Quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1917 – 1929
FORMATION ET EVOLUTION DU SYSTEME EDUCATIF FRANCOVIETNAMIEN SOUS LE REGIME COLONIAL DURANT LA PERIODE 1917-1929
Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN THANH HÙNG
(Khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế);
Cử nhân ĐINH THỊ PHƯƠNG LOAN
(Khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)
TÓM TẮT
Giáo dục luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong đó, giáo dục Pháp-Việt năm 1917-1929 được xem là một trong những giai đoạn có nhiều khởi sắc nhất đối với nền giáo dục Việt Nam, khi có những đóng góp tích cực về mặt giáo dục mà người Pháp để lại trên quốc gia Việt Nam. Trong đó, nền giáo dục phong kiến truyền thống dần bị thay thế bằng một nền giáo dục mới, mang tính chất thực dân-Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ đó, giúp người dân tiếp cận được với những nền văn minh trên thế giới thoát khỏi được tư tưởng phong kiến, lạc hậu.
Từ khóa: Quá trình hình thành, giáo dục, Pháp-Việt, năm 1917-1929.
RÉSUMÉ
L’éducation a toujours joué un rôle essentiel dans la formation et le développement d’un pays, d’une nation. Au niveau national, quant au Vietnam, la période 1917-1929, avec au premier plan le système éducatif franco-vietnamien, étant considérée comme l’une des étapes clés de grand développement pour l’éducation nationale. Pour laquelle on tient à souligner les contributions actives de la part des Français au profit du Vietnam de l’époque. Ce qui a conduit à un grand changement : l’école traditionnelle, marquée par le confucianisme et le monarchisme, cédant peu à peu la place à un nouveau système éducatif de nature coloniale, orienté vers l’industrialisation et la modernisation du pays. Sur ce, les habitants indigènes ont eu l’opportunité de se libérer des références féodales et surannées pour progresser dans la découverte de nouvelles valeurs relevant d’autres civilisations ou cultures dans le monde.
Mots-clés: processus de formation, éducation franco- vietnamienne, période 1917-1929.
x
x x
1. Mở đầu
Giáo dục luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, giáo dục đã tồn tại, phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc và luôn đóng vai trò quan trọng như một trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp cho nền văn hiến lâu đời của đất nước. Trải qua các thời kỳ: thời tiền sử, thời trước Bắc thuộc, thời Bắc thuộc, thời độc lập trung đại và cận đại, thời thuộc Pháp và thời độc lập hiện đại, nền giáo dục đã có những thay đổi rất lớn. Trong đó, có thể kể đến giai đoạn giáo dục Pháp-Việt những năm 1917-1929. Từng phải đương đầu với âm mưu xâm lược và đồng hóa của thực dân như các chính sách ngu dân, các trào lưu giáo dục của những nhà yêu nước… song vẫn giữ được những truyền thống dân tộc tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc những gì tinh túy nhất của các trào lưu văn minh nhân loại để hình thành một nền giáo dục đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ và xây dựng đất nước, vừa có khả năng hội nhập vừa bảo toàn bản sắc dân tộc của riêng mình. Bài viết phân tích quá trình hình thành và phát triển của nền giáo dục Pháp-Việt (nền giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp) trong giai đoạn từ năm 1917-1929 và những ảnh hưởng của nó đến đời sống của người dân.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Bối cảnh lịch sử Việt Nam giai đoạn 1917-1929
Ngày 1-8-1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ ở châu Âu, rồi nhanh chóng lan ra khắp thế giới, lôi cuốn vào vòng chiến hầu hết các nước đế quốc và thuộc địa. Nước Pháp tham chiến, vì vậy phải huy động tối đa sức người sức của trong nước và các thuộc địa để cung cấp cho nhu cầu chiến tranh. Thuộc địa Việt Nam chịu chung số phận đó. Phong trào cách mạng Việt Nam sau những đợt khủng bố trắng của kẻ thù trước năm 1914 đang lâm vào thời kì thóai trào. Các cơ sở cách mạng trong nước tan rã gần hết. Các nhà tù chật ních các chiến sĩ yêu nước, cách mạng. Còn ở ngoài nước, thực dân Pháp câu kết với nhà cầm quyền Nhật Bản, Trung Quốc để săn đuổi, truy lùng, bắt bớ các nhà cách mạng Việt Nam. Về kinh tế, cùng với việc thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác lần thứ nhất (1897-1914), một số nhà máy, công xưởng đã mọc lên trên xương máu của nhân dân ta. Một số đường sá, cầu cống… cũng được xây dựng để phục vụ cho công cuộc khai thác bóc lột của chúng. Giữa lúc đó, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ đã khiến thực dân Pháp phải thay đổi chính sách đối với Việt Nam về mọi mặt chính trị – quân sự, kinh tế – tài chính cũng như về văn hóa – xã hội để phục vụ trực tiếp cho mục đích tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực trong nhân dân ta, cung cấp cho nhu cầu ngày càng lớn và càng cấp bách của chiến tranh đế quốc (Lâm và nnk., 2008, tr. 183).
Tuy nhiên, mặc dù là một nước thắng trận, nước Pháp bước ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất với những tổn thất nặng nề về kinh tế và tài chính. Chiến tranh đã tàn phá hàng loạt các nhà máy, cầu cống, đường sá và làng mạc trên khắp đất nước. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị đình trệ; hoạt động thương mại bị sa sút nghiêm trọng. Sau chiến tranh, Pháp đã trở thành một con nợ lớn, trước hết là của Mĩ. Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng đã tiêu huỷ hàng triệu phơrăng đầu tư của Pháp ở nước ngoài. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917), thị trường đầu tư lớn nhất của nước Pháp tại châu Âu cũng không còn nữa. Thêm vào đó là nạn lạm phát, sự leo thang của giá cả và đời sống khó khăn đã làm trỗi dậy các phong trào đấu tranh của các tầng lớp lao động Pháp chống lại chính phủ. Trước tình hình đó, để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục nền kinh tế, chính quyền Pháp một mặt ra sức tìm các biện pháp thúc đẩy sản xuất ở trong nước, mặt khác tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa, trước hết và chủ yếu là ở các nước Đông Dương và châu Phi. Về thời gian, đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp chính thức được triển khai từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và kéo dài cho đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933), tức là trong khoảng 10 năm (1919-1929).
Trong đợt khai thác lần thứ hai, thực dân Pháp tiến hành đầu tư ồ ạt vào các ngành kinh tế, chính trị, giáo dục Việt Nam với một tốc độ nhanh hơn và quy mô rộng lớn hơn đợt khai thác lần thứ nhất (Aumiphin, 1994, tr. 57). Với chủ trương thực hiện việc cải cách nền giáo dục tại Việt Nam, thiết lập nền giáo dục Pháp-Việt với mục đích đào tạo ra một nguồn nhân lực đủ mạnh để phục vụ trong bộ máy cai trị. Chính sách cải cách giáo dục của những nhà cầm quyền Pháp trong chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã cố gắng dung hòa hai nền giáo dục Pháp-Việt và phong kiến nhưng kết quả đạt được đều đi ngược lại với những nổ lực hy vọng của họ.
2.2. Tình hình giáo dục giai đoạn 1917-1929
Giai đoạn 1917-1945, đánh dấu đợt cải cách giáo dục lần thứ hai bằng việc thiết lập chương trình giáo dục Pháp-Việt, mở đầu bằng sự kiện ngày 21/12/1917 Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký nghị định ban hành Học chính Tổng quy. Văn bản được xem như bộ luật giáo dục, dày 282 trang, với mục tiêu thống nhất nền giáo dục bản xứ, tiến tới xóa bỏ nền giáo dục cũ. Đến tháng 3-1918, ông gửi thông tri triển khai nội dung chương trình giáo dục mới cho tất cả các tỉnh thành 3 miền Bắc, Trung, Nam để áp dụng thực hiện (Báu, 2006, tr. 83). Cũng trong thời kỳ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, trào lưu giáo dục Duy Tân yêu nước của Phan Bội Châu và Lương Văn Can, Nguyễn Quyền đã khởi xướng cho khuynh hướng thực học, sử dụng chữ quốc ngữ trong dạy và học, tiếp cậnvới các khoa học tự nhiên và kỹ nghệ, từ bỏ lối học từ chương khoa cử.
2.2.1. Thời kì từ năm 1917-1919
Chính quyền Đông Dương gắn việc đào tạo trong nhà trường với yêu cầu phục vụ cuộc chiến tranh đế quốc đang diễn ra ngày càng ác liệt. Các trường kĩ thuật được đặc biệt chủ trong, như các trường kĩ nghệ Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Biên Hoà. Các trường này được tăng ngân sách, bố sung thêm giáo viên chuyên môn người Pháp. Từ năm 1915, chính quyền Đông Dương mở rộng các trường tiểu học Pháp-Việt ở các tỉnh lị, tăng cường các trường Sư phạm ở Hà Nội và Sài Gòn để đào tạo công chức người Việt cho bộ máy chính quyển. Hệ thống các trường tiểu học Pháp-Việt thay thế dần nền Hán học cũ. Sự thay thế này đã được chuẩn bị từ trước với việc bỏ thi Hương ở Nam Định (1915), Thanh Hóa (1918) và bỏ hẳn thi Hội ở Huế (1919).
Đến năm 1917, nhà cầm quyền Pháp mới thành lập trường cao đẳng sư phạm đầu tiên tại Hà Nội nhằm đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm sơ cấp, trường cao đẳng tiểu học trong cả nước, học trình 3 năm đào tạo 2 ban chuyên môn: Ban Văn Chương và Ban Khoa học. Trong chương trình đào tạo các lớp sư phạm, Pháp đã đưa một số tri thức GDH cơ bản ở phương Tây đương thời vào giảng dạy như: lịch sử giáo dục, tâm lí giáo dục, xã hội học sư phạm, sư phạm học đại cương, quản lí học đường và trách nhiệm nghề nghiệp, vệ sinh đại cương và vệ sinh học đường. Từ những phân tích trên có thể thấy, sự phát triển của hệ thống sư phạm với yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của giáo viên (Tâm, 2019).
Các trường nữ học Sài Gòn, Huế được mở vào năm 1917. Song song với các chủ trương trên, chính quyền Đông Dương bắt đầu mở rộng trường Đại học đế đáp ứng nhu cầu của nền thống trị thực dân trong hoàn cảnh mới. Tháng 7/1917, Toàn quyền Albert Sarraut “mở rộng trường Đại học phổ thông để khai dẫn cho kẻ thượng lưu Việt Nam biết văn minh học thuật quý quốc” và gây cơ sở truyền bá thuyết Pháp-Việt hợp tác. Trường Pháp Chính trong “Đại học cục” làm nhiệm vụ đào tạo “ngạch quan cai trị” làm việc trong các công sở thực dân, hoặc của Nam triều. Tuy nhiên, trường Quốc tử giám ở Huế vẫn tồn tại, có nhiệm vụ dào tạo quan lại cho Nam triều, như hậu bổ, kinh lịch, thông phán, thừa phái v.v… làm việc tại các cơ quan tỉnh, phủ và huyện ở Trung Kỳ.
Chính quyền Đông Dương mở thêm các trường “Thực nghiệm nông nghiệp” ở Bến Cát (Nam Kỳ), Tuyên Quang (Bắc Kỳ), khoa Cao đẳng nông nghiệp ở “Đại học cục” để phục vụ cho việc khai thác nông nghiệp Đông Dương sau chiến tranh. Đồng thời với các công việc trên, “Phổ thông giáo khoa thư xã” cũng được thành lập có nhiệm vụ ra tạp chí Học báo, cho biên soạn sách giáo khoa các trường tiểu học sơ đẳng, tiểu học v.v… Trong những năm chiến tranh, chính quyền thực dân cũng chú trọng đến lĩnh vực văn hóa – tư tưởng.
Tháng 6/1915, “Thư viện truyền bá” được thành lập, bao gồm Đông Dương tạp chí (tuần báo văn chương khoa học và giáo dục) và “Trung Bắc tân văn” (thời báo chính trị, kinh tế), với nhiệm vụ truyền bá văn minh “Đại Pháp”, đề cao công ơn “khai hóa” của nước Pháp. Năm 1917, Đông Dương tạp chí đình bản, thay vào đó là tạp chí Nam Phong với cây bút chính là Phạm Quỳnh – cơ quan tuyên truyền chính thức cho đường lối chính trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Thông qua chiêu bài “yêu nước” phụng sự “Tổ quốc”, tạp chí Nam Phong đã mê hoặc được một số người còn bế tắc hay mơ hồ về con đường đi của riêng mình. Dẫn đến việc lờ đi những chính sách thống trị tàn bạo đẫm máu của đế quốc Pháp đối với nhân dân Việt Nam và quay qua hợp tác, làm tay sai cho thực dân Pháp.
Tiếp theo sau đó vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1918), cùng với sự biến đổi trong kinh tế và cơ cấu giai cấp xã hội, tình hình giáo dục, đời sống tư tưởng, văn hóa và tâm lí ở Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến. Trong đó, có những chuyển biến trong giáo dục cụ thể: Trong thời kì thực hiện cải cách giáo dục thứ hai (1917-1929), thực dân Pháp chủ trương nhanh chóng xoá bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học (trên thực tế kì thi Hương cuối cùng kết thúc vào năm 1919), đồng thời tiếp tục mở rộng hệ thống giáo dục Pháp-Việt. Theo tinh thần bản “Học chính Tổng quy”, nền giáo dục bao gồm hai bộ phận: các trường Pháp chuyên dạy học sinh người Pháp theo chương trình “chính quốc” (Metropole) và các trường Pháp-Việt chuyên dạy người Việt theo chương trình “Bản xứ” (Indigène) (Báu, 1994, tr. 84).
2.2.2. Thời kì 1919-1929
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp tiếp tục gấp rút thực hiện công cuộc khai thác thuộc địa cũng như cải cách ở nước ta. Cụ thể về nền giáo dục, toàn bộ hệ thống giáo dục được chia thành ba cấp: tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học. Thời gian theo học các cấp của trẻ em được cụ thể hóa như sau: Cấp tiểu học 6 năm; sau khi hoàn thành chương trình tiểu học và thi đỗ, học sinh được nhận bằng tốt nghiệp tiểu học (Certificat d’Études Primaires) và được thi vào trường trung học. Ở bậc trung học, học sinh sẽ học trong 4 năm (trung học đệ nhất cấp) (Thư, 1997, tr. 71). Năm 1923, Merlin thay thế Albert Sarraut lên làm Toàn quyển Đông Dương đã có một số thay đổi và điều chỉnh trong chương trình cải cách giáo dục ở Việt Nam. Để củng cố và hoàn chỉnh một bước giáo dục trung học, năm 1927 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đặt thêm bằng Tú tài bản xứ, tức bằng Trung học đệ nhị cấp. Bằng Tú tài bản xứ được coi tương đương với bằng Tú tài thời đó quen gọi là Tú tài Tây học theo đúng chương trình dạy bên Pháp. Những người có bằng Tú tài bản xứ có thể thi vào các trường cao đẳng, đại học ở Đông Dương và cả ở Pháp. Bên cạnh các trường phổ thông (tiểu, trung học), chính quyền thuộc địa cũng chú ý xây dựng các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, như các trường Bách công, Bách nghệ (École pratique d’industrie). Ở một số thành phố lớn, các học sinh có bằng tốt nghiệp tiểu học được quyền thi vào các trường này.
Để thủ tiêu và thay thế các trường đào tạo quan lại theo kiểu phong kiến, thực dân Pháp đã giải tán hai trường “Sĩ hoạn” ở Hà Nội, “Hậu bổ” ở Huế vào năm 1917 và quyết định thành lập trường Pháp – Chính (École de Droit et d’Administration) để đào tạo các quan lại cai trị cho chính quyền thuộc địa ở Việt Nam và Đông Dương. Về mặt tổ chức, Trường Pháp – Chính trực thuộc Đại học Đông Dương, do Giám đốc Đại học Đông Dương quản lí. Cùng với trường Pháp – Chính, trong thời kì này một số trường cao đẳng khác đã được thành lập, thuộc các ngành Sư phạm, Công Chính, Thương mại. Năm 1918, Pháp thành lập thêm trường Cao đẳng Nông nghiệp; còn trường Y học Đông Dương sau 10 năm hoạt động cũng được đổi thành trường Kiêm bị cao đẳng Y – Dược. Điều này cho thấy, so với đầu thế kỉ XX, nền giáo dục Việt Nam trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất có nhiều thay đổi về hệ thống tổ chức, cơ cấu ngành nghề và nội dung đào tạo. Về số lượng trường học và những người đi học, đến niên khóa 1922-1923, tức là sau 5 năm thực hiện cải cách giáo dục lần thứ hai, ở Việt Nam đã có 3.039 trường tiểu học, 7 trường cao đẳng tiểu học và 2 trường trung học bao gồm: Trường Bảo hộ Hà Nội, trường nữ học Hà Nội, trường Quốc học Huế, trường nữ học Đồng Khánh (Huế), trường Satxơlu Lôba Sài Gòn, trường nữ học Sài Gòn, trường Mỹ Tho. Hai trường Trung học là trường Anbe Xarô Hà Nội (Albert Sarraut) và trường Satxơlu Loba (Sài Gòn) (Báu, 1994, tr. 92); số học sinh gồm 163.110 người. Từ niên khóa 1923-1925 đến 1930, số lượng học sinh tăng từ 187.000 người lên 434.335 người, trong đó có cả học sinh trường công và tư với các cấp từ vỡ lòng đến trung học (Giàu & nnk., 1963, 74-75). Riêng số lượng sinh viên mới chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong số những người đi học. Trong năm học 1922-1923, tổng số sinh viên các trường cao đẳng là 436 người, đông nhất là sinh viên các ngành Y – Dược (106 người) và Công chính (104 người), còn ngành Sư phạm có số lượng sinh viên đứng gần cuối bảng gồm 41 ngườivà Thú y 31 sinh viên. Đến niên khóa 1929-1930, lực lượng sinh viên tăng lên khoảng hơn một trăm, gồm 551 người (Thúy, 2017, tr. 220).
Ngoài ra, còn phải kể tới một bộ phận học sinh các trường chuyên nghiệp và kĩ nghệ thực hành. Tính đến năm học 1929-1930, riêng ở Bắc Kỳ có 900 học sinh chuyên nghiệp và học nghề. Đặc biệt phần lớn học sinh, nhất là học sinh các lớp cao (cao đẳng tiểu học, trung học) và sinh viên đại học đều là con em các gia đình giàu có hoặc có địa vị nhất định trong xã hội. Còn các gia đình nông dân nghèo may lắm cũng chỉ có khả năng cho con em theo học các lớp chữ Hán hoặc Quốc ngữ ở trường làng. Chính vì vậy, số trẻ em thất học vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn, khoảng 7-8 phần mười số người ở độ tuổi đi học. Cùng với học sinh, lực lượng giáo viên cũng tăng nhanh so với hồi đầu thế kỉ. Theo thống kê của chính quyền Pháp, năm 1930 ở Việt Nam có 12.000 giáo viên các cấp).
Bên cạnh đó trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ngoài các cơ quan và viện nghiên cứu đã được thành lập từ đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp còn xây dựng thêm một số cơ sở mới như: Túc mễ cục, Viện Hải dương học, và nhất là Hội đồng nghiên cứu khoa học (Conseil des recherches scientifiques) vào năm 1928. Thành phần của Hội hầu hết là các kĩ sư, bác sĩ, các nhà quản lí các cơ quan khoa học và giáo dục. Mục đích của các cơ quan và tổ chức khoa học này là nhằm tìm hiểu và khai thác các nguồn tài nguyên, của cải của đất nước ta, phục vụ yêu cầu lợi nhuận của các nhà tư bản Pháp. Qua đó cho thấy, hầu hết các chính sách của người Pháp đều hướng vào mục đích có lợi cho công cuộc khai thác thuộc địa của chúng.
2.3. Ảnh hưởng của nền giáo dục thời kì Pháp-Việt (1917-1929)
Trong suốt gần 12 năm, thực dân Pháp tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai trong chương trình khai thác thuộc địa tại Việt Nam (giai đoạn 1919-1929), chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp tích cực về mặt giáo dục mà thực dân Pháp để lại trên quốc gia Việt Nam.
* Đối với nền giáo dục:
Theo quá trình cải cách, nền giáo dục phong kiến truyền thống mang đậm yếu tố văn hóa Trung Hoa dần bị thay thế bằng một nền giáo dục mới, mang tính chất thực dân Công nhiệp hóa, hiện đại hóa và Âu hóa. Phát triển hình thức học đường mới, học chế giáo dục mới đã “ra đời” cùng với đó là sự xuất hiện và phát triển của các “mầm mống” lí luận giáo dục quốc dân do những tri thức yêu nước thành lập và dẫn dắt. Hơn nữa, các quan niệm giáo dục khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá vào Việt Nam đã trở thành nền tảng khoa học của Việt Nam. Sự tiến bộ về mặt nhận thức đối với giáo dục cùng với những lí luận giáo dục sơ khởi về phương pháp giáo dục, tổ chức và quản lí giáo dục ở giai đoạn này, chính là dấu mốc của nhận thức khoa học đối với giáo dục ở Việt Nam.
* Đối với tư tưởng của người dân:
Đợt cải cách giáo dục lần hai, việc đưa chữ quốc ngữ vào tiểu học đã giúp trẻ nhanh chóng biết đọc biết viết, hơn hẳn trước kia học chữ Hán khó nhớ. Chương trình học bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với tính hệ thống cao. Bên cạnh các trường phổ thông, Pháp còn lập ra trường dạy nghề để học sinh khó khăn khi học xong tiểu học có thể học nghề, tìm việc kiếm sống. Ảnh hưởng của văn minh phương Tây đã bị biến đổi ít nhiều đối với tư tưởng của người dân nó có phần “gần gũi”, “phù hợp” với bối cảnh văn hóa nước ta đương thời. Luồng gió mới này như một liều thuốc bổ, khai mở trí tuệ nhân dân ta để đón nhận một luồng văn hóa mới, đưa Việt Nam thóat ra khỏi vòng luẩn quẩn, lạc hậu của ý thức hệ Nho giáo phong kiến; ý thức được vai trò của giáo dục đối với sự phát triển của một dân tộc, là vũ khí không thể thiếu trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự tiến bộ vượt bậc về mặt tổ chức và lí luận giáo dục Việt Nam.
* Đối với chương trình giáo dục:
Chương trình giáo dục được quy định cụ thể về bậc học, môn học, thời lượng tham gia học,… đây là cơ sở quan trọng trong việc tiếp thu và kế thừa những di sản mô hình giáo dục tiến bộ mà người Pháp để lại trên mảnh đất Việt Nam. Bên cạnh đó, người Pháp đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống trường học được tổ chức theo chương trình giảng dạy phổ thông và dạy nghề khắp cả ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, từ đồng bằng đến miền núi đâu đâu cũng có trường học, vì thế đã góp phần giải quyết nạn mù chữ đối với con em thuộc mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội (Thư, 1997). Người Pháp đã cố công đào tạo để đem đến cho xã hội Việt Nam thời thuộc địa một đội ngũ tri thức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tham gia vào guồng máy cai trị của giới cầm quyền Pháp trên bán đảo Đông Dương nhưng đã vô tình tạo ra một tầng lớp tri thức yêu nước từng một thời dưới sự chở che của mái trường Pháp-Việt và chính những người này đã đứng lên đấu tranh, vạch trần âm mưu xâm lược của người Pháp trên quốc gia Việt Nam nói riêng và các nước Đông Dương nói chung (Thảo, 1995, tr. 137).
* Đối với văn hóa Việt Nam:
Việc yêu cầu người dân Việt Nam phải học bằng tiếng Pháp trong các cơ sở giáo dục đã vô tình giúp cho người dân Việt Nam tiếp cận được với các ngôn ngữ mới, vượt qua những rào cản của bất đồng về ngôn ngữ; có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp thu được các tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái,… góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam giao khoa với các nền văn hóa phương Tây. Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, sự du nhập của giáo dục phương Tây, trên hai mặt nhận thức và tổ chức nền giáo dục khoa học ở nước ta trước ngày cách mạng thắng lợi.
3. Kết luận
Ngay sau khi giành thắng lợi về mặt trận quân sự ở cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nhưng với những tổn thất nặng nề. Người Pháp đã đặt sự quan tâm sâu sắc về vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Bởi lẽ, họ nhận thấy rằng giáo dục Nho học là tảng đá lớn ngăn cản quá trình khai thác thuộc địa, đồng thời nơi nuôi giữ những giá trị văn hóa truyền thống trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi mà những nhà cách mạng Việt Nam yêu nước được sinh ra như: Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, … điều đó đòi hỏi họ phải có những cải cách kịp thời nhằm xóa bỏ nền giáo dục, tư tưởng Nho học và thay vào đó là những tư tưởng, bản chất, giá trị văn hóa của thực dân Pháp. Nhằm dần dần biến họ trở thành những kẻ tay sai, phục tùng cho chúng.
Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục đối với quá trình cai trị thuộc địa, thực dân Pháp đã đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách giáo dục Pháp-Việt lần hai ở Việt Nam từ năm 1917 đến 1929. Trong gần 12 năm cải cách, thực dân Pháp đã thành công trong việc xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục Nho học và thay vào đó là hệ thống giáo dục PhápViệt với 3 cấp học: Tiểu học; Trung học; Cao đẳng và Đại học. Thay hoàn toàn tiếng Việt bằng Tiếng Pháp trong các cơ sở trường học. Nhằm đào tạo ra một lớp người Việt thân Pháp đảm trách những công việc thông ngôn, thư ký trong các cơ quan hành chính từ trung ương xuống các địa phương. Những toan tính, mưu lợi trong chương trình cải giáo dục Pháp-Việt đã đi ngược ngoài sự mong đợi của người Pháp, bở lẽ vô tình chính mái trường Pháp-Việt mà người Pháp đã cố tâm xây dựng để đào tạo ra một lực lượng phục vụ trong bộ máy cai trị của chúng thì lại đào tạo ra một tầng lớp trí thức yêu nước chống Pháp. Bên cạnh đó, việc xóa bỏ hệ thống giáo dục Nho học và mở ra nền giáo dục mới đã giúp cho người dân Việt Nam có thể tiếp xúc được với nền văn hóa phương Tây, tiếp cận được với nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa, học hỏi và ứng dụng được các nền văn minh tiên tiến vào Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aumiphin, J.P, (1994), Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1858-1939), Hà Nội: Hội Sử học Việt Nam.
2. Báu, P.T. (1994). Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
3. Báu, P.T. (2006). Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
4. Giàu, T.V., Lâm, Đ.X., & Bá, K.X. (1963). Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập V. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
5. Lâm, Đ.X., Khánh, N.V., & Lễ, N.Đ. (2008). Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập II. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
6. Tâm, H.T. (2019). Bối cảnh lịch sử dẫn tiến giáo dục học vào Việt Nam,Tạp chí Giáo dục (Số đặc biệt tháng 12), tr. 140-144.
7. Thảo, T.V. (1995). L’École française en Indochine (Trường học Pháp ở Đông Dương). Paris: Nxb Karthala.
8. Thúy, T.T. (2017). Lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1930, Tập 8. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
9. Thư, N.T. (chủ biên). (1997). Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX,
nhà xuất bản đại học Huế, 2021
Conférence internationale
l’education Franco-Vietnamienne fin du XIXÈ – début du XXÈ siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1917 – 1929 (Tác giả: Nguyễn Thanh Hùng; Đinh Thị Phương Loan) |