Phố cảng Vũng Lấm thế kỷ XVIII-XIX

Tác giả bài viết: NGUYỄN LỤC GIA

Sự hình thành phố cảng Vũng Lấm 

     Vũng Lấm nằm trong vịnh lớn Bà Đài. Tên gọi Bà Đài được ghi lại sớm nhất có lẽ trong một công văn của Tổng trấn Thuận – Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597, giao nhiệm vụ cho Lưong Văn Chánh “… đến các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu, trên từ nguồn Mọi dưới đến cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn ruộng đất hoang…”(1).

     Trong một bức thư linh mục Alexande de Rhodes viết năm 1641 về chuyến hải hành từ Nước Mặn vào Trấn Biên dinh, được Cardim kể lại: “… thứ sáu Tuần Thánh, tức 29-3-1641, ông xuống tàu đi Phú Yên. Ngày hôm sau, giáo sĩ bị một trận bão dữ dội, tưởng chừng không sống sót, nhưng, theo lời giáo sĩ nói, Đức Chúa Trời đã cứu giáo sĩ, vì sáng ngày lễ Phục sinh (31-3-1641) giáo sĩ bỗng thấy mình ở trong một vụng êm lặng song không biết là đâu. Giáo sĩ làm lễ sốt sắng cho mọi người trong tàu dự. Sau đó, nhận được phương hướng, tàu trực chỉ cửa bể Bà Đài (Baday trong nguyên văn, tức Xuân Đài]”(2).

     Tên gọi Xuân Đài còn được nhắc trong phần Phụ lục Dư địa chí của Nguyễn Trãi, tiếp tục đề cập qua những ghi chép hiếm hoi của nhà sử học Lê Quý Đôn, khi thì “đầm Vụng Mỏ” hay “tuần cửa Xuân Đài”, khi thì “Kho Xuân Đài chứa thóc tô và các tiền thuế của hai huyện [Tuy Hòa và Đông Xuân] và các thuộc cùng các tổng xã thôn nậu thuộc Nội phủ, thuyền An nhị 20 người canh giữ” mà chắc chắn các vị trí này đều nằm xung quanh hải cảng Vũng Lấm đê thuận tiện việc tàu thuyền vận tải giao nộp và thông thương(3). Lùi lại xa hơn, ngay từ buổi đầu lập phủ Phú Yên (1611), Vũng Lấm đã thuộc vùng trung tâm chính trị – kinh tế cực nam của Đại Việt hoặc của xứ Đàng Trong như cách gọi sau đó. Từ năm 1629, phủ Phú Yên được thay bởi cấp hành chính mới gọi là Trấn Biên dinh. Một vị trí tiền đồn địa giới phía Nam đã đặt trọng trách cho đất Phú Yên mà vị trí đóng dinh vẫn chính là nơi phủ cũ, gần hải cảng Vũng Lấm bên bờ vịnh Bà Đài. Điều này càng chứng tỏ vị thế cực kỳ quan trọng của cửa biển Bà Đài nói chung, cảng phố Vũng Lấm nói riêng trong thời kỳ mà giao thông với bên ngoài cũng như “… việc tiếp tê Phú Yên chỉ có thể thực hiện bằng đường bể”(4).

     Sứ đoàn Phan Huy Chú mùa đông năm 1832 đi thuyền công cán ở Giang Lưu Ba/Batavia (Java) ngang qua Vũng Lấm, mô tả đầy ấn tượng trong Hải trình chí lược: “Cửa tấn Vũng Lấm của Phú Yên, bốn bề núi vây quanh, có một cảng cho thuyền đi qua. Trong cửa tấn rộng như cái đầm lớn. Trên bờ, nhà cửa vườn cây liên tiếp trù mật. Cảnh sắc cũng đẹp nhưng ngoài cửa tấn, nhiều núi, mỗi khi gió nổi lên thì sóng to cuồn cuộn, làm người ta kinh sợ. Thuyền ghé vào đây một ngày, nửa đêm đi ra biển, vừa gặp khi gió bấc thổi mạnh. Tiếng sóng như muôn ngựa phi dồn, thuyền bị nghiêng ngửa tới ba bốn lần rất là nguy hiểm. Tóc tai rối bời, chỉ mong trời sáng”(5). Rõ là một hải cảng sầm uất và nơi neo tàu lý tưởng, tương phản với cảnh sóng gió dữ dội ở bên ngoài cửa biển.

     Không chỉ đóng vai trò một thương cảng, Vũng Lấm cùng với Xuân Đài còn là một quân cảng và chứng kiến nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của Phú Yên và đất nước. Để đàn áp phong trào Cần Vương hoạt động mạnh mẽ ở Phú Yên, đầu năm 1887 quân Pháp và lính Việt đánh thuê vừa mới được chiêu mộ từ Sài Gòn kéo 1.500 binh ra dàn trận tại vịnh Xuân Đài. Vũng Lấm, Tiên Châu cùng một loạt vị trí tiền tiêu khác quanh vịnh Xuân Đài trở thành chứng nhân một giai đoạn bi hùng của lịch sử dân tộc.

Hoạt động của phố cảng Vũng Lấm

     Ra đời từ đầu thế kỷ XVII gắn với một dinh miền địa đầu đất nước, hoạt động của cảng khẩu Vũng Lấm trong suốt thế kỷ này chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ đưa lưu dân từ các phủ/dinh tiếp giáp phía ngoài vào nơi đất mới khẩn hoang lập làng, tổ chức và ổn định cuộc sống của nhiều bộ phận cư dân, từ người Việt cho tới các sắc tộc bản địa, bảo vệ an ninh tại một vị trí đầy biến động trong buổi giao thời.

     Phải đến đầu thế kỷ XVIII, từ sau năm 1698 khi trọng trách trấn biên chuyển giao cho xứ Đồng Nai, Vũng Lấm mới thực sự trở thành đầu mối kinh tế của dinh Phú Yên, khởi sắc trong vai trò phố cảng.

     Xung quanh Vũng Lấm có cả một hệ thống chợ hoạt động rất sầm uất. Trong quãng 5km từ Phương Lưu tới Gành Đỏ, chợ nối dài theo đường cái quan: chợ Sơn Triều, chợ Quán Liễu, chợ Vũng Lấm, chợ Xuân Đài, chợ Gành Đỏ. Đông Nam Vũng Lấm có chợ Phiên Thành lâu đời, gắn với cấc tòa thành Hội An, An Mỹ và An Thổ, trung tâm lỵ sở của Phú Yên qua các thời kỳ; chợ Giã làng Xuân Phú gần cửa Tiên Châu tấp nập ghe thuyền ra vào bến.

     La Hai, Sông cầu, Chí Thạnh trở thành những thị tứ trong điều kiện như vậy và hỗ trợ cho Vũng Lấm với vai trò phố cảng nằm ở giữa. Hải cảng Vũng Lấm thuộc bắc Phú Yên, cách Sông Cầu về phía nam 8km, cách Chí Thạnh 15km về phía bắc, cách La Hai 14km về phía đông rất tiện lợi cho việc quy tập nguồn hàng do thương nhân thu mua từ các thị tứ này chuyển về. Vũng Lấm cũng kết nối với khu vực Nam và Tây Nam Phú Yên theo đường sông Ba ra cửa khẩu Đà Diễn rồi ngược lên hướng Bắc vào cửa khẩu Xuân Đài, hoặc vận tải theo đường thiên lý có nhiều đoạn song song với biển, nối tại Chí Thạnh (Tuy An), còn theo đường thượng đạo thì Củng Sơn nối qua ngã La Hai.

     Ngược lại, hàng hóa từ các thuyền buôn cập bến cảng Vũng Lấm được nhanh chóng chuyển vận đến các đại lý của thương nhân. Thương cảng Vũng Lấm tiếp giáp với làng Tân Thạnh ở mặt sau là đầu mối giao thông của con đường thiên lý, có đường thông lên huyện lỵ Đồng Xuân và miền rừng núi phía Tây Bắc theo ngả Triều Sơn, kết nối với vùng Vân Canh của Bình Định. Từ hải cảng này tàu thuyền hướng về phía Đông, đi qua cửa Xuân Đài vào các cửa khẩu Phú Sơn, Đà Diễn, Đà Nông và đến với thương cảng nhiều nơi trong cả nước, hoặc gần hơn vào cửa Tiên Châu, dọc theo sông Cái ngược lên cả một vùng rộng lớn phía Tây. Như vậy, Vũng Lấm thực sự là một “túi hàng hóa” của Phú Yên.

     Khi mới bắt đầu quy định sắc cờ cho các thuyền vận tải (1700), “Phú Yên cờ trên trắng dưới đen” để phân biệt với thuyền của Quy Nhơn cờ trên đỏ dưới trắng và các phủ từ Bình Khang vào tới Gia Định cờ trên xanh dưới đỏ(6). Bên cạnh hoạt động vận tải tư nhân, giao thông biển còn bao gồm một số lượng lớn tàu thuyền của Nhà nước. Thuyền của tư nhân cũng có khi được trưng dụng đế chở hàng về Kinh đô. Ở thế kỷ XVIII, “Thuyền nào đến lượt phải chở thì được miễn tiền chuyển vận mà phát cho tiền kiên trí 15 quan, thuyền mới thì chỉ phát cho 10 quan”(7)‘. Theo ghi chép năm Mậu Tý (1768), số thuyền phủ Phú Yên là 44 chiếc trong tổng số 447 chiếc thuộc 12 phủ xứ Đàng Trong, xếp sau Quy Nhơn (93 chiếc), Quảng Ngãi (60 chiếc), Thăng Hoa (50 chiếc) và Bình Thuận (45 chiếc). Năm 1812, triều đình cấp cho Phú Yên 5 chiếc thuyền công. Thời Minh Mệnh, ngạch thuyền được định của Phú Yên là 23 chiếc, ở mức trung bình so với các tỉnh duyên hải khác. Năm 1834, thuyền của Phú Yên nhận một nhiệm vụ đặc biệt là hộ tống sứ giả nước Hỏa Xá ra kinh đô, cũng như từ đó về sau các tàu của phủ Thừa Thiên thường xuyên làm nhiệm vụ đưa sứ đoàn cùng hàng ban cấp trả về lỵ sở Phú Yên.

     Trong mối quan hệ buôn bán nội vùng Nam Trung bộ, Vũng Lấm gần gũi hơn hết với phủ Quy Nhơn qua phố cảng Nước Mặn. Vì Nước Mặn là một thương cảng lớn, nơi có nhiều tàu thuyền nước ngoài ghé qua, lại thuờng xuyên trao đổi hàng hóa với các cảng trung tâm như Hội An, Thanh Hà, Gia Định nên chỉ cần buôn bán với Quy Nhơn, Vũng Lấm cũng đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Phú Yên. Hàng hóa từ Phú Yên được các thuyền buôn chở ra bán ở cảng Nước Mặn, sau đó mua hàng nhập về cảng Vũng Lấm. Với những sản vật đặc trưng cùng nguồn hàng phong phú của mình, Phú Yên góp phần đáng kể vào sự giàu có của trấn Quảng Nam nói chung ở thế kỷ XVIII. Thuyền buôn Vũng Lấm không thường xuyên trực tiêp đến Hội An và những cảng quanh vùng Đông Nam Á, vì vậy mà trong những trang ghi chép của Lê Qúy Đôn cũng như của các thương nhân ngoại quốc hầu như chỉ nhắc đến Quy Nhơn như một đại diện cho hai vùng đất có mối tương quan trên nhiều phương diện. Trong khi đó, tiến hành giao dịch với các phố cảng Nha Trang và Phan Rí, Vũng Lấm thường xuyên mang về các loại sản vật nhiệt đới đặc trưng của đất miền Nam hay xa hơn là của miền Đông Nam Á vừa lục địa vừa hải đảo và xứ Ấn nổi tiếng về thị hiếu thẩm mỹ và ẩm thực, thỏa mãn nhu cầu đời sống ngày càng cao của các thành phần cư dân địa phương.

     Khi triều Nguyễn thành lập, năm Gia Long thứ 2 (1803) thuế cửa bể được quy định khác nhau đối với từng khu vực. Phú Yên cùng với các dinh Quảng Nam, Bình Định, Bình Hòa, Bình Thuận và Bắc Thành chung một mức thuế cảng đánh vào thuyền buôn nước ngoài, so với thành Gia Định chỉ giảm 2/10, trong khi các khu vực khác được giảm từ 3/10 đến 5/10(9), cho thấy sự hấp dẫn của thị trường cung ứng lẫn tiêu thụ hàng hóa của các cửa khẩu nơi đây, nhất là đối với thuyền buôn Trung Hoa.

     Thuyền buôn từ Vũng Lấm cũng thường xuyên cập bến các thương cảng miền Nam và quanh vùng Đông Nam Á, như một ghi nhận của sử quan năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), dân trong hạt là lái buôn Hoàng Văn Lộc, tích trữ tơ sống bán ra nước ngoài và nhập lậu thuốc phiện từ nước ngoài về(10), không kể nhiều mặt hàng khác cả bán lẫn mua mà thuyền buôn của thương lái này tiến hành giao dịch trong suốt hành trình những chuyến đi.

     Nhằm đảm bảo việc cung ứng thóc gạo vừa sức mua của dân tại các địa phương đồng thời khuyến khích giới thương nhân và tàu thuyền buôn bán, năm 1830 bộ Hộ xuông dụ: “Các hạt Quảng Nam, Phú Yên… đất cấy lúa không bằng Gia Định, nhân dân ăn nhớ vào gạo miền Nam… Từ nay, phàm hạt nào bị gạo đắt thì cho tư ngay cho thành Gia Định thông sức cho các nhà buôn trong hạt, sắm cho nhiều tàu thuyền chở gạo đến bán, để chỗ thiếu gạo khỏi phải đói kém mà lợi cho sự sinh lý của nhà buôn”(11).

     Tuy nhiên, có một thứ hàng không mong đợi lại được thương nhân đổ xô đem đến và tức khắc trở thành quốc nạn, đó là nạn nhập lậu thuốc phiện. Vũng Lấm là điểm nhắm không chỉ đối với Hoa thương mà còn có cả lái buôn người Việt. Vụ án Hoàng Văn Lộc bị chính quyền địa phương xử đi xét lại tới 3 lần vào năm 1845 nói lên tệ buôn lậu đường biển cực kỳ phức tạp này.

     Với đặc điếm là vùng chuyên canh nông nghiệp trồng mía, dâu hình thành “… từ Thăng Hoa đến Phú Yên, Nha Trang một bộ phận nông phẩm thành hàng hóa lưu thông trong nước và ngoài nước”(12), sản phấm chế biến từ 2 nguồn nông sản này đã tạo nên thế mạnh buôn bán ở Phú Yên. Hình ảnh mà người Pháp ngạc nhiên thấy các cây mía cao đến 3 mét ở huyện Đồng Xuân được các lò ép đặt ngay tại chỗ nấu thành mật mía dưới hình thức các bánh sấy khô, “… được chở đi bằng xe ngựa đến Vũng Lấm, nơi đây các tay đi thuyền An Nam đợi sẵn để xuất khẩu về phía Nam kỳ”(13) chỉ là một trong những sinh hoạt thương nghiệp quen thuộc nơi đây.

     Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi sức mua trên thị truờng cả nước tăng cao, nghề tơ tằm của Phú Yên cùng với Bình Định tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với giới lái tơ, như lời viên Công sứ Pháp hai tỉnh này mô tả: “ở đây sản xuât rất nhiều tơ, đông đảo nhà buôn Hoa kiều đi vào từng làng mua tơ bán vào Sài Gòn và xuất sang Hongkong”(14). Các mặt hàng khác ở Phú Yên cũng góp phần đáng kể vào tuyến thương mại dọc các cửa biển miền Trung. Những ghi chép trong gia phả họ Châu ở Hội An, khi nói vể tài kinh doanh của bà Nguyễn Thị, vợ của đại thương gia Hoa kiều Châu Duy Bửu, tự Minh Tân, hiệu Châu Tích Lợi, cho biết hãng buôn của bà trữ muối ở Cù Mông rồi bán cho các ghe làm nghề biển và thu mua cau khô chở bán tận Hà Nội(15).

     Trong khi hải cảng Quy Nhơn đã mở cửa cho người Pháp từ ngày 31-8-1874 và có một lãnh sự người Pháp từ năm 1878, Hòa ước ngày 6-6-1884 trong khuôn khổ điều chỉnh các quan hệ giữa nước Pháp và vương quốc An Nam mà theo dự kiến ba năm sau sẽ đem ra áp dụng, đã quy định ở Khoản 4, rằng: “… trừ cửa biển Thi Nại hiện đã mở làm cửa thông thương, cùng là 2 cửa biển Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam và Xuân Đài thuộc tỉnh Phú Yên, cần phải định thêm mở làm cửa thông thương. Nước Đại Pháp cũng có đặt quan mở cửa thông thương ở các nơi đó”(16). Với việc thiết lập các cơ sở: 1 tòa Phó sứ, 1 sở Thương chánh và 1 đồn binh Pháp – Nam. Cuối năm 1887, Phú Yên bắt đầu thuộc chế độ bảo hộ, sớm hơn hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận đến năm 1889 mới mở cửa.

     Từ đây, người Pháp xem việc đầu tư phát triển thương cảng là một trong những chính sách kinh tế then chốt của Phú Yên. Ngay từ 1890, khi trở thành công sứ đầu tiên của tỉnh Phú Yên, Tirant không ngớt lời ca ngợi vị trí đắc địa của vùng vịnh Xuân Đài: “… vịnh Sông cầu là một trong những vịnh đẹp nhất trên toàn thế giới mà 100 tàu có thể đến thả neo ở đây” và nhấn mạnh với Chính phủ thuộc địa: “… nó phải được thừa nhận như là hải cảng chính của miền Trung An Nam”, bởi vì, như người thừa nhiệm về sau, Công sứ Albert Laborde hăng hái giải thích: “… cái vịnh lớn này đáy thay đổi từ 5 đến 15 thước, có thể cung hiến cho tàu thuyền một hải cảng an toàn và có thể tiện lợi hơn vịnh Quy Nhơn, như người ta nói, mà lối vào càng ngày càng trở nên khó khăn”(17). Trong toàn bộ lịch sử của mình, chưa bao giơ Vũng Lấm, với tính chất là một bộ phận quan trọng của quần thể vùng vịnh Xuân Đài, lại được đánh giá cao như vậy.

     Hoạt động của giới thương nhân người Hoa rất năng động và đa dạng, ngoài buôn bán họ còn đứng ra làm môi giới cho thương nhân phương Tây, nhận thầu hay lãnh trưng nhiều nguồn lợi lớn của địa phương. Người Pháp gọi Hoa thương ở Vũng Lấm là “…những ngươi Trung Hoa chuyên khuấy động kinh tế” và thừa nhận rằng “những người châu Á này là bậc thầy ưu tú về buôn bán đối với người An Nam”(18).

     Sự thành công của kỹ nghệ xử lý chất đản bạch (lòng trắng trứng) của nhà Derobert và Fiard ở Quy Nhơn có được nhờ những cuộc thử nghiệm của ông Berthoin bắt đầu tại Vũng Lấm từ năm 1896. Trứng được thu mua ở Phú Yên tập trung về Vũng Lấm, qua khâu xử lý tại chỗ rồi đóng thùng gởi theo tàu về các kho hàng ở Quy Nhơn, tại đây lòng đỏ được muối và xuất cảng qua Pháp làm bánh ngọt.

     Từ năm 1900 trở đi, hàng loạt dự án lớn của người Pháp và thương gia nước ngoài triển khai tại Vũng Lấm, mở đầu cho những hoạt động thương mại quy mô mang tính sản xuất hàng hóa tư bản trên vùng đất Trấn Biên dinh lừng lẫy 200 năm trước. Tuy nhiên, chỉ sau 3 thập niên của thế kỷ tiếp theo, Vũng Lấm đã không đuổi kịp những đòi hỏi của xu thế phát triển mới trong điểu kiện nới rộng dân cư cũng như địa bàn sinh hoạt kinh tế. Tiên Châu, Tuy Hòa rồi Vũng Rô lần lượt tiếp nhận vai trò thương mại trung tâm đó như hệ quả của quá trình vận động tự nhiên.

     Chú thích:

     1. Trần Viết Ngạc (2000), “Về một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597”, Xưa&Nay, 72B (2), tr.13.

     2. Phạm Đình Khiêm (1959), Người chứng thứ nhất,Tinh Việt văn đoàn, Sài Gòn, tr.53.

     3. Lê Qúy Đôn (2007), Phủ biên tạp lục, Văn hóa – Thông tin, tr.273, 276, 300.

    4. Người chứng thứ nhất,Sđd, tr.45.

     5. Phan Huy Chú (1994), Hải trình chí lược,Cahier d’Archipel 25, Association Archipel, Paris, 144-145.

     6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1962), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, Nxb. Sử học, Hà Nội, tr.156.

     7. Phủ biên tạp lục,Sđd, tr.302.

     8. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,tập 5, Sđd, tr.466-490.

     9. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.404.

     10. Quốc sử quán triều Nguyễn (1971), Đại Nam thực lục,tập XXV, chính biên đệ tam kỷ III (1844-1845), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 112.

     11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1964), Đại Nam thực lục,tập X, chính biên đệ nhị kỷ VI (1830- 1831), Nxb. Khoa học, Hà Nội, tr.35.

     12. ƯBQG (1991), Đô thị cô Hội An (Hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22, 23-3-1990), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.272.

     13. Nguyễn Cửu Sà (dịch) (2003), Những người bạn cố đô Huế, tập XVI, năm 1929, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.424-425.

     14. Vũ Huy Phúc (1996), Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam 1858- 1945, Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.58.

    15. Đô thị cổ Hội An,Sđd, tr.270.

     16. Nguyễn Thế Anh (2008), Việt Nam thời Pháp đô hộ, Văn Học, Tp. HCM, tr.96.

     17. Những người bạn cố đô Huế, Sđd, tr.382.

     18. Những người bạn cố đô Huế, Sđd, tr.437.

Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 455, tháng 1, năm 2015

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Phố cảng Vũng Lấm thế kỷ XVIII-XIX (Tác giả: Nguyễn Lục Gia)