Phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay

Tác giả: Tiến sĩ ĐỖ THỊ QUYÊN
(Trưởng khoa Xuất bản – Phát hành – Trường ĐHVH HN)

TÓM TẮT

Phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Phát triển văn hóa đọc là phát triển thế giới quan, nhân sinh quan và năng lực sáng tạo của con người, thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi cá nhân, sự phồn vinh của xã hội, gia tăng các nguồn lực cho mỗi quốc gia. Phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay vẫn là hiện thực còn khá nhiều bất cập, tìm kiếm các giải pháp đồng bộ cho vấn đề này là việc làm cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.

Từ khóa: Văn hóa đọc, giải pháp phát triển văn hóa đọc.

ABSTRACT

Developing reading culture is one of the most urgent in Vietnam nowadays. Developing reading culture is the development of the outlook of the world, the outlook of human life and creativeness
of the human, the advancement of individual progress, the prosperity of the society, the increase of resources for each nation. The development of reading culture in Vietnam today still have inadequacies so finding out synchro solutions to this matter is necessary and has practical meaning.

Keywords: Reading culture, solutions to develop reading culture.

x
x x

1. Quan niệm về phát triển văn hóa đọc

     Văn hóa đọc vốn là một thuật ngữ bao hàm việc đọc sách gắn với những chuẩn mực văn hóa. Văn hóa đọc gắn liền với việc học tập, giải trí có mục đích lành mạnh và tích cực. Hành vi đọc sách trước hết vì mục đích phát triển cá nhân song khi trở thành phổ biến thì còn vì sự phát triển của toàn xã hội.

     Văn hóa đọc không phải là một khái niệm trừu tượng. Nó chứa đựng nội hàm có ý nghĩa định tính và định lượng. Về định lượng, đó là hành vi đọc, thái độ đọc, mục đích đọc, hình thức đọc, không gian (môi trường) đọc và kỹ năng đọc. Các thành tố trong cấu trúc này thể hiện rõ nét mặt cơ học của văn hóa đọc.

     Về định tính, đó là giá trị xã hội và ý nghĩa lịch sử của văn hóa đọc. Giá trị xã hội của văn hóa đọc là sự hình thành văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, là sự tác động, ảnh hưởng tích cực của việc đọc đến nhiều người, làm lan tỏa trong cộng đồng một thói quen đọc sách, từ đó tạo nên một thái độ sống tích cực, một lối sống nhân văn, hiện đại cho cả cộng đồng (một thế hệ hoặc nhiều thế hệ).

     Giá trị xã hội của văn hóa đọc còn là tất cả những gì được tích lũy lại, được tinh lọc, kế thừa, làm nền tảng tri thức cho mỗi cá nhân, mỗi quốc gia trong các giai đoạn phát triển.

     Về ý nghĩa lịch sử, văn hóa đọc đánh dấu các mốc phát triển xã hội thông qua những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ. Văn hóa đọc mang dấu ấn lịch sử đậm nét qua các thời kỳ. Nhờ có tri thức tích lũy được thông qua việc đọc, các nền tảng kinh tế, xã hội ở mỗi thời kỳ lịch sử được hình thành. Sức mạnh của tri thức gia tăng theo thời gian, lan tỏa trong không gian, giúp nhân loại ngày càng đạt tới những đỉnh cao sáng tạo, vươn tầm thời đại, nắm bắt tương lai để tồn tại, thích nghi với thế giới thiên nhiên vô cùng vĩ đại, với môi trường xã hội ngày càng trở nên vô cùng phức tạp và khắc nghiệt.

     Phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ lâu dài và cấp bách hiện nay đối với mỗi cộng đồng dân tộc và mỗi quốc gia. Tri thức của cá nhân hay cộng đồng được hình thành thông qua sự lựa chọn trong quá trình tiếp nhận, điều đó cũng có nghĩa là tích lũy tri thức luôn gắn với trải nghiệm thực tiễn của con người. Nói cách khác, thông qua việc đọc với các kỹ năng và phương pháp đặc thù, mỗi cá nhân hình thành cho mình một nền tảng tri thức nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề nảy sinh trong đời sống.

     Phát triển văn hóa đọc là hướng việc đọc sách trở thành một thói quen không thể thiếu, một nét đẹp văn hóa trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, cộng đồng; là làm cho việc đọc sách trở thành một nhu cầu thiết yếu, trở thành nền nếp của gia phong, dòng tộc và ở phạm vi lớn hơn là trở thành chuẩn mực văn hóa quốc gia.

     Việc tạo dựng một môi trường hấp dẫn, trong đó không gian đọc, tài liệu đọc, phương tiện hỗ trợ đọc được chú trọng sẽ tạo động lực kích thích sự ham muốn đọc và khám phá thế giới tri thức của mỗi cá nhân, nhóm người, cộng đồng xã hội, đó chính là phát triển văn hóa đọc.

     Phát triển văn hóa đọc là chuyển hành vi đọc cá nhân thành hành vi đọc của cộng đồng. Một sự lan tỏa văn hóa có ý nghĩa thiết thực khi hành vi đọc của một cá nhân trở thành điểm sáng, dấu ấn đẹp để nhiều người học tập và cùng hành động. Một xã hội phát triển là một xã hội mà động cơ của cá nhân phù hợp với cộng đồng, trở thành động lực và mục tiêu phát triển của toàn xã hội. Nói cách khác, việc đọc sách của cá nhân khi song hành với việc xây dựng xã hội học tập thì văn hóa đọc của quốc gia sẽ phát triển.

     Phát triển văn hóa đọc là việc tạo nên sự lan tỏa, thẩm thấu văn hóa giữa các cá nhân trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Mỗi cá nhân, trong quá trình đọc sách, đã tạo nên một tiềm năng văn hóa. Tiềm năng văn hóa ấy mãi mãi sẽ chỉ là tiềm năng nếu cá nhân này không tiếp xúc, giao lưu với cá nhân khác. Sự tiếp xúc, giao lưu đã làm cho văn hóa thẩm thấu, lan tỏa trong bản thân mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Điều đó làm cho con người tồn tại và phát triển được là nhờ văn hóa. Vì thế, việc đọc sách của mỗi cá nhân hay cộng đồng không chỉ là thỏa mãn nhu cầu mà còn là mục đích sống, nó tồn tại như một nhu cầu sống tất yếu của con người.

     Phát triển nền văn hoá đọc còn là sự tạo dựng những giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh cho toàn xã hội. Những giá trị và chuẩn mực đó nằm trong các thành tố của văn hóa đọc như: mục đích đọc, nội dung đọc, thị hiếu đọc, trình độ đọc, tính tích cực đọc, phương pháp đọc, kỹ năng đọc, thói quen đọc, thái độ đọc (1). Với quan niệm như trên, phát triển văn hoá đọc không chỉ là ý thức, trách nhiệm, quyết tâm của mỗi cá nhân mà còn là của toàn xã hội.

     Phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của một đất nước.

2. Văn hóa đọc hiện nay ở Việt Nam

     Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Ai sinh ra cũng mong muốn được phát triển đầy đủ và hoàn thiện về tâm hồn, thể chất và trí tuệ; mong muốn một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và bình an. Mỗi thành viên trong xã hội đều tự ý thức được trách nhiệm của mình, trước hết là trách nhiệm với bản thân, với gia đình và sau là trách nhiệm với xã hội. Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống, ở nhiều lúc, nhiều nơi, trong từng hoàn cảnh cụ thể, không cho phép, nó buộc người ta phải có sự lựa chọn một trong những nhu cầu để đáp ứng chứ không thể thỏa mãn nhiều hoặc tất cả các nhu cầu cùng một lúc. Nhu cầu đọc sách cũng chỉ là một trong nhiều nhu cầu văn hóa tinh thần. Nhu cầu này gắn liền với sự phát triển trí tuệ, sáng tạo, nâng cao trình độ của con người. Vì thế, nó là nhu cầu bậc cao, xuất hiện và được thỏa mãn sau các nhu cầu vật chất thông thường; nó không phải là nhu cầu cấp thiết, cấp bách như các nhu cầu sinh tồn, duy trì nòi giống… Chỉ khi con người đã được thỏa mãn những nhu cầu vật chất mới có khả năng để thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần, trong đó có văn hóa đọc.

     Xét trên tổng thể mối tương quan như trên, có thể nói: phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ không hề đơn giản ở Việt Nam hiện nay. Văn hóa đọc gắn liền với trình độ dân trí và đặc biệt là điều kiện kinh tế xã hội. Những nhân tố này tác động trực tiếp đến nhu cầu và việc thỏa mãn nhu cầu đọc sách của công chúng. Nhu cầu văn hóa tinh thần đối với đa số người dân Việt Nam hiện nay, thường đứng sau nhu cầu vật chất và không phải là loại hạng mục được ưu tiên thỏa mãn hàng đầu. Nước ta có nhiều vùng, điều kiện kinh tế thấp, người dân gặp nhiều khó khăn trong đời sống vật chất, nhu cầu ăn, mặc, ở trở nên bức thiết hơn nhu cầu văn hóa tinh thần. Điều đó làm cho văn hóa đọc luôn luôn bị coi là thứ yếu.

     Ở các thành phố, xã hội ngày càng phát triển, con người có nhiều cơ hội thỏa mãn nhu cầu cá nhân về việc làm, học tập, vui chơi, giải trí. Cuộc sống hiện đại cho con người quá nhiều cơ hội và sự lựa chọn song với một đất nước mới phát triển, con người vừa thoát khỏi vũng lầy của sự vật lộn vì cơm áo, họ có xu hướng tận hưởng những thành quả vật chất mà mình gây dựng nên và được xã hội đem lại. Họ nghĩ đến xe hơi, nhà lầu, những chuyến du lịch, những bữa liên hoan nhiều hơn là nghĩ đến việc ngồi bó mình với cuốn sách. Nghịch lý này đang diễn ra, đó là mâu thuẫn giữa mục tiêu, mong muốn với hành động và thực tiễn cuộc sống của người dân ở các đô thị.

     Sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe – nhìn đã và đang tác động mạnh, sâu sắc, hình thành thói quen tiêu dùng, nhu cầu thụ hưởng văn hóa mới của công chúng. “Hệ thống truyền thông đại chúng đang tạo ra một mạng lưới dày đặc các sản phẩm truyền thông hấp dẫn. Cả nước có hơn 180 kênh phát thanh, truyền hình quảng bá. Diện tích phủ sóng phát thanh, truyền hình đạt 98% diện tích lãnh thổ. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 94% diện tích, trong khi internet cũng đã có mặt ở hầu khắp các xã, phường” (2, tr.180)… Trên các kênh truyền hình, Internet, phim nước ngoài cũng tràn ngập; các chương trình ca nhạc và thời trang, các gameshow vô cùng phong phú, đa dạng. Văn hóa đọc đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe – nhìn. Hơn nữa, xuất bản phẩm hiện nay đang chịu nhiều tác động của cơ chế thị trường, khiến cho cơ cấu, chất lượng không đồng đều, hiện tượng “vừa thừa, vừa thiếu sách” trên thị trường vẫn đang diễn ra, gây ảnh hưởng nhiều cho xã hội và cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hậu quả giảm sút văn hóa đọc trong nước.

     Thị trường sách hiện nay đang có nhiều biến động. Không ít đơn vị kinh doanh, vì theo đuổi mục tiêu kinh tế, đã cho ra đời những ấn phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường (thiếu sự kiểm định về nội dung); một số ấn phẩm là sự sao chép, trá hình (chênh nhau giữa tên sách/ nội dung với đăng ký kế hoạch xuất bản), có nội dung phản cảm, vi phạm bản quyền tác giả; tình trạng in lậu (nối bản) vẫn còn khá phổ biến. Số lượng xuất bản phẩm trên thị trường quá lớn, mất cân đối về cơ cấu mặt hàng, thiếu tính định hướng, làm cho người tiêu dùng, thụ hưởng sách trong xã hội, đặc biệt là giới trẻ (học sinh phổ thông) quá lúng túng khi lựa chọn để thỏa mãn nhu cầu văn hóa đọc.

     Hệ thống thư viện, tủ sách ở các địa phương chưa thật sự tạo một môi trường tốt, đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng và luôn có sự thay đổi của cộng đồng. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đọc còn quá thiếu thốn, vốn tài liệu quá nghèo nàn…

3. Giải pháp đồng bộ cho việc phát triển văn hóa đọc

     Hiện thực trên cho thấy, phát triển văn hóa đọc không chỉ là nhiệm vụ của cá nhân, gia đình mà là của toàn xã hội. Việc tìm kiếm giải pháp phát triển văn hóa đọc cần được nhìn nhận một cách đồng bộ, tổng thể trong mối quan hệ với sự phát triển chung của đất nước. Theo chúng tôi, các giải pháp phát triển văn hóa đọc do Chính phủ đưa ra trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành ngày 15/03/2017) đã bao quát khá đầy đủ và toàn diện vấn đề. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi thấy cần tập trung nhấn mạnh vào các giải pháp sau:

     Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, các đoàn thể xã hội, gia đình, nhà trường về tầm quan trọng của văn hóa đọc và việc phát triển văn hóa đọc của quốc gia. Tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh những tổ chức, cá nhân có vai trò tích cực, đóng góp nhiều cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.

     Thứ hai, định hướng phát triển văn hóa đọc phải gắn liền với việc hình thành chính sách, cơ chế hỗ trợ. Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho những hoạt động vì sự phát triển của cộng đồng nói chung, phát triển văn hóa đọc nói riêng. Nhà nước cũng có thể thành lập quỹ quốc gia bằng nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho các hoạt động này, trong đó quy định cơ chế phối hợp và sự đóng góp tài chính của các cấp, ngành, địa phương, cá nhân liên quan khi trực tiếp tổ chức hoặc tham gia các sự kiện văn hóa.

     Xây dựng một môi trường và hạ tầng tốt để kiến tạo không gian và thói quen đọc sách cho mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là học sinh, sinh viên và thanh niên là cách hỗ trợ tốt nhất nhằm phát triển văn hóa đọc. Muốn làm được như vậy, cần huy động sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức liên quan như nhà trường, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nhà sách trong việc xây dựng, duy trì thói quen đọc; chú trọng vai trò của gia đình trong việc chăm sóc và định hướng giáo dục, phát triển văn hóa đọc cho con trẻ từ tuổi ấu thơ; phát huy vai trò của các đoàn thể xã hội trong việc hướng dẫn kỹ năng và phương pháp đọc phù hợp với từng nhóm đối tượng, định hướng nhu cầu đọc lành mạnh cho toàn xã hội v.v…

     Thứ ba, các hoạt động tổ chức Hội chợ triển lãm sách, Phố sách cần được đánh giá như những hoạt động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy cảm hứng và cội nguồn sáng tạo của con người. Các hoạt động này cần được nhìn nhận là nhân tố nền tảng nhằm phát triển môi trường và nội lực của văn hóa đọc.

     Hội chợ triển lãm sách trong nước và quốc tế những năm gần đây được tổ chức thường xuyên ở nhiều nơi như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản lớn trong khu vực, trên thế giới và hầu hết các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành của địa phương. Hội chợ được tổ chức không chỉ nhằm mục đích giới thiệu những thành tựu của ngành Xuất bản, In, Phát hành, tôn vinh người làm sách mà còn nhằm quảng bá tri thức tới bạn đọc; mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; làm xích gần khoảng cách giữa người làm sách với bạn đọc/người thụ hưởng sách, giữa bạn đọc có nhu cầu mong muốn về sách với người có khả năng tạo ra/dẫn dắt và thỏa mãn nhu cầu sách của xã hội. Ngoài ra, Hội chợ triển lãm sách còn nhằm tôn vinh người thụ hưởng sách – những người có thể thay đổi thế giới từ tri thức được kết tinh trong sách và vận dụng khéo léo, thành công trong hoạt động thực tiễn…

     Khác với các Hội chợ kinh tế, thương mại thông thường, Hội chợ triển lãm sách là môi trường, không gian, động lực kiến tạo và là cú hích mạnh cho sự phát triển của văn hóa đọc ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, Hội chợ triển lãm sách là thị trường xuất bản phẩm thu nhỏ, hội tụ, trưng bày những tinh hoa tri thức của dân tộc, nhân loại qua các ấn phẩm đa dạng, tinh tế, được thiết kế từ nhiều chất liệu, loại hình tiện ích và hấp dẫn. Trong Hội chợ triển lãm sách có sự tham gia đông đảo của đại đa số các nhóm công chúng thụ hưởng sách, tạo nên sự sôi động của thị trường. Hội chợ sách mang ý nghĩa nhân văn và giá trị văn hóa, xã hội nhiều hơn là ý nghĩa, giá trị kinh tế. Do vậy, việc tổ chức các Hội chợ triển lãm sách không thể thực hiện như đối với các Hội chợ kinh tế thương mại thông thường, cần làm cho Hội chợ triển lãm sách thực sự là ngày hội của những người yêu sách, ngày hội giao lưu tri thức (tinh hoa của dân tộc và nhân loại).

     Công tác truyền thông cần được xác định là công tác mở đầu quan trọng cho Hội chợ triển lãm sách. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Xuất bản, In, Phát hành mà còn là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông. Cần coi truyền thông về sách như một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa của quốc gia, mang thông điệp tri thức và cuộc sống; lan tỏa tri thức là phát triển con người, xã hội. Công tác truyền thông cho sự kiện Hội chợ triển lãm sách cần được thực hiện ngay cả khi Hội chợ đã kết thúc nhằm tăng cường sự lan tỏa những tác động tích cực của Hội chợ trong đời sống xã hội, giúp các nhà xuất bản, đơn vị phát hành định hướng chiến lược, thực hiện các quyết định kinh doanh hiệu quả; người thụ hưởng sách có những thông tin hữu ích trong việc lựa chọn sách để đáp ứng nhu cầu đọc sách.

     Việc bố trí, thiết kế các gian hàng trưng bày xuất bản phẩm trong Hội chợ triển lãm sách cần đảm bảo tính thống nhất về không gian, bố cục tổng thể nhưng vẫn thể hiện được sắc thái riêng của từng thương hiệu nhà xuất bản, đơn vị in, phát hành thông qua các mặt hàng và dịch vụ.

     Sự xuất hiện của Phố Sách Hà Nội tại phố 19/12 (quận Hoàn Kiếm) ngày 1/5/2017 và Đường Sách TP.HCM tại đường Nguyễn Văn Bình (Quận 1) ngày 9/1/2016 như một điểm sáng văn hóa, một sự đột phá, khẳng định quan điểm quản lý đúng đắn của nhà nước về phát triển tri thức và văn hóa đọc quốc gia.

     Thứ tư, đối với các đơn vị trong hoạt động xuất bản

     Các nhà xuất bản, cơ sở in, đơn vị phát hành đóng vai trò chủ thể, tạo nên diện mạo, tầm vóc mới của ngành kinh tế – công nghệ xuất bản Việt Nam, đồng thời là nhân tố cốt lõi, trung tâm trong việc phát triển văn hóa đọc quốc gia.

     Để triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc của Chính phủ, hướng tới một nền văn hóa đọc lành mạnh trong toàn dân, các lực lượng xuất bản, in, phát hành cần thực hiện tốt chức năng tư tưởng chính trị và chức năng kinh doanh, cụ thể là:

– Tập trung sức lực và trí tuệ vào việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức xuất bản phẩm, bảo đảm cơ cấu hợp lý, đa dạng các mặt hàng xuất bản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu đọc ngày càng cao của người dân; tập trung phổ cập kiến thức, hướng dẫn thực hành kỹ năng hoạt động thực tiễn; chú trọng hỗ trợ, đầu tư nhằm khuyến khích sáng tác, xuất bản sách phục vụ trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số…

– Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sản xuất và phổ biến các xuất bản phẩm trong xã hội; tinh chọn đề tài xuất bản, nguồn bản thảo, loại sách, chất liệu, hình thức phù hợp với nhu cầu của công chúng; tăng lượng bản phát hành, định giá hàng hóa phù hợp với khả năng của số đông công chúng, tạo sức mua trên thị trường, kích cầu tiêu dùng của xã hội.

– Tích cực tham gia Hội chợ triển lãm sách trong và ngoài nước – một sân chơi lành mạnh, một hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa nhằm nâng cao năng lực của đơn vị trên thị trường xuất bản phẩm, tiếp cận, cọ sát với khách hàng bạn đọc ở diện rộng…

     Thứ năm, đối với công chúng độc giả

     Công chúng độc giả là những “thượng đế” của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trên thị trường. Ở góc độ vĩ mô, công chúng độc giả là đối tượng thụ hưởng toàn bộ chính sách hiện hành của quốc gia về tiêu dùng văn hóa. Trong khuôn khổ của bài viết, công chúng độc giả được nhìn nhận như là những tế bào hạt nhân của một nền văn hóa đọc mà mọi chính sách của nhà nước, mọi tổ chức xã hội đang hướng tới. Việc xây dựng nền văn hóa đọc quốc gia lành mạnh đòi hỏi công chúng một thái độ tiêu dùng đúng đắn, một trách nhiệm cao hỗ trợ các nhà xuất bản, đơn vị phát hành chân chính thông qua việc nói không với sách lậu, sách không có nguồn gốc rõ ràng, sách có nội dung đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

*
* *

     Tóm lại, văn hóa đọc không chỉ liên quan đến việc đọc mà còn là văn hóa ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong việc tích lũy tri thức và phát triển năng lực sáng tạo. Phát triển văn hóa đọc là phát triển thế giới quan, nội lực sáng tạo và phát triển văn hóa con người. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đọc quốc gia đòi hỏi nỗ lực của toàn xã hội. Vì thế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến vai trò trách nhiệm tham gia của các chủ thể quản lý, xuất bản và công chúng, trong đó giải pháp về nâng cao nhận thức và vai trò của nhà nước là then chốt, quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định trực tiếp. Một hệ thống pháp luật nghiêm minh, một chính sách hợp lý của nhà nước sẽ là cơ sở, động lực để các tổ chức chính trị xã hội – hành chính, các đơn vị xuất bản, in, phát hành, hệ thống thư viện và thiết chế văn hóa khác cũng như người dân (công chúng độc giả) thực thi, phát huy năng lực, thế mạnh và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa đọc quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thế Dũng (2017), Góp phần nhận diện văn hóa đọc, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 20, tr.101-105.

2. Đặng Thị Thu Hương (chủ biên, 2016), Văn hóa truyền thông đại chúng ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, Số 21 – Tháng – 9 – 2017

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay (Tác giả: TS. Đỗ Thị Quyên)