Quá trình chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức trong trường phổ thông thời thuộc Pháp
PROCESSUS D’AMENER LE “QUOC NGU” À DEVENIR LA LANGUE
OFFICIELLE DANS LES ÉCOLES COLONIALES FRANÇAISES
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN HỮU PHÚC[1]
(Phòng Tư liệu Trí Thông Đường, Thành phố Huế),
Cử nhân HỒ THỊ NGỌC HÀ[2]
(Hội Nông dân huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam)
TÓM TẮT
Song song với quá trình thôn tính và bành trướng xâm lược tại Việt Nam, người Pháp tăng cường đẩy mạnh thực thi chính sách giáo dục ngay khi vừa làm chủ vùng đất Nam Kỳ. Tuy nhiên, họ đã vấp phải một trở ngại lớn khi nền giáo dục Nho học ở Việt Nam vẫn còn tồn tại và đào tạo ra những trí thức yêu nước chống lại người Pháp. Những toan tính, mưu lợi trong chính sách giáo dục sẽ đi ngược lại sự mong đợi của người Pháp khi chữ Hán vẫn được người Việt sử dụng. Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục đối với công cuộc khai thác và bóc lột thuộc địa, chính quyền Pháp đã ban hành nhiều quy định bắt buộc chữ Pháp và chữ Quốc ngữ phải có trong chương trình giáo dục. Trong bài báo này, chúng tôi muốn làm rõ quá trình chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức trong các trường phổ thông, vấn đề sách giáo khoa và các tài liệu được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ vào nửa đầu thế kỉ XX.
Từ khóa: Chính quyền Pháp, chính sách giáo dục, chữ Quốc ngữ, ngôn ngữ chính thức, Việt Nam.
RÉSUMÉ
Parallèlement au processus d’annexion au Vietnam, les Français ont intensifié la mise en œuvre des politiques éducatives dès qu’ils possédaient la Cochinchine. Cependant, ils ont rencontré un gros obstacle quand l’éducation confucéenne du Vietnam existait encore et produisait des intellectuels patriotiques contre les Français. Les tentatives et intrigues dans la politique éducative étaient à l’encontre des attentes des Français lorsque les caractères chinois sont encore utilisés par les Vietnamiens. Comprenant bien l’importance de l’éducation pour l’exploitation de la colonie, le gouvernement colonial français a publié de nombreuses réglementations obligatoires sur le français et le quoc ngu dans le programme éducatif. Dans cet article, nous allons clarifier le processus de transformation du quoc ngu comme langue officielle dans les écoles secondaires ainsi que la question des manuels et des documents rédigés en quoc ngu dans la première moitié du XXe siècle.
Motsclés: Gouvernement colonial français, politique éducative, Quoc ngu, langue officielle, Vietnam.
x
x x
1. Dẫn nhập
Ngay trong buổi đầu bình định vùng đất Nam Kỳ, người Pháp nhận thấy mình phải đối diện với một nền giáo dục Nho học đã bắt rễ từ hàng ngàn năm trong lịch sử của người Việt, họ chủ trương thay thế Hán học, hướng tinh thần người dân về với nước Pháp bằng cách thiết lập giáo dục hoàn toàn mới cho người bản xứ. Chính nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ trong bộ máy hành chính dân sự và các ngành kinh tế trong xã hội thuộc địa đã thúc đẩy chính quyền Pháp đẩy mạnh quá trình Pháp hóa, thế tục hóa nền giáo dục của Việt Nam. Để từng bước tổ chức và xác lập nền giáo dục mới ở Việt Nam, ngoài việc sử dụng chữ Pháp, người Pháp còn chủ trương sử dụng chữ Quốc ngữ trong các hoạt động hành chính, từng bước đưa chữ Quốc ngữ vào chương trình giảng dạy tại các trường phổ thông.
Xét trên phương diện mục đích sử dụng, người Pháp xem chữ Quốc ngữ là công cụ hiệu quả thực hiện trong công việc hành chính, làm phương tiện chuyển ngữ để người Việt sang học tiếng Pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người Pháp thực hiện các chính sách cai trị và khai thác thuộc địa. Vì thế, từ cuối những năm 60 của thế kỉ XIX, chính quyền thuộc địa Nam Kỳ đã ban hành các nghị định bắt buộc sử dụng chữ Quốc ngữ trong các giấy tờ hoặc thư từ hành chính. Đến đầu thế kỉ XX, dưới thời cai trị của Toàn quyền Paul Beau và Albert Sarraut, họ đã lần lượt thực hiện hai cuộc cải cách giáo dục lớn (năm 1906 và 1917), chữ Quốc ngữ cũng đã có nhiều điều chỉnh trong chương trình giáo dục Pháp-Việt. Sau khi Merlin lên nắm Toàn quyền Đông Dương vào năm 1923, ông đã chủ trương phát triển giáo dục “theo chiều ngang”, chuyển trọng tâm sang bậc Tiểu học, mở rộng giáo dục làng xã. Cũng theo chủ trương đó, chữ Quốc ngữ được chính thức trở thành ngôn ngữ bắt buộc đối với ba lớp đầu của bậc Tiểu học. Đây là một điểm khác biệt trong chủ trương thực hiện chính sách so với những Toàn quyền tiền nhiệm và tạo điều kiện cho chữ Quốc ngữ được giảng dạy chính thức, được phổ biến rộng rãi trong những giai đoạn về sau.
2. Lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam
Quá trình hình thành chữ Quốc ngữ kéo dài hơn ba trăm năm, tính từ ngày những giáo sĩ phương Tây đầu tiên đặt chân lên đất Việt tiếp xúc với người bản địa cho đến khi tờ Gia Định Báo[3] ra đời. Chữ Quốc ngữ là một công trình tập thể được thực hiện bắt đầu từ thế kỉ XVII, khi các nhà truyền giáo đến hoạt động tại Việt Nam. Đó là quá trình chuyển đổi từ ngôn ngữ chữ Hán-Nôm sang tiếng Việt bằng ký tự Latinh, mà nghĩa của nó về cơ bản vẫn là nghĩa không có sự thay đổi. “Khi đến Việt Nam truyền đạo, các giáo sĩ không sử dụng chữ Hán, chữ Nôm sẵn có, họ tìm cách sáng chế ra một thứ chữ viết mới ghi âm tiếng Việt tiện lợi cho công cuộc truyền giáo, mà sau này gọi là chữ Quốc ngữ” (Phong, 2018, tr. 11). Trong khi đó, để đảm bảo việc truyền giáo có hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam, các giáo sĩ phải học tiếng Việt. Theo sự nhìn nhận của nhiều giáo sĩ thì tiếng Việt là ngôn ngữ rất khó học và họ cũng lí giải tiếng Việt khó là vì: “1-Tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ (không biến đổi hình thái theo chức năng ngữ pháp). 2-Cùng một tiếng phát ra một cách khác nhau, có thể chi nhiều nghĩa và thường lại có nghĩa đối nghịch nhau. 3-Thanh của mỗi tiếng, đôi khi rất nhẹ và khá tệ nhị. 4-Cách phát âm: Trong khi đọc một tiếng, người ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi và họng cùng hoà hợp phát ra một tiếng vừa phải và chính xác. Cùng một tiếng, thêm, bớt, hay là uốn hạ thanh, đều làm cho nghĩa khác nhau” (Lợi, 2016, tr. 890-891).
Do người Việt quen sử dụng chữ Nôm và chữ Hán, nên việc truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây đã gặp khó khăn rất nhiều. Vì thế, các giáo sĩ đã tìm cách nhờ những phiên dịch ngoại kiều biết tiếng Latinh và những trí thức Việt Nam hỗ trợ trong việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. “Các tư gia, đình làng, phố chợ… đều có thể là cơ sở học tiếng Việt của giáo sĩ. Tiểu thương buôn bán ở phố, chợ, nông dân các làng mạc, tín đồ theo đạo, đến các sư sãi, quan lại, sinh đồ… đều có thể là “thầy” dạy tiếng Việt của các giáo sĩ” (Trang, 2016, tr. 712). Có thể nói, sự giúp đỡ một cách nhiệt thành của các thầy người Việt cùng sự chăm chỉ trong học tập, nhiều giáo sĩ đã nói và nghe được tiếng Việt. Theo Cristoforo Borris-một giáo sĩ Dòng Tên từng sống ở Hội An từ năm 1618-1622 nhận định rằng: “tiếng Việt là tiếng dễ dàng nhất đối với họ” (Chính, 2007, tr. 15) và “người ta dễ thấy là ngôn ngữ này rất dễ học, và thực ra trong sáu tháng chuyên cần, tôi đã học đủ để có thể nói chuyện với họ và giải tội được nữa, tuy chưa được tinh thông lắm, vì thật ra muốn cho được thành thạo thì phải học bốn năm trọn” (Borri, 1998, tr. 74-75).
Khi các nhà truyền giáo đến Đàng Trong đã bắt đầu áp dụng mẫu tự Latinh vào tiếng Việt. “Thực ra đây là một cách bắt chước các nhà truyền giáo Dòng Tên Tây phương ở Nhật Bản. Vì đầu thế kỉ thứ 17, họ cũng đã cho xuất bản một vài cuốn sách ngữ vựng và ngữ pháp Nhật theo mẫu tự abc” (Chính, 2007, tr. 23). Trong các giáo sĩ Dòng Tên có một linh mục xuất sắc, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng chữ Quốc ngữ, đó là Francisco de Pina (1585–1625). Ông là người đã khởi xướng và đóng góp đáng kể cho việc dùng bảng chữ cái Latinh để ghi chữ Quốc ngữ. Sau Francisco de Pina có nhiều giáo sĩ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp tục xây dựng chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ có công lớn là Gaspar d’Amaral (1592-1646), Antonio Barbosa (1594-1647) và Alexandre de Rhodes (1591-1660). Tuy các giáo sĩ như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa có công lón trong việc nghiên cứu tiếng Việt và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng họ vẫn chưa xây dựng hệ thống ghi âm tiếng Việt một cách hoàn chỉnh. Phải dến khi Alexandre de Rhodes cho xuất bản cuốn Từ điển Việt-Bồ-La thì hệ thống ghi âm tiếng Việt mới cơ bản hoàn thiện.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, thời kỳ sáng tạo chữ Quốc ngữ có thể chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái La Mã (chữ Quốc ngữ không có dấu) và giai đoạn phiên âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ có dấu. Francisco de Pina, Antonio de Fontes là những con người thuộc giai đoạn chữ Quốc ngữ không có dấu, còn Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes thuộc giai đoạn phiên âm tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ có dấu.
Đến thế kỉ XVIII, chữ Quốc ngữ tiếp tục được các giáo sĩ phương Tây hoàn thiện về hình thể chữ viết, cách viết hầu như không khác nhiều so với hiện nay qua một số tài liệu viết tay của Philiphê Bỉnh và cuốn Từ điển Việt-Latinh của Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc)[4] xuất bản năm 1772. Sau đó, cuốn Từ điển Việt-Latinh (Dictionarium Anamitico – Latinum) được Linh mục Jean Louis Taberd xuất bản năm 1838. Như vậy, chữ Quốc ngữ ở thế kỉ XVIII đã có nhiều biến đổi so với thời kỳ chữ Quốc ngữ ở thế kỉ XVII, được đổi mới, chỉnh lí và hoàn chỉnh hơn, đặt nền móng cho việc hoàn thiện chữ viết này trong những giai đoạn tiếp theo.
Ở đầu thế kỉ XIX, chữ Quốc ngữ tiếp tục hoàn thiện do công lao của nhiều giáo sĩ phương Tây, tiêu biểu là Linh mục J.L Taberd. Năm 1820, Taberd sang Việt Nam truyền đạo đã sử dụng các tài liệu về chữ Quốc ngữ của những người đi trước, nhất là kham thảo cuốn Từ điển Việt-Latinh của Pigneau de Béhaine để biên soạn cuốn là Từ điển Annam- Latinh (Dictionarium Annamitico-Latinum) thường gọi là Nam Việt dương hiệp từ vựng vào năm 1838. Về giá trị của cuốn từ điển này, nhiều nhà nghiên cứu nhận xét như sau: “Sự chỉnh lí chữ Quốc ngữ trong cuốn Từ điển Annam-Latinh năm 1838 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của chữ Quốc ngữ”. (Phong, 2018, tr. 21). Còn “Nam Việt dương hiệp từ vựng của Taberd không những hoàn hảo hơn quyển tự điển của Alexandre de Rhodes mà còn được sử dụng làm gốc cho các quyển từ điển in sau này như Dictionaire Élémentaire Annamite Francais của Legrand de la Liraye in năm 1868, Dictionarium Latino Annamiticum của Ravier in năm 1880, Petit Dictionaire Francais Annamite của Trương Vĩnh Ký xuất bản vào năm 1884 (bản in nhà Chung Sài Gòn, sách dày 1.192 trang)” (Quý, 2016, tr. 754).
Có thể nói, từ khi hình thành cho đến trước năm 1862, chữ Quốc ngữ vẫn chưa được sử dụng trong xã hội Việt Nam, ngoại trừ được sử dụng trong cộng đồng Công giáo, trong khi các tầng lớp nhân dân Việt Nam vẫn chưa biết đến sự ra đời và tồn tại của thứ chữ viết này. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là: một là, một bộ phận trí thức dân tộc vẫn còn đề cao chữ Hán[5], chưa nhận ra những ưu việt và sự phù hợp của chữ Quốc ngữ đối với con người, văn hóa Việt Nam; hai là, vì triều Tây Sơn và triều Nguyễn không có thiện cảm với thứ chữ của các nhà truyền giáo sáng tạo ra. Cho tới khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với các công văn quy định phải sử dụng chữ Quốc ngữ, từ đó, loại hình chữ viết này mới từng bước được xác lập trong xã hội Việt Nam.
3. Tiến trình chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính trong chương trình giáo dục phổ thông thời thuộc địa (1862-1945)
Để chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức trong chương trình giáo dục tại các trường phổ thông Pháp-Việt là một quá trình dài và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong giai đoạn đầu, việc truyền bá, giảng dạy chữ Quốc ngữ trong nhà trường không hề dễ dàng, đôi khi còn vấp phải sự chống đối của các văn thân yêu nước, vì cho đó là thứ chữ của “kẻ đi xâm lược”. Vì không được ủng hộ, nên việc mở trường và lôi kéo các học sinh đến trường cũng là quá trình với nhiều khó khăn và thất bại, do đó chính quyền thực dân đã phải dùng đến biện pháp “ép buộc”. Mặc dù ban đầu vẫn có rất nhiều người ngần ngại trong việc học và sử dụng chữ Quốc ngữ theo sự “cưỡng bức” của người Pháp, nhưng dù muốn hay không họ vẫn phải học.
Nhận thấy chữ Quốc ngữ là một công cụ thuận tiện cho sự cai trị và cung cấp cho họ một vũ khí mạnh trong trận chiến để loại trừ chữ viết Trung Hoa[6], nên người Pháp khuyến khích sử dụng trong dân chúng. Chính vì thế, sau khi Đô đốc De La Grandière thay Bornard đã chủ trương mở trường Tiểu học ở các tỉnh để dạy chữ Quốc ngữ và dạy toán thông qua Nghị định ban hành vào ngày 16/7/1864. Để thúc đẩy việc học chữ Quốc ngữ, người Pháp còn “cho xuất bản cấp tốc ba cuốn sách giáo khoa, một về các mẫu chữ quốc ngữ, hai cuốn về số học và hình học sơ giản. Để thay thế cho các tập sách đọc mà họ chưa kịp biên soạn, đồng thời để tuyên truyền cho chế độ thuộc địa họ đã phát đến tận tay các học sinh tờ Nguyệt san thuộc địa hoặc tờ Gia Định báo” (Báu, 2006, tr. 37). Như vậy, từ thời điểm này này chữ Quốc ngữ đã bắt đầu được dạy trong nhà trường nhưng thời lượng còn ít. Đến ngày 22/2/1869, Phó Đô đốc G.Ohier đã ra một Nghị định bắt buộc tất cả các giấy tờ của nhà nước phải viết bằng chữ Quốc ngữ. Tiếp đến, ngày 14/11/1874, Chuẩn Đô đốc hải quân, Thống soái Nam Kỳ Francois Krantz ký Nghị định mở trường Chansseloup Laubat để dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho con em quan chức là người Pháp và người Việt ở Nam Kỳ.
Ngày 6/4/1878, một Nghị định khác do Chuẩn Đô đốc hải quân, Thống soái Nam Kỳ Louis Lafont được ban hành, tiếp tục bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ với nội dung như sau:
“1. Kể từ 1/1/1879, các văn kiện chính thức phải thảo bằng chữ Quốc ngữ.
2. Kể từ 1/1/1882, mọi sự tuyển dụng nhân sự phải dựa vào khả năng biết chữ Quốc ngữ.
3. Mọi công chức nếu giỏi chữ Quốc ngữ sẽ miễn nhiều loại thuế và dịch vụ” (Việt, 2007, tr. 380).
Để chính thức đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy tại các trường ở Nam Kỳ, chính quyền thuộc địa Pháp ban hành Nghị định cải tổ giáo dục vào ngày 17/3/1879. Theo đó, chữ Quốc ngữ được dạy ở cả ba cấp và dạy song song với lớp Pháp ngữ. Thống đốc Nam Kỳ Lemyre de Viler trong một Thông tư ra ngày 28/10/1879 còn quy định: “Mỗi lần, những làng của một tổng có thể thực hiện được, nhà cầm quyền sẽ ra Nghị định riêng cho địa hạt đo dùng chữ Quốc ngữ trong các giấy tờ và công văn hành chính. Ngoài ra, De Viler còn quy định thưởng từ 50 đến 100 đồng cho những làng nào viết được các công văn bằng quốc ngữ” (Báu, 2006, tr. 52). Với quy định này đã phần nào tác động đến việc học chữ Quốc ngữ tại các địa phương ở Nam Kỳ, từ đây các gia đình cho con em mình đến trường học thứ chữ này. Mặc dù, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ thực hiện nhiều biện pháp để truyền bá chữ Quốc ngữ nhằm thay thế chữ Hán và xoá bỏ nền giáo dục Nho học, nhưng sau 25 năm, người Pháp vẫn không đạt được mục đích này, vì nhiều người vẫn không biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ. Vì vậy, người Pháp đã tỏ ra thận trọng hơn khi tổ chức nền giáo dục mới ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong những giai đoạn về sau.
Đối với Bắc Kỳ, tháng 8/1886, Paul Bert ban hành một Nghị định về dạy chữ Quốc ngữ, chữ Hán kết hợp với chữ Pháp ở trường tư tại Bắc Kỳ. Về việc dạy chữ Quốc ngữ tại các trường tư tại Hà Nội được Dumoutier mô tả như sau: “Để chuẩn bị cho việc phổ biến một hệ thống các khóa học dạy chữ Quốc ngữ trong khi chưa xây dựng được các trường học, chúng tôi đã tới tham quan một số khóa học ở Hà Nội, những giáo viên có gốc Hà Thành. Rất đông người theo học những khóa này, sau một tháng đã có 120 người tới dự, những người này sau lại trở thành giáo viên dạy chữ Quốc ngữ ở các trường học mà họ tự mở ở thành phố và thôn quê” (Dimoutier, 1887, tr. 19). Mặc dù trong thời gian này, ở Bắc Kỳ, các kỳ thi Hán học truyền thống vẫn được duy trì như cũ, nhưng theo từng năm có bổ sung thêm chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, toán học và một số môn khoa học khác. Có thể nói, việc đưa các môn học khoa học tự nhiên vào trong chương trình giáo dục phổ thông đã thể hiện “triết lý giáo dục mà người Pháp đã mang đến: học để tích luỹ kiến thức khoa học kỹ thuật và để làm được việc, thay vì học để làm quan như thời phong kiến” (Hương, 2017, tr. 20). Bên cạnh đó, Paul Bert còn chủ trương mở nhà in chữ Hán và tổ chức một tờ báo chữ Hán có phần dịch ra chữ Pháp và chữ Quốc ngữ để làm cơ quan ngôn luận cho Viện Hàn lâm Bắc Kỳ[7].
Để nhấn mạnh vai trò của chữ Quốc ngữ trong chính sách cai trị tại thuộc địa, trong một lá thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đề ngày 4/5/1887, Giám mục Puginer[8] có đưa ra tám biện pháp phải làm để biến Bắc Kỳ thành xứ thuộc địa của Pháp[9] và sau đây là nguyên văn biện pháp thứ hai: “Việc thứ hai mà chúng ta cần làm là phải xoá bỏ việc dùng chữ Nho, tiếp đó cần thay thế bằng chữ Quốc ngữ và sau cùng là thay thế bằng chữ Pháp. Nhưng việc này phải được tiến hành từ từ, không ồn ào để tránh làm mếch lòng dân chúng vốn đã quen dùng chữ Nho và cũng vì một lý do chính trị khác nữa là tránh làm phật ý Trung Quốc… Cần phải dạy cho người Việt biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ càng nhanh càng tốt. Công việc này tiến hành dễ dàng và thiết thực hơn là học và đọc chữ Nho rất nhiều. Trong khoảng vài năm, chúng ta phải làm sao cho các thứ văn bản, các thứ giấy tờ trước đây viết bằng chữ Nho nay phải viết bằng chữ Quốc ngữ. Trong khi đó việc dạy chữ Pháp cũng phải được tiến hành khẩn trương để chuẩn bị cho một thế hệ mới có thể cung cấp các viên chức bước đầu dùng được tiếng Pháp. Như vậy trong khoảng từ 20 năm đến 25 năm chúng ta mới có thể đòi hỏi tất cả mọi thứ văn bản, mọi thứ giấy tờ phải viết bằng chữ Pháp và bằng cách đó chữ Nho sẽ bị rơi vào quên lãng mà không cần phải cấm đoán.
Khi đạt được những kết quả nói trên, chúng ta mới có thể triệt tiêu được phần ảnh hưởng của Trung Quốc đối với xứ Annam và đảng Văn thân vốn thù nghịch với sự có mặt của người Pháp cũng dần dần sẽ bị thủ tiêu.
Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn và tôi cho rằng sau vấn đề “Thiên Chúa giáo hóa” xứ này (chỉ xứ Bắc Kỳ), việc xóa bỏ chữ Nho để thay thế bằng chữ Quốc ngữ, rồi tiếp đó là bằng chữ Pháp là một biện pháp rất chính trị, rất thực tế và rất có hiệu quả để thiết lập nên một “Tiểu Pháp quốc” ở Viễn Đông” (Kiệm, 2001, tr. 372-373). Theo đó, người Pháp đã mở rất nhiều trường Pháp-Việt ở Bắc Kỳ, nếu tính đến năm 1900, Pháp đã thành lập được 41 trường Pháp-Việt.
Trong giai đoạn từ năm 1896 đến năm 1900, do nhu cầu phiên dịch, chính quyền Pháp đã có nhiều điều chỉnh đối với trường Thông ngôn và thành lập trường Hậu Bổ để đào tạo những nhân viên đủ tiêu chuẩn phục vụ cho bộ máy hành chính và công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Trong năm 1896, Phủ Toàn quyền cũng đã ban hành Nghị định quy định quan lại người Việt muốn làm quan phải thi tiếng Pháp, dịch chữ Hán ra chữ Quốc ngữ và làm toán. Cũng trong thời gian này, tại Trung Kỳ, chính quyền thuộc địa cho thành lập trường Quốc học (1896) để dạy tiếng Pháp cho những quan lại trong triều đình. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký sắc luật đưa chữ Quốc ngữ vào các kỳ thi Hương. Theo quy định này thì từ năm 1903 trở đi, chữ Pháp và chữ Quốc ngữ sẽ trở nên bắt buộc trong các kỳ thi Hương và dĩ nhiên chỉ những người biết tiếng Pháp mới được tuyển dụng vào cơ quan của chính quyền thuộc địa.
Đến thời cai trị của Toàn quyền Paul Beau, ông là người có tinh thần cấp tiến và mềm mỏng, chủ trương khai hóa dân trí, thành lập các trường học. Khi nhận thấy ở ba kỳ của Việt Nam tồn tại với ba chế độ giáo dục khác nhau đã làm cho người Pháp khó khăn trong việc điều hành, tổ chức và chỉ đạo nên Paul Beau đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục vào năm 1906. Trong bối cảnh các trường dạy chữ Hán vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhiệm vụ đầu tiên mà thực dân Pháp đặt ra là phải cải cách các trường này và dần chuyển sang nhà trường kiểu mới. Ngày 8-3-1906, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định thành lập Hội đồng hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement indigene) nhằm bàn bạc về việc tiến hành cải cách các trường bản xứ vào hệ thống giáo dục công lập dưới quyền của Nha Học chính.
Hội đồng nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 11/4/1906 với sự có mặt của vua Thành Thái và toàn quyền Paul Beau. Sau một tháng bàn bạc thảo luận, Hội đồng đã soạn ra bản Quy chế giáo dục. Trong bản Quy chế giáo quy định chương trình dạy chữ Quốc ngữ ở mỗi bậc học trong ba hệ thống giáo dục với nội dung như sau:
Hệ thống giáo dục Pháp-Việt (Franco Indinene) được tổ chức lại, gồm hai bậc:
Bậc tiểu học Pháp-Việt: chương trình đào tạo có 4 lớp: Lớp nhất, lớp nhì, lớp ba và lớp bốn. Ở cuối mỗi bậc, chính quyền thuộc địa Pháp sẽ tổ chức kỳ thi để lấy bằng tốt nghiệp tiểu học Pháp-Việt. Chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp với các môn như: Tập viết, Từ vựng và tập đối thoại, Tập làm văn, Lịch sử, Chính tả, Địa dư, Toán Pháp, Đo lường, Luân lí, Kế toán, Hình học,… Còn chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) và chữ Hán chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp với các môn học sau đây: Quốc ngữ, chính tả, luận, tập dịch Việt Pháp, học thuộc lòng và chữ Hán.
Số giờ học tiếng Pháp, tiếng Việt và chữ Hán trong chương trình giáo dục Tiểu học Pháp-Việt
Lớp | Pháp | Việt | Hán | Chú thích |
Tư Ba Nhì Nhất | 23 giờ 30 22 giờ 23 giờ 30 22 giờ | 3 giờ 45 5 giờ 15 3 giờ 45 3 giờ 45 phút | 30 phút 30 phút 30 phút 2 giờ | Tổng số giờ học trong tuần là 27 giờ 45 phút |
Bậc Trung học: điều kiện để vào học cấp học này là học sinh phải tốt nghiệp bậc Tiểu học và thi đậu mới được vào học. Chính phủ thuộc địa Pháp quy định chương trình giáo dục 5 năm, với hai chương trình: Trung học đề nhất cấp học trong 4 năm và Trung học đệ nhị cấp học 1 năm.
Hệ thống giáo dục Bản xứ (giáo dục trường chữ Hán): Trong chương trình cải cách giáo dục các trường chữ Hán, Toàn quyền Paul Beau quán triệt hai nội dung cơ bản sau: “Trong khi chưa có điều kiện xoá bỏ, phải giữ lại nền giáo dục chữ Hán cổ truyền ở mức độ nào. Làm thế nào để đưa một chương trình khoa học, nhưng lại phải dùng chữ Quốc ngữ làm chuyển ngữ?” (Báu, 2006, tr. 68). Trên cơ sở của hai yêu cầu này, chương trình đào tạo giáo dục Bản xứ được chia làm ba bậc:
Bậc Ấu học: “Trường Ấu học dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ; tốt nghiệp Ấu học, học sinh dự thi Tuyển, đỗ gọi là “Tuyển sinh” (Hoa, 2010, tr. 53). Bậc Ấu học có 3 loại trường: “Trường 1 năm cho những làng xa xôi hẻo lánh nên chỉ dạy chữ Quốc ngữ, không dạy chữ Hán và chữ Pháp. Trường 2 năm dạy Quốc ngữ và chữ Hán. Trường 3 năm dạy cả 3 thứ chữ Quốc ngữ, Hán mình Pháp. Ở 2 loại trường 2 năm và 3 năm chữ Hán không bắt buộc nhưng chữ Pháp thì bắt buộc. Sau khi học xong bậc ấu học sẽ có một kỳ thi gọi “hạch tuyển” người đậu sẽ được cấp bằng tuyển sinh” (Báu, 2008, tr. 13). Những bài thi Tuyển chỉ dùng chữ Quốc ngữ.
Bậc Tiểu học: Dạy ở phủ, huyện (trường Giáo thụ, trường Huấn đạo) chỉ học trong 2 năm. Học sinh học chữ Hán và chữ Quốc ngữ, thêm môn số học và địa lý, lịch sử đơn giản, tuy nhiên, chữ Quốc ngữ chiếm số giờ nhiều nhất là 15 giờ 30 phút mỗi tuần, còn chữ Hán chỉ chiếm 10 giờ. Riêng chữ Pháp có số lượng giờ ít hơn chỉ chiếm gần 10 giờ, tập trung trong hai môn chính là tập đọc và tập làm văn. Giáo viên khi dạy bậc Tiểu học phải biết chữ Quốc ngữ. Tốt nghiệp tiểu học, học sinh dự thi Khảo khóa phải hoàn ba bài viết bắt buộc: 1) Luận chữ Hán; 2) Chính tả chữ Quốc ngữ và trả lời các câu hỏi liên quan đến lịch sử, địa lý, khoa học; 3) Dịch chữ Hán sang chữ Quốc ngữ và ngược lại, ngoài ra có bài tiếng Pháp tự chọn, đỗ gọi là “Khóa sinh”.
Bậc Trung học: Dạy ở các trường tỉnh (trường Đốc học). Cũng giống như bậc Ấu học và bậc Tiểu học, chương trình học vẫn gồm các môn liên quan đến ba ngôn ngữ này, chỉ có khác chữ Quốc ngữ và chữ Pháp được dạy nhiều hơn chữ Hán. Chữ Quốc ngữ học mỗi tuần 16 giờ, chữ Pháp học 12 giờ mỗi tuần tập trung vào môn tập làm văn chữ Hán, còn chữ Hán chỉ có 7 giờ. Chữ Hán do Đốc học dạy, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp do giáo viên trường Pháp-Việt sở tại dạy. Tốt nghiệp Trung học, học sinh thi “Hạch” phải làm 4 bài theo quy định: 1) bài luận chữ Hán (văn sách); 2) bài luận chữ Quốc ngữ (về văn hóa hoặc lịch sử); 3) bài luận chữ Quốc ngữ trình bày các vấn đề liên quan đến địa lý, khoa học tự nhiên; 4) bài luận tiếng Pháp (không bắt buộc) dịch từ Pháp ra tiếng Việt và ngược lại, đỗ gọi là “Thí sinh”.
Tiếp đến là cải cách kỳ thi Hương: Theo Nghị định ngày 2 tháng 11 năm 1911 quy định chỉ những người có bằng “Thí sinh” mới được dự thi Hương. Kỳ thi Hương gồm 4 bài thi: 1) bài thi bằng chữ Hán; 2) bài thi bằng chữ Quốc ngữ liên quan đến văn học, địa lí, khoa học; 3) bài thi tiếng Pháp có hai vấn đề: dịch từ tiếng Pháp sang chữ Hán và từ chữ Quốc ngữ ra chữ Pháp); 4) bài luận tóm tắt gồm ba vấn đề (bài luận chữ Hán, bài luận chữ Quốc ngữ và bài dịch từ chữ Hán sang chữ Pháp).
Như vậy, trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, Toàn quyền Paul Beau vẫn để hệ thống giáo dục Pháp-Việt tồn tại song song với giáo dục Nho học tại Việt Nam. Nếu như trước kia, chữ Quốc ngữ chỉ được quy định mang tính chấp vá, từng phần thì cuộc cải cách giáo dục của Paul Beau vào năm 1906 mang tính toàn diện hơn, hai chữ viết này được ưu tiên học trong nhiều giờ so với chữ Hán. Chính quyền thuộc địa đã xây dựng chương trình giáo dục, đổi mới nội dung sách giáo khoa gắn liền với chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, việc chính quyền thuộc địa Pháp áp đặt chữ Quốc ngữ và chữ Pháp không được người dân Việt Nam ủng hộ vì những ngôn ngữ này chưa quen và gặp nhiều rắc rối khi đọc và làm văn. Do đó, với mong trong thời gian ngắn có thể đào tạo được một số nhân công kỹ thuật và viên chức làm việc đã không đáp ứng được. Do đó việc tiến hành cải cách giáo dục lần hai là một việc cần thiết phải làm, hơn nữa những thất bại và thành công trong việc tổ chức và điều hành giáo dục trong lần thứ nhất cũng là những kinh nghiệm lớn để họ tiến hành công việc hệ trọng này.
Sự tồn tại song song hai nền giáo dục là một việc bất đắc dĩ, khi chưa có điều kiện để xóa bỏ nền giáo dục Nho giáo, hơn nữa kết quả đào tạo của cuộc cải cách giáo dục năm 1906 đã không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cũng cần phải nói thêm rằng, chính sự tồn tại cùng một lúc hai nền giáo dục đã làm tăng mâu thuẫn giữa những người “cựu học” và “tân học” ngay trong một thế hệ học sinh. Đây chính là cơ sở để Albert Sarraut sau khi bổ nhiệm Toàn quyền Đông Dương đã thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai.
Trong sự tính toán của mình, Albert Sarraut coi giáo dục là một công cụ quan trọng cho chính sách khai thác thuộc địa lần thứ hai, vì: “trước hết, thông qua giáo dục, đặc biệt thông qua việc truyền bá tư tưởng của người Pháp, nhà cầm quyền có thể tạo nên một đội ngũ trí thức thượng lưu bản xứ làm chỗ dựa; sau nữa, giáo dục tạo nên lực lượng lao động có tay nghề, có tri thức, nhờ đó thúc đẩy hiệu quả kinh tế” (Hoa, 2012, tr. 115).
Trên cơ sở của chương trình Trung học của Toàn quyền Klobukowsky năm 1910, ngày 1/12/1913, Albert Sarraut ký phê duyệt chương trình Cao đẳng Tiểu học cho các học sinh trường Trung học lớn (Grand Collège) trong trường Bảo Hộ (Trường Bưởi). Theo đó, trường Bảo Hộ được chia làm 2 ban: Ban Tiểu học (Petit Collège) học 4 năm theo chương trình của các trường Tiểu học Pháp-Việt. Chương trình Cao đẳng Tiểu học của Albert Sarraut quy định như sau: “tiếng Pháp chiếm 7 giờ một tuần (gồm các môn Tập đọc, Chính tả, Từ Vựng, Ngữ Pháp. Luận; Quốc văn 3 giờ một tuần (gồm môn Dịch, viết Luận, Chính tả); Hán văn 2 giờ. Ngoài ra còn có các môn Luân lý, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Cách trí, Hóa học, Vạn vật học, Tập viết (chữ nghiêng, bút pháp), Vẽ” (Hoa, 2012, tr. 81). Ngày 21/12/1917, Toàn quyền Albert Sarraut ký Nghị định ban hành bộ Học chính Tổng quy (Règlement général de l’Intruction publique). Nội dung Học chính Tổng quy quy định về hệ thống giáo dục, cơ cấu tổ chức các loại trường, chương trình đào tạo, quy định về lương và giáo viên, cách thức đánh giá, thi cử, thanh tra nhà trường, ngân sách. Cũng theo bộ Học chính, tên gọi trường Pháp-Việt đổi thành trường Pháp-Bản xứ, đây cũng là quy định chung cho tất cả các trường toàn xứ Đông Dương.
Về nội dung dạy chữ Quốc ngữ, Albert Sarraut gửi thông tư cho các tỉnh vào tháng 3/1918 nêu rõ một số nội dung như sau: “Theo quy chế mới thì chỉ những trường sơ đẳng mới dạy hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ, còn các trường tiểu học kiêm bị thì hai lớp dưới học bằng chữ quốc ngữ, thì lớp ba trở lên phải dùng hoàn toàn tiếng Pháp” (Báu, 2006, tr. 89). Mặc dù bộ Học chính quy định rằng kể từ lớp 3 (lớp Moyen), tiếng Pháp bắt buộc trong chương trình toàn cấp (các trường kiêm bị hay cụ thể tiểu học), các trường làng không bắt buộc phải học tiếng Pháp (Điều 134 Học chính Tổng quy). Như vậy, trong 5 năm bậc Tiểu học, 3 năm đầu, học sinh học các môn bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Hán không bắt buộc; 2 năm cuối bắt buộc học các môn bằng chữ Pháp. Riêng 4 năm bậc Trung học, mỗi tuần chỉ có 3 giờ quốc văn trong tổng số 27 giờ học mỗi tuần. Và cũng nói thêm rằng, với việc ban hành quy định như vậy, người Pháp đã từng bước loại bỏ Nho học trong chương trình giáo dục. Chính vì vậy, sau khoa thi Hương năm 1915, ở Bắc Kỳ không tổ chức thi Nho học nữa, trong khi ở Trung Kỳ, khoa thi Hương diễn ra cuối cùng năm 1918 và thi Hội vào năm 1919.
Tuy nhiên, muốn thông hiểu được nền giáo dục mới một cách hoàn chỉnh thì phải học tiếng Pháp bởi vì sách tiếng Việt không đủ kiến thức để dạy cho học sinh. Nam Phong tạp chí “giải thích” cho việc Bộ Học chính Tổng quy yêu cầu sử dụng tiếng Pháp trong trường: “Sách giáo khoa bằng tiếng Việt dạy trong các trường sơ đẳng cũng rất cần thiết. Song nếu các trường tiểu học mà chỉ dạy bằng chữ quốc ngữ thì học trò không thể trực tiếp nhận thức thế giới, kiến thức sẽ bị hạn chế trong phạm vi họ sinh ra và lớn lên, không thể mở rộng ra được. Vì tiếng Việt không được dùng trong các văn bản trên thế giới, cũng như chưa đủ danh từ khoa học để diễn đạt các môn học mới từ phương Tây. Do đó chỉ tiếng Pháp mới có thể giúp thanh niên mở mang tri thức. Vậy nên phải dạy tiếng Pháp trong các trường tiểu học” (Nam Phong, 1918, tr. 340).
Với cải cách giáo dục lần thứ hai, chính quyền thuộc địa Pháp đã làm được hai việc lớn là xoá bỏ nền giáo dục phong kiến và củng cố, mở rộng giáo dục theo mô hình phương Tây. Thông qua việc thay thế chữ Quốc ngữ thành chữ Pháp, nền giáo dục Việt Nam theo định hướng Pháp đã “từng bước hoàn thiện bằng những hình thức phù hợp, như tổ chức loại trường phổ cập giáo dục ở nông thôn, phát triển giáo dục trong cộng đồng các dân tộc ít người, tăng cường chương trình, thời gian cho bậc trung học và công nhận giá trị bằng cấp của nó, cũng cố các trường cao đẳng, tất cả đã khá đồng bộ làm chất lượng giáo dục được nâng cao rõ rệt. Riêng bậc tiểu học, biện pháp tăng cường học tiếng Pháp bằng cách mở thêm lớp nhì đệ nhất đã tỏ ra khá hiệu quả, vì từ lớp này trở đi học sinh đã có thể làm quen dần với tiếng Pháp để lên đến cao đẳng tiểu học và trung học có thể sử dụng tương đối thành thạo tiếng Pháp” (Báu, 2006, tr. 115). Và cũng khẳng định rằng, với việc ban hành những quy chế mới, Albert Sarraut đã xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến, xác lập một nền giáo dục mới phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa mới. Sau cuộc cải cách giáo dục của Toàn quyền Albert Sarraut, nhiều sĩ phu dù trong họ mang trong mình sự hoà quyện của cả hai dòng giáo dục Nho học và Tây học nhưng vẫn cảm thấy có một sự thiếu hụt lớn đó là một nền giáo dục quốc dân, dành riêng cho người Việt[10], mà cụ thể là một nền giáo dục thuần bằng tiếng Việt. Do vậy, sau khi Merlin lên nắm Toàn quyền Đông Dương vào năm 1923, ông đã chủ trương phát triển giáo dục “theo chiều ngang”, chuyển trọng tâm sang bậc tiểu học, mở rộng giáo dục tại các vùng nông thôn. Sau khi Nha Học chính báo cáo về tình hình trẻ em học tiếng Pháp tỏ ra không có hiệu quả, tình trạng trẻ em bỏ học ngày càng đông, Toàn quyền Merlin ban hành Nghị định ngày 18/9/1924 chỉ thị rằng: “Trong 3 lớp đầu của ngành tiểu học, từ nay sẽ lấy tiếng mẹ đẻ làm phương tiện chuyển tải giáo dục, còn tiếng Pháp, trái lại, sẽ là ngôn ngữ độc tôn và bắt buộc trong học hành ở các lớp nhì và nhất” (Giàu & Đằng, 1998, tr. 727). Sau khi học xong 3 lớp ở bậc Sơ học bằng chữ Quốc ngữ, học sinh phải thi nhận bằng Sơ học yếu lược bản xứ (Certificat d’Études élémentaires indigens) có ghi “biết chữ Pháp” mới được học lên lớp nhất và nhì. Như vậy theo học chế mới, trong 3 năm đầu của bậc Tiểu học, dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Pháp hay chữ Hán, nhưng các lớp sau đó dạy bằng chữ Pháp. Việc phổ cập giáo dục Tiểu học cho trẻ em bằng chữ Quốc ngữ đã góp phần giúp cho học sinh Việt có những hiểu biết căn bản về loại chữ viết này.
Tuy nhiên, chữ Quốc ngữ chính thức được thừa nhận và trở thành ngôn ngữ chính thức là việc vua Bảo Đại ban Dụ số 67 ngày 30/07/1945, quy định việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam kể từ thời điểm này. Đến ngày 8/9/1945, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp với thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 20 quy định toàn dân phải học chữ Quốc ngữ, và với sắc lệnh này thì chữ Quốc ngữ đã hoàn toàn thay thế chữ Hán để trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.
Như vậy, đến giữa thế kỉ XX, chữ Quốc ngữ được phổ biến mạnh mẽ trong các trường phổ thông và dần thay thế vị trí chữ Hán trong xã hội Việt Nam. Sở dĩ chữ Quốc ngữ phát triển khá nhanh, vì được chính quyền Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ làm phương tiện chuyển ngữ và loại bỏ ảnh hưởng văn hóa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Tuy nhiên, “người Pháp cũng không ngờ, một khi nó trở thành công cụ của quần chúng để truyền đạt tư tưởng và biểu lộ cảm xúc, thì nó đã tuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền thuộc địa, và ngược lại, biến thành lực lượng đối kháng hữu hiệu nhất cho công cuộc giành độc lập của dân tộc” (Tiến, 2003, tr. 43).
4. Những tài liệu và sách giáo khoa được biên soạn bằng chữ Quốc ngữ
Trong thời gian đầu vì chưa có sách giáo khoa, chính quyền thuộc địa Pháp phải dùng tờ Gia Định báo làm sách tập đọc, sau đó mới mang sách từ Pháp sang nhưng vì không phù hợp với học sinh nước ta nên buộc phải đổi sách học. Đây là tờ công báo bằng chữ Quốc ngữ được người Pháp sử dụng với mục đích chủ yếu là công cụ thông tin của người Pháp ở Đông Dương. Và cũng nói thêm rằng, Gia Định báo là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư của chính quyền thực dân. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký (1837-1898) chính thức làm giám đốc, tờ báo mới được phát triển mục biên khảo, thơ văn, lịch sử… Gia Định báo cũng có góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam. “Ước tính có khoảng 490 tờ báo bằng chữ Quốc ngữ được phát hành trong suốt giai đoạn thuộc địa” (Phương, 2020, tr. 141). Ngoài Gia Định báo, người Pháp còn lấy tờ Đông Dương tạp chí kể từ năm 1914 có đặt thêm báo mục Sư phạm để cung cấp các bài tham khảo cho giáo viên dựa vào đó làm tài liệu giảng dạy, bao gồm các bài luân lý, luận Quốc ngữ, toán pháp, cách trí cho học sinh bậc Ấu học và Tiểu học.
Cho đến những năm 80 của thế kỉ XIX, Trương Vĩnh Ký và một số người Pháp của cơ quan Học Chính Nam Kỳ đã biên soạn một số sách giáo khoa để dạy trong các trường Tiểu học. Những sách chữ Quốc ngữ là: Ấu học phép dạy (sách tập đọc, tập viết, học toán, học vẽ) của Le Bris, Cai trị lễ pháp của Trần Văn Thông, Ấu học bị thể của Le Bris, Ấu học luân lí của Đỗ Thận, Nông học tập đọc của Breamer, Thực vật, người và động vật của Eberhart, Vô cơ vật loại của Gourdon, Toán pháp của Morel của Trần Văn Thông, Toán pháp lược học của Morel và Đông Dương địa dư của Russier và Đỗ Thận.
Cũng trong nội dung của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, chính quyền thuộc địa cũng đã biên soạn được một số sách giáo khoa bằng chữ Quốc ngữ theo những yêu cầu sau: “– Sách tập đọc với nội dung: hành chính, phong tục và những nguyên tắc về đạo đức, giải thích một số hiện tượng thiên nhiên, những điều khuyên về vệ sinh,…
– Sách về địa dư thế giới (Đông Dương và Pháp sẽ viết thành một phần riêng).
– Toán pháp, cách trí, vệ sinh.
– Ngữ pháp sơ giải” (Báu, 2006, tr. 74).
Bên cạnh đó, Hội đồng cải cách giáo dục còn dự định biên soạn một cuốn trích giảng những bài văn tiêu biểu của những tác giả đương thời cho học sinh các trường Tiểu học. Tham gia vào công việc biên soạn sách bằng chữ Quốc ngữ, ngoài người Việt còn có một số quan chức người Pháp như: Dumoutier là Tổng Thanh tra Giáo dục Pháp-Việt đã dịch cuốn sách của Machuel Méthode de lecture et le langage à l’usage des élèves étrangers de nos colonies vào năm 1890 và sử dụng trong các trường học ở Bắc Kỳ; năm 1913, ông Gombaud Saintonge-Tham biện ở phủ Thống sứ đã soạn cuốn Sách dạy tiếng Annam (là sách song ngữ Việt-Pháp) chủ yếu dành cho người Pháp học tiếng Việt và người Việt học tiếng Pháp. Đây là cuốn sách giáo khoa tiếng Việt đầu tiên được dùng trong các trường Sơ học Pháp-Việt.
Còn trong cuộc cải cách giáo dục năm 1917 của Toàn quyền Albert Sarraut, các trường Tiểu học và Sơ học do vẫn chưa có sách giáo khoa chính thức nên giáo viên thường lấy các bài trong Học báo làm nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó, những bài được đăng trong Học báo từ năm 1922 sẽ được đóng thành tập và phổ biến trong các trường Pháp-Việt. Những sách này bao gồm: Nam sử sơ học, Sách học Luân lý của Trần Trọng Kim cho lớp Đồng Ấu, Dự bị và Sơ học; Văn Quốc ngữ của Phạm Văn Hữu; Ấu học tập đọc, Tiểu học tập đọc của Nguyễn Đỗ Mục; Sơ học địa dư của Phạm Huy Lực cho lớp Đồng Ấu, Dự bị và Sơ học. Đến năm 1925, chính phủ Pháp mới lập ra Hội đồng Tu thư chuyên biên soạn sách giáo khoa theo đúng phương pháp sư phạm và thống nhất sử dụng trong toàn quốc.
Cũng trong năm 1925, tiểu thuyết đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ cũng đã được xuất bản và hai năm sau, có khoảng 400 đến 500 tiểu thuyết được ấn hành. Tổng cộng các thể loại, có khoảng 10. 000 đầu sách được xuất bản trong năm 1923-1944. Và từ năm 1946, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa việc sử dụng và phổ biến chữ Quốc ngữ thành ưu tiên hàng đầu trong những chính sách của chính phủ (Phương, 2020, tr. 141).
5. Kết luận
Chữ Quốc ngữ là thành tựu về ngôn ngữ được xây dựng trên mẫu tự Latinh, do các giáo sĩ đạo Thiên Chúa sáng tạo và có sự đóng góp to lớn của nhiều trí thức người Việt. Khi xâm lược Việt Nam, người Pháp đã quan tâm đến thứ chữ này vì mang lại nhiều thuận lợi cho người họ trong việc phổ biến các chủ trương, chính sách cai trị đến nhân dân Việt Nam. Mặt khác, với người Pháp muốn học tiếng Việt mà phải qua chữ Hán và chữ Nôm sẽ gặp nhiều khó khăn, chỉ có chữ Quốc ngữ mới là phương tiện thuận lợi để họ học tiếng Việt.
Với mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ để phục vụ cho bộ máy nhà nước và khai thác thuộc địa, đồng thời loại bỏ nền giáo dục Nho học vốn ảnh hưởng của Trung Hoa. Người Pháp đã từng bước đưa chữ Quốc ngữ vào giảng dạy tại các trường học mà đầu tiên ở Nam Kỳ, sau đó áp dụng tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Để khuyến khích nhân dân học thứ chữ này, người Pháp đã sử dụng rất nhiều biện pháp từ giáo dục, đến sử dụng các giấy tờ, công văn, tiền thưởng và điều kiện để ra làm quan. Tuy người Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ vì mục đích thực dân, nhưng phần nào, tạo điều kiện thuận lợi để chữ Quốc ngữ được phổ biến trong quần chúng nhân dân.
___________
[3] Gia Định báo là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta, ra đời vào ngày 15/4/1865 do Ernest Potteau làm chánh tổng tài, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Ban đầu, Gia Định báo là công cụ thông tin của người Pháp ở Đông Dương với tư cách là một tờ công báo chuyên đăng các công văn, nghị định, thông tư của chính quyền thực dân Pháp. Sau này, khi Trương Vĩnh Ký chính thức làm giám đốc, nội dung mới có sự thay đổi, bổ sung về thơ văn, lịch sử,… Gia Định báo cũng góp phần cổ động việc học chữ Quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam, in bằng chữ Quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí Việt Nam.
[4] Giám mục Bá Đa Lộc (còn gọi là Cha Cả, nguyên văn tên là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, thường viết tắt là Pigneau de Béhaine (1741-1799) là một vị giáo sĩ người Pháp được Nguyễn Ánh trọng dụng trong việc công cuộc trung hưng nhà Nguyễn vào cuối thế kỉ XVIII.
[5] Cụ Phan Bội Châu nhận xét chữ Quốc ngữ như rau muống dài loằng ngoằng.
[6] Milton E Osborne. Giáo dục và chữ Quốc ngữ – Sự phát triển một trật tự mới. Ngô Bắc dịch, tại địa chỉ: http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacMEOsborne.htm.
[7] Viện Hàn lâm Bắc Kỳ được thành lập vào ngày 3/7/1886, với mục đích nhằm thu thập các kiến thức về văn hóa vùng Bắc Kỳ và giới thiệu các kiến thức khoa học tự nhiên và sự tiến bộ văn minh phương Tây bằng cách dịch và xuất bản sách bằng tiếng Quốc ngữ.
[8] Giám mục Puginer (1835-1892) là thành viên hội Thừa sai Paris, người có những can hệ quan trọng đối với xứ Bắc Kỳ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
[9] Tám biện pháp này là: (1) Công giáo hóa Bắc Kỳ; (2) Xoá bỏ chữ Nho thay thế bằng chữ Quốc ngữ và sau cùng là thay thế bằng chữ Pháp; (3) Tranh thủ những dân tộc thiểu số ở vùng biên giới giáp nước Tàu; (4) Thiết lập một hãng lớn như hãng Ấn Độ cũ; (5) Thành lập một trại (đồn điền) gương mẫu; (6) Thận trọng trong chính sách đánh thuế, nhất là ở giai đoạn dân chúng còn cực khổ vì chiến tranh, lụt lội, trộm cướp; (7) Cảnh giác và khôn ngoan trước những người bản xứ muốn tỏ ra thân thiện trung thành, nhưng thực ra là những kẻ thù nguy hiểm của nước Pháp; (8) Ngăn cản tham nhũng trong tư pháp, hối mại quyền thế và bảo vệ những quan lại trung thành thực sự. Dẫn theo: Phan, 2003, tr. 84.
[10] Sau khi bộ Học chính Tổng quy được ban hành, nhiều trường dạy chữ Hán ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nhất là Trung Kỳ đã phải đóng cửa, do đó, đã gây ra sự bất mãn rất lớn trong nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Ngọc Báu (2006). Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục.
2. Phan Trọng Báu (2008). “Nhìn lại hai cuộc cải cách giáo dục (1906-1917) ở Việt Nam đầu thế kỉ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3, trang 11-24.
3. Cristoforo Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
4. Đỗ Quang Chính (2007). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, Nxb Tôn giáo.
5. Gustave Dimoutier (1887). Les débuts de l’enseignement français au Tonkin, Hanoi, F-H Schneider.
6. Trần Văn Giàu & Trần Bạch Đằng (1998). Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập II: Văn học-Báo chí-Giáo dục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Trần Thị Phương Hoa (2010). “Giáo dục ở Bắc Kỳ đầu thế kỉ XX đến năm 1915-chuyển đổi các trường Nho giáo sang trường Pháp-Việt”, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 11, trang 49-58.
8. Trần Thị Phương Hoa (2012). Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
9. Phạm Thị Thu Hương (2017). “Các tiền đề của văn học Quốc ngữ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX”. Tạp chí Nghiên cứu cứu Văn học, Số 1, trang 15-24.
10. Nguyễn Văn Kiệm (2001). Sự du nhập của đạo Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XIX, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam xuất bản.
11. Nguyễn Văn Lợi (2016). Sự hình thành cách ghi thanh điệu chữ Quốc ngữ”, trong Kỷ yếu Hội thảo khoc học: Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, Quảng Nam.
12. Milton E Osborne. Giáo dục và chữ Quốc ngữ – Sự phát triển một trật tự mới. Ngô Bắc dịch, tại địa chỉ: http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacMEOsborne.htm.
13. Nguyễn Hữu Châu Phan (2003) “Thiết lập cơ cấu cai trị đầu tiên của Pháp tại Việt Nam giai đoạn suý phủ 1861-1879”, trong Nghiên cứu Huế, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế.
14. Nam Phong (1918), Các vấn đề giáo dục ở nước Nam ta ngày nay, bàn về Bộ “Học chính Tổng quy”, số 12, tháng 6/1918.
15. Lê Văn Phong (2018). Lịch sử Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
16. Nguyễn Thụy Phương (2020), Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa, Nxb Hà Nội.
17. Nguyễn Hồng Quý (2016). Đóng góp của các giáo sĩ phương Tây và nhân sĩ trí thức Việt Nam trong việc sáng tạo, hoàn thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, Quảng Nam.
18. Nguyễn Huy Tiến (2003). Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XX, Nxb Thanh niên.
19. .Lưu Trang (2016). Quảng Nam-trung tâm dạy, học tiếng Việt và ngôn ngữ các nước phương Tây đầu tiên ở nước ta thời chua Nguyễn, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, Quảng Nam.
20. Hoàng Xuân Việt (2007). Tìm hiểu lịch sử chữ Quốc ngữ, Nxb Văn hóa-Thông tin, Hà Nội.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quá trình chữ Quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính thức trong trường phổ thông thời thuộc Pháp (Tác giả: ThS. Nguyễn Hữu Phúc, CN. Hồ Thị Ngọc Hà) |