PHÊ BÌNH SINH THÁI và TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC HUYỀN ẢO MĨ LATIN

Ecocritism and Latin American Magical Realism Novel

NGUYỄN THÀNH TRUNG
(Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Bài viết trình bày cái nhìn sơ giản về phê bình sinh thái văn học qua những tính chất, đặc điểm cơ bản gắn với tiến trình phát triển nghệ thuật. Hệ đặc điểm ấy được làm sáng rõ trong tiểu thuyết Hiện thực Huyền ảo Mĩ Latin từ phương diện địa lí, chính trị, lịch sử, xã hội nói chung và hình tượng, tư duy, thủ pháp nghệ thuật nói riêng. Đây là nền tảng để nhìn lại một số vấn đề của phê bình sinh thái như mối quan hệ trung tâm con người – sinh thái, nguy cơ văn học sinh thái minh họa chính trị, tác động toàn cầu hóa lên phê bình sinh thái văn học… nhằm đề xuất cách tiếp cận, vận dụng phù hợp.

Từ khóa: phê bình sinh thái, đặc điểm, quá trình, tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mĩ Latin.

ABSTRACT

     This article presents a simplified view of ecocritism in literature through its most basic characteristics and traits in the development progress of thinking and art. These features are illuminated in Latin American magical realism novels from the geographic, historical, politics, social perspective in general and image, thinking, art formulation in particular. This is the basis for revisiting some aspects of ecocritism such as the human-ecological relationship, the ecological literature risk, political exposition and globalization effect on literary ecocritism in order to propose appropriate approach and application.

Keywords: ecocritism, characteristic, progress, Latin American Magical Realism novels.

x
x x

1. Nhìn lại phê bình sinh thái

     Năm 1987, William Rueckert với bài viết Văn học và sinh thái: Một khảo nghiệm về phê bình sinh thái trong Iowa Review đã giới thiệu thuật ngữ phê bình sinh thái (ecocriticism) với ý nghĩa kết hợp văn học và sinh thái học. Một năm sau, Cheryll Glotfelty trong báo cáo Hướng đến nền phê bình sinh thái văn học đã xác định: Phê bình sinh thái là trào lưu nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật lí… lấy Trái Đất làm trung tâm để nghiên cứu văn học (Glotfelty, Cheryll and Harold Fromm, 1996, p.12). Kể từ đó, những công trình quan trọng về phê bình sinh thái liên tục ra đời như Giảng dạy văn học sinh thái: nguyên liệu, phương pháp, tài nguyên – Frederick O. Waage, 1985; Đi tìm ý thức viết về tự nhiên của Mĩ – Scott Slovic, 1992; Phê bình sinh thái văn học – Kroeber, 1994; Tưởng tượng môi trường: Thoreau, văn viết về tự nhiên và sự cấu thành văn hóa Mĩ – Buell, 1995; Tuyển tập phê bình sinh thái – Cheryll Glotfelty, Harold Fromm, 1996; Phê bình sinh thái và văn học – R. Kerridge, N. Sammells, 1998… tựu trung có thể xác định sự ra đời một khuynh hướng nghiên cứu mới tập trung vào những sáng tác đề cao môi trường với giá trị tự thân, không đơn thuần hỗ trợ cho cấu trúc hành động con người và thế giới.

     Thái độ trân trọng môi trường tự nhiên không xa lạ, đã xuất hiện từ buổi đầu con người có ý thức phân biệt bản thân – ngoại giới để nhận ra sức mạnh kì vĩ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, hình thành các thế lực siêu nhiên, thần thoại với bản chất là ẩn dụ sinh thái. Sinh thái: “Ecology” có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, “oikos” nghĩa là ngôi nhà, nơi cư ngụ, chốn sinh sống, “logia” – môn học về, nghiên cứu về; sinh thái học là khoa học nghiên cứu về ngôi nhà tự nhiên, môi trường bao quanh quyết định sự tồn tại của con người. Mối quan hệ giữa con người và môi trường tuy mỗi nơi mỗi lúc có dị biệt nhưng vẫn nằm chung trong nguồn mạch tư tưởng chủ lưu và thống nhất. Ở phương Đông, Lão Tử đề xuất vô vi, không làm gì trái tự nhiên; thuận theo Đạo mà trị gia trị quốc theo luật quân bình và phản phục. Các đạo sư Ấn thì khái quát thành Brahman (Đại ngã) và Atman (Tiểu ngã) để hướng dẫn tâm linh con người đạt giải thoát. Ở phương Tây, hình ảnh ruộng lúa, đồng nho trên khiên Achiles, mười hai kì công của Hercules như dọn dẹp chuồng bò, chỉnh dòng chảy sông… đã đưa sinh thái lên hàng những hình ảnh đẹp bậc nhất thần thoại và sử thi Hi Lạp. Giai đoạn này, chinh phục tự nhiên là điểm nổi bật của hoàn cảnh kinh tế thương nghiệp hàng hải châu Âu cổ đại, người anh hùng phải thể hiện sức mạnh ưu trội trên thiên nhiên được thần hóa. Trái lại, hài hòa, thuận tòng tự nhiên là cách thức người phương Đông duy trì nền văn minh nông nghiệp với tư duy sùng bái và mong hòa giải cùng ngoại giới.

     Trong quá trình phát triển của ý thức sinh thái văn học, thi ca điền viên (pastoral) dường như là trường phái có tinh thần gần gũi nhất khi tô đậm chất lãng mạn, mơ mộng về quá khứ cùng hình ảnh mục đồng hạnh phúc giữa tự nhiên, cách xa thành thị. Pastoral xuất phát từ gốc tiếng Latin là pastor, chàng chăn cừu, nghĩa gốc là mục đồng, người chăn nuôi gia súc (Glen A. Love, 2003, p.80)… Từ mảng văn học này mà khuynh hướng sinh thái có được những biểu tượng và motif đặc sắc như khu vườn, cái chết… Thiên nhiên cũng trở thành đối tượng để giải bày tình cảm, bởi người phương Đông tin vào mối quan hệ thiên – nhân tương dữ, thơ Đường thượng tôn hình ảnh thiên nhiên, thơ Haiku yêu cầu kigo. Trải đêm trường Trung cổ, Phục hưng, Khai sáng, ý thức sinh thái văn học chỉ có thể tìm được vị trí trong Chủ nghĩa Lãng mạn của William Wordworth, Victor Hugo, Wasington Irving… nhưng lại sớm phải đóng vai trò phục vụ tâm lí con người trong Chủ nghĩa Hiện thực rồi chịu Chủ nghĩa Hiện đại chỉ trích phi lí, vô nghĩa… Có thể tạm hình dung diễn trình khuynh hướng sinh thái theo bảng sau:

Diễn trình khuynh hướng sinh thái

Giai đoạn Khuynh hướng sinh thái
Nguyên thủy cổ đại
Tôn giáo (Thiên Chúa giáo)
Phục hưng
Cổ điển
Chủ nghĩa Lãng mạn
Chủ nghĩa Hiện thực
Chủ nghĩa Hiện đại
Chủ nghĩa Hậu Hiện đại
Thần hóa
Vật hóa
Nhân văn hóa
Quy chuẩn hóa
Chủ thể hóa
Thuộc tính hóa
Khách thể hóa
Trung tâm hóa

     Sinh thái được quan tâm dưới nhiều cách thức, góc độ khác nhau gắn liền với quá trình phát triển của tư duy văn hóa, văn học. Giai đoạn nguyên thủy, đa thần, môi trường xung quanh được thần hóa theo bóng dáng con người. Thiên Chúa giáo ra đời, đưa ý chí Thượng đế lên trên vạn vật, sinh thái chỉ còn là sự sắp xếp để phục vụ con người. Chống lại Nhà thờ, thời đại Phục Hưng trả lại sức sống cho môi sinh, nhìn thấy cái đẹp ở những gì trước nay bị chống đối nhưng một lần nữa cái bóng chủ nghĩa Nhân văn quá lớn. Chủ nghĩa Cổ điển mang lại cơ hội cho sinh thái được tôn trọng: tái hiện đời sống chính xác trên sân khấu Pháp, nhưng thực chất tam duy nhất chỉ là sự cực đoan quy chuẩn con người áp lên tự nhiên. Lãng mạn mở ra cánh cửa cho cá nhân tìm niềm vui trong trời đất, sinh thái được cất lên tiếng nói dù vẫn mang đậm ý hướng con người. Chủ nghĩa Hiện thực thuộc tính hóa môi sinh; tự nhiên chỉ còn là những hoàn cảnh điển hình cho các tính cách điển hình. Chủ nghĩa Hiện đại thổi phồng sinh thái, có khi thành một sức mạnh vô hình bóp nát cuộc đời, cái phi lí của tự nhiên mang tính đe dọa đối với con người nhỏ bé; tất nhiên hiện trạng này đậm màu tâm lí. Cuối cùng, tất cả tan vỡ, ngẫu nhiên, không còn ý nghĩa trong Hậu hiện đại, sinh thái cũng chịu chung số phận. Có vẻ như dù bao nhiêu thăng trầm thì sinh thái vẫn chịu quy định của nhân loại, tư duy nghệ thuật chỉ nghiêng về phía sinh thái khi chịu cú thúc mạnh từ hiện thực đời sống: hủy diệt hạt nhân, bùng nổ dân số, tổn hại môi trường tự nhiên và hoang dã, dồn bức tuyệt chủng giống loài, gia tăng ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí… (Glen A. Love, 2006, p.1-2). Các tổ chức văn hóa xã hội liên ngành (như ASLE – Hội nghiên cứu Văn học và Môi trường – với cơ quan ngôn luận của mình ISLE – Nghiên cứu tích hợp Văn học và Môi trường), những cải biến chính trị, phản ứng sinh học tự nhiên… liên tục cộng dồn sức nặng và đẩy sinh thái lên diễn đàn. Trong hoàn cảnh Hậu hiện đại, bị ảnh hưởng tâm thế hồ hởi, hoang mang, sinh thái được xác định là thể tự nhiên mang giá trị độc lập khỏi quy chuẩn con người, là đối tượng tấn phong sau khi hạ bệ nhân loại trung tâm luận.

     Theo đó, phê bình sinh thái được hiểu như một kiểu sinh thái học chiều sâu gồm 8 điểm được Jelica Tošić tóm tắt như sau: Thứ nhất, sự phồn thịnh và phát triển của giới tự nhiên trên trái đất có giá trị tự thân, tính hữu dụng của giới tự nhiên độc lập khỏi mục đích của con người. Thứ hai, sự đa dạng phong phú của các dạng thức đời sống góp phần vào nhận thức các giá trị cũng như hình thành giá trị tự thân. Thứ ba, con người không có quyền hạn chế sự phong phú đa dạng này trừ phi cần thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu. Thứ tư, sự hưng vượng của đời sống con người và các nền văn hóa tương ứng với một sự suy giảm đáng kể dân số. Sự phát triển của đời sống phi nhân cũng đòi hỏi một sự giảm trừ như vậy. Thứ năm, tác động hiện nay của con người trên giới tự nhiên đã vượt ngưỡng và tình hình ngày càng tồi tệ. Thứ sáu, vì thế các chính sách phải thay đổi để biến chuyển cấu trúc ý thức hệ, kĩ thuật và kinh tế một cách rõ rệt so với hiện tại. Thứ bảy, thay đổi ý thức hệ trọng tâm nằm ở nhận thức chất lượng cuộc sống hơn là bám vào nâng cao tiêu chuẩn sống. Thứ tám, những ai đồng ý với các điều trên có một trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp phải thúc đẩy những thay đổi này. (Jelica Tošić, 2006, p.46).

     Thực tế là các nhà lập thuyết và thực hành phê bình sinh thái đã cụ thể hóa tư thế …(từ quan điểm phê bình, nó) đứng một chân trong văn học và một chân trên mặt đất, từ góc độ diễn ngôn lí thuyết, nó dàn xếp giữa nhân loại và phi nhân loại (Glotfelty, Cheryll and Harold Fromm, 1996, p.xix) bằng cách vận dụng các khái niệm sinh thái học vào văn bản nghệ thuật nhằm tìm kiếm ý nghĩa sinh thái, thái độ, tác động, đánh giá tự nhiên. Tiêu biểu như Greg Garrard trong Ecocritism bàn về ô nhiễm, vị trí, tính hoang dã, khải huyền, chỗ ở… đặc biệt nhấn mạnh tính đồng quê (pastoral) là thái độ sống hài hòa tự nhiên, ngay cả trên đất Mĩ; dù được các bộ ộc ít người tôn trọng, động vật vẫn bị thế giới hiện đại xem là thấp kém vì chỉ có thể xác và cảm xúc. Tóm lại, trái đất, bầu trời, tảng đá, động vật… đều có linh hồn như con người; từ đó cần nhìn lại hệ thống so sánh, ẩn dụ trong ngôn ngữ luôn gắn thái độ đánh giá tiêu cực vào động vật. Jelica Tošić với Ecocritism – Interdiscipliary Study of Literature and Environment, sau khi lí giải các khái niệm như sinh thái học (ecology), sinh thái học bề sâu (deep ecology); môi trường vật lí (physical environment)… đã chỉ ra sự tương hợp và khả năng ứng dụng các khái niệm sinh thái vào văn học đồng thời nhấn mạnh tính hành động của phê bình sinh thái. Theo hướng ứng dụng, Gabriel Egan với Green Shakespeare – From ecopolitics to ecocriticism đã nhìn tác phẩm Shakespeare dưới các chủ đề sinh thái như tự nhiên và xã hội, thức ăn và tự nhiên sinh học, siêu nhiên và thời tiết. Hay Glen. A. Love trong Practical Ecocritism đã khảo sát sáng tác của Willa Cather, Ernest Hemingway và William Dean Howells đồng thời nhấn mạnh tính hòa hợp giữa con người và tự nhiên, gắn nó với truyền thống văn học điền viên. Theo hướng kết hợp mở rộng, Graham Huggan, Helen Tiffin trong Postcolonial Ecocriticism: Literature, Animals, Environment tiếp cận phê bình sinh thái từ góc nhìn hậu thuộc địa đã mở ra nhiều mảng nội dung lí thú như ngà và voi, Thiên Chúa giáo và ăn thịt người – động vật ăn thịt, sex…

2. Tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mĩ Latin nhìn từ phê bình sinh thái

     Phê bình sinh thái dường như là con đường dành cho Mĩ Latin bởi hoàn cảnh khá đặc thù của khu vực này. Giành được độc lập chính trị từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, các nước Mĩ Latin hướng đến xây dựng nền kinh tế mới trong hoàn cảnh khó khăn do cách biệt địa lí, thiếu thốn hạ tầng cơ sở, bị Mĩ bóc lột kinh tế, cô lập, cấm vận… Bằng nhiều cách thức, nửa sau thế kỉ XX, kinh tế Mĩ Latin nhảy vọt: Mexico làm giàu nhờ khai thác dầu bờ biển phía Đông, mức sống của người dân Argentina thuộc hàng cao trên thế giới, chính sách công nghiệp hóa mang lại thịnh vượng cho Colombia, người Brazil tuyên bố: Không ai có thể kéo lùi đất nước này lại… Sự phát triển kinh tế nhanh chóng như men say cả Trung Nam Mĩ để đến khi tỉnh ra thì mức độ tàn phá tự nhiên đã vượt ngưỡng và con người nhỏ bé, bất lực không thể vãn hồi: rừng Amazon bị triệt hạ ở Ecuador, núi bị san phẳng tại Peru, thảo nguyên Cerrado của Brazil thành đồng đậu tương, sinh thái bị hủy diệt nặng nề sau sự cố tràn dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico, vô vàn rừng ngập mặn dọc bờ biển Caribe bị tàn phá… Không chỉ vậy, nền kinh tế Mĩ Latin đi tắt, phát triển nhảy vọt không gượng nổi sau cuộc đại khủng hoảng 1980; giá dầu giảm sút, nợ nước ngoài tăng, kinh tế bấp bênh, chênh lệch giàu nghèo, đô thị hóa tự phát vượt mức kiểm soát, quy hoạch và vệ sinh thành vấn đề nan giải. Mĩ Latin đang chịu sự trả thù của môi trường lẫn xã hội, dân cư Trung Nam Mĩ bị buộc phải nhìn lại vấn đề sinh thái vốn đã hiện diện trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo từ trước đó rất lâu.

     Sinh thái tự nhiên trong tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mĩ Latin khá đa dạng bởi hệ thống núi cao, sông lớn, rừng rậm và hải đảo. Dãy Andes gập ghềnh hiểm trở với trời đêm lạnh buốt xương là trở lực lớn nhất cho đoàn lữ hành của Chàng kị sĩ không ngủ. Những ngôi làng ở vùng đất thấp ven biển Mexico nóng nực với khu nội địa khô hạn đã trở thành làng Comala oi nồng không thấy ánh sáng ban ngày, văng vẳng tiếng kêu trong mưa và những hình thù kì lạ (Pedro Paramo). Châu thổ Amazon nhiệt đới, nóng ẩm, màu mỡ là nơi Marquez đặt những ngôi làng có tên (Macondo – Trăm năm cô đơn) và không tên; đó là nơi mà: có người chết vì ăn những loại quả dại, có người bị quật ngã bởi những cơn sốt rét đánh. Một người khác biến mất vào bụng một con trăn khổng lồ (Luis Sepúlveda, 2014, tr.162)… Hệ sinh thái phong phú này là cơ sở cho khuynh hướng bản địa hóa văn học Mĩ Latin, màu sắc riêng biệt từng quyến rũ độc giả châu Âu ở cái kì diệu sinh thái như Marquez kể trong phần đầu diễn ngôn nhận giải Nobel: lợn thiến rốn ở đùi, chim không móng và con mái đẻ trứng trên lưng con trống, con vật quái thai có đầu và lỗ tai la, thân mình lạc đà, bốn chân hươu và tiếng hí như ngựa… và trong Trăm năm cô đơn: y sinh ra và lớn lên với cái đuôi xoắn hình chiếc mở nút chai ở cuối có một túm lông. Đó là một cái đuôi lợn… (G. G. Marquez, 1986, tr.45). Tuy nhiên, tính bản địa thật ra nằm ở bề sâu văn hóa đa lai hỗn chủng, ở lối tư duy tổng hợp ma thuật, ở đời sống hoang mang hối hả và ở những lễ hội tưng bừng tâm linh. Hiện thực ngoại cỡ Mĩ Latin quy định tiểu thuyết huyền ảo, tạo thành mẫu nữ gái điếm mang chức năng khai sáng (Trăm năm cô đơn), huyền sư luyện đá hóa vàng (Nhà giả kim), hành nhân tìm bản thể (Con nhân mã trong vườn) và điệu nhảy như phát rồ của các feitas trong lễ Iemanja (Biển chết)… Yếu tố địa lí, văn hóa, xã hội quy định nhân vật và tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin từ cách suy nghĩ, cư xử đến lẽ sống và cái chết. Chính nguồn lực này biến đổi không gian nghệ thuật từ phông nền xảy ra sự kiện thành một sinh thể, có phản ứng, hành động và có cả số phận. Nếu Yornapatawpha là không gian miền Nam suy tàn của William Faulker thì Macondo giữ vai trò như một nhân vật: được khai sinh trong cuộc trốn chạy tội loạn luân, lớn lên cùng phép màu của dân digan, phát triển thành đồn điền của công ti chuối và chết đi trong trận cuồng phong định mệnh. Macondo có khi ngây thơ trong sáng bên dòng suối và những viên đá tròn tựa trứng tiền sử, có lúc giận dữ nóng thiêu đốt thúc bọn chim đâm đầu vào cửa kính chết, khi buồn bã mưa dầm dề 4 năm 11 tháng 2 ngày và cuối cùng là điên cuồng trả thù bằng cơn lốc dữ dội đầy bụi và rác rưởi cứ xoáy tít mù (G. G. Marquez, 1986, tr.512). Macondo không chỉ là ngôi làng bị nguyền rủa mà là mô hình quan niệm đời sống: một sinh thể tươi đẹp bị con người áp đặt đến mức không thể tồn tại trên đời như Remedios Người đẹp phải bay lên trời, bởi không hợp với quy chuẩn nhân loại, không thuộc thế giới này. Sự tiêu vong của Macondo, Remedios Người đẹp mang ý nghĩa rằng sinh thái mang cái đẹp không vụ lợi, độc lập với tính hữu ích của con người. Remedios chỉ cần thứ tình cảm đơn sơ, không thiên kiến; Macondo đơn giản đẹp không cần giải thích tựa trận mưa hoa vàng, như mãi mãi là thứ hai ở ngôi làng biệt lập này.

     Khuynh hướng sinh thái xã hội đẩy hệ thống cốt truyện tiểu thuyết hiện thực huyền ảo Mĩ Latin theo hướng chính trị hóa. Đa số các nhà văn Mĩ Latin đều tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội; hệ thống tiểu thuyết Huyền ảo đều ít nhiều miêu tả và phân tích các hệ thống, ứng xử chính trị, quan hệ giữa các giai cấp, đảng phái, tổ chức chính trị xã hội của đất nước, khu vực. Đa phần tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin được đặt trong giai đoạn hỗn loạn, nhiều biến động, khi mà tam quyền phân lập chỉ mang tính hình thức; quyền lực chính trị vượt khỏi tay nhân dân, lần lượt chuyền tay giữa các đảng phái cầm quyền, đặc biệt là thời gian dài cai trị của các nhà độc tài. Trăm năm cô đơn, từ một cuộc bầu cử gian lận đến trận chiến dai dẳng, là quá trình vạch trần trận tuyến mập mờ giữa đảng Bảo thủ và đảng Tự do khi quyền lợi của con thứ, quyền sở hữu đất đai và chống Nhà thờ là nguyên nhân cuộc chiến thì cuối cùng được thương lượng xóa bỏ còn các lãnh tụ hai đảng thì cùng dự lễ misa ngày chủ nhật. Nhà độc tài trở thành hình tượng đặc trưng Mĩ Latin, được khắc họa nhiều dáng vẻ thông qua các tiểu thuyết Ngài tổng thống, Pedro Paramo, Trăm năm cô đơn… Thực tế tranh giành, duy trì quyền lực chính trị trong tiểu thuyết đều thông qua sức mạnh vũ lực, những lời hứa dân sinh mau chóng trở thành trò mỉa mai cay đắng và hậu quả là lòng tin sụt giảm trầm trọng. Sự đổ vỡ các quan hệ xã hội, huyết thống bắt nguồn từ sự thiếu vắng niềm tin; nhân vật luôn rơi vào mâu thuẫn cá nhân, cảm giác bất lực cố hữu. Trong hoàn cảnh đó, việc can thiệp kinh tế chính trị kiểu Thực dân mới của Mĩ càng làm vấn đề trầm trọng thêm; nhà máy chuối, công ti Đông Ấn, ông chủ giàu có, thương nhân da trắng… thúc đẩy sự rạn vỡ mối quan hệ xã hội và hủy diệt cơ cấu sinh thái của các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tiểu thuyết Huyền ảo Mĩ Latin đặt trong nền sinh thái xã hội thể hiện rõ tính chất hậu thuộc địa. Đây là hậu quả của tiến trình mở rộng sự bất công tự nhiên gắn liền với bất công xã hội. Sự gắn kết này nhắc nhở con người hành vi lạm dụng quyền lực chính là bước đầu tiên tác động tiêu cực và là nguyên nhân cho hậu quả sinh thái trầm trọng về sau.

     Tóm lại, cảm quan phê bình sinh thái trong tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin thể hiện ít nhất qua ba cấp độ: trước hết ca ngợi tự nhiên, mối quan hệ hài hòa con người – sinh thái; kế đến phơi bày, lên án sự tàn hại của con người đối với môi sinh và cuối cùng là thể hiện sức mạnh tác động của sinh thái đến đời sống con người. Ba tầng ý nghĩa này kết tinh trong hình tượng con người cô đơn, bị tách biệt khỏi đời sống, quẩn quanh trong mê cung vây hãm lạc lối. Đó là những cá nhân cô đơn do tự nhiên làng Macondo, Comala biệt lập, kéo dài đến mảng không gian phòng kín, nghĩa trang, cõi chết… Nỗi cô đơn lịch sử không nguôi ám ảnh những con người mất đi quá khứ trong Trăm năm cô đơn và mất đi chủ quyền, lãnh thổ trong Chàng kị sĩ không ngủ. Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội; cô đơn xã hội có lẽ là hình phạt đau đớn nhất dành cho những cá nhân không có khả năng tìm ra ý nghĩa trong quan hệ với tha nhân, xã hội như Pedro Paramo, nhân mã (Con nhân mã trong vườn). Tuy nhiên nỗi cô đơn đẩy các nhân vật đến bi kịch không đến từ bên ngoài mà từ bên trong: cô đơn tâm lí mơn trớn nỗi đau vô thức để họ loạn luân, cưỡng hiếp rồi diệt vong: gia đình Buendia (Trăm năm cô đơn), Estebal (Ngôi nhà của những hồn ma)… Hình tượng con người cô đơn trong tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin làm rõ rằng không cần phải tuyên bố trực tiếp khái niệm, nội dung sinh thái mà khắc họa cái cô độc khi bị cắt đứt mọi mối liên hệ văn hóa, xã hội, sinh học chính là sự thể hiện phê bình sinh thái rõ nhất trong văn học.

     Thông qua khuynh hướng sinh thái tự nhiên và xã hội, tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin thể hiện ba đặc điểm nổi bật sau:

     Thứ nhất, tư duy nghệ thuật hiện thực huyền ảo, yếu tính của dòng tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin hiện đại chính là kết tinh của hệ sinh thái tự nhiên và xã hội đặc hữu Mĩ Latin. Tư duy ưu thế địa lí văn hóa tạo điều kiện cho những yếu tố huyền ảo như hồn ma, người bay, điềm báo… có chỗ đứng vững chắc trong hiện thực. Khuynh hướng hoài cổ, đấu tranh phản ứng lại hiện đại là một hình thức của tâm lí Hậu Thuộc địa chống châu Âu – cho những thứ bất thường thành bình thường và những thứ bình thường như nước đá, nam châm… thành bất thường. Hoàn cảnh bị vây bọc trong mê cung cô đơn sinh thái tự nhiên xã hội hình thành khát khao về không gian vượt thoát và dạng nhân vật du tử, bỏ làng quê cũ, đi vào rừng sâu (Trăm năm cô đơn, Lão già mê đọc truyện tình) tìm sự giải thoát. Mô hình giải pháp xuất hiện là đời sống hài hòa thiên nhiên của các bộ tộc, cộng đồng thiểu số; tư duy thổ dân hóa giải các mâu thuẫn, đập tan bức tường duy lí và tháo tung mọi ước mơ để con người làm hòa cùng thiên nhiên. Lối tư duy huyền thoại ấy đi vào trong văn học, thành Chủ nghĩa Hiện thực Huyền ảo và vận hành thế giới nghệ thuật theo hai nguyên lí tương đồng (ẩn dụ) và tương cận (hoán dụ) của ma thuật. Trong tiến trình này, con người được đặt vào tự nhiên, thế giới của đồ vật kiểu Marquez còn sự vật hiện tượng thiên nhiên được huyền hóa để phản ứng lại con người dưới hình thức cuồng phong (Trăm năm cô đơn), bão cát (Nhà giả kim), con báo (Lão già mê đọc truyện tình)… Nhãn quan mới của phê bình sinh thái làm rõ yếu tính hiện thực huyền ảo là nhìn đời thường một cách bất thường để tìm ra những mặt ẩn đằng sau, những liên kết bề sâu và các ý nghĩa từng bị quên lãng.

     Thứ hai, sự biến chuyển về đề tài và ngôn ngữ trong dòng tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin sau thập niên 80 thế kỉ XX cũng đến gần hơn với tinh thần phê bình sinh thái. Về trước, tiểu thuyết Mĩ Latin nặng tính chính trị xã hội vốn là những đại tự sự: Trăm năm cô đơn không chỉ là câu chuyện của làng Macondo hay Colombia mà là ẩn dụ lịch sử nhân loại từ khi hình thành đến lúc diệt vong, Pedro Paramo không chỉ kể câu chuyện làng quê Mexico mà là bức tranh nông thôn Mĩ Latin bị địa chủ phong kiến và nhà thờ Thiên Chúa giáo thao túng. Về phương diện nghệ thuật, sau giai đoạn chuẩn bị trước thập niên 50, tiểu thuyết Mĩ Latin chuyển sang giai đoạn thể nghiệm với hệ thống bút pháp, đặc biệt là ngôn ngữ mới. Những cách tân tập trung vào thế giới nghệ thuật, văn chương hàn lâm, cách xa quần chúng nhân dân, đề ra tuyên ngôn nhà văn trong Ngài tổng thống, Thế kỉ Ánh sáng, Trăm năm cô đơn… Thực tế đây là những tác phẩm không dễ đọc, không mời chào đa số độc giả bình thường. Tuy nhiên, tình hình đã đổi khác Nhà giả kim, Đôi môi của nước… ra đời, tiểu thuyết Huyền ảo Mĩ Latin từ chính trị chuyển sang tự nhiên, từ cộng đồng dịch về cá nhân, vốn là những tiểu tự sự: các cuộc chiến nhường chỗ cho những chuyến đi, sự trốn chạy trở thành cuộc du ngoạn. Văn phong của các tiểu thuyết mới này cũng dễ tiếp nhận, đến với bạn đọc không phải bởi những giải thưởng danh giá như giai đoạn trước mà là bởi độ phổ biến của best-sellers.

     Quan trọng nhất, sinh thái xuyên thấm trong tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin ở một cái nhìn rất mới về văn học và phê bình. Phê bình sinh thái mang trong mình cái hăm hở, cấp bách của nhận thức nhân loại trước đe dọa môi sinh; không chỉ tập trung sinh thái ở hệ đề tài, chủ đề, nó còn kêu gọi hành động về mặt sinh học, tự nhiên, xã hội. Hành động thực tiễn bảo vệ môi trường vốn là hiệu quả thiết thực mà văn học mang đến cho đời sống, tuy nhiên phương thức thực hiện điều này cần được ý thức rõ trong tính chất tư duy hình tượng nghệ thuật của văn học – thông qua một lối đi khác, gián tiếp, mang sức mạnh tác động riêng; cực đoan hành động dễ biến văn học thành công cụ tuyên truyền bị xã hội hóa một cách dung tục. Cách nhìn mới linh động này cho phép tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin và phê bình sinh thái chuyển tải thành công sự mở rộng, va chạm giữa các cách nhìn trong hoàn cảnh hậu hiện đại để tránh hiện tượng khuôn vào những quan niệm cố định về sinh thái và văn học cứng nhắc như Coelho từng triết lí về bầy cừu: Chúng không nhận ra rằng ngày ngày chúng đi đường mới. Chúng không biết đồng cỏ khác nhau và bốn mùa thay đổi, vì chúng chỉ lo có mỗi chuyện ăn và uống (Paulo Coelho, 2013, tr.26). Theo đó, tiểu thuyết huyền ảo sinh thái không chỉ miêu tả không gian làng quê như Pedro Paramo, Biển chết mà hướng đến cả không gian thành thị trong Ngôi nhà của những hồn ma, Con nhân mã trong vườn… Cách nhìn mới này không thiên kiến phân biệt thực – ảo, riêng – chung, nhờ đó nhận ra mối quan hệ chặt chẽ, rộng khắp, để chấp nhận và nhìn cuộc đời, sinh thái không đóng khung, loại trừ bất kì cá thể nào trong cái đẹp chung hài hòa, trọn vẹn.

3. Con đường của phê bình sinh thái nhìn qua tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin

     Sự phát triển của phê bình sinh thái đã, đang và sẽ xoay quanh mối quan hệ hài hòa chỉnh thể con người – tự nhiên, tất nhiên là theo khuynh hướng hạn chế dần những cực đoan, sai lạc. Cực đoan phổ biến nhất dường như là cố gắng tuyệt đối hóa vai trò tự nhiên nhằm phản ứng lại thuyết nhân loại trung tâm. Thật ra không thể có tự nhiên tách khỏi nhận thức con người bởi không tồn tại một loại phản ánh tuyệt đối khách quan duy ý chí. Như đã nói, nàng Remedios (Trăm năm cô đơn) đã chết vì phải chết, không thể có lối thoát khác cho một tâm hồn thuần túy tự nhiên. Tuy thế cũng cần khẳng định, tự nhiên có vai trò và vị trí quan trọng của mình, nhân loại cần hành động trước khi tự nhiên ra tay như đã được cảnh báo trong tiểu thuyết: Chẳng có thời giờ và cũng chẳng có cách gì ngăn chặn những cuộc tấn công tàn bạo đó của thiên nhiên (G. G. Marquez, 1986, tr.456). Điều văn học nói chung và tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin nói riêng có thể làm không phải là cung cấp thông tin, kêu gọi hành động, tuyên truyền ý thức mà phải xây dựng được hình tượng sinh thái như một thể sống, một bản mệnh có sức tác động sâu sắc đến nhận thức.

     Ở một tuyến khác, phê bình sinh thái sẽ tiếp tục đặt ra cho mình nhiệm vụ nhìn nhận lại tính chất con người trong thế bất toàn của nó, vạch ra khung giới hạn và những cảnh báo cần thiết. Câu chuyện Thượng Đế tách con người làm hai phần để cả đời phải đi tìm một nửa của nhau có lẽ là dụ ngôn đẹp nhất về hoàn cảnh nhân loại. Moacyr Scliar bàn điều này qua hình ảnh nhân mã Geudeli (Con nhân mã trong vườn) loay hoay mãi trong mê cung nhân – mã chẳng biết mình muốn gì; nhân mã là khiếm khuyết hay khác biệt mang ý nghĩa kép: sự bất toàn của con người phải gắn liền thái độ thích hợp với cái khác mình. Cực đoan phê bình sinh thái dễ làm người ta tưởng rằng nhân loại trung tâm luận là tội ác, là sai lạc; thật ra văn học nghệ thuật chân chính đi bằng nhiều con đường. Quy vào con người, tiểu thuyết huyền ảo hiện đại đẩy yếu tố huyền ảo thành ám ảnh tâm lí như bóng ma Beloved của Toni Morrison hay siêu thực mênh mông không lối thoát trong thế giới nghệ thuật Murakami… cuối cùng vẫn nhận ra phận người nhỏ bé giữa thế giới rộng lớn, phi lí, để chấp nhận một/nhiều logic khác theo nghĩa posthumanism – hậu nhân văn, posthuman – hậu nhân loại, qua đó không bận tâm chinh phục, mà chỉ cần hiểu tự nhiên. Nhà giả kim liên tục khẳng định: Nhà giả kim là nhà gì?, Là một người hiểu được thiên nhiên và thế giới… Một nhà luyện kim đan… Anh ta hiểu được sức mạnh của thiên nhiên (Paulo Coelho, 2013, tr.184-185). Hành động hiểu bao hàm cả tính chủ thể lẫn khách thể. Nhà giả kim nói điều này với nhóm vũ trang, lời ấy mang sức cảnh tỉnh mọi biểu hiện cực
đoan. 

     Phê bình sinh thái dù có phát triển như thế nào nhưng vẫn phải xoay quanh mối quan hệ chặt chẽ giữa tự nhiên và con người trong sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc và quyết định lẫn nhau. Vì Tâm linh vũ trụ được nuôi dưỡng bởi hạnh phúc của con người (Paulo Coelho, 2013, tr.40)… dòng chảy của toàn vũ trụ, nơi cuộc đời của mọi con người đều liên kết thành một chuỗi, nơi mọi chuyện đều tỏ rõ, vì tất cả đều “được được viết sẵn” từ trước rồi (Paulo Coelho, 2013, tr.105). Mối quan hệ hòa hợp vốn được nhấn mạnh về mặt triết học trong lịch sử tư tưởng nghệ thuật được văn chương, tiểu thuyết thi hóa: … tâm linh vũ trụ… vốn hình thành từ tình yêu (Paulo Coelho, 2013, tr.109). Thứ tình cảm này rộng lớn hơn tình yêu trai gái của Santiago – Fatima, sâu sắc hơn tình yêu sinh mệnh cá nhân của nhà giả kim, chàng chăn cừu và thực tế hơn tình yêu khát khao mộng tưởng của ông chủ tiệm pha lê. Mối hòa hợp phổ quát đó tạo thành đường dây vô hình mà chắc chắn trong kinh nghiệm tâm linh của các cộng đồng dân tộc để có thể xác quyết rằng: nếu ta quyết tâm thì cả vũ trụ sẽ cùng chung sức. Trong trường phê bình sinh thái, mối quan hệ hòa hợp này được nhấn mạnh về mặt sinh lí, xã hội nhằm thúc đẩy hình thành phản ứng, hiện thực hóa nhận thức một cách rõ rệt về con người dưới sức tác động của sinh thái. Đơn cử xét diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin, đó là kết quả của điều kiện tự nhiên nhiệt đới, hoàn cảnh chính trị xã hội bạo lực bất ổn và tâm lí bất an cô đơn hoài cổ… là sinh thái kết hợp cả Darwin (tự nhiên) và Marx (xã hội).

     Trên con đường của mình, phê bình sinh thái cần tránh cái bẫy minh họa, công cụ cho khuynh hướng tự nhiên, chính trị, xã hội. Ngài tổng thống, Trăm năm cô đơn có phần kén độc giả vì hàm lượng chính trị xã hội khá nặng. Bản thân hai tác giả này cũng hoạt động chính trị năng nổ, Marquez còn khẳng định ưu thế văn học của mình chỉ có ích cho chính trị đồng thời cổ vũ tư tưởng Xã hội Chủ nghĩa. May mắn là Trăm năm cô đơnNgài tổng thống đã làm được nhiều hơn thế, bởi văn học nghệ thuật có lối đi riêng. Con đường ấy trổ nhiều ngã rẽ mà Nhà giả kim lại đặt ra một vấn đề tiêu biểu khi hướng về công chúng, thỏa mãn những motif thẩm mĩ quen thuộc. Người ta có cảm giác tác phẩm Coelho là một truyện cổ tích hiện đại, một ngụ ngôn, một trường hợp đậm chất sinh thái xã hội, vì thế có ý kiến cho rằng Coelho là nhà văn thị trường. Quả thật nhà văn Brazil này thực sự chiếm lĩnh thị trường khi tìm mọi cách để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng, nhưng kết quả là độc giả đón nhận nồng nhiệt; qua Nhà giả kim, hình tượng linh hồn vũ trụ – hiện thân của sinh thái – mang sức hút mãnh liệt hơn bao giờ hết mà không cần một lời kêu gọi, tuyên bố nào. Điều này có nghĩa là phê bình sinh thái văn học mang đến không phải hành động xã hội mà là đa diện hóa cách nhìn, sẽ không có một cuộc soán ngôi nào của các lực lượng chính trị xã hội, nếu có thì là soán ngôi tư tưởng. Theo đó, phê bình sinh thái không thể nô dịch hóa văn học, ngược lại, văn học không thể xây riêng một thành trì biệt lập. Phê bình sinh thái cần giúp tác phẩm văn học hay hơn khi đến gần với hiện thực đời sống, tiểu thuyết phải chuyển tải thông điệp phê bình sinh thái một cách nghệ thuật, sinh động, hấp dẫn. Văn học nghệ thuật cần vận dụng hệ đề tài và phương pháp phê bình sinh thái để phát huy hết chức năng giáo dục của mình trong mối quan hệ hoài hòa các chức năng khác như thẩm mĩ, nhận thức… Vấn đề đặt ra là hiện nay khuynh hướng phê bình sinh thái đang được khai thác mạnh mẽ về chủ đề, đề tài trong khi hướng ngôn ngữ, thủ pháp, kết cấu… vốn mang đến tính nghệ thuật cho văn học dường như vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầu tư đúng mức. Trong hoàn cảnh đó, hướng nghiên cứu hệ thống từ nhân xưng và ẩn dụ hóa cá nhân mà Gabriel Egan dành một phần nhỏ để khảo sát Shakespeare cần phải tiếp tục được lưu tâm và phát triển.

     Bên cạnh đó, phê bình sinh thái sẽ chịu tác động không nhỏ của toàn cầu hóa. Điều này có nghĩa là sự phân biệt đông tây, tự nhiên nhân tạo, truyền thống hiện đại … không còn mang ý nghĩa nữa; bởi một thể thống nhất được hình thành mà các yếu tố vừa nêu không tách rời nhau. Khi đó, tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ thể hiện vai trò nền tảng cho các cuộc vận động, chuyển dời: nhân vật không tự cô lập trong gia đình, ngôi làng biệt lập thời chiến tranh lạnh mà sẽ liên tục chuyển không gian địa lí, văn hóa, từ cộng đồng sang liên cộng đồng để tìm kiếm bản thể, truy tầm hòa hợp như cách mà chàng chăn cừu  Santiago từ Tây Ban Nha sang Ai Cập theo tiếng gọi của kho báu trong mơ hay Guedali Tartakowsky từ Brazil sang Maroco với ước muốn xác định bản thể. Văn hóa đa lai hỗn chủng của Mĩ Latin vốn có truyền thống trong khu vực nay được mở ra phạm vi toàn cầu và việc xuất hiện trong tương lai những tác phẩm đặt con người ra ngoài không gian, tách biệt với sinh thái Trái Đất để hiểu rõ hơn cảm giác bị cắt đứt khỏi mọi mối ràng buộc xung quanh cũng nằm trong viễn tượng của phê bình sinh thái.

     Quay lại với tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin hiện đại, phê bình sinh thái trong hoàn cảnh toàn cầu hóa thúc đẩy các nhân vật tìm kiếm sự liên kết sâu xa, tác động lẫn nhau một cách chặt chẽ nhưng vẫn mang bản sắc riêng cá nhân, cộng đồng. Đó là hành trình của Juan Amado đi tìm hình mẫu nữ vĩnh cửu ở đất Maroc huyền bí thông qua hàng loạt nghi lễ thụ pháp tính dục trong quán rượu, party và trong toilet trên máy bay kết tinh bằng cơn cười điên dại của Leila và tôi (Amado); Amado trong tiếng Ả Rập là Aziz nghĩa là niềm vui (Đôi môi của nước). Ngoài ra, toàn cầu hóa khuếch đại khả năng hủy diệt của con người đến mức mất kiểm soát tựa một sức mạnh mù quáng, đẩy linh hồn sinh thái – con báo – vào cõi chết, tránh xa khỏi những con người ghê tởm như tên thị trưởng, lũ săn vàng, tất cả những kẻ đã làm ô uế Amazonia trong trắng… (Jelica Tošić, 2006, p.184). Sự liên kết rộng với bản sắc sâu của phê bình sinh thái dưới tác động toàn cầu hóa chính là quá trình va chạm các nền văn hóa. Theo đó, việc mở rộng các phạm trù sinh học, chính trị, xã hội đã đưa văn học vào khuôn khổ của khái niệm văn hóa theo nghĩa rộng nhất. Vì thế, tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin giai đoạn sau có sự hòa quyện giữa nhiều nền văn hóa như Ấn giáo (bản thể – linh hồn vũ trụ), Thiên Chúa giáo (Melquiades vua xứ Salem), Hồi giáo Ả Rập (Mecca, maktub, sufi, người kể chuyện hlaiqi), Phật giáo (Tantra)… trong Nhà giả kim, Đôi môi của nước… Môi trường văn hóa rộng lớn này giúp nhân vật soi chiếu lại bản thân và nhận ra mối quan hệ tổng hòa con người – tự nhiên – xã hội; văn học, như vậy, trở nên một thành tố của sinh thái văn hóa.

     Tóm lại, phê bình sinh thái là cơ hội để khám phá và lí giải văn học, tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin theo một con đường khác, một cách nhìn mới. Ngược lại, tiểu thuyết huyền ảo Mĩ Latin soi chiếu và làm rõ đặc điểm, quá trình cũng như khuynh hướng tiến triển của phê bình sinh thái cụ thể trong một phạm vi nhất định. Bất kì việc vay mượn thành phần nào dù là khái niệm, thủ pháp hay ý tưởng của phê bình sinh thái vận dụng vào văn học cũng phải chấp nhận quá trình biến đổi và thích nghi, điều này đòi hỏi thời gian và nỗ lực lớn nhưng xứng đáng để sinh thái và văn học phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Coelho, P. (2013). Nhà giả kim. Lê Chu Cầu dịch. Hà Nội: NXB Văn học.

Glotfelty, Cheryll and Harold Fromm. (1996). The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology. Athens and London: University of Georgia.

Glen, A. Love. (2003). Practical Ecocritism. Charlottesville, London: University of Virginia.

Huggan, G., Tiffin, H. (2010). Postcolonial Ecocriticism: Literature, Animals, Environment. UK:Routledge.

Marquez, G. G. (1986). Trăm năm cô đơn. Nguyễn Trung Đức dịch. Hà Nội: NXB Văn học.

Sepúlveda, L. (2014). Lão già mê đọc truyện tình. Phạm Minh Điệp dịch. Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.

Tošić, J. (2006). Ecocritism – Interdiscipliary Study of Literature and Environment. Working and Living Environmental Protection Vol. 3, No 1, 2006, Serbia, 43-50.

Nguồn: Tạp chí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
Tập 15, Số 5 (2018): 59-70, ISSN: 1859-3100

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)