Phong tục Hương ẩm qua tư liệu Hương ước thế kỉ XVIII-XIX
Tác giả bài viết: TẠ ĐỨC TÚ1
(1Trường Đại học Cần Thơ)
TÓM TẮT
Phong tục hương ẩm là một phong tục quan trọng trong văn hóa Việt Nam, phản ánh đời sống văn hóa làng xã Việt Nam suốt nhiều thế kỉ. Bài viết này giới thiệu phong tục hương ẩm và những nội dung phong tục hương ẩm được ghi chép trong các văn bản hương ước của Việt Nam vào thế kỉ XVIII-XIX, từ đó phân tích những giá trị và cơ chế đặc thù giúp phong tục này tồn tại lâu dài trong cộng đồng văn hóa Việt Nam.
Từ khóa: hương ẩm, hương ước, văn hóa làng xã.
ABSTRACT
A ‘Post-worship feast’ custom is traditionally celebrated after every ritual practice in a village is an important custom in Vietnamese culture. For centuries this custom has reflected the cultural life of Vietmamese villages. This article introduces the ‘post-worship feast’ custom and the contents related to this that was written in village convention documents of Vietnam in the 18th to the 19th century. The paper also aims to analyse values and specific mechanisms that help this custom continue to exist in the modern Vietnamese community.
Keywords: ‘Post-worship feast’ custom, village convention, village culture.
x
x x
I. Đặt vấn đề
Phong tục hương ẩm đã được nhắc đến rất nhiều trong các công trình nghiên cứu văn hoá Việt Nam nói chung, văn hoá làng xã Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu của Nhất Thanh [1], Toan Ánh [2], phong tục hương ẩm xuất hiện với vai trò thứ yếu, chỉ nhằm minh hoạ một nét của văn hoá truyền thống. Một số công trình nghiên cứu khác như Phan Kế Bính [3], Đào Duy Anh [4] lại xem hương ẩm như là “vật cản” đã ngăn trở sự phát triển tự nhiên của con người Việt Nam. Nói cách khác, phong tục hương ẩm như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ của xã hội Việt Nam truyền thống. Tuy nhiên, một số nhận định của các tác giả kể trên còn chưa khách quan, thiếu sự nhìn nhận giá trị của phong tục hương ẩm. Trên cơ sở tư liệu hương ước thế kỉ XVIII-XIX, bài viết này nhằm giải quyết hai vấn đề cơ bản của phong tục hương ẩm. Thứ nhất, chúng tôi lí giải nguyên do suốt bao nhiêu thế kỉ qua ở làng xã Việt Nam, bất kể là những bậc túc nho học rộng biết nhiều, từng làm quan to, quan nhỏ khắp trong triều ngoài quận, hay những người nông dân tay lấm chân bùn, suốt ngày bán mặt cho đất bán thân cho trời, tất cả đều xem trọng phong tục hương ẩm. Thứ hai, chúng tôi phân tích rõ những biểu hiện của phong tục hương ẩm, cả mặt tích cực lẫn hạn chế ở từng thành tố cấu thành phong tục hương ẩm.
II. Tổng quan nghiên cứu
Trong hương ước, có thể nói phong tục hương ẩm là một trong những vấn đề được cộng đồng quan tâm đến đầu tiên. Bất kì văn bản hương ước nào cũng sẽ đề cập đến nội dung phong tục hương ẩm. Đối chiếu với những nhận định, ghi chép về văn hóa làng Việt Nam thì vấn đề trên càng hiện rõ. Tác giả Nhất Thanh [1] trong Đất lề quê thói đã hài hước nhận xét về các bậc chức sắc trong làng rằng: ‘Kì mục kì nát lại càng thiết tha với cỗ ăn và phần biếu, quan trọng hoá mãi, cho nên người đời đã mỉa mai tặng họ danh hiệu xôi thịt’ [1, tr.356] và ‘vì không thể bỏ lệ làng, cái lệ Sống ở làng, sang ở nước, vả lại cũng là một vinh dự lớn lao cho cả họ, mấy ai dám rẻ rúng chối bỏ’ [1, tr.359]. Như vậy có thể nói, phong tục hương ẩm được duy trì từ đời này qua đời khác bởi cả hai phía là những chức sắc trong làng, đó là người thụ hưởng nhiều nhất ở việc hương ẩm (kì mục, chức sắc) và những người dân trong cộng đồng làng xã ấy. Tác giả Đào Duy Anh [4] trong Việt Nam văn hóa sử cương nhận xét cho mục Sự sinh hoạt xã thôn đã nêu rõ quan điểm của mình rằng: ‘Những tục lệ hương ẩm, lệ khao vọng, lệ đình đám quá xa xỉ đối với tình cảnh nghèo khổ của dân quê, cùng những thói tranh giành ngôi thứ và phe đảng kì thị, khiến cho nhiều người phải vay mượn hoặc bán ruộng bán nhà mà lo việc ăn uống, cũng có người khánh kiệt gia sản vì một việc thể diện cỏn con’ [4, tr.121]. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính [3] dành cả thiên Nói về phong tục hương đảng gồm 34 mục là: sự thần (thờ thần), việc tế tự, nhập tịch, đại hội, lễ kì an (kì yên), chùa chiền, văn từ văn chỉ, kí hậu, công quán, am chung sinh, ngôi thứ, viên chức, hương ẩm, lễ khao vọng, lệ kính biếu, đăng khoa, cáo sắc phong tặng, bầu cử lí dịch, thuế khoá, binh lính, tạp dịch, hương học, khoán ước, việc hiếu, việc hỉ, lệ khánh tiết, vợ chồng li dị, tài chính, nghĩa sương, hội chư bà, hội tư cấp, hội bách nghệ, tuần đinh và đạc phu. Trong đó, có đến 27 mục là dùng đến lệ hương ẩm, chiếm 79,5% tổng số phong tục ở làng. Đến mức, việc tế tự ở mỗi kì sóc vọng chỉ một đĩa xôi, một con gà luộc mà phải ‘đem chia ra lấy một nửa làm cỗ kiến viên để các lão hiện diện tại đó uống rượu, còn một nửa chia mỗi người một miếng cho được quân triêm thần huệ2 均霑神惠. Phân dẫu một miếng trầu, một miếng oản, một quả chuối cũng phải phân minh’ [3, tr.99]. Hay trong Nếp cũ – Con người Việt Nam, Toan Ánh [5] xếp tất cả mục của tục Khao vọng thành hương ẩm với ý nghĩa ‘đem sự vui mừng của mình chia sẻ cùng mọi người’ [5, tr.263] nên đều phải có ‘cỗ bàn đãi khách và nhiều khi có cả những cuộc vui để họ hàng bà con cùng giải trí’ [5, tr.263].
Những nghiên cứu trên phản ánh khá đầy đủ phong tục hương ẩm trong xã hội Việt Nam truyền thống. Chúng tôi cho rằng, ở giai đoạn này, người dân có đời sống kinh tế thuần về nông nghiệp và sống chủ yếu ở khu vực nông thôn nên họ cùng bảo nhau duy trì lề thói. Các phản ánh này cũng trùng với những sáng tác văn học hay ghi chép lịch sử, ghi chép địa chí về xã hội và con người của giai đoạn trước thế kỉ XX. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu trên, cùng nhiều nhà nghiên cứu trước đó như Lương Đức Thiệp [6], Nguyễn Văn Huyên [7] chủ yếu phản ánh qua trải nghiệm hay thực tế điền dã. Nghiên cứu của họ không có trích dẫn những nội dung quan trọng từ tư liệu hương ước. Chính vì lẽ đó, trong nghiên cứu lần này, chúng tôi dựa trên nội dung các văn bản hương ước có bàn đến vấn đề hương ẩm để chỉ ra cả những giá trị tích cực lẫn những tiêu cực của nó. Nghiên cứu đồng thời cũng chỉ rõ những nội dung cơ bản của phong tục hương ẩm trong xã hội Việt Nam truyền thống được phản ánh trong tư liệu hương ước.
III. Phương pháp nghiên cứu
Về tư liệu nghiên cứu, chúng tôi sử dụng văn bản hương ước ở Việt Nam vào thế kỉ XVIII-XIX hiện lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam. Những nội dung của phong tục hương ẩm được bàn trong bài viết do chúng tôi phiên dịch và chú thích kí hiệu lưu trữ là AF hoặc Hư kèm theo bằng chú thích cuối mỗi trang. Một số văn bản chúng tôi sử dụng bản dịch mà không có đối chiếu, chưa đọc nguyên văn chữ Hán thì chúng tôi chú thích nguồn dẫn trong dấu ngoặc vuông, xem đó như tài liệu tham khảo trực tiếp của bài viết này.
Trong phạm vi của bài viết, chúng tôi thực hiện nghiên cứu bằng phương pháp văn bản học. Từ văn bản, cụ thể ở đây là hương ước chữ Hán, chúng tôi hệ thống chuỗi nội dung liên quan đến phong tục nói chung, phong tục hương ẩm nói riêng, rồi phân tích những giá trị của chúng theo phương pháp hệ thống – cấu trúc để thấy rõ những giá trị văn hóa mà phong tục hương ẩm đem lại. Những nhận định, đánh giá mà chúng tôi nêu ra về phong tục hương ẩm trong bài viết này được đặt trong bối cảnh cụ thể của con người và xã hội Việt Nam tại thời điểm văn bản nghiên cứu có hiệu lực.
IV. Nội dung nghiên cứu
A. Phong tục hương ẩm
Hương ẩm là một thuật ngữ chỉ việc ăn uống chung trong cộng đồng được khẳng định giá trị ngay trong Kinh Lễ : ‘Hương ẩm tửu làm rõ sự cao quý và thấp kém, phân biệt sự hưng thịnh hay sa sút, vui vầy nhưng không hòa lẫn, hiếu kính trưởng thượng không một sai sót, cùng yến ẩm nhưng không tác loạn. Đó là năm điều phân biệt đủ để chính thân và an quốc’ [8, tr.369]. Về sau, hương ẩm trở thành một thuật ngữ văn hóa chỉ chung cho việc tổ chức ăn uống trong cộng đồng làng. Trong Việt Nam phong tục, mục bàn về Hương ẩm ở thiên Nói về phong tục hương đảng, Phan Kế Bính nêu cách hiểu khái quát: ‘Những khi kì thần bái xã và những khi có công việc gì đông dân hội tụ ăn uống, gọi là hương ẩm. Hương ẩm có sổ, dân gian con trai từ sáu, bảy tuổi đã vào sổ hương ẩm’ [3, tr.133]. Như vậy, bất kể việc hội họp ăn uống nào của dân chúng từ chính sự do làng tổ chức như cúng thần, đăng khoa, nhập tịch, cho đến việc ở tư gia như việc thượng thọ, tang ma, hôn sự, thậm chí nhà nào chẳng may bị phạt vạ cũng phải tuân theo lệ hương ẩm. Nhưng điều đáng lưu ý ở đây, phong tục hương ẩm chỉ thực thi cho nam giới ‘từ sáu, bảy tuổi đã vào sổ hương ẩm’ mới được dự. Có thể nói, phong tục này là đặc quyền cho nam giới trong văn hóa làng xã Việt Nam truyền thống.
Toan Ánh [9] trong Nếp cũ – Hội hè đình đám bàn về Những tiệc tùng có nói đến việc vô tửu bất thành lễ 3 無酒不成禮: ‘Rượu thịt dâng lễ xong, dân làng cùng hưởng, hoặc cùng ăn tại đình, hoặc làm phần chia cho cả làng. Thường thì một phần đồ lễ dùng để làm tiệc tại đình để các người tham dự cùng ăn uống, còn một phần dùng làm phần chia cho dân trong làng’ [9, tr.37]. Đây chính là những câu văn phản ánh về phong tục hương ẩm mà chúng tôi đang đề cập. Còn theo cách nói dân gian, để phản ánh đầy đủ vinh dự của việc ăn ở làng chính là câu tục ngữ: Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp! Toan Ánh tiếp tục bình luận: ‘Thực ra, có thể nói, chẳng mấy khi dân quê có một sàng thịt trong xó bếp’ [9, tr.37]. Vấn đề này được Đoàn Văn Chúc [10] lí giải rất cụ thể: ‘Những món ngon, độc đáo, vươn lên khỏi trình độ tiêu thụ sơ đẳng đã ra đời vào các dịp lễ – tết – hội, bởi lẽ, với năng suất lao động thấp kém của trình độ sản xuất thủ công, người ta không thể có thực phẩm cao cấp cũng như điều kiện chế biến đủ cho bữa ăn hằng ngày. Chính vì lẽ ấy, mỗi dịp lễ – tết – hội là một dịp để người ta thoả mãn nhu cầu ăn uống đầy đủ hơn, ngon hơn, tức là có văn hoá hơn: động mõ không bằng gõ thớt; trâu bò được ngày huỷ đồng, con cháu được ngày giỗ ông’ [10, tr.183].
Trước đó, Đoàn Văn Chúc phân tích sâu về nguyên nhân dẫn đến các việc ăn chung trong cộng đồng rằng: ‘Thoạt kì thuỷ, sự ăn uống trong các lễ – tết – hội có thể chỉ là sự biểu thị mối cảm thông của cộng đồng trước một sự cố có thể là vui hay buồn cho cộng đồng, như một thành viên của cộng đồng mất đi, hay ra đời, chuyển đoạn tuổi’ [10, tr.180].
Sự biểu thị mối quan hệ ràng buộc cộng đồng ấy được diễn ra dưới hình thức ăn uống chung với nhau, bất kể gặp chuyện vui hay chuyện buồn. Người Việt ta có câu cửa miệng rất hay, có chuyện vui thì đến để ‘chia vui’ (chúc tụng), chuyện buồn thì đến để ‘chia buồn’ (san sẻ, động viên). Những người ăn uống chung với nhau là dấu hiệu cho thấy họ cùng một cảnh ngộ nào đó, có thể ‘chia’, tức là có thể sẻ chia hay giúp đỡ nhau, cùng thể hiện cả quyền lợi lẫn trách nhiệm với nhau. Như vậy, bằng cách cùng ăn uống chung vật cúng tế, người ta đã ngay lập tức xác định rằng giữa những người ăn chung với nhau có quan hệ với nhau theo một cách thức nào đó rất thiêng liêng. Cách thức ấy được thể hiện chỉ bằng một việc đơn giản là cùng ăn uống với nhau. Việc uống máu ăn thề4 là biến thể đơn giản hơn về sau này của tục lệ ăn uống chung (hương ẩm). Tục lệ ăn uống chung với nhau ra đời và ổn định từ rất sớm trong lịch sử của loài người, và nó được con người tiếp tục bổ sung ở các giai đoạn sau. Có thể nói, ‘ở bất kì cấp cấu trúc xã hội nào, nghi thức ăn uống chung đều có chức năng xã hội tích cực của nó là tái xác định mối liên hệ đã gắn bó các thành viên trong nhóm lại với nhau’ [10, tr.181].
Xét trong xã hội Việt Nam ta, mỗi làng có một cơ chế tự quản riêng và việc ăn uống trong làng cũng là một cách xác định mối quan hệ ‘người làng’ với nhau. Chính vì vậy mới có việc quân triêm thần huệ: Dân trong làng phải cùng được hưởng lộc hay thụ lộc của vị thần mà mình tôn kính, phụng thờ. Lộc ở đây chính là lễ vật sau tiến cúng. Nhận được lộc ấy cũng tức là nhận ân huệ mà thần ban cho, nên cần phải phân phối sao cho đồng đều trên dưới (quân triêm). Rồi còn phải tuần tự thay nhau thực hiện những nhiệm vụ thiêng liêng khác như trông coi nhang khói ở đình, miếu hoặc phải thay nhau tổ chức cúng tế ‘từ lúc mới vào làng cho đến lúc lên tứ trụ (sáu bảy mươi tuổi), mỗi người tất phải cắt lần lượt nhau mà chứa trưởng hoặc gọi là chứa đăng cai một hoặc nhiều lần’ [3, tr.134].
Việc phân chia, luân phiên với nhau như thế, cả quyền lợi lẫn trách nhiệm, cũng là một dịp tốt để người dân cảm nhận được địa vị của mình trong xã hội, giữa họ không có sự phân biệt giàu nghèo, đến lượt của ai, người đó phải lo việc của làng. Song hiềm một nỗi, ‘những nhà chứa đăng cai thường hay ganh nhau làm to, để lấy tiếng với làng nước. Người này biện mâm xôi năm, mười đồng, người khác ganh lên làm mâm xôi đến mười lăm, hai mươi đồng; người này biện con lợn độ hai, ba chục đồng, người kia ganh lên làm con lợn đến bốn, năm chục đồng’ [3, tr.136]. Điều ấy cũng là bởi, phàm con người nói chung sẵn tính ganh đua, bất kể tốt xấu. Nhưng mặt khác, bởi họ sợ miệng đời dè biểu, chê bai, sợ không ngóc đầu lên nổi với làng về những thất suất có thể. Đến nỗi, Phan Kế Bính [3] phải thốt lên chua chát trong đoạn kết viết về hương ẩm rằng: ‘Nói tóm lại thì một người lo về ngôi hương ẩm trong làng, từ lúc bé đến già chưa hết nợ, nếu thiếu một ít nào thì kẻ chê người trách, có khi không mặt nào mà dám ra đến làng’ [3, tr.136].
Tại sao lại hình thành cơ chế ‘ganh lên’ một cách gượng gạo, khổ sở đó? Thiếu nợ không lo, chỉ lo lễ vật đạm bạc. Theo chúng tôi, người Việt, từ xa xưa với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự coi mình là một bộ phận nhỏ bé của vũ trụ, tự bản thân họ ý thức lựa chọn đề cao quan hệ cộng đồng và đặt lên trên quan hệ cá nhân, con người trọng danh dự hơn trọng lợi lộc. Người Việt có câu châm ngôn: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng đã minh hoạ rõ nét cho vấn đề này. Nên cũng không có gì lạ khi nghe các cụ nói Một miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp. Hương ẩm là bữa ăn chính thức chung của một cộng đồng và đem lại nhiều ý nghĩa. Vì có ý nghĩa nên nó được duy trì, đúng như câu nói: phú quý sinh lễ nghĩa, còn trong giao tiếp bình dân, miếng trầu là đầu câu chuyện. Người Việt nói riêng, nhân loại nói chung vẫn cần những giao tiếp như phong tục hương ẩm để xác nhận mối quan hệ trong cộng đồng dưới những hình thức lớn nhỏ khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh xã hội cụ thể.
Phong tục hương ẩm ở làng phản ánh qua hương ước cho chúng ta thấy rất rõ sự rạch ròi ngôi thứ và nếu bỏ qua những tiểu tiết thì gần như có sự thống nhất giữa tất cả các làng. Trong văn hoá làng, người ta xem trọng danh dự hơn trọng lợi lộc. Việc duy trì, gìn giữ nề nếp ở làng thông qua bộ máy chức sắc và Hội Tư văn. Phong tục này nhìn chung là rườm rà, phức tạp nếu ta nhìn bằng cách nhìn của người hiện đại. Nhưng phong tục tồn tại trong cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận, truyền từ đời này sang đời khác là có cái lí của nó. Qua phân tích nội dung hương ẩm như trên, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân sâu xa của việc duy trì tục hương ẩm chính bởi nó là sợi dây cố kết con người, những người cùng làng lại với nhau. Đó cũng là một nét đẹp của nền văn hoá tôn trọng ý thức cộng đồng, lợi ích và trách nhiệm tập thể xuất phát từ truyền thống lao động, sinh hoạt rất lâu đời của nước ta.
V. Nội dung phong tục hương ẩm qua tư liệu hương ước
Phong tục hương ẩm được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và rất phổ biến trong xã hội Việt Nam truyền thống. Truyền thống ở đây được hiểu là chúng vận hành trong cơ cấu làng xã giai đoạn phong kiến và thực dân nửa phong kiến, với phương thức sản xuất chủ yếu là nông nghiệp lúa nước còn lạc hậu. Đỗ Thị Hà Thơ [12] cho rằng: ‘Xuyên khắp các làng Việt, làng nào cũng đặt sổ hương ẩm. Sổ hương ẩm với công năng biên tên các đinh nam, để tiện việc phân ngôi thứ và phân bổ nghĩa vụ’. Toan Ánh [5] cho rằng nhà nào có việc vui mừng đều phải khao vọng, tổ chức ăn uống linh đình. Đó là dịp vui của mỗi nhà, cho nên cần mở tiệc ăn mừng, chia vui và cũng kèm theo nghĩa vụ khao dân vọng thánh 犒民望聖 : Trước là tạ ơn thần thánh đã phù trì, chở che mà đạt được một kết quả nào đó như thi đỗ, thêm thọ, thêm đinh; sau là kính cáo với làng, với xã về kết quả đó để người làng chứng kiến và công nhận cho. Sau khi được sự cho phép của người đứng đầu về chủ tế của làng là cụ Tiên chỉ và người đứng đầu về hành chính là ông Lý trưởng, đương sự phải ‘sửa lễ yết cáo với đức Thành hoàng bản xã để xin ngài chứng giám. Lẽ tất nhiên, sau đó cũng có lễ cáo Thổ công và cáo gia tiên ở nhà’ [5, tr.288]. Có nơi, hương ước quy định còn khắt khe, cụ thể hơn nhận định trên mà nhà nghiên cứu Toan Ánh đã phát biểu như hương ước của xã Quần Lương (Nam Định):
‘Người nào muốn làm lễ khao vọng, trước hết trình Tiên chỉ và biện một mâm cúng gồm miếng thịt thủ trâu hoặc bò, 100 chiếc bánh tròn nhiều hương vị, 5 bình rượu, 100 khẩu trầu để yết thần kính dân5 謁神敬民. Tiết kiệm hơn thì dùng 1 thủ lợn, 1 mâm xôi, 1 bình rượu, 500 khẩu trầu để yết thần và kính dân chứng kiến. Nếu người nào có lòng mời dân xã về nhà yến ẩm thì cũng không từ chối’6.
Hương ẩm là các buổi yến tiệc chính thức ở làng, có thể diễn ra ở đình làng hoặc tư gia. Phong tục hương ẩm được thực hiện thông qua các dịp cúng tế thần linh, giỗ Hậu trong làng và qua lệ khao vọng. Việc cúng tế, giỗ chạp được thực hiện định kì trong năm. Mỗi dịp như thế đều tổ chức ăn uống tại đình, thậm chí có ‘lộc’ (phần biếu) mang về. Lệ khao vọng có nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Nhưng nhìn chung, khao vọng trong xã hội Việt Nam thời trung đại khá nặng nề, không hoàn toàn bắt buộc nhưng người ta gần như phải tuân thủ nó. Phải trải qua khao vọng, như một nghi thức chuyển tiếp, người ta mới được vào ngôi thứ để có vai có vế trong làng. Người Việt có câu Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp với nghĩa thực là khẳng định giá trị của việc hương ẩm ở làng. Khao vọng tức là tiệc để chiêu đãi dân làng khi bản thân người đó được một danh vọng nào đó ở làng (lên lão hạng, chức sự hoặc đăng khoa):
‘Nếu người nào may mắn được danh vọng, nhưng túng thiếu quá không ăn khao, danh vọng cũng không được ai nhắc đến, coi như không có. Ta có câu vô vọng bất thành 無望不成, nghĩa là chưa đủ lệ làng, làng không công nhận danh giá của đương nhân’ [5,tr.289]. Lệ khao vọng có nhiều loại khác nhau, mỗi loại có ý nghĩa quan trọng riêng của nó. Ở đây, chúng tôi phân tích ba loại khao vọng tiêu biểu nhất cùng với các lệ cúng thường kì tiêu biểu để thấy đầy đủ bức tranh hương ẩm của nông thôn Việt Nam thời trung đại.
Khao vọng khoa bảng
Theo nội dung hương ước nhiều nơi, lệ khao vọng được diễn ra trong nhiều trường hợp, trong đó, long trọng nhất, hân hoan nhất để đương sự thực hiện cuộc khao vọng ở làng là khi người đó trải qua thi cử mà đỗ đạt (khoa bảng). Thi đỗ không chỉ danh giá cho người thi đỗ (đương sự) và dòng họ (tông tộc), được vinh quy bái tổ, mà đó còn là vinh dự chung cho cả làng. Đương sự được âm phù rất lớn từ thần thánh của làng nên họ cần phải tạ ơn (yết thần); đồng thời, họ cũng kính cáo cảm ơn xã dân, chức dịch trong làng (kính dân) thì mới được người làng công nhận. Theo quan niệm của người Việt, để một người hay một họ trong làng được hiển đạt, thành công, tiếng thơm lưu truyền, bên cạnh tài năng, truyền thống gia tộc và sự nỗ lực của cá nhân, họ còn có sự phù trợ, che chở và đỡ nâng của cả một hệ thống thần linh mà họ đang tin tưởng, phụng thờ từ nhà (từ đường) ra đến làng (đền, đình). Dường như có một mối tương thông nào đó đặc biệt giữa cõi người với cõi trời (thần thánh) và cõi âm (linh hồn: ma chay, mồ mả, giỗ chạp). Tuỳ theo nhận thức khác nhau mà cá nhân hay cộng đồng cụ thể sẽ có cách xử lí hài hoà mối tương thông này.
Một điều hết sức đặc biệt là hầu hết các văn bản hương ước hiện tồn của Việt Nam đều bàn bạc và giải quyết cơ bản thoả đáng mối quan hệ ‘mập mờ’ trên. Các quy định cụ thể (điều khoản) về phong tục, tín ngưỡng ở mỗi làng đều nhằm thể hiện cách cư xử của con người hết sức trọng thị với thế giới thần thánh và linh hồn một cách thuần thành nhất. Các điều khoản về cúng tế, biện lễ, ngôi thứ, yến ẩm đều được quy định một cách chặt chẽ và quy củ. Dân chúng và chức sắc có liên quan chỉ cần thực thi đúng và đủ như hương ước quy định là an tâm. Và qua việc cùng nhau thống nhất thực thi những luật tục đó của làng, người trong làng có cơ hội gắn kết với nhau được chặt chẽ hơn. Họ cùng tổ chức và tham gia các sinh hoạt lễ hội ở làng, vừa thể hiện tấm lòng tôn thần kính thánh để thoả mãn nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện được vai trò của mình trong cộng đồng, xã hội. Lệ khao vọng ở tổng Quyển Sơn (tỉnh Hà Nam) quy định: ‘Đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ nộp một lạng vàng; đỗ nhị giáp tiến sĩ nộp 10 lạng bạc; đỗ tam giáp tiến sĩ nộp 6 lạng bạc; đỗ phó bảng nộp 5 lạng bạc; đỗ cử nhân nộp 30 quan tiền; đỗ tú tài nộp 20 quan tiền; ai được sắc phẩm hàm thì nộp 15 quan tiền; ai được bầu làm Cai tổng nộp 12 quan tiền; ai đỗ nhất, nhị trường, ai được bầu làm Lý trưởng nộp 5 quan tiền’ [1, tr.40].
Ở làng, các bậc khoa hoạn và người cao tuổi được kính trọng ngang nhau. Sau đó mới tới hàng chức sắc. Điều đó thể hiện đạo lí kính lão tôn hiền7 敬老尊賢 của Nho học trong xã hội Việt Nam. Quan niệm sống lâu lên lão làng chưa bao giờ bị xem là lỗi thời trong xã hội ấy. Một xã hội được xây dựng, cố kết dựa trên quan hệ tôn ti, có trên có dưới, thứ bậc. Xét về nguồn gốc, đây chính là do xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp tôn trọng kinh nghiệm và xem trọng quan hệ tình làng nghĩa xóm, những lúc tối lửa tắt đèn có nhau. Nó khác hẳn nền dân chủ (đồng đẳng) – văn hoá xếp hàng – như ở phương Tây. Hương ước làng Vân Nam, huyện Yên (Nghệ An) có điều khoản phân ngôi thứ ở đình như sau:
‘Văn khoa tiến sĩ và các quan văn võ, hoạn quan hàm nhất nhị phẩm, ngồi ngang hàng thọ lão 100 tuổi. Văn khoa phó bảng và các quan văn võ, hoạn quan hàm tam tứ phẩm, ngồi ngang hàng thọ lão 90 tuổi. Văn khoa cử nhân và các quan văn võ, hoạn quan hàm ngũ lục phẩm, ngồi ngang hàng thọ lão 80 tuổi. Văn khoa tú tài và các quan văn võ, hoạn quan hàm thất bát phẩm, ngồi ngang hàng thọ lão 70 tuổi’ [13, tr143].
Các bậc cao niên ngồi ngang hàng những người đỗ đạt và có phẩm hàm. Đó là một điều hết sức vinh dự trong làng có bề dày về giáo dục nên mới có việc vừa trọng bậc cao niên, vừa trọng người khoa bảng.
Tục lệ xã Đồng Thuỷ, tỉnh Hà Nam cũng có quy định ngôi thứ trong làng tương tự như vậy:
‘Người già từ 90 tuổi trở lên ngồi ngang hàng với tiến sĩ; người 80 tuổi trở lên ngồi ngang hàng với phó bảng; người 70 tuổi trở lên ngồi ngang hàng với cử nhân; người 60 tuổi trở lên ngồi ngang hàng với tú tài, suất đội, chánh phó tổng; người 50 mươi tuổi trở lên ngồi ngang hàng với lí dịch và người đỗ nhất nhị trường’8 .
Khao vọng hương chức, quan viên
Khi được đồng dân bầu vào vị trí nào đó trong làng cũng phải khao dân vọng thánh. Nếu không khao vọng thì chẳng dân, chẳng thánh nào chứng cho để thực thi công việc ở làng. Chức dịch không chỉ làm việc hành chính với dân làng (đại diện nước), mà chức dịch còn được đại diện dân chúng để cáo yết thần thánh ở mỗi kì tế tự. Khi đảm đương sự ở vụ làng, đương nhiên lúc dự hương ẩm sẽ được ngồi ở mâm cao. Kể cả những chức vụ không làm chính sự, chỉ đơn thuần phụng sự thần linh cho làng cũng phải khao lớn. Trong Tập án cái đình, nhà văn Ngô Tất Tố miêu tả địa vị của một Quan đám như sau: ‘Tuy không có quyền đối với chính sự trong làng, nhưng điều kiện để làm Quan đám có khi còn nghiệt hơn điều kiện ra làm Tổng thống các nước dân chủ’ [14, tr.629]. Quan trọng nhất là: ‘Sau khi đắc cử, Quan đám phải làm một bữa tiệc khao dân, giàu thì mổ bò, mổ trâu, ăn uống linh đình, kiết xác mồng tơi cũng phải cầm đất, cầm nhà để giết lấy một con lợn mới thành danh Quan đám’ [14, tr.631]. Ngoài ra, những người được triều đình tưởng thưởng, ban cho phẩm hàm, thăng quan tiến chức đều phải tuân lệ khao vọng ở làng: ‘Trong làng, hễ có ai vinh hiển như: lần đầu giữ chức Xã trưởng, lần đầu trúng khoa trường hoặc trúng hàng tạp lưu thì khao vọng. Lệ khao vọng 1 mâm xôi, 1 chĩnh rượu, 100 khẩu trầu, 5 quan tiền cổ, không được sách nhiễu thêm” (xã Tương Mai, Hà Đông)9.
Như vậy, chức dịch, quan viên, dù ở bất kì đâu, đều phải khao vọng ở làng. Đó gần như là điều hiển nhiên, vừa là tiệc ăn mừng khi đạt được một địa vị xã hội nhất định, vừa là dịp thể hiện sự thơm thảo của cá nhân với các bậc thánh thần đã âm phù dương trợ cho mình, đồng thời, cầu mong sự yên ổn, phát triển để con đường hoạn lộ được hanh thông. Ngoài ra, những người vốn là bạch đinh, không đỗ đạt khoa trường, không thụ hương lí, nhưng muốn tránh phu phen, tạp dịch và được trọng vọng trong làng có thể mua ‘chức hàm’ của làng, gọi là ‘nhiêu xã’. Đối tượng này không bắt buộc, chỉ mua ‘nhiêu’ khi nào được làng bán cho, khi đã mua được mới phải khao. Chẳng hạn, hương ước làng Yên Lộ (tỉnh Hà Tây, nay thuộc Thành phố Hà Nội) có lệ: ‘Trong xã nếu như cần phải chi tiêu việc công thì đem bán các ngôi thứ. Ngôi trùm bán 60 quan tiền, Văn hội 60 quan tiền, xã nhiêu 7 quan 2 mạch tiền’ [14, tr.133]. Còn ở xã Tây Mỗ (nay thuộc Thành phố Hà Nội) định lệ: ‘Người nào muốn vào Hội Tư văn thì nộp 120 quan tiền’ [14, tr.100]. Hoặc ở thôn Thanh Cảm, xã Vu Gián, tổng Dĩnh Kế, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có lệ:
‘Hội tư văn có 4 người làm Trùm, mỗi Trùm được một suất ruộng tốt một sào và 6 quan tiền. Trùm phải khao Hội Tư văn một bữa. Sống làm Trùm, chết làm Hậu hiền. Nếu thiếu (Trùm) thì chọn người cao tuổi bổ sung vào, tiền khao vọng y lệ làng”10.
Điều nguy hại không nằm ở mức tiền để mua ngôi thứ, bởi nó là một con số thực, có thể trù liệu được, người ta thực sự lo bởi khoản đãi đằng trong hương ẩm. Bởi người mua ngôi là những người không có chức sự cũng như không đỗ đạt khoa bảng hiển hách, muốn trở thành bậc ‘đàn anh’ được trọng vọng trong làng thì cần phải khao to. Trong phóng sự Góc chiếu sân đình, Ngô Tất Tố [14] miêu tả sau khoản đãi đằng nồng hậu làng xã cho chức cựu mới vừa mua thì bà cựu (cũng vừa mới ‘nhậm chức’) đã phải: ‘Cháu sang Hà Nội làm vú già ông ạ. Có gần mẫu ruộng với nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng, nếu không đi làm thì lấy gì mà đóng cho họ’ [14, tr.56]. Một số làng xã còn có Hội Tư văn. Ai muốn nhập hội, dĩ nhiên để nhập hội này cần thoả mãn một số điều kiện nhất định (chứ không phải chỉ là có tiền như mua nhiêu xã), thì cũng phải khao vọng đầy đủ. Giao ước trong tục lệ xã Quần Lương (tỉnh Nam Định) nói rõ:
‘Người nào đỗ nhất nhị trường cùng con cháu bậc Tiên hiền làng thì vào kì tế xuân thu kính biện 1 con lợn, 2 bình rượu, 200 khẩu trầu, 20 quan tiền khao vọng sẽ bắt đầu được dự hội. Phó tổng, Lý trưởng kính lễ trầu, xôi, rượu như người đỗ nhất nhị trường và nộp 30 quan tiền mới được dự hội. Ai không nộp thì không theo lệ này. Ai thi đỗ cử nhân hoặc võ cử nhân thì sắm 1 con lợn, 1 mâm xôi, 100 khẩu trầu, 1 bình rượu đưa đến Văn chỉ bái lễ Tiên thánh Tiên hiền. Lễ xong, kính biếu văn hội 1 đĩa thịt lợn, 1 đĩa xôi, còn lại toàn dân yến ẩm ở đình. Nộp vọng 10 quan cho Văn hội chi dùng việc công’11.
Khi gia nhập hội, các thành viên sẽ nhận được một số quyền lợi nhất định, trong đó có việc được ngồi mâm trên tại các kì hương ẩm khác. Do vậy, những người đủ điều kiện thường cố gắng ‘củng cố’ kinh tế gia đình để được vào. Được vào văn hội cũng là một danh giá khác, không kém gì đỗ đạt đại khoa, vì có thể sinh hoạt chung với họ.
Khao vọng hương lão, nhập hương
Ai đến tuổi thượng thọ thì cũng phải khao vọng cho làng mới được miễn trừ sai dịch và được ngồi cùng mâm với các bậc kì lão theo ngôi thứ trong làng. Nếu đủ tuổi mà chưa khao vọng thì xem như chưa được lên hàng lão hạng, phải phục dịch như tráng đinh.
Lệ làng Đồng Du Trung (tỉnh Hà Nam) có quy định rất chi tiết về lệ khao vọng như sau:
‘Chọn ngày tốt tháng 8 làng tổ chức khao vọng, yến lão. Người đến 50 tuổi phải nộp tiền gạo cho làng làm lễ vọng hương ẩm. Đến tuổi 60 làm lễ vọng lão tuế, phải nộp 5 đồng và 1 thúng lúa. Lão tuế sẽ được miễn trừ sai dịch đến khi chết’ [15, tr.55].
Hay hương ước xã Tây Mỗ (nay thuộc Thành phố Hà Nội) quy định: ‘Trong xã, người nào đến 50 tuổi, phải sắm biện 1 con lợn, một mâm xôi, 1 chai rượu, 100 miếng trầu đem đến đình sở làm lễ yết thần, trình báo cho đồng dân cùng biết, rồi mới được dự vào hàng hương lão’ [16, tr.104].
Tương tự: ‘Người nào 60 tuổi khao dân một bữa và nạp tiền 6 quan, 1 buồng cau thì các lệ (khác ở làng) sẽ được kính biếu (thôn Thanh Cảm, xã Vu Gián, Bắc Giang)12. Hay Người nào từ 70 tuổi đến 90 tuổi được ngồi chiếu thượng lão, phải biện 1 con gà trống, 1 mâm xôi, 1 bình rượu và 10 quả cau đem đến sở đình hành lễ. Đồng dân sẽ mừng bằng một chiếc mũ’ (xã Phấn Lôi, Bắc Giang)13.
Tục lệ xã Trung Phụ, tổng Cần Dinh, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang có quy định hương ẩm cho cả lên lão, lên chức và thành đinh: ‘Người 60 tuổi được miễn thuế thân, nhưng ngày Rằm tháng Giêng phải đem 10 quả cau ra trình dân. Ai làm Lý phó trưởng phải khao dân. Ai 18 tuổi trở lên dâng một bữa rượu, lớn nhỏ không chấp. Kính dân 1 đồng, 1 buồng cau rồi được dân cho miễn phu đài’14. Thậm chí nhà có con trai mới sinh cũng phải trình làng: ‘Ai vọng Tư văn phải nộp 2 đồng và 20 quả cam. Ai mới sinh con trai mà muốn con vào hương ẩm phải trình làng 10 miếng trầu’ (xã Mật Ninh, Bắc Giang)15.
Hương ước xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam rất chú trọng đến việc thêm đinh và học hành của làng. Về việc thêm đinh, hương ước nói rõ: ‘Ngày Chín tháng Hai có lệ mừng người sinh con trai. Tiên chỉ, Hương trưởng cấp cho nhà ấy 2 đấu gạo nếp, thịt gà, thịt lợn, mỗi thứ 1 cân để động viên gia đình, đồng thời nhắc nhở gia đình chăm lo, dạy dỗ con cái thành người tốt, chăm chỉ học hành’ [15, tr.73]. Đây là làng quê nổi tiếng văn khoa, mà tiêu biểu có cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Việc chăm lo cho đinh và quan tâm như vậy thì không phải làng nào cũng có được. Đó là một sự khích lệ lớn ở tinh thần chứ không phải ở nắm xôi, đĩa thịt.
Đồng thời với việc hưởng ‘lộc’ của làng như trên, gia đình người có con trai, ngược lại cũng phải có nghĩa vụ trực tiếp với làng về vật chất bên cạnh việc dạy dỗ con cái phải nỗ lực học hành, không phụ sự kì vọng của các bậc kì lão trong làng: ‘Từ năm sinh con trai đến năm 49 tuổi, mỗi năm đóng mười cân thóc ở đình để gây quỹ công lợi. Cũng ngày Chín tháng Hai, ai từ 50 tuổi trở lên làm lễ vọng hương ẩm. Người làm vọng phải đóng 10 cân thóc, 1 hũ rượu (khoảng hai đấu gạo nếp), hai đồng tiền (trị giá bằng bốn đấu gạo) và 200 miếng trầu để xin làng công nhận’. Bên cạnh đó, trong làng, ‘ai có việc gì phấn chấn, thăng quan tiến chức thì nên sắm lễ gồm xôi, rượu, thịt lợn và tiền đồng để lễ thánh, tiền sung công tiêu. Nhiều ít tuỳ tâm nhưng lễ phải được coi trọng. Ngoài lễ thánh tại đình, cần làm lễ ở nhà thờ tổ tiên để khuyến khích con cháu’ [15, tr.73]. Tục lệ làng Và Hạ (còn gọi Vị Hạ, Hà Nam) rất đề cao tục trọng xỉ:
‘Cứ 50 tuổi lên lão làng, 60 tuổi lên lão cụ, 80 tuổi được dân làng mang võng lọng đến nhà rước ra đình để dân làng làm lễ mừng thọ. Lên lão cụ thì được “ăn” nhưng không phải đóng góp gì cho làng. Lễ mừng thọ 80 tuổi được tổ chức rất trọng thể, người đến 80 tuổi được võng ra đình, ngồi chiếu cạp giữa đình. Dân chúng lần lượt vào vái. Cụ già cứ ngồi yên đón nhận, không phải đứng đáp lễ’ [15, tr.95].
Song, để được trọng vọng giữa làng như thế, bên cạnh thọ mệnh được trời ban cho, các lão làng, lão cụ và gia đình từ khoảng Khai hạ (mồng Bảy tết) đến Thượng nguyên (Rằm tháng Giêng) phải sửa soạn mâm cỗ ‘mời quan viên, mời làng nước. Mâm cỗ hậu bạc tuỳ tâm, nhưng việc làm cỗ trong làng có tính ganh đua, có người làm xong phải bán đất, bán nhà, tha phương cầu thực’ [15, tr.98]. Như vậy, người nào muốn dự hương ẩm thì trước hết phải khao vọng, mời đồng dân xã trước để được ghi vào sổ hương ẩm.
Ngôi thứ và chỗ ngồi trong hương ẩm cũng thường được quy định rất rõ ràng. Muốn được phân ngôi thứ trong làng, người trẻ phải làm lễ nhập hương, người già phải làm lễ vọng hương lão, người đảm đương chức sự trong làng, người trong làng thi đỗ cũng phải có lễ khao vọng với làng. Trong lệ bạ giáp Ngạc Nhất xã Đông Ngạc (tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội) nói rõ cả lệ nhập hương lẫn hương lão:
‘Lệ nhập hương dâng 6 mạch tiền cổ, 1 mâm xôi, 20 khẩu trầu. Ngày mồng Một tháng Chạp biện lễ tại đình 1 mâm xôi hành lễ. Tiền và trầu nộp vào ngày 27 tháng Chạp. Lệ này cho người từ 18 tuổi và đã làm phu dịch cho làng đủ nửa năm trở lên. Đến ngày mồng Một tháng Chạp năm sau mới đủ điều kiện nhập hương theo chính lệ’16.
Ngoài việc khao vọng, hầu như tất cả mọi dịp tế tự ở làng nói chung đều có hương ẩm. Tế tự là một sự cầu mong âm phù dương trợ, mong các bậc thần thánh che chở và ban phát những điều tốt lành cho cuộc sống hiện tại.
VI. Kết luận
Tìm hiểu phong tục hương ẩm ở làng phản ánh qua hương ước chúng tôi thấy rất rõ sự rạch ròi ngôi thứ và nếu bỏ qua những tiểu tiết thì gần như có sự thống nhất giữa tất cả các làng. Trong văn hoá làng, người ta xem trọng danh dự hơn trọng lợi lộc. Việc duy trì, gìn giữ nề nếp ở làng thông qua bộ máy chức sắc và Hội Tư văn. Phong tục này nhìn chung là rườm rà, phức tạp nếu ta nhìn bằng cách nhìn của thời hiện tại. Nhưng phong tục tồn tại trong cộng đồng và được cộng đồng thừa nhận là có cái lí của nó. Qua phân tích nội dung hương ẩm như trên, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân sâu xa duy trì tục hương ẩm chính bởi nó là sợi dây cố kết con người, những người cùng làng lại với nhau. Ngồi được với nhau yến ẩm để thắt chặt tình cảm cộng đồng, cùng chia sẻ vấn đề trong cuộc sống. Đó cũng là một nét đẹp của nền văn hoá tôn trọng ý thức cộng đồng, lợi ích và trách nhiệm tập thể xuất phát từ truyền thống lao động, sinh hoạt rất lâu đời của nước ta.
Hương ẩm trong văn hóa Việt Nam một mặt rất nghiêm (nặng nề) để giữ gìn phong hoá, mặt khác, nó đảm bảo sự công bằng, dân chủ về quyền lợi và trách nhiệm giữa cá nhân với cộng đồng. Và thực tế, nó đã có được tác dụng tích cực trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam trước thế kỉ XIX. Trong bối cảnh hiện tại, những nội dung này của tục hương ẩm đã không còn giá trị như cũ. Nhưng con người Việt Nam vẫn thở bầu không khí làng Việt với mái đình, lễ hội và lễ tết hằng năm theo nếp mới và phong tục hương ẩm đang diễn ra theo nề nếp mới rất cần được nghiên cứu sâu tiếp theo.
__________
2 Tất cả dân chúng trong làng đều được hưởng ân huệ của thần.
3 Vô tửu bất thành lễ: Không có rượu thì không thành lễ.
4 Vũ Duy Mền đã xem tục thề (lễ thề, hội thề) là một trong những nguồn gốc hình thành hương ước [11, tr.57].
5 Yết thần kính dân: Kính cáo với thần linh của làng và kính khoản đãi dân chúng trong làng.
6 群良社俗例 (Quần Lương xã tục lệ), AF.a11/29.
7 Kính lão tôn hiền: kính người già và người giỏi, cũng giống nghĩa của tinh thần trọng xỉ và trọng khoa danh.
8 同水社俗例 (Đồng Thuỷ xã tục lệ), AF.a10/33.
9 相梅社俗例 (Tương Mai xã tục lệ), AF.a2/89.
10 于間社清敢村俗例 (Vu Gián xã, Thanh Cảm thôn tục lệ), AF.a13/12.
11 群良社俗例 (Quần Lương xã tục lệ), AF.a11/29.
12 于間社清敢村俗例 (Vu Gián xã, Thanh Cảm thôn tục lệ), AF.a13/12.
13 奮雷社俗例 (Phấn Lôi xã tục lệ), AF.a13/22.
14 忠負社鄉約 (Trung Phụ xã hương ước), Hư.116.
15 密寜社俗例 (Mật Ninh xã tục lệ), AF.a13/17.
16 東顎社顎一甲例簿 (Đông Ngạc xã, Ngạc Nhất giáp lệ bạ), AF.a2/73.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nhất Thanh. Đất lề quê thói. Hà Nội: Nhà Xuất bản Hồng Đức; 2016.
[2] Toan Ánh. Phong tục Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Văn nghệ; 2003.
[3] Phan Kế Bính. Việt Nam phong tục. Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn học; 2005.
[4] Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương. Hà Nội: Nhà Xuất bản Thế giới; 2014.
[5] Toan Ánh. Nếp cũ – Con người Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Trẻ; 2015.
[6] Lương Đức Thiệp. Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại (Khảo luận lịch sử – xã hội). Hà Nội: Nhà Xuất bản Tri thức; 2016.
[7] Nguyễn Văn Huyên. Văn Minh Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất bản Hội Nhà văn; 2017.
[8] Nguyễn Tôn Nhan (biên dịch và chú thích). Kinh Lễ. Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn học; 1999.
[9] Toan Ánh. Nếp cũ – Hội hè đình đám. Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh; 1992.
[10] Đoàn Văn Chúc. Văn hóa học. Hà Nội: Nhà Xuất bản Lao động; 2014.
[11] Vũ Duy Mền. Hương ước cổ làng xã Đồng bằng Bắc Bộ. Hà Nội: Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội; 2018.
[12] Đỗ Thị Hà Thơ. Nghiên cứu văn bản hương ước chữ Hán thế kỉ XVII – XVIII của Choson và so sánh với văn bản hương ước chữ Hán ở Việt Nam cùng thời kỳ [Luận án Tiến sĩ]. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; 2014.
[13] Ninh Viết Giao. Hương ước Nghệ An. Hà Nội: Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia; 1998.
[14] Ngô Tất Tố. Tuyển tập Ngô Tất Tố. Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn học; 2016.
[15] Hồ Đức Thọ. Lệ làng Việt Nam. Hà Nội: Nhà Xuất bản Hà Nội; 1999.
[16] Đỗ Thị Hảo. Lệ làng Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội: Nhà Xuất bản Thời đại; 2010.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh, số 38, tháng 6 năm 2020
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Phong tục Hương ẩm qua tư liệu Hương ước thế kỉ XVIII-XIX (Tác giả: Tạ Đức Tú) |