởng khá quan trọng đến phát triển TT. Nơi có địa hình thấp, bằng phẳng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng cơ giới hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Những vùng có địa hình đa dạng sẽ tạo nên cơ cấu sản xuất đa dạng.

     – Đất: Đất là tư liệu sản xuất chủ yếu để phát triển TT. Quỹ đất, cơ cấu đất, giá trị kinh tế của đất có ảnh hưởng rất lớn đến quy mô, phương hướng sản xuất, mức độ thâm canh, cơ cấu và sự phân bố cây trồng, vật nuôi. Trên thế giới, do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp ngày một giảm, cản trở việc tích tụ, đầu tư trên đất; cản trở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ, kĩ thuật canh tác hiện đại.

     – Khí hậu: Trong các yếu tố tự nhiên, khí hậu được coi là nhân tố tác động trực tiếp và thường xuyên nhất đến TT. Khí hậu với các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, gió, mưa và cả những yếu tố bất thường như bão, lũ lụt, hạn hán… có ảnh hưởng lớn tới việc xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khả năng xen canh, tăng vụ, năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

     – Nước: Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển TT. Số lượng và chất lượng nước có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả sản xuất của TT. Ngày nay, dù quy trình sản xuất nông nghiệp có thay đổi do ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thì nước vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, tình hình chung hiện nay trên thế giới là nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của TT.

     – Sinh vật: Sự đa dạng, phong phú về loài động, thực vật là tiền đề để hình thành và phát triển các giống vật nuôi, cây trồng. Chúng không chỉ làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo khả năng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái, khí hậu khác nhau.

      2.1.2.3. Các nhân tố kinh tế xã hội

  • Định hướng và chính sách của Nhà nước

     Chính sách định hướng cho sự hình thành và phát triển TT, trong đó, các chính sách về ruộng đất, thị trường, khoa học công nghệ, đầu tư có vai trò hết sức quan trọng. Chính sách TT thể hiện qua các biện pháp như hỗ trợ kinh phí đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển công nghiệp chế biến, hỗ trợ phát triển các hiệp hội nghề nghiệp, khuyến nông, tiêu thụ nông sản, thuế, lãi suất, giá, khuyến khích các hình thức liên kết kinh tế…

  • Vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ

     – Vốn đầu tư là toàn bộ nguồn lực tài chính để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho TT. Quy mô, khả năng tiếp cận vốn đóng vai trò quan trọng để thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp, hiện đại hóa công cụ lao động, hệ thống thủy lợi, áp dụng các quy trình kĩ thuật sản xuất mới, mở rộng quy mô cũng như trình độ sản xuất. Vốn của TT thường bao gồm vốn cố định và vốn lưu động, vốn tự có và vốn huy động từ các nguồn ngoài TT. Hiện nay, các TT có xu hướng sử dụng nhiều vốn vay từ bên ngoài.

      – Thị trường tiêu thụ là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình tái sản xuất, vừa có tác dụng điều tiết sản xuất, lại vừa tạo điều kiện hình thành các vùng chuyên môn hóa nông nghiệp. Sự phản ứng của thị trường là nhân tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn phát triển các nông sản có giá trị hàng hóa cao. Trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, việc gắn kết với thị trường có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ chấm dứt thói quen của các TT là chỉ làm ra những cái mình có thể mà chưa chú trọng sản xuất những cái mà thị trường đang cần

  • Dân số và lao động

     – Dân số với các yếu tố như quy mô và gia tăng dân số, phân bố và mức sống, thị hiếu và tập quán tiêu dùng của dân cư có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển TT. Dân số đông và tăng nhanh, mật độ dân số đông, mức sống cao sẽ tạo thị trường rộng lớn cho TT. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay ngày càng đòi hỏi cao về hình thức, mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Những đặc điểm trên sẽ quy định quy mô, cơ cấu cây trồng, vật nuôi của TT.

     – Lao động cũng ảnh hưởng quan trọng đến phát triển TT. Trong tình hình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh như hiện nay, mặc dù lao động nông nghiệp có xu hướng chuyển dịch sang các hoạt động kinh tế khác nhưng chất lượng lao động lại đang được nâng lên. Nông dân ngày càng nhạy bén trong việc nắm bắt nhu cầu của thị trường. Chính vì vậy, họ sẽ trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của TT.

  • Khoa học – công nghệ

     Ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ là ứng dụng một cách hợp lí các kĩ thuật tiên tiến trong chọn tạo giống mới; chăm sóc nuôi dưỡng cây, con bằng hệ thống thiết bị tự động, điều khiển từ xa; chế biến phân bón vi sinh cho cây trồng, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật; công nghệ tự động trong thủy lợi, công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản, công nghệ xử lí chất thải bảo vệ môi trường;… Khoa học công nghệ đã thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển TT.

  • Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật

     Cơ sở hạ tầng (CSHT) bao gồm hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp điện, hệ thống phân phối nông sản. CSHT là nền tảng cho sự phát triển TT, là nhân tố trực tiếp làm thay đổi trạng thái sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản. Nếu CSHT được trang bị hiện đại, đồng bộ và phân bố hợp lí sẽ giúp giảm thiểu chi phí, thúc đẩy lưu thông, mở rộng thị trường; tạo điều kiện ứng dụng hiệu quả các biện pháp thâm canh và hình thành các vùng chuyên môn hóa.

     Cơ sở vật chất kĩ thuật (CSVCKT) gồm có hệ thống thủy lợi, khuyến nông, trạm, trại giống, các cơ sở chế biến, giết mổ, thu gom nông sản tạo động lực cho TT phát triển. Nơi nào có CSVCKT tốt sẽ cung ứng kịp thời vật tư, nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho TT; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

  • Trình độ quản lí, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh của chủ TT

     Chủ TT vừa là người sản xuất kinh doanh vừa là người quản lí. Chủ TT ngoài việc phải có quyết tâm làm giàu từ nghề nông, có trình độ kinh doanh thì còn phải có tri thức khoa học công nghệ, thậm chí còn phải có cả cảm quan chính trị nhạy bén. Nếu đội ngũ này đông sẽ tạo môi trường tốt cho các chủ TT trao đổi, học hỏi, cạnh tranh để cùng phát triển.

     Để nâng cao trình độ quản lí, kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh của chủ TT, ngoài sự tích lũy của bản thân họ còn cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần coi việc hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật nông nghiệp cho nông dân là một trong những nội dung chủ yếu của việc hỗ trợ.

  • Khả năng liên kết tạo ra chuỗi giá trị nông sản

     Chuyên môn hóa là hình thức biểu hiện cụ thể của phân công lao động. Trình độ chuyên môn hóa càng cao thì yêu cầu liên kết càng lớn. Sự hình thành và phát triển của TT cũng là quá trình phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hóa. Một số khâu có thể được tách ra khỏi hoạt động của TT và chức năng thuộc về một số tổ chức kinh tế khác. Các tổ chức này cùng TT liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị nông sản. Tuy nhiên, muốn liên kết bền vững thì cần phải giải quyết đồng bộ hai vấn đề: Xác lập những điều kiện kinh doanh bình đẳng và hoàn thiện cơ chế liên kết các thành phần tham gia chuỗi để chia sẻ rủi ro và tạo lợi thế cạnh tranh.

     2.1.3. Những tiêu chí đánh giá phát triển TT

     Từ khi xuất hiện trở lại và phát triển nhanh vào những năm 90 của thế kỉ XX, TT nước ta đã qua hai lần được sắp xếp, đánh giá dựa trên hai lần thay đổi tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

     Ngày 02/2/2000, Chính phủ đã có Nghị quyết 03/2000/NQ-CP về TT. Ngày 23 tháng 06 năm 2000, Bộ NN&PTNT – Tổng cục Thống kê đã ra Thông tư liên tịch số 69/2000/TTLT/BNNPTNT-TCTK hướng dẫn tiêu chí để xác định TT. Đến 13 tháng 4 năm 2011, lần thứ hai, Bộ NN&PTNT ra Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT, quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận TT. Ở cả hai văn bản trên, hai chỉ tiêu quy mô diện tích canh tác và giá trị nông sản hàng hóa đều được đánh giá có tính tổng hợp cao, có thể đại diện cho nhiều chỉ tiêu khác để đánh giá TT. Trong đó, tiêu chí giá trị sản lượng hàng hóa tạo ra trong một năm là tiêu chí chủ yếu.

     2.2. Cơ sở thực tiễn

     2.2.1. Số lượng và cơ cấu TT

     Trong giai đoạn 2000 – 2010, số lượng TT đã biến động nhanh, tăng 255,6%. Năm 2011, do thay đổi tiêu chí đánh giá TT, số lượng TT cả nước sụt giảm nhưng nhanh chóng tăng trở lại. Giai đoạn 2011 – 2016 tăng 67,2%, bình quân mỗi năm tăng 10,8% (xem Bảng 1).

Bảng 1. Số lượng TT cả nước, giai đoạn 2000 – 2016

Năm 2000200620102011201220142016
Số lượng TT (TT) 57069 113699 145880 20078 22655 29493 33488

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2012, 2017)

     Chiếm tỉ lệ cao nhất là TT chăn nuôi, sau đó lần lượt là TT trồng trọt, TT thủy sản, TT tổng hợp và lâm nghiệp (xem Bảng 2).

Bảng 2. Số lượng và cơ cấu TT nước ta phân theo loại hình, năm 2016

Loại hình TT TT trồng trọt TT chăn nuôi TT nuôi trồng thủy sản TT lâm nghiệp TT tổng hợp
Số lượng TT 9.276 21.060 2.413 113 626
Tỉ lệ (%) 27,7 62,9 7,2 0,31,9

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2016)

     2.2.2. Tình hình sử dụng đất

     Năm 2016, các TT trên cả nước đã sử dụng 175,8 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 13,5% so với năm 2011, trong đó, đất trồng cây hàng năm là 59,2 nghìn ha, đất trồng cây lâu năm 72,9 nghìn ha, đất lâm nghiệp 18,0 nghìn ha, đất nuôi trồng thủy sản 25,6 nghìn ha. Tính ra, năm 2016, bình quân một TT sử dụng 5,2 ha, trong đó, đất trồng cây hàng năm 1,8ha/TT, đất nuôi trồng thủy sản 0,8ha/TT.

     2.2.3. Tình hình sử dụng lao động

     Điều tra nông nghiệp nông thôn năm 2016 cho thấy các TT đã tạo thêm chỗ làm việc, thu hút ngày càng nhiều lao động. Tổng số lao động thường xuyên của TT đạt 135,5 nghìn người, tăng 43,2% so với năm 2011, bình quân tăng 7,4%/năm. Những vùng có số lượng lớn TT và thu hút nhiều lao động là: Đồng bằng sông Hồng với 9,9 nghìn TT với 31,6 nghìn lao động thường xuyên (gấp 2,1 lần năm 2011); Đông Nam Bộ có 6,8 nghìn TT và sử dụng 34,4 nghìn lao động (gấp 1,1 lần năm 2011); Đồng bằng sông Cửu Long có 6,3 nghìn TT với 27,6 nghìn lao động thường xuyên (tăng 6,3% so với năm 2011).

     2.2.4. Thu nhập và hiệu quả của TT

     Giá trị thu từ nông lâm thủy sản của TT cả nước: Giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt là 84,5 triệu đồng/ha và trên mặt nước nuôi trồng thủy sản là 187,1 triệu đồng/ha (năm 2016).

     Hiệu quả TT: Ngoài tạo việc làm cho hàng vạn lao động, các TT còn sản xuất ra một khối lượng lớn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2016 của TT đạt 92,3 nghìn tỉ đồng, gấp 2,4 lần năm 2011; giá trị sản phẩm, dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 91,2 nghìn tỉ đồng, gấp 2,4 lần. Nếu loại trừ yếu tố giá thì giá trị thu từ nông, lâm, thủy sản trong 5 năm 2011-2016 tăng 126,1%, bình quân mỗi năm tăng 17,7%; giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra tăng 128,5%, bình quân tăng 18,0%/năm. Giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành bình quân một TT thu được trong 12 tháng trước thời điểm 01/7/2016 đạt 2757,7 triệu đồng, loại trừ yếu tố giá tăng 35,3% so với năm 2011. Giá trị sản phẩm và dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 2723,1 triệu đồng/TT, loại trừ yếu tố giá tăng 36,9% (xem Bảng 3).

Bảng 3. Kết quả sản xuất kinh doanh bình quân một TT nước ta năm 2011, 2016

 

Giá trị (triệu đồng)

Năm 2016 so với 2011

2011

2016

Giá trị (triệu đồng)

Tỉ lệ (%)

Giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản

1.951,8

2.757,7

805,9

141,29

Giá trị sản phẩm bán ra

1.905,2

2.723,1

817,9

142,93

Nguồn: Tổng cục Thống kê (2016)

     Nếu so với hộ thì hiệu quả sử dụng đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của TT cao hơn hẳn, thể hiện qua mức thu trên một ha. Tính chung cả nước, so với hộ, các TT trồng trọt có mức độ thu cao hơn đến 38,5%, TT nuôi trồng thủy sản thu cao hơn 88%. Trong tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ, tỉ suất hàng hóa chiếm đến 99,1%.

      2.2.5. Vấn đề liên kết chuỗi giá trị nông sản

     Năm 2016, cả nước có 7324 TT (chiếm 21,9% trong tổng số 33.488 TT cả nước) có liên kết sản xuất. Trong đó, trồng trọt 1270 TT, chiếm 17,3% số TT liên kết; chăn nuôi 5416 TT, chiếm 73,9%; lâm nghiệp 17 TT, chiếm 0,2%; thủy sản 546 TT, chiếm 7,5%; loại hình tổng hợp 75 TT, chiếm 1,0%. Hình thức có thể là các TT liên kết với nhau hoặc với hợp tác xã hay doanh nghiệp. Phương thức liên kết chủ yếu theo kiểu TT gia công sản phẩm; hợp tác xã hay doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, hướng dẫn kĩ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm của TT theo hợp đồng. Như vậy, nông dân nhận được sự hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra cho sản xuất. Hợp tác xã/ doanh nghiệp thì chủ động và bảo đảm được chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm chi phí quản lí.

      2.2.6. Tình hình cạnh tranh của các trang trại trên thị trường

     Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, những cam kết cấp Nhà nước đã tạo ra những cơ hội lớn cho chủ TT, đồng thời cũng đặt các nhà sản xuất nông sản đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt. Nhiều nước có phổ sản phẩm giống nước ta nhưng trình độ phát triển lại vượt trội. Vì vậy, việc lựa chọn sản phẩm chủ lực, đầu tư công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị nông sản để có những sản phẩm ưu thế mang tính sống còn.

     2.3. Đánh giá chung và đề xuất giải pháp phát triển TT

     2.3.1. Đánh giá chung

     Từ những phân tích cơ sở lí luận và thực tiễn phát triển TT ở Việt Nam, có thể khẳng định, hiện nay và cả tương lai, TT vẫn sẽ là hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả nhất trong nền nông nghiệp nước ta. Nó góp phần khai thác tốt tài nguyên đất, diện tích mặt nước; giải quyết sức lao động; mang lại hiệu quả sản xuất cao, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có giá trị, đóng góp quan trọng vào cơ cấu hàng xuất khẩu của cả nước.

     Hòa chung với sự chuyển mình của nông nghiệp cả nước, TT cũng đang trong quá trình cơ cấu lại về loại hình và quy mô sản xuất. Ruộng đất đang được tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn. Ứng dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa sản xuất có bước tiến mới. Nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn đang hình thành.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển TT còn tồn tại khá nhiều khó khăn, bất cập. Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn còn khá phổ biến. Trình độ chuyên môn, tay nghề của lao động đang dần cải thiện nhưng cũng chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện nay. Việc tiêu thụ nông sản của các chủ trại còn bị động.

     Theo kết quả điều tra, hiện vẫn còn gần 17% số TT thiếu đất sản xuất, hơn 50% TT thiếu kiến thức khoa học kĩ thuật, hơn 60% TT thiếu vốn, 30% TT thiếu thông tin về thị trường, 15% TT thiếu giống, hơn 30% TT thiếu dịch vụ sản xuất, hơn 20% TT thiếu lao động, 22,4% TT khó tiêu thụ sản phẩm (Tổng cục Thống kê (2016).

     2.3.2. Giải pháp phát triển TT

     Trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với bài toán cạnh tranh gay gắt, nông dân còn nghèo thì việc phối hợp với Nhà nước thành lập các hợp tác xã (HTX) kiểu mới theo Luật HTX (2012) là rất phù hợp, cần phải thúc đẩy phát triển hơn nữa. HTX ở đây không phải chỉ dựa trên cơ sở tập hợp các nông hộ như trước đây mà cao hơn, cần phải có các HTX của các TT. HTX đóng vai trò là đầu mối kết nối các TT/nông hộ – doanh nghiệp nông nghiệp, đầu mối tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản và cung cấp sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, VietGAHP.

     Sửa đổi tiêu chí xác định TT theo hướng có tính đặc thù; xây dựng chính sách theo hướng các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển TT, nếu có phương án đầu tư khả thi, phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước xem xét giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tối thiểu 10 năm trở lên (thay vì tối thiểu 5 năm như hiện nay) để ổn định đầu tư cũng như có chính sách hỗ trợ tín dụng với TT có dự án đầu tư khả thi vay tối đa 70% vốn đầu tư…

     Đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận TT, trong đó, giấy chứng nhận TT có giá trị bảo đảm để vay vốn và được hưởng các ưu tiên từ chính sách Nhà nước; tạo điều kiện cho các chủ TT được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng với thủ tục vay đơn giản, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong TT.

     Tích cực huy động các nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp, chủ TT để đầu tư phát triển hạ tầng kĩ thuật thiết yếu ở vùng quy hoạch.

     Về khoa học kĩ thuật, cần chú trọng hướng dẫn các chủ TT thực hiện quản lí chất lượng nông sản theo chuỗi đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế như: VietGAP, HACCP, GMP, SSOP…

     Xem xét bỏ quy định về hạn điền; hỗ trợ kinh phí thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mở rộng sản xuất trong 10 năm với mức tối đa 5 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất; hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đăng kí xây dựng thương hiệu hàng hóa không phải chỉ bằng việc hỗ trợ tiền (hiện nay, mức tối đa là 100 triệu đồng/TT) cùng với những hỗ trợ cho TT trong phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại.

3. Kết luận

     Ở nước ta, TT phát triển khá nhanh nhưng hiệu quả chưa cao và kém ổn định. Vì vậy, vấn đề phát triển TT cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu sắc cả về lí luận và thực tiễn để rút ra những kinh nghiệm phù hợp vận dụng cho Việt Nam.

     Bài viết dựa vào các tài liệu đã được nghiên cứu, các văn bản quy phạm pháp luật cũng như đặc thù của quá trình phát triển TT để phân tích các vấn đề lí luận và đưa ra đánh giá chung về thực tiễn phát triển TT ở Việt Nam với mong muốn góp phần mang lại cái nhìn đầy đủ về TT, điều kiện phát triển cũng như trình độ phát triển của nó; từ đó, góp phần định hướng phát triển mô hình kinh tế này một cách hiệu quả và bền vững trong bối cảnh kinh tế nước ta hiện nay và tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Trần Đức. (1995). Trang trại gia đình ở Việt Nam và trên thế giới. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.

     Nguyễn Đình Hương. (2000). Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại trong thời kì công nghiệp hóa hiện đại hóa ở Việt Nam. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

     Quốc hội. (2012). Luật Hợp tác xã. Truy cập http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page
=1&mode=detail&document_id=164954

     Michael Lipton. (2005). The family farm in a globalizing world, International Food Policy Research Institute, 2033 K Street. NW Washington, DC 20006-1002 USA.

     Nguyễn Đức Thịnh (chủ biên). (2000). Kinh tế trang trại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.

     Đào Công Tiến. (2007). Một số kết quả nghiên cứu về trang trại gia đình ở Nam Bộ. (Bài phát biểu tại cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với các chủ trang trại Nam Bộ).

     Tổng cục Thống kê. (2012). Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011. NXB Thống kê; Báo cáo trang trại thường niên của các tỉnh (2014).

     Tổng cục Thống kê. (2016). Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản.

     Lê Trọng. (2000). Phát triển và quản lí trang trại trong kinh tế thị trường. Hà Nội: NXB Nông nghiệp.

    Hoàng Việt. (2000). Quản lí sản xuất kinh doanh trong trang trại. Hà Nội: NXB Nông nghiệp.

Nguồn: Tạp chí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
Tập 15, Số 5 (2018): 24-35, ISSN: 1859-3100

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)