Quan hệ thương mại của các nước phương Tây với đàng trong của Đại Việt ở các thế kỷ XVII-XVIII: Một số đặc điểm chính
Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐÌNH CƠ
(Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh)
Thế kỷ XVII – XVIII là giai đoạn phát triển sôi động của kinh tế Đại Việt nói chung, đặc biệt là kinh tế Đàng Trong nói riêng. Trong bối cảnh cần một lực đẩy để nhanh chóng nâng cao sức mạnh của mình trong thế đối sánh với Đàng Ngoài, nhằm giữ vững và phát triển vùng đất mới gây dựng, chúa Nguyễn đã có những chính sách thông thoáng kêu gọi và thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước phương Tây, phát triển nền kinh tế ngoại thương. Thời gian này, hầu hết các nền hải thương lớn của thế giới như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đều tìm đến, đặt vấn đề và tiến hành các hoạt động buôn bán với Đàng Trong. Đây là một hiện tượng đặc biệt chưa từng có trong lịch sử trước đó.
Từ khóa: Ngoại thương, chúa Nguyễn, phương Tây, Thế kỷ XVII – XVIII.
x
x x
Thế kỷ XVI, tận dụng thành quả của công cuộc phát kiến địa lý, các cường quốc hải thương Châu Âu(1) đã nhanh chân xâm nhập và từng bước phá vỡ mối giao thương truyền thống ở khu vực Châu Á. Cũng thời gian đó ở khu vực Đông Nam Á, hải trình buôn bán trên biển biển Đông đã có sự thay đổi: trước đây lộ trình truyền thống là đi dọc theo tuyến biển ven bờ biển Đông và Vịnh Bắc Bộ, bây giờ có thể đi từ “Nam Kinh đến Phúc Kiến rồi từ đó thẳng đến Chiêm Thành (cảng Nước Mặn), từ đó đến các quốc gia khác” (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam 2009: 126). Chính vì điều này các hải cảng ở khu vực Đàng Trong trở nên có vai trò quan trọng trong hệ thống giao thương của khu vực Châu Á. Ra đời trong bối cảnh quốc tế thuận lợi như vậy, Đàng Trong càng có điều kiện để hội nhập vào quá trình giao thương của khu vực và thế giới. Như nhận xét của Li Tana “Đàng Trong ra đời đúng thời đúng buổi, trong một “kỷ nguyên thương mại (Age of Commerce)” (Li Tana 1999: 85).
1. “Viễn chinh thương mại” gắn với “khuếch trương tôn giáo”
Từ giữa thế kỷ XVI, các nhà hàng hải Châu Âu đặt chân lên Đại Việt ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là vùng đất Đàng Trong của chúa Nguyễn. Trong giai đoạn đầu, những người tìm đến đây hoặc là thương nhân, hoặc là giáo sĩ. Có thể mục đích quan tâm khác nhau nhưng một điểm chung là hai con người thương nhân và giáo sĩ khó mà tách bạch một cách rạch ròi, như nhận định của Charles Maybon (2006: 13): “… Không thể đặt thành vấn đề nghiên cứu chi tiết công cuộc truyền giáo của những người này cũng như hoạt động kinh doanh của những người kia; chúng ta sẽ chỉ cố nêu ra những nỗ lực của họ tỏ ra đáng quan tâm đối với lịch sử Đàng Trong và Đàng Ngoài”.
Bồ Đào Nha là quốc gia Châu Âu đi đầu trong việc xâm nhập vào nền hải thương ở khu vực Châu Á. Với những ưu thế về kinh tế và sự hậu thuẫn của Giáo hoàng, thương nhân Bồ Đào Nha đã nhanh chóng chiếm được các vị trí huyết mạch trên con đường hải thương của Châu Á, như: Goa (1510) trên bờ biển Malabar (Ấn Độ), và Malacca (1511) nằm trong eo biển của Malaysia. Trên hành trình tìm kiếm thị trường, theo Cordier năm 1516, người Bồ đã tới Quảng Châu và cũng thời gian đó họ đã bắt đầu chú ý đến vùng biển Đại Việt (dẫn theo Nguyễn Thanh Nhã 2013: 397). Antonio de Faria ghé vịnh Touran (Đà Nẵng) năm 1535 đã nhận thấy đây là một nơi rất thuận tiện cho việc phát triển buôn bán: “một thành phố có tường bao quanh với khoảng mười nghìn nóc nhà” tại đây, có chừng 40 chiếc thuyền mành lớn có 2 – 3 bong thả neo và khoảng hai ngàn thuyền buồm có kích cỡ khác nhau (Charles Maybon 2006: 13).
Nửa đầu thế kỷ XVII là giai đoạn hoạt động tích cực của các giáo sĩ Dòng Tên ở xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn đã có nhiều chính sách thỏa mãn việc truyền giáo của các giáo sĩ, ngược lại các giáo sĩ lại lấy thương mại để bảo đảm tiến hành hoạt động truyền giáo. Linh mục Nguyễn Hồng cũng cho rằng: “Mãi lo củng cố binh lực để chống nhau với họ Trịnh, chúa Nguyễn không để ý đến vấn đề tôn giáo, các cha được tự do truyền đạo, lại còn được kính nể nữa là khác. Muốn giữ thương mại với người Bồ để có súng ống đạn dược, kim khí mà các cha là những người ở các tàu buôn đó vào nước Việt. Sự có mặt của các cha ở trong xứ là đảm bảo sự trở lại của tàu buôn người Bồ và nếu khi cần thiết, nhà chúa có thể dùng các cha làm trung tâm điều đình” (Nguyễn Hồng 2009: 51). Đầu năm 1615, giáo đoàn mới được thành lập, và theo Charles Maybon (2006: 14) thì có khoảng 180 giáo sĩ truyền giáo thuộc dòng này truyền giáo ở Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Trong giai đoạn đầu thế kỷ XVII, những giáo sĩ Dòng Tên như: F. Busomi, Carvalho, Borriw đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc khuyếch trương Kitô giáo và xây dựng giáo đoàn thịnh vượng ở Đàng Trong. Cuối năm 1624, một phái đoàn giáo sĩ Dòng Tên được cử vào Đàng Trong, trong đó có Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ người Pháp. “Ngay khi tới nơi, ông bắt tay vào học tiếng An Nam, và sau 6 tháng miệt mài, ông có thể giảng đạo cho dân bản xứ bằng tiếng nói của họ” (Charles Maybon 2006: 16). Bằng những phương thức khôn khéo và sự thông thạo tiếng Việt, A. de Rhodes đã tìm cách mua chuộc, kết thân, tạo được mối quan hệ gần gũi với những người trong giới cầm quyền, trong gia đình vua chúa và quan lại cao cấp, lôi kéo họ theo đạo để lấy chỗ dựa, đồng thời đặc biệt quan tâm đào tạo những “thầy giảng” người Việt để hỗ trợ việc truyền đạo. Tuy nhiên đến giai đoạn sau, A. de Rhodes đã gặp những trở ngại rất lớn. Chúa Nguyễn Phúc Lan (cầm quyền 1635 – 1648) “bắt đầu tỏ ra bất bình trước công cuộc truyền bá đạo Gia-tô và những người Bồ Đào Nha đã đưa cha De Rhodes sang thúc giục cha lên tàu trở về cùng với họ khi đã xong việc” (Charles Maybon 2006: 17). Từ đây công cuộc truyền đạo và buôn bán của các giáo sĩ Dòng Tên, cũng như của thương nhân Bồ Đào Nha ở vùng đất Đàng Trong bắt đầu gặp những trắc trở, thăng trầm. Năm 1639, theo lời tâu của trấn thủ dinh Quảng Nam, Công Thượng Vương (chúa Nguyễn Phúc Lan) ra lệnh buộc các giáo sĩ phương Tây phải rời khỏi Đàng Trong ngay lập tức, nếu “không tuân sẽ phải án tử hình” (Nguyễn Hồng 2009: 245). Sau đó chính quyền chúa Nguyễn còn một số lần trục xuất các giáo sĩ Dòng Tên khỏi lãnh thổ của mình (vào các năm 1641, 1645w), thậm chí trong năm 1644 một “thầy giảng” có tên là Andrea còn bị hành quyết (Nguyễn Hồng 2009: 165-168). Sau đó một năm (1645) giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng bị buộc phải rời khỏi Đàng Trong. Sau khi trở về từ An Nam, De Rhodes đã có những chuyến đi vận động Giáo hoàng ở Roma và giới cầm quyền Paris để nước Pháp (quê hương của ông) được Vatican cho phép truyền bá đức tin ở Đông Dương. Với những nỗ lực của De Rhodes, Hội Truyền giáo Thừa sai Paris (Pháp) đã nắm được ưu thế trong việc truyền đạo ở Đàng Trong và cả Đàng Ngoài. Năm 1672, từ nước Xiêm, giám mục Pallu liên tiếp dâng lên chúa Hiền (cầm quyền từ 1648 – 1687) nhiều thư và nhiều tặng phẩm đẹp. Chúa tỏ ý rất hài lòng và “cho phép các tu sĩ thuộc đoàn truyền giáo ngoại quốc ở lại trong xứ và xây dựng nhà thờ” (Charles Maybon 2006: 30). Để cụ thể hóa ưu thế của mình, năm 1676, giám mục Lambert được cử tới Đàng Trong với sứ mệnh thành lập giáo phận của Hội Thừa sai ở đây. Tuy đạt được những thành quả nhất định, nhưng các giáo sĩ Thừa sai vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng với các giáo sĩ Dòng Tên của Bồ Đào Nha ở đây. Charles Maybon (2006: 80) đã cho thấy sự ưu ái của các chúa Nguyễn đối với các giáo sĩ Dòng Tên: “Trong thế kỷ XVIII, người ta thấy nhiều giáo sĩ Dòng Tên được giao những chức vụ quan trọng trong triều đình họ Nguyễn”, như: Bartholomeu de Costa (thầy thuốc), Antonio de Arnedo (nhà toán học), Sana, Pires, De Lima, Neugebauer, Siebert, Slamenski, Kofflerw Phải đến khi Hội Dòng Tên bị giải tán (năm 1774), Hội Truyền giáo Thừa sai mới nắm được ưu thế trong việc truyền giáo ở vùng đất Đàng Trong. “Việc giải tán Hội Dòng Tên đã đem lại sự phát triển của Hội Truyền giáo Ngoại quốc một xung lực mới” (Charles Maybon 2006: 82). Từ đây bắt đầu quá trình dính líu của Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris tới tình hình Việt Nam và cuộc xâm lược của nước Pháp sau này.
2. Thiết lập quan hệ kinh tế thông qua các đại diện thương mại (các công ty Đông Ấn)
Thương nhân Bồ Đào Nha là những người Châu Âu đầu tiên tới buôn bán với Đàng Trong. Tuy nhiên, thương nhân người Bồ lại không thiết lập công ty đại diện thương mại hay thương điếm để buôn bán giống như các nước phương Tây khác. Họ thường thông qua tầng lớp môi giới trung gian để thu gom hàng hóa, thực hiện giao dịch. Cũng vì cách thức giao dịch này mà Poivre đã kết tội người Bồ Đào Nha là kinh doanh theo kiểu Hoa kiều, “chịu sự cúi mình theo những lề lói trong xứ, biến thành nô tỳ của những ông lớn” (dẫn theo Charles Maybon 2006: 135).
Khác với thương nhân Bồ Đào Nha, thương nhân các nước phương Tây đến sau đều tiến hành buôn bán thông qua các đại diện thương mại của họ ở phương Đông. Họ tìm mọi cách xin chính quyền Đàng Trong chấp thuận cho họ lập các thương điếm làm đầu mối trao đổi hàng hóa.
Các thương nhân Hà Lan biết đến thị trường Đàng Trong thông qua các lái buôn người Nhật. Năm 1618, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gửi thư cho công ty Đông Ấn Hà Lan (V.O.C) ở Malaca (Malaysia) đề nghị họ tới Đàng Trong buôn bán. Đây cũng là lúc quan hệ buôn bán giữa Hà Lan và Trung Quốc đang căng thẳng, vì vậy Hà Lan muốn tìm một khu vực buôn bán làm trung gian giữa Đông Nam Á và Trung Hoa. Năm 1633, V.O.C đã cử đại diện tới Hội An thăm dò thị trường và gửi quà biếu tới Sãi Vương (Nguyễn Phúc Nguyên). Năm 1636 Công ty Đông Ấn Hà Lan quyết định mở một “chi điếm do Abraham Duijckec làm thương nhân trưởng (opper – koopman) điều hành có mặt ở Quinam (Hội An, Quảng Nam – NĐC)” (Charles Maybon 2006: 36). Trong tháng 6/1636, có hai chiếc tàu của Hà Lan là Warmont và Le Gord đến cửa Hàn. Chúa Nguyễn tiếp đón tử tế, hứa sẽ cho Hà Lan vào buôn bán tự do và miễn thuế; nhưng khi thương nhân Hà Lan đặt vấn đề đòi lại những hàng hóa của một con tàu bị đắm trước đó ở quần đảo Hoàng Sa (Paracel), được Đàng Trong cứu hộ, thì chúa Nguyễn trả lời những sự kiện đó đã xảy ra từ thời chúa trước nên không nhắc đến nữa. Theo Daghregister: Từ năm 1633 đến năm 1637, mỗi năm có hai tàu Hà Lan tới Đàng Trong. Hai tàu này thường xuất phát từ Mirando, qua Tayuwan (cảng An Bình ở Đài Loan) tới Đàng Trong (dẫn theo Li Tana 1999: 109). Những mặt hàng mà người Hà Lan thường mang đến buôn bán là những mặt hàng Đàng Trong cần, như: đại bác, diêm tiêu, lưu huỳnh; dạ Châu Âu loại mịn; đồng bạc rénaux như tiền đồng, bạc nén và bạc đúc; hạt tiêu để xuất khẩu sang Trung Quốc; vải bông Ấn Độ, gỗ đàn hươngw Đổi lại, người Hà Lan mua tơ lụa và các mặt hàng thổ sản như kỳ nam, gỗ quý, xạ hương, vàng… mang về châu Âu (Li Tana 1999: 124). Tuy nhiên do một số bất đồng giữa chính quyền Đàng Trong với Công ty Đông Ấn Hà Lan, đỉnh điểm là sự kiện năm 1641 hai chiếc tàu của Hà Lan mắc cạn gần đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), “những người đi trên trên tàu phần lớn đều bị tống giam” (Charles Maybon 2006: 40), chi điếm của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Hội An đóng cửa. V.O.C quyết định đứng về phía chúa Trịnh ở Đàng Ngoài trong cả vấn đề thương mại cũng như quân sự để chống lại chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Cuối thế kỷ XV, nước Anh vươn lên trở thành một cường quốc thương mại của thế giới, cạnh tranh khốc liệt với các cường quốc hải thương khác (Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan). Trước nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển thương mại của thương nhân Anh, Công ty Đông Ấn Anh (EIC – East India Company) được thành lập vào năm 1600. Công ty Đông Ấn Anh bắt đầu chú ý đến Việt Nam từ thế kỷ XVII. Năm 1613, một chiếc thuyền của Anh do Peacok làm thuyền trưởng, mang theo quốc thư của hoàng gia và một số tặng phẩm xuất phát từ thương điếm của Anh ở Hirado (Nhật Bản) đã đến Hội An. Chúa Nguyễn nhận tặng vật, tiếp đãi tử tế và mua một số tấm dạ của thương nhân Anh, nhưng đáng tiếc khi về thì đoàn thương thuyền bị quân lính Đàng Trong tàn sát (Charles Maybon 2006: 43). Công cuộc buôn bán giữa EIC và Đàng Trong mới manh nha đã bị dập tắt. Đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, do những khó khăn trong việc buôn bán với Đàng Ngoài như hàng hóa đắt đỏ, việc thu gom hàng hóa không được tiến hành trực tiếp mà phải thông qua các quan lại địa phương, tài chính eo hẹp, hiệu quả kinh tế không rõ ràng…, ngày 24/11/1697, Công ty Đông Ấn Anh buộc phải đóng cửa thương điếm của mình ở Kẻ Chợ (Thăng Long) sau 25 năm thiết lập quan hệ buôn bán và bang giao (Hoàng Anh Tuấn 2016: 216). Thất bại trong công cuộc buôn bán với Đàng Ngoài, người Anh mới nghĩ tới việc tìm thị trường thay thế và nối lại việc buôn bán với Đàng Trong. Năm 1695, Thomas Bowyear đến Đàng Trong trên chiếc tàu Delphin mang theo quốc thư của Giám đốc Công ty Đông Ấn Anh gửi cho chúa Nguyễn. Bowyear được giao nhiệm vụ điều tra tình hình buôn bán ở Đàng Trong và yêu cầu chúa Nguyễn cho thương nhân Anh một số quyền lợi khi buôn bán(2). Sau 7 tuần chờ đợi, phái đoàn thương nhân của Anh mới được chúa Nguyễn tiếp đón. Chúa Nguyễn chưa dứt khoát về việc có cho thương nhân Anh lập thương điếm ở Đàng Trong hay không, số hàng hóa mà thuyền của thương nhân Anh mang đến bị trả lại, nợ đọng và thanh toán không sòng phẳng. Chuyến đi của Bowyear bị đổ vỡ. Năm 1702, để thực hiện mưu đồ của mình, Công ty Đông Ấn Anh cho lực lượng đánh chiếm Côn Đảo, vị trí chiến lược trên đường hàng hải quốc tế với âm mưu biến nơi đây thành một thương điếm trung chuyển hàng hóa, kiểm soát con đường thương mại quốc tế. Năm 1703, Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phúc Phan đã sử dụng lực lượng lính người Chà Và (Java) dùng kế trá hàng đánh đuổi quân Anh thu toàn bộ hàng hóa, kho tàng, lấy lại Côn Đảo (Quốc sử quán triều Nguyễn 1962: 115).
Thương nhân Pháp là những người đến sau trong nỗ lực tiếp xúc, thiết lập quan hệ buôn bán với Đàng Trong. Từ cuối thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Pháp đã có ý dòm ngó đảo Côn Lôn (Côn Đảo). Năm 1675, một thương nhân Pháp tên là Leroux đề nghị Pháp nên chiếm hòn đảo này. Năm 1686, Công ty Đông Ấn của Pháp đã cử Véret sang nghiên cứu mở một thương điếm của công ty để buôn bán ở Đàng Trong. Véret đề nghị chiếm lấy đảo Côn Lôn vì nơi này nằm trên đường hàng hải quốc tế, tàu bè đi lại thuận lợi. Nhưng Pháp chưa kịp thực hiện thì Anh đã nhanh chân chiếm trước và phải nhận lấy kết cục đau đớn (đã trình bày ở trên). Sang thế kỷ XVIII, tình hình buôn bán giữa các nước phương Tây với Đàng Trong sa sút. Tuy vậy Công ty Đông Ấn Pháp vẫn cố gắng liên lạc tìm mọi cách để thiết lập buôn bán với đàng Trong. Năm 1748, Pierre Poivre một thương nhân kiêm giáo sĩ được triều đình cử sang thâm nhập thị trường Đàng Trong. P. Poive đã có một bản báo cáo khá tỉ mỉ về vùng đất Đàng Trong, từ vị trí địa lý, tình hình chính trị, thuế khóa, phong tục, sản vật, con người…
Ông cho rằng đây là một thị trường béo bở cho thương nhân người Pháp kinh doanh kiếm lời. Một năm sau (năm 1749), P. Poive mới đặt chân đến Đàng Trong trên chiếc thuyền Machault. Chúa Võ Vương (Nguyễn Phúc Khoát) tiếp đón ông rất nồng nhiệt và xem các loại hàng hóa của công ty. Tuy nhiên do quá trình buôn bán phiền hà nên hàng hóa của ông rơi vào tay của các quan lại địa phương rất nhiều (Charles Maybon 2006: 99). Nỗ lực cuối cùng của P. Poive không mang lại nhiều kết quả.
3. Thương mại dựa trên chính trị
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh với Đàng Ngoài (có tiềm lực lớn gấp đôi, gấp ba) ngày càng trở nên khốc liệt(3), chính quyền chúa Nguyễn phải tìm một lực đẩy để đưa vùng đất mới nhanh chóng “trở nên giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được độc lập của mình đối với phía Bắc và mở rộng về phía Nam” (Li Tana 1999: 85). Ngoại thương trở thành động lực thúc đẩy kinh tế, làm biến đổi bộ mặt Đàng Trong, nâng cao vị thế của vùng đất này trong đối sánh với Đàng Ngoài và các quốc gia trong khu vực. Rất nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh đến vai trò của ngoại thương đối với sự biến đổi “thần kỳ” của vùng đất Đàng Trong, và coi đó như một cuộc thoát xác về mặt tư duy kinh tế của các chúa Nguyễn so với các triều đại phong kiến trước và cả nhà Nguyễn sau này. Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự khác biệt về mặt tư duy kinh tế của chúa Nguyễn trong giai đoạn này, đó là tư tưởng khoáng đạt của những người đi khai phá vùng đất mới, sự tác động từ yếu tố quốc tế (sự phát triển chung của nền hải thương khu vực)… Tuy nhiên, theo ý kiến của tác giả thì nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là xuất phát từ áp lực của cuộc chiến tranh với Đàng Ngoài. Chính quyền Đàng Trong cần đến những thương nhân phương Tây để cung cấp vũ khí, đặc biệt là đại bác. Các thương nhân phương Tây cũng rất am hiểu tình hình của Đại Việt lúc này, đặc biệt là bắt mạch được những mong muốn của chúa Nguyễn để làm cho quá trình buôn bán của mình ở Đàng Trong được thuận lợi.
Trong giai đoạn đầu Đàng Trong buôn bán chủ yếu với người Bồ Đào Nha, và thương nhân người Bồ cũng đã rất khôn ngoan trong việc lấy lòng chúa Nguyễn để có được những ưu đãi trong việc buôn bán. Theo nhận định của Li Tana thì đại bác của chúa Nguyễn hầu hết do xưởng sản xuất của người Bồ Đào Nha ở Ma Cao cung cấp thông qua các thương nhân và các giáo sĩ thừa sai phương Tây (Li Tana 1999: 61). Theo Boxer, “các nhà cầm quyền họ Nguyễn rất lo lắng làm sao để có được súng từ xưởng đúc súng nổi tiếng của Bocarro ở Macao. Xưởng này hoạt động vào các năm từ 1627 đến 1680 và sản phẩm được nhìn nhận là loại súng đồng tốt nhất tại phương Đông” (Li Tana 1999: 107). Không chỉ cung cấp đại bác cho chúa Nguyễn, người Bồ Đào Nha còn chuyển giao kỹ thuật đúc đại bác của họ cho Đàng Trong, giúp chúa Nguyễn lập xưởng đúc đại bác ở kinh đô Phú Xuân(4). Xưởng này do một thương nhân Bồ Đào Nha chỉ huy có tên là: Jean de la Croix. Ông chính là người đã giúp chúa Nguyễn cho ra lò những khẩu đại bác ngay tại Đàng Trong phục vụ cho cuộc chiến tranh chống lại quân Trịnh. Những lý do trên khiến cho “Chúa Đàng Trong tỏ ra thích để cho người Bồ đến buôn bán” (Cristophoro Bori 1998: 93).
Không chỉ người Bồ, thương nhân Pháp đến sau nhưng cũng nắm bắt được tâm lý của chúa Nguyễn, lấy đại bác làm tặng phẩm đi trước để xin thiết lập quan hệ với Đàng Trong: “bảy năm trước đấy, có hai khẩu được công ty Ấn Độ của Pháp thông qua đức giám mục Métellopolis gửi tặng cho nhà chúa” (Charles Maybon 2006: 74).
Theo lời kể của thương nhân Poivre người Pháp, “ông đã nhìn thấy xung quanh phủ 1200 khẩu đại bác; tất cả đều bằng đồng thau, trong số ấy có nhiều cỗ pháo cỡ khác nhau mang phù hiệu Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha” (dẫn theo Charles Maybon 2006: 74).
Đại bác không chỉ là quà tặng ban đầu để thiết lập quan hệ, các thương nhân phương Tây còn sử dụng nó như một thứ vũ khí trong buôn bán để được hưởng những đặc quyền khi trao đổi hàng hóa với Đàng Trong. Cũng theo ghi chép của Charles Maybon (2006: 74): năm 1689, Viện Nguyên lão ở Ma Cao quyết định tặng chúa Nguyễn hai cỗ đại bác bằng đồng thau mà người ta phải mua của giáo đoàn Dòng Tên bằng kinh phí của thành phố để đổi lấy một số miễn trừ về thuế má.
Không chỉ kiếm lợi từ bán vũ khí và chuyển giao kỹ thuật đúc đại bác, người Bồ Đào Nha được chúa Nguyễn ưu ái nhiều, cho hưởng nhiều đặc quyền trong buôn bán cũng như truyền giáo ở Đàng Trong, không loại trừ khả năng trong 45 năm chiến tranh khốc liệt với chúa Trịnh, thương nhân người Bồ đã có sự liên minh chặt chẽ với chúa Nguyễn, cũng giống như người Hà Lan đã liên minh với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Maybon đã có một sự nghi ngờ không phải không có cơ sở: “e rằng sẽ hồ đồ hơn nếu khẳng định người Đàng Trong đã nhận được sự giúp đỡ về mặt nhân lực, hoặc họ đã có những huấn luyện viên Bồ Đào Nha, nhưng sự việc không phải là không thể có. Thật vậy, trong những cuộc giao tranh giữa miền Bắc và miền Nam, người Đàng Trong đã sử dụng ít nhất một lần mưu mẹo sau đây: họ đặt trên một cao điểm những bù nhìn rơm trông giống như lính Bồ Đào Nha: bị gậy giả làm súng; và theo lời cha De Rhodes là người kể lại việc này, người Đàng Ngoài bị đánh lừa nên không giáp chiến. Nếu những người Đàng Ngoài đã có thể rơi vào cái bẫy như vậy, thì việc người Bồ Đào Nha giúp đỡ địch thủ của họ cũng không có gì là lạ” (Charles Maybon 2006: 67). Không chỉ với người Bồ, khi tiếp xúc với những thương nhân phương Tây đến buôn bán với Đàng Trong, chúa Nguyễn đều có đặt vấn đề giúp đỡ chính quyền của chúa để chống lại địch thủ, hoặc chí ít cũng không muốn họ buôn bán hay liên minh gì với Đàng Ngoài.
Như vậy, có thể thấy đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến là động lực lớn nhất thúc đẩy buôn bán giữa Đàng Trong với các nước phương Tây. Nhìn nhận như thế mới giúp chúng ta giải thích thấu đáo được nguyên nhân tại sao từ cuối thế kỷ XVII, đặc biệt là sang thế kỷ XVIII ngoại thương sa sút, thương nhân các nước phương Tây đến các hải cảng Đàng Trong giảm rõ rệt. Điều này có thể thấy rõ qua sự sụt giảm số lượng tàu thuyền hàng đến Đàng Trong nhất là từ giữa thế kỷ XVIII. Nếu như vào những năm 1740 – 1750, có từ 60 đến 80 thuyền buôn cập bến Đàng Trong mỗi năm, thì vào năm 1771 chỉ còn 16 thuyền, năm sau số thuyền giảm xuống còn 12 và năm 1773 chỉ còn 8 chiếc (Nguyễn Văn Kim 2006: 23). Khi mà áp lực của cuộc chiến tranh với Đàng Ngoài không còn (chiến tranh chấm dứt năm 1672) thì nhu cầu về vũ khí không còn đặt ra cấp bách và sự khoáng đạt trong tư duy về kinh tế của các chúa Nguyễn cũng bị mất dần. Những nguy cơ trong việc buôn bán với các thương nhân phương Tây (vấn đề truyền bá Thiên Chúa giáo, vấn đề chủ quyền…) trở thành mối lo ngại ngày càng lớn dần với chính quyền Đàng Trong đang bước vào thời kỳ củng cố sau chiến tranh khiến chúa Nguyễn mất dần sự mặn mà trong việc giao thiệp với thương nhân phương Tây. Nguyễn Thanh Nhã (2013: 426) cũng nhận định: “Chúng ta nên nhớ là sau cuộc đình chiến giữa hai thù địch, Đàng Trong và Đàng Ngoài, bắt đầu vào năm 1672, hoạt động của các thương điếm có mặt ở Việt Nam phải giảm dần nhịp độ. Sự vận hành của các thương điếm này, năm này qua năm khác, trở nên vất vả hơn, tốn kém hơn do các đòi hỏi và áp lực của các ông chúa, từ nay đã được giải thoát khỏi mối bận tâm tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài”.
4. Lời bàn
Trong thời gian từ thế kỷ XVII – XVIII, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngoại thương, các thương nhân phương Tây tìm đến với Việt Nam nói chung và Đàng Trong nói riêng ngày càng nhiều hơn. Nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường của các thương nhân gặp gỡ với mong muốn của chúa Nguyễn cần thúc đẩy buôn bán, nhanh chóng phát triển tiềm lực của mình trong thế đối sánh với Đàng Ngoài, tạo nên một thời kỳ phát triển mạnh mẽ chưa từng có của ngoại thương ở Đàng Trong. Tuy nhiên do mục đích lớn nhất của chúa Nguyễn trong việc mời gọi các thương nhân phương Tây vào buôn bán là để trang bị vũ khí cho quân đội, đặc biệt là đại bác, nên lúc nhu cầu đó không còn bức thiết (nhất là khi chiến tranh Trịnh – Nguyễn kết thúc năm 1672) quan hệ buôn bán giữa Đàng Trong và thương nhân phương Tây có dấu hiệu đi xuống. Dù sao trong hơn 1 thế kỷ tiếp xúc với thương mại phương Tây cũng đã tạo ra những chuyển biến đáng kể trong nền kinh tế cũng như xã hội Đàng Trong. Nhưng nhìn chung những chuyển biến này chưa đủ lớn để làm nên một cuộc cách mạng về kinh tế – xã hội ở Đàng Trong.
Chú thích:
(1) Đi đầu là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha sau đó là Hà Lan, Anh, Pháp.
(2) Thư của Giám đốc Công ty Đông Ấn Anh gửi Công Thượng Vương (chúa Nguyễn Phúc Chu) xin được ban cho công ty những đặc quyền mà công ty được hưởng ở các nước khác: nhượng đất để mở thương điếm, được xét xử những người Anh và người bản xứ có liên quan, không phải chịu thuế hải quan, có thể xây dựng bến cảng…
(3) Cuộc chiến diễn ra từ 1627 đến 1672, quân Trịnh đã 5 lần cho quân vượt sông Gianh tấn công Đàng Trong, trong khi chúa Nguyễn cũng 2 lần vượt giới tuyến tấn công ra Đàng Ngoài.
(4) Địa danh này, ngày nay thuộc địa bàn phường Đúc, thành phố Huế, cách kinh thành Huế khoảng 4km về phía Tây Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Charles, Maybon. 2006. Những người Châu Âu ở nước An Nam. Nguyễn Thừa Hỷ (dịch). Hà Nội: Nxb. Thế giới.
2. Cristophoro, Bori. 1998. Xứ Đàng Trong năm 1621. Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích. TPHCM: Nxb. TPHCM.
3. Hoàng Anh Tuấn. 2016. Thương mại thế giới và hội nhập Việt Nam thế kỷ XVI – XVIII. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
4. Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. 2009. Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt
Nam đến cuối thế kỷ XIX. Hà Nội: Nxb. Thế giới.
5. Lê Quý Đôn. 1973. Phủ biên tạp lục. Lê Xuân Giáo dịch. Sài Gòn: Ủy ban Dịch thuật Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.
6. Li, Tana. 1999. Xứ Đàng Trong – lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII. Nguyễn Nghị dịch. TPHCM: Nxb. Trẻ.
7. Nguyễn Hồng. 2009. Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam; quyển I (Các thừa sai Dòng Tên 1615 – 1663). Hà Nội: Nxb. Từ điển Bách khoa.
8. Nguyễn Thanh Nhã. 2013. Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII. Nguyễn
Nghị dịch. Hà Nội: Nxb. Trí Thức.
9. Nguyễn Văn Kim. 2006. “Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực”. Nghiên cứu Lịch sử, số 6.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn. 1962 (dịch). Đại Nam thực lục tiền biên. Hà Nội: Nxb.
Sử học.
11. Trịnh Hoài Đức. 1972. Gia Định thành thông chí. Sài Gòn: Nha Văn hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 11 (219), 2016
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Quan hệ thương mại của các nước phương Tây với đàng trong của đại việt ở các thế kỷ XVII-XVIII: Một số đặc điểm chính (Tác giả: Nguyễn Đình Cơ) |