Quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII

Tác giả bài viết: TRẦN THỊ MINH LỆ1; TRƯƠNG ANH THUẬN1
(1Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT

     Trên cơ sở khai thác nguồn sử liệu gốc và các thành quả nghiên cứu của giới học giả Việt Nam cũng như trên thế giới, đồng thời kết hợp vận dụng hai phương pháp nghiên cứu chủ đạo của khoa học Lịch sử (phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic) với các phương pháp khác, tác giả đi sâu tìm hiểu để tái hiện một cách cụ thể quá trình du nhập của các thành tựu văn hoá phương Tây vào Đàng Trong ở các thế kỉ XVII, XVIII. Trong đó, tác giả tập trung nghiên cứu trên ba lĩnh vực tiêu biểu là Thiên Chúa giáo, chữ Quốc ngữ và khoa học kĩ thuật. Từ đó, tác giả phân tích ưu điểm và hạn chế của quá trình này. Bài viết sẽ có đóng góp nhất định đối với việc nghiên cứu lịch sử giao lưu văn hóa Đông – Tây ở Việt Nam trong giai đoạn này.

Từ khóa: Đàng Trong; du nhập; văn hoá; phương Tây.

ABSTRACT

     On the basis of exploiting the original historical sources as well as research results of Vietnamese and international scholars, at the same time combining the application of two main research methods of historical science (historical method and logical one) with other ones, the author researches deeply to reproduce in detail the introduction process of Western cultural achievements into Cochinchina in the seventeenth and eighteenth centuries. In particular, the author focuses on three typical fields, namely Christianity, Quoc Ngu script and science and technology. From there, the author analyzes the advantages and limitations of this process. The article will make a certain contribution to the study of East-West cultural exchange history in Vietnam during this period.

Key words: Cochinchina; import; culture; The West.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Thế kỉ XVII, XVIII là một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt đối với Đàng Trong. Việc từng bước ly khai khỏi thế lực họ Trịnh của các chúa Nguyễn đã tạo ra mâu thuẫn gay gắt không thể dung hòa được giữa hai chính quyền Trịnh – Nguyễn và đưa đến một cuộc chiến kéo dài gần 50 năm (1627-1672) nhưng không phân thắng bại. Hai bên đã lấy Linh Giang (sông Gianh) làm ranh giới chia Đại Việt thành hai khu vực. Phần đất chúa Nguyễn cai quản ở phía Nam được gọi xứ Đàng Trong (Nam Hà) để phân biệt với xứ Đàng Ngoài (Bắc Hà) của vua Lê – chúa Trịnh. Trên vùng đất mới, họ Nguyễn vừa phải chống lại áp lực truy bức của họ Trịnh, vừa phải không ngừng tìm kiếm các mối quan hệ mới với các quốc gia phương Tây để củng cố tiềm lực kinh tế, quân sự của mình. Chính đó là một trong những yếu tố đầu tiên thúc đẩy quá trình du nhập các thành tựu văn hóa phương Tây vào Đàng Trong.

     Lúc bấy giờ, để loại bỏ đối thủ chính trị của mình và bình ổn tình hình tại những vùng đất mới khai phá, chính quyền Đàng Trong đã dành sự quan tâm sâu sắc đến việc giao thiệp với người phương Tây, nhằm tranh thủ những ưu thế của họ, đặc biệt là nguồn vũ khí, đạn dược.

     Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, ngoại thương nhanh chóng trở thành yếu tố quyết định tốc độ phát triển của Đàng Trong. “Ngoài thương nghiệp, không gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực này để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có số tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp ba Đàng Trong mọi mặt. Đối với các nước khác ở Đông Nam Á, vấn đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây là vấn đề sống còn” [1, tr. 96]. Thông qua hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa, không ít những thành tựu văn hóa của châu Âu đã du nhập vào Đàng Trong. Không những thế, để đảm bảo cho quan hệ giao thương giữa các nước phương Tây, nhất là Bồ Đào Nha với Đàng Trong được duy trì và phát triển lâu dài, một vài người châu Âu (tiêu biểu nhất là trường hợp Jean de la Croix) đã đến Đàng Trong giúp đỡ chính quyền Chúa Nguyễn trong một số lĩnh vực khoa học kĩ thuật mà lúc bấy giờ họ có ưu thế hơn so với người Việt. Chính điều này cũng đã tạo điều kiện cho quá trình du nhập của các thành tựu văn hoá phương Tây vào khu vực này.

     Ngoài ra, thế kỉ XVII, XVIII cũng là khoảng thời gian đánh dấu sự có mặt của các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là thừa sai Dòng Tên tại các xứ sở xa xôi thuộc khu vực Viễn Đông nói chung và Đàng Trong nói riêng. Với việc đề ra và vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức “học thuật truyền giáo”, các thừa sai Dòng Tên không chỉ gặt hái được nhiều thành công trong quá trình tuyên giảng Phúc Âm tại Đàng Trong, mà thông qua đó, không ít thành tựu khoa học kĩ thuật phương Tây đã từng bước du nhập vào khu vực này.

     Như vậy, chính bối cảnh chính trị ở Đàng Trong, sự phát triển của quan hệ thương mại Đông – Tây cùng với hoạt động truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây đã tạo ra những tiền đề, điều kiện cần thiết cho quá trình du nhập văn hoá phương Tây vào Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII.

2. Các thành tựu văn hóa phương Tây du nhập vào Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII

     2.1. Thiên Chúa giáo

     Đối với quá trình du nhập của Thiên Chúa giáo vào Đàng Trong, những tiếp xúc đầu tiên giữa giáo sĩ phương Tây với dân chúng nơi đây trên thực tế đã diễn ra ở giai đoạn cuối thế kỉ XVI. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỉ XVII, cùng với sự xuất hiện của các thừa sai Dòng Tên tại khu vực này, công cuộc truyền giáo mới có những bước phát triển thực sự. Ngày 18 tháng 1 năm 1615, hai linh mục Francesco Buzomi và Diogo Carvalho cùng các trợ sĩ đã đến Cửa Hàn, Đà Nẵng. Tiếp theo các linh mục Francisco de Pina, Cristoforo Borri, Alexandre de Rhodes, Girolamo Maiorica đã lần lượt đặt chân đến Đàng Trong trong giai đoạn 1617-1624, góp phần làm cho các “hạt giống” Thiên Chúa giáo “nảy mầm” trên vùng đất này. Chính vì nỗ lực không mệt mỏi của các giáo sĩ Dòng Tên, nên đến năm 1625, theo ghi nhận của Alexandre de Rhodes, đạo Thiên Chúa được truyền bá khắp Đàng Trong. Thời điểm đó, tại đây có mười tu sĩ chuyên cần hoạt động và công việc diễn ra tương đối thuận lợi [2, tr. 57]. Đặc biệt, năm 1659, Giáo hoàng Alexander VII đã ban hành sắc chỉ “Super Cathedram Principis” thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận đầu tiên. Trong đó, giáo phận Đàng Trong từ sông Gianh trở vào Nam và cả phần đất Chân Lạp, Chiêm Thành, do Giám mục Lambert de la Motte cai quản [3, tr. 494]. Chính sự kiện này đã tạo ra tiền đề về mặt tổ chức để đẩy mạnh quá trình du nhập và phát triển của Thiên Chúa giáo ở Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII.

     Khi mới du nhập vào Đàng Trong, Thiên Chúa giáo đã nhận được những điều kiện thuận lợi nhất định để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này. Điều đó xuất phát từ chính sách của nhà cầm quyền bản xứ và phương thức truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên. Trên thực tế, chính quyền chúa Nguyễn trong thời kì đầu đã thể hiện thái độ thiện chí và khoan dung đối với Thiên Chúa giáo cũng như các giáo sĩ phương Tây và xem đó là một trong những phương thức hữu hiệu để thu hút thương nhân phương Tây, nhất là người Bồ Đào Nha mang hàng hóa và vũ khí, đạn dược đến bán cho Chúa [2, tr. 92]. Thừa sai Dòng Tên Borri có lần khen ngợi chúa Nguyễn khéo léo xử lý sự việc người ta vu oan cho đoàn giáo sĩ vì Chúa rất quý các cha Dòng Tên và coi trọng mối quan hệ với người Bồ. Đồng thời, chính quyền chúa Nguyễn cũng ít đe dọa giáo dân như ở Đàng Ngoài [4, tr. 78]. Đặc biệt, trong giai đoạn này, các giáo sĩ Dòng Tên đã đề ra và áp dụng một phương pháp truyền giáo hết sức sáng tạo: Học thuật truyền giáo. Nội dung chính của phương pháp này là sử dụng những kiến thức khoa học kĩ thuật phương Tây để thỏa mãn sự hiếu kì của giới cầm quyền trong xã hội Đàng Trong, nhằm nhận được thiện cảm từ lực lượng này. Và thông qua đó, các giáo sĩ Dòng Tên tranh thủ ảnh hưởng và thế lực của họ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế cho sự phát triển của Thiên Chúa giáo. Chính điều này đã tạo ra tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Thiên Chúa giáo tại Đàng Trong.

     Ngoài những tác động từ chính sách của các chúa Nguyễn, các giáo sĩ đầu tiên đến truyền giáo cũng gặp nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Họ còn phải đối mặt với sự công kích, bài xích và cản trở của các lực lượng khác nhau trong xã hội [5, tr. 53]. Mặc dù như vậy, nhưng trong gần hai thế kỉ du nhập và phát triển, Thiên Chúa giáo đã từng bước thiết lập được vị thế vững chắc trên vùng đất Đàng Trong. Không những chỉ có thường dân mà ngay cả những thành viên trong hoàng tộc chúa Nguyễn cũng gia nhập đạo mới như trường hợp bà Minh Đức vương thái phi vợ của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, công chúa Ngọc Liên – con gái chúa Sãi, vợ trấn thủ Phú Yên Nguyễn Phúc Vinh, Ngọc Đĩnh công chúa – em út của Ngọc Liên hay vợ Nguyễn Cửu Kiều trấn thủ Quảng Bình [5, tr. 57]. Tại khu vực này, các thừa sai đã cho lập hội thầy giảng bản xứ để trợ giúp việc truyền giáo, phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh để soạn thảo kinh sách dạy cho giáo dân. Phương pháp của các giáo sĩ là tổ chức cho giáo dân đứng lên làm mọi việc một cách hăng say, từ việc dạy tiếng Việt cho giáo sĩ, chép sách kinh, sách giáo lý bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ, cho tới việc học chữ Latinh. Giáo dân tự động làm nhà thờ, nhà nguyện, tự nguyện dạy dỗ kẻ tân dòng, tự nguyện lập nhà thương, bệnh xá.

     Nhìn chung, trong thế kỉ XVII, XVIII, quá trình du nhập của Thiên Chúa giáo vào Đàng Trong ở những thời điểm nhất định đã gặp phải những khó khăn và thách thức. Song, chính hoạt động truyền bá đạo Thiên Chúa đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong, mà thành tựu tiêu biểu đầu tiên chính là quá trình xác lập được chỗ đứng vững chắc của Thiên Chúa giáo trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của cư dân Việt. Bên cạnh đó, để đạt được mục đích chinh phục đức tin của dân chúng bản xứ, các nhà truyền giáo đã giới thiệu các thành tựu văn hóa khác của phương Tây cho người Việt. Điều đó càng cho thấy, sự liên quan mật thiết cũng như vai trò của quá trình du nhập Thiên Chúa giáo đối với hoạt động giao lưu văn hóa giữa Đàng Trong và phương Tây trong các thế kỉ XVII, XVIII.

     2.2. Chữ Quốc ngữ

     Trước khi có chữ Quốc ngữ, người Việt từng sử dụng một loại văn tự khác để ghi lại tiếng nói của dân tộc mình, đó chính là chữ Nôm. Tuy là loại chữ do người Việt sáng tạo nên, nhưng chữ Nôm lại không được dân chúng sử dụng phổ biến. Chính vì vậy, sự ra đời và phát triển của chữ Quốc ngữ theo ngữ hệ Latinh trong các thế kỉ XVII, XVIII đã góp phần giải quyết những hạn chế nói trên và đặt một dấu mốc mới trong quá trình hình thành và phát triển chữ viết của dân tộc.

     Chữ Quốc ngữ dùng mẫu tự Latinh ghi âm tiếng Việt ra đời vào đầu thế kỉ XVII. Đó là công trình của nhiều giáo sĩ châu Âu với sự hỗ trợ của người Việt bản địa. Trong đó, các cơ sở truyền giáo ở Đàng Trong là mảnh đất màu mỡ cho sự hình thành của loại văn tự này. Đây cũng là một dẫn chứng thuyết phục để chứng minh cho sự giao lưu văn hóa Đông – Tây ở Đàng Trong lúc bấy giờ.

     Nửa cuối thế kỉ XVI, các giáo sĩ thừa sai Dòng Tên đã bắt đầu đến châu Á truyền đạo. Dòng Tên là một trong những dòng tu của Thiên Chúa giáo đặc biệt chú trọng đến vấn đề giáo dục. Trước khi lên đường đi truyền giáo tại các khu vực xa xôi ở phương Đông, các giáo sĩ Dòng Tên phải trải qua một quá trình học tập hơn 10 năm với không chỉ những kiến thức thần học mà còn cả các tri thức khoa học khác [6, tr. 472]. Những giáo sĩ này lại xuất thân từ những nước sử dụng chữ viết Latinh, nên khi đến các quốc gia sử dụng chữ tượng hình, họ đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình truyền đạo. Yêu cầu của công cuộc truyền giáo khiến họ nhận ra rằng, việc sử dụng thông thạo ngôn ngữ bản xứ đem lại lợi ích to lớn đối với quá trình tuyên giảng Phúc Âm cho dân chúng [7, tr. 412].

     Đối với người bản xứ, việc học chữ Nôm đã khó, trong khi đó, các nhà truyền giáo ngoại quốc vốn xa lạ với chữ tượng hình thì việc tiếp nhận và sử dụng thành thạo loại văn tự này càng không phải là một việc đơn giản. Thực tế tình hình Đàng Trong lại cho thấy rằng, ngay cả khi các giáo sĩ sử dụng chữ Hán hay chữ Nôm để dịch kinh sách và các tài liệu của Thiên Chúa giáo thì cũng khó phổ cập đến đại bộ phận quần chúng nhân dân. Chính vì thế, để nhanh chóng chinh phục đức tin của dân chúng, các giáo sĩ Dòng Tên đã chọn phương thức học tiếng bản địa để trực tiếp giảng đạo. Đồng thời, họ cũng nghĩ đến việc Latinh hóa tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh.

     Từ đầu thế kỉ XVII đến trước năm 1651, “phôi thai” của chữ Quốc ngữ ngày nay có thể được tìm thấy rãi rác trong các tác phẩm hoặc tường trình được viết bằng tiếng Latinh, tiếng Bồ hoặc tiếng Ý của các giáo sĩ về tình hình truyền giáo ở Đàng Trong. Trong đó, người đầu tiên đặt nền tảng cho quá trình Latinh hoá tiếng Việt trong giai đoạn này chính là Francisco de Pina. Quá trình Latinh hoá tiếng Việt cũng ghi nhận sự đóng góp công sức của nhiều trí thức người Việt. Đây chính là những tiền đề để chữ Quốc ngữ định hình một cách rõ ràng hơn ở giai đoạn sau. Đặc biệt, năm 1651, hai quyển sách của Alexandre de Rhodes là Phép giảng tám ngày và Từ điển Việt – Bồ – La được xuất bản tại Roma. Đó là những tài liệu vô giá, là những viên gạch đầu tiên của chữ Quốc ngữ Việt Nam. Linh mục Đỗ Quang Chính đánh giá cao công cuộc xuất bản sách của Alexandre de Rhodes: “Chắc chắn Đắc Lộ phải theo dõi công việc này từng li từng tí, từ việc đúc chữ Việt đến việc sắp chữ. Việc sắp chữ hẳn là khó khăn, vì làm gì thợ nhà in biết chữ Việt. Do đó xuất bản hai cuốn sách này là cả một công trình to lớn” [8, tr. 88]. Trên thực tế, Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên sáng chế ra Việt ngữ, nhưng ông lại là người có công nhất trong việc tu sữa văn tự này: “Ông đã có công cải thiện và phổ biến chữ Quốc ngữ, làm cho cách phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh được hoàn hảo hơn, và bắt đầu dùng chữ Quốc ngữ để soạn sách và ấn hành sách” [9, tr. 70]. Từ đó, chữ Quốc ngữ chính thức bước sang một thời kì mới, thời kì bước đầu phát triển, hay còn gọi là thời kì đổi mới và lan tỏa.

     Đến năm 1659, với các tài liệu của một số linh mục người Việt, chữ Quốc ngữ tiến thêm một bước nữa, đã đạt đến mức độ hoàn chỉnh tương đối, được phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp xã hội. Về ngữ nghĩa, đến thời điểm này, cách sử dụng chữ Quốc ngữ đã trôi chảy đến mức không khác mấy so với ngày nay. Hơn nữa, các tài liệu này được phổ cập rộng rãi từ Đàng Trong cho đến Đàng Ngoài, điều đó cho thấy chữ Quốc ngữ lúc bấy giờ đã có sự thống nhất cả về tự dạng, ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa, khiến cho người Việt ở các địa phương khác nhau vẫn có thể đọc hiểu được. Năm 1773, Giám mục Pigneau de Behaine (hay còn gọi là Bá Đa Lộc) cho ra bộ Từ điển Việt – Latinh do chính ông biên soạn, được viết bằng chữ Latinh, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Bộ từ điển được tạo ra với sự tiến bộ, gọn gàng, khoa học và không có nhiều sự khác biệt so với chữ Quốc ngữ ngày nay. Đây cũng chính là lúc chữ Quốc ngữ bắt đầu lan tỏa mạnh, để thể hiện sự trôi chảy và điêu luyện, cũng như khả năng phiên âm của nó, đặt nền móng vững chắc cho thời kì phát triển của loại văn tự này vào cuối thế kỉ XVIII.

     Trong thế kỉ XVII, việc Latinh hóa ngôn ngữ bản địa không chỉ diễn ra ở Đàng Trong mà còn xuất hiện tại Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình này tại các nước không thành công như ở Đàng Trong. Điều khác biệt cơ bản là nếu ở Trung Quốc, Nhật Bản, loại chữ viết Latinh hóa này chỉ được sử dụng riêng cho công cuộc truyền giáo thì ở Việt Nam, sau nhiều biến động lịch sử, chữ Quốc ngữ đã chính thức trở thành chữ viết của một dân tộc. Nhìn lại quá khứ, có thể thấy rằng, việc Latinh hóa tiếng Việt là một quá trình lâu dài, không phải do một cá nhân thực hiện, mà đó là công trình của một tập thể dưới sự chủ trì của một số giáo sĩ phương Tây và sự cộng tác của một số nhà trí thức bản địa. Có thể nói sự ra đời và hoàn thiện của chữ Quốc ngữ trong các thế kỉ XVII, XVIII là một minh chứng hùng hồn cho kết quả du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong.

     2.3. Khoa học kĩ thuật

     Trong các thế kỉ XVI, XVII, tàu buôn Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đã nối tiếp nhau tìm đến giao thương với nhiều vùng lãnh thổ ở khu vực Viễn Đông, trong đó có Đàng Trong. Đồng hành với giới thương nhân trên các tàu buôn này là sự hiện diện của các nhà truyền giáo. Chính trong bối cảnh ấy, một quá trình du nhập các thành tựu khoa học kĩ thuật phương Tây vào Đàng Trong đã diễn ra một cách tự nhiên, gắn liền với vai trò tiên phong của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, đặc biệt là thừa sai Dòng Tên.

     Thứ nhất là thiên văn học phương Tây. Trước khi các tri thức Thiên văn học của người châu Âu du nhập vào Việt Nam nói chung và Đàng Trong nói riêng thì trình độ thiên văn học của người Việt cũng đã có những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều rằng, thiên văn học của người Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Hoa, thiên về kinh nghiệm và việc lý giải về các hiện tượng tự nhiên còn mang nhiều màu sắc thần bí. Sự phát triển của Thiên văn học trong thời gian này chủ yếu nhằm phục vụ cho các công việc liên quan đến triều đình, vua chúa và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo ghi chép của Borri, các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong rất quan tâm đến môn khoa học này, cho sắp đặt hẳn những gian phòng mênh mông để dạy thiên văn, Tư Thiên giám – cơ quan thiên văn, lịch pháp của nhà nước được cấp lương bổng đặc biệt và thưởng đất đai.“Chúa có Tư Thiên giám của Chúa, các vương công, hoàng tử cũng có Tư Thiên giám của họ và ai nấy đều chuyên chú dự đoán thiên thực” [2, tr. 189]. Tuy nhiên, các nhà truyền giáo Dòng Tên cũng phát hiện ra rằng, việc tính lịch và dự báo nhật thực, nguyệt thực của các nhà thiên văn Đàng Trong đương thời thường xảy ra sai sót hoặc nhầm lẫn [2, tr. 189]. Chính vì vậy, các nhà truyền giáo Dòng Tên đã nảy ra ý định sử dụng kiến thức thiên văn phương Tây, để giúp các chính quyền Đàng Trong khắc phục hạn chế nói trên. Thông qua đó, các thừa sai Dòng Tên hi vọng sẽ có thể tiếp cận và cải giáo giới thống trị, hoặc chí ít là nhận được thái độ thiện cảm của vua quan Đàng Trong đối với hoạt động truyền bá Thiên Chúa giáo do họ tiến hành đương thời.

     Trên thực tế, ngay từ nửa đầu thế kỉ XVII, các nhà truyền giáo dòng Tên hoạt động tại Đàng Trong (Cochinchina) đã bắt đầu sử dụng những hiểu biết về thiên văn, đặc biệt là về hiện tượng nhật thực, nguyệt thực để tìm cách tiếp cận và tạo ấn tượng tốt đẹp đối với các chúa Nguyễn [10, tr. 527]. Tuy nhiên, phải từ nửa sau thế kỉ XVII trở đi, việc sử dụng giáo sĩ phương Tây trong lĩnh vực này của giới cầm quyền Đàng Trong mới chính thức được bắt đầu, với sự hiện diện của một số nhà truyền giáo dòng Tên đồng thời cũng là nhà thiên văn – toán học trong phủ Chúa như Antoine Arnedo, Jean Baptisle Sanna, Francisco de Lima [11, tr. 387-388]. Trong thập niên 30 của thế kỉ XVIII, niềm khao khát có được sự phục vụ từ các giáo sĩ dòng Tên trên lĩnh vực thiên văn – toán học vẫn không hề suy giảm, khi vào năm 1731, chúa Nguyễn Phúc Chú yêu cầu giáo phận Macao phái đến các thừa sai giỏi về toán học, đặc biệt là thiên văn. Đáp ứng niềm mong mỏi của chúa Nguyễn, năm 1738, hai thừa sai Jean Siebert và Grueber [11, tr. 389.] được phái đến Đàng Trong để nối tiếp nhiệm vụ trở thành nhà thiên văn – toán học của chúa Nguyễn và họ đã nhận được thái độ đón tiếp vô cùng trọng thị, hân hoan và vui mừng từ những người trong hoàng thất [12, tr. 262-263], đặc biệt là mẹ của chúa Nguyễn Phúc Khoát – Người kế nhiệm chúa Nguyễn Phúc Chú vào năm 1638. Từ năm 1740 cho đến khi chính quyền Đàng Trong bị phong trào nông dân Tây Sơn lật đổ (1777), chúa Nguyễn tiếp tục chào đón hai giáo sĩ dòng Tên khác là Jean de Loureiro và Joseph Neugebeaur [13, tr. 141] đến Đàng Trong (Cochinchina) đảm nhận vai trò nhà thiên văn – toán học trong phủ Chúa [14, tr. 141].

     Thứ hai là y học phương Tây. Trong thế kỉ XVII, XVIII, kiến thức y học phương Tây bước đầu được truyền bá vào Đàng Trong gắn liền với vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là thừa sai Dòng Tên. Trong quá trình hoạt động trên khu vực này, họ không chỉ tiến hành công việc truyền giáo mà còn phục vụ cho giới cầm quyền bản xứ trên phương diện y học. Chính điều này đã góp phần quan trọng trong việc đưa những kiến thức y học phương Tây đến với người Việt thời bấy giờ. Trong khi đó, xuất phát từ sự hiếu kì và mong muốn tìm hiểu những kiến thức y học mới lạ, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu chữa bệnh, nên giới thống trị Đàng Trong thời bấy giờ rất chú trọng tiếp nhận y học phương Tây. Trên thực tế, trong giai đoạn này, nhiều thừa sai phương Tây giỏi về y học đã được chúa Nguyễn, hoàng tộc và quan lại trọng dụng. Điển hình như thừa sai Dòng Tên Bartholomeu da Costa – Người đã từng có thời gian làm thầy thuốc trong phủ Chúa. Nhà truyền giáo Langlois cũng là một thầy thuốc phương Tây đến sống và làm việc tại Đàng vào cuối thế kỉ XVII. Hay dưới thời Võ Vương, triều đình Chúa Nguyễn sử dụng một vị thừa sai Dòng Tên rất giỏi về y học phương Tây, đó là Jean Siebert.

     Bên cạnh hoạt động chăm sóc sức khỏe cho giới thống trị Đàng Trong, trong các thế kỉ XVII, XVIII, các giáo sĩ phương Tây đã cùng với lực lượng giáo hữu nhiệt thành còn thực hiện nhiều công việc thiện nguyện như chữa trị bệnh tật, chăm sóc sức khoẻ cho lực lượng giáo dân và dân chúng bản xứ, đặc biệt là những người nghèo khổ trong xã hội Đàng Trong lúc bấy giờ [12, tr. 194]. Mặc dù, mục đích cuối cùng của việc làm này là nhằm thu hút thiện cảm của dân chúng đối với các giáo sĩ và Thiên Chúa giáo, tuy nhiên, nếu nhìn từ phương diện giao lưu văn hoá thì đó lại là một trong những tác nhân quan trọng đưa y học phương Tây du nhập và phát triển tại Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII.

     Thứ ba là kĩ thuật quân sự phương Tây. Trong thế kỉ XVII, XVIII, chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc giao thiệp với các nước phương Tây để có được những vũ khí hiện đại thời bấy giờ, nhằm chống lại thế lực chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Việc quan tâm tiếp nhận và đắc thụ các súng ống châu Âu đã được thể hiện rất rõ trong tường trình của Borri khi ông đến Đàng Trong vào thế kỉ XVII. Theo ông, trong một thời gian dài, các chúa Nguyễn đã “thu lượm được nhiều đại bác do các tàu chiến Bồ Đào Nha và Hòa Lan2 bị đắm vì đá ngầm đem lại. Các đại bác này do các ngư dân vớt lên, người ta thấy có đến 60 khẩu và một vài khẩu rất lớn” [2, tr. 39-40].

     Do nhu cầu chiến tranh và phát triển kĩ thuật quân sự, chính quyền Chúa Nguyễn còn tranh thủ mời những người nước ngoài có chuyên môn về kĩ thuật đúc súng đến làm việc tại xứ sở mình. Trong đó, trường hợp tiêu biểu nhất là Jean de la Croix. Theo ghi chép của Charles B. Maybon, tại Đàng Trong, “người ta thấy người lai Bồ Đào Nha Jean de la Croix lập một xưởng đúc gần Huế ngay từ trước năm 1615” [4, tr. 72]. Với sự phục vụ của Jean de la Croix, kĩ thuật đúc súng của người Bồ đã được nhanh chóng du nhập vào Đàng Trong. Trên cơ sở tiếp thu kĩ thuật này, người Việt đã có thể tự mình chế tạo đại bác với số lượng lớn.

3. Nhận xét về quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII

     Quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII diễn ra theo ba con đường chính:

     Truyền giáo, buôn bán và du hành. Theo bước chân của các thương nhân, nhà truyền giáo và một vài nhà du hành người phương Tây, các giá trị văn hóa phương Tây từ tôn giáo, ngôn ngữ cho đến khoa học kĩ thuật đã từng bước du nhập vào Đàng Trong và đã được giới cầm quyền cũng như cả dân chúng xứ sở này tiếp nhận ở các mức độ khác nhau. Trong quá trình đó, nổi lên vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là giáo sĩ Dòng Tên đã trở thành trung gian và đồng thời cũng là chủ thể, giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong trong thế kỷ XVII, XVIII. Trên thực tế, với tư cách là một trong những lực lượng truyền giáo coi trọng giáo dục, không những thấm nhuần tư tưởng thần học mà còn tinh thông các lĩnh vực khoa học khác nhau, nên khi đặt chân đến Đàng Trong, các thừa sai Dòng Tên đã vận dụng triệt để chính sách thích nghi với văn hóa bản địa và đường lối “học thuật truyền giáo”, tức sử dụng các kiến thức khoa học của châu Âu để chinh phục đức tin của giới cầm quyền và cả dân chúng các quốc gia này. Đồng thời, các nhà truyền giáo cũng là một trong những “nhịp cầu” giao lưu văn hóa quan trọng nhất, đúng như tác giả Nguyễn Văn Kiệm đã từng khẳng định: “Bên cạnh mang đến niềm tin về sự cứu rỗi, các giáo sĩ phương Tây cũng mang đến cho xã hội nông nghiệp Việt Nam những tiếp xúc đầu tiên với các yếu tố văn hóa phương Tây bởi tôn giáo là một phương diện của văn hoá và mọi sự tiếp xúc tôn giáo đều có thể được coi là tiếp xúc văn hoá” [15, tr. 34].

     Quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII đương thời đã tạo ra nhiều tác động trên nhiều phương diện khác nhau. Trên phương diện chính trị – quân sự, sự du nhập của những thành tựu khóa học kỹ thuật phương Tây, đặc biệt là vũ khí, kỹ thuật đúc súng, đã giúp chính quyền Chúa Nguyễn “hiện đại hóa” nền quân sự Đàng Trong. Minh chứng rõ ràng là việc đẩy lùi được những đợt tấn công của quân Trịnh và sau đó là thỏa thuận “đình chiến”, phân chia khu vực cai quản đã giúp chúa Nguyễn duy trì được tình hình chính trị ổn định trong một thời gian dài, đồng thời củng cố nền thống trị của mình trên vùng đất mới được khai lập ở phương Nam. Và chính vũ khí và kĩ thuật quân sự mà chúa Nguyễn tiếp nhận được từ người phương Tây đã là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên điều đó. Trên phương diện kinh tế – xã hội, khoa học kĩ thuật của phương Tây cũng thâm nhập vào thủ công nghiệp nhà nước khi người ta nhận thấy sự có mặt của người phương Tây trong công xưởng chế tạo vũ khí của chính quyền Đàng Trong ở Thuận Hóa để giúp chúa Nguyễn đúc các loại đại bác phương Tây. Bên cạnh đó, sự du nhập của Thiên Chúa giáo và khoa học, kĩ thuật châu Âu vào Đàng Trong đã làm thay đổi thành phần xã hội cũng như cơ cấu nghề nghiệp của người Việt ở Đàng Trong trong giai đoạn này. Quá trình tiếp cận và tiếp thu một số lĩnh vực khoa học kĩ thuật phương Tây cũng đã làm xuất hiện một bộ phận người trong xã hội làm các ngành nghề mới như sửa chữa đồng hồ phương Tây, đúc súng, đóng thuyền, xây dựng công trình kiến trúc phương Tây… Trên phương diện văn hóa, đối với người Việt ở Đàng Trong, quá trình giao lưu văn hóa với phương Tây đã giúp cho họ mở rộng hiểu biết về các lĩnh vực khoa học kĩ thuật mà đương thời người phương Tây có ưu thế hơn so với người bản xứ. Không những thế, quá trình tiếp thu các thành tựu văn hóa phương Tây, đặc biệt là Thiên Chúa giáo cũng như chữQuốc ngữ mà các giáo sĩ phương Tây góp phần sáng tạo nên ở một mức độ nhất định đã làm phong phú nền văn hóa của người Việt ở Đàng Trong.

     Tuy nhiên, sự du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong Việt Nam thế kỷ XVII, XVIII ở một góc độ nhất định cũng bộc lộ những hạn chế:

     Thứ nhất, sự du nhập của các thành tựu văn hóa phương Tây trong giai đoạn này, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, mặc dù đã góp phần nhất định trong việc làm phong phú đời sống tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí còn trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng của một bộ phận dân chúng Đàng Trong thời bấy giờ, nhưng chính nó cũng tạo nên sự xáo trộn lớn trong xã hội, dẫn tới việc ban hành và thực thi chính sách cấm đạo Thiên Chúa của chúa Nguyễn. Trên thực tế, ngay từ khi du nhập vào Đàng Trong, Thiên Chúa giáo đã thể hiện không ít sự khác biệt và xa lạ với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Một số nhà truyền giáo không có tư tưởng cởi mở hoặc thiếu sự thích nghi với văn hóa bản địa đã công khai bày tỏ thái độ phản đối đối với các hoạt động thờ cúng tổ tiên, thần linh, thành hoàng… của người Việt và cho đó là mê tín dị đoan. Trong khi đó, giới cầm quyền Đàng Trong đương thời cũng nhận ra được sự mâu thuẫn giữa thần quyền của Thiên Chúa giáo với vương quyền của dòng họ mình. Chính từ những nguyên nhân trên, nên trong các thế kỉ XVII, XVIII, việc cấm đạo Thiên Chúa đã không ít lần được chúa Nguyễn tiến hành. Điều đó chắc chắn đã gây nên một sự xáo trộn lớn trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống của dân chúng Đàng Trong lúc bấy giờ.

     Thứ hai là tính không toàn diện của quá trình du nhập. Trên thực tế, trong khoảng gần hai thế kỉ, người Việt ở Đàng Trong đã tiếp cận và tiếp nhận một số thành tựu của phương Tây như tôn giáo, ngôn ngữ, toán học, thiên văn, y học, kĩ thuật chế tác đồng hồ, chế tạo vũ khí, … Đặc biệt, trong từng lĩnh vực đó, việc giao lưu, tiếp biến cũng chưa thực sự sâu sắc. Chính vì vậy, khi bàn về kết quả của quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong trong các thế kỉ XVII, XVIII, học giả Trương Bá Cần nhấn mạnh: “Vai trò của các thừa sai Dòng Tên ở trong triều đình Chúa Nguyễn cũng chỉ giới hạn ở một vài công việc như tính toán sự di chuyển của các vì sao có thể trông thấy được hoặc chữa bệnh cho nhà vương và các người trong hoàng tộc theo phương pháp Tây y cũng như chăm sóc và cai quản bầy chó của triều đình. Còn về việc đem khoa học kĩ thuật của Tây phương vào Đàng Trong thì có thể nói là chưa có gì” [10, tr. 529].

     Thứ ba, các thành tựu văn hóa phương Tây truyền vào Đàng Trong trong giai đoạn này, đặc biệt là khoa học kĩ thuật chỉ được tiếp nhận và phổ biến trong bộ phận giới cầm quyền, quý tộc, quan lại và trí thức Nho học. Cần phải thấy rằng, ngoại trừ Thiên Chúa giáo có sức lan tỏa và ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ dân chúng trong xã hội Đàng Trong thời bấy giờ, còn lại các thành tựu khác của phương Tây chỉ được lưu hành trong một phạm vi nhỏ trong phủ Chúa và chủ yếu cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu hoặc thỏa mãn sự hiếu kì của giới thống trị và tầng lớp thượng lưu trong xã hội Đàng Trong thời bấy giờ.

4. Kết luận

     Trong thế kỉ XVII, XVIII, theo bước chân của các nhà truyền giáo và thương nhân Âu châu, các thành tựu văn hoá phương Tây đã du nhập vào Việt Nam nói chung và Đàng Trong nói riêng. Quá trình này có những bước phát triển đáng kể dưới sự tác động của một số nhân tố. Thứ nhất đó là sự chủ động truyền bá các giá trị văn hóa phương Tây, từ tôn giáo, ngôn ngữ đến khoa học kĩ thuật của giáo sĩ và thương nhân phương Tây. Thứ hai, tính cách cởi mở, phóng khoáng của người Đàng Trong cùng với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn đã giúp Đàng Trong trở thành khu vực tiếp xúc và giao lưu văn hóa với phương Tây một cách mạnh mẽ trong giai đoạn này. Kết quả của quá trình trên là sự du nhập và bám rễ vững chắc của Thiên Chúa giáo, dù trải qua nhiều sóng gió được tạo ra từ chính sách cấm đạo của chúa Nguyễn, để trở thành một tôn giáo được tổ chức quy cũ, thu hút số lượng không nhỏ dân chúng Đàng Trong tin theo. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ cũng là một kết quả quan trọng của quá trình du nhập văn hoá phương Tây vào Đàng Trong. Ngoài ra, trong thế kỉ XVII, XVIII, các thành tựu khoa học kĩ thuật châu Âu như đúc súng, đóng tàu, thiên văn học, y học… thông qua vai trò “cầu nối” của người phương Tây cũng đã từng bước được người Việt tiếp nhận. Tuy có một số hạn chế nhất định, nhưng nhìn chung kết quả của quá trình du nhập các thành tựu văn hóa phương Tây trong giai đoạn này đã có ảnh hưởng nhất định đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa Đàng Trong, tạo tiền đề vững chắc cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa ở các giai đoạn tiếp theo.

___________
1. The University of Danang – University of Science and Education (Tran Thi Minh Le, Truong Anh Thuan).

2. Hòa Lan (nguyên văn trong tài liệu) hay còn gọi là Hà Lan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Li Tana, Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỉ 17-18, NXB Trẻ, 2013.

     [2] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2019.

     [3] Hoster B., Kuhlmann D., Wesolowski Z. (eds.), Rooted in Hope: Festschrift in honor of Roman Malek S.V.D. on the occasion of his 65th birthday, vol. 1, Oxon – New York: Routledge, 2017.

     [4] Charles B. Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, NXB Thế giới, 2011.

     [5] Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Ủy ban đoàn kết Công giáo, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1994.

     [6] Truong Anh Thuan. “Processes of Receiving Western Astronomy in China and Vietnam”, Vestnik of Saint Petersburg University. History, vol. 65, iss. 2, 2020, (469–490).

     [7] Truong Anh Thuan, Nguyen Van Sang, “A comparison of the missionary method and cultural integration of Jesuits: A study in China and Vietnam during the 16th and 17th centuries”, Vestnik of Saint Petersburg University. Philosophy and Conflict Studies, vol. 36, issue 2, 2020, (407–421).

     [8] Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc Ngữ 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, 1972.

     [9] Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 100 năm chữ quốc ngữ ở Việt Nam, Đà Nẵng, 2019.

     [10] Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập 1, NXB Tôn giáo, 2008.

     [11] Saraiva L, Europe and China: Science and Arts in the 17th and 18th Centuries, World Scientific Publishing, Singapore, 2013.

     [12] Montézon, F., Estève, E., Rhodes, A., Tissanier, J., Saccano, M, Mission de la Cochinchineet du Tonkinavec gravure et carte géographique. Paris: Charles Douniol Éditeur, 1858.

     [13] Merrill E. D. Loureiro and His Botanical Work, Proceedings of the American Philosophical Society Vol. 72, No. 4 (Apr., 1933), (229-239).

     [14] Maybon C. B, Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820), Typographie Plon-Nourrit et cie, 1919.

     [15] Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2011.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Đại học Đà Nẵng,
Vol. 19, No. 8, 2021, ISSN 1859-1531

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Quá trình du nhập văn hóa phương Tây vào Đàng Trong thế kỷ XVII, XVIII
(Tác giả: Trần Thị Minh Lệ, Trương Anh Thuận)